Skip to content
Main Banner

Cái nhìn của Phanxicô về học vấn

Administrator
2008-11-04 00:00 UTC+7 151

I.DẪN NHẬP

Nhân loại đang đặt những bước chân đầu tiên lên Thiên Niên Kỷ Thứ Ba, với nhiều tiến bộ nhảy vọt về khoa học kỷ thuật và công nghệ thông tin. Đời sống con người cũng không ngừng biến chuyển theo các tiến bộ đó về các phương diện khác nhau.

Trong lĩnh vực tri thức cũng đang xuất hiện một quy luật cạnh tranh sinh tồn: "Ai nắm giữ càng nhiều thông tin thì người đó càng có địa vị, quyền lực và tiền bạc". Nó như một động lực tiềm tàng bên trong thúc đẩy con người hiện đại chạy đua theo học hành, tìm kiếm kiến thức và bằng cấp. Các giá trị cao quý của tri thức trở thành những "bảo bối", để người ta thu gom tiền bạc và tha hồ thỏa mãn các nhu cầu của mình trong xã hội tiêu thụ như hiện nay.

Vấn nạn chung của xã hội, cũng là mối bận tâm của các dòng tu hôm nay, khi mà các tu sĩ của họ cũng là những "sản phẩm" phát xuất từ xã hội đó.

Được đang vinh hạnh đứng trước các biến cố hồng ân của Phong trào Phan sinh: Hội Dòng 800 năm, tỉnh dòng Việt Nam 80 tuổi, người viết có những thao thức về vấn học vấn hôm nay. Đó là động lực thúc đẩy tác giả quay về với Phong trào Phan sinh, tìm hiểu "Quan điểm của Phanxicô về vấn đề học vấn của anh em". Ngõ hầu qua đó, tìm cho bản thân những ánh sáng từ tinh thần của thánh Phanxicô để áp dụng vào trong đời sống hiện tại của mình.

II. HỌC VẤN TRONG THỜI ĐẠI  THÁNH PHANXICÔ

1.Bối cảnh xã hội

Phanxicô Sinh vào thế kỷ 12 và sống trong thượng bán thế kỷ 13. Trong thời kỳ đầu của lịch sử Trung đại Phương Tây, xã hội Ý đang có nhiều biến chuyển về mọi mặt.

Về phương diện chính trị, đang có manh nha hình thành một giai cấp tư sản thoát ra khỏi kìm cặp của giai cấp phong kiến quý tộc.

Về kinh tế, thủ công nghiệp phát triển mạnh và dần dần tách ra khỏi nông nghiệp. Hoạt động thương nghiệp cũng phát triển rất mạnh nhờ sự phát triển của nghành giao thông hàng hải. Kéo theo đó, là sự ra đời của các đô thị và hiện tượng di dân từ nông thôn ra thành thị. Khi bỏ đất đai đến sống ở đô thị, thì nghề nghiệp là phương tiện sống còn của họ. Thực tế, có rất nhiều người không có nghề nghiệp chuyên môn và họ đã trở thành một tầng lớp nghèo đói, thất nghiệp trong đô thị.

2.Thực trạng của vấn đề học vấn trong xã hội Trung cổ Phương Tây

Xã hội Phương tây nói chung và nước Ý nói riêng vào thế kỷ 12 đã dấy lên một cuộc canh tân lớn về phương diện trí thức. Các trung tâm văn hóa đã vượt ra khỏi bức tường của các đan viện. Ngày càng có thêm nhiều trường thuộc quyền của các Giám Mục, tiếp đón sinh viên rộng rãi hơn. Sự ra đời của các đại học nhằm đáp ứng các nhu cầu của xã hội: " Đại học Montpellier tuyển các y sỹ tương lai. Đại học Orleans tuyển các luật gia. Đại học Oxpord và chi nhánh ly khai Cambridge lập ra khoa văn chương còn gọi là nghệ thuật và khoa thần học"[1].

Sự chuyển biến này kéo theo nhiều mặt trái của nó: " Lịch sử của các trung tâm trí thức đều giống nhau, thậm chí qua các cuộc xung đột, các cuộc đình công, đôi khi có cả bạo lực, thỏa hiệp lẫn lưu đày, trong quá trình hình thành nghiệp đoàn các giảng viên và sinh viên"[2]. Vì thế, trong xã hội hình thành nên một giai cấp tôn sư: "Họ sống trong các đô thị liên đới với các giai cấp thị dân đang tự giải phóng trong các công xã...họ muốn thu thập đủ mọi thứ hiểu biết và sẵn sàng cho mọi cuộc phiêu lưu háo hức muốn được tự do về thể lý cũng như về tinh thần"[3].

Một tâm trạng của Thánh Bênađô được Gilson miêu tả sau đây sẽ cho chúng ta rõ hơn về việc người cùng thời với ngài chạy theo học vấn: "Không có chỉ có đại học Saint-Vorles, nơi Bênađô theo học thời trai trẻ, mới dạy một chương trình làm cho khao khát Chúa Kitô của Ngài phải bở ngỡ, thậm chí lo âu. Còn có Đại học Paris, Reirs, Laon, Chartres và nhiều trường danh tiếng khác. Ở những nơi ấy chỗ nào cũng dạy một số tác giả lớn như: Cicero, Virglius, Ovidíu, Horatius, những phát ngôn nhân hùng hồn của một thế giới không biết đến Phúc Âm"[4].

Từ đó, chúng ta nhận thấy trong thời Trung cổ có những nhận thức mới về các giá trị của học vấn. Càng ngày càng có nhiều giá trị đi ngược lại các giá trị Kitô giáo.

Trước thực trạng đó, chúng ta thấy giới tri thức tôn giáo bắt đầu lên tiếng về vấn đề này.  Năm 1215 Roberl de Courcon, sứ thần Tòa Thánh của Đức Innôxenxiô III, đã đặt cho Đại học Paris một quy chế nhằm giải quyết những xung đột giữa vị chưởng ấn của Giám Mục với giảng viên và sinh viên [5].

Có thể nói rằng bối cảnh ở Phương Tây trong thời kỳ này đang nổi lên một phong trào rầm rộ trong việc học hành, người ta chạy theo học hành để tìm kiếm lợi lộc cá nhân, tiền bạc địa vị xã hội, danh tiếng. Vấn đề học vấn trên bình diện xã hội và Giáo hội có nhiều thay đổi. Vậy ở trong phong trào Phan sinh thì điều gì đang xẩy ra?

3.Thực trạng của vấn đề học vấn trong phong trào Phan Sinh

Sự đổi thay không ngừng trong xã hội Phương Tây thế kỷ XII-XIII đã làm nảy sinh nhiều nhu cầu mới trong xã hội và Giáo hội. Riêng phong trào Phan sinh cũng chịu tác động mạnh mẽ của bối cảnh xã hội đó. Chúng ta nhận thấy, anh em Phan sinh cũng bắt đầu nghĩ đến việc học hành, nhằm đáp ứng các nhu cầu cấp bách của xã hội và Giáo hội. Chính bối cảnh này là nguyên nhân sâu xa dẫn anh em Phan sinh đến việc học hành và giảng dạy.

Phanxicô và các bạn tiên khởi chỉ muốn nêu gương Đức Kitô và các Tông đồ, dấn thân sống đời hèn mọn để loan báo Tin Mừng cho dân chúng, nhằm cổ võ dân chúng ăn năn mà quay về với Thiên Chúa. Chính Phanxicô trong luật Dòng đã dạy anh em: "Tôi khuyến cáo và khẩn xin anh em nhân danh Chúa Giêsu Kitô, hãy tránh mọi hình thức kiêu ngạo, huênh hoang, ganh tị, tham lam (x. Lc 12,15), đừng bận tâm và lo lắng việc đời (x. Mt 13,22), đừng nói xấu và cằn nhằn. Ai không biết chữ thì đừng chăm lo học hành; nhưng hãy chăm lo điều này là, trên hết mọi sự, ao ước được Thần Linh Chúa hiện diện và tác động nơi mình, cầu nguyện cùng Người luôn luôn với tâm hồn trong sạch, sống khiêm nhường, nhẫn nhục khi bị bách hại và đau ốm, yêu mến những kẻ bách hại, khiển trách và buộc tội chúng ta"[6]. Qua đó chúng ta có thể thấy, vấn đề học vấn thực sự chưa phải là vấn đề quan trọng trong đời sống của Phanxicô và anh em tiên khởi.

Tuy nhiên, khi xã hội Phương Tây có nhiều biến chuyển thì có các nhu cầu mới xuất hiện, nhất là nhu cầu truyền giáo. Điều này được thể hiện qua các chỉ thị của Công Đồng Avignon năm 1209 [7]. Trước nhu cầu của Giáo hội, anh em Phan sinh thuộc một trong những phong trào đang ảnh hưởng mạnh trong thời này không thể khoanh tay đứng nhìn. Hẳn họ phải nghĩ đến việc học hành để đáp ứng nhu cầu của Giáo hội.

Một hiện tượng khác cũng là nguyên nhân làm nảy sinh nhu cầu học vấn trong phong trào Phan sinh. Đó là sự xuất hiện và tràn lan của các lạc giáo như Cathar, Vaudois .... Các lạc giáo này đã làm rất nhiều  người lạc xa niềm tin, bỏ Giáo hội và chạy theo họ. Để đối phó với vấn đề này, người tu sĩ phải có những kiến thức để bài bác những sai lầm của lạc giáo và bảo vệ đức tin chân chính. Các Anh em Hèn Mọn và Anh em Thuyết giáo đã đứng ra làm công việc đó "bằng lối giảng tri thức hơn để bảo vệ đức tin "[8].

Mặt khác, chúng ta cũng thấy, ảnh hưởng của Anh em Hèn mọn dần dần vượt ra khỏi tầng lớp nghèo khổ, đơn sơ, chất phác để đến với tầng lớp trí thức.

Hơn nữa, càng ngày càng có nhiều anh em tri thức gia nhập Phong trào. Đó là những nguyên nhân chớm nở một xu hướng học hành để đáp ứng các nhu cầu mới này. Với tư cách là những người đứng đầu phong trào Phan sinh, chắc chắn Phanxicô đã có nhiều thao thức trước nhu cầu học hành của anh em.

III. QUAN ĐIỂM CỦA THÁNH PHANXICÔ VỀ VẤN ĐỀ HỌC VẤN CỦA ANH EM

Trước thực trạng của thời đại và Phong trào, Phanxicô có những quan điểm rõ ràng về việc học vấn của anh em Phan sinh. Đó là "kim chỉ nam", hướng dẫn anh em học hành trong vai trò của người tu sĩ Phan sinh.

1.Phanxicô cho anh em được học hành

Qua lá thư gửi Anh Antôn và Huấn ngôn bảy chúng ta có thể nhận thấy rằng,  để đáp ứng nhu cầu của anh em cũng như nhu cầu đòi hỏi của thời đại, Phanxicô đã đồng ý cho anh em học thần học. Điều này có nghĩa là Phanxicô đã ngầm mở đường cho sự hình thành một lĩnh vực mới trong Phong trào Phan sinh, đó là việc học vấn. Tuy nhiên, nền học vấn mà Phanxicô muốn anh em ngài thực hiện có sự khác biệt so với quan niệm về học vấn của người đời mà chúng ta đã bàn tới ở trên.

2.Đức Kitô là trung tâm của nền học vấn Phan sinh

Sau khi từ bỏ thế gian và mọi thứ xa hoa của nó, Phanxicô muốn trở thành môn đệ Đức Kitô và sống theo gương Người. Không phải ai khác, nhưng chính thánh Phúc Âm đã chỉ cho người lối sống đó. Những đoạn Kinh Thánh đã đánh động và soi sáng cho cha thánh là: "Nếu anh em muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh em và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi " (Lc 9,3); "Anh em đừng mang gì khi đi đường, đừng mang gậy, bao bì, lương thực, tiền bạc cũng đừng có hai áo " và " Ai muốn theo thầy phải từ bỏ chính mình, và vác thập giá mình mà theo" (Mt 16,24).

Tin Mừng là cốt lõi của lối sống của Phanxicô và những anh em tiên khởi. Phanxicô vẫn tin tưởng rằng đó là lối sống mà Chúa đã mặc khải cho người:"Chính Đấng tối cao đã mặc khải cho tôi biết phải sống theo mấu mực Thánh Phúc âm "[9]. Từ một kinh nghiệm được bám rễ sâu trong Tin Mừng của Đức Kitô, Phanxicô mong muốn anh em có được một nền học vấn: "Đặt Đức Kitô làm trung tâm và sống kết hiệp trọn vẹn với Người. Chỉ có một khoa học duy nhất đó là khoa học dẫn dến tình yêu của Đức Kitô "[10].

Nếu chọn Đức Kitô làm kim chỉ nam cho việc học hành, thì chúng ta sẽ đánh bại được việc học theo trào lưu xã hội, là để tìm kiếm chính mình: "Khi chiến đấu chống lại những gì làm vẫn đục mối tương quan với Thiên Chúa, con người sống với một lòng thanh trí sạch, được sự bình an đính thực do Thần Khí ban và luôn tìm kiếm sự kính sợ, khôn ngoan và tình yêu đối với Chúa Cha, Chúa Con Và Chúa Thánh Thần "[11].  Và như thế, việc học để biết Thiên Chúa là Đấng tốt lành và sống yêu mến Ngài phải được cụ thể hóa bằng chính đời sống của anh em, nên học hành  được xem là một trong những công việc không thể xem nhẹ. Vì chưng, "Vấn đề của cuộc sống hằng ngày được giải quyết bằng việc tìm kiếm, thực hiện Thánh ý Thiên Chúa "[12] và việc học hành không nằm ngoài chủ đích đó.

Với mục tiêu là học cùng với Đức Kitô và đạt đến tình yêu của Ngài, Phanxicô tiếp tục chỉ cho anh em tinh thần phải có trong khi học hành.

3.Học vấn phải đi song song với đời sống cầu nguyện và sốt mến.

Trở lại thư gửi anh Antôn, chúng ta thấy Phanxicô đưa ra điều kiện cho anh Antôn khi anh dạy thần học cho anh em: "Trong học hành người ta đừng dập tắt tinh thần cầu nguyện và sốt mến, như được ghi trong luật Dòng"[13].   Hẳn là trong Phong trào Phan sinh lúc bấy giờ đã có một số anh em chạy theo học hành và rơi vào xu hướng chung của người đời là tìm kiếm lợi lộc hơn tìm kiếm Thiên Chúa. Theo Cha Kajatan Esser: "Vào thời các anh em tiên khởi, học vấn là con đường duy nhất cho những ai có được một địa vị hay sự ngưỡng mộ của người đương thời"[14]. Chính Phanxicô cũng xem việc học hành như thế là học hành bị chữ viết giết chết: " Những người bị chữ viết giết chết là những người chỉ muốn học biết chữ nghĩa để được xem là khôn ngoan hơn người khác và để có thể kiếm được nhiều của cải để phân phát cho người khác"[15].

Trước khuynh hướng học hành như vậy, Phanxicô đã kịch liệt lên án. Ngài nói: "Anh em nào bị thôi thúc bởi lòng ham muốn học hành, ngày phán xét kẻ ấy chỉ còn lại hai bàn tay trắng "[16].  Đây là lời cảnh tỉnh anh em, qua đó Phanxicô muốn dẫn anh em đi đúng mục tiêu thánh thiện của việc học hành là phải kết hợp với đời sống cầu nguyện và sốt mến.

Quả thế, Phanxicô muốn anh em vừa học hành vừa duy trì "đời sống cầu nguyện và sốt mến", theo tinh thần của luật dòng. Nghĩa là trong việc học vấn phải có sự hiện diện của Thần Khí Chúa và tác động Thánh của Người. Chỉ khi để cho Thần Khí soi sáng và hướng dẫn, chúng ta mới có cơ may thoát ra được những mục tiêu tầm thường của học vấn mà nhiều người dẫn đang chạy theo. Hơn nữa, Phanxixô cũng mời gọi anh em sống mối tương quan mật thiết với Chúa Ba Ngôi và tìm cách làm cho mối tương quan ấy thể hiện ra bằng những việc lành thánh do Thần Khí Chúa tác động trong đời sống.

Cầu nguyện có một vị trí quan trọng trong đời sống của anh em hèn mọn, nhờ cầu nguyện anh em mới có thể quy hướng bản thân và mọi hành động học tập, lao động, rao giảng... về với Thiên Chúa. Một tài liệu của văn phòng Học vấn đã nhắc đến điều này: "Lòng sốt mến đích thực cũng diễn tả thái độ quy hướng trong tình yêu về với Thiên Chúa trong từng giây phút của cuộc đời. Ta không chỉ cầu nguyện với lòng sốt mến nhưng cả làm việc với lòng sốt mến"[17]. Như thế, nhưng gì thánh Phanxicô đã bàn tới về tinh thần phải có của anh em trong khi học hành vẫn còn nguyên giá trị của nó. Chính mẫu mực của việc học hành này mới có thể dẫn chúng ta đến với tình yêu Thiên Chúa và mọi người.

4.Học vấn phải đem đến lòng yêu mến Chúa và phục vụ mọi người.

Một đòi hỏi khác mà thánh Phanxicô mong muốn anh em phải có khi dấn thân trong việc học hành là đem đến lòng yêu mến Chúa và phục vụ mọi người.

Huấn ngôn bảy cho chúng thấy những thái độ khác của Phanxicô về vấn đề học vấn của anh em.

Thứ nhất, Phanxicô lên án trào lưu chạy theo học hành, để tìm lợi ích cá nhân, ngài coi đó là thứ "chữ viết giết chết": "Những người bị chữ viết giết chết là những kẻ chỉ biết học biết chữ nghĩa để được xem là khôn ngoan hơn người khác và để có thể kiếm được nhiều của cải mà phân phát cho bạn bè thân thích "[18]. Chúng ta có thể hiểu học vấn theo nghĩa "chữ viết giết chết" là thứ học thức đi ngược lại với tình yêu thương Thiên Chúa và phục vụ mọi người. Thứ học thức đó sẽ dẫn người ta xa rời Thiên Chúa và anh chị em mình, và rơi vào sự chết dần chết mòn những tinh thần mà người tu sĩ phải có trong khi bước theo dấu chân của Thầy Giêsu. Đó là thứ học thức mà người trung cổ ở Âu Châu đã háo hức tìm kiếm.

Thứ hai, Phanxicô muốn lên án các tu sĩ bị chữ viết giết chết: "Những tu sĩ bị chữ viết giết chết là những kẻ không đi theo tinh thần Chúa trong Kinh Thánh, mà chỉ muốn học biết chữ nghĩa để giảng giải cho kẻ khác"[19]. Với những người học hành để tìm kiếm lợi lộc vật chất ở đời này, thánh Phanxicô xem họ là các tu sĩ không đi theo tinh thần Chúa trong Kinh Thánh. Qua đó, ngài muốn khẳng định lại cho anh em mình về căn tính chủ đạo luật dòng: "Tuân giữ Thánh Phúc Âm Chúa Giêsu Kitô bằng đời sống vâng phục không có của riêng và khiết tịnh"[20]. Chỉ khi nào anh em sống tốt căn tính ấy thì anh em mới có thể đạt đến tình yêu của Thiên Chúa và tha nhân.

Cha cựu Tổng Phục vụ Herman Schluck có lẽ đã thấm nhuần tư tưởng này của Cha thánh khi đưa ra nhận định rất hay: "Người Anh em Hèn mọn quý chuộng việc học hành, coi đó như một hành trình và con đường để được Thiên Chúa soi sáng cho lòng trí và nhờ đó mà có thể trở thành những nhân chứng, những người loan báo và phục vụ chân lý và sự thật "[21].

5. Học vấn là để đem Chúa đến cho người khác.

Xuất phát từ những kinh nghiệm sống và chứng kiến những cảnh lầm than khổ cực của những con người đang sống xa cách Chúa, Phanxicô luôn hướng anh em đến việc phục vụ mọi người, bằng đời sống chứng tá và qua đó mang Chúa đến cho người ta. Ngài xem đó là cách làm đẹp lòng Chúa. Phanxicô muốn anh em học hành là để dẫn đến một lối sống theo tinh thần Phúc Âm, nhằm qua đó giới thiệu Chúa cho dân chúng. Một thái độ sống hoà bình, khiêm nhường, yêu thương nâng đỡ mọi người, chấp nhận mọi người kể cả kẻ thù và người nghèo khổ.

Thánh Bônaventura đã nhắc lại tư tưởng này khi ngài nói: "Ngài (Phanxicô) dạy chúng ta cách đạt đến sự trọn lành, nếu chúng ta học không phải là cho biết những điều cao siêu, nhưng là để biết chấp nhận những điều hèn hạ"[22].

Hành động mang Chúa đến cho người khác là mối bận tâm của Phanxicô, ngài đang thực hành điều ấy và ngài cũng mong muốn việc học hành của anh em phải hướng tới mục tiêu cao đẹp đó. Kinh nghiệm của ngài là một minh chứng: "Với hết nhiệt tình và vui sướng ngài cảm hoá thính giả bằng những lời đơn sơ và tình cảm cao quý. Lời ngài như ngọn lửa cháy,  đi vào sâu thẳm cõi lòng và khơi dậy sự khâm phục của mọi người "[23].

Chính Phanxicô đã có lần sai anh em đi giảng khắp nước Ý. Chúng ta biết được điều này qua sử gia dòng Đa Minh: "Giống như Thánh Phanxicô Thánh Đa Minh đã gửi anh em giảng thuyết đến các miền Bắc và hướng về miền đông xa xăm để loan báo lời Chúa, để truyền đạt lời mời gọi họ đón nhạn ơn cứu độ"[24]. Việc rao giảng không chỉ giới hạn trong nước Ý, nhưng Phanxicô đã khuyên anh em ra đi đến với người Hồi Giáo và dân ngoại, Ngài nói: "Ai trong anh em được Chúa soi sáng, muốn đến với người Hồi Giáo và dân ngoại khác, hãy xin phép anh tỉnh phục vụ "[25].

Khát vọng mang Chúa đến cho mọi  người là điều Phanxicô muốn gửi gắm cho các anh em học hành. Như thế, hẳn ngài muốn anh em sau khi học hành phải tìm kiếm Thiên Chúa, yêu mến Ngài và lan toả tình yêu của Ngài đến cho những anh chị em xung quanh mình.

Tinh thần của Phanxicô về vấn đề học vấn của anh em, đã được các anh em tiên khởi đem vào trong đời sống của Anh em Hèn mọn. Chính các anh em này đã phát huy chúng và làm cho chúng sinh hoa kết quả dồi dào trong vườn hoa Phan sinh trong tám thế kỷ qua. Những mục tiêu của học vấn mà Thánh Phanxicô mong muốn các anh em phải có vẫn còn nguyên vẹn giá trị. Là người Phan sinh chúng ta hôm nay cũng có bổn phận sống và làm cho phong phú hơn di sản thiêng liêng mà ngài để lại.

IV. KẾT LUẬN

Trong thời đại của mình, dưới tác động của quá trình chuyển biến trong xã hội lên Phong trào Phan sinh, Phanxicô rất dè dặt trong chuyện học hành của anh em. Ngài như lường  trước được những nguy cơ  có thể đến là anh em theo xu hướng học hành của xã hội, nhằm tìm kiếm bản thân và lợi lộc vật chất mà đánh mất tinh thần khiêm hạ của Phong trào. Đàng khác, ngài cũng muốn anh em học hành để đáp ứng các nhu cầu của thời đại đặt ra cho anh em Phan sinh, nhất là việc mang Chúa đến cho người khác.

Đứng trước sự dằng co đó ngài đã chấp nhận cho anh em được học hành. Tuy vậy, ngài muốn anh em trong khi học hành đừng dập tắt tinh thần cầu nguyện và sốt mến và phải để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Mục tiêu cao cả mà Phanxicô muốn anh em phải có là, việc học phải đưa anh em tới lòng yêu mến Chúa, phục vụ mọi người và mang Chúa đến cho họ.

Thiết nghĩ, tinh thần của Phanxicô về vấn đề học vấn của anh em trong thời đại của ngài cũng là bài học rất quí báu cho thời đại chúng ta hôm nay.

Cách riêng, chúng ta đang sống trong một xã hội Việt Nam thời hội nhập, các bậc thang giá trị truyền thống của học thức đang bị đảo lộn. Những tiêu chuẩn cao quý của học vấn mang đạm giá trị Tin Mừng ngày một mai một đi. Thay vào đó là những tiêu chuẩn mới mang tính tư lợi, vật chất chóng qua.

Nếu được thấm nhuần tinh thần của thánh Phanxicô về vấn đề học vấn, chúng ta sẽ trở thành những "kẻ khôn ngoan" trên con đường tìm kiếm Chân - Thiện - Mỹ. Nhờ vậy, chúng ta mới có thể trở thành "khí cụ bình an của Chúa", và làm lan tỏa tình yêu mãnh liệt của Ngài đến với con người thời đại hôm nay.

Quang Huyền, OFM

 

 


[1] Guy Bedoyell, Thánh Đa Minh ân sủng và Lời Chúa, Tủ sách đại kết, 1992, trang 32.

[2] Guy Bedoyell , Sđd. trang 32.

[3] Nguyễn Văn Khanh: Chúa GiêSu Kitô trong tư tưởng Thánh Phanxicô, Nguyễn Gia Thịnh dịch, năm 2002, trang 211.

[4] Nguyễn Văn Khanh,, Sđd, trang 214.

[5] x. Guy Bedoyell, Sđd, trang 32.

[6] Luật 10,7-10.

[7] x. Nguyễn Văn Khanh, Sđd, trang 36

[8] Guy Bedoyell, Sđd, trang 35.

[9] Di chúc 14.

[10] Nguyễn Văn Khanh, Sđd, trang 218.

[11] Luật không sắc dụ ,16.

[12] Luật không sắc dụ 17,16

[13] Thư gởi Antôn, 2.

[14] K. Esser, Giải thích luật dòng, trang 163.

[15] Huấn ngôn 5,2.

[16] 2 Cel, trang 195

[17] Văn phòng Tổng thư ký huấn luyện và học vấn OFM, Đường hướng huấn luện, trang 35.

[18] Huấn ngôn 7,2

[19] Huấn ngôn 7,3.

[20] Luật 1,1.

[21] Her man Schluck, Tuôn đổ Tin Mừng Đức Kitô tràn lan khắp thế giới, trang 17..

[22] CGKPV Phan sinh, (Trich sách biên giải cho người nghèo).

[23] 1Ce, l23

[24]Guy Bedoyell, Sđd, trang 36.

[25] Luật, 12,1.

Chia sẻ