Skip to content
Main Banner

Ai Cập: Kỷ niệm 800 năm lần gặp gỡ giữa thánh Phanxicô và Quốc vương Hồi giáo

Administrator
2019-03-22 00:00 UTC+7 66

Các buổi cử hành dành cho kỷ niệm 800 năm lần gặp gỡ giữa thánh Phanxicô và Quốc vương Hồi giáo Al-Malik Al-Kamel, được tổ chức tại Đamietta và Cairô bởi các anh em Phan Sinh của Tỉnh Dòng “Thánh Gia”, Ai Cập, đã kết thúc vào ngày Chúa Nhật ngày 3 tháng Ba. Khung cảnh Ai Cập trực tiếp gợi lại cuộc gặp gỡ đã xảy ra cách đây 800 năm giữa vị Thánh và Quốc vương, và cuộc gặp gỡ này, kể cả hôm nay, vẫn còn có ảnh hưởng trên tất cả những ai sống chung và đối thoại với nhau trong cuộc sống hằng ngày.

Thành phố Đamietta đăng cai buổi lễ khai mạc, và có rất nhiều nhân vật tham dự, bao gồm Tỉnh trưởng Đamietta, Ngài Manal Awad Mikha; Khâm sứ Tòa thánh tại Ai Cập, Tổng Giám mục Bruno Musaro; Tổng Phục vụ Dòng Anh Em Hèn Mọn, anh Michael Perry; Giám hạt Đất thánh, anh Francesco Patton; Giám tỉnh Tỉnh dòng “Thánh gia” Ai Cập, anh Kamel Labib; Phó Giám hạt và Tổng Kinh lược Tỉnh dòng Ai cập, anh Dobromir Jazstal; các Vị Đại sứ, các Quan chức địa phương, các tu sĩ nam nữ đến từ khắp các miền Ai Cập, và các phái đoàn đại diện của các anh em Phan Sinh trên thế giới, cùng các anh chị em giáo dân thuộc mọi thành phần và ngôn ngữ.

Việc tưởng niệm cuộc gặp năm 1219 được cử hành tại vùng Ras El Bar, nằm trong thành phố Đamietta nơi sông Nil chảy vào trong Địa Trung Hải. Các vị lãnh đạo hiện diện đã thay phiên nhau phát biểu, kèm theo đó là màn trình diễn lại cuộc gặp gỡ giữa vị Thánh và Quốc vương của các em Hồi giáo và Kitô giáo địa phương – dưới sự hướng dẫn của một vài nữ tu người Pháp - Dịp này, anh Kamel Labib, Giám tỉnh ở Ai Cập, nhắc nhở mọi người hiện diện, sự cần thiết làm cho những lời nói trong ngày đặc biệt này biến thành hiện thực, bắt đầu hành động lại mỗi ngày từ cuộc gặp gỡ diệu kỳ này, một cuộc gặp gỡ đôi khi bị lãng quên. Anh cũng nhiệt liệt cám ơn cư dân Đamietta đã tham dự biến cố cách đông đảo.

Đặc sứ của phái đoàn của Đức Giáo hoàng Phanxicô đến tham dự các cuộc cử hành lễ kỷ niệm 800 năm này là Đức Hồng y Leonardo Sandri, Tổng trưởng Thánh bộ các Giáo hội Đông phương. Trong bài diễn từ, ngài kêu gọi sự Hòa bình bằng cách bắt đầu bằng những lời chào hỏi mà người Á Rập thường trao cho nhau: “Assalam Alaikum”, có nghĩa là: “Nguyện xin sự bình an ở trên anh chị em,” sự bình an đến từ Thiên Chúa và chỉ có mình Người mới có khả năng ban cho lòng trí con người. “Ngày hôm nay, Đức Hồng y Sandri nói, “chúng ta muốn nghênh đón sự bình an này, một sự bình an mà chúng ta tin cách vững mạnh rằng Thiên Chúa muốn ban cho tất cả chúng ta đang tụ họp tại đây và cho toàn thể nhân loại,” với cùng sự xác tín đã làm cho thánh Phanxicô ra đi, vượt qua biển cả, đến Đamietta, “ở đó các bên giao chiến đang đối mặt nhau.”

Buổi lễ kỷ niệm được kết thúc bằng việc trao đổi quà lưu niệm và một lời cầu nguyện ngắn trong ánh sáng của những ngọn nến đã được chuẩn bị sẵn. Cuộc gặp gỡ này nói lên tất cả,” – anh Michael Perry diễn giải, ‘bởi vì có sự gặp gỡ của Thiên Chúa, phẩm giá của con người và của những gì được Tạo dựng. Đây là cơ hội sống lại “Laudato si” nguyên thủy và Bài ca các Tạo vật, và sự tái khám phá ra rằng Thiên Chúa hiện diện trong mỗi một người: đây không phải là một vấn đề tôn giáo, nhưng đây là một vấn đề liên quan đến bản chất và tương lai của nhân loại. Bằng cách này, chúng ta khám phá ra bản chất duy nhất thật sự mà chúng ta được kêu mời thực hiện: bản chất của con cái của Thiên Chúa.

Ngày thứ Bảy ngày 2 tháng Ba, Đại học Al-Azhar mở cửa đón tiếp hơn 600 khách, nam và nữ, Kitô hữu và Hồi giáo, tu sĩ (Công giáo và không Công giáo) và các sinh viên, tham dự các bài thuyết trình với sự hiện diện của vị Đại diện Nhà Lãnh đạo của Al-Alzhar, Ahmad Al-Tayeb và nhiều quan khách khác của Đại học và bên ngoài. Các diễn giả khai triển những đề tài liên can đến truyền thống Hồi giáo cũng như những nội dung của bản tuyên ngôn được ký ở Abu Dhabi. Là một niềm vui lớn khi sống lại cuộc gặp gỡ 800 năm trước kia ở Đamietta, tiếp theo sau cái ôm giữa Nhà lãnh đạo Ahmad Al-Tayeb và Đức Giáo hoàng Phanxicô tại Cairô. Họ đã lập lại cử chỉ trên ở Rôma và đóng dấu tại Abu Dhabi. “Trong ánh sáng của các cuộc gặp gỡ này,” – anh Giám hạt Francesco Patton bình giải- “Tôi nghĩ rằng đây sẽ là nền tảng cho tương lai cùng nhau tạo nên những cơ hội nghiên cứu bản tuyên ngôn Abu Dhabi và các điểm chính yếu của nó, cách đặc biệt niềm tin chung vào Thiên Chúa, Đấng Tạo thành, và các chiều kích của sự tự do tôn giáo và sự bảo vệ các nhóm thiểu số, để rồi phát triển qua lãnh vực hành động ở đó có thể cùng nhau làm việc chung cho lợi ích của mọi người.”

Nghi thức bế mạc được tổ chức tại Vương cung Thánh đường thánh Giuse, ngay tại trung tâm của thủ đô Ai Cập. Thánh lễ đại triều được Đức Hồng y Leonardo Sandri cử hành và sau đó, nhân danh Đức Giáo hoàng Phanxicô, ngài ban phép lành Tòa thánh cho những người hiện diện. “Cuộc gặp gỡ là một biến cố lịch sử mang tính tiên tri của thế giới mới mà chúng tôi hy vọng” -Đức Hồng y kết luận- “thế giới được tạo nên bởi hòa bình, đối thoại, sự hiểu biết lẫn nhau và không bao giờ có bạo lực, chứ đừng nói bạo lực nhân danh Thiên Chúa; một thế giới không bao gồm chủ nghĩa khủng bố và sự sử dụng vũ lực. Chúng ta cầu xin Thiên Chúa điều này, trong hiệp thông với người nghèo thành Assisi là người đã đến trong thế giới này chỉ duy nhất với thân thể ngài kết hợp với thân thể của Đức Kitô.”

AH dịch

Chia sẻ