Skip to content
Main Banner

Đổi mới tầm nhìn, ấp ủ tương lai của chúng ta

Administrator
2021-10-02 00:00 UTC+7 73

Thư của Tổng Phục vụ và ban Tổng Cố vấn dịp đại lễ kính thánh Phanxicô

 

Các Anh em và các Chị em thân mến

Nguyện xin Thiên Chúa ban cho Anh Chị em ơn bình an!

Hội Dòng vừa cử hành Tổng Tu nghị, và đây là lần đầu tiên chúng tôi ngỏ lời với các Anh chị em trong tư cách là những người anh em của Hội Đồng Dòng. Chúng tôi đã bắt đầu hoạt động với tư cách là một cộng đoàn cố vấn, và chúng tôi đang nghiên cứu cách sâu đậm những khuyến nghị và những hướng dẫn mà Tổng Tu nghị đã ủy thác cho chúng tôi, vạch ra những hướng dẫn nhằm linh hoạt Hội Dòng trong sáu năm tới. Chúng tôi hy vọng có thể gởi đến anh em các đề nghị này nhanh nhất có thể.

Ở giữa tính mong manh và sự đổi thay 

Một bức họa Phan Sinh có ích trong thời đại chúng ta, đó là sự trở về từ Đất Thánh của thánh Phanxicô. Theo một số truyền thống, ngài sống cách ly trên một hòn đảo nhỏ ở đầm phá Venice, nơi ngài trải nghiệm tính mong manh của thế giới của ngài, cuộc khủng hoảng của tình huynh đệ, những đấu tranh nội tâm, bị giằng xé giữa bóng tối và cô độc. Tuy nhiên, Phanxicô vẫn đáp trả lại tất cả những điều này với lòng biết ơn cùng với một cái nhìn tràn đầy hy vọng (xem Lksc 23). Ngày nay, Hội Dòng cũng bị giao động giữa những hy vọng và nản chí, giữa sự tăng triển trong một số vùng và sự giảm sút ở một số vùng khác. Chúng ta đang phải đứng giữa con đường canh tân căn tính của chúng ta như những Anh Em Hèn Mọn và tính giáo sĩ trị đem lại cho chúng ta quyền lực và sự an toàn, và làm chúng ta tin rằng chúng ta không cần ai, làm chúng ta xa cách ơn gọi và sứ mệnh như những Anh Em Hèn Mọn. Vì lý do này, chúng ta hãy để cho khẩu hiệu của Tổng Tu nghị đánh động chúng ta một lần nữa: “Hãy trỗi dậy...và Đức Kitô sẽ chiếu sáng ngươi!” (Eph 5:14)

Chúng ta đang ở trong một thời kỳ đổi thay ảnh hưởng đến tất cả mọi người, và chúng tôi tin rằng chúng ta cũng buộc phải ở trong bầu khí biến đổi sâu đậm này, và tìm ra những con đường mới và tích cực. Đây không chỉ là một thử thách mà còn là một món quà của thời đại chúng ta đang sống. Hiện tại thách thức chúng ta, đặt chúng ta vào những tình huống sống còn và dễ bị tổn thương. Đây là một kinh nghiệm hiện sinh sâu sắc kêu gọi chúng ta tiến bước cách tốt hơn và đào sâu lối sống mà chúng ta đã tuyên xưng. Chúng ta nhận ra rằng đôi khi chúng ta quên và không sống theo đoàn sủng làm người anh em và hèn mọn của chúng ta. Việc trải nghiệm bản thân chúng ta là những con người dễ bị tổn thương giúp chúng ta nhận ra sự yếu đuối cá nhân và cộng đoàn của chúng ta và đi giữa mọi người với sự khiêm tốn, giản dị và vui vẻ.

Để khuyến khích và nâng đỡ chúng ta trong hy vọng vào những thời kỳ thay đổi, mong manh và dễ bị tổn thương này, một số thái độ có thể giúp chúng ta:

a. Nhận biết và chấp nhận sự mong manh của con người chúng ta trong huynh đệ đoàn của chúng ta và của thế giới xung quanh chúng ta hầu lớn lên và vui mừng.

b. Nhận ra cái tốt, cái đẹp, sự công bình, những giá trị gắn liền trong tâm hồn của những người nam và người nữ trong thời đại chúng ta, để lớn lên và vui mừng khi chúng ta đồng hành với những người khác nhằm vui mừng về những gì Đấng Tối Cao đang làm trong cuộc sống, gia đình và cộng đồng của họ, nơi họ đang ở, đang sống và làm việc.

c. Lắng nghe lời mời gọi thay đổi để yêu thương không sợ hãi, để tạo nên những con đường giải thoát và đi đến những nơi tan vỡ, nơi mà cuộc sống phải chịu khổ đau và kêu than với tất cả sức mạnh của nó. Những tiếng kêu đó bay lên trời, và Thiên Chúa nghe thấy chúng.

Vài lời mời gọi

Trong Văn kiện cuối cùng, Tổng Tu nghị đã đưa ra năm lời mời gọi tạo nên một hành trình cho tất cả chúng ta: lời mời tri ân, lời mời đổi mới tầm nhìn, lời mời hoán cải và sám hối, lời mời truyền giáo và Phúc âm hóa và lời mời nắm bắt tương lai của chúng ta. Đối với chúng ta là những người Anh Em Hèn Mọn, những lời mời này không phải là tùy chọn. Chúng là những tiêu chí cần thiết để kiên trì trên con đường trung thành theo năm ưu tiên của Dòng, vốn quen thuộc với tất cả chúng ta.

Đọc lại năm lời mời gọi này như một cuộc hành trình, chúng ta nhận ra rằng chúng ta được kêu gọi bắt đầu từ lòng biết ơn đối với điều tốt đẹp đã nhận được, và lòng biết ơn này sản sinh ra một hành động tạ ơn liên tục và đền đáp mọi điều tốt lành cho Thiên Chúa. Trong số các điều tốt lành này, chúng tôi ghi nhận sự phát triển của Hội Dòng ở một số lục địa như Châu Phi và Châu Á. Chúng tôi thấy được chứng tá chân thành của rất nhiều anh em ở bên cạnh những người khốn khó khắp nơi. Lòng biết ơn này đến từ món quà của Thánh Linh làm đổi mới cái nhìn của chúng ta về thế giới và lịch sử, nhận ra những dấu chỉ của thời đại và sự hiện diện của Thiên Chúa.

Tuy nhiên, nói cho đúng, cái nhìn đổi mới này phải mở ra cho chúng ta nhu cầu hoán cải và sám hối để chúng ta có thể thực sự đổi mới nhiều thái độ đòi hỏi sự thanh luyện của chúng ta. Những lĩnh vực cần đổi mới và hoán cải là những lĩnh vực trong đời sống huynh đệ và hèn mọn của chúng ta, vì, như Văn kiện cuối cùng của Tổng Tu nghị đã nói, tình huynh đệ và nghĩa hèn mọn là hai lá phổi của bản chất chúng ta. Tình huynh đệ và tính hèn mọn chắc chắn phải được sống giữa chúng ta, trong các cộng đoàn của chúng ta, nhưng chúng cũng phải trở thành nét đặc trưng cho cách tiếp cận của chúng ta với những người mà chúng ta gặp, trở thành anh em và hèn mọn cho tất cả mọi người.  Người nghèo và những người sống trong đau khổ và thiếu thốn là những người đón nhận cách ưu tiên ước muốn là người anh em và người hèn mọn của chúng ta và chúng ta xem họ như những thầy dạy của chúng ta (xem THC 93 §1). Như Đức Giáo Hoàng đã nói với chúng ta trong thông điệp của ngài với Tổng Tu nghị: “Chúng ta nhận được một cái nhìn đổi mới, có thể mở ra cho chúng ta tương lai của Thiên Chúa, khởi từ sự gần gũi của chúng ta với người nghèo, nạn nhân của chế độ nô lệ hiện đại, những người tị nạn và những người bị loại trừ khỏi thế giới này. Họ là những thầy dạy của chúng ta. Hãy ôm lấy họ như Thánh Phanxicô đã làm! ”

Từ những đôi mắt của người nghèo và người thất bại

Trong bối cảnh của đại dịch mà chúng ta đang phải đối mặt với tư cách là nhân loại, chúng ta được mời gọi bởi những anh em tham dự Tu nghị của chúng ta, cố gắng nỗ lực để đọc thực tế, lịch sử, văn hóa, kinh tế và Giáo hội từ nơi người nghèo, người thất bại, người bị gạt ra ngoài lề xã hội đang sống. Bằng cách này, với một cái nhìn mới, sâu sắc, tin tưởng, nhập thể và thần học, chúng ta có thể đón nhận và cho phép mình được người nghèo và kẻ thất bại đón nhận. Do đó, chúng ta cần thanh tẩy và biến đổi tầm nhìn của chúng ta theo cách của Chúa Giêsu, của Người Nghèo thành Assisi và của hàng ngàn anh chị em chúng ta đã đứng ở phía bên kia của lịch sử, với một thái độ thực sự Phan Sinh trong suốt 800 năm này.

Đối với Thánh Phanxicô, điều này mở ra một con đường đi, sống như “những người lữ hành và khách lạ ở đời này” (L 6, 2), tự do cho việc truyền giáo và Phúc âm hóa, trong tư cách là những huynh đệ đoàn chiêm niệm trong sứ vụ, với đôi mắt của chúng ta hướng về tương lai, hướng bước chúng ta đến bờ bên kia, theo lời mời của Chúa Giêsu với các môn đệ của Ngài. Chúng ta không được ngại đi trên những con đường mới, đáp ứng nhu cầu của một thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Chúng ta không thể bằng lòng khi lặp lại những gì đã luôn làm, với tất cả sự tôn trọng đối với một lịch sử vĩ đại, chính xác bởi vì nó đã có thể tự đổi mới liên tục trong hơn tám thế kỷ qua.

Thời đại của chúng ta đặc biệt yêu cầu chúng ta quan tâm cụ thể đến ngôi nhà chung của chúng ta, trong một cái nhìn về sinh thái học toàn diện, như Đức Giáo hoàng Phanxicô đã dạy chúng ta. Tính mới mẻ của cái nhìn này nằm ở chỗ nó đọc toàn bộ thực tại một cách liên kết với nhau, từ mối quan hệ với Chúa để chăm sóc môi trường, đến sự cam kết với công lý và hòa bình. Chúng tôi tin rằng đó là một thách thức vô cùng cấp thiết đối với tất cả chúng ta. Nếu lối sống của chúng ta,- trong đó cũng có một mong muốn nhất định về sự thoải mái,- không phải lúc nào cũng phù hợp với tầm nhìn này, chúng ta phải nhận ra rằng ở đây chúng ta cũng cần phải sám hối và hoán cải. Chúng ta phải ghi nhớ các thông điệp của Đức Giáo hoàng: Fratelli Tutti và Laudato Si’, những thông điệp khơi dậy trong chúng ta sự sẵn sàng lên đường, học tập và dấn thân vì những điều tốt đẹp của cuộc sống. Chúng cũng là một dấu hiệu tiên tri cho thấy rằng thực sự có thể sống và tương tác dưới ánh sáng của Tin Mừng và sự thực hành của thánh Phanxicô và thánh Clara, trong tinh thần hướng dẫn chúng ta trở thành những người quản lý tốt chứ không phải chủ nhân, để chia sẻ và không tích lũy.

Niềm hy vọng sẽ được tái sinh khi chúng ta học cách không sợ hãi để bắt đầu lại thường xuyên nhất có thể. Tất cả chúng ta hãy cùng nhau tiến về phía trước: đằng sau chúng ta, có một lịch sử phong phú, mà trong những năm tới chúng ta sẽ kỷ niệm những bách chu niên Phan Sinh, và phía trước chúng ta, có một tương lai mà chúng ta háo hức chào đón với hy vọng. Chúng tôi muốn đưa ra một thông điệp về sự tự tin và hy vọng cho thế giới của chúng ta, những nơi rất cần nó. Chúng tôi mời tất cả những ai được Thánh Phanxicô truyền cảm hứng hãy luôn biết ơn Đấng định hình cuộc đời của mỗi người chúng ta và tất cả những người mà chúng ta gặp gỡ theo cách này hay cách khác trên con đường của cuộc đời và lịch sử. Chúng ta được mời tham gia một cách có trách nhiệm vào một nền văn hóa quan tâm, đảm bảo rằng các huynh đệ đoàn của chúng ta và tất cả các môi trường mục vụ đều lành mạnh và có ý nghĩa, nơi mà không ai cảm thấy bị đe dọa trong cuộc sống của họ, về lòng trung thành và phẩm giá.

Chúng tôi được mời gọi trở thành những người xây dựng các cầu nối, giao tiếp và đối thoại. Chúng tôi muốn đứng về phía những người cảm thấy bị xã hội, văn hóa và Giáo hội bỏ rơi, cũng như những người bị thực tế kinh tế và chính trị ép buộc trở thành người di cư. Chúng tôi muốn cùng làm việc với rất nhiều người nam và người nữ thiện chí, cũng như với các tổ chức giáo dân tận tâm với mục đích này. Như thế, đời sống Phan Sinh của chúng ta sẽ luôn là một cuộc sống nhập thể và cam kết huynh đệ và chính trị với người được chúc phúc của vương quốc Thiên Chúa  (Mat 5,1-12; 25,31-46).

Kết luận

Anh em và Chị em thân mến, xin đừng xem Nhà Trung ương là nơi xa xôi, tách biệt: chúng tôi ở đây là vì anh chị em và muốn được ở gần anh chị em. Chúng tôi sẽ thực hiện phần việc của mình để liên lạc với anh chị em và với các thực thể của Gia đình Phan Sinh, và chúng tôi tin tưởng vào sự sẵn lòng tham gia của anh chị em với chúng tôi.

Theo gương của Đức Giáo hoàng Phanxicô, người kết thúc các bài phát biểu của mình bằng cách luôn yêu cầu chúng ta cầu nguyện cho ngài, chúng tôi cũng xin tất cả anh chị em cầu nguyện cho chúng tôi.

Chúng tôi chúc anh chị em một Lễ Thánh Phanxicô vui vẻ!

Tổng Phục vụ và Ban Tổng Cố vấn

Rôma 2021

Chia sẻ