Skip to content
Main Banner

Hòa bình, Hèn mọn, Hành trình quy hướng về Thiên Chúa như tâm điểm

Administrator
2019-02-25 00:00 UTC+7 46

Bài giảng của anh Tổng Phục vụ ở cuộc họp FCAO 2019

Lễ nhớ hai thánh Cyrillô và Mêthôđiô (Lc 10: 1-9)

“Triều đại Thiên Chúa đã đến gần các ông”

              Các Anh em thân mến của tôi ở hai Hội đồng Phan Sinh Châu Á và Châu Đại Dương, nguyện xin Thiên Chúa ban cho anh em sự bình an của Người!

            Các lời kết thúc bài Tin Mừng theo thánh Luca hôm nay, được liên kết với lễ nhớ hai nhà truyền giáo Slavô vĩ đại, - thánh Cyrillô và người em của ngài là thánh Mêthôđiô,- có nhiều điều nói với chúng ta là những người Anh Em Hèn Mọn trong những vùng miền của cộng đồng nhân loại, châu Á và châu Đại Dương. “Triều đại Thiên Chúa đã đến gần các ông.” Chính việc đặt tiêu điểm trên sự phục vụ Nước Thiên Chúa này là lực truyền cho công việc của các Hội đồng Giám mục; trước, trong và tiếp theo sau đó của Thượng Hội đồng đặc biệt của các Giám mục Châu Á; và bây giờ, như được diễn tả trong tài liệu Hậu Thượng Hội đồng của thánh Gioan Phaolô II, Giáo hội tại châu Phi (Ecclesia in Africa)

             Điều gì xảy ra cho Giáo Hội, cho Dòng Anh Em Hèn Mọn, cho mỗi người chúng ta khi các giá trị của Nước Trời được đặt ở giữa trung tâm đời sống của chúng ta, của các huynh đệ đoàn, của Dòng, của các Tỉnh Dòng, Hạt Dòng và các Cơ sở của chúng ta? Đây là một câu hỏi đáng giá “ngàn vàng” (trong bản văn: “triệu mỹ kim”, ND) mà chúng ta được kêu mời có một câu trả lời cho nó. Tôi muốn gợi ý là có ba điều xảy ra –hoặc có thể xảy ra - khi chúng ta đặt việc đeo đuổi Nước Thiên Chúa ở trung tâm của tất cả con người chúng ta và những gì chúng ta làm. Cũng chính ba yếu tố này làm nên cái cốt lõi của việc thánh Luca hiểu và giảng dạy về sự phục vụ Nước Thiên Chúa được thực hiện trong cuộc đời của Đức Giêsu thành Nazarét.

             Theo bản văn Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe hôm nay, rõ ràng rằng sự hòa bình –shalom - là tâm điểm của việc thánh Luca hiểu về ý nghĩa và mục đích của đời sống, cái chết và sự sống lại của Đức Giêsu. “Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: “Bình an cho nhà này!”(c.5) Bình an này không chỉ đơn giản là không có bạo lực, cũng như không phải là lời chúc lành cho một đời sống không có âu lo, không có trách nhiệm hoặc quan tâm đến người khác, đến đời sống của thế giới. Đối với Luca, bình an được gắn liền trong bản chất với sự công chính, với sự theo đuổi công lý của Thiên Chúa, với ý định của Người cho thế giới này, nghĩa là nó có thể hòa giải và hiệp nhất, chữa lành mọi chia rẽ. Và ở tâm điểm của sự bình an này là một cuộc gặp gỡ sâu đậm, bền vững với Thiên Chúa hằng sống là nguồn cho shalom, bình an, quà tặng của Thiên Chúa cho thế giới.

             Một yếu tố thứ hai và chính yếu của sứ vụ Nước Trời của Đức Giêsu liên quan đến tính hèn mọn, “tuân phục hết mọi người” như thánh Phanxicô viết sau này trong Bản luật không sắc chỉ (ch. 16, sự chỉ dẫn truyền giáo). Trong chương đầu của cuốn Tin Mừng của mình, thánh Luca nói với chúng ta rằng Nước Trời là sự từ bỏ mình, từ bỏ ý riêng của mình và để cho Thiên Chúa xác định chúng ta là ai và chúng ta hành động và phản ứng lại tất cả các hoàn cảnh của cuộc sống như thế nào. Điều này là tâm điểm của bài ca “Chúc tụng” hoặc “Ngợi khen” (Canticle or Magnificat)

            Cái nhìn về Nước Trời của Luca thì trái ngược với những khuynh hướng chính yếu hiện nay trong kinh tế, chính trị, đời sống xã hội, và ở cả trong Giáo Hội. Các khuynh hướng này bao gồm: một nền kinh tế loại trừ; một não trạng tích trữ vật chất có thể dẫn đến mọi hình thức lạm dụng (thiêng liêng, tính dục, tinh thần, sự lạm dụng môi trường tự nhiên, và, kể cả hình thức “giáo sĩ trị”); một chú tâm vào sự tự thỏa mãn và đeo đuổi hạnh phúc cá nhân. Đây là tâm điểm của sự phê phán của Đức Giêsu về người giàu ngu ngốc trong chương 12 của Tin Mừng Luca. Loại người giàu có này ngày nay có thể được gọi là người điều hành quỹ phòng hộ!

             Điểm chung của tất cả các hình thức loại trừ và làm lợi cho bản thân này là chúng tuyệt đối không có mối liên hệ giá trị nào với Thiên Chúa hoặc với những người khác. Cuối cùng, người giàu ngu ngốc sống và chết trong sự cô lập tuyệt đối, nói cho chính mình nghe, đã sống trong hỏa ngục rồi! Chúng ta được mời gọi sống một lô-gíc sống rất khác –“Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép.” Điều này chỉ có thể được nếu chúng ta thật sự và một cách sâu đậm nối kết với Thiên Chúa - Đức Giêsu - Thần Khí của Thiên Chúa -, và nếu chúng ta nối kết với nhau qua món quà tặng là tình huynh đệ. Một nền linh đạo được đặt nền tảng trên một tiếp cận thần học ở đó Nước Thiên Chúa là tâm điểm, chắc chắn đòi buộc chúng ta phải trở nên những môn đệ lấy Chúa và con người làm trung tâm. Sự cứu rỗi chính là tương quan.

               Bản văn Tin Mừng hôm nay còn hàm chứa một yếu tố thứ ba, đó là tính cấp bách ra đi đến những con đường - chính và phụ - của thế giới, đem theo một sứ điệp chứa đựng một cái gì “vĩ đại” mà chính bản thân chúng ta đã trải nghiệm – cách cá nhân, tập thể /cộng đoàn. Như thế, hành trình Tin Mừng thuộc về bản chất di truyền của căn tính Kitô hữu, Phan Sinh của chúng ta. Điểm nhắm của Đức Giáo hoàng Phanxicô trong Tông huấn Evangelii gaudium của ngài là tìm cách thuyết phục mỗi Kitô hữu đã được chịu phép rửa rằng họ - nam hoặc nữ - là một sứ mạng và vì thế là nhà truyền giáo. Tuy nhiên bản chất “Tin Mừng” của việc rao giảng mang một dạng thức đặc biệt trong một bối cảnh ở đó các Kitô hữu là nhóm thiểu số tuyệt đối như trong trường hợp của đa phần ở châu Á, - ngoại trừ Phi Luật Tân, - và ở Úc châu và Tân Tây Lan, nơi con số Kitô hữu không ngừng sút giảm. Thứ nhất, việc hiểu sự tham dự vào đời sống của Nước Thiên Chúa được mở rộng trong một cách thức đặc biệt nhằm bao hàm những ai tuyên xưng mình là thành viên của những truyền thống tôn giáo khác (Nostra aetate). Thứ hai, sứ vụ rao giảng Nước Thiên Chúa của Đức Giêsu nhắc nhở chúng ta rằng Nước Ngài không nhằm để phục vụ Giáo Hội, nhưng đúng hơn Giáo Hội hiện hữu vì, - và để mặc cho nó một bộ mặt cụ thể,- Nước Thiên Chúa. Và thứ ba, việc Đức Giêsu đến trong thế giới là một dấu chỉ riêng biệt, không thể lập lại, duy nhất, của việc Thiên Chúa xích lại gần với toàn thể nhân loại, với toàn thể tạo thành. Tuy nhiên, Đức Kitô đến trong thế giới là để đề cao các giá trị quan trọng nhất của Nước Thiên Chúa. Ngài không đến để đề cao bản thân. Khoa Kitô học không trở thành một loại khoa học đề cao một nền thần học loại trừ -“ngoài Giáo hội, không có sự cứu rỗi” (Ex ecclesia, nulla salus” menta). Một lối tiếp cận Nước Trời vào đời sống Kitô hữu và sứ vụ cho phép chúng ta mở rộng các phạm trù của chúng ta và phát huy một cái nhìn quy tâm Kitô, một cái nhìn làm chúng ta có khả năng đi vào đối thoại đích thực với “tha thể”, với thế giới hôm nay. Trong bối cảnh này, chúng ta trở thành những người tràn đầy niềm vui, đem đến cho người khác tình yêu, lòng thương xót, niềm vui, bình an và hy vọng của Tin Mừng mà chính chúng ta đã lãnh nhận, những giá trị mà chúng ta không ngừng hướng về đó để hoán cải và được mời gọi làm chứng tá trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta.

              Hòa bình - Hèn mọn - Hành trình quy tâm Thiên Chúa: đây là những yếu tố chính yếu của con đường Tin Mừng đã được thực hiện trong cuộc đời của Đức Giêsu và đã được thánh Luca đề nghị cho chúng ta. Chúng cũng nằm trong những thách đố mà Hội Đồng Dòng Mở Rộng 2018 (PCO Nairobi) đã đề xuất cho toàn Dòng, kêu gọi mỗi một người chúng ta đi vào trong một tinh thần mới, tinh thần lắng nghe, phân định và tiến về phía trước, một tiến bước đầy tính tiên tri. Chúng ta đọc trong phần kết luận của Tài liệu cuối cùng của Hội Đồng Dòng Mở Rộng (PCO) rằng :

              “Chúa Cha kêu gọi chúng ta, các Anh Em Hèn Mọn, sống và hành động một cách ngôn sứ và trong cộng đoàn, trong thế giới hôm nay. Sống một cách ngôn sứ có nghĩa là sống một chứng tá sống động đầy yêu thương, nhân từ, và lòng tốt của Thiên Chúa và một dấu chỉ của Giáo Hội là mẹ của tất cả, với một sự quan tâm đặc biệt cho người nghèo, những người dễ bị tổn thương nhất và những người đau khổ, những di dân và người tỵ nạn…Sống và hành động cách ngôn sứ còn có nghĩa là vượt qua lối mục vụ đơn giản mang tính chất duy trì (hiện trạng), và thay vào đó là dấn thân chúng ta vào trong một cuộc rao giảng Tin Mừng rộng lớn hơn, bằng việc đề ra cho mọi người sứ điệp cứu rỗi của Thiên Chúa…[sống] một lối sống trong đó tất cả sức lực và khả năng mà Thiên Chúa ban cho chúng ta để xây dựng Nước của Người được sử dụng vào mục đích trên. (PCO 178)

Anh em, chúng ta hãy bắt đầu!

 

Br. Michael A. Perry, ofm

Tổng Phục vụ

                    Thánh lễ bế mạc cuộc họp với các Hội đồng Phan Sinh của châu Á và châu Đại dương

                    Bangkok, Thailand, 14/02/2019

Chia sẻ