Skip to content
Main Banner

Thánh Phanxicô sống tình huynh đệ

Administrator
2018-02-21 00:00 UTC+7 330

Nguyễn Phước viết theo Eloi Leclerc, Francois, l’homme fraternel 

Thành phố Assisi nằm ở trung tâm nước Ý, toạ lạc trên dãy hoành sơn Subasio, bên dưới là đồng bằng Ombria. Thành phố được xây dựng ở đó như để đón nhận và phản chiếu tất cả ánh sáng từ trời toả xuống và từ đất chiếu lên… 

Chính tại thành phố nhỏ bé thời trung cổ này, Phanxicô thành Assisi chào đời năm 1181.  

Là con trai một thương nhân buôn vải giàu có, cậu bé được đặt tên là Gioan vào ngày nhận phép rửa tội. Nhưng khi ông Phêrô Bênađônê, cha cậu từ nước Pháp trở về sau một một chuyến buôn, ông đã đổi tên cậu bé thành Phanxicô (Francesco – chú bé người Pháp). 

Chàng trai Phanxicô tham gia rất sớm vào thương nghiệp của gia đình. Chàng kiếm được rất nhiều tiền và cũng phung phí một cách ngông cuồng trong các lễ hội với bạn bè. Họ tôn phong chàng là “ông vua tuổi trẻ vàng son” thành phố Assisi. Chàng khôn khéo trong việc buôn bán, tao nhã và lịch thiệp trong giao tiếp, đồng thời chàng còn là một người bạn vui tính. Chàng có tất cả mọi thứ để có thể gặt hái thành công trong cuộc sống.  

KHỞI ĐẦU MỘT ƠN GỌI 

1. Ơn hoán cải 

 Phanxicô ôm ấp những hoài bão lớn. Năm 16 tuổi, chàng mơ ước vinh quang binh nghiệp và khao khát trở thành một hiệp sĩ. Năm 18 tuổi, chàng gia nhập quân đội công xã và tham chiến chống lại thành phố láng giềng thù nghịch là Pêrudia. 

Nhưng chàng bị bắt làm tù binh, một năm sau mới được trở về Assisi với một tấm thân tàn tạ. Chàng ngã bệnh. Đó là giai đoạn cô đơn và phản tỉnh trong cuộc đời chàng. Thánh Bonaventura viết: “Chúa đã dùng những chuỗi ngày đau ốm để chuẩn bị tâm hồn Phanxicô đón nhận ơn Thánh linh” (Đại truyện 1,2).  

Tuy thế Phanxicô vẫn tiếp tục theo đuổi mộng công danh. Năm 1204, Gauthier de Brienne một tướng lãnh của đạo quân Đức Giáo hoàng, chiêu mộ quân tình nguyện. Phanxicô sắm sửa một chiến bào lộng lẫy để ra đi. 

Trong đêm khuya, chàng chiêm bao thấy mình ở trong một lâu đài sang trọng: một người thiếu nữ đẹp đứng giữa các vũ khí. Có tiếng gọi chàng và hứa cho chàng tất cả những gì chàng thấy. Lạ thay, những vũ khí đều mang hình thánh giá. Phanxicô không cần tìm ý nghĩa sâu xa. Chàng cắt nghĩa theo mộng công danh mà chàng đang theo đuổi. Một lâu đài - những vũ khí - một hiền thê trẻ đẹp, đó chẳng phải là điều chàng ao ước sao! Và Phanxicô hăng hái lên đường tới Spoletô, một thành phố cách Assisi chừng 40 cây số. 

Đêm hôm đó, chàng lại nghe có tiếng hỏi trong giấc mơ: 

- Ai có thể cho ngươi nhiều hơn, ông chủ hay tôi tớ? 

- Thưa là chủ. 

- Vậy sao ngươi bỏ chủ mà theo tớ? 

- Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì? 

- Hãy trở về Assisi rồi ngươi sẽ biết phải làm gì. 

Phanxicô ý thức rằng cho tới bấy giờ, Thiên Chúa đã chỉ giữ một vai trò thứ yếu trong cuộc đời chàng. Đời chàng đã ngập tràn những ước nguyện, những dự định trần thế đến nỗi không còn chỗ cho Chúa, Đấng có quyền, như một lãnh chúa, đòi hỏi con người từ bỏ những ước nguyện và dự định riêng để phụng sự Ngài cách vô diều kiện. Và từ nội tâm đến cử chỉ bên ngoài, Phanxicô bắt đầu trở về với Chúa. 

Sáng hôm sau, không chút ngần ngại, Phanxicô lên ngựa trở về Assisi trước những con mắt ngạc nhiên của dân thành. 

Nhưng bây giờ chàng phải làm gì? Ai sẽ nói cho chàng biết? Để đón nhận sứ mạng mới, Phanxicô thường trốn bạn bè, đi tìm thanh vắng trong những hang hốc và những ngôi thánh đường đổ nát, chẳng hạn nhà nguyện Thánh Đamianô. Tại đó, chàng đã cầu nguyện hằng giờ trước ảnh tượng Chúa Kitô theo kiểu Byzantin.  

Những ngày dài trong thinh lặng và cầu nguyện đã làm cho Phanxicô ý thức rằng muốn nghe theo tiếng Chúa và chiêm ngắm Người, trước hết phải từ bỏ những cái mà ngày xưa chàng khao khát tìm kiếm và phải yêu mến những điều mà theo khuynh hướng tự nhiên chàng lấy làm gớm ghiếc. Đó là ý nghĩa của sự trong sạch mà sau này Ngài đã dạy cho anh em: 

“Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được ngắm nhìn Thiên Chúa. Người thật sự có tâm hồn trong sạch là người khinh chê của cải trần thế, tìm kiếm gia nghiệp thiên quốc và không ngừng thờ phượng, nhìn ngắm Chúa là Thiên Chúa hằng sống chân thật với lòng thanh trí sạch” (Hn 16). 

Một dịp xảy tới: Một hôm vừa ra khỏi Assisi, Phanxicô gặp một người phung cùi, mang thứ bệnh ghê tởm nhất và bị mọi người sợ nhất. Khi thấy người cùi đến gần, Phanxicô đã thúc ngựa chạy nhanh để tránh mặt. Nhưng chính lúc ấy, dường như có một bàn tay nào đó kìm dây cương ngựa lại khiến chàng phải trực diện với bệnh nhân. Lúc này chàng mới nhận ra sự biến dạng khủng khiếp trên thân thể con người đang chống nạng lê bước tới chàng: môi bị ăn mòn, mũi chỉ còn một lỗ hổng khủng khiếp. Một mùi hôi thối xông lên làm chàng ngạt thở. Tuy khó chịu, nhưng chàng vẫn cảm thấy bị thúc bách tiến về phía người cùi. Khi đến nơi, chàng nhảy xuống và đưa cho người cùi tất cả số tiền mang theo nơi mình. Thấy bàn tay lở loét, chàng muốn quay đi. Nhưng cuối cùng, chàng đã cúi xuống và hôn lên bàn tay rùng rợn ấy. Đó là chiến thắng đầu tiên của chàng hiệp sĩ. Không một chứng tá nào quí hơn là chính tâm sự của Phanxicô: 

“Chúa đã ban cho tôi, tu sĩ Phanxicô, ơn bắt đầu cuộc đời hoán cải như thế này: Khi còn sống trong tội lỗi, mỗi lần thấy người phung, tôi lấy làm ghê tởm lắm. Nhưng chính Chúa đã dẫn tôi đến với họ và tôi đã tỏ lòng thương xót họ. Khi xa cách họ, điều đối với tôi trước kia là ghê tởm đã trở thành dịu ngọt cho tôi trong tâm hồn cũng như thể xác” (DC 1-3). 

Phanxicô đã sống một cảm nghiệm dịu ngọt trong tình thân ái đối với Chúa. Chàng khám phá ra người cùi là anh em của mình. Kể từ ngày đó, chàng hay tới giúp việc cho những bệnh nhân cùi. 

Giây phút quyết định đã đến: một ngày kia, đang quì trước thánh giá ở gian cung thánh nhà nguyện Thánh Đamianô, ánh mắt Phanxicô đăm đăm nhìn lên Đức Kitô, ánh mắt Đức Kitô đăm đăm nhìn Phanxicô: “Thiên Chúa tối cao và vinh hiển đến chiếu rọi vào cõi tối tăm trong tâm hồn tôi…” Chàng chợt nghe một tiếng nói. Tiếng ấy vọng xuống từ thánh giá hay vọng lên từ tâm hồn chàng: “Phanxicô, con không thấy Nhà của Ta đổ nát sao? Hãy đi và sửa lại cho Ta”. Một làn sóng sự sống, một dòng nước tình yêu xâm chiếm con tim Phanxicô.

Thế rồi, dòng nước tình yêu ấy đã cuốn hút chàng đi tu sửa các nhà nguyện và đến với những người bần cùng: bấy giờ chàng mạnh dạn đến với người phong cùi, thăm viếng các trại phong và tận tình chăm sóc họ. Thế giới của chàng đã nghiêng về phía những người bị loại trừ, bé nhỏ và nghèo hèn. 

Ông Phêrô Bênađônê không thừa nhận cậu con trai nữa. Ông không hiểu, nên ông không chấp nhận sự biến chuyển đang làm thay đổi người con của ông. Thất vọng và xấu hổ vì cậu con trai thường lui tới trại phong, ông giận tím mặt khi nghe biết chàng đã bán một kiện vải để lấy tiền tu sửa một ngôi nhà thờ hoang tàn. Ông đòi lại số tiền. Phanxicô bị triệu hồi ra trước toà án Đức Giám mục Assisi. Tại đây, Phanxicô đã làm một cử chỉ bất ngờ: sau khi trả lại tất cả số tiền cho thân phụ, chàng cởi luôn quần áo, trao trả cho ông và trước mặt Đức Giám mục và mọi người, chàng nói: “Xin tất cả mọi người hãy nghe: xưa nay tôi vẫn gọi ông Phêrô Bênadônê là cha tôi, nhưng từ nay, tôi sẽ thong dong mà thốt lên: Lạy Cha chúng con ở trên trời”. 

Kể từ lúc ấy, Phanxicô hoàn toàn tự do. Chàng khoác một tấm áo thô hèn và lên đường ra đi, quay lưng với tiền bạc, quyền thế và công danh mà chàng chảng quan tâm dính bén hơn bụi đường: chàng chìm ngập một cách huyền nhiệm trong luồng khí ca tụng. Khi mấy anh cướp trấn lột chàng trên núi, chàng thản nhiên tuyên bố: “Tôi là sứ giả của Đức Vua cao cả”. Nơi chàng, Tin mừng nghèo khó song hành với Tin mừng lời tụng ca. 

Chàng sống cuộc đời ẩn dật 2 năm, đi xin của bố thí như một người hành khất. Vâng lệnh Đức Kitô truyền dạy tại nhà nguyện thánh Đamianô, chàng bắt tay sửa chữa nhiều nhà nguyện hư nát vùng ngoại ô thành phố Assisi như nhà nguyện thánh Đamianô, nhà nguyện thánh Phêrô và nhà nguyện Đức Bà các thiên thần hay còn gọi là nhà nguyện Đức Maria Porziuncola. 

2. Tiếng gọi Tin mừng  

Thế rồi một ngày kia, ngài vào cung thánh nhà nguyện Đức Mẹ Porziuncola tham dự thánh lễ và nghe đọc bài Tin mừng Đức Giêsu sai các môn đệ đi truyền giáo: “Anh em hãy ra đi, Thầy sai anh em đi như chiên giữa bầy sói. Anh em đừng đem theo vàng bạc, tiền của… Vào nhà nào, anh em hãy nói: ‘chúc bình an cho nhà này’.” Đó là một khai sáng cho tâm trí Phanxicô. Ơn gọi của ngài đã được mặc khải. Ngài sung sướng kêu lên: “Đó là điều tôi ao ước, đó là điều tôi tìm kiếm!” Ngài sẽ đi vào thế giới như các môn đệ đã được Thầy sai đi, “không vàng, không bạc”, hoàn toàn trần trụi; và cũng như các môn đệ, ngài loan báo hoà bình: hoà bình của Đấng Mêsia, sự giải hoà giữa Thiên Chúa với con người và giữa con người với nhau. Trong một thế giới xâu xé, ngài sẽ là một sứ giả kiến tạo hoà bình. 

Một dự phóng táo bạo trong tinh thần đơn sơ. Bước theo lý tưởng Tin mừng, Phanxicô sẽ tuyệt giao với hệ thống chính trị-tôn giáo thời đại của ngài, thậm chí ngài cũng không biết rõ điều đó: với quyền lãnh chúa của giáo hội cũng như với các cuộc thánh chiến và thập tự chinh. Ngài sẽ khai mở một con đường mới trong một Giáo Hội, vì sở hữu nhiều tài sản - các toà giám mục và đan viện -, nên đã trở thành phong kiến và lãnh chúa. 

3. “Chúa đã ban cho tôi các anh em”  

Nói cho đúng, Phanxicô không hề mơ tưởng thiết lập một hội dòng tu trì hay cải cách Giáo hội. Ngài chỉ muốn đi theo sát Đức Kitô. 

Tuy nhiên, nhiều thanh niên trưởng giả thành phố Assisi như Bênađô Quintavalê, Phêrô Catanê đã bị gương sáng của ngài thu hút và đến với ngài rất sớm. Phanxicô tiếp nhận họ như những anh em được Chúa gởi đến. Đó là khoảnh khắc hệ trọng trong cuộc đời ngài. Bởi lẽ đó là giây phút bắt đầu cuộc mạo hiểm phan sinh đúng nghĩa. Từ đó về sau, chính trong huynh đệ đoàn mà ngài sống lý tưởng Tin mừng.  

Việc đầu tiên của ngài là cùng với mười một anh em tiên khởi đi triều yết Đức Giáo hoàng và đệ trình dự phóng tin mừng. Phanxicô nói với anh em: “Này anh em, tôi thấy Chúa muốn cho cộng đoàn chúng ta đông dần, vì tình yêu của Ngài. Chúng ta hãy đi gặp Mẹ thánh chúng ta là Giáo hội Roma. Chúng ta hãy bày tỏ cho Đức Giáo hoàng biết điều mà Thiên Chúa đã thực hiện giữa chúng ta, để chúng ta tiếp tục công việc đã được khởi sự theo ý và mệnh lệnh của Ngài” (Truyện ký Ba người bạn, 46).  

Sự táo bạo của dự phóng không khỏi làm cho Đức Innôxentê và giáo triều ái ngại: “Phanxicô và anh em sẽ sống thế nào nếu không có sở hữu và lợi tức?” Đàng khác, thời kỳ ấy đã có nhiều giáo phái viện dẫn lý tưởng Tin mừng và nhân danh lý tưởng nghèo khó để công kích Giáo Hội! Giáo triều đang suy tính, thì Đức Hồng y Jean de Saint-Paul, bạn của Đức Cha Guido, Giám mục địa phận Assisi, lên tiếng can thiệp: “Nếu chúng ta từ chối và xem như một điều mới mẻ và kỳ lạ lời xin của người nghèo này là sống theo Phúc âm, thì chúng ta phản nghịch với Phúc âm. Cho rằng theo đuổi sự trọn lành Phúc âm là một điều mới mẻ, điên cuồng hay kỳ lạ, tức là lăng mạ Chúa Kitô, vì Ngài là tác giả của Phúc âm” (Đại truyện 3,9). Lời nói đó đã gây một ấn tượng sâu sắc trong giáo triều. Đức Hồng y đã đánh một cú mạnh vào cái khôn ngoan của loài người. Trong một câu ngắn ngủi, Ngài đã tóm tắt một cách rõ ràng bản chất của phong trào Phan sinh: Noi giữ Phúc âm Đức Giêsu Kitô. Sau khi nghe Phanxicô giải thích thêm về lòng từ bi của Chúa không bao giờ bỏ rơi những kẻ quyết sống nghèo khó, Đức Giáo hoàng liền chấp thuận: “Anh em hãy ra đi, và xin Chúa ở với anh em. Anh em hãy rao giảng đời đền tội cho mọi người theo như Chúa soi sáng. Khi Thiên Chúa tăng số và tăng ơn lành cho anh em, thì hãy lấy làm vui mừng và nhớ cho Cha biết. Cha sẽ ban cho nhiều điều khác nữa và sẽ an tâm giao phó cho nhiều trách nhiệm khác quan trọng hơn” (1 Cel 33). Trước hôm đó, Ngài cũng đã thấy trong một giấc mộng: Đền thờ Laterano sắp sụp đổ; nhưng một người nghèo kia, thân hình bé nhỏ và yếu ớt đưa vai ra đỡ và dựng lại. Đức Giáo hoàng Innôxentê nhận ra con người bé nhỏ đó chính là Phanxicô Assisi. Ngài chuẩn y Luật dòng do Phanxicô đã trình và cho phép đi giảng, tuy đó mới còn là việc chuẩn y bằng miệng. Ngài còn muốn có thời gian để nhìn xem cây non này sẽ đưa lại những hoa quả như thế nào. Hồng y Jean de Saint Paul tự tay cắt vòng tóc trên đầu Phanxicô và các anh em của người như dấu hiệu công nhận của Giáo hội. 

Anh em tràn ngập niềm vui, lên đường trở về Assisi. Anh em dừng chân tại Rivô Tortô, trú ngụ trong một túp lều chật chội và bỏ hoang bên một dòng suối. 

Thế là đời sống của anh em bắt đầu: sống nghèo triệt để, nhưng cũng hân hoan trong tình huynh đệ và trong tiếng ca ngợi khen Chúa. Để kiếm sống, anh em tự nguyện làm công trong nhà dân chúng và đảm nhận những công việc thấp hèn. Một vài anh em chăm sóc cho bệnh nhân phong cùi. Tất cả anh em đều chỉ có một mối ưu tư trở nên người xây dựng hoà bình. Số lượng anh em không ngừng phát triển. Anh em rời Rivô Tortô và đến cư trú giữa một rừng cây trong cánh đồng Assisi, chung quanh nhà nguyện Đức Mẹ Porziuncola. 

MỘT PHONG TRÀO HUYNH ĐỆ 

Đó là mùa xuân của Tin mừng. Trong một xã hội xáo trộn bởi sự phát triển kinh tế, làm mồi cho những xung đột xã hội, Phanxicô khai mở những con đường huynh đệ. 

Huynh đoàn tiên khởi đã khai sinh nhiều huynh đoàn khác. Người ta thấy nở rộ hầu như khắp nơi trên đất nước. Đó là mùa xuân thật sự của Tin mừng. Số anh em tăng lên hàng trăm, rồi hàng ngàn; và toả lan khắp châu Âu.  

Động lực thu hút các thanh niên và người trẻ đến với nếp sống ấy chính là tình huynh đệ. Ngay đức nghèo cũng được xem như một con đường của tình huynh đệ. Phanxicô nói: “Không một anh em nào có quyền thống trị, nhất là trên anh em mình. Không ai được gọi là tu viện trưởng… Bất cứ anh em ở đâu, khi gặp nhau hãy tỏ ra là anh em cùng một gia đình”. 

Đó quả là một sự mới mẻ lạ lùng trong Giáo Hội thời ấy. Các giám mục trong giáo phận, các viện phụ trong đan viện thực tế là những lãnh chúa phong kiến, hành xử quyền bính trần thế thật sự trên dân chúng một vùng lãnh địa. 

Còn anh em không có đan viện, nhà thờ hay đất đai. Buổi đầu, anh em trú ngụ trong những nơi may mắn gặp được bên ngoài thành phố. Ban ngày, anh em hoà nhập vào dân chúng, làm thuê làm mướn chỗ này chỗ nọ. Anh em nuôi sống bằng công việc tay chân hay bằng của bố thí. Một vài anh em dấn thân vào việc rao giảng. Anh em rảo qua làng này đến làng khác; và đến bất cứ nơi nào, anh em cũng tỏ ra là những sứ giả xây dựng hoà bình. 

“Lạy Chúa, xin dùng chúng con như khí cụ hoà bình… để chúng con đem yêu thương vào nơi oán thù… đem hiệp nhất vào nơi bất hoà”. 

1. Hoà bình và ngợi khen 

Hoà bình mà anh em loan báo có tên gọi là tình huynh đệ. Nói cho đúng, hoà bình đó không gì khác hơn là sự chiếu toả của tình huynh đệ giữa anh em. Anh em muốn chia sẻ tình huynh đệ ấy cho mọi người. 

Đó cũng là sự hiệp thông trong lời ngợi khen Chúa. Thánh Phanxicô rất nhấn mạnh điểm này. Ngài mong muốn anh em là những con người của lời ngợi khen và thờ phượng. Chính ngài làm gương cho anh em. Ngài thường xuyên rút lui vào ẩn viện cô tịch cùng với vài anh em dành trọn nhiều ngày để ngợi khen và thờ phượng Chúa; sau đó ngài mới trở lại cuộc đời hành hương của sứ giả hoà bình. 

Cuộc đời ngài gắn liền với những ẩn viện cô tịch: Carceri, Celle, San Urbano, Pogio-Bustone, Fonte-Colombo, Greccio, La Verna… 

2. Ơn gọi Clara 

Sự thành công của huynh đoàn mới khai sinh không chỉ giới hạn trong nam giới. Nó lan toả đến giới nữ rất sớm. Thật vậy, lý tưởng Tin mừng của Phanxicô đã chóng gây nên một âm hưởng sâu đậm trong con tim một thiếu nữ đài các ở thành phố Assisi. Thiếu nữ ấy tên Clara, 18 tuổi. 

Chẳng có gì tiên liệu Clara sẽ gặp Phanxicô và thấu hiểu ngài. Cô kém ngài 12 tuổi, gia đình cô lại thuộc tầng lớp xã hội cổ kính, phong kiến và lãnh chúa, cô thừa hưởng một nền giáo dục uyên bác và hứa hẹn một cuộc hôn nhân vương giả. Cô không hề có một tuổi trẻ tinh nghịch như Phanxicô. Không lâu trước khi thành lập công xã, thành phố Assisi bị xáo trộn, gia đình cô lánh nạn sang thành phố láng giềng Pêrudia. 

Trở về Assisi vài năm sau đó, cô nghe đồn đãi chàng trai trưởng giả đã từ bỏ tất cả, gia đình, của cải, quyền thế để đi theo Đức Kitô nghèo khó. Nhất là cô đã nghe chàng giảng tại vương cung thánh đường Assisi. Cô cảm kích sâu xa trước lời lẽ đơn sơ và nóng bỏng còn vang vọng trong tâm hồn cô như một lời mời gọi. Từ lúc ấy, cô mong muốn gặp chàng. Cùng với môt bạn gái, cô tìm gặp chàng để thỉnh ý về ơn gọi của mình. Nhận thấy cô có một tâm hồn tinh tuyền và dũng cảm, Phanxicô khuyến khích cô tận hiến cho Chúa. Và cô đã quyết định. 

Chiều ngày lễ Lá năm 1212, Clara khoác một bộ áo lộng lẫy nhất, kín đáo ra khỏi nhà và vội vã tiến về nhà nguyện Đức Mẹ Porziuncola, tại đây Phanxicô và anh em đang đứng đợi. Cô trút bỏ trang phục lông lẫy và khoác tấm áo đền tội. Trước tiên, cô được đưa đến đan viện thánh Phaolô, dòng nữ Biển Đức. Vài tuần sau, cô chuyển đến sống tại nhà nguyện thánh Đamianô. Lập tức, nhiều thiếu nữ thượng lưu, trong đó có cô em gái Anê, đã nối gót theo cô, sống cuộc đời Tin mừng trong nghèo khó và ngợi khen. Cũng như huynh đoàn của anh em, huynh đoàn các chị gia tăng rất nhanh chóng. 

3. Dòng Phan sinh Tại thế 

Ngay từ những bước đầu trên đường đi giảng, Phanxicô đã có một sức hấp dẫn mãnh liệt trên quần chúng. Qua ngài, Thiên Chúa trở thành gần gũi hơn, thế giới siêu nhiên trở thành thực tế hơn. Số người tự nguyện đoạn tuyệt trần gian, sống đời đền tội ngày một thêm đông đảo. Phanxicô không thể thâu nạp tất cả, nhất là những người còn phải chu toàn nhiệm vụ làm cha, làm mẹ, thực hiện ý Chúa ngay trong hoàn cảnh, địa vị mình ở đời. Nhưng Phanxicô không nỡ để cho những thành tâm thiện chí ấy mai một đi giữa chợ đời huyên náo. Ngài vẫn nghĩ cách đem lại cho họ một phương thế tu thân lập đức thích hợp với hoàn cảnh của họ. 

Năm 1216, sau lúc ngài giảng xong, dân chúng thành Canara muốn bỏ hết mọi sự để theo ngài. Ngài khuyên: “Anh chị em không nên vội vàng như thế, tôi hứa sẽ giải quyết cho anh chị em”. 

Trong lúc chờ đợi, bất cứ ở nơi nào, hễ có bóng một Tu viện dòng Hèn mọn, Dòng Nhất, cũng như Dòng Nhì là ở đó có một số anh chị em giáo hữu thường liên lạc mật thiết và chịu ảnh hưởng sâu rộng. Các anh chị em này, tuy ở giữa thế gian, nhưng vẫn cố noi theo cuộc đời đền tội và lý tưởng khó nghèo. Họ xa lánh cuộc đời xa hoa, dành thì giờ và đem tiền của giúp đỡ người nghèo, góp phần vào hoạt động tông đồ của dòng Anh em Hèn mọn. 

Thế là quây quần chung quanh những Tu viện chính thức, một đoàn thể, tuy chưa có tổ chức gì, nhưng cùng chung một lối sống, một tinh thần. Giữa các giáo hữu thường, họ đã thành một nhóm chiến sĩ ưu tú có ảnh hưởng tốt. Họ góp sức chung lưng, thực hiện những công cuộc từ thiện như lập bệnh xá, lập dưỡng đường, mở những ngày tĩnh tâm cầu nguyện, len lỏi vào mọi tầng lớp khuyến khích những người khô khan nguội lạnh hay sa đà truỵ lạc trở về với Chúa. 

Tuy chưa có gì là chính thức, nhưng họ đã nghiễm nhiên thành những tu sĩ ở thế gian, theo đuổi một lý tưởng rõ rệt, thực hiện lý tưởng bằng một đời sống nhặt nhiệm và bằng những hoạt động tông đồ bác ái.  

4. Sự lớn nhanh của huynh đoàn 

Nhận thấy các huynh đoàn anh em cũng như chị em gia tăng, thánh Phanxicô chỉ biết tạ ơn Thiên Chúa vì mùa xuân Tin mừng đến trong Giáo Hội. Vâng, ngài vẫn thích nói “Thiên Chúa thật là Đấng Thiện Hảo, là nguồn mạch mọi điều thiện hảo”. Ngài đã thấy Chúa chiếu toả trên anh em “ánh quang huy hoàng” như ánh mặt trời. 

Mỗi năm, vào dịp lễ Ngũ Tuần, anh em trong mỗi tỉnh dòng tề tựu tại một nơi quy định để cử hành tu nghị. Những cuộc gặp gỡ đó là thời gian thiết yếu trong đời sống anh em. Anh em cầu nguyện chung với nhau, chia sẻ kinh nghiệm và “với sự trợ giúp của những đại biểu ngay chính và đức độ”, anh em hoạch định dự phóng đời sống. 

Vì số anh em mỗi ngày một gia tăng, thánh Phanxicô không thể đích thân tham dự mọi cuộc tu nghị tỉnh dòng. Do đó, ngài quyết định triệu tập toàn thể anh em về tham dự Tổng Tu nghị tại nhà nguyện Đức Mẹ Porziuncola nằm trên cánh đồng Assisi, nơi khai sinh huynh đoàn tiên khởi.  

5. Chiều kích thế giới 

Luồng sinh khí huynh đệ đã từng nâng tâm hồn Phanxicô lên cao không thể dừng lại nơi đó, nhưng đã luôn luôn thúc đẩy ngài đi xa hơn nữa, hướng đến một tình huynh đệ đại đồng. Ngài mơ ước quy tụ tất cả mọi người trong một mối dây hiệp thông như thế và ngài đã thâu họp tất cả trong tình yêu Thiên Chúa. 

Như triết gia P. Ricoeur nhận xét, ngài ước mong “biến đổi mọi sự thù nghịch thành tình huynh đệ, vào trong sự hiệp nhất của tạo thành”. 

Thời bấy giờ, thế giới hiển nhiên phân chia thành hai khối lớn khép kín, hai khối đối địch: một bên là thế giới Kitô giáo và bên kia là hồi giáo. Giữa hai khối là thánh chiến, là thập tự chinh. Địa điểm gây bất hoà và tranh chấp đích thị là Thánh địa, nơi Đức Kitô đã sống và chịu đau khổ vì nền hoà bình thế giới. 

Thánh Phanxicô không muốn chấp nhận sự đổ vỡ đó. Vì thế, ngài phác hoạ dự án xây dựng một nhịp cầu giữa hai khối, liên kết hai bên trong tình huynh đệ. Phanxicô quyết định lên đường sang Cận Đông để gặp vua hồi giáo nước Ai cập và để mang sứ điệp Tin Mừng và huynh đệ vào điểm nóng ấy. Một giấc mộng điên rồ. Cuối tháng sáu năm 1219, thánh Phanxicô lên tàu tại cảng Ancône hướng về cảng Acre và Damiette. Phanxicô bạo dạn tới gặp Vua Hồi giáo: Melek-el-Kamel. Nghe Phanxicô giảng, vị này tỏ ra nhiều thiện cảm, và mời thánh nhân lưu lại trong triều đình. Nhưng thấy công trình giảng dạy không đưa lại kết quả nào, Phanxicô xin rút lui. Sau đó Ngài sang Đất Thánh: trong nhiều tháng Ngài thăm viếng quê hương Chúa Cứu Thế, sống đời chiêm niệm. 

6. Sự nghèo khó triệt để  

Thật hết sức trớ trêu! Trong khi ngài đang nỗ lực làm trung gian hoà bình giữa thập tự quân và vua hồi giáo, một sứ giả đến từ nước Ý báo cho ngài biết trong khi ngài vắng mặt, nội bộ huynh đoàn đã bất hoà trầm trọng và các anh em thân cận của ngài đang khổ tâm.  

Đây là sự thất bại trên mọi chiến tuyến. Hoạ vô đơn chí, đôi mắt viêm nhiễm vì mặt trời nóng bỏng nay khiến ngài hầu như mù loà và rất đau đớn. 

Tổn thương trong tâm hồn cũng như trong thân xác, ngài trở về nước Ý trong thảm hại. Ngài tìm gặp những anh em lạc lối. 

Ngài tạm thời rút lui vào một ẩn viện cô tịch. Đó là giây phút đen tối nhất trong cuộc đời ngài. Ngài không còn biết rõ Thiên Chúa chờ đợi gì nơi ngài. Ngài có cảm tưởng người ta muốn giật ngài ra khỏi Hội Dòng và lôi kéo ngài xa rời ơn gọi ban đầu. Bấy giờ, ngài cảm nghiệm những giây phút bất an, buồn phiền và cả sự nổi giận nội tâm.  

Cơn khủng hoảng ấy, càng trầm trọng hơn vì bệnh tật, quả là một thử thách nghiêm trọng. Thiên Chúa đợi ngài ở đấy. Thánh Phanxicô được mời gọi tiến tới một sự trần trụi tối thượng, một sự nghèo khó triệt để. Một sự nghèo khó không chỉ liên quan đến của cải vật chất, nhưng đụng chạm đến bản chất thâm sâu nơi con người. 

Bên trong con người có một ý muốn chiếm hữu, bởi đó con người chiếm làm của riêng điều thiện hảo mình thực hiện và vênh vang vì nó. Không phải vô cớ mà trong suốt các thư văn, thánh Phanxicô tố giác cái ý muốn khiến chúng ta tự xưng là thầy và chủ nhân các điều thiện chúng ta làm; không phải vô cớ mà ngài nhận thấy trong sự bối rối và tức giận những dấu chỉ chắc chắn của sự chiếm hữu thầm kín ấy. Chính ngài đã có kinh nghiệm đó; ngài có kinh nghiệm về cơn cám dỗ bối rối và tức giận. Và Chúa đã chỉ cho ngài biết ngài phải truất hữu chính công trình của ngài – đó là huynh đoàn mà ngài nhiệt tâm gầy dựng – để chính mình trở thành công trình của Thiên Chúa: “Hỡi con người nhỏ bé, thấp hèn và dốt nát, hãy nói cho ta biết vì sao người khổ tâm như thế? Ai đã gieo trồng hội dòng anh em? Chẳng phải ta sao? Ta đã chọn ngươi là kẻ đơn sơ và dốt nát để ngươi và anh em ngươi biết rằng chính ta sẽ chăm sóc cho đoàn chiên của ta. Vậy ngươi chớ buồn phiền nữa” (Truyện ký Pêrudia 86) 

Thánh Phanxicô tin tưởng lời Chúa. Và với đức tin của người nghèo, ngài trao phó hoàn toàn Hội Dòng cũng như bản thân trong bàn tay Thiên Chúa (“Lạy Chúa con, Lạy Chúa con, Chúa là ai? Và con là ai?) Yêu và yêu nhiều đều chưa đủ. Phải học trở nên nghèo khó trong tình yêu, nhất là trong tình yêu. Không chiếm hữu sự gì. Không chiếm hữu người nào. Bấy giờ, tình yêu mới đạt tới đỉnh trọn lành. 

7. Bình an tái lập 

Hội Dòng không còn là việc của ngài, nhưng là việc của Thiên Chúa. Thiên Chúa là Thiên Chúa, như thế là đủ. Ngay từ lúc đó, thánh Phanxicô cởi mở trọn vẹn cho Thánh Thần của Chúa. Một luồng gió bình an và thanh thản xâm chiếm ngài. Tất cả con người ngài bắt đầu toả rạng huy hoàng như ánh mặt trời sau cơn giông bão. 

Thánh Phanxicô trở thành con người tươi sáng. Không gì có thể tách rời ngài khỏi tình yêu của Đấng Tạo Hoá. 

Và này đây, ngài cảm thấy chan chứa một năng động mới, ngài tâm sự cùng các bạn đường: “Cho đến bây giờ, chúng ta chưa làm được gì, chúng ta hãy bắt đầu làm một cái gì đi nào”. 

Kỳ thực thì không phải làm việc này hay việc nọ, nhưng là để cho Thánh Thần Chúa hoạt động trong chúng ta. 

Theo năm tháng, sức khoẻ Phanxicô yếu dần… Nhưng trước máng cỏ Giáng Sinh ở Greccio, trong ẩn viện La Verna hay trong cộng đoàn, chính con người hoà bình và huynh đệ ấy tiếp tục cất lên Bài Ca Anh Mặt trời và say mê chiêm ngưỡng Đức Kitô. 

8. Năm dấu thánh 

Vào khoảng tháng 8 năm 1224, hai năm trước khi từ giã cõi đời, Phanxicô lên núi La Verna. Tại nơi đây, ngài đắm chìm trong việc chiêm ngưỡng cuộc khổ nạn của Chúa Kitô. Cuộc khổ nạn xuất hiện trong tâm trí ngài như một mặc khải về Tình yêu vô biên hằng thôi thúc trọn cả con người ngài. Ngài cảm thấy nẩy sinh trong lòng một nỗi khao khát vời vợi muốn kết hiệp với cuộc khổ nạn của Chúa Kitô. Ngài cầu nguyện như thế này: “Lạy Chúa, ước gì mãnh lực nồng cháy và dịu dàng của tình yêu Chúa chiếm ngự tâm hồn con và giải thoát tâm hồn con khỏi mọi sự dưới bầu trời này, để con chết vì yêu Tình yêu của Chúa, như Chúa đã chết vì yêu tình yêu của con”. 

Thế rồi vào một buổi sáng – vào dịp lễ suy tôn Thánh Giá – trong khi ngài cầu nguyện trên sườn núi, ngài thấy từ trời xuất hiện một thực thể có cánh, một thực thể bằng lửa và ánh sáng: thần Xêraphim có sáu cánh chói ngời như trong thị kiến của ngôn sứ Êdêkien. Đó là một trong các thực thể bất tử chầu chực trước ngai Thiên Chúa và là sự chiếu toả vinh quang của Người. Nhưng điều lạ lùng là những thực thể vinh quang và sáng ngời ấy cũng đau khổ: tay chân đều bị đâm thâu. 

Trước thị kiến ấy, tâm hồn thánh Phanxicô như bị chia cắt bởi những tình cảm trái nghịch. Vẻ đẹp của thần Xêraphim và ánh mắt dịu dàng của người làm cho thánh nhân chan chứa niềm vui, nhưng sự đau đớn của đấng chịu đóng đinh đồng thời cũng khiến tâm trí ngài rã rời. Và bỗng nhiên, Đau khổ và Vinh Quang, kết hợp với nhau một cách kỳ lạ trong thị kiến ấy, vồ bắt ngài như một con chim săn mồi. 

Thị kiến vụt tắt. Bấy giờ, cúi mặt xuống, ngài thấy đôi tay và đôi chân đã bị đâm thủng. Vinh quang Thiên Chúa đã chạm đến ngài. Ngài mãi mãi là con người bị đóng đinh.  

Tất cả cuộc đời ngài là một sự chiêm ngưỡng Đức Kitô lâu dài và nồng nàn. Và sự chiêm ngưỡng ấy kết cuộc đã biến đổi ngài hoàn toàn theo hình ảnh Đấng Chịu Đóng Đinh. 

9. Bài Ca Vạn Vật 

Bấy giờ xảy ra một điều bất ngờ: con người mà thiên hạ tưởng đã biến khỏi mặt đất, vì tâm hồn ngài chìm đắm trong Thiên Chúa và thân xác yếu nhược vì các dấu đinh và bệnh tật, con người đó bắt đầu ngồi trên lưng lừa ngang dọc miền Ombria và Marche, đi đến làng này tới làng khác và tha thiết kêu gọi mọi người sống hoà bình, hoà giải, huynh đệ. Như thể ngài được phú ban một năng lực mới.  

Đêm nọ, vì kiệt sức, Người Nghèo nài xin Thiên Chúa dủ thương. Một tiếng nói bên trong đáp lời ngài: “Phanxicô, hãy hân hoan như thể con đã ở trong vương quốc của Ta…” Một ánh sáng rất dịu dàng thấm nhập tâm hồn ngài. Và một nỗi khao khát ngợi khen xâm chiếm con người của ngài. Lời ngợi khen đó mặc lấy vẻ uy nghi của mặt trời, vẻ rực rỡ dịu dàng của tinh tú, đôi cánh của làn gió, sự khiêm nhu của dòng nước, sự nhiệt tâm của ngọn lửa và sự nhẫn nại của trái đất. 

Ánh sáng mặt trời chiếu toả trên Assisi. Phanxicô, nay đã mù loà, ngồi ngay ngắn trên giừơng và cất lên Bài Ca Anh Mặt trời:  

Lạy chúa Trời Cao Cả, 

Đấng nhân hậu toàn năng,  

Ngài xứng đáng lãnh nhận, 

Tiếng ca ngợi hát mừng, 

Danh dự và vinh quang 

Với muôn lời cung chúc! 

Ngợi khen và thánh đức, 

Thật là phải đạo thay, 

Người phàm ai đáng được 

Gọi Danh Thánh của Ngài. 

Muôn lạy Chúa con thờ, con xin ca tụng 

Vì Ngài đã dựng nên muôn loài muôn giống, 

Đặc biệt hơn cả là ông anh mặt trời, 

Để cho có ngày và để sáng soi. 

Anh đẹp tuyệt vời, anh rạng ngời rực rỡ, 

Lạy Chúa Tối Cao, anh là hình ảnh Chúa… 

Và lời ngợi khen bao trùm tất cả tạo thành: chị mặt trăng và tinh tú, anh gió và chị nước, anh lửa và chị Mẹ đất. Quả thật là một bài ca thán phục trước kỳ công của Thiên Chúa: đó cũng là và nhất là bài ca tình huynh đệ đại đồng. Bài ca hoà giải giữa con người với mọi vật và với chính bản thân. Bài ca của con người hoà bình và huynh đệ, nhờ họ mà những thế lực sôi sục trong cuộc sống tìm lại được sự trong sáng nơi suối nguồn và vẻ huy hoàng của ánh sáng. Bài ca của cuộc tạo dựng mới, ngay trong trái tim con người. 

Để hoà giải hiềm khích giữa Đức Giám mục và viên thị trưởng thành phố Assisi, ngài nẩy sinh ý tưởng thêm một tiểu khúc vào Bài Ca Anh Mặt trời:  

“Muôn lạy Chúa con thờ, con xin ca tụng, 

Vì bao người rộng lượng thứ tha 

Bởi lòng yêu mến Chúa:  

Gian khổ yếu đau, chẳng nề hà! 

Lạy Chúa Trời cao cả, 

Phúc thay ai một mực sống hiền hoà, 

Vì Ngài sẽ thưởng triều thiên quý giá.” 

Sức khoẻ ngài ngày càng sa sút. Cuối mùa hè năm 1226, người trở bệnh trầm trọng hơn. Biết mình sắp phải từ giã cõi đời này, ngài sáng tác một điệp khúc thêm vào Bài Ca Anh Mặt trời:  

Con xin ca tụng, muôn lạy Chúa con thờ 

Vì chị chết đang sẵn chờ thân xác, 

Thật trong cõi người ta 

Chẳng ai là thoát được. 

Vô phúc thay kẻ nào, 

Chết còn mang tội ác, 

Nhưng quả là hạnh phúc cho ai 

Khi bất ngờ chị tới 

Đang thi hành ý Chúa miệt mài. 

Vì dầu cái chết thứ hai 

Cũng không tác hại cho đời họ đâu! 

Những ngày đầu tháng mười đã đến. Trở về Porziuncola, thánh Phanxicô sống những giờ phút cuối đời. Chiều ngày mồng 3, ngài xin anh em đem sách Tin Mừng đến và đọc cho ngài nghe đoạn Tin Mừng của thánh Gioan: “Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những người thuộc về mình còn ở thế gian và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1). 

Kế đó, thánh Phanxicô xướng thánh vịnh 141: “Con lớn tiếng kêu gào Yavê, sức hèn con đã hầu như suy tàn… xin đưa con ra khỏi chốn ngục tù…” “Cuối cùng, đã đến giờ các mầu nhiệm của Đức Kitô thể hiện nơi ngài, linh hồn ngài hoan hỷ bay bổng lên cùng Thiên Chúa” (1 Cel 121) 

Đó là buổi chiều ngày mồng 3 tháng mười. Ngài vừa 45 tuổi. 

Màn đêm buông xuống trên thành phố Assisi, những ánh sao đầu tiên lấp lánh trên bầu trời. Từ nay ai sẽ mang hoà bình từ trời xuống trái đất? Ai sẽ sống đủ nghèo để trở nên anh em của mọi tạo vật? Ai sẽ nói được như ngài: “Bình an và thiện hảo”? 

Chia sẻ