Skip to content
Main Banner

Ý nghĩa thánh giá chữ TÔ

Administrator
2017-11-26 00:00 UTC+7 568

Chữ TAU

TAU[1], theo cách phát âm của người Pháp là “TÔ”, là một chữ trong bảng chữ cái Hip-ri và Hy lạp, tương đương với chữ T trong hầu hết các bảng chữ cái của châu Âu, tiêu biểu là bảng chữ cái La tinh, từ đó các thừa sai Dòng Tên đã rút ra bảng chữ cái tiếng Việt trong chữ quốc ngữ hiện đại.

I.- Chữ TAU và Thánh Phanxicô

Căn cứ vào chứng từ của những tác giả viết hạnh Thánh Phanxicô thưở ban đầu, đặc biệt Tôma Celano (trong quyển Các phép lạ của Thánh Phanxicô, viết tắt 3Cel 3) và thánh Bonaventura (trong Tiểu truyện = Tt 2, 9), chúng ta biết: vị Thánh Nghèo Thành Assisi có thói quen dùng chữ TAU để diễn tả tâm tình đạo đức sốt mến của mình, khi viết chữ đó lên tường để tưởng nhớ Thánh Giá Chúa Kitô, và viết vào cuối những lá thư như một dạng chữ ký. Chúng ta có một bằng chứng cụ thể là bản thủ bút kép do Thánh nhân tự tay viết tặng cho anh Lêô sau khi ngài nhận được năm Dấu Thánh trên núi La Verna vào tháng 9 năm 1224. Thủ bút quý báu này (hiện lưu giữ trong thư viện của “Tu Viện Thánh” tại Assisi do Nhánh Anh em hèn mọn viện tu quản lý) được viết cả hai mặt trên một miếng da cừu, với hai nội dung: “Kinh ngợi khen Thiên Chúa Tối Cao” (viết ở mặt trước của thủ bút) và “Lời chúc lành cho Anh Lêô” (viết ở mặt sau) (x. Tác phẩm của Thanh Phanxicô Assisi, ấn bản 2008, tr. 212-216). Chính anh Lêô tự tay ghi bằng mực đỏ ba chi tiết trên mặt sau của thủ bút, để phân biệt với nội dung thủ bút của Thánh Phanxicô viết bằng mực đen:

1)    Bên trên lời chúc lành là mấy câu giải thích sau đây của anh Lêô: “Hai năm trước khi qua đời, Thánh Phanxicô lên ẩn viện La Verna thực hành chay tịnh 40 ngày để kính Đức Trinh Nữ Maria Mẹ Thiên Chúa và kính Thánh Tổng Lãnh Thiên Thần Micaen, từ lễ Đức Mẹ Lên Trời đến lễ Thánh Tổng Lãnh Thiên Thần Micaen trong tháng 9. Và Chúa đã đặt tay trên thánh nhân; sau khi được thấy và nghe một Thiên Thần Xêraphim ngỏ lời, rồi nhận được năm Dấu Thánh của Chúa Kitô in lên thân xác mình, thánh nhân sáng tác kinh Ngợi khen này, ở trang bên kia, chính ngài tự tay viết lời kinh đó để cảm tạ Thiên Chúa đã ban ơn lành cho mình”.

2)    Trong khoảng trống giữa lời chúc lành và chữ TAU, anh Lêô ghi: “Thánh Phanxicô tự tay viết lời chúc lành này cho tôi, tu sĩ Lêô”. Điều này hòan toàn phù hợp với lời kể của Tôma Celanô trong Hạnh thứ hai viết về Thánh Phanxicô, theo đó nhờ thủ bút này, anh Lêô thắng vượt được một chước cám dỗ nặng: nghi ngờ mình không được rỗi linh hồn (x. 2 Cel 49).

3)    Lời chúc lành gồm ba câu, thì câu thứ ba được Thánh Phanxicô viết như sau: “Xin Chúa chúc lành cho anh, hỡi Lêô”, tách xa ra khỏi hai câu kia để có chỗ vẽ chữ TAU, nhưng ngài cố tình dùng cạnh đứng của Chữ TAU tách tên anh Lêô thành hai phần xa nhau: “Lê T ô”, và chân chữ TAU cắm vào một cái gì đó mang hình thù như một đầu người. Và cũng chính anh Lêô ghi chú thêm phía dưới chữ TAU và đầu người: “Ngài cũng tự tay vẽ chữ Tau này với đầu người”.

Thủ bút kép vừa đề cập trên đây được gọi là “thủ bút La Verna” với đặc điểm: có chữ TAU thay chữ ký của Thánh Phanxicô. Thủ bút thứ hai, hiện được bảo quản tại Nhà Thờ Chính Tòa Spoleto, là lá thư Thánh Phanxicô viết cho anh Lêô (x. Tác phẩm…, tr. 205-206). Thủ bút này không có chữ TAU thay chữ ký, có lẽ vì thánh nhân đã tự xưng tên “Phanxicô, người anh em của anh” ngay đầu thư rồi, nhưng mang một đặc điểm khác rất ý nghĩa: đó là nó chứa đựng một số lỗi chính tả và văn phạm trong tiếng La tinh rất bất toàn của ngài, đúng như ngài nhiều lần tự xưng mình là “người dốt nát, ít chữ nghĩa” (idiota, simplex: x. Thư gửi Toàn Dòng 39; Di Chúc 19 và 29). Tuy viết tiếng La tinh sai, nhưng Phanxicô đã để lại cho hậu thế những tiểu phẩm rất giá trị về đời sống tâm linh.

II.- Kinh thánh và chữ TAU

  1. Trong Cựu Ước, ngôn sứ Ê-dê-ki-en đã ghi lại lời Thiên Chúa phán với một trong những người được trao nhiệm vụ trừng phạt thành Giêrusalem bất trung: “Hãy rảo khắp thành, khắp Giêrusalem. Hãy ghi dấu chữ TAU lên trán những người đang rên siết khóc than về mọi điều ghê tởm đang xảy ra trong khắp thành… Hãy giết cho sạch; nhưng tất cả những ai mang dấu (tức chữ TAU) trên mình, các ngươi chớ đụng đến” (Ed 9, 4. 6). Thánh Gioan, trong Tân Ước, tuy không nhắc đích danh chữ TAU, nhưng nói tới những tối tớ Thiên Chúa được đóng ấn trên trán, chứng tỏ họ thuộc về Thiên Chúa (x. Kh 7, 2-4), tức những người sẽ được nhìn thấy tôn nhan Thiên Chúa và Thánh Danh Người ghi trên trán họ (x. Kh 22, 4). Những kiểu nói “đóng ấn trên trán, ghi trên trán” chắc chắn ám chỉ điều Êdêkien nói trong Cựu Ước về những tín hữu được Thiên Chúa tuyển chọn, dành riêng và che chở đặc biệt bằng cách cho ghi chữ TAU trên trán.
  2. Phanxicô chịu ảnh hưởng của quan niệm Kinh Thánh về chữ TAU

Thánh Bonaventura đã liên kết chữ TAU trong sách ngôn sứ Êdêkien (Ed 9, 4) với chữ TAU trong cuộc đời Thánh Phanxicô. Tác giả quyển Đại Truyện kể rằng:” Dấu hiệu chữ TAU, đấng thánh vẫn tôn kính với lòng yêu mến lớn lao. Ngài thường nói đến một cách hùng hồn và tự tay viết lên các lá thư thay cho chữ ký, như thể tất cả nỗ lực của ngài đều nhắm đến việc ghi dấu chữ TAU, như lời ngôn sứ (Êdêkien) nói, trên trán những ai đang rên siết khóc than, thực lòng muốn trở về với Chúa Giêsu Kitô” (ĐT 4, 9). Cũng chính thánh Bonaventura giải thích rằng: “Thánh Phanxicô tôn kính chữ TAU vì yêu mến Chúa Kitô đã chịu đóng đinh trên Thánh Giá, và khi phổ biến lòng kính trọng đối với Chữ TAU-THÁNH GIÁ, ngài luôn tâm niệm lời dạy của Thánh Phaolô: ‘Ai muốn thuộc về Chúa Kitô, phải đóng đinh xác thịt mình cùng với các đam mê dục vọng của nó’ (Gl 5, 24), và để mang lên thân thể mình áo giáp của cây Thánh Giá, ngài hãm dẹp các ham muốn giác quan bằng một kỷ luật nghiêm khắc…” (ĐT 5, 1). Việc Thánh Phanxicô phổ biến lòng tôn kính đối với Chữ TAU-THÁNH GIÁ cũng mang thêm ý nghĩa như một hành động phản kháng thầm lặng chống lại nhóm lạc giáo tự xưng là “Những Người Nghèo tại Lyon” do Pierre Valdo (1140-1217) thành lập, và “giáo hội” Cathare gồm những người tự gọi mình là “hoàn thiện và trong sạch” với chủ trương loại bỏ Thánh Giá, vì cho rằng Thánh Giá không xứng đáng với công trình cứu chuộc của Thiên Chúa.

III.- Phanxicô cũng chịu ảnh hưởng của những sự kiện xảy ra trong thời đại mình

Sau khi Phanxicô bước vào cuộc đời hoán cải ở tuổi 23 (khoảng năm 1205/1206), xảy ra ba sự kiện sau đây có liên quan tới chữ TAU:

1.    Cuộc hoán cải của Phanxicô diễn ra cách tiệm tiến qua nhiều sự kiện, nhưng sự kiện được ngài nhắc lại một cách nổi bật ngay trong câu mở đầu Di Chúc, là cuộc gặp gỡ người phong cùi (x. DC 1-2). Cuộc gặp gỡ này có tác dụng thay đổi tận căn quan niệm và cảm nghiệm cuộc sống của chàng thanh niên vốn thích thú và tìm hưởng thụ sự ngọt ngào của cuộc sống sung túc, nay cái ngọt ngào cũ trở thành cái đắng đót mới, và cái đắng đót cũ (mỗi khi nhìn thấy người phong cùi) biến thành cái ngọt ngào mới cho Phanxicô “trong tâm hồn cũng như ngoài thể xác” (DC 3). Sự thay đổi sâu sắc ở bình diện tâm thể lý ấy được biểu hiện cụ thể ra bên ngoài bằng việc Phanxicô thường xuyên đích thân đến phục vụ tại một trại phong (x. 2 Cel 9d; x. 1Cel 17a; Ba Người Bạn = BNB 11 b-c; ĐT 2, 6), và ngài cũng muốn rằng các anh em đến với mình phải lưu lại trong những trại phong để phục vụ bệnh nhân (x. Sưu tập Assisi = StAs 9b; Fioretti, Những Bông Hoa Nhỏ = Nbhn, chương 25). Năm 1209, khi Phanxicô cùng đi với 11 anh em tiên khởi đến Roma để xin Đức Giáo Hoàng Innicentê III phê chuẩn luật sống do ngài “nhờ anh em viết ra một cách đơn sơ ngắn gọn” (x. DC 15), ngài tá túc tại “bệnh viện phong của Thánh Antôn (Ẩn sĩ)” gần đền thờ Latêranô (x. ĐT 3, 9). Trên áo dòng của các tu sĩ phục vụ bệnh nhân tại đây có gắn một chữ TAU lớn. Phanxicô, vốn rất sính các biểu tượng, khi nhìn thấy chữ TAU-THÁNH GIÁ trên tu phục của những người chuyên chăm sóc bệnh nhân phong, bèn liên tưởng tới “tình yêu Chúa Kitô, Đấng đã muốn được nhận biết như một người phong” (X. Fioretti, Nbhn, chương 25).

2.    Năm 1212, khoảng 50.000 thiếu niên Pháp và Đức, do vài nhà Tiên Tri trẻ thôi thúc, đã lên đường hướng vể Giêrusalem, không phải để chém giết người Hồi giáo – làm sao các thiếu niên làm được điều đó? – nhưng là để thực hiện ý tưởng do vị viện phụ Dòng Xitô tăm tiếng Joachim de Flore đề xướng: “thực hiện thập tự chinh bằng lời nói (rao giảng) và bằng gương lành” thay cho vũ khí, và cuối cùng để được ơn tử vì đạo. Cuộc mạo hiểm vô tiền khoáng hậu này kết thúc hết sức bi thảm: một phần “thập tự binh nhí” chết dọc đường, một phần bị những thương lái Pháp tại Marseille đánh lừa, chở sang miền Ban-căng (Đông Âu) và Ai Cập (Đông-Bắc châu Phi) bán làm nô lệ. Nhưng có một chi tiết đầy ý nghĩa: những người tổ chức cuộc “Thập tự chinh trẻ con” này đã chọn chữ TAU làm cờ hiệu, một biểu tượng đầy sức mê hoặc, không chỉ đối với trẻ con. Phanxicô cũng bị cuốn hút bởi biểu tượng này, và cũng vào năm 1212 ấy, ngài cùng đi với một anh em sang Syria với mục đích “truyền giáo cho người Hồi Giáo bằng lời nói và gương lành”, nghĩa là thực hiện “một cuộc thập tư chinh truyền giáo” với hai bàn tay trắng giống như các “thập tự binh nhí” kia, và cũng thất bại, thất bại do gặp gió bão trên biển, nhưng may thay không mất mạng và trở về lại Ý an toàn (x. Jonh Holland SMITH, Francis of Assisi, London 1872, tr. 94-95). Một thử nghiệm thứ hai về ước mơ “truyền giáo cho người Hồi Giáo bằng lời nói và gương lành” ở Marốc năm 1213 cũng thất bại, vì Phanxicô ngã bệnh khi chỉ mới đi tới Tây Ban Nha, khiến ngài phải trở về Ý.

3.    Cuối cùng, chính bài diễn văn khai mạc Công Đồng Latêranô IV ngày 11 tháng 11 năm 1215 của ĐGH Innocentê III (trị vì từ 1198 đến 1216) đã đánh động tâm hồn Phanxicô cách mãnh liệt nhất. Trong phần thứ hai của bài diễn văn, ĐGH triển khai ý nghĩa chữ TAU trong sách ngôn sứ Êdêkiên (Ed 9, 4. 6). Ngài dùng chính lời Thiên Chúa đã ngỏ với vị ngôn sứ để nói trực tiếp với mỗi nghị phụ: “Hãy ghi chữ TAU lên trán mọi người. Chữ TAU là mẫu tự cuối cùng của bảng chữ cái Hipri và mang hình thù THÁNH GIÁ[2]. Ai mang dấu hiệu chữ TAU trên trán, đó là người biểu hiện sự rạng rỡ của THÁNH GIÁ qua thái độ sống của mình; đó là người đóng đinh xác thịt với những tật xấu và tội lỗi của nó vào Thánh Giá; đó là người quả quyết rằng: tôi không muốn tự hào về điều gì khác ngoài THÁNH GIÁ Chúa Giêsu Kitô…; ai mang chữ TAU sẽ gặp được lòng thương xót, dấu chứng của một đời sống hoán cải và đổi mới trong Chúa Kitô… Vậy hãy bênh vực và phổ biến chữ TAU và THÁNH GIÁ”. Nếu đúng Phanxicô đã có mặt tại Công đồng Latêranô IV như tương truyền, thì chắc  chắn ngài đã nghe lời kêu gọi này của Đức Giáo Hoàng và đã hiểu đó là một lời kêu gọi nhằm động viên toàn thế giới Kitô giáo đi vào một chiến dịch hoán cải và sống đời đền tội. Đành rằng ĐGH cũng đã thông báo cho Công Đồng quyết định tổ chức cuộc Thập tự chinh quân sự thứ năm nhằm giải phóng Thánh Địa khỏi tay người Hồi giáo. Chính đấng kế vị ngài là ĐGH Hônôriô III sẽ khởi binh để thực hiện quyết định này vào năm 1217, nhưng đối với hai vị sáng lập hai Hội Dòng Hành Khất là Phanxicô (Dòng Anh em hèn mọn, từ 1209) và Đa-minh (Dòng thuyết giáo, từ 1215), cả hai đều có mặt tại Công đồng Latêranô IV, thì chính lời kêu gọi phát động chiến dịch hoán cải, sống đời đền tội và dùng việc rao giảng Tin Mừng để canh tân đời sống Giáo Hội được đón nhận như một ánh sáng củng cố ơn linh hứng nguyên thủy của các ngài. Riêng Phanxicô, cùng với một số anh em hèn mọn đã đi nhờ tàu chở Thập tự quân sang Cận Đông vào giữa năm 1219, nhưng không phải để tham gia hoặc ủng hộ cuộc chiến tranh vũ trang, trái lại chỉ để làm một hành động khiến mọi  người ngỡ ngàng: Phanxicô, được anh Il-lu-mi-na-tô tháp tùng, đích thân đi gặp vua Hồi giáo, Sultan el-Melek el-Kamel, để rao giảng Phúc Âm cho đức vua, một cố gắng chinh phục người Hồi giáo bằng đối thoại thay vì bằng đối đầu với vũ khí. Phanxicô, con người xây dựng hòa bình và đề xướng phương pháp đối thoại liên tôn, đã nhiệt liệt hưởng ứng lời kêu gọi của ĐGH Innocentê III tại Công đồng Latêranô IV: canh tân Giáo Hội bằng đời sống hoán cải, đền tội và rao giảng Tin Mừng cho mọi người, để “ghi chữ TAU lên trán mọi người”. Hoán cải và sống đời đền tội là đề tài cốt lõi của hoạt động rao giảng của Phanxicô và các anh em tiên khởi (x. Luật không sắc dụ = Lksd 21, 3. 7-8; Thư gửi các tin hữu = T Th 25. 63; 1Cel 23). Và huynh đệ đoàn do ngài quy tụ đã tự chọn cho mình tên gọi: “Những người sống đời đền tội gốc Assisi” (x. BNB 37; Khuyết danh Pêrugia = KdP 19), trước khi mang danh hiệu cuối cùng là “Anh em hèn mọn”, “đoàn chiên nhỏ bé, được Chúa Cha vui lòng ban Nước Trời (x. Lc 12,32; StAs 101), nghĩa là được ghi dấu chữ TAU của đời sống hoán cải và đền tội, tin vào Phúc Âm và bước theo dấu chân Chúa Kitô dưới tác động thánh của Chúa Thánh Linh để đến với Chúa Cha (x. T TD 50-52) và đến với mọi người bằng cách “dùng lời nói và việc làm mà làm chứng cho tiếng nói của Chúa” (T TD 9).

IV Kết luận

-Phanxicô không phải là người khởi xướng linh đạo chữ TAU, nhưng đã sống linh đạo ấy một cách xác tín và say mê.

-Phanxicô đã hiểu một cách xuyên suốt ý nghĩa của chữ TAU là THÁNH GIÁ như nguồn mạch phát sinh ơn cứu độ, và nguyên nhân tạo ra vinh dự cho mình: “Chúng ta có thể lấy làm vinh dự vì…hằng ngày được vác Thánh Giá của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta” (Huấn ngôn = Hn 5, 8). Và “trong thập giá của gian khổ ưu phiền, ta có thể lấy làm vinh dự, vì đó là của ta (NB Phanxicô hiểu đây là những Thánh Giá Chúa gửi đến cho mỗi người, mà mỗi người phải vác hằng ngày để đi theo Chúa: x. Lc 9, 23//) và vì Thánh Tông Đồ đã nói: ‘Ước chi tôi không hãnh diện về điều gì ngoài Thánh Giá Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta’ ” (Gl 6, 14; x. Nbhn 8). Phanxicô đã hiểu Thánh Giá theo cả hai nghĩa: của Chúa Kitô và của mỗi người.

-Phanxicô là người đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội được gọi là “người mến Thánh Giá = Amator Crucis” – Thánh Giá của Chúa Kitô -- (x. Tôma Celano Hạnh Thánh Clara Trinh nữ, số 30). Lòng trí ngài luôn “thờ lạy và chúc tụng Chúa Giêsu Kitô Chí Thánh trong các nhà thờ trên thế giới, vì Chúa đã dùng Thánh Giá mà cứu chuộc thiên hạ” (DC 5). Ngài khuyên anh em hãy đọc lời nguyện này mỗi khi thấy một nhà thờ, dù ở xa, hay nhìn thấy một tượng Thánh Giá hoặc một dấu Thánh Giá trên đất, trên tường, trên thân cây hay hàng rào dọc đường” (1Cel 45b).

-Vào đầu năm 1225, Phanxicô ghé thăm Đan viện Đamianô của Thánh Clara. Thân xác đau đớn vì bệnh tật, tâm hồn lại âu lo không biết mình có được cứu rỗi hay không. Trong cuộc “nói khó “ với Chúa, ngài nghe tiếng Chúa bảo đảm cho ngài “được dự phần vào vương quốc của Chúa”. Lời chứng thực này là chất xúc tác cho Phanxicô sáng tác ngay tại chỗ Bài Ca Anh Mặt Trời, “để ca tụng Chúa, để có được nguồn an ủi cho bản thân và để xây dựng tâm hồn cho tha nhân” (StAs 83). Và lời chứng thực ấy diễn tả thành ngôn từ sự kiện Chúa Kitô Chiụ Đóng Đinh đã in Năm Dấu Thánh vào thân xác Phanxicô ba tháng trước đó trên núi La Verna. Năm Dấu Thánh như vẽ hình chữ TAU-THÁNH GIÁ cứu độ trên da thịt Phanxicô và chứng thực một cách hữu hình bên ngoài chất lượng vô hình của trái tim Phanxicô đầy ắp tình yêu dành cho THÁNH GIÁ của Con Thiên Chúa, khiến ngài được mệnh danh “Người Mến Thánh Giá”. Lời và sự việc chứng thực ấy được Anh Pacificô[3] xác nhận bằng thị kiến Chúa ban cho anh “thấy hiện lên trên trán Phanxicô một chữ TAU lớn nhiều màu sắc, làm cho khuôn mặt của ngài rạng rỡ một vẻ đẹp lạ lùng” (ĐT 4, 9).

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô Chí Thánh, Đấng đã dùng Chữ TAU-THÁNH GIÁ mà cứu chuộc thiên hạ!

Phi Khanh Vương Đình Khởi, ofm

                  Đàlạt,  Đại lễ Thánh Phanxicô, 4-10-2014

 


[1] Bài này chủ yếu dựa trên mục từ “TAU” của cha Damien VORREUX, OFM, đăng trong Từ Điển Phan Sinh do Ernesto CAROLI làm chủ biên (Dizionario Francescano, Spiritualità a cura di Ernesto CAROLI, Edizioni Messaggero Padova, xuất bản lần đầu 1995, tái bản 2002, cột 2003-2012), có tham khảo thêm mộ số tài liệu khác …

[2] Chữ TAU được đồng hóa với Thánh Giá mà thanh dọc không vượt quá thanh ngang, với tên gọi chuyên môn bằng tiếng La tinh là “Crux commissa”.

[3] Theo Thánh Bonaventura, Anh Pacificô có tài sáng tác những bài hát thế tục và nhờ đó đã được Hoàng Đế phong tặng danh hiệu “Thi Bá”. Sau khi nghe Phanxicô giảng, anh đã khấn hứa đi theo ngài. Và anh được ơn thấy những thị kiến lạ lùng (x. ĐT 4, 9).

Chia sẻ