Skip to content
Main Banner

Bắt đầu lại từ Đức Kitô

Administrator
2018-02-23 00:00 UTC+7 204

BẮT ĐẦU LẠI TỪ ĐỨC KITÔ

1. “Bắt đầu lại từ Đức Kitô” có nghĩa là “gần gũi với Đức Giêsu”.

Trước khi Chúa Giêsu trao tặng món quà tình yêu lớn nhất cho chúng ta - đó là hy tế trên thập giá - Ngài đã dùng hình ảnh cây nho, để nhắn gửi chúng ta rằng: Anh em hãy gần gũi với thầy, đến độ ở lại trong tình yêu của thầy, như cành nho gắn liền với cây nho. Và chính sự kết hợp này, anh em sẽ trổ sinh hoa trái (Ga 15, 5).

- Gần gũi với CG để làm gì? Thưa là để “lắng nghe và học hỏi nơi Ngài”. Sự thân mật vợ chồng chính là sự gần gũi. Họ gần gũi nhau để lắng nghe tiếng nói của con tim của nhau; để cảm nhận từng cung bậc tình yêu được hiến trao cho nhau; để hiện diện trong nhau như một thực thể... Còn hơn thế, người môn đệ của ĐG được mời gọi “ở trong sự hiện diện của Ngài và để cho mình được dẫn dắt”. Câu chuyện hai chị em Matta và Maria tại Bêtania đã cho chúng ta kinh nghiệm này (Maria đã chăm chú lắng nghe Chúa dạy, và Chúa khen Maria đã chọn phần tốt nhất: x. Lc 10, 38-42). Chỉ khi chúng ta say sưa lắng nghe Lời Ngài và để Lời Ngài dẫn dắt cuộc sống chúng ta, thì lúc ấy chúng ta mới thực sự gần gũi với Ngài và được là môn đệ. Bởi vậy có câu định nghĩa về “nên thánh” như sau: Nên thánh chính là luôn lắng nghe tiếng Chúa và trung thành đáp lại trong giây phút hiện tại.

- Gần gũi với CG như thế nào?  Thưa là như Đức Maria: Mẹ thường “chiêm ngắm và giữ mãi trong lòng”, như khi Mẹ sinh Con trong máng cỏ với những biến cố đã xảy ra (x. Lc 2,19). Mẹ cũng để Chúa nhìn ngắm Mẹ (như khi mẹ và Con trên đường thập giá: xem Mt 27,55) với tất cả tình yêu. ĐTC Phanxicô nói với chúng ta rằng: “Anh chị em hãy để Chúa ngắm nhìn mình. Ngài nhìn chúng ta, cũng là cách chúng ta cầu nguyện. Hãy nhìn vào Nhà Tạm và hãy để Chúa ngắm nhìn mình… thật đơn giản. Nếu tôi ngủ gật… Cứ ngủ, cứ ngủ đi! Ngài vẫn sẽ nhìn ngắm anh chị em. Điều này sưởi ấm tâm hồn tôi, giữ cho ngọn lửa tình bằng hữu với Chúa được cháy mãi; làm cho anh chị em cảm thấy rằng Ngài thực sự nhìn ngắm anh chị em, gần gũi và yêu thương anh chị em… Đừng nản lòng! Thiên Chúa yêu thương chúng con. Hãy để cho Chúa nhìn ngắm chúng con. Cha hiểu điều đó không đơn giản đối với chúng con, đặc biệt là những người đã lập gia đình và có con cái, rất khó tìm ra thời gian đủ dài để lắng đọng. Nhưng cảm tạ Chúa. Vì không nhất thiết mọi người đều phải làm cùng một cách… Điều quan trọng là phải tìm một cách thích hợp để ở lại với Chúa. Lúc này mỗi người có thể tự hỏi: Tôi làm thế nào để “ở lại” với Chúa Giêsu?  Để “nghỉ ngơi” trong Chúa Giêsu? Tôi có những giây phút trong sự hiện hiện của Chúa, trong thinh lặng, hoặc để cho Ngài nhìn ngắm tôi không? Tôi có để cho lửa tình yêu của Ngài sưởi ấm tâm hồn tôi không? Nếu tâm hồn tôi không có hơi ấm của Chúa, không có tình yêu và sự dịu dàng của Ngài, thì làm sao chúng ta - những tội nhân nghèo nàn - có thể sưởi ấm tâm hồn những người khác? Hãy suy nghĩ về điều này.”

2. “Bắt đầu lại từ Đức Kitô” có nghĩa là “bắt chước Ngài trong việc ra khỏi mình và   đến gặp gỡ người khác”.

- Là một kinh nghiệm đẹp và là một nghịch lý: Tại sao? Bởi vì khi chúng ta đặt Chúa Giêsu làm tâm điểm của đời sống mình, thì chúng ta không còn là tâm điểm của chính mình nữa. ĐTC nói: “Anh chị em càng kết hợp với Chúa Giêsu, thì Ngài càng trở nên trung tâm của đời sống anh chị em; càng làm cho anh chị em thoát ly chính mình, ra khỏi trung tâm của mình và mở lòng ra cho người khác. Đây chính là sự năng động của tình yêu đích thực, là tác động của chính Thiên Chúa. Thiên Chúa là trung tâm, nhưng Ngài luôn luôn là món quà tự hiến, là tương quan, là một tình yêu luôn cho đi. Vì thế, chúng ta cần phải trở nên như vậy, nếu chúng ta tiếp tục kết hợp với ĐK. Ngài sẽ lôi kéo chúng ta vào sự năng động của tình yêu. Linh mục Nguyễn Cao Siêu (OP) đã viết một lời nguyện rất dễ thương về “sự buông bỏ” như sau:

“Lạy Chúa Giêsu, khi con đến với Chúa,

Con cởi bỏ đồng hồ, là thời khắc biểu của con.

Con tháo bỏ đôi giày, là những tham vọng của con.

Con đóng lại bút viết, là các quan điểm của con.

Con bỏ xuống chìa khóa, là sự an toàn của con…

Nhưng sau khi được ở với Ngài rồi,

Con sẽ xỏ giày vào, để đi theo đường của Chúa.

Con sẽ đeo đồng hồ, để sống trong thời gian của Chúa.

Con sẽ đeo kính vào, để nhìn thế giới của Chúa.

Con sẽ mở bút ra, để viết những tư tưởng của Chúa.

Con sẽ cầm chìa khóa lên, để mở những cánh cửa của Chúa…”

Người nào có sự sống đích thực của Đức Kitô (ĐK) nơi mình, người đó có sự mở lòng ra với tha nhân. Bởi vì chính ĐK thúc đẩy chúng ta ra đi. Cả hai điều này:  kết hợp với ĐK và gặp gỡ tha nhân chỉ là một chuyển động của việc bắt chước ĐK. Nếu thiếu một trong hai, sẽ làm trái tim ngừng đập và chúng ta không còn sống nữa. Mẹ thánh Têrêxa Calcutta đã nói một câu nổi tiếng như sau: “Cuộc sống nếu không sống vì người khác, thì đó không còn là cuộc sống nữa”. Thánh Phanxicô cũng đã dạy anh chị em mình phải là khí cụ của Chúa, để trao ban bình an đến mọi người, qua kinh Hòa bình: “Xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người...”

Nelson Mandela - người đoạt giải Nobel Hòa Bình năm 1993 - vốn là người da đen Nam Phi đã kiên trì đấu tranh để loại trừ chủ nghĩa “Apatheid: “(Phân biệt chủng tộc giữa người da trắng thiểu số và người da đen đa số) tại quốc gia Nam Phi, và khởi đầu một xã hội dân chủ đa chủng tộc. Dù bị kỳ thị và đầy đọa đến tận cùng, ông vẫn không chút oán hận. Cụ thể, khi cánh cửa nhà tù mở ra để trả tự do cho ông năm 1990, sau 27 năm bị giam cầm, ông đã thanh thản bước ra và nói: “Nếu tôi không để nhà tù ở lại phía sau, thì nhà tù vẫn ở trong tôi. Bởi vì, tha thứ cho người khác, chính là sự cởi trói cho chính mình”. Chính nhờ lòng bao dung và tha thứ nơi Nelson Mandela, mà ông đã hoàn thành được tâm nguyện của mình và đã để lại bài học quan trọng cho hậu thế: Sự mở lòng ra với tha nhân bằng sự tha thứ, là một quyền năng ưu việt để thiện hóa người khác.

3. “Bắt đầu lại từ Đức Kitô” có nghĩa là “không sợ đi với Ngài vào các vùng ngoại biên”.

- Không sợ đi với Ngài: Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ rằng: “Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác anh em, mà không giết được linh hồn… Anh em đừng sợ” (Mt 10, 28.31), vì Thầy ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế. Chính Chúa đã sai các môn đệ đi vào thế gian như chiên con ở giữa bầy sói, mà không được hãi sợ. Họ cần phải khôn ngoan như con rắn và đơn sơ như chim bồ câu… Hôm nay Chúa cũng mời gọi chúng ta can đảm đi đến các vùng ngoại biên và chúng ta sẽ tìm thấy Ngài ở đó. “Vùng ngoại biên” được hiểu là những không gian xa xôi hẻo lánh, chưa có dấu chân của người môn đệ; “Vùng ngoại biên” cũng được hiểu là những con người bị bỏ rơi, khuyết tật nơi tâm hồn và thể xác, thấp cổ bé miệng, bị thiệt thòi về mọi phương diện trong xã hội, chưa một lần được tiếp cận với Tin Mừng của Đức Giêsu…

Đi đến một vùng ngoại biên như thế, có thể khiến chúng ta sợ hãi. Nhưng Chúa Giêsu đã và đang ở đó và chờ đợi chúng ta. Ngài chờ đợi chúng ta không phải nơi sự an toàn vô sự, nhưng nơi những thương tích của những anh chị em đang quằn quại dưới ách thống trị của bệnh tật, của đam mê xấu, của tội lỗi…

- Đi đến vùng ngoại biên cùng với Chúa:

Trong suốt 3 năm rao giảng Tin Mừng, Đức Giêsu đã thực hiện cuộc lữ hành khắp miền Palestina, từ Giuđêa qua Samaria đến miền núi Giuđêa, kể cả các miền ven xa xôi… Ngài không sợ đến các vùng ngoại biên để chữa lành và loan báo niềm vui Tin Mừng:” Đức Giêsu đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền” (Mt 9, 35).

Chủ đề của bản văn chung kết Tổng Tu Nghị năm 2015: “Tiến về các vùng ngoại biên với niềm vui Tin Mừng”. Mệnh đề này có nghĩa gì? Nó diễn tả một chọn lựa căn bản: đó là đi ra khỏi mọi giới hạn đang kềm hãm chúng ta, để mang Tin Mừng đến cho những người hôm nay đang cần hơn bao giờ hết Niềm vui phát sinh từ Tin Mừng. Cha Perry - vị Tổng Phục Vụ dòng AEHM - đã thêm rằng: Chúng ta đi đến với thế giới, không phải một mình, nhưng với huynh đệ đoàn; không phải với những phương tiện vũ lực, nhưng với những dụng cụ nghèo khó mà chúng ta có - trong tư cách hèn mọn và tràn đầy niềm vui.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói: “Điều mà tôi nói với anh chị em nhiều lần phát xuất từ con tim của tôi. Khi chúng ta, những Kitô hữu, tự khép kín mình trong nhóm của mình, trong hội đoàn của mình, trong giáo xứ của mình, trong môi trường của mình… chính là lúc chúng ta bị ngã bệnh. Nếu chúng ta can đảm đi ra khỏi sự khép kín của mình, có thể chúng ta gặp phải tai nạn… Nhưng tôi xin nói với anh chị em: Tôi một ngàn lần thà có một giáo hội thương tích, hơn là có một giáo hội bệnh hoạn. Một Kitô hữu can đảm chấp nhận rủi ro để đi ra ngoài, chứ không phải một Kitô hữu chịu khó học hành, biết tất cả mọi sự, nhưng luôn luôn đóng cửa.”

Nhưng hãy cẩn thận! Chúa Giêsu không nói với chúng ta: Hãy đi và tự mình làm mọi sự. Chúa Giêsu nói: Hãy đi. Thầy ở cùng các con. Đó là vẻ đẹp và sức mạnh của chúng ta. Nếu chúng ta đi ra vùng ngoại biên để gieo rắc Tin Mừng của Ngài với tình yêu, với niềm vui, với lòng can đảm, với tinh thần tông đồ đích thực… Ngài sẽ cùng đi với chúng ta với quyền năng của Ngài.

Thánh Têrêxa Calcuta là một con người đã dấn thân đến các vùng ngoại biên một cách trường kỳ và can đảm. Ngài đã đến với những người hấp hối lê lết ngoài đường phố của đất nước Ấn Độ, để cho họ được chết như một con người. Ngài đã hành động không phải một mình, nhưng với Đức Kitô, như ngài đã tâm sự: “Không có gì êm đềm hơn trong những khoảnh khắc khó khăn, vì bạn biết rằng có Ai đó đang chiến đấu vì mình”. Ngài đã chữa lành biết bao con tim tuyệt vọng; xoa dịu bao tâm hồn đau khổ; đem lại niềm tin yêu cho bao phận người nghiệt ngã… Thế nhưng ngài chỉ thốt lên: “Chúng tôi cảm thấy điều chúng tôi đang làm chỉ là một giọt nước trong đại dương. Nhưng đại dương sẽ ít hơn chỉ bởi thiếu đi giọt nước ấy”. Bí quyết nơi thánh Têrêxa Calcuta là gì cho sự phục vụ người nghèo thành công đến như vậy? Xin thưa là câu nói sau đây của ngài ở cuối đời: “Không phải tất cả chúng ta đều làm được những điều vĩ đại. Nhưng chúng ta có thể làm những điều nhỏ nhặt với tình yêu vĩ đại”.

Cuối cùng, để có thể làm được những điều nhỏ với một tình yêu vĩ đại, chúng ta cần đắc thủ được một việc cực kỳ quan trọng - mang tính quyết định - là “gần gũi với Chúa Giêsu”, như lời dạy của chính Chúa: “Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái” (Ga 15,5).

Tháng 11.2017

Tu sĩ  Giuse Trần Mừng OFM

 

 

Chia sẻ