Skip to content
Main Banner

Sự hiện diện Phan sinh ở trái tim Việt Nam

Administrator
2008-10-21 00:00 UTC+7 179

Hè 2008 vừa qua, tôi được may mắn ra Hà Nội nhân dịp tham gia chương trình tập huấn cho GTPS miền Hà Nội, cùng với cha Nguyễn Phước và anh Thanh Đề. Lần đầu tiên đặt bước chân lên "trái tim" của Tổ quốc đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm khó phai.

Tôi đã có nhiều ấn tượng tốt đẹp về mảnh đất Thăng Long nghìn năm văn hiến này. Trong số đó, sự hiện diện Phan sinh ở "trái tim" của Tổ quốc là điều đánh động tôi nhiều nhất. Đây là một sự hiện diện có rất nhiều ý nghĩa về một sự sinh sôi và nảy nở tinh thần Phan sinh trong lòng đất Việt thân yêu.

1.Dấu vết Cha Anh thuở xưa.

Thử nhắm mắt và nghĩ về cội nguồn của Đạo Chúa hiện diện trên đất Việt, chúng ta nhận thấy thấp thoáng bóng dáng của những tà áo nâu đã từng xuất hiện ở Địa Phận Đàng Ngoài vào những ngày đầu tiên của công cuộc truyền giáo ở Viêt Nam. Trong Đại Việt Sử ký tác giả đã nhắc đến một vị giáo sĩ tên là I-ri-khu vào truyền đạo đầu tiên ở phía Bắc. Ngày này người ta biết đến danh tánh của vị giáo sĩ này là một anh em Phan sinh, người Bồ Đào Nha, nhà truyền giáo đầu tiên ở Việt Nam thời năm 1533 thời Vua Lê Trang Long. Có lẽ việc ghé lại Việt Nam của giáo sĩ I-ri-khu chỉ mang tính thăm dò nhiều hơn là thiết lập một công cuộc truyền giáo. Kể từ đó, người ta hiếm thấy sự xuất hiện của anh em Phan sinh trong các cuộc truyền giáo ở địa phận đàng ngoài.  Phải chăng anh em Phan Sinh đang tập trung nhân lực cho một địa bàn rộng lớn là Trung Quốc và các nước Đông Nam Á khác như Philiphin,Thái Lan, Cămphuchia? Rõ ràng hơn là sự hiện diện suốt 200 năm truyền giáo của anh em Phan sinh ở Niền Nam Việt Nam lúc bấy giờ là Vương Quốc Chămpa. Tuy vậy, dấu vết Phan sinh vẫn được các các giáo sĩ hội thừa sai Paris gieo rắc trên mảnh đất Hà Thành này.

Trước hết, phải kể đến sự hiện diện của các dấu tích ở trong các nhà thờ cổ kính ở vùng Hà Nội (1882-1886). Chúng ta dễ dàng nhận thấy điều đó khi nhìn lên các ảnh tượng của các thánh Phan sinh được tôn kính trong nhà thờ như: thánh Phanxicô Assisi, thánh Antôn, thánh Clara. Tượng thánh Antôn và Phanxicô được dành một vị trí đặc biệt tại Nhà thờ Lớn Hà Nội  là một dấu tích cụ thể nhất. Còn ở trong nhà thờ Hàm Long (1934), một ngôi nhà thờ cổ kính khác ở trung tâm Hà Nội thì tượng thánh Phanxicô, thánh Clara và thánh Antôn được đặt ở những nơi trang trọng nhất trong nhà thờ. Tinh thần Phan sinh còn thể hiện ở sự nhỏ bé, khiêm nhường, đơn giản trong kiến trúc của nhà thờ cổ này. Có lẽ từ rất sớm các nhà thừa sai đã gieo rắc tinh thần đơn sơ, hoà bình và yêu thương Phan sinh vào trong đời sống đạo của tín hữu ở Hà Nội.

Ngoài ra, chúng ta có thể nhận thấy nhiều dấu vết Phan sinh còn sót lại ở các ngôi nhà thờ cổ ở Hà Tây qua việc thờ ảnh tượng các thánh Phan sinh như ở nhà thờ Tấn Độ (1918 - 1935). Đây là một điều kỳ lạ minh chứng một cách hiển nhiên sự hiện diện của tinh thần phan sinh từ xa xưa ở mảnh đất này và vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Nếu ngược trở lại vùng Bùi Chu, Phát Diệm chúng ta không thấy các dấu vết Phan sinh trong các nhà thờ cổ, nhưng là những dấu vết Đa minh.

Chúng ta cũng không thể quên thời kỳ từ sau năm 1929, khi những tà áo nâu xuất hiện trên mảnh đất Việt thân yêu thì phong trào thành lập Dòng Ba cũng diễn ra từ Bắc chí Nam: "Các anh em Pháp cũng đã lập hoặc hướng dẫn lập các HĐĐ Dòng Ba. Kể từ Bắc xuống Nam . Ở Hà Nội (Hàm Long), do Cha Trịnh Như Khuê (Dòng Ba sau được phong Giám Mục, Hồng Y). Ở Thanh Hoá, do Cha Léonerl Ramon. Ở Vinh, Nghệ An, do Cha Joseph Vermeulen, ở Thuận Nghĩa Nghệ An, Cha Joseph Vermeulen và ông Gilbert Trần Đình Phúc. Ở Huế, Đức Khâm Sứ Dreyer và ông Gioan Baotixita Tống Viết Toại. Tại Miền Nam do ông Jacques Lê Văn Đức và Cha Maurice Bertin. Ở Sài Gòn do Cha Joseph Vermeulen lập một HĐĐ người Pháp. Ở Nha Trang, anh em cũng đã lập Dòng Ba". (Trần Phổ, Lịch sử Phòng AEHM Việt Nam, thời kỳ 1929-1954). Đây là thời kỳ dấu ấn phan sinh trở nên đậm nét và sống động ở miền đất Hà Thành.

Những dấu vết về một thời có sự hiện diện của anh em Phan sinh trên mảnh đất Thăng Long vẫn còn in dấu trên các ngôi nhà thờ cổ và nhất là trong lòng sùng kính của người giáo dân Hà Nội qua bao đời nay, và vẫn còn tiếp tục khắc ghi trong tim những người con của vị Thánh Nghèo.

2.Sự hiện diện sống động hôm nay.

Chúng ta nhận thấy tinh thần Phan sinh không chỉ thể hiện trong các kiến trúc cổ và việc tôn thờ ảnh tượng ở Hà Nội, mà còn được thể hiện một cách sống động nơi các anh chị em Phan sinh Dòng Ba và GTPS. Chính những anh chị em Phan sinh Tại Thế ở các huynh đệ đoàn Miền Hà Nội đã kéo dài và làm phong phú sự hiện diện của tinh thần Cha Thánh Nghèo ở mảnh đất Thăng Long huyền bí này. Tất cả những điều ấy được viết lên trong những trang sử của Dòng Ba miền Hà Nội và nhất là trong tâm hồn của những con người yêu mến và thực hành tinh thần Phan sinh trong xứ sở của mình.

Các anh chị em Dòng Ba sẽ tồn tại mãi cùng với những tên tuổi lớn của Giáo Hội Việt Nam như: Đức Cố Hồng Y tiên khởi Trịnh Như Khuê, Đức Cố Hồng Y Trịnh Văn Căn và nay là Đức Hồng Y Phạm Đình Tụng. Những biểu hiện bên ngoài cho chúng ta thấy các dấu ấn hèn mọn đơn sơ Phan sinh vẫn còn được thể hiện nơi tinh thần và đời sống của rất đông các anh chị Dòng Ba Phan sinh tại Giáo phận Hà Nội, Hà Tây và một số giáo phận lân cận khác.

Với tôi, những nụ cười an vui, những cái bắt tay thân thiện, những sự chia sẻ thật tình của các anh chị em Phan sinh Tại Thế và các bạn GTPS trong dịp hè vừa qua là bằng chứng hiển nhiên nói lên sự hiện diện của anh chị em Phan sinh ở Hà Thành. Những nét trẻ trung, thông minh và vui tươi luôn toát lên trên khuôn mặt của các bạn Trẻ Phan sinh Miền Hà Nội là một miềm hy vọng sống động cho dòng chảy Phan sinh được lưu thông và tuôn đổ tinh thần Phan sinh vào trong dòng chảy của lịch sử một nghìn năm Thăng Long Hà Nội.

Sự hiện diện Phan sinh ở "trái tim" Tổ quốc đã và đang làm phong phú và đẹp thêm nét đẹp của vườn hoa Phan sinh trên  thế giới nói chung và vườn hoa Phan sinh Việt Nam nói riêng. Thiết nghĩ, để cho sự hiện diện Phan sinh ở mảnh đất Nghìn Năm Thăng Long này được phong phú và thiết thực hơn trong công cuộc xây dựng Giáo Hội Việt Nam hôm nay, cần phải có thêm sự hiện diện của anh em Dòng Nhất, chị em Dòng Nhì và chị em Dòng Ba Tại Viện nữa. Đó cũng là một sự mong mỏi từ rất lâu của các anh chị em Phan sinh Tại Thế và GTPS miềm Hà Nội. Hy vọng rằng, những ước mơ chính đáng của các anh chị em ấy sẽ sớm trở thành hiện thực trong một tương lai gần.

Quang Huyền

 

Chia sẻ