Skip to content
Main Banner

Lá Thư Đại Lễ Cha Thánh Phanxicô 2018: “Bước Đi Trên Con Đường Với Người Trẻ”

Administrator
2018-10-03 00:00 UTC+7 54

Anh em thân mến,

Xin Chúa ban Bình An cho anh em!

Lễ trọng Cha thánh Phanxicô Assisi Chí Ái, thật hạnh phúc vì trùng với dịp khai mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục được Đức giáo hoàng Phanxicô triệu tập với chủ đề : Những Người Trẻ, Đức Tin và sự Phân Định ơn gọi. Đó là thời điểm khi những người trẻ ở ngay trung tâm trái tim của Đức giáo hoàng, cũng như toàn thể Giáo Hội.

Nếu chúng ta nhìn vào những đường lối người Cha Chí Ái của chúng ta đã trải nghiệm thời tuổi trẻ của ngài - sự bồn chồn và tìm kiếm của ngài - chúng ta có thể thấy một mối liên hệ sâu sắc giữa chàng thanh niên cách đây 800 năm và giới trẻ hôm nay, vì mảnh đất thánh thiêng của lòng người không có gì khác hơn bây giờ. Cách thức mà thánh Phanxicô có thể đáp trả với những thách đố trong thời đại của ngài để có thể mang lại ánh sáng cho việc tìm kiếm mà tại đó những người trẻ ngày nay dấn thân vào, cũng như “lời mời gọi tìm kiếm những nẻo đường mới mẻ để thực hiện cuộc hành trình cùng với họ một cách mạnh mẽ và thật đáng tin cậy, đang khi giữ cho đôi mắt của chúng ta định vị trên Chúa Giêsu và mở rộng cho Thần Khí, để trẻ hóa chính vẻ bề ngoài của Giáo Hội” ngay tại thời điểm thay đổi của thời đại này (Instrumentum Laboris (IL), Synod on Youth, 1).

Kinh nghiệm của các môn đệ khi họ bước đi trên đường về làng Emmaus có thể giúp chúng ta và giúp những người trẻ nhận thức rõ hơn về sự hiện diện của Đức Kitô bước đi bên cạnh chúng ta. Đối với chúng ta, việc bước đi cùng với Đức Kitô sẽ có nghĩa khi tình trạng nản chí của chúng ta sẽ được khắc phục, nó sẽ giúp chúng ta tái giải thích câu chuyện đời của chúng ta, khiến trái tim của chúng ta bừng cháy lên trong lòng chúng ta và biến chúng ta thành những người loan báo Tin Mừng của Người.

 

I. Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giêsu tiến đến gần và cùng đi với họ (Lc 24,15)

Sau Cuộc Khổ Nạn và cái chết của Đức Giêsu, các môn đệ Emmaus, với bộ mặt buồn thảm và với những thương tích trong tâm hồn, cùng những mối bận tâm của họ đã tác động lên con đường quay về quê nhà của họ. Trong suốt cuộc hành trình này, họ không nhận ra điều là chính Đức Giêsu đứng giữa họ và đồng hành với họ, lắng nghe cách chăm chú thinh lặng cùng họ.

Y như các môn đệ Emmaus, trong hành trình hiện sinh của họ mà những người trẻ của chúng ta tham gia vào việc thảo luận, trưởng thành, phản ánh và chia sẻ những trải nghiệm sống cốt lõi của họ. Đây là "thời gian của thử nghiệm, của sự thăng trầm, niềm hy vọng xen kẽ với nỗi sợ hãi, và căng thẳng không thể tránh khỏi giữa các khía cạnh tích cực và tiêu cực, qua đó chúng ta học cách thể hiện và hòa nhập cảm xúc của chúng ta, các chiều kích về phái tính, trí tuệ, tinh thần, thân xác, tương quan và xã hội.” (IL 18). Đây là một điển hình năng động trong cuộc sống của giới trẻ, trong đó nhiều thực tại được trải nghiệm – lại thường không có nhiều dịp để suy gẫm và hiểu biết sâu hơn.

Hội Đồng Dòng Mở Rộng (PCO 2018), được tổ chức mới đây tại Nairobi, Kenya, đã kết luận rằng “lắng nghe người trẻ và bước đi với họ liên quan tới những nỗ lực cá nhân, huynh đệ và cơ cấu để làm một cuộc hành trình với họ trên các nẻo đường của họ, để hiểu biết những gì đang diễn ra trong cuộc sống của họ, để biết hoàn cảnh của họ, chia sẻ những thành tựu của họ, và để có một sự hiện diện thân thiện và chân thành trong cuộc sống hàng ngày của họ.” Do đó, điều cần thiết để thích ứng với các giai đoạn của chúng ta với các giai đoạn của họ và giữ cùng một nhịp điệu, theo gương của Chúa Giêsu, Đấng khiêm tốn bước đi bên cạnh các môn đệ của Ngài. Mặc dù kỹ thuật ngày nay là một trợ giúp lớn trong việc giảm thiểu khoảng cách địa lý, để “đi cùng một con đường”, điều ấy hoàn toàn cần thiết để nỗ lực đứng cạnh nhau với những người trẻ, là sự hiện diện về thể lý và chia sẻ niềm hy vọng và những ước mơ của họ mà không cần cố gắng biến chúng thành những gì chúng không có ý nghĩa phải trở thành. Cũng giống như cách thánh Phanxicô tìm ra đường lối để gần gũi với những người thân yêu với ngài (như chúng ta có thể thấy trong Thư của ngài gởi cho Anh Lêô), cách tiếp cận của chúng ta trong tư cách là những tu sĩ phải cho thấy rằng nếu những người trẻ “cần và muốn đến với chúng ta, thì họ cứ đến.” Ngoài việc bước đi cùng với họ, cũng cần phải học cách lắng nghe họ. Trong thế giới ngày nay, các tài liệu, tác phẩm, hoặc các tuyên bố chính thức về phía chúng ta hay của hệ thống phẩm trật là không đủ. Điều cần thiết là khả năng cho phép những người trẻ nói lên sự thật của chính họ và là những người phác thảo kế hoạch về chuyện đời của họ. Trước khi lên tiếng, trước khi muốn chỉ ra con đường phía trước và nhanh chóng đưa ra câu trả lời, thì cần phải có sự kiên nhẫn của Thầy, là Đấng biết cách nêu câu hỏi và biết cách lắng nghe: “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?” (Lc 24, 17) Việc lắng nghe như thế đến từ sự khẳng định rằng người trẻ cũng là một biểu hiện tiếng nói của Thiên Chúa; do đó, nó là cần thiết để hiểu cuộc gặp gỡ như một nguồn cứ liệu của thần học nơi Thiên Chúa được mạc khải. Để thực hiện việc Phúc Âm hóa cho đúng, thì điều quan trọng là cần phải tiếp xúc với những gì là thần linh” trong giới trẻ, và bằng cách nhìn bằng cặp mắt của Thiên Chúa, để bắt đầu đánh giá về các lãnh vực thuộc tâm lý học, sinh học, xã hội học và nhân chủng học của người trẻ.

Thánh Phanxicô nhận được lời khuyên, những khuyến cáo, sửa sai và cảm hứng từ các anh em và chị em của ngài; chúng ta cũng nên phát triển khả năng cho phép chính chúng ta bị tra vấn, để những lý thuyết và những giả định cấu trúc của chúng ta được tranh luận thẳng thắn bởi những người trẻ kề cận với chúng ta - chống lại cám dỗ luôn muốn có lời nói cuối cùng.

 

II. Rồi bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh. (Lc 24,27)

 

Sau khi lắng nghe nỗi đau khổ của họ và cách họ đối phó với những sự kiện gần đây về cuộc khổ nạn và cái chết của Ngài, chính Chúa Giêsu bắt đầu giúp các môn đệ giải thích những thực tại này dưới ánh sáng của Lời Chúa.

Theo nghĩa này, đặc sủng Phan Sinh của chúng ta có rất nhiều điều để nói với những người trẻ. Khi họ tham gia vào việc tìm kiếm của họ, họ mong muốnchờ đợi - từ cả hành vi và lời nói của chúng ta - rằng chúng ta là điểm quy chiếu cho họ, một dấu chỉ và tài nguyên cho họ khi họ cố gắng hiểu các vấn đề của họ và giải thích những gì đang diễn ra xung quanh họ.

Nếu một số nhà phân tích “nói về một 'sự biến thái' của tình trạng con người khơi lên những thách thức to lớn cho mọi người trên con đường xây dựng bản sắc lành mạnh, những người trẻ (những người quan sátnhững địa chấn của mọi lứa tuổi) nhận thức chúng như một nguồn của một hội mới mẻ và những mối đe dọa chưa từng thấy nhiều hơn những người khác (IL 51). Các vấn đề chính trị, tôn giáo, đạo đức, xã hội và hiện hữu liên quan trực tiếp đến họ, trong đó chúng ta có thể cống hiên cho họ một sự hiểu biết dựa trên đặc sủng của chúng ta.

Đây là bước thứ hai trong đó, trong tư cách là anh em và những người Hèn mọn, chúng ta có thể giúp họ hiểu các biến cố đương thời, trên cả bình diện cá nhân lẫn xã hội. Vì vậy, nó không đủ để “chỉ muốn biết [Kinh Thánh] và giải thích Kinh Thánh cho người khác” (Hn 7) - chúng ta cũng phải cam kết cho một nhân chứng sống đó phải nhất quán và có sức thuyết phục. Thánh Phanxicô Assisi không phải là một nhà lý thuyết về đời sống tâm linh; Ngài đã nói về Thiên Chúa với kinh nghiệm của mình. Chúng ta cũng được kêu gọi để làm cho cuộc sống của chúng ta trở thành một Tin Mừng thật sự cho những người trẻ của chúng ta, như là một biểu hiện của lòng trung thành của chúng ta đối với ơn gọi của chúng ta. Các lời khấn dòng của chúng ta, chứng tá  của chúng ta, sự cam kết cá nhân, lối sống của chúng ta và cách chúng ta trực diện với nhiều tình huống khác nhau là tất cả những cách mà qua đó những người trẻ khám phá ra các ý nghĩa khác nhau mà theo đó các dấu chỉ thời đại có thể được tái giải thích.

 

III. "Thưa Ngài, ở lại với chúng tôi. […]." Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao? " (Lc 24,29.32)

 

Khi màn đêm buông xuống, sau chuyến đi dài cùng với các bạn của mình, các môn đệ Emmaus nài xin Chúa Giêsu ở lại với họ. Suốt thời gian này cùng với nhau, việc chia sẻ đã diễn ra, tình bạn đã nảy sinh, và lòng họ bừng cháy lên.

Là những tu sĩ, chúng ta sống trong một thế giới rất nhiều những lựa chọn; trong bối cảnh này, điều cần thiết là chúng ta cần củng cố đức tin của mình bằng sức mạnh ngôn sứ phù hợp với ơn gọi đặc thù của chúng ta. Đối với nhiều người trẻ hôm nay, Đời Tu Phan Sinh đồng nghĩa với việc có một trái tim nồng ấm. "Khi chúng ta tin nhiều hơn vào chính mình và chia sẻ sự phong phú của đặc sủng chúng ta với người trẻ, thì ước mong của họ là chúng ta không rời bỏ họ, chúng ta vẫn ở với họ, chắc chắn sẽ khơi lên trong lòng họ" (CPO 2018)

Đương đầu với chủ nghĩa cá nhân và sự lãnh đạm, những người trẻ mong đợi từ chúng ta một chứng nhân mang tính ngôn sứ về tình huynh đệ”, một ngôi nhà có thể trở thành gia đình của họ. ”(IL 72) Đương đầu với một nền văn hóa được gợi hứng từ chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa tiêu thụ, chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa khoái lạc, nơi đó xuất hiện sự thống trị ”(IL 8), thì cách hiện diện đơn giản và chừng mực của chúng ta có thể cống hiến một chứng nhân thực sự, nơi đó "những gì con người trước nhan Thiên Chúa là thế nào thực chất là thế ấy, chứ không hơn gì"(Hn 19).

Đối với những người trẻ, những người phải đương đầu với rất nhiều tình trạng khác nhau của cái chết, bạo lực, chiến tranh và ngoại biên hóa, thì nẻo đường hiền lành, hòa bình, đoan trang, hiền hòa và khiêm nhường của chúng ta về thế giới (Lsc 3,11) sẽ là một la bàn cho họ thấy đâu là nẻo đường thực sự của hòa bình. Những người trẻ không sợ những thách đố táo bạo và cấp tiến; đối với họ, Đời Tu được sống với lòng nhiệt thành và đam mê có thể cung cấp một câu trả lời hiện tại và thích đáng. Đối mặt với một xã hội bị tục hóa hơn nữa bao gồm Thiên Chúa liên quan đến đời sống phải được sống làm sao và những lựa chọn được chọn thế nào, những người trẻ của chúng ta khát khao được gần gũi với những người sống đức tin cách chân thực, gần gũi với anh em nhắm đến: “chúng ta đừng ao ước, đừng ham muốn, đừng vui thích hay tha thiết điều gì ngoài Đấng Tạo Hóa, Đấng Cứu Chuộc và Đấng Cứu Độ chúng ta, chỉ mình Người là Thiên Chúa chân thật. ”(Lksc 23,9) Trong một thế giới nơi các giá trị được tương đối hóa, nơi mọi thứ đều tạm thời và thoáng qua, sự lựa chọn cuộc sống vĩnh cửu của chúng ta có sức hấp dẫn thực sự, làm cho trái tim những người trẻ bừng cháy trong họ.

Chúng ta biết rõ rằng ở một số quốc gia, Hội Dòng của chúng ta phải đối mặt với sự sụt giảm đáng kể trong các ơn gọi - vì nhiều lý do khác nhau. Điều đó nói lên rằng, mong muốn đi theo con đường ơn gọi Tu sĩ và Linh mục không thể được thúc đẩy bởi việc chiêu dụ, với việc duy trì các định chế như mục tiêu của nó. Thay vào đó, khi chúng ta, những Anh Em Hèn Mọn vẫn duy trì việc cảnh giác ơn gọi của chúng ta để "tuân phục cách trung thành Thánh Phúc Âm Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta" (Lsc 1,1), trên tất cả là rao giảng Phúc Âm bằng việc làm tốt lành của chúng ta (Lksc17,3), những người trẻ sẽ thấy trong chúng ta chính sự hiện diện của Đức Kitô mà nhiều người nhận thấy nơi Thánh Phanxicô, kết quả là những ơn gọi thánh thiện sẽ phát triển. Nếu chúng ta chỉ ra cho những người trẻ biết lối sống Phúc Âm người Cha Chí Ái của chúng ta yêu cầu chúng ta sống, và nếu bởi mẫu mực của chúng ta, chúng ta khuyến khích họ làm như vậy (nhưng với đặc tính và tính năng động phù hợp với giới trẻ) thì một tiếng gọi nồng cháy sẽ thắp sáng được trái tim của họ mà điều ấy cũng có thể dẫn đến một mùa xuân mới của ơn gọi.

Cuối cùng, năng lượng và nhiệt huyết này trong trái tim của những người trẻ rất hấp dẫn. Không chỉ họ là những người sẽ cảm nhận được sự hiện diện của Đức Kitô Phục Sinh – mà cả chúng ta nữa, nếu chúng ta có sự táo bạo và can đảm ở lại một thời gian và chia sẻ bánh cuộc đời của họ, thì sẽ trải nghiệm được làm thế nào chúng ta có thể được đổi mới và làm thế nào chúng ta có thể tái khám phá nhiệt huyết ban đầu là nét rất đặc trưng của tuổi trẻ. Đối với chúng ta, những Anh Em Hèn Mọn, Chúa Giêsu thể hiện chính mình nơi những người trẻ, kết quả là đến lượt chúng ta, chúng ta sẽ xin Ngài ở lại với chúng ta.

 

IV. Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh. (Lc 24,35)

 

Phúc Âm nói với chúng ta rằng, sau khi con mắt của các môn đệ đã được mở ra, Chúa Gêsu biến mất khỏi tầm nhìn của họ. Các môn đệ chắc chắn đã khám phá ra rằng, thay vì có Chúa Giêsu trước mắt họ, thì bây giờ họ đã có Ngài bên trong, bởi vì họ có thể nhận ra Ngài trong chính họ.

Kết luận suy tư về con đường Emmaus này, chúng ta thừa nhận rằng những người trẻ và những ai chấp nhận ơn gọi của chúng ta, từ lúc họ trải nghiệm về một cuộc gặp gỡ riêng tư với Chúa Giêsu, thì chính họ sẽ trở thành những môn đệ chứng nhân của Đấng Phục Sinh, như thế họ đóng một vai trò trong việc Phúc Âm hóa theo những gì họ được kêu gọi. Sự hiện diện của chúng ta giữa những người trẻ phải khuyến khích họ và giúp họ đi theo nẻo đường dẫn đến sự tự chủ, trưởng thành và hoàn thiện.

Khi chúng ta tin vào những người trẻ, và khi chúng ta đón chào những ước mơ và lý tưởng của những ai muốn chấp nhận ơn gọi của chúng ta, từng chút một, chúng ta sẽ biến họ trở thành những tác nhân của nẻo  đường riêng của họ. Chúng ta hãy từ chối bất kỳ mô hình huấn luyện nào dẫn đến sự phụ thuộc có tính trẻ con và cho phép chúng ta hãy để những người trẻ trở thành những con người trưởng thành trong đức tin, trong những chọn lựa của họ, cũng như kết quả mà những điều này tạo ra.

Chúng ta là những tu sĩ phải có khả năng để cho họ đến và đi, vượt qua sự cám dỗ muốn luôn trong tầm kiểm soát, là tuyệt đối cần thiết. Chúng ta phải để cho họ nhìn nhận vai trò của họ trong Giáo Hội và chịu trách nhiệm về ơn gọi và sự tăng trưởng của họ. Kết quả này sẽ là đỉnh cao của một tiến trình thực sự cho phép họ có một cuộc gặp gỡ cá nhân với Đức Giêsu, với linh đạo Phan Sinh là nền tảng của cuộc gặp gỡ ấy; một tiến trình giúp họ trưởng thành trong đức tin và sẵn sàng chịu trách nhiệm về chuyện đời và ơn gọi của họ. Cũng giống như Đức Kitô làm cho chính mình hiện diện qua những ai cùng nhau bẻ bánh và sống theo lời mời gọi của Tin Mừng, vì thế, chúng ta, những Anh Em Hèn Mọn có thể trở thành hiện thân của thánh Phanxicô vào ngày hôm nay, đang tỏ cho những người trẻ thấy khuôn mặt của Đức Kitô, Đấng thực hiện hành trình với mọi Tạo Thành.

Mặc dù tất cả điều này là đúng, tuy nhiên vào thời điểm này trong Lịch sử Dòng, là thành phần của Giáo Hội, đã nhận thức cách sâu sắc rằng một số thành viên của Giáo Hội, cùng với các linh mục khác, và những nam nữ tu sĩ, có những hành động xa rời lý tưởng mà lá thư này trình bày. Họ đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho một số người trẻ  và đã phản bội lòng tin của họ. Đối với chúng ta, đây là nguồn gốc của nỗi đau cũng như gây ra sự hổ thẹn, và đòi hỏi chúng ta phải làm mọi thứ có thể được để thực hiện và tăng cường những chính sách và hành động để đoan chắc rằng tất cả những người trẻ phải được bảo vệ và tôn trọng.

Xin mừng Đại lễ Cha Thánh Phanxicô của chúng ta, như là một người trẻ rộng mở chào đón sự mới mẻ của Phúc Âm mà Chúa đã gợi hứng trong ngài, xin canh tân sự chọn lựa của chúng ta để làm việc cách đầy cảm xúc và hiệu quả” với người trẻ (Văn kiện Santo Domingo, 114). Cùng với họ, chớ gì chúng ta có thể phân định các dấu chỉ của sự canh tân mà Thần Khí đang khuấy động trong Giáo Hội và trong Hội Dòng của chúng ta.

Xin chúc mừng Anh Em ngày Lễ Thánh Phanxicô thật hạnh phúc,

Bình An và Thiện Hảo!

 

Rôma, Ngày 29 tháng 9 năm 2018

Lễ Tổng Lãnh Thiên Thần Micaen, Gabrien, và Raphaen

 

 

Những Anh Em của Anh Em,
Tu sĩ Michael Anthony Perry, ofm (TPV.)
Tu sĩ Julio César Bunader, ofm (PTPV)
Tu sĩ  Jürgen Neitzert, ofm (Tổng CV.)
Tu sĩ Caoimhín Ó Laoide, ofm (Tổng CV.)
Tu sĩ Ignacio Ceja Jiménez, ofm (Tổng CV.)
Tu sĩ Nicodème Kibuzehose, ofm (Tổng CV.)
Tu sĩ Lino Gregorio Redoblado, ofm (Tổng CV.)
Tu sĩ Ivan Sesar, ofm (Tổng CV.)
Tu sĩ Valmir Ramos, ofm (Tổng CV.)
Tu sĩ  Antonio Scabio, ofm (tổng CV.)
Tu sĩ Giovanni Rinaldi, ofm (Tổng Thư Ký)

 Prot. 108517

 

Tu sĩ Antôn Vũ Hữu Lệ, OFM, dịch

Chia sẻ