Skip to content
Main Banner

Sứ điệp của Tổng Phục vụ cho Tuần Lễ Cầu nguyện cho sự Hiệp nhất Kitô giáo

Administrator
2019-01-12 00:00 UTC+7 47

Rôma ngày 18 tháng Giêng năm 2019

Anh em phải đặt cho các chi tộc của anh em những thẩm phán và ký lục trong mọi thành mà Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, ban cho anh em; họ sẽ xét xử dân cách công minh. Anh em không được làm sai lệch công lý, không được thiên vị ai và không được nhận quà hối lộ, vì quà hối lộ làm cho những kẻ khôn ngoan hóa ra đui mù và làm hỏng việc của những người công chính. Anh em hãy theo đuổi sự công chính, chỉ sự công chính mà thôi, để anh em được sống và được chiếm hữu đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, ban cho anh em. (Đnl 16: 18-20)

 

Các anh em thân mến của tôi trong Dòng Anh em Hèn Mọn, và tất cả các anh chị em và bạn hữu trong Gia đình Phan sinh.

Nguyện xin Thiên Chúa ban cho tất cả Anh Chị Em sự Bình an của Người!

“Anh em hãy theo đuổi sự công chính, chỉ sự công chính mà thôi,” (Đnl 16:20) là đề tài mà các cộng đoàn Kitô hữu Indonesia đã chọn cho Tuần lễ Cầu Nguyện cho sự Hiệp nhất của các Kitô hữu. Đây là một đề tài vừa trung thực vừa cấp bách. Trung thực, bởi vì, như Ủy ban soạn thảo nói rõ trong lá thư giới thiệu, “Mỗi một năm, các Kitô hữu ở khắp nơi trên thế giới đều tụ họp lại để cầu nguyện cho sự hiệp nhất được gia tăng. Chúng ta làm điều này trong một thế giới ở đó sự tham nhũng, tính tham lam và sự bất công dẫn đến tình trạng bất bình đẳng và chia rẽ. Lời cầu nguyện của chúng ta là một lời cầu nguyện hiệp nhất trong một thế giới rạn nứt.” Thật vậy, sự hiệp nhất trong cầu nguyện của chúng ta thì “có tác động mạnh.”

Chính ở đây mà chúng ta phải đương đầu với tính cấp bách của đề tài năm nay. Bởi vì bất cứ khi nào chúng ta mở mắt ra với những bất công chung quanh chúng ta – và chúng lây nhiễm cả chúng ta nữa bởi vì chúng ta cũng là những tội nhân đang rên siết ngóng trông sự thực hiện tràn đầy Vương quốc của Chúa (qc. Rm 8: 19-21)- chúng ta không biết làm gì hơn là nghe Thiên Chúa mời gọi chúng ta đi theo vết chân Người và, cùng với Người, tiếp tục sứ mạng của Người là đem Tin Mừng của tình yêu chữa lành của Chúa đến cho tất cả các con cái đang đau khổ của Người. Như các anh chị em của chúng ta ở Indonesia tiếp tục khẳng định,

“Trong một bối cảnh như thế, các cộng đoàn Kitô hữu gần đây đã ý thức sự hiệp nhất của họ khi có cùng một quan tâm chung và một câu trả lời chung cho một thực tại bất công. Đồng thời, khi đối đầu với những bất công này, chúng ta bó buộc, với tư cách là những Kitô hữu, xem xét lại những phương cách trong đó chúng ta là những đồng lõa. Chỉ khi chú tâm đến lời cầu nguyện của Đức Giêsu “Xin cho họ nên một” mà chúng ta có thể làm chứng cho việc sống “hiệp nhất trong khác biệt”. Chỉ qua sự hiệp nhất của chúng ta trong Đức Kitô mà chúng ta sẽ có khả năng chống lại sự bất công và phục vụ các nhu cầu của các nạn nhân của nó.”

Chúng ta không cần nhìn đâu xa để thấy những mẫu gương của sự hiệp nhất trong hành động trong thế giới của chúng ta. Thật vậy, nhiều người trong chúng ta đã dấn thân vào đó với các anh chị em của các cộng đoàn Kitô giáo khác, chẳng hạn, chúng ta cùng nhau đương đầu với các bất công của nạn buôn người ở Châu Á, khai thác mỏ đất quý ở Châu Phi, nạn phá rừng ở Châu Mỹ La-tinh, sự phân biệt chủng tộc ở Bắc Mỹ, và sự trù dập các di dân bởi sự nổi dậy các ý thức hệ mang tính dân tộc chủ nghĩa ở Châu Âu.

Lẽ dĩ nhiên chúng ta không dấn thân trong việc theo đuổi công lý như những người xa lạ với tội, vì một khẳng định như thế là một lời nói dối với Thiên Chúa (qc. 1 Gio 1:10). Chúng ta làm thế như những con người trao ban cách tự do những gì mà chính Thiên Chúa đã trao ban cho chúng ta cách tự do (qc. Mt 10:8): các món quà của sự đồng cảm và lòng nhân từ, sự thứ tha và hòa giải, và món quà là chính bản thân của chúng ta được trao ban để những người khác có thể nhân biết, ngay trong chính cuộc sống của họ, tình yêu tràn đầy của Thiên Chúa đối với họ. Tháng 07 năm vừa qua, tại thành phố Bari nước Ý, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nói đến cách rõ ràng tính năng động tràn đầy đức tin của tình trạng làm môn đồ, khi, cùng với các vị lãnh đạo Kitô giáo khắp Trung Đông, ngài nói đến ơn gọi chung của chúng ta như những Kitô hữu trong vùng đất đầy thống khổ này của thế giới

“Tôi rất cảm kích trong giây phút chia sẻ này. Như những người anh em và chị em, chúng ta đã giúp nhau cảm nghiệm lại cách mới mẻ sự hiện diện của chúng ta như những Kitô hữu ở Trung Đông. Sự hiện diện này sẽ mang nhiều tính tiên tri hơn, đến mức mà nó làm chứng cho Đức Giêsu, vị Hoàng tử của Hòa Bình (qc. Is 9:5). Đức Giêsu đã không rút gươm ra; ngược lại, Ngài yêu cầu các môn đệ Ngài xỏ nó vào bao (qc. Gio 18:11). Cách chúng ta xây dựng Giáo hội cũng bị những thái độ trần tục, sự lo lắng cho quyền lực và lợi ích, cho những giải pháp nhanh gọn và tiện lợi, cám dỗ. Và rồi còn có thực tại tình trạng tội lỗi của chúng ta, sự so le giữa đức tin và đời sống làm lu mờ chứng tá của chúng ta. Chúng ta cảm thấy cần phải có một sự hoán cải, một sự trở về lại với Tin Mừng bảo đảm cho sự tự do chân thật, và chúng ta cần làm điều này cách khẩn thiết khi mà Trung Đông đang trải qua một đêm hấp hối. Như trong cơn hấp hối của Đức Giêsu ở Giếtsêmani, không phải sự trốn chạy (qc. Mt 26:56) hoặc gươm đao (qc. Mt 26:52) sẽ dẫn đến rạng đông chói lọi của Phục sinh. Thay vào đó là sự trao ban chính bản thân của chúng ta, theo gương của Chúa chúng ta.”

“Theo gương của Chúa chúng ta...” Các lời này phải được vang vọng lại cách sâu thẳm trong tâm hồn chúng ta là những người mà Thánh Phúc Âm là Luật và Đời sống và, thật sự, chúng làm cho sự dấn thân của chúng ta vào công việc của Phong trào Đại kết có chiều sâu hơn: phục hưng lại sự hiệp nhất của Thân thể của Đức Kitô, một Thân thể đã bị chúng ta là những tội nhân phá vở ra từng mãnh. Như Công đồng Vaticanô II đã dạy, sự chia rẽ của chúng ta “phủ nhận một cách công khai ý muốn của Đức Kitô, gây vấp phạm cho thế giới và làm hại lý do của việc loan báo Tin Mừng cho toàn thể tạo thành (Unitatis redintegratio, 1).” Tin Mừng mà chúng ta rao giảng sẽ trở thành khả tín và hiệu nghiệm hơn trong thế giới của chúng ta tùy vào mức độ của chúng ta, các Kitô hữu, trong việc chúng ta có khả năng là (be) Thân thể duy nhất của Người. Một cách tương ứng, tùy vào mức độ mà chúng ta, những người Phan sinh, góp phần vào việc xây dựng lại sự hiệp nhất này, chúng ta sống cách tràn đầy hơn ân sũng của ơn gọi của chúng ta và trở thành (become)Tin Mừng này cho các người nữ và người nam của thế giới bị tổn thương của chúng ta.

Các anh em thân mến trong Dòng của tôi, và tất cả các chị em, các anh em và bạn hữu trong gia đình Phan sinh của chúng tôi, ước gì công lý của Tin Mừng là đối tượng mà chúng ta theo đuổi trong suốt Tuần lễ Cầu cho sự Hiệp nhất Kitô giáo này, và ước gì ân sũng linh hoạt cuộc theo đuổi này chữa lành chúng ta khỏi chính các tội lỗi của chúng ta và dẫn đưa chúng ta vào trong các mối dây hiệp thông sâu đậm hơn và manh mẻ hơn với tất cả những ai kêu cầu Danh Thiên Chúa, để lời cầu nguyện của Ngài được thực hiện trong chúng ta nhằm cho lợi ích của thế giới, một thế giới mà Ngài đã chết cho nó và đã sống lại:

“Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian. Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến. Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ ở trong chúng ta. Như vậy thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con.” (Gio 17: 18-21)

Với lời chúc lành cho tất cả các anh chị em trong việc phục vụ Tin Mừng

Bình an và mọi điều tốt lành.

 

Tu sĩ Michael A. Perry OFM

Tổng Phục vụ và tôi tớ

 

Alexis Trần Đức Hải, OFM, dịch

Chia sẻ