Skip to content
Main Banner

Thiên Chúa đã trở nên phàm nhân, để con người có thể trở nên Thiên Chúa

Administrator
2017-12-22 00:00 UTC+7 203

THƯ ANH TỔNG PHỤC VỤ
DÒNG ANH EM HÈN MỌN

 

ĐẠI LỄ GIÁNG SINH ĐỨC KITÔ GIÊSU, CHÚA CHÚNG TA

 

THIÊN CHÚA ĐÃ TRỞ NÊN PHÀM NHÂN,
ĐỂ CON NGƯỜI CÓ THỂ TRỞ NÊN THIÊN CHÚA

 

Chúng ta hãy đến Bêlem xem chuyện gì đã xảy ra

Năm nay, Hạt dòng Thánh Địa mừng Bát Bách Chu Niên ngày thành lập. Dòng Anh Em Hèn Mọn không thể phớt lờ biến cố đã thúc đẩy Anh Em Hèn Mọn đi truyền giáo. Tôi và anh Phó Tổng Phục Vụ đã muốn hiện diện giữa anh em, vì sứ điệp của Thánh Địa thách thức mọi Anh Em Hèn Mọn hiện nay. Ngôi Lời Thiên Chúa đã cắm lều ở giữa chúng ta và trở nên Con Người, ngõ hầu Thiên Chúa cư ngụ ở giữa nhân loại theo thánh ý của Chúa Cha. Tại Bêlem, Thiên Chúa mang bộ mặt loài người.

Verbum abbreviatum (Ngôi Lời khiêm tốn)

Thánh Phanxicô đã yêu cầu những Anh Em giảng thuyết hãy dùng ít lời (Luật 9,4). Thánh nhân lý luận như sau: Vì Chúa đã trở thành Ngôi Lời bé mọn. Trong quá khứ, Thiên Chúa đã nói nhiều lần và bằng nhiều cách qua các ngôn sứ. Qua các thế kỷ, Lời Thiên Chúa đã vươn ra. Nay Thiên Chúa đang nói qua Người Con, là Lời khiêm tốn. Lời trở nên xác phàm trong Chúa Giêsu và tóm tắt tất cả mạc khải: Thiên Chúa là tình yêu. Cha Guerric Igny, một đan sĩ dòng Xitô, đã viết: “Chúa Giêsu là lời rút gọn, sao cho mọi lời cứu độ được hoàn tất trong lời rút gọn, vì Người là Lời thực hiện và hoàn thành kế hoạch của Thiên Chúa. Chúng ta đừng ngạc nhiên, nếu Lời đã hoàn tất mọi lời mà các ngôn sứ đã nói với chúng ta, vì Lời đã muốn “rút gọn sứ điệp” và bằng cách đó, đã trở nên “bé nhỏ”. Đối với thánh Phanxicô, Anh Em Hèn Mọn phải công bố Lời Thiên Chúa nhập thể, lời khiêm tốn. Rút gọn Lời Thiên Chúa thì cũng tương tự như việc thánh Phanxicô và Anh Em làm cho mình trở nên bé nhỏ: Cách thức Rao Giảng của anh em Phan Sinh là làm cho mình trở nên hèn mọn, ít nữa là giống như Verbum abbreviatum (Ngôi Lời khiêm tốn) đã thực hiện.

Chúa Kitô nhập thể, ngay cả khi Ađam không phạm tội

Không giống như nhiều nhà tư tưởng Kitô giáo trong thời đại của mình, Duns Scotus, một môn đệ của thánh Phanxicô, đã bênh vực quan niệm cho rằng Con Thiên Chúa vẫn trở nên người phàm, cho dù nhân loại không phạm tội. Duns Scotus đã viết: “Khi nghĩ rằng Thiên Chúa hẳn đã từ bỏ công trình Nhập Thể, nếu Ađam đã không phạm tội, đó là một điều hoàn toàn vô lý! Do đó, tôi quả quyết rằng việc sa ngã không phải là nguyên nhân khiến Thiên Chúa tiền định cho Chúa Kitô nhập thể, và ngay cả khi chẳng có ai sa ngã – dù là thiên thần hay con người – thì theo giả thiết này, Chúa Kitô vẫn được tiền định theo cùng một thể thức ấy” (Reportata Parisiensia, trong III Sent., d. 7, 4). Đối với Duns Scotus là một nhà thần học lạc quan, mầu nhiệm Con Thiên Chúa nhập thể hoàn tất công trình tạo dựng. Quan niệm này thay đổi cách nhìn của chúng ta về toàn thể công trình tạo dựng, mà Thiên Chúa đã nâng lên tầm mức của Người. Chúng ta hãy xem xét hệ quả của tầm nhìn đó về phương diện sinh thái và môi trường. Tầm nhìn ấy thay đổi quan điểm của chúng ta về thế giới và các mối tương quan trong xã hội, theo viễn cảnh mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô gọi là “sinh thái học toàn diện”.

Sinh hạ tại Bêlem, vùng đất của nghịch lý

Bêlem là quê hương của bà Ruth. Bà đi mót những gié lúa mà thợ gặt làm vung vãi trên cánh đồng của ông Bôz. Điều đó đã làm cho ông chủ chú ý và yêu chuộng bà, và cuối cùng, ông đã kết hôn với bà, dù bà là người dân Moab, kẻ ngoại bang. Tình yêu của họ đã hạ sinh Obed, cha của Giesê, và Giesê là cha của vua Đavit. Trong gia phả vua Đavít và con của Đavít, có một người ngoại bang, đó là bà Ruth người Moab.

Ngôn sứ Mica đã tiên báo rằng, Đấng Mêsia sẽ xuất thân từ một ngôi làng nhỏ bé là Bêlem và ngôn sứ Isaia đã tuyên bố Đấng Mêsia được sinh ra bởi một trinh nữ (Parthenos trong bản dịch LXX) thuộc dòng dõi vua Đavít và trinh nữ gọi Người là Emmanuel, “Thiên Chúa ở với chúng ta”.

Ngôn sứ Samuen đến xức dầu thánh hiến vua Israen tại cánh đồng của ông Bôz, là nơi bà Rút đã mót lúa và Đavít dẫn đàn chiên đi ăn. Đó là nơi các mục đồng Bêlem đã sống ngoài trời suốt đêm để chăn giữ đoàn chiên, và đã tiếp nhận tin mừng Chúa Kitô giáng sinh: “Hôm nay, một Vị Cứu Thế đã sinh ra cho anh em”.

Hoàng đế Augustô nắm quyền cai trị thế giới và truyền lệnh mở cuộc điều tra dân số, trong khi Con Thiên Chúa đang được sinh ra, yếu đuối và mỏng giòn như mọi người khác. Người được sinh ra như một đứa trẻ ẩn danh, trong sự nghèo khó tại hang Bêlem. Sứ thần đem Tin Mừng không xuất hiện tại các cung điện của vua Hêrôđê hay với những kẻ có quyền thế trên thế giới, nhưng đã hiện ra với các mục đồng, là những kẻ bị người giàu và quyền thế khinh miệt.

Cớ vấp ngã của mầu nhiệm Thiên Chúa Nhập Thể

Các sấm ngôn đã tiên báo và ca ngợi Đấng Mêsia, ngay từ khi chào đời, là “hài nhi gánh vác quyền bính trên vai, danh Người là Cố Vấn kỳ diệu, Thiên Chúa hùng mạnh, Cha muôn thuở, Hoàng Tử Bình An”. Thế mà hài nhi lại xuất hiện yếu đuối, ẩn danh. Tại một hang động, một phụ nữ có thai đã sinh hạ một hài nhi. Không ai lưu ý, chẳng ai trong số những kẻ có uy thế đã quan tâm. Sau khi sinh, bà Mẹ Maria đã bọc hài nhi trong tã và đặt nằm trong máng cỏ.

Một con người chào đời giống như nhiều người khác, nhưng đây là việc chào đời của một con người mà chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể ban tặng cho chúng ta, một con người “vốn dĩ là Thiên Chúa” (Pl 2,6), một con người vốn là Ngôi Lời Thiên Chúa mặc lấy xác phàm. Từ lúc ấy, Thiên Chúa không chỉ hiện diện giữa chúng ta, mà còn là một người trong chúng ta, một người mặc lấy nhân tính chúng ta và làm bạn với hết mọi người.

Đây là mầu nhiệm mà chúng ta cử hành trong Đại Lễ Chúa Giáng Sinh: Đấng Tối Cao đã hạ mình xuống vì chúng ta; Đấng Vĩnh Cửu đã trở nên kẻ phải chết, Đấng Toàn Năng đã trở nên yếu đuối, Đấng Thánh liên đới với tội nhân, Đấng Vô Hình đã trở nên hữu hình. Thiên Chúa đã trở nên phàm nhân trong Chúa Giêsu, con bà Maria. Biến cố ấy đã làm nghi ngờ (khủng hoảng) về mọi mối tương quan, trong đó Thiên Chúa là Thiên Chúa, và con người là phàm nhân, vì Thiên Chúa tách biệt với con người do tính siêu việt. Với việc Chúa Giáng Sinh, nhân loại ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong nhân loại, và từ nay, chúng ta không thể nói và nghĩ đến Thiên Chúa mà không nói và nghĩ đến nhân loại. Từ khi chào đời cho đến chết, Hài Nhi ấy sẽ nói về Thiên Chúa bằng chính cuộc sống, lời nói, hành động, bằng thân xác được trao ban và phó nộp cho những kẻ làm điều gian ác.

Sau thánh Bênađô Clairveaux, không ai nhấn mạnh đến nhân tính của Chúa Giêsu và việc nhập thể của Người hơn thánh Phanxicô Assisi. Đó là một yếu tố không thể thiếu trong đoàn sủng Phan Sinh. Sau khi Thần-Nhân chào đời, lòng nhân đạo thì quan trọng hơn ngày Hưu Lễ, con người thì lớn hơn Lề Luật, thờ phượng Thiên Chúa trong Thần Khí và sự thật thì tốt hơn việc thờ phượng tại Giêrusalem.

Các sứ thần là thừa tác viên phục vụ cho cuộc mạc khải trên đây, thứ nhất là sứ thần đã hiện ra với các mục đồng, rồi ca đoàn các thiên thần – theo Origen thì có 70 thiên thần của các quốc gia – ngợi khen Thiên Chúa và nhìn nhận Vinh Quang của Người. Họ loan báo cho chính các mục đồng, là những kẻ bị coi là “rốt hết” trong dân Israen, vì họ đã không tuân giữ luật thanh sạch trong hoang địa. Họ là những người đầu tiên đón nhận Tin Mừng. Chính họ là những người mà sứ thần Chúa hôm nay được sai đến để loan báo Tin Mừng Thiên Chúa.

Thiên Chúa trở nên người phàm, để con người có thể trở nên thần thánh

Thiên Chúa kêu gọi con người, để họ được thần hóa, biến đổi và được bao bọc trong ánh sáng. Khi chúng ta nhận biết Con Thiên Chúa qua sự đơn sơ của một trẻ sơ sinh bọc trong tã, sự khiêm hạ ấy phải làm cho mắt chúng ta mở ra.

Đây chính là đức tin của loài người chúng ta: Sự sống đã được biểu lộ trong sự nghèo hèn tại Belem và người nghèo  là những kẻ đã đón nhận đức tin ấy. Đây là những lời được gán cho một trong các giáo phụ: “Các bạn đã nhìn thấy anh em (hay chị em) của mình, ắt các bạn đã nhìn thấy Thiên Chúa”. Bởi lẽ, nay thì chúng ta nhìn thấy Thiên Chúa, gặp gỡ, nhìn nhận, yêu mến và tôn thờ Người trong những người nam và người nữ mà chúng ta gặp mỗi ngày. Việc thần hóa trở nên khả thi, khi mọi Kitô hữu đến gần bàn tiệc Bánh Thánh Thể và Bêlem trở thành “Nhà Bánh” đối với họ (trong từ nguyên Hy Lạp, Bêlem có nghĩa là nhà bánh).

Trái đất đã sinh hoa trái

Lễ Giáng Sinh muốn nói rằng, Chúa Kitô muốn sinh ra trong lòng các tín hữu. Angelô Silesiô, một nhà thần bí gốc Hà Lan, đã nhận định: “Ngay cả khi Chúa Kitô đã được sinh ra ngàn lần tại Bêlem, nhưng nếu Người không được sinh ra trong bạn, thì bạn vẫn hư mất mãi mãi”. Một đan sĩ Xitô thời Trung Đại đã nói thêm: “Chúa Kitô vẫn chưa được sinh ra. Người được sinh ra mỗi khi một ai đó trở thành Kitô hữu”.

Thánh Phanxicô Assisi đã chú giải trong Huấn Ngôn 1: “Mỗi ngày Người hạ mình xuống (Pl 2,8), như xưa Người rời ngai vàng (Kn 18,15) mà đến trong lòng Đức Trinh Nữ. Hàng ngày, Người đến với chúng ta một cách khiêm nhường. Hàng ngày Người rời cung lòng Chúa Cha (x. Ga 1,18;6,38) để ngự xuống trên bàn thờ, trong tay linh mục”. Chúa Kitô sinh ra trên bàn thờ, mỗi khi linh mục cử hành Thánh Lễ.

Thánh Phanxicô đã so sánh việc Chúa Kitô Giáng Sinh và Thánh Thể, đến nỗi khi thánh nhân dựng lại máng cỏ Bêlem tại làng Grecciô, người đã không muốn đặt tượng ảnh trong hang, nhưng chỉ muốn cử hành bí tích Thánh Thể trên máng cỏ, vì tại nơi ấy, Chúa “đến với chúng ta một cách khiêm nhường”. Anh chị em thân mến, chúng ta hãy ghi nhớ điều đó khi tham dự Lễ Đêm Chúa Giáng Sinh và nhìn nhận Chúa đang đến.

Ánh sáng chiếu dọi vào cảnh tối tăm của chúng ta

Thánh Inhaxiô Antiokia đã giải thích cho các Kitô hữu Ephêsô hiểu được biểu tượng ánh sáng chiếu dọi vào cảnh tối tăm của chúng ta: “Một ngôi sao chiếu sáng trên bầu trời rực rỡ hơn các ngôi sao khác, lộng lẫy khôn tả xiết và hết sức lạ lùng. Ngôi sao ấy gây ra một sự bối rối lớn lao: Đâu là nguồn gốc của ngôi sao mới xuất hiện và rất khác với các ngôi sao khác? Kể từ ngày đó, mọi điều bí ẩn đã được giải đáp, mọi xiềng xích của sự ngoan cố đã bị bẻ gãy và sự vô tri đã tiêu tan. Thế lực xưa kia của Satan đã bị sụp đổ, vì Thiên Chúa đã xuất hiện với hình hài phàm nhân, để thực hiện một trật tự mới là sự sống vĩnh cửu”.

Hôm nay, chúng ta đang sống trong thế giới toàn cầu hóa, chúng ta cần phải có lòng can đảm vững mạnh thì mới có thể trở nên con cái ánh sáng và đôi khi sự ngã lòng xúi giục chúng ta đừng trở nên con cái ánh sáng.

Hôm nay, trong một thế giới chuyển biến, chúng ta được mời gọi tái khám phá điều này: Tảng đá là Lời Thiên Chúa, nhập thể trong Chúa Giêsu. Người ban cho chúng ta một nơi nương tựa vững chắc và an toàn, khiến chúng ta được vững mạnh và cuộc sống chúng ta được bình an.

Mùa Xuân Ả Rập đã đốt lên một chút hy vọng tại phương Đông, một niềm hy vọng đã tiêu tan quá nhanh. Nói về ánh sáng xuất hiện và một ngôi sao chiếu sáng trên bầu trời, Lễ Chúa Giáng Sinh lại cho phép chúng ta tiếp tục hy vọng thêm một lần nữa. Trong một thị trường tiêu thụ, lễ Chúa Giáng Sinh nói với chúng ta về Ngôi Lời đã trở nên bé nhỏ, chọn lựa sự điều độ và thấp hèn, và nhắc cho chúng ta nhớ rằng hạnh phúc không hệ tại việc sở hữu hay làm cho mình lớn hơn, nhưng làm cho mình nhỏ lại để phục vụ anh chị em. Lễ Chúa Giáng Sinh phục hồi niềm hy vọng Kitô giáo và xua tan nỗi lo sợ về tương lai.

Đức Lêô Cả đã viết: “Chúng ta tạ ơn Thiên Chúa Cha, nhờ Chúa Con và trong Chúa Thánh Thần, vì lòng nhân từ, Người đã tỏ lòng thương xót chúng ta, và dù chúng ta đã chết trong tội, Thiên Chúa đã làm cho chúng ta được tái sinh với Chúa Kitô, ngõ hầu chúng ta có thể trở nên những thụ tạo mới trong Chúa Kitô, và trở nên những tác phẩm mới trong tay Người”.

Chúc Mừng Lễ Chúa Giáng Sinh. Nguyện xin người Con của Trinh Nữ Maria tuôn đổ tràn đầy niềm vui vào lòng Anh Em.

Rôma, ngày 29 tháng 11 năm 2017

Đại lễ mừng kính toàn thể các thánh trong gia đình Phan Sinh

Tu sĩ Michael A. Perry, OFM

Tổng Phục vụ và Tôi Tớ

Antôn Nguyễn Ngọc Kính, OFM chuyển ngữ (christmas-letter-minister-general-2017)

Chia sẻ