Skip to content
Main Banner

Người đương thời

Administrator
2008-10-19 00:00 UTC+7 145

(Phỏng vấn linh mục Augustinô Nguyễn Trinh Phượng).

Kính thưa Cố, hiện nay Cố là người lớn tuổi nhất trong Tỉnh Dòng, nhưng sức khỏe còn dẻo dai, trí óc còn minh mẫn, tinh thần rất thư thái. Cộng đoàn Thủ đức, đặc biệt Học viện, nơi anh em trẻ còn trong giai đoạn huấn luyện, có thể nói sự hiện diện của Cố ở đây như là chứng tá sống động cho những người trẻ chúng con về mọi mặt. Vì thế, chúng con muốn nghe những lời tâm sự của Cố, để qua đó giúp chúng con sống đức tin và đời tu một cách trung thành và sáng tạo.

PV. Trước hết, xin Cố cho biết năm nay Cố bao nhiểu tuổi ?

CP: Cố đã 93 tuổi.

PV. Cố sinh ra trong gia đình có mấy anh chị em và ở giáo xứ nào ?

CP: Cố sinh ra trong một gia đình có tám người con (bốn gái, bốn trai), Cố là con thứ bảy. Thuộc giáo xứ Chân Thành, Hà Tĩnh. Trước đây là họ đạo Giáp Hạ, nhưng sau này đổi tên lại là Chân Thành, do trước đây có hai linh mục đầu tiên là cha già Chân và cha già Thành coi sóc giáo họ, nên lấy tên hai cha đó đặt cho giáo xứ mới này.

PV. Cố đi tu lúc mấy tuổi ?

CP: Lúc 16 tuổi. Cố thuộc lớp AELM đầu tiên của Tỉnh Dòng. Lớp có 12 người như cha Bônaventura Mân, cha Benois Phương, ... cha Antôn Trần Phổ (ban đầu chuyển hướng nhưng về sau vào dòng lại).

PV. Trong cuộc đời điều gì làm Cố vui nhất ?

CP: Tinh thần Phan sinh vui nhất, vì có hòa thuận, tôn trọng sự tự do, đem an hòa vào nơi bất hòa... Chúa Giêsu cũng làm thế.

PV. Làm sao Cố biết đến Dòng Phanxicô ?

CP: Do có một anh thanh niên ở làng ngoại đạo tên là Lê Văn Mão, anh đi mua chè về cho mẹ bán. Một lần đi đến thị xã Hà tĩnh thấy một đoàn thanh niên đang xếp hàng, anh cũng nhảy vào hàng mà không biết Pháp đang tuyển lính, thế là anh đi lính bên Pháp. Anh bị thương nằm viện và được các nữ tu FMM chữa trị và dạy đạo cho, sau đó hướng dẫn anh vào dòng Phanxicô. Sau khi Đức Cha Colomban Dreyer được đặt làm Khâm sứ tại VN thì ngài đem thầy Mão đi theo về VN. Thầy Mão về thăm quê làm cho mọi người trong vùng cả lương lẫn giáo ngỡ ngàng; cả cố Tây và quan đều kính nể. Mấy năm sau bố thầy Mão qua đời nên cả làng lương-giáo đều đến đưa tang ông cụ (vì cụ đã được rửa tội). Bố và người em của Cố cũng đi đưa tang nên thầy Mão bảo với bố cho người em đi tu. Nhưng khi về nhà thì bố cho Cố đi vì người em còn nhỏ quá. Sau khi nhà dòng ở Vinh thành lập, thầy Mão giới thiệu Cố với dòng, nhưng còn phải ở nhà hai năm để học tiếng Pháp rồi sau đó mới vào dòng.

PV. Trong mấy chục năm đi tu Cố có gặp khó khăn nào không ?

CP: Khó khăn thì không có, trái lại toàn thấy điều tốt, điều lành. Các cha Pháp thương người Việt, các cha dạy cho nhiều điều, cho chơi nhiều môn thể thao. Cố không bao giờ chán nản đời tu.

PV. Trước lúc vào dòng Cố biết gì về thánh Phanxicô và dòng chưa ?

CP: Trước đó đâu có biết gì về Phanxicô, nhưng khi vào dòng rồi được học biết về thánh Phanxicô qua các cha người Pháp dạy cho, từ đó yêu mến Cha Thánh và muốn sống như Ngài. Chính noi gương các thánh đó mà nhiều người quen và đến với Cố xin xưng tội...

PV. Chúng con thấy có nhiều cha, nhiều sơ ... đến xin Cố xưng tội và linh hướng ?

CP: Khi còn ở ĐaKao có 6 nhà dòng xin Cố giải tội. Họ nhờ là Cố đi, luôn luôn sẵn sàng, không nề hà, còn sức là đi. Đi mà chẳng bao giờ thấy mệt nhọc cả. Đi đến đâu cũng được các cha, các thầy, các sơ mến thương và tin tưởng. Thường người này truyền tai người kia, nên thấy cha Phượng là họ xin xưng tội, chứ Cố có tài cán gì đâu. Chúa cho Cố tiếp xúc với ai cũng dễ dàng, không bao giờ in trí ai, vì nghĩ họ là những người đã được thánh hiến, nên phải tôn trọng, không bao giờ coi thường, khinh chê những người được thánh hiến. Hơn nữa do Cố đi phục vụ Dòng Ba nhiều nơi, vì thế các cha cứ giới thiệu cho nhau, nên đi đến đâu cũng có các cha xin xưng tội. Có mười hai Đức Cha thường xuyên xưng tội với Cố, đặc biệt là Đức Tổng Bình. Cố nhớ nhất là lần cuối cùng trong bệnh viện Đức Tổng xưng tội xong rồi quỳ xuống xin Cố chúc lành cho ngài. Cố không dám vì thấy mình hèn mọn, nhưng ngài nói : cha là cha giải tội, tôi là tội nhân xin cha chúc lành. Và đó là lần cuối cùng Đức Tổng xưng tội với Cố, vì hai hôm sau đó Đức Tổng qua đời.

PV. Chúng con thường thắc mắc như anh Masséo thời xưa : tại sao mọi người lại đến với cha ?

CP: Người ta động viên mình, chứ không phải mình đến động viên người ta. Thấy người dân vùng Cố tôn sùng thánh An tôn hay làm phép lạ, rồi thánh Gioan Vianney dòng Ba Phan Sinh là những người ảnh hưởng trên cuộc đời Cố.

PV. Hiện nay, mỗi Chúa nhật Cố còn đi giúp giải tội, dâng lễ cho các cha xứ, sức mạnh nào giúp Cố phục vụ như thế ?

CP. Cố luôn nghĩ về Chúa và các thánh, nên ngày Chúa nhật Cố kính Chúa Phục Sinh, ngày thứ hai kính Chúa Thánh Thần, ngày thứ ba kính Chúa Quan Phòng (Chúa Cha), ngày thứ tư kính Đức Mẹ và các Thánh, ngày thứ năm kính Mình Thánh, ngày thứ sáu kính Cộc Thương Khó của Chúa Giêsu, và ngày thứ bảy Tạ ơn Chúa. Quyết tâm cho đến chết thực hiện như thế.

PV. Chúng con thấy Cố không ăn cơm, đến bữa chỉ uống một "tô nước canh" mà thôi. Làm sao không ăn mà vẫn khỏe mạnh, vẫn làm việc và trí óc vẫn còn mình mẫn thế?

CP: Cố quen mấy bác sĩ, họ bảo cố tuổi cao thì ăn những thức ăn dễ tiêu có đủ chất, đừng ăn đồ bổ mà khó tiêu. Trước đây mỗi bữa cố uống một ly sữa và hai hột gà, nhưng sau này thấy tốn kém cho nhà dòng nên không ăn như thế nữa. Bây giờ ăn ít, mỗi buổi sáng một ly sữa như thế là đủ chất lắm rồi.

PV. Cố ăn thì ít mà làm việc thì nhiều. Có phải làm việc giúp cố khỏe mạnh hơn hay là điều gì khác ? (Pv : Mảnh vườn Cđ Thủ Đức hiện nay quanh các lối đi đều có những hàng chuối và đu đủ xanh tươi, do bàn tay Cố Phượng trồng và chăm bón. Nhưng nếu có ai xin xưng tội thì Cố bỏ cuốc vô ngay giải tội cho họ)

CP: Làm việc là cầu nguyện. Chúa Giêsu xưa cũng lao động. Nên Cố bắt chước Chúa vừa lao động vừa cầu nguyện. Cố thì luôn cám ơn Chúa, vì Chúa cho Cố vào dòng Phanxicô. Lao động giúp cho Cố yêu mến Chúa Giêsu hơn, vì xưa Người cũng làm việc giúp cha mẹ ở Nazaret.

PV: Xin Cố cho chúng con biết bí quyết cầu nguyện của Cố ?

CP: Cầu nguyện là chuyện trò với Chúa. Đang khiêng vật gì nặng nhớ đến Chúa vác thánh giá ; đang bị ai sỉ nhục nhớ đến Chúa trong dinh Philatô... Khi gặp chuyện buồn, bị người khác hiểu lầm thì nói với Chúa cho con muốn cảm thông với cuộc thương khó của Chúa. Luôn luôn vui tươi, đừng nghĩ xấu, nói xấu về ai, cũng đừng làm hại ai, mà luôn luôn nghĩ đến Chúa Giêsu.

PV: Còn nhiều điều muốn tâm sự với cố, nhưng để dịp khác. Cuối cùng xin Cố cho anh em trẻ chúng con một lời khuyên ?

CP: Luôn luôn nghĩ đến Chúa Thánh Thần. Trong mọi việc, nào học hành, làm việc, cầu nguyện... đều do Chúa Thánh Thần tác động. Ta thường hay quên Chúa Thánh Thần. Các con phải nhớ đến Ngài, cầu nguyện xin Ngài ban cho đức khôn ngoan, vâng ý Cha, lòng đạo đức..., bất cứ việc gì cũng nghĩ đến Chúa Thánh Thần

PV. Cám ơn Cố rất nhiều. Cầu xin Chúa luôn ban nhiều ơn lành để trong tuổi già Cố luôn có Bình an, thư thái, hăng hái làm việc và cầu nguyện.

Chudu.
thực hiện)

 

 

Chia sẻ