Skip to content
Main Banner

Công lý và Hòa bình: Ủy ban Quốc tế của Dòng Anh Em Hèn Mọn tại Giêrusalem

Administrator
2019-06-19 00:00 UTC+7 60

Hạt Dòng Thánh Địa bảo trợ cuộc họp dự trù hai năm một lần của Ủy ban Quốc tế Công lý, Hòa bình và sự Toàn vẹn của Tạo thành (JPIC) của Dòng Anh Em Hèn Mọn từ ngày 03 đến 10 tháng 06, 2019.

Văn phòng JPIC luôn bàn về tất cả những gì liên quan đến Công lý, Hòa bình và sự Toàn vẹn của Tạo thành, được nhìn nhận như những giá trị nền tảng của linh đạo Phan Sinh. Các giá trị này cũng được tìm thấy trong cuộc chiến chống lại sự thay đổi khí hậu, bảo vệ Nhân quyền và quan tâm đặc biệt đến những vấn đề và những vi phạm nghiêm trọng đang xảy ra trong 119 quốc gia ở đó Hội Dòng đang hiện diện và công tác. “Cuộc gặp gỡ này,” anh Jaime Campos, Giám đốc Văn phòng JPIC Trung ương nói, “giúp chúng tôi lượng giá công việc đã làm và hoạch định, qua các cuộc thảo luận của chúng tôi, công việc trong tương lai với một lưu tâm không ngừng đến các nội dung của Thông điệp Laudato si”.

Khóa họp được bắt đầu bằng việc cử hành Thánh lễ, do anh Francesco Patton, Giám hạt Hạt Dòng Thánh Địa chủ tế. Tiếp theo đó là phần trình bày của các đại diện các Hội đồng khác nhau của Anh Em Hèn Mọn. Đến từ Úc châu, Chilê, Colombia, Korea, Phi Luật Tân, Pháp, Ý, Mexicô, Ba Lan, Anh Quốc, Slovenia và Mỹ Quốc, các anh em Phan Sinh lên tiếng về những vấn đề trong những địa phương khác nhau mà anh em đại diện.

Sự đóng góp đáng kể của ba cơ quan cùng làm việc chung và gần gũi với Văn phòng JPIC phải kể đến: Phong trào Công giáo toàn cầu về khí hậu (GCCM), Hiệp hội Pax Christi và Tổ chức Phan Sinh Quốc tế.

Đại diện cho GCCM, Giám đốc điều hành, Tomas Insua, người Argentina, nói về mục đích của Phong trào: giúp Giáo Hội đưa Laudato si vào thực hành. Để làm điều này, cần phải sống và có một “hoán cải sinh thái” đi kèm, một hoán cải làm thay đổi cả tương quan với tạo thành lẫn các cách sống. Mục đích là giúp Giáo Hội kiên trì hơn và dấn thân vào trong cuộc tranh cãi công khai về khủng hoảng khí hậu nhằm để bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta: “Chị Mẹ Đất”. Trong thời gian hiện diện ở hội nghị, Tomas Insua đã nói: “Được may mắn có mặt ở đây, đối với tôi, rất có ý nghĩa: Tôi lớn lên với các Anh em Phan Sinh, và nói với họ về Laudato si thì đúng là một cơ hội quan trọng. Ngoài ra, tôi thấy có cơ may cầu nguyện chìm sâu trong cùng Tạo thành mà Đức Giêsu đã thấy khi Người cầu nguyện, là một ân ban to lớn.”

Anh Markus Heinze, ofm, Giám đốc điều hành, tham gia Hội nghị nhân danh Tổ chức Phan Sinh quốc tế (FI). Tổ chức phi chính phủ này đại diện cho toàn thể gia đình Phan Sinh tại Liên Hiệp Quốc, với các văn phòng tại Geneva và New York, năm nay, cử hành kỷ niệm 30 năm ngày thành lập. Sứ mạng của FI nhắm đến việc bảo vệ Nhân quyền. Cùng với các anh chị em Phan Sinh, bằng việc trực tiếp lắng nghe những người liên quan ở những quốc gia khác nhau, nơi đó Nhân quyền bị vi phạm, FI tiếp thu những vấn đề này, trình bày chúng cho những cơ quan khác nhau của Liên Hiệp Quốc. “Chúng tôi làm việc để thông tri những gì đang xảy ra trên thế giới nhưng thường lại không được biết đến, cố gắng gây ý thức và cuối cùng vận động hành lang với Liên Hiệp Quốc.” Anh Markus chia sẻ: “Gặp nhau nơi đây là một điều quan trọng và ý vị, đặc biệt vì hai lý do: một mặt để nhớ lại các cuộc cử hành nhân 800 năm lần gặp gỡ giữa thánh Phanxicô và Quốc vương Hồi giáo, mặt khác vì vai trò rất quan trọng của Thánh Địa trong khu vực này là nơi mà các xung đột xảy ra hàng ngày.”

Hội nghị đến hồi kết thúc với việc chuẩn bị một văn kiện chung kết và cử hành đại lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. “Ở đây, tại Giêrusalem, thì quan trọng,” anh Campos nói, “trong mấy năm qua, Hạt Dòng Thánh Địa đã cổ vũ Văn phòng này bằng cách thành lập một ủy ban làm việc rất tích cực. Thêm nữa, sứ vụ của các anh em Phan Sinh tại Thánh Địa là một thách đố lớn có một ảnh hưởng trên linh đạo của chúng ta”.

AH. Dịch

Chia sẻ