Skip to content
Main Banner

Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta!

Administrator
2020-09-20 00:00 UTC+7 213

Bài giảng của Anh Tổng Phục vụ dịp lễ Thánh Phanxicô Năm Dấu

“Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta! Nhờ thập giá Người, thế gian đã bị đóng đinh vào thập giá đối với tôi, và tôi đối với thế gian.” (Gal 6:14-15)

Các anh em thân mến của tôi trong Tỉnh Dòng Thánh Phanxicô Năm Dấu, các anh chị em phục vụ Đền thánh La Verna, các cấp chính quyền dân sự, các anh các chị trong Chúa Giêsu, bình an và sức khoẻ cho tất cả quí vị!

Một lần nữa chúng ta lên núi thánh này để đi vào trong mầu nhiệm tương quan tình yêu giữa Thiên Chúa và Phanxicô Assisi. Đại dịch Coronavirus mới đã gây ra vô số cái chết và những nỗi khổ đau không nói lên được. Nó đã khiến hàng trăm triệu người không có việc làm, đối mặt với những hậu quả tàn khốc của nghèo đói vô nhân đạo.

Nó đã làm lộ ra những rạn nứt xã hội và sinh thái sâu sắc đang sôi sục dưới bề mặt của các tương tác hàng ngày của chúng ta. Những rạn nứt này đã bùng phát thành những biểu hiện của lòng căm thù và bạo lực trên quy mô toàn cầu. Đại dịch cũng buộc chúng ta phải trú ẩn tại nơi cách ly, tạo ra sự bất an to lớn, sự sợ hãi, cô lập và tâm lý bất ổn. Môi trường tiếp tục bị con người khai thác một cách thiếu thận trọng. Chúng ta có thể bị cám dỗ cố gắng phủ nhận hoặc chạy trốn khỏi những khủng hoảng ảnh hưởng đến con người và hành tinh, nhưng không có nơi nào để chúng ta trốn cả. Coronavirus mới đã cho chúng ta thấy điều này là đúng. Chúng ta chỉ có một lựa chọn đúng đắn: để cho các khủng hoảng lôi kéo chúng ta suy nghĩ nghiêm túc về chất lượng cuộc sống cá nhân và tập thể của chúng ta, với hy vọng rằng chúng ta có thể khám phá ra một cách sống và hành động mới mẻ với Chúa, với nhau, với chính chúng ta, và với vũ trụ được tạo dựng phản ánh danh tính thực sự của chúng ta. Chúa Giêsu tìm cách đồng hành với chúng ta trong cuộc hành trình của chúng ta. Ngài không bao giờ xa cách chúng ta, ngay cả khi chúng ta xa với chính chúng ta, xa nhau, và xa Chúa.

Trước khi cố gắng hiểu ý nghĩa của việc Phanxicô nhận Thánh tích, chúng ta phải để cho tính nhân bản và sự mong manh của Phanxicô nói với chúng ta. Khi ngài đến La Verna vào mùa thu năm 1224, ngài đến như một người đang rơi vào khủng hoảng sâu đậm. Ngài đến để cách ly bản thân khỏi những vấn đề nghiêm trọng hiện tại trong cuộc sống của ngài, trong cuộc sống của những người anh em của Hội Dòng, trong Giáo hội, và thế giới xung quanh ngài. Thánh Phanxicô đã đến như một người bị tổn thương. Ngài mang nỗi đau bị anh em từ chối vì cách ngài sống Tin Mừng được xem như quá đòi hỏi. Ngài đến khi đang mang những vết thương của những xung đột chính trị, xã hội và tôn giáo đang chia rẽ mọi người, đang hủy hoại bất kỳ ý thức nào về lợi ích chung, đôi khi dẫn đến các cuộc đụng độ bạo lực. Ngài đến khi đang mang những vết thương của những người nghèo và những người bên lề vốn là những người bị bóc lột cách tàn nhẫn bởi các người giàu có và quyền thế, bị giam hãm trong nghèo đói khủng khiếp, mất đi nhân tính. Ngài đến khi đang mang trên mình các suy nhược của bệnh tật thể lý có khả năng tạo ra trong ngài cảm giác bị cô lập và trầm cảm. Đây là hiện trạng của con người đến La Verna, của con người đi vào trong cách ly thiêng liêng nhằm lắng nghe tiếng nói của Đấng đã kêu gọi ngài bắt tay vào lối sống Tin Mừng khi ngài quỳ gối trước cây Thánh giá tại San Đamianô.

Chính trong sự đổ vỡ, nghèo khó đó mà Phanxicô đã đi kiếm tìm những khả năng mới để tái khám phá sức mạnh giải phóng của Tin Mừng. Tuy nhiên, Phanxicô biết rằng sự giải phóng này không đến một cách nhưng không; nó đi kèm với một trả giá. Sự trả giá đó là gì? Nó được công bố trong bài Tin Mừng mà chúng ta nghe hôm nay: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.”(Lc 9: 23-24) Chúng ta được mời gọi trải qua một cái chết thuộc linh: cái chết đối với những suy nghĩ và thái độ bên trong chúng ta, những suy nghĩ và thái độ dẫn chúng ta đến cái chết và tuyệt vọng thay vì đến sự sống và hy vọng; cái chết cho những vết thương mà chúng ta chất chứa trong lòng gây ra bởi những người nghĩ rằng đang yêu chúng ta -  chồng, vợ, con, cha mẹ, anh chị em trong các cộng đoàn dòng tu, bạn hữu – và những vết thương chồng chất trong các cuộc đấu tranh hằng ngày cho sự sống; chết cho sự nóng nảy của chúng ta và sự vội vàng phán xét người khác; chết cho những nỗi sợ hãi và những thành kiến ​​ngăn cản chúng ta nhận ra khuôn mặt của Thiên Chúa nơi mọi người, đặc biệt là những người nghèo, những người bị gạt ra ngoài lề xã hội, những “người xa lạ ở giữa chúng ta”, và chết cho những gì ngăn cản chúng ta nhìn nhận nhau là anh em hoặc chị em trong một gia đình của Thiên Chúa; và chết cho việc chúng ta không muốn để Chúa yêu thương và tha thứ cho chúng ta, để Người biến trái tim chai đá của chúng ta thành trái tim bằng thịt (Êzêchien 36,26) có khả năng đón nhận và chia sẻ tình yêu thương.

Thánh Phanxicô đến La Verna với hy vọng rằng qua thập giá của Chúa Giêsu, ngài sẽ được, một lần nữa, chữa lành khỏi nỗi đau của mình, được biến đổi thành 'thụ tạo mới' như đã được thánh Phaolô loan báo cho các Kitô hữu ở Côrintô. Ngài cần một lần nữa chạm vào những vết thương của Chúa Giêsu bị đóng đinh, để, bằng cách này, trái tim và tâm hồn ngài có thể được chữa lành. Nhưng câu chuyện về các Thánh tích không kết thúc bằng việc Phanxicô nhận được sự an ủi cá nhân từ Chúa Giêsu dưới dạng Dấu tích. Khi nhận được món quà này, Phanxicô hoàn toàn nhận ra rằng ngài bị thu hút sâu hơn vào mầu nhiệm về sự sẵn sàng chịu đựng của Thiên Chúa đối với tất cả những ai và những gì Người dựng nên. Các vết thương của Đức Kitô là những vết thương của nhân loại và của tạo thành. Giống như Phanxicô, chúng ta được mời tham dự vào ngày lễ trọng đại này không chỉ để được an ủi về mặt tinh thần nhưng còn để được biến đổi thành tác nhân của 'tạo dựng mới', sứ giả của tình yêu, tình huynh đệ phổ quát và sự tái tạo. Giống như Phanxicô, chúng ta đến ngọn núi này để được chữa lành và tái sinh năng lượng. Chúng ta đến để có thể một lần nữa can đảm vác thập giá trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, một cây giá mang lấy đau khổ của tất cả anh chị em của chúng ta ở khắp mọi nơi trên thế giới và của vũ trụ được tạo thành (xem Giáo hoàng Phanxicô, Truyền tin, ngày 30 tháng 8 năm 2020). Chỉ những người nào sẵn sàng thực hiện cuộc hành trình khó khăn này - một hành trình đi vào bóng tối và nỗi đau mà nhân loại và môi trường tự nhiên đang đối đầu - sẽ trải nghiệm đầy đủ ân sủng mà Thánh Phanxicô đã trải qua khi ngài được in những vết thương của Đức Kitô.

Chúng ta hãy kết thúc phần suy niệm này bằng cách cùng nhau cầu nguyện bằng lời cầu của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, trong lần Ngài đến viếng thăm La Verna ngày 17 tháng 09, 1993:

Lạy thánh Phanxicô, Đấng được in Năm dấu thánh ở La Verna, thế giới khao khát ngài như một biểu tượng của Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Điều này cần trái tim rộng mở của ngài với Chúa và con người, đôi chân trần và đầy vết thương của ngài, bàn tay bị đâm thủng và cầu khẩn của ngài. Nó khao khát tiếng nói yếu ớt của ngài, nhưng mạnh mẽ với sức mạnh của Tin Mừng.

Lạy thánh Phanxicô, xin giúp những người đàn ông [và đàn bà] ngày nay, biết nhận ra sự xấu xa của tội lỗi và tìm kiếm sự thanh tẩy nó trong đền tội. Xin hãy giúp họ giải phóng chính mình khỏi cùng những cơ cấu của tội lỗi đang đè nặng xã hội hôm nay. Xin hãy làm sống lại trong lương tâm các nhà cầm quyền tính khẩn trương của hòa bình giữa các quốc gia và dân tộc. Xin hãy làm sống lại nơi các người trẻ sự tươi mát của cuộc sống, có khả năng chống lại những cạm bẫy của nhiều nền văn hóa sự chết.

Đối với những người bị xúc phạm bởi mọi thứ gian ác, lạy thánh Phanxicô, xin hãy truyền cho họ niềm vui khi biết cách tha thứ.

Đối với tất cả những người bị đóng đinh bởi đau khổ, đói khát và chiến tranh, xin hãy mở lại cánh cửa của hy vọng.

Amen.

La Verna – 17 tháng 09, 2020

Tu Michael A. Perry, OFM

Tổng Phục vụ

Chia sẻ