Skip to content
Main Banner

Thư Anh TPV Dòng Anh Em Hèn Mọn nhân dịp lễ Phục Sinh 2018

Administrator
2018-04-09 00:00 UTC+7 68

“MẮT HỌ LIỀN MỞ RA VÀ HỌ NHẬN RA NGƯỜI” (Lc 24,31)

Anh em thân mến,

Nguyện xin sự hiện diện của Chúa Phục Sinh ban cho anh em niềm vui!

Năm nay Hội Dòng tổ chức Hội đồng Dòng Mở rộng tại Nairobi, Chủ đề lắng nghe là trọng tâm của cuộc họp này. Để chúng ta có một sự hiểu biết sáng tạo về những gì Lời của Chúa đang nói với chúng ta trong những biến cố hằng ngày và trong đời sống của chúng ta với tư cách là những tu sĩ, thì việc lắng nghe cách tích cực là điều thiết yếu. Tôi nghĩ rằng lá thư của tôi nên được viết ra trong tinh thần đó, và những nguồn suối vô biên của Lời có thể cung cấp cho chúng ta một số bản văn Kinh Thánh then chốt, dẫn đưa chúng ta đến việc thấu hiểu sâu xa hơn vào mầu nhiệm Phục Sinh – và nhất là làm thế nào để sự kiện nền tảng này tác động vào đời sống của mỗi tín hữu.

Mùa Chay đã ban tặng cho chúng ta nhiều phương thế nhận biết tầm quan trọng trong hành trình hướng tới lễ Phục Sinh. Mỗi chúa nhật chúng ta lắng nghe các bản văn bày tỏ sự cam kết của Thiên Chúa ban ơn cứu độ cho loài người mà Kinh Thánh gọi họ chính là kẻ cứng lòng. Ngoài ra, phụng vụ Chúa Nhật thứ hai Mùa Chay trong trình thuật Chúa Biến Hình, cống hiến một thoáng vinh quang rạng ngời của Người Con, vinh quang mà Người chia sẻ cho những ai tin vào Người. Nhưng vinh quang này sẽ không phải là vinh quang của chúng ta mà trước hết không cần đương đầu với thử thách là sự đau thương và những khó khăn – là cái chết của chúng ta. Trước hết, tôi muốn tập trung vào đoạn văn này vì rõ ràng nó cho thấy tình trạng lẫn lộn, bối rối và thậm chí hoang mang về phía ba môn đệ đã đồng hành với Đức Giêsu. Thật đáng lưu ý, ông Phêrô ước muốn tình trạng thoải mái đi ngược với những gì mà Đức Giêsu trước đây đã tuyên bố: “ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Mc 8,35).

Thánh Máccô, tác giả Tin Mừng, trong cách ghi nhận của ngài, nhấn mạnh đến sự ngã lòng và nhầm lẫn mà các môn đệ đã trải nghiệm sau khi họ được nói về cuộc khổ nạn và cái chết của Đức Giêsu. Chúng ta thấy có điều gì đó giống như sự thiếu hiểu biết nơi các môn đệ trên đường Emmau. Họ nghĩ rằng họ đã hiểu những gì đã xảy ra tại Giêrusalem, nhưng Đức Giêsu lại xem họ là những kẻ không hiểu gì cả và lòng trí chậm tin (x.Lc 24,25). Trình thuật Biến Hình nhấn mạnh đến tác động lắng nghe — lúc Đức Giêsu biến đổi hình dạng trước họ, có tiếng nói từ đám mây, “Đây là Con Yêu Dấu, hãy vâng nghe lời Người” (Mc 9,7). Mệnh lệnh này kéo họ về ý tưởng rằng quyền năng của sự chết và nỗi dày vò của thập giá không thể đánh bại sứ vụ mà Đấng Cứu Thế và Đấng Mêsia đã đảm nhận; đúng ra, hy tế này sẽ trở thành biểu tượng của chiến thắng công bố sự thất bại của cái chết (x.1 Cr 15,55). Ở đây, lắng nghe ra ý nghĩa của sự chọn lựa như Đức Giêsu đã chọn, chấp nhận nẻo đường mà Người đã chỉ ra, mà bước theo Người (x. Mc 8,34) trên con đường mà khởi đầu không phải là vinh quang, cũng chẳng có gì là thích thú nhưng điều ấy sẽ đem lại sự sống viên mãn — một nẻo đường dẫn tới sự sống chân thực của tình yêu, bình an, và hiệp thông với mọi người.

Trong khi tiếp tục đề tài lắng nghe, tôi muốn nghĩ đến đoạn thứ hai, đoạn nói đến cuộc gặp gỡ hậu-Phục Sinh của Đức Giêsu với hai môn đệ tại Emmau (x. Lc 24,13-35). Đây là trình thuật được viết thật đẹp và lôi cuốn, được biên soạn nhằm trở thành bài học mô tả con đường phải được đảm nhận bởi các môn đệ là những người đang trong quá trình học biết nhận ra Chúa Phục Sinh.

Các trình thuật Tin Mừng về sự Phục Sinh những lần hiện ra thì đa dạng và khác nhau về hình thức, phong cách và phương pháp, nhưng chúng nhất quán muốn nhấn mạnh rằng thật không dễ dàng nhận ra Chúa Phục Sinh – thậm chí đối với cả các môn đệ là những người thực sự đã biết Đức Giêsu. Các tác giả Tin mừng đồng ý trên thực tế là khi các môn đệ gặp Đức Giêsu Phục Sinh, họ nghi ngờ và họ không thể chắc chắn Người là ai bởi vì họ không nhìn thấy Người như họ đã thấy Người vài ngày trước, lúc họ thấy Người bằng xương bằng thịt và là một con người lịch sử. Chúa Phục Sinh thì như nhau, nhưng cũng hoàn toàn khác.

Tác giả Tin Mừng Luca nhấn mạnh đến ý tưởng rằng thật nguyên việc nhìn thấy Đức Giêsu thì không đủ để tin vào Chúa Phục Sinh. Nhất thiết là phải tiến hành một tiến trình sâu rộng trong việc hiểu biết Kinh Thánh, được đồng hành bởi chính Đức Giêsu, để có thể nhận ra sự hiện diện đích thực của Người. Nói cách khác, qua việc suy gẫm Kinh Thánh và áp dụng những điều ấy cho Đức Giêsu mà một xác tín về sự thật của sự Phục Sinh tỏ lộ trong cộng đoàn tín hữu.

Niềm tin Phục Sinh không chỉ là kết quả của việc thấy bằng mắt phàm, nhưng còn là việc tái suy tư Kinh Thánh và nhận ra rằng cái nhìn ấy được viên mãn trong ngôi vị của Đấng Phục sinh. Nguyên việc thấy thì không đủ vì tự dáng vẻ bên ngoài không đem lại sự xác tín: thay vào đó, sự xác tín xoay chuyển nhờ giải thích Kinh Thánh, dẫn đến một đức tin ngày càng lớn mạnh và trưởng thành. Thánh Phaolô xác nhận điều này trong thư gởi giáo đoàn Rôma: Thế nhưng làm sao họ kêu cầu Đấng họ không tin? Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng? (Rm 10,14).

Thánh Luca đặt hoạt cảnh như thể đang xảy ra vào lúc xế chiều. Các môn đệ nhắm hướng về làng Emmau trên một con đường dốc. Họ đang quay về quê nhà, cảm thấy buồn sầu và muốn rút vào cõi riêng phù hợp hơn với cảm giác thất bại và thất vọng của họ. Họ đang quay về vì họ cảm thấy mình đã sai lầm, đã lãng phí cuộc đời họ trong thời gian vừa qua. Họ đã đi theo con người Giêsu, hy vọng Người sẽ cứu Israen, nhưng thay vào đó, tất cả đã kết thúc cách thảm hại. Vào một thời điểm nhất định, Đức Giêsu liên kết và cùng bước đi với họ. Hai môn đệ phải biết Đức Giêsu rất rõ vì họ đã ở với Người trong một thời gian dài, vậy mà bây giờ họ không thể nhận ra Người. Vậy phải làm sao đây?

Sau khi Chúa Giêsu Phục Sinh tiến gần đến các môn đệ, Ngài bắt đầu bằng một cách tiếp cận khác, bằng cách hỏi các anh đang trao đổi với nhau về chuyện gì vậy? (Lc 24,16) Khoa sư phạm của Đức Giêsu là kéo họ ra bằng cách nêu câu hỏi - Ngài không tỏ mình ra ngay lập tức, vì việc nhận biết Đấng Phục Sinh là một tiến trình. Để diễn giải câu hỏi của Ngài, điều mà Chúa Giêsu nói là: điều gì chất chứa trong lòng bạn, điều gì đang thúc đẩy bạn? Câu hỏi của Người gợi lên câu trả lời dài từ hai môn đệ đó là để thông đạt và trổi vượt hơn trong sắc thái của nó, và trong đó họ tìm ra cách diễn đạt bằng lời về sự thất bại mà họ đang trải qua tại thời điểm đặc biệt đó. Nhưng đó là lý do họ không nhận ra Người; họ bị thuyết phục rằng họ biết nhiều hơn vị lữ khách mà họ vừa gặp.

Điều quan trọng cần lưu ý trong sự kiện là tác giả Tin Mừng đã miêu tả hai môn đệ, nhưng chỉ có Cleopas được nêu tên. Vậy còn người kia là ai?  

Xét về một trình thuật trong cấu trúc mô tả các trình thuật của Kinh Thánh, chúng ta có thể nói rằng người kể truyện đã để lại một khoảng cho độc giả thấy mình có liên quan và chiếm một vị trí trong câu truyện. Vì thế, người môn đệ kia chính là tôi, là anh, hay bất kỳ một tín hữu nào khác chấp nhận sứ điệp này. Nhiều chi tiết khác trong các bản văn này có thể được nhấn mạnh, nhưng đúng hơn là cố gắng xem xét toàn bộ, tôi muốn nêu lên một câu hỏi: chúng ta là những tu sĩ của thời hiện tại đã xác tín và có thể nhận ra Chúa Phục Sinh đang bước đi cùng với chúng ta không?

Tôi đã có đặc quyền thăm viếng các các Thực Thể trong Dòng chúng ta và tôi có thể nói với sự xác tín rằng phần lớn các anh chị em của chúng ta đang làm chứng trong đời sống của họ về sự Phục Sinh của Chúa. Tuy nhiên, tôi cũng lưu ý rằng ở một số nơi vẫn có một số "tiếng ồn" (từ bên ngoài và bên trong) gây trở ngại cho ý định lắng nghe tiếng Chúa. Tiếng ầm ĩ này ngăn cản chúng ta bắt tay vào một quá trình phân định sâu sắc giống như kinh nghiệm của hai môn đệ trong câu truyện, khi họ hiểu ra rằng họ đã chia sẻ một khoảnh khắc Thánh Thể tuyệt vời của ơn cứu độ nơi Đức Giêsu.

Trong khi nhìn vào các trình thuật Tin Mừng, tôi thấy một nguy cơ kép. Một đàng, khi chúng ta phải đối mặt với những nghịch cảnh, cả hai sự sợ hãi và hỗn loạn đều khiến chúng ta nán lại trong "khu vực an toàn" của chúng ta, như vậy, chúng ta sẽ tránh né lựa chọn con đường thập giá mà Chúa Giêsu đề nghị. Điều đó y như thể chúng ta tự mình cố gắng thoát khỏi nỗi đau để trải nghiệm về một tình trạng thoải mái giả tạo, điều đó sẽ dẫn chúng ta đến việc ưu tiên cho mục tiêu riêng của chúng ta, trong khi chúng ta để kế hoạch của Thiên Chúa lại phía sau.

Mặt khác, chúng ta có thể áp dụng cách tiếp cận lúc ban đầu mà hai môn đệ đã thực hiện trong câu truyện Emmau. Đây là thái độ của những người tin rằng họ biết mọi sự và vai trò của họ là để giáo dục người khác - thậm chí còn thúc đẩy sự bi quan và chán nản, mà không biết dừng lại một chút để lắng nghe tha nhân. Đôi khi nó làm tôi đau đớn khi gặp những tình huống mà anh em phải chịu hậu quả của việc thiếu thông tin liên lạc giữa các huynh đệ đoàn địa phương và tỉnh dòng. Điều ấy thuyết phục tôi thêm rằng những người "phồng phao" nơi bản thân mình lại không có khả năng tạo ra một không gian để lắng nghe tiếng nói của người khác. Họ không thể thanh thản trước nhiều âm vang phát ra cùng lúc, không thể ưu tiên cho sự thinh lặng dự phòng khoảng không gian để lắng nghe Thiên Chúa và đọc ra những dấu chỉ thời đại bằng sự táo bạo cũng như khôn ngoan. Và khi kế hoạch của họ không thành công theo ý định, thì sự cố rắc rối thực sự nổ ra, và họ thấy mình ở cùng vị trí như các môn đệ trên đường tới Emmau - đối mặt với sự thất vọng, thất bại, phiền muộn; muốn từ bỏ, rút ​​lui và quên đi mọi sự. Bởi vì chúng ta tin rằng chúng ta là trung tâm của mọi sự, chúng ta đã xóa bỏ Đức Giêsu, nền tảng thực sự của mọi dự phóng, và vì vậy chúng ta thấy sự sụp đổ của các dự án cá nhân của chúng ta.

Biến cố Phục sinh không thể được giảm thiểu chiêm ngưỡng về một người chết nay trở lại với cuộc sống. Sự phục sinh vượt lên trên chiều kích vật lý và xuyên qua những tác động mà nó tạo ra mà đưa dẫn chúng ta đến một trải nghiệm cứu độ đích thực, y như thể các môn đệ ở thế hệ-thứ nhất đã trải nghiệm. Thánh Luca, tác giả Tin Mừng nhấn mạnh rằng Chúa Phục Sinh chỉ có thể được nhận ra khi chúng ta cùng đi với Người, trong khi Ngài dạy và mở Kinh Thánh cho chúng ta, và nhất là khi chúng ta cùng đồng bàn với Người và chia sẻ tấm bánh được bẻ ra. Và mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, bản văn nói như thế, muốn nhấn mạnh rằng bất chấp sự mù tối của họ, sau khi cùng bước đi với Người trên con đường, họ tái khám phá ra sự hiện diện mới mẻ của Chúa Phục Sinh. Đây là một tin mừng mà chính Phúc Âm đã công bố: chúng ta cũng có thể vượt qua mọi cám dỗ đến việc chỉ quan-tâm-đến-bản-thân hay một thái độ hoài nghi nếu chúng ta thực hành việc lắng nghe Thiên Chúa và anh em chúng ta - nếu chúng ta có thể hiểu được với trái tim và tâm trí của chúng ta về Lời mạc khải, được trao cho chúng ta. Trong thánh Phanxicô, chúng ta có một mẫu mực rõ ràng về một con người, trong mối quan hệ với anh em và người nghèo, bước theo con đường Phúc Âm và có trái tim tràn ngập niềm vui vì ngài nhận ra Đấng đã biến đổi cuộc đời của ngài mãi mãi.

Tôi kết thúc lá thư này bằng những lời, qua đó chúng ta đã được Đức Giáo Hoàng Phanxicô trao tặng trong lá thư Mùa Chay năm nay. "Trong Đêm Canh Thức Phục Sinh, chúng ta sẽ cử hành một lần nữa nghi thức cảm động ánh sáng của cây nến Phục Sinh. Được thắp lên từ “ngọn lửa mới”, ánh sáng này sẽ dần vượt qua bóng tối và thắp sáng cộng đoàn phụng vụ. “Nguyện xin ánh sáng Đức Kitô vinh hiển chiếu giãi ánh sáng của Người để phá tan bóng tối đang bao phủ lòng trí chúng ta”, và có thể cho chúng ta sống lại kinh nghiệm của các môn đệ trên đường Emmau. Bằng cách lắng nghe Lời Chúa và nhận lãnh của ăn từ bàn tiệc Thánh Thể, xin cho tâm hồn chúng ta ngày càng hăng hái trong đức tin, đức cậy và đức mến."(Sứ điệp Mùa chay 2018 của Đức Thánh cha Phanxicô)

Tôi cầu chúc tất cả anh em phúc lành và lễ Phục Sinh Hạnh Phúc. Nguyện xin cho anh em tiến bước trong tinh thần lắng nghe và phân định, như thế anh em đang sống một đời sống được đổi mới trong Đức Kitô.

                 Thân mến,

     Tu sĩ Michael A. Perry, OFM

       Tổng Phục Vụ và Tôi Tớ

Rôma ngày 29 tháng 3 năm 2017

Thứ Năm Thánh

Tu sĩ Antôn Vũ Hữu Lệ, OFM, chuyển ng

Chia sẻ