Skip to content
Main Banner

Anh em Hèn mọn...với thánh Bonaventura

Administrator
2017-09-11 00:00 UTC+7 103

Năm nay kỷ niệm 800 năm ngày sinh của thánh Bonaventura. Ngài, một gương mặt trọng yếu trong gia đình Phan Sinh, sinh ra khoảng năm 1217 tại vùng Bagnoregio, gần Orvieto (Ý). Ngài gia nhập dòng năm 1245 sau khi tốt nghiệp đại học Khoa Nghệ thuật Nhân văn. Ngài làm như thế bởi vì ngài chịu ảnh hưởng của Alexander Hales là người mà trước đó, do bị thu hút bởi linh đạo Phan Sinh, đã chuyển từ thế giới khoa bảng sang thế giới tu trì. Bonaventura là khoa trưởng thần học ở Đại học Paris năm 1255; năm 1257, ngài được bầu làm Tổng Phục vụ; và năm 1272, ngài được phong làm Hồng y giáo chủ xứ Albano với trách vụ chuẩn bị Công đồng Lyon. Ngài qua đời ngày 15/07/1274 khi đang tham dự công đồng này. Toàn bộ tác phẩm của ngài, Opera omnia, đã được xuất bản thành 9 tập giữa những năm 1882 và 1902 bởi các anh em ở Quaracchi.

Đối với Bonaventura, con người là một hữu thể với nhiều ước muốn sâu thẳm. Các ước muốn này liên quan cả lý trí lẫn tình cảm trong việc tìm kiếm và thưởng thức vẻ đẹp của mọi sự vật. Và chính ước muốn kiếm tìm sự hài hòa cuốn hút chúng hướng về tha thể. Đồng thời, Bonaventura xem con người đầy ước vọng này như một hữu thể, do bởi trực giác rằng những gì ở phía trước đều có ý nghĩa, đã biết chấp nhận các đòi hỏi của cuộc hành trình. Con người biết rằng, bên dưới vô vàn các cách thức khác biệt nhau qua đó thế giới được tỏ bày, có một sự hiện diện duy nhất và thường hằng mà từ đó mọi sự phát xuất và hướng về đó mọi sự quay trở về. Đối với Bonaventura, Đức Giêsu Kitô là tâm điểm của sự kết hiệp tiềm thể của mọi sự. (Qui tâm Kitô, Christocentrism), bởi vì, trong Ngài mọi sự đều khởi nguồn và hoàn tất. Trong Đức Kitô, ước vọng của con người cũng tìm được con đường dẫn đến những câu trả lời mà nó tìm kiếm và ao ước.

Bonaventura xem uớc muốn có một ý thức về sự kết hợp giữa Thiên Chúa và thế giới (và mọi sinh vật trong đó) như được diễn tả trong ba lãnh vực chính của cuộc đời của ngài như một Kitô hữu:

1. Trong kinh nghiệm khổ chế và huyền nhiệm của việc tìm kiếm khuôn mặt của Thiên Chúa được mạc khải trong nhân tính của Đức Kitô;

2. Thông qua sự đối thoại văn hóa với các dân tộc của thời đại của ngài, nối kết đức tin và lý trí lại với nhau.

3. Và sau cùng, trong sự dấn thân của ngài cho Dòng Anh em Hèn mọn: củng cố và duy trì nó trong lòng trung thành với Phanxicô và trong sự phục vụ Giáo hội.

1. Trên hết, là một “người của Thiên Chúa,” Bonaventura đã trở thành một “người hướng dẫn thiêng liêng” cho cả người nam cũng như người nữ. Rất nhiều bài viết mang cả tính khổ hạnh lẫn tu đức làm chứng cho điều này. Ở điểm đầu, ngài cố gắng mô tả một tiến trình, qua đó chúng ta tiến dần đến Thiên Chúa trong khoảng không gian và thời gian cá biệt của chúng ta, trong khi ở các bài viết về tu đức, mục đích của ngài là làm nổi dậy tình yêu của chúng ta với Thiên Chúa, điều hướng các tình cảm của chúng ta về đời sống của Đức Kitô và chiêm ngắm nhân tính của Ngài. Trong các bài viết này, cũng như trong tất cả các bài viết khác của ngài, vị Tiến sĩ chí ái bám sâu vào Lời của Chúa, là thức ăn đã nuôi sống ngài qua việc kiên trì đọc và chiêm niệm dựa trên Thánh Kinh.

Giữa rất nhiều điểm quan trọng mà ngài bàn đến, có một điểm được ngài nhấn mạnh cách đặc biệt, đó là: trong đời sống thiêng liêng, tình yêu chúng ta dành cho Thiên Chúa không thể bị giản lược thành một dạng cảm xúc thuần túy và nặng phần tình cảm theo bản năng. Nó cần những mô mẫu và những qui trình được suy nghĩ kỹ càng. Các mẫu mực và các qui trình này giúp cho linh hồn hoạt động. Không có một qui trình khổ chế được sắp xếp lớp lang, linh hồn con người sẽ thấy khó khăn trong việc tìm ra một sự yên tĩnh và thinh lặng cần thiết cho phép nó nghe, thấy, nếm cảm, đánh hơi và đụng chạm đến mầu nhiệm Thiên Chúa. Đối với Bonaventura, đây không phải là một cuộc “chinh phục” Thiên Chúa, nhưng là một động thái “để cho chính mình được tìm thấy”- bằng cách mở lòng ra để gặp gỡ Thiên Chúa, một bất ngờ không thể nghĩ tưởng.

Bonaventura cũng nhắc nhở chúng ta, trong tư cách là những tu sĩ, một yếu tố quan trọng thứ hai, đó là: trong quá khứ và trong hiện tại, thế giới luôn cần những “vị thầy tinh thần”- nghĩa là những người nam và những người nữ mà chứng tá đời sống của họ có khả năng giúp đỡ các người khác trong tiến trình hướng về một trải nghiệm về Thiên Chúa. Tuy nhiên, việc cung cấp một “huấn luyện thiêng liêng” như thế phải được đặt nền tảng trên những trải nghiệm cá nhân sâu đậm và thực sự, do đó, đem lại cho lộ trình thiêng liêng một hương vị đích thực Phan Sinh. Vâng, thế giới cần những nhà chiêm niệm, nhưng họ phải có khả năng loan báo niềm vui Tin Mừng và nét đẹp của việc sống đoàn sủng Phan Sinh trong huynh đệ đoàn. Truyền thống thiêng liêng của chúng ta,- được xây nên qua các thánh địa và những gương sống đặc biệt thánh thiện và có học vấn cao-, có một sự phong phú mà thế giới hôm nay nhìn nhận như  thật sự có hiệu năng trong việc đạt được một sự trưởng thành thiêng liêng chân thật.

2. Bonaventura cũng là một giáo sư đại học. Ngài trải nghiệm lòng ao ước Thiên Chúa như một nguồn của sự kinh ngạc và tình yêu thiêng liêng, và ngài đã diễn tả điều này qua một cuộc đối thoại nhiệt tình với nền văn hóa của thời đại ngài. Giáo thuyết của ngài được củng cố bởi hai chân lý sau đây: con người được dựng nên để đạt đến sự Khôn ngoan thần linh, để nếm cảm sự khôn ngoan của Thiên Chúa- nhưng chỉ bằng lý trí, và thông qua các chân lý của khôn ngoan mà điều này có thể xảy ra. Trong bối cảnh của đời sống đại học vào giữa thế kỷ 13, có một vấn đề buộc phải đối diện, đó là dung hòa triết học với thần học, lý trí và đức tin, trí khôn và tình cảm, tri thức và tình yêu. Có một nguy hiểm là hai lập trường tri thức có thể đi song đôi với nhau, với nguy cơ là tạo nên hai chân lý - một là triết học và một là thần học, chân lý này xa lạ với chân lý kia, hoặc chân lý này xung đột với chân lý kia. Giải đáp của Bonaventura lệ thuộc vào hai tư tưởng chính yếu: con người đang ở trên lộ trình tiến về Cái Duy Nhất, Cái Chân, và Cái Thiện (những biểu đạt của mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi phản ánh trong mọi sự vật); đồng thời mỗi một người được Đức Kitô, -Đấng là chân lý, và là thầy dạy bên trong, Đấng sáng soi mọi người trong thế giới,- đồng hành trên con đường này.

Như thế, Bonaventura không loại trừ các tư tưởng triết học mới gắn liền với Aristote, ngược lại, ngài cố gắng tháp nhập chúng vào trong quan niệm về một con đường duy nhất và tiệm tiến mà trí khôn, được khơi động bởi các ước vọng của con tim và được lý trí nâng đỡ, hành trình hướng về Thiên Chúa. Một nguyên tắc căn bản mà Bonaventura muồn nhắc nhở các người đồng thời là: trí khôn là con đường dẫn đến sự khôn ngoan, tuy nhiên nếu nó khép mình trên chính nó, nó sẽ không thể tránh được việc rơi vào sai lầm.

Bonaventura đề xuất hai chiến thuật căn bản cho các anh em Phan sinh sống trong thế kỷ thứ 21 – trong một thế giới ở đó tri thức khoa học và kỹ thuật thống trị. Tri thức này rất quyền uy, phổ cập và xem ra dửng dưng với “Tha thể” (the Other) và “Đấng ở bên trên” (the Beyond). Trước tiên, ngài đòi chúng ta có một thái độ đối thoại thật sự và dấn thân, có một cái nhìn tích cực và trân trọng đối với các khả năng của con người, nhìn nhận rằng chúng là một biểu lộ chắc chắn vẻ đẹp mà Thiên Chúa đã ban cho thụ tạo và cho con người. Cái nhìn của Bonaventura không phù hợp với bất cứ thái độ nào tránh xa, hoặc đối nghịch thế giới với các kỹ năng khoa học và kỹ thuật của nó, hoặc từ chối tri thức và phát triển. Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi hiện hữu ở trong mọi thưc tại; mọi vật đều mang dấu ấn của sự hiện diện của Thiên Chúa, và bên trong con người là khả năng khám phá ý nghĩa này và loan báo vẻ đẹp của nó.

Đồng thời, liên can đến thế giới này, ngài cũng mời gọi chúng ta phát huy một ý thức về sự mở lòng ra với siêu việt, nhắc nhở cho con người hôm nay hai sự thật quan trọng và đầy khích lệ. Trước tiên, mọi quy trình của tư tưởng đều dẫn con người đến một chân lý sâu hơn; đến sự thật kết hợp các phân đoạn rời lẽ và hướng dẫn chúng ta đến một sự tròn đầy, một tròn đầy vượt quá tri thức và đòi hỏi tình yêu. Việc chúng ta đóng mình lại một cách có ý thức đối với cái vô cùng có thể làm con người dừng lại nơi khoa học và công nghệ vốn vô hồn và không có hy vọng. Ngoài ra, mầu nhiệm Tình Yêu Thiên Chúa Ba Ngôi là cái đem lại sự sống cho tất cả các cố gắng của chúng ta tiếp cận Cái Duy Nhất, Cái Chân, Cái Thiện. Với đức tin,- một niềm tin đem lại cho chúng ta xác tín-, chúng ta phải loan báo rằng mầu nhiệm cứu độ của Đức Kitô đang hoạt động trong mỗi một cố gắng nhằm mang lại một thế giới tốt hơn, nhân bản hơn, và rằng chính Đức Kitô tự trao ban chính mình không giới hạn cho mỗi một người ở mọi thời đại.

3. Cuối cùng, Bonaventura được trao ban trách vụ đối với Hội Dòng, khi ngài được chọn làm Tổng Phục vụ năm 1257 và ở mãi trong chức vụ này cho đến khi ngài qua đời (1274). Điều này cho thấy sự tín nhiệm to lớn mà anh em trong Dòng dành cho ngài. Họ xem ngài như một món quà không thể thay thế cho đời sống của Dòng trong một giai đoạn phát triển cực kỳ nhanh.

Trước tiên, ngài muốn giúp anh em nối kết với Phanxicô ở bình diện các lý tưởng, để anh em sống trung thành hơn ơn gọi tu sĩ của họ. Điều mà ngài nhắm đến, đó là thiết lập lại các lý tưởng mà Phanxicô Assisi đã để lại như một di sản, trong một cách có thể đưa anh em đến đó như một nguồn của sự tăng trưởng thiêng liêng và hiệp thông, thay vì xung đột và vô trật tự. Sự nghèo khó, khiêm nhường, trung tín trong các công việc hằng ngày, đời sống cầu nguyện và huynh đệ, và một lối sống đơn giản và khiêm tốn, tất cả làm nên một lời mời gọi cho Hội Dòng đang có nguy cơ đi trật hướng do bởi uy tín và quyền lực mà anh em Phan Sinh đạt được bên trong Giáo hội và xã hội. Trong ý thức này, việc viết lại đời sống của Phanxicô là vô cùng quan trọng: không có mẫu mực của cái đẹp này, trong đó tình yêu nhiệm mầu của Thiên Chúa chiếu sáng, và không có một sự dấn thân quảng đại với thế giới trong hiệp thông với “Đức Kitô khó nghèo”, các anh em Phan Sinh chắc sẽ cảm thấy khó sống được một đời sống đích thực hèn mọn.

Bên cạnh việc nuôi dưỡng một đời sống có chất lượng bên trong gia đình Phan Sinh, ngài cũng quan tâm đến việc làm cho anh em sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu trí thức và mục vụ của Kitô giáo bằng cách tổ chức và hỗ trợ các khóa học nghiêm ngặt. Điều này là một sự kế tục của các quyết định của Phanxicô nhằm đáp lại đòi hỏi cải cách được công bố năm 1215 ở công đồng Latêranô thứ tư. Bonaventura đã cảm thấy sự khẩn trương kêu gọi anh em phục vụ Giáo hội phổ quát và cung cấp cho họ sự giáo dục trí thức và mục vụ cần thiết, nhưng không cho phép họ có lý do để khoe khoang, hoặc để cạnh tranh với giáo hội địa phương. Nếu họ chỉ cần giữ được bản thân khỏi rơi vào sự ganh đua và ước muốn quyền lực, họ đã có thể thông ban sự khai sáng và điều thiện, có thể đáp trả lại các đòi hỏi của thời đại và của Tin Mừng trong một cách thức khiêm tốn, nhưng cũng không vì thế mà kém hiệu năng.

Chính vì thể mà Bonaventura mời gọi chúng ta làm một cuộc chọn lựa liên can đến hai vấn đề lớn. Trước tiên, ngài khuyến khích chúng ta nuôi dưỡng và bảo vệ tương quan của chúng ta với lý tưởng của đời sống Tin Mừng đã được Phanxicô diễn tả một cách độc nhất vô nhị. Điều này cho phép chúng ta trở thành những người anh em hèn mọn mở lòng mình ra với các nhu cầu của thế giới này, và có khả năng chuyển tải một sứ điệp đặc trưng bởi sự đơn sơ, niềm vui và hèn mọn, tình huynh đệ và tính ngôn sứ. Thêm vào đó, sống trong lòng Giáo hội, chúng ta cần phải có một sự hiểu biết thần học chắc chắn, một nền giáo dục mục vụ tốt, và một dấn thân mạnh vào việc truyền giáo. Nói tóm, ngài nhắn nhủ chúng ta rằng, để trở thành muối và ánh sáng cho trần thế -với một hương vị đặc trưng « Phan Sinh », chúng ta cần trở nên những sứ giả đáng tin cậy không những bởi cách sống của chúng ta, nhưng còn bởi “khả năng” trình bày Lời cứu độ của chúng ta.

Nếu chúng ta còn muốn là những anh em hèn mọn của dân chúng, những con người mang tin vui đến các con đường của thế giới của chúng ta, thì Bonaventura nhắc nhở chúng ta rằng đời sống Phan Sinh của chúng ta có ba yếu tố chính yếu: một tương quan bền chặt và khả tín với mầu nhiệm của tình yêu của Thiên Chúa; đời sống huynh đệ được đặc trưng bởi sự hòa bình và là một dấu chỉ của nhân loại được giải hòa; và cuối cùng, một giáo dục trí thức nghiêm túc cho phép chúng ta đối thoại cách hiệu năng và đầy thẩm quyền với thế giới của chúng ta. Điều liên quan ở đây không phải là việc thiết lập lại một Hội dòng to lớn, nhưng có lẽ là chấp nhận cách khiêm tốn con số và định chế hiện nay của chúng ta. Được củng cố bởi một cái nhìn mới về Phanxicô, chúng ta sẽ có thể trở về cách chân thật là những « người anh em hèn mọn » (friars minor). Chính khởi đi từ góc độ này mà chúng ta phải bắt đầu làm lại cuộc hành trình với hăng say, khôn ngoan và quảng đại. Chúng ta sẽ tìm cách làm cho Tin Mừng đã được Phanxicô loan báo và được Bonaventura tái khẳng định, vang dội lên - chạm vào tâm trí và con tim của thế giới hôm nay của chúng ta, một thế giới khao khát niềm hy vọng và vẫn ước mong nhìn “lên trên” để gặp “Tha thể”

Kết luận:

Trong các bài viết của ngài, Bonaventura dùng hình tròn để mô tả chuyển động xảy ra giữa Thiên Chúa và con người. Thay vì một tương quan theo chiều thẳng đứng, ngài nói đến một chuyển động vòng tròn mà động lực là sự tìm kiếm lẫn nhau giữa cả hai phía: Thiên Chúa và con người- hai lữ khách được gắn chặt với nhau bởi cùng một khát vọng hòa hợp. Con người lên đường trên lộ trình của nó đã được Đấng Duy nhất, - Đấng đã tự biến mình thành lữ khách nhằm gặp con người bất kỳ ở đâu - ân cần gặp gỡ. Hành vi cuối cùng của lộ trình tâm trí sẽ không phải là « nhận biết » (to apprehend) hiểu theo nghĩa thống trị, nhưng là « được hiểu ». Thật vậy, điều này có nghĩa là được ôm lấy bởi Đấng, chỉ vì yêu mến mà ở trong chúng ta, cho phép chúng ta gặp Người trong tất cả các nỗ lực của chúng ta hướng về hiệp nhất, chân lý, và thiện hảo. Đây là sứ điệp cấp bách và sâu sắc mà Bonaventura mời gọi chúng ta thông hiểu và truyền đạt cho các người khác, một dấu chỉ của sự hiện diện của chúng ta trong thời đại khó khăn và biến chuyển nhanh chóng này. Thánh Bonaventura giúp chúng ta “dang đôi cánh” (spread the wings) của niềm hy vọng, một niềm hy vọng dẫn chúng ta đến chỗ nên giống ngài, những người không ngừng tìm kiếm Thiên Chúa, hát ca vẻ đẹp của tạo dựng và làm chứng cho một Tình yêu và Vẻ đẹp « lay động mọi sự» (move all things).

 

Roma, 14 tháng 7 năm 2017

Vọng Lễ kính Thánh Bonaventure

CÁC TỔNG PHỤC VỤ DÒNG NHẤT VÀ TOR

Anh Michael Anthony Perry, OFM

Anh Marco Tasca, OFMConv

Anh Mauro Johri, OFMCapp

Anh Nicholas Polichnowski, TOR

(xem thêm:company-with-saint-bonaventure)

(Chuyển ngữ: Alexis Trần Đức Hải, OFM)

Chia sẻ