Skip to content
Main Banner

Sứ điệp của ngôi mộ trống

Administrator
2021-04-14 00:00 UTC+7 129

Anh em thân mến của tôi,

Tôi dùng cơ hội long trọng này để chúc mỗi một anh em một lễ Phục Sinh hạnh phúc và thánh thiện!

 Như chúng ta đã nghe trong bài Tin Mừng Phục Sinh theo Thánh Gioan (x. Ga 20: 1-9), ba người bạn và là những người theo Chúa Giêsu đã có ba kinh nghiệm rất khác nhau về sự kiện ngôi mộ trống: Maria Magđala, Phêrô, và Gioan, người 'môn đệ khác.'  Đối với Maria, cô ấy đến ‘trong khi trời vẫn còn tối’, một trong những chủ đề thần học trung tâm ở trong Tin Mừng của Gioan, cuộc chiến giữa ánh sáng (sự công nghĩa) và bóng tối (tất cả những gì không phải của Thiên Chúa ). Khá chắc chắn là cô ấy tiếp tục đau buồn về sự mất mát của người Thầy và người bạn của mình. Đây có lẽ là lý do làm cô quay trở lại lăng mộ, để thương tiếc cái chết của Chúa Giêsu, và tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi đang ám ảnh tâm trí và trái tim cô. Tuy nhiên, những gì cô nhìn thấy lại gây ra một phản ứng sâu đậm hơn, phản ứng của sự sợ hãi, sợ hãi những kẻ có ý đồ xấu xa đã đánh cắp xác của Chúa Giêsu. Có lẽ chính điều này đã khiến cô phải vội vàng chạy trở lại với nhóm các môn đệ và thông báo cho họ về những gì cô đã chứng kiến.

   “Người môn đệ khác”, “người mà Chúa Giêsu yêu mến,” là người thứ hai chạy đến mộ trước Phêrô. Có lẽ vì anh ấy còn trẻ, nên anh đứng bên ngoài ngôi mộ, kính cẩn nhường bước chờ đợi bậc niên trưởng xuất hiện. Chỉ sau khi Phêrô đến và vào trong ngôi mộ thì người ‘môn đệ khác’ này mới dám bước vào không gian linh thiêng. Khi ‘người môn đệ khác’ này cuối cùng bước vào ngôi mộ, một điều gì đó đã xảy ra trong cuộc đời anh ta. Đó là sự nhìn nhận rằng Thiên Chúa đang làm một điều gì đó vĩ đại trong và thông qua Chúa Giêsu - “anh đã thấy và anh đã tin” – dù anh vẫn chưa rõ những sự kiện này có ý nghĩa gì và chúng sẽ tạo ra sự khác biệt nào trong cuộc sống của anh.

Nhiều học giả Kinh thánh gợi ý rằng người ‘môn đệ khác’ này đại diện cho mỗi người chúng ta là những kẻ theo Chúa Giêsu Phục sinh. Giống như ‘người môn đệ  khác’ này, có lẽ chúng ta cũng thấy mình đang ở vào những thời điểm khác nhau của cuộc đời và đang lao đầu vào việc tìm kiếm những câu trả lời cho những câu hỏi trường kỳ trong cuộc đời, những câu hỏi thậm chí còn trở nên rõ ràng hơn trong thời điểm xảy ra đại dịch COVID-19. Có lẽ chúng ta, cũng như 'người môn đệ khác', đã cảm  nhận được sự trống rỗng, nỗi sợ hãi và cô lập do đại dịch gây nên trong đời sống của chúng ta, thế giới của chúng ta, một điều gì đó mời gọi chúng ta hoán cải sâu đậm hơn, một chân lý lớn hơn, một nền công lý và hòa bình nhằm làm chúng ta có thể thật sự “nhìn thấy và tin”. Cái nhìn và niềm tin này bao gồm điều gì? Có lẽ, đó là niềm xác tín rằng Thiên Chúa đang ở đây, niềm hy vọng đã gần kề, tình yêu của Thiên Chúa trong Đức Giêsu, một tình yêu mở rộng cho tất cả mọi người và thụ tạo, mạnh hơn cả mối đe dọa của đại dịch, mối đe dọa của bệnh tật và sự chết!

Nhân chứng thứ ba cho những sự kiện này là Phêrô, người đã phủ nhận việc quen biết Chúa Giêsu trong quá trình xét xử, kết án và chịu đóng đinh của Ngài. Có lẽ sự im lặng của Phêrô là kết quả của cảm giác tội lỗi, xấu hổ và tự nhận thấy mình hoàn toàn không xứng đáng. Những cảm giác này đôi khi gây ra sự im lặng. Phêrô chỉ là một trong số nhiều môn đệ và bạn bè đã bỏ rơi Chúa Giêsu vào giờ đen tối nhất của Ngài. Không có lời tuyên xưng đức tin nào của Phêrô, giống như trường hợp của người ‘môn đệ kia’. Đúng hơn, Phêrô thu thập thông tin và sau đó quay trở lại “căn phòng bị khóa”, nơi ngài cùng các môn đệ và bạn bè khác của Chúa Giêsu đang trú ẩn. Có khả năng là họ đã cùng nhau thảo luận về những gì họ đã thấy và đã nghe. Tuy nhiên, sự trống rỗng của ngôi mộ, thông điệp của nó, vẫn chưa xuyên qua được những tấm lá chắn bảo vệ dày đặc mà Phêrô, các môn đệ của Chúa Giêsu cùng những người theo Ngài, và chúng ta, thường dựng lên để bảo vệ khỏi những thứ mà chúng ta coi là nguy hiểm, là mối đe dọa, và điều này gây ra sự sợ hãi, bối rối, tức giận và thậm chí là tuyệt vọng.

         Các anh em thân mến của tôi, sẽ an ủi hơn cho tôi khi được nói về phần thứ hai của Chương 20 của Tin Mừng theo thánh Gioan, mà, theo ý kiến của nhiều học giả Thánh kinh, nó đã được thêm vào một khoảng thời gian sau đó, gần như là để bù đắp lại những sự kiện không thể hiểu thấu về sự đau khổ và cái chết của Chúa Giêsu, bằng cách chứng tỏ cho các môn đệ thấy sự hiện diện sống động của thân thể sống lại của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, tôi tin rằng ‘cuộc chạm trán’ đầu tiên với ngôi mộ trống này cung cấp cho chúng ta một công cụ quan trọng để phản ánh kinh nghiệm sống của chúng ta về đại dịch COVID-19. Rõ ràng, bóng tối đã bao phủ trái đất, giống như vào thời nguyên thủy trước khi Thiên Chúa đem lại trật tự từ sự hỗn loạn (Gn. 1: 2). Cùng với toàn thể nhân loại, chúng ta đã trải qua những mối đe dọa của sự hỗn loạn và trống rỗng do đại dịch COVID-19 gây ra. Chúng ta thấy mình bị cô lập, không có tiếp xúc thể lý. Chúng ta đã phải đeo 'lá chắn' để bảo vệ chúng ta khỏi mối nguy hiểm chưa biết nhưng hiện nay luôn rình rập của một sinh vật vô hình có khả năng gây hại lớn cho chúng ta - về thể chất, tinh thần, thiêng liêng, xã hội, kinh tế và tất cả các cái khác. Khi chúng ta chuẩn bị chủng ngừa để bảo vệ bản thân, chúng ta cũng nhận ra rằng vẫn còn quá nhiều điều chưa biết về loại virút này để có thể nới lỏng những biện pháp bảo vệ. Đêm đen vẫn chưa kết thúc.

Thông điệp của lễ Phục sinh là một thông điệp mang lại hy vọng và khơi dậy lòng can đảm cho tất cả những ai tuyên xưng đức tin vào Con yêu dấu của Thiên Chúa, Chúa Giêsu. Ngôi mộ trống không cung cấp cho chúng ta những câu trả lời. Thay vào đó, nó tạo ra một không gian ở đó chúng ta có thể đặt những câu hỏi khó. Nó cung cấp một nơi ở đó chúng ta có thể đối mặt với tất cả những gì khiến chúng ta sợ hãi, tất cả những gì thúc giục chúng ta chọn cách ly khỏi Chúa, cách ly với nhau, và ngay cả với chính chúng ta thay vì theo đuổi những con đường hướng tới tình huynh đệ đích thực với Chúa và với nhau. Cuối cùng, lời hứa về sự phục sinh cung cấp cho chúng ta niềm hy vọng. Tuy nhiên, hy vọng này không chỉ là kết quả của điều gì đó đến từ bên ngoài chúng ta, từ niềm tin vào quyền năng của ân điển và tình yêu thương của Chúa. Nhưng, đó là kết quả của một quyết định mà chúng ta đưa ra trong tâm trí và trái tim của mình để chào đón và đón nhận Đấng đã ôm lấy cái chết để Ngài có thể dẫn dắt tất cả chúng ta đến một trải nghiệm đích thực về ý nghĩa của việc được sống. Sự phục sinh của Chúa Giêsu cho chúng ta thấy một sự lựa chọn triệt để, đó là hằng ngày sống trong quyền năng của tình yêu thương của  Thiên Chúa, một tình yêu mạnh hơn những tác động tàn ác, nô dịch của bất công, phân biệt chủng tộc, hận thù, bạo lực và một vùng đất tâm linh hoang vắng. Hoặc sống trong sự thờ ơ, sợ hãi và vô vọng của tất cả những gì chống lại lẽ phải, thánh đức, thiện hảo, và chân lý.

Ước gì tình yêu và sự bình an mà Chúa Giêsu ban cho tất cả những ai đặt niềm tin nơi Ngài làm chúng ta tràn đầy niềm vui và củng cố chúng ta trong quyết tâm đón nhận con đường thập giá, con đường Tin Mừng, đón nhận ngay cả ngôi mộ trống. Giống như Maria Magđala, người ‘môn đệ khác’, và Phêrô, xin cho chúng ta cảm nghiệm được ý nghĩa thực sự của việc được sống trong Chúa Giêsu Kitô.

Xin gởi đến các anh em thân mến của tôi, các chị em Clara và các chị em dòng Clara Đức Mẹ Vô Nhiễm những lời chúc lành của niềm vui Phục sinh của tôi.  Chúng ta cũng hãy tiếp tục cầu xin ân sủng yêu thương của Chúa đổ tràn trên Tổng Tu nghị của chúng ta.

Anh em trong Đức Kitô và thánh Phanxicô

 

28 tháng 03, 2021, Chúa nhật Lễ Lá

Br. Michael Anthony Perry, Ofm

                                                          Tổng Phục vụ và Tôi tớ

Chia sẻ