Skip to content
Main Banner

Thư anh Tổng Phục Vụ dịp lễ Cha Thánh Phanxicô 2017

Administrator
2017-10-11 00:00 UTC+7 77

ĐẠI LỄ CHA THÁNH PHANXICÔ 2017

Thư Anh Tổng Phục Vụ và Hội Đồng Cố Vấn
Dòng Anh Em Hèn Mọn

 

THÁNH PHANXICÔ: TÍCH CỰC LẮNG NGHE LỜI

Anh em thân mến,

Nguyện xin Chúa ban bình an cho anh em,

Chúng ta sắp mừng Đại lễ thánh Phanxicô, tổ phụ chúng ta. Khi mừng kính cha mẹ, toàn thể gia đình gặp gỡ nhau để chia sẻ niềm vui, cảm xúc và kinh nghiệm; cuộc gặp gỡ như thế cũng là cơ hội để đánh giá các vấn đề và cùng nhau lên kế hoạch cho tương lai. Trong biến cố đặc biệt này, chúng ta (trong tư cách là con cái) được mời gọi suy tư về ý nghĩa của ngày đại lễ, vì cuộc sống chúng ta không chỉ là một chuỗi những biến cố cứ lặp đi lặp lại như nhau – thật vậy, đại lễ thánh Phanxicô năm nay rơi vào một thời điểm đặc biệt trong đời sống Huynh Đệ Đoàn chúng ta, vì chúng ta đang chuẩn bị cử hành Hội Đồng Dòng Mở Rộng, sẽ được tổ chức từ ngày 12 tháng 6 đến ngày 28 tháng 6 năm 2018 tại Nairobi.

Chúng tôi đã chọn câu này làm chủ đề của Thượng Hội Đồng: “Những ai có tai thì hãy lắng nghe, hãy lắng nghe những gì Thần Khí nói… với Anh Em Hèn Mọn” (Kh 2,29). Dù lời này ám chỉ chuyện quá khứ trong sách Khải Huyền, chúng ta lại quan tâm đến chuyện hiện tại và sứ điệp cụ thể mà Thần Khí muốn nói với chúng ta, là những anh em đang sống trong nhiều hoàn cảnh khác nhau.

Từ ngày 18 đến ngày 22 tháng 9 năm 2017, Hội Đồng Dòng đã thăm các anh em đang sống tại Thổ Nhĩ Kỳ - chúng tôi cám ơn anh em đã tiếp đón chúng tôi với thái độ đầy tình huynh đệ, cám ơn anh em vì tinh thần trách nhiệm và đời sống chứng tá của anh em. Cùng với đức cha Ruben Tierrablanca (OFM) Đại diện Tông tòa tại Istanbul, chúng tôi đã đi thăm các địa điểm khảo cổ liên quan đến các Giáo Hội được nói đến trong sách Khải Huyền và tại những nơi ấy, chúng tôi đã dành thời giờ suy niệm về các thư gởi cho bảy Giáo Hội (Kh 1,17-3,22). Khi thăm viếng những địa điểm ấy, chúng tôi đã có thể nối kết các sứ điệp gởi cho các cộng đoàn Kitô hữu trong quá khứ với những sứ điệp hiện đang được gởi đến cho chúng ta, ngay ở đây và bây giờ.

LẮNG NGHE TRONG THỜI GIAN VÀ KHÔNG GIAN

Khi thăm viếng những nơi ấy với tinh thần lắng nghe, chúng tôi sớm nhận thấy một tiến trình và phương pháp đặc biệt trong việc phúc âm hóa và truyền giáo. Tiến trình ấy là nền tảng của mọi việc đổi mới: Thánh Gioan đã liên đới với anh chị em đang bị bách hại và chịu đau khổ, và nhận thấy rằng khi cộng đoàn quy tụ lại để cầu nguyện trong Ngày của Chúa, thì đó là khung cảnh thuận tiện để thánh nhân chuyển tải sứ điệp của mình cho họ (Kh 1-3). Ngày của Chúa là thời điểm và nơi chốn để chia sẻ tình huynh đệ, là nơi mà họ tìm thấy cách giải tỏa những nỗi lo âu và đau khổ, bằng cách lắng nghe Lời Chúa và dìm mình trong Thần Khí. Khi chúng ta đã gặp được Chúa Phục Sinh và lắng nghe tiếng nói của Người, chúng ta được soi sáng và trở nên mạnh mẽ để đối phó với những vấn đề trong cuộc sống hàng ngày và trở nên “người chiến thắng” trong cuộc chiến chống lại quyền lực ác thần. Lời Chúa luôn luôn là lời hy vọng, dẫn chúng ta đến với mối phúc này: “Phúc cho ai lắng nghe lời sấm ngôn này” (Kh 1,3).

LẮNG NGHE THÁNH THẦN ĐỂ BIẾT LẮNG NGHE THẾ GIỚI

Khi chúng ta lắng nghe Lời và dìm mình trong Thánh Thần, điều đó không làm cho chúng ta cách ly với thế giới cụ thể mà chúng ta là thành phần. Trái lại, điều đó giúp chúng ta nhận biết sứ vụ của mình trong thế giới. Đó là ý nghĩa của những sứ điệp gởi cho các Giáo Hội được nhắc tới trong những trang đầu của sách Khải Huyền.

Giáo Hội hiện diện trong một bối cảnh cụ thể là thế giới, được biểu thị bởi Babylon. Giáo Hội được định nghĩa là Hiền Thê chung thủy, nhưng qua cuộc sống của mình, Giáo Hội nghiệm thấy sự dữ đang hiện diện nơi chính bản thân mình, và Giáo Hội đau buồn vì nhiều vấn đề đã gây phiền toái cho thế giới này. Vì lẽ đó, trước khi khiển trách các cư dân trên trái đất này đã làm những điều xấu xa, chính Giáo Hội được mời gọi tái khám phá quyền năng khải hoàn của Chúa Kitô Phục Sinh, cam kết thực hiện tiến trình hoán cải nhờ ánh sáng sự thật mà Giáo Hội được mời gọi công bố, rồi Giáo Hội sẽ làm cho mình được đổi mới từ bên trong.

NĂNG ĐỘNG LẮNG NGHE

Trong các thư gởi cho các Giáo Hội của sách Khải Huyền, chúng ta có thể thấy một khuôn mẫu của việc lắng nghe: Mỗi lá thư được mở đầu bằng lời mà Đấng Phục Sinh gởi cho một Giáo Hội cụ thể - “Hãy viết cho thiên thần của Hội Thánh tại… Đây là lời của Con Thiên Chúa…” – và kết thúc với lời mà Thần Khí nói với tất cả các Giáo Hội – “Ai có tai thì hãy nghe những điều Thần Khí nói với các Hội Thánh” – Trong khi lời của Chúa Kitô đề cập đến những hoàn cảnh cụ thể và rõ ràng, sứ điệp của Thần Khí lại có tính phổ quát – một sứ điệp gởi cho mọi Giáo Hội. Tuy nhiên, sứ điệp của Thần Khí không chỉ là một nguyên tắc được tổng quát hóa, nhưng đặt nền tảng trên thực tế và cụ thể đối với từng hoàn cảnh.

Việc lắng nghe tạo ra một tiến trình, trong đó lời mà chúng ta tiếp nhận trở thành một thực tại trong cuộc sống chúng ta. Trong thư thứ nhất gởi cho Giáo Hội Ephesô, chúng ta thấy được tiến trình ấy: “Suy xét – hoán cải – hành động” (Kh 2,5). Việc hoán cải bắt nguồn từ việc lắng nghe Lời Chúa Giêsu, trở nên sống động và thiết thực nhờ Thánh Thần, Đấng làm cho chúng ta “nhớ lại” lời của Chúa Giêsu và làm cho đời sống chúng ta được biến đổi.

ĐÂU LÀ ĐIỀU MÀ THẦN KHÍ MUỐN NÓI VỚI ANH EM ĐANG PHÂN TÁN TRONG BẢY GIÁO HỘI?

Chúa Phục Sinh ngỏ lời với các Hội Thánh tại Tiểu Á, nay Lời ấy lại được nói với chúng ta là con cái thánh Phanxicô, đang sống trong vô số hoàn cảnh trên nhiều lục địa mà Hội Dòng đã hiện diện.

·        Ngỏ lời với Giáo Hội Ephesô, Chúa Phục Sinh nhìn nhận và chỉ ra những ân huệ quan trọng của Giáo Hội đó: chăm chỉ và chính thống. Chúng ta có thể xem đó là những ân huệ của chúng ta, nhưng chúng ta cũng nghe Chúa nhắc cho chúng ta nhớ rằng, nếu không có tình yêu thì tất cả những ân huệ ấy sẽ trở nên vô nghĩa.

·        Lời Chúa Phục Sinh nói với Giáo hội Smyrna làm cho chúng ta thêm niềm hy vọng, giúp chúng ta phân định một cách sáng suốt, dạy chúng ta thực hiện đức nghèo như một điều giúp chúng ta trở nên phong phú.

·        Thư viết cho Giáo Hội Pergamon mời gọi chúng ta hãy sẵn sàng để cho Lời thanh luyện chúng ta, vì Lời có thể làm cho chúng ta có khả năng vượt qua những hoàn cảnh khó khăn – trong tương quan với thế giới bên ngoài, cũng như với anh em trong đời sống nội bộ.

·        Thư viết cho Giáo Hội Thyatira  giúp chúng ta nhận biết đường lối mà mình đang nỗ lực bước theo, đồng thời thư cũng mời gọi chúng ta phân định, nhờ đó chúng ta được giải thoát khỏi những yếu tố lầm lạc hay những nguyên tắc sai lầm.

·        Thư gởi cho Giáo Hội Sardi muốn nói với chúng ta rằng: Điều tệ hại nhất đối với một cộng đoàn là khi các thành viên xao lãng đời sống nội tâm, cho dù họ vẫn đang thực hiện nhiều công việc tốt đẹp.

·        Thư gởi cho Giáo hội Philadelphia cung cấp cho chúng ta một cách nhìn về sự yếu đuối của mình và khích lệ chúng ta kiên trì. Thư này nhắc chúng ta nhớ rằng, nếu chúng ta trung thành với Lời, chứng tá của chúng ta sẽ được nhìn nhận và mang lại thành công.

·        Sứ điệp gởi cho Giáo Hội Laodikê nhắc chúng ta nhớ rằng, thái độ tiêu cực nhất chính là cảm xúc tự mãn. Thái độ ấy bóp chết mọi ước muốn thay đổi và phát triển, vì chúng ta không thừa nhận tính chất nghiêm trọng của một số hoàn cảnh tù đọng – và vì thế, không có lý do, không mối đe dọa hay thẩm quyền nào có thể đưa ra một giải pháp tích cực. Quả thế, chỉ sự ấm áp của tình yêu mới có thể sinh ra những mối tương quan thân ái của tình bạn và niềm vui. Chúa không ép buộc ai phải mở cửa, nhưng Người gõ cửa và chờ đợi cho đến khi chúng ta mở cửa để đáp lại tiếng gọi của Người. Chiến lược của tình yêu là chờ đợi và xin chúng ta tự nguyện tiếp nhận tình yêu, và bằng cách đó mà đạt tới mục tiêu.

Do đó, những lời mà Chúa Phục Sinh gởi đến các Giáo Hội cũng vang dội nơi chúng ta và trong huynh đệ đoàn chúng ta một cách sống động và cụ thể.

LĂNG NGHE VỚI THÁI ĐỘ TUÂN PHỤC TIẾNG NÓI CỦA THẦN KHÍ

Anh em thân mến, chúng ta cũng cần sống “Ngày của Chúa” một cách có ý thức tương tự như thánh tông đồ Gioan, bằng cách lắng nghe Lời của Chúa Phục Sinh và dìm mình trong Thần Khí. Tương tự như các cộng đoàn được nhắc đến trong sách Khải Huyền, chúng ta cần tìm lại chính mình một lần lữa, nhìn nhận căn tính nhân loại và thiêng liêng của chúng ta, để rồi chúng ta đi vào thế giới, tháp nhập vào thế giới và làm chứng cho sự sống mới mà Chúa Phục Sinh đã mang đến cho chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta chỉ có thể thi hành sứ vụ ấy như một phần của tiến trình hoán cải. Đời sống chúng ta và đời sống huynh đệ đoàn chúng ta cần phải được thanh tẩy khỏi những ảnh hưởng tiêu cực của thế gian, vốn đã len lỏi vào lối sống chúng ta.

Tiếng nói của Thần Khí nhắc chúng ta và bảy Giáo Hội nhớ rằng, Chúa là Đấng đã chết và đã sống lại, Người biết những mặt yếu và mặt mạnh của chúng ta. Chúa mời gọi chúng ta hãy luôn luôn nhớ rằng, hiện nay Người đang tiếp tục thực hiện biết bao điều nơi chúng ta, như Người đã thực hiện trong suốt lịch sử chúng ta. Tiếng nói của Thần Khí dạy bảo chúng ta đừng bao giờ nhẹ dạ mà gắn bó với quá khứ và làm nô lệ cho quá khứ, dù quá khứ có vẻ vang đến đâu đi nữa. Trái lại, chúng ta cần được nuôi dưỡng bởi sự đổi mới liên tục và hiệu quả do Thần Khí đề xướng, vì nhờ Người, Lời của Chúa Phục Sinh luôn luôn trở nên mới, sống động và liên quan đến  bất cứ hoàn cảnh nào mà chúng ta đang sống.

Vì thế, chúng ta đừng bao giờ thôi hăm hở học hỏi, nhưng hãy lấy lòng biết ơn mà chấp nhận sự biến động luôn luôn mới, phát xuất từ việc chăm chú và say mê lắng Lời Thiên Chúa. Chúng ta đừng sợ mình sẽ trở nên những người thành thạo và chín chắn hơn trong việc lắng nghe. Nếu chúng ta thường xuyên trau dồi một phương pháp lắng nghe cách sống động và năng động, bấy giờ chúng ta sẽ được giaỉ thoát khỏi những văn tự và lời nói vô dụng và phù phiếm. Lời chân thật và duy nhất sẽ trở nên một phần của chúng ta, tỏ lộ cho chúng ta biết ý định và ước muốn của Thiên Chúa đã được cụ thể hóa nơi Chúa Giêsu Kitô.

Lối sống chúng ta cần đòi lại không gian và thời gian dành riêng cho việc lắng nghe cách sống động và năng động, đi từ giác quan đến tâm trí, rồi chạm đến trái tim và trở thành một tình yêu tích cực. Trước khi chúng ta tiến hành bất cứ kế hoạch nào, chúng ta phải phục hồi tiến trình diễn ra giữa việc lắng nghe và hành động. Tiến trình ấy liên quan đến sự phân định xảy ra bên trong nội tâm con người đã được củng cố nhờ Thần Khí (x. Ep 3,16; 2Cr 4,16tt).

THÁNH PHANXICÔ: CON NGƯỜI TÍCH CỰC LẮNG NGHE LỜI CHÚA

Thánh Phanxicô là một người chắm chú và tích cực lắng nghe Lời Thiên Chúa. Thánh nhân và anh em tiên khởi đã phân định ơn gọi nhờ ánh sáng Tin Mừng và Tin Mừng đã trở thành “lối sống” của người. “Với thánh nhân, mục tiêu cao nhất… là chăm chú lắng nghe thánh Phúc Âm trong mọi sự và qua mọi sự, tuân theo giáo huấn của Chúa Giêsu Kitô và họa lại những vết chân của Người” (1Cel 84).

Đối với thánh Phanxicô, Thần Khí chính là Đấng giúp chúng ta hiểu Lời Chúa: Nhờ Thần Khí, công trình Nhập Thể tiếp tục được thực hiện nơi người tín hữu, như đã được thực hiện nơi Mẹ Maria và trong Giáo Hội (x. Hn 7; TTh 48-56). Là một huynh đẹ đoàn hiệp nhất, chúng ta tìm kiếm những cách thức và phương tiện mới để canh tân – luôn luôn nhớ rằng, việc hoán cải đích thực phát xuất từ việc Thần Khí tác động trong cõi lòng chúng ta. Do đó, cùng với thánh Phanxicô, người anh và cha chúng ta, chúng ta dâng lời cầu nguyện:

Lạy Thiên Chúa toàn năng, vĩnh cửu,
công chính và từ bi,
vì danh dự của Chúa,
xin ban cho chúng con là những kẻ khốn nạn,
thực hiện được những điều chúng con biết là Chúa muốn,
và luôn luôn muốn những điều đẹp lòng Chúa,
để nhờ ngọn lửa Thánh Linh thanh luyện,
soi sáng và nung nấu tận tâm can,
chúng con có thể bước theo vết chân con yêu dấu Chúa,
là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con,
và chỉ nhờ ơn Chúa trợ giúp,
chúng con đến được với Chúa là Thiên Chúa tối cao,
trong Ba Ngôi trọn hảo và trong mối hiệp nhất tuyệt đối.
Chúa là Thiên Chúa toàn năng, Đấng hằng sống, hằng trị,
và hằng được tôn vinh đến muôn thuở muôn đời. Amen.

(Thư Toàn Dòng 50-52)

Trong khi chúng ta chuẩn bị cử hành Hội Đồng Dòng Mở Rộng, ước gì Đại Lễ cha thánh Phanxicô là dịp để chúng ta cởi mở lắng nghe một cách sống động và tích cực, những gì Thần Khí đang nói với mỗi người và mọi huynh đệ đoàn chúng ta.

Trong khi chúng tôi cầu chúc cho anh em mọi điều tốt lành trong ngày Đại Lễ mừng kính người Cha Chí Ái, chúng tôi cũng xin anh em hiệp thông với chúng tôi khi cộng đoàn cùng nhau cầu nguyện, để việc chuẩn bị và cử hành Hội Đồng Dòng Mở Rộng có thể mang lại những hoa quả tốt đẹp nhất.

Việc chuẩn bị cử hành Hội Đồng Dòng Mở Rộng cũng sẽ được thêm phong phú, khi chúng ta kỷ niệm 800 năm ngày thánh Phanxicô hiện diện tại Đất Thánh một cách sinh động và cử hành một cách hân hoan. Quả thật, Chúa Giêsu ở với chúng ta mỗi ngày cho đến tận thế!

Roma, ngày 2 tháng 10 năm 2017

Kính nhớ các thiên thần hộ thủ

Ts. Micheal Anthony Perry, ofm (Tổng Phục vụ)

Ts. Jurgen Neitzert, ofm (Tổng Cố vấn)

Ts. Caoimhim O Laoide, ofm (Tổng Cố vấn)

Ts. Ignacio Ceja Jimenez, ofm (Tổng Cố vấn)

Ts. Nicodeme Kibuzehose, ofm (Tổng Cố vấn)

Ts. Lino Gregorio Redoblado, ofm (Tổng Cố vấn)

Ts. Ivan Sesar, ofm (Tổng Cố vấn)

Ts. Valmir Ramos, ofm (Tổng Cố vấn)

Ts. Antonio Scabio, ofm (Tổng Cố vấn)

Ts. Giovanni Rinaldi (Tổng Thư ký)

Ban Truyền Thông Ofmvn (feast-of-st-francis-2017-letter)

 

 

Chia sẻ