Skip to content
Main Banner

Ngày Giáng Sinh Của Thiên Chúa, Đấng Đang Gõ Cửa Nhà Chúng Ta

Administrator
2018-12-23 00:00 UTC+7 90

Nguyện xin Chúa là Đấng sinh hạ giữa chúng ta, ban bình an cho Anh Chị Em!

Vì tình yêu vô biên, Thiên Chúa đã muốn mặc lấy bản tính nhân loại, cùng với tất cả những hệ lụy của bản tính ấy. Người sinh ra trong sự khiêm hạ hết sức thẳm sâu, do một người phụ nữ nghèo nàn và tại một nơi nghèo hèn, xa quê hương, vì cha mẹ Người đang đi đường về nguyên quán để chu toàn nghĩa vụ công dân mà chính quyền lúc bấy giờ đòi buộc. Khi còn là một hài nhi mới sinh, Người đã sống như một kẻ tị nạn bên nước Ai Cập (x. Mt 2:13-15). Trong số các thánh sử viết sách Tin Mừng, chỉ một mình Matthêu thuật lại biến cố ấy theo loại văn của thần học Xuất Hành. Ai Cập biểu thị cho nơi tị nạn của những người bị bách hại, những người gặp khó khăn hay là nạn nhân của sự đói kém: Chẳng hạn như Gieroboam (x. 1V 11:40) và Uria (x. Gr 26:21), cũng như gia đình của Gia cóp buộc phải rời bỏ đất Canaan, khi nhiều người bị chết vì đói kém (x. Stk 46:8 tt).

Thần học Xuất Hành thì đầy dẫy trong lời mạc khải của Chúa Giêsu, Đấng được giới thiệu là Thiên Chúa giải phóng, “Đấng hằng hữu” (x. Ga 8:28). Thánh sử Gioan cung cấp cho chúng ta chìa khóa để chú giải, vì thánh nhân khai triển quan điểm thần học của Tin Mừng thứ 4 dựa trên những gì Thiên Chúa đã mạc khải cho Mô(x.  Xh  3:14). Là Đấng mặc lấy xác phàm và ở giữa dân Người, Thiên Chúa tiếp tục lắng nghe tiếng than khóc của con cái, khi mạng sống của họ đang bị đe dọa.

Trong thần học Xuất Hành, chúng ta thấy có những truyền thống khác nhau cùng suy tư về những biến cố đã xảy ra. Thiên Chúa luôn luôn hiện diện và là nhân vật trung tâm của lịch sử. Người nghe tiếng khóc than của dân Người, đi xuống với dân Người để trực tiếp nhìn thấy những nỗi đau khổ của họ và đưa họ ra khỏi nước Ai Cập, giải thoát họ khỏi cảnh nô lệ (x.  Xh  20:2).

Vì thế, kinh nghiệm xuất hành là kiểu mẫu của mọi tình trạng khác nhau của những người buộc phải chạy trốn khỏi quê hương, để tránh những mối nguy hiểm đe dọa mạng sống của họ như đói khát, bạo lực, bách hại, chiến tranh, xung đột vũ trang hay những lý do khác.

Được giới thiệu là “Môsê mới” (x. Dt 3:1-6), Chúa Giêsu là người dẫn dắt dân Thiên Chúa và ban luật mới (x. Mc 12:28, 34; Mt 22:34-40; Lc 10:25-28; Mt 7:12). Hơn nữa, thánh sử Matthêu còn nối kết lịch sử dân Israen là nơi tỏ lộ hành động của Thiên Chúa, với câu chuyện của “dân Israen mới”, trong đó hành động của Chúa Giêsu Kitô phục sinh được tỏ lộ trong Giáo Hội và trong thế giới (x. Mt 19:28; 28:20).

Trong trình thuật của thánh Luca, Chúa Giêsu đã sinh ra tại Belem, vào một thời điểm rất rõ ràng trong lịch sử, khi Xeda Augustô làm hoàng đế Roma và Quiriniô làm tổng trấn xứ Xyria. Thánh Luca nói rằng, hài nhi mới sinh được đặt nằm “trong máng cỏ, vì các ngài không tìm được chỗ trong quán trọ” (Lc 2:7). Các mục đồng trong vùng kế cận (cf. Lc 2:8-17) nhìn thấy một ngôi sao dẫn họ đến với Ánh Sáng trần gian: Đó là ngôi sao hy vọng cho người nghèo, người khiêm nhu, công nhân mộc mạc và những ai đang ngồi trong bóng tối.

Thánh Phanxicô đã muốn tái hiện thực trạng khi Chúa Giáng Sinh, bằng cách tạo nên một nơi giá buốt, không có nôi, ghế và cửa, nhưng được sưởi ấm nhờ bò lừa nằm bên máng cỏ. Thánh nhân muốn nhìn thấy, đụng chạm và chiêm ngắm Thiên Chúa là Đấng đã quyết định đến sống giữa con cái Người, để ban sự sống viên mãn cho họ. Và Greciô làm vang dội lời loan báo hân hoan và reo vui: Toàn thể nhân loại có thể sống chân thật, có thể hân hoan và nhảy mừng với những người thân thương, bạn hữu và toàn thể thụ tạo. Sinh nhật của Chúa Giêsu là một mầu nhiệm tình yêu, ân sủng và giải phóng, một bản tóm tắt những hành động đầy quyền năng của Thiên Chúa trong thế giới.

Qua các suy tư thần học, chân phước Duns Scotus dạy rằng lý do khiến Con Thiên Chúa Nhập Thể không thể là tội lỗi của con người mà thôi. Lối diễn giải ấy (xem tội lỗi là lý do khiến Con Thiên Chúa nhập thể - người dịch) có nguy cơ hạn chế ý muốn của Đấng Tạo Hóa, mà ý muốn ấy cốt tại việc Thiên Chúa khao khát yêu thương con cái Người và hiệp thông với họ (x. Reportata Parisiensia, in III Sent. ). Đó là lý do khiến Chúa Giêsu được trình bày như “công trình tối thượng của Thiên Chúa” (summum opus Dei), biểu hiện trọn vẹn tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi đối với con người. Các hành động của Chúa Giêsu tỏ cho cho thấy tình yêu vô điều kiện mà Thiên Chúa dành cho mọi người, cũng như cách thức Thiên Chúa thực hiện ý định cứu độ mọi người.

Tuy nhiên, khi Đấng Cứu Thế đến sống giữa người nhà của mình, Người đã không được đón nhận, ngoại trừ Mẹ Maria, thánh Giuse, các súc vật và mục đồng. Khi Chúa Giêsu buộc phải rời bỏ quê hương, điều đó báo trước những nghịch cảnh mà Người phải đối diện sau này. Thánh sử Matthêu đã xem những người đại diện cho quyền lực chính trị là những kẻ hăm dọa Chúa Giêsu (x. Mt 2:13-15). Tuy nhiên, chúng ta đều biết rằng các nhà chính trị lúc bấy giờ đã được hậu thuẫn và ủng hộ bởi các nhóm đầy quyền lực, thậm chí là toàn thể xã hội. Những mối de dọa nhắm vào Chúa Giêsu nói cho chúng ta biết về sự dửng dưng, những nỗi lo sợ lệch lạc và những hình thức ích kỷ mơ hồ, khiến họ cần phải bịa đặt ra những kẻ thù mà họ phải chiến đấu.

Trong thời đại chúng ta, nhiều trẻ em bị ép buộc phải chạy trốn khỏi đất nước của mình, khi những quyền thánh thiêng của chúng bị chà đạp: quyền được sống mạnh khỏe, có một gia đình hòa hợp, được giáo dục thích đáng; quyền được phát triển trong một xã hội tiếp đón trẻ em, trân trọng và yêu cầu người khác phải trân trọng trẻ em, một xã hội tạo cơ hội cho mọi người. Tất cả trẻ em phải được sinh ra và lớn lên trong một xã hội thể hiện tình thương, sự liên đới, đồng trách nhiệm, công lý và hòa bình. Để có thể thực hiện được những điều ấy, chúng ta cần phải có một cái nhìn sâu sắc và đầy lòng nhân đạo. Chúng ta được mời gọi nhìn ngắm con người đích thật của họ: Họ là “hình ảnh và giống như Thiên Chúa” là Đấng đã dựng nên chúng ta, vì “tình yêu chân thật và thánh thiện của Người” (x. Luật không sắc chỉ 23:1-3).

Đáng tiếc là nhiều xã hội trên thế giới hiện nay không có khả năng làm được điều ấy. Trái lại, chúng ta thấy người ta dửng dưng với nhau (x. Thông điệp Niềm vui Tin Mừng 54), được ngụy trang bằng những bài diễn văn rỗng tuếch, mà không hề dấn thân một cách thiết thực. Chính nhân loại thèm khát sự tiến bộ, nhưng rốt cuộc lại coi nhẹ con người cụ thể, may mắn lắm thì cũng bỏ mặc họ trong hậu trường. Khi các nhóm xã hội cũng như cá nhân nỗ lực và độc quyền bảo vệ quyền lợi và lợi ích của mình, thì càng làm gia tăng sự xung đột và chắc chắn làm cho họ kết luận như thế này: “Tôi đúng và người khác thì sai; tôi là bạn và người khác là thù; tôi sống trong tình yêu và người khác sống trong hận thù”.

Nhiều người và nhiều quốc gia tự giam hãm trong bốn bức tường, để bảo vệ mình khỏi mọi thù địch mà họ quan niệm. Phát xuất từ ý thức bảo vệ, cách hành động ấy đưa đến tình trạng cô lập và ngăn cản sự phát triển của mỗi thành viên. Cách hành động ấy ngăn cản mọi cơ hội mà người ta có thể tận dụng để cải thiện và gây trở ngại cho mọi hình thức đảm nhận trách nhiệm để tôn trọng lẫn nhau (x. Thông điệp Niềm vui Tin Mừng 186-192). Mặt khác, một ít nhà lãnh đạo và xã hội đang hồi tưởng những gì đã xảy ra trong quá khứ, khiến công dân nam nữ của họ buộc phải di cư để tránh bạo loạn, bách hại, đói kém, chiến tranh và xung đột nội bộ. Đa số đều có xu hướng đóng cửa biên giới, không muốn tiếp nhận những người đang chạy trốn và nhập cư với niềm hy vọng tìm được những cơ hội mới để sống, được nuôi dưỡng, bắt đầu lại với một cuộc sống thể hiện phẩm giá cơ bản của con người.

Đáng buồn là chúng ta nghe nói rằng, các nhà lãnh đạo hay những người đại diện cho các nhà lãnh đạo đã coi những di dân và người tị nạn là một mối đe dọa, kẻ cắp, phạm nhân, kẻ thù hay quân khủng bố; đôi khi họ còn sánh ví những người di dân và tị nạn với thú vật. Điều đó chỉ làm cho họ càng sợ người khác và sợ sự khác biệt, kích thích cảm xúc sợ hãi, rồi sự sợ hãi lại biến thành nỗi căm thù, vì “vùng tiện nghi” của họ sẽ bị khấy động khi người khác đến. Đó là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy rằng, chúng ta đang đối diện với những điều mà nhiều nhà tư tưởng hiện nay mô tả là khủng hoảng xã hội. Ngoài tính chất vô nhân đạo của những thái độ trên đây, điều làm tôi lo sợ chính là điều này: Đa số người dân đều im lặng trước tình trạng đó và trở nên những kẻ đồng lõa; thậm chí họ ủng hộ các nhà lãnh đạo và bầu phiếu cho những đại biểu ấy. Và các nhà lãnh đạo trở nên nguồn cảm hứng và gương mẫu cho những người khác; các phương tiện truyền thông đại chúng thường nhấn mạnh đến tất cả những điều đó và rốt cuộc thì sự thật hầu như luôn luôn bị che đậy, như ý muốn của nhiều chính trị gia.

Trong số những sự bất nhất nghiêm trọng của những quốc gia được coi là phát triển và đóng cửa biên giới, không tiếp nhận các di dân và người tị nạn, còn có sự im lặng và đồng lõa với kỹ nghệ sản xuất vũ khí. Dù biết rằng hàng triệu người, kể cả trẻ em, phải chạy trốn vì xung đột vũ trang, họ vẫn tiếp tục cho phép, thậm chí đẩy mạnh việc sản xuất và xuất khẩu vũ khí.

Anh Chị Em thân mến, đây là lúc chúng ta phải đối phó với tình trạng di dân và tị nạn hiện nay với thái độ nhân đạo, Kitô giáo và Phan Sinh. Có lẽ, chúng ta cần phải tự hỏi rằng, liệu chúng ta có thật sự hiểu được tâm trạng của những người phải sống nhiều năm trong trại tị nạn mà không có một chút hy vọng gì không (như ở Kenya, Nam Phi và những nơi khác). Chúng ta có hiểu được tâm trạng của những người đứng trước một bức tường ngăn cản họ vượt qua, hay đứng trước hàng rào kẽm gai, biểu thị cho sự tàn nhẫn và độc ác của việc loại trừ, dửng dưng và quy ngã không?

Chúng ta đừng bao giờ quên những điều mà Đức Giáo Hoàng đã nói, khi thăm viếng Lampedusa: “Khi sự dửng dưng trở nên một hiện tượng toàn cầu, nó làm cho tất cả chúng ta trở nên những kẻ “vô danh”, dù có trách nhiệm mà vẫn vô danh và lạnh lùng. “Các bạn đang ở đâu?” “Anh chị em của các bạn đang ở đâu?” Đó là những câu hỏi mà Thiên Chúa đặt ra cho con người trong buổi bình minh của lịch sử nhân loại; Người cũng hỏi từng người nam nữ trong thời đại hôm nay và hỏi chúng ta như thế… Vua Hêrôđê đã gieo chết chóc để bảo vệ sự an nhàn của mình và những điều hão huyền của mình. Và điều đó cũng đang tiếp tục… Chúng ta nài xin Thiên Chúa xua tan “con người Hêrôđê” đang ẩn núp trong lòng chúng ta; chúng ta nài xin Thiên Chúa ban ơn giúp sức, để chúng ta tẩy xóa sự dửng dưng của mình, tẩy xóa lòng tàn nhẫn trên thế giới và trong lòng chúng ta, và nơi mọi người nặc danh, để họ đưa ra những quyết định trên bình diện xã hội và kinh tế nhằm tìm giải pháp cho tình trạng thê thảm hiện nay”.

Cuối cùng, tôi muốn nhắc lại những lời của Hội Đồng Dòng Mở Rộng 2018: “Là con người và là người Phan Sinh, chúng tôi cảm thấy hết sức xúc động và quan tâm đến niềm hy vọng, nỗi lo âu và đau khổ của nhiều di dân và người tị nạn. Chúng tôi biết rằng, chúng ta phải tiếp đón và chấp nhận họ với lòng nhân ái và quảng đại, theo gương Chúa Kitô và tinh thần của thánh Phanxicô, là người đã mời gọi chúng ta hãy vui sướng khi sống với “những người hèn hạ và bị khinh dể, nghèo khó và yếu thế, đau ốm và phong cùi, cũng như những kẻ ăn xin dọc đường” (x. Lksc 9:2).” (Hội Đồng Dòng Mở Rộng 2018, 119).

Sau khi chào đời tại Belem, Chúa Giêsu buộc phải chạy trốn và di cư. Hôm nay, Người đang hiện diện trong từng người di dân và người tị nạn: Người còn đang kiên nhẫn gõ cửa nhà chúng ta, tức là những xã hội được gọi là xã hội Kitô giáo và thấm nhuần văn hóa Kitô giáo. Hài Nhi Giêsu chỉ cho chúng ta thấy con đường đưa đến một tương lai hòa bình, tiếp đón ân cần, đối thoại và cởi mở với tha nhân, ngõ hầu mọi người có thể được nên phong phú.

Là Đấng đã đồng hành với dân Người trong cuộc xuất hành, nay Thiên Chúa đang đồng hành với những người di dân và tị nạn, khi họ đi tìm sự che chở và tự do. Sứ điệp của Đại Lễ Chúa Giáng Sinh mời gọi chúng ta mở rộng cõi lòng và mở cửa đón tiếp anh chị em đang sống xa quê hương, bằng cách thể hiện sự gần gũi và liên đới với họ. Sứ điệp Giáng sinh mời gọi chúng ta đừng bao giờ hắt hủi ai, vì sợ hãi hay vì căm ghét.

Nguyện xin Chúa Cứu Thế, Đấng đã trở nên một người giữa chúng ta, soi sáng bước chân của những người buộc phải di cư và làm cho chúng ta được hân hoan khi chiêm ngắm dung nhan của Người nơi anh chị em chúng ta, là những kẻ đang đau khổ, khóc than và tìm kiếm một cuộc sống nhân đạo hơn.

Chúc Mừng Giáng Sinh!

Roma, ngày 12 tháng 12 năm 2018

Lễ Đức Mẹ Guadalupe

Ts. Michael A. Perry, OFM

Tổng Phục Vụ và Tôi Tớ

Antôn Nguyễn Ngọc Kính, OFM, dịch

Chia sẻ