Skip to content
Main Banner

Ân sủng nguồn cội

Administrator
2008-10-18 00:00 UTC+7 152

(Lễ cha thánh Phanxicô 04-10-2008 ở Đakao)

Ngược dòng thời gian 800 năm, và 1-2 năm trước nữa, để tìm lại thuở ban đầu của "phong trào phan sinh", chúng ta gặp Phanxicô, chàng trai Assisi đang đi tìm ý Chúa. Đến trước tượng Thánh giá của Nhà nguyện Thánh Đamianô, ngài đã thưa:

"Lạy Thiên Chúa tối cao và vinh hiển,
xin chiếu sáng cõi lòng tăm tối của con.
Xin ban cho con đức tin ngay thẳng, đức cậy vững vàng và đức mến hoàn hảo. Lạy Chúa, xin ban cho con được sự tinh tế và ơn hiểu biết.

Bản La-tinh là sensum et cognitionem được Bản dịch Việt ngữ diễn ra là "ơn hiểu biết tỏ tường", tức là như một "phép thế đôi" (hendiadys). Không biết có đủ cơ sở để xác định như thế không? Bởi vì theo nghĩa chữ, sensus là một thứ "cảm thức thiêng liêng", còn cognitio là "nhận thức dựa trên các thực tại". Nay kiểm tra lại bài để đưa Chia Sẻ, thì thấy rõ hơn: Sau khi xin ba nhân đức hướng thần, Phanxicô xin hai điều này để đi kèm với ba nhân đức ấy. Và thứ tự các từ trong câu kinh là "đức tin ngay thẳng, đức cậy vững vàng và đức mến hoàn hảo, sự tinh tế và ơn hiểu biết, lạy Chúa, ..."., để thi hành huấn lệnh thánh thiện và chân thật của Chúa".

Lời kinh Phanxicô thưa với Thánh giá Nhà nguyện Thánh Đamianô, một Nhà nguyện nhỏ bé hoang tàn, mất hút trong cánh đồng Umbria dịp ấy, nói lên rất nhiều chuyện.

"Cõi lòng tăm tối" mà Phanxicô nói đến là tình trạng mù lòa, không nhìn ra cả phẩm giá vô song lẫn sự nhỏ bé khôn tả của mình. "Cõi lòng tăm tối" ấy còn là thế giới mờ đục của sự dữ đang ở trong trái tim con người. Và "cõi lòng tăm tối" còn là tình trạng không biết đâu là đường phải theo để đáp trả lại tiếng gọi dâng lên từ đáy thẳm tâm hồn, mà thật ra đến từ Thiên Chúa. Chính "Thiên Chúa, là Chúa, tối cao và vinh hiển" đã giúp "cõi lòng tăm tối" của Phanxicô  khám phá ra rằng "huấn lệnh thánh thiện và chân thật của Chúa" nằm trong Phúc Âm. Thế là ngài đã ra sức khơi lại mạch suối Phúc Âm, để cho nước nguồn Lời Chúa lại tuôn chảy dào dạt, và cùng với các anh em tiên khởi như Bênađô Quintavalê, Phêrô Catani, Êgiđiô, Lêô, Ruphinô..., ngài uống thỏa thuê nơi nguồn suối đó, tâm hồn nên trong sáng như nước nguồn.

Chính "Thiên Chúa, là Chúa, tối cao và vinh hiển" đã giúp "cõi lòng tăm tối" của Phanxicô tạo ra cách sống mới cho một nhóm anh em. Các bài giảng thuyết của Phanxicô và anh em tiên khởi xoáy vào một vấn đề chủ yếu: quan hệ giữa loài người với nhau. Phanxicô tố giác các xung đột, ngài kêu gọi sống hòa bình. Kết án bạo lực, rất hợp lý, nhưng nếu chỉ tâm đắc với những lời kết án của mình, thì rất có thể kẻ kết án đang ấp ủ một thứ bạo lực nội tâm. Để có thể rao giảng hòa bình, Phanxicô đã hết sức thấm nhuần chân lý sau đây: Trong Con Một của Người, Thiên Chúa đã muốn gần gũi kẻ tội lỗi, kẻ bị khai trừ, kẻ sa đọa; Thiên Chúa đã đi tìm kẻ lạc đường, đến ở với kẻ xa nhất, trở nên bạn của họ, và ngồi ăn chung với họ, Người muốn hòa giải với họ. Và Phanxicô làm cho anh em cũng rất thấm chân lý đó để cùng với họ diễn tả xác tín đó qua một cách đối xử, qua một cuộc sống dấn thân, qua một tình nghĩa bạn bè, một sự đồng thuận giữa những người anh em.

Cũng vẫn "Thiên Chúa, là Chúa, tối cao và vinh hiển" đã giúp "cõi lòng tăm tối" của Phanxicô khám phá ra cách ra đi thi hành sứ mạng trong nghèo khó. Theo vết chân Đức Kitô nghèo khó không nhà không cửa, Phanxicô tung anh em đi khắp nơi "như những khách lạ và lữ hành"; không tìm thống trị như các "quý nhân, đại nhân", majores, anh em sống đời thứ dân, lao động tay chân, sống thân phận "hèn mọn", minores, vâng phục mọi người, chấp nhận địa vị thấp kém và loại công việc bị khinh miệt. Vấn đề không phải là hãm mình phạt xác để lập công. Vấn đề là noi gương khó nghèo của "siêu mẫu" Kitô Giêsu. Và nghịch lý đã xảy, sự nghèo khó này đã đưa Phanxicô và anh em đến sự trẻ trung, tự do, thanh thoát và hân hoan cao độ, khi sống giữa những người thấp kém cùng khổ nhất, cũng như khi ở giữa những bậc vị vọng giàu sang nhất.

Đã có một con kênh do thời gian và sự góp tay của nhiều người tạo ra trong vòng 800 năm nay để đưa tinh thần Phan sinh đi khắp thế giới. Con kênh này không thẳng và không to rộng khắp nơi, nhưng nhờ thế nó ghi giữ các kỷ niệm, khi đi qua các thời buổi mò mẫm, các khủng hoảng, cũng như những giai đoạn ổn định và phát triển. Con kênh này vẫn tuôn chảy; các vị thánh phan sinh vẫn liên tục xuất hiện như là những cột cây số đánh dấu các đoạn đường đã qua và xác định hướng tiến tới. Sau 720 năm, con kênh Phan sinh đã chảy đến chúng ta. Những tên tuổi đặt nền móng cho đời sống Phan sinh VN lần lượt xuất hiện: Đức Cha Colomban Dreyer, một anh em phan sinh thuộc Tỉnh Dòng Paris, là Khâm sứ Tòa Thánh tại Đông Dương, cha Ange-Marie Hiral, Giám Tỉnh TD Paris, và Đấng sáng lập Tỉnh Dòng AEHM VN tương lai, cha Maurice Bertin. Thế rồi Chi Tỉnh AEHM VN trực thuộc Tỉnh Dòng Paris đã ra đời: những tên tuổi ngoại quốc như Hugolin Lemesre, Jean-Marie Couden, Joseph Vermeulen, Jean-Bernard và Léonard Ramon đến, làm nền, rồi chịu mờ nhạt dần để các tên Việt xuất hiện ngày thêm rõ nét: một G.B. Lưu Văn Thái, một Bonaventura Trần Văn Mân, Pascal Nguyễn Văn Lụy, Luy Nguyễn Bình Yên, Gabriel Nguyễn Văn Hoa, ..., rồi Pacifique Nguyễn Bình An, Bernard Dương Liên Mỹ, Emmanuel Nguyễn Văn Thứ, Agnello Vũ Văn Đình, Marie-Antoine Trần Phổ..., đấy chỉ là đan cử tên một vài anh em đã về với Chúa, những cái tên biết nói, những cái tên giới thiệu một dung mạo, ghi lại một giọng cười, tiết lộ một phong cách ..., để rồi sau 40 năm - đúng một thế hệ Kinh Thánh -, Chi Tỉnh thành Hạt Dòng. Rồi tốc độ thêm nhanh: 20 năm sau, Hạt Dòng trở thành Tỉnh Dòng, và lại 20 năm nữa, tất cả các anh em đã qua đời hay còn đang sống đã góp phần xây nên Tỉnh Dòng AEHM VN hôm nay, vào thời điểm 2008-2009 này.

Các anh đã qua đi giống như những khối đá sắc màu và dáng vẻ khác nhau, nhưng ghép với nhau, đã xây nên tòa nhà Tỉnh Dòng hôm nay với những đường nét riêng; các anh cũng giống như những nốt nhạc khác nhau, nhưng liên kết với nhau, đã tạo nên một giai điệu, một bản tổng phổ độc đáo. Anh em chúng ta, những người còn bước đi trên mặt đất này, chúng ta đang kết nối với anh em đi trước và với nhau thế nào, chúng ta đang góp phần nào để làm cho tòa nhà Phan sinh VN không mất đi những đường nét riêng của nó, mà lại xinh đẹp hơn, làm cho bản giao hưởng không mất đi nét đặc trưng của nó mà lại duyên dáng hơn? Tám mươi năm, hai thế hệ Kinh Thánh, là hai thế hệ phong phú. Anh em trên thế giới nhìn đến Gia Đình Phan Sinh Việt Nam đều trầm trồ, vì con số đông, con số trẻ. Hẳn là con kênh Phan sinh đi qua Việt Nam hẳn không hung hãn tàn phá như một cơn lũ dữ. Nhưng có hứa hẹn tuôn chảy chan hòa sức sống lâu dài chăng? Hay đang gặp nguy cơ trở thành một con lạch, thu dòng chảy hẹp dần, để chỉ còn là ao tù nước đọng? Tùy chúng ta, tất cả là tùy chúng ta.

Hôm nay, chúng ta tạ ơn Chúa Cha giàu lòng thương xót đã thương ban cho chúng ta ơn kêu gọi làm Kitô hữu và Phan sinh. Hẳn là chúng ta cần nhận ra đây là một "kairos", "một thời gian thuận lợi" để hân hoan sống tinh thần "hoán cải", vì lợi ích của thế giới, trong niềm hiệp thông sâu sắc với Mẹ Hội Thánh. Muốn vậy, thiển nghĩ chúng ta cần phải xin năm điều thánh Phanxicô ngay khi bắt đầu cuộc đời hoán cải, và hẳn là ngài đã xin suốt đời: "đức tin ngay thẳng, đức cậy vững vàng, đức mến hoàn hảo, sự tinh tế và ơn hiểu biết". Với "đức tin ngay thẳng", ta vượt qua được chuyện bề ngoài để khám phá ra trong mọi sự chính Thiên Chúa Tình Yêu đang hiện diện. Với "đức cậy vững vàng", ta chắc chắn rằng tương lai tuyệt đối, là sự sống và hạnh phúc viên mãn, được dành cho những người Thiên Chúa yêu thương. Với "đức mến hoàn hảo", ta nhận ra và đón nhận tình yêu say mê của Thiên Chúa đối với mình và ra sức đáp trả. Với "sự tinh tế và ơn hiểu biết", ta như đã cảm nếm được niềm hạnh phúc mai sau, để không lao đao vì một thành công hay chao đảo vì một thất bại.

Với những ơn đó, là anh chị em phan sinh hay không phan sinh, chúng ta sẽ tha thiết "thi hành huấn lệnh thánh thiện và chân thật của Chúa".

Chia sẻ