Skip to content
Main Banner

Trách nhiệm của người bề trên

Administrator
2008-08-31 00:00 UTC+7 218

Vấn đề quyền bính và tuân phục là mấu chốt (nerf) cho mọi công cuộc canh tân đích thực của cơ chế dòng tu. Tại Công đồng, các nghị phụ khi thảo luận về Lược đồ canh tân thích nghi đời tu, đã thấy rõ tầm quan trọng của vấn đề.

Trong các cuộc trao đổi đó, một ý kiến gây được sự chú ý đặc biệt tại hội trường, là ý kiến sau đây của linh mục Buckley, Bề trên tổng quyền dòng Maristes:
“Một số Bề trên không ngừng nói tới khủng hoảng về đức Vâng lời. Song tôi nghĩ rằng nếu có khủng hoảng là khủng hoảng về phía Bề trên, chớ không phải về phía bề dưới. Sự thật là: người trẻ hôm nay không còn chấp nhận được những câu cũ kỹ lỗi thời như : Ý Bề trên phù hợp hoàn toàn với Ý Chúa. Lược đồ không nói gì đến bổn phận các Bề trên phải tham khảo ý kiến Ban cố vấn của mình… Có nhiều Bề trên, đặc biệt là dòng nữ, và cả dòng nam nữa, không biết điều hành một cuộc họp Ban Cố vấn xứng danh là cố vấn và có hiệu năng. Tôi nghĩ rằng việc canh tân đời tu là một vấn đề đào tạo các Bề trên để họ làm việc hiệu năng hơn là vấn đề làm thế nào cho bề dưới biết vâng lời hơn”.
Kinh nghiệm trong Hạt dòng cũng cho ta thấy quả thật vai trò của người Bề trên cộng đoàn thật là quan trọng cho công cuộc canh tân và cho sự hưng thịnh của đời sống của cộng đoàn. Vai trò ấy càng trở nên quan trọng, khi mà sự liên lạc giữa trung ương và các địa phương và các cộng đoàn không thường xuyên và sâu sát như xưa.
Trước tiên, chúng ta cần nêu lên một số sự kiện và tâm trạng thường gặp thấy trong Anh em.
1. TÌNH HÌNH VÀ TÂM TRẠNG
- Các Bề trên thường quan tâm đến vật chất hơn tinh thần của cộng đoàn, nghĩa là lo sao cho guồng máy chạy đều, đâu vào đó hơn là lo cho tinh thần tu trì được sống động và phát triển;
- Tinh thần tự do, dân chủ theo nghĩa hoàn toàn xã hội, chính trị, thường lấn át tinh thần thuần phục siêu nhiên. Thêm vào đó lại còn khá nhiều Anh em không hiểu thật đúng bản chất của cộng đoàn tu trì. Hai sự kiện đó đưa dần tới quan niệm ngấm ngầm rằng Bề trên chỉ là người thi hành ý kiến chung của Anh em hơn là người điều khiển cộng đoàn. Phải chăng đó là một thứ chủ nghĩa duy cộng đoàn (communitarisme) ?
- Nhiều Bề trên, vì muốn được yên chuyện và vui vẻ trong Nhà, nên thường dàn xếp mọi việc thế nào cho vui vẻ cả làng, không dám đụng thẳng tới vấn đề đích thực.
- Nhiều Bề trên trẻ e ngại không dám nhắc nhở, dạy bảo Anh em mình. Lý do có thể là: mặc cảm hoặc thực sự cảm thấy mình non trẻ, thiếu kinh nghiệm, thiếu uy tín; nếp sống cộng đoàn nhỏ tạo sự thân mật nhưng cũng tạo sự suồng sã, khiến cho người Phụ trách khó ăn nói với Anh em trong tư thế là Bề trên.
- Một số không ít Anh em không linh mục lớn tuổi có thái độ gay gắt và coi khinh các linh mục trẻ, kể cả Bề trên : thái độ đó có thể phát sinh một phần do tác phong thiếu sót của chính anh em linh mục.
Đó là một số tâm trạng và sự kiện khá phổ biến bắt ta phải tìm cách uốn nắn và công việc đó trước tiên là công việc của người hữu trách trong cộng đoàn.
Chúng tôi muốn lưu ý đặc biệt tới 3 điểm mà có lẽ Anh em thường coi nhẹ :
· Các anh Phụ trách phải ý thức trách nhiệm rất nghiêm trọng của mình vì thực sự mình có trách nhiệm về phần linh hồn của anh em. Đây không phải là chuyện thường đâu (Xem số 1 phần II).
· Trách nhiệm đó không phải chỉ lo cho mọi việc xuôi chảy bề ngoài, mà còn phải lo cho đời sống tinh thần của mỗi Anh em và của cộng đoàn tiến triển không ngừng (Những mục 2 và 3 trong phần II nhằm tới điều đó).
· Muốn hướng dẫn hữu hiệu cộng đoàn, Bề trên phải lo cho mình có tinh thần siêu nhiên, cầu nguyện và tu trì, nhưng cũng phải tập cho có một số đức tính căn bản tự nhiên và một kỹ thuật tối thiểu để điều khiển.
2. MỘT SỐ TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI BỀ TRÊN
2.1 Người Bề trên là đại diện của Chúa
Sắc lệnh “Đức Ai Hoàn Hảo” nhắc lại như thế (số 14). Khẳng định này có nghĩa là gì?
Nó không có nghĩa là Bề trên chiếm chỗ của Chúa, tự coi như Chúa. Bề trên và Bề dưới đều cùng khiêm tốn đứng trước mặt Chúa trong một lòng khát khao chung là phó mình cho Đức Kitô và nhờ Đức Kitô mà phó mình cho ý muốn yêu thương của Chúa Cha. Cả hai cũng phải tìm thánh ý Chúa cả. Bề dưới không dâng hiến ý muốn mình cho Bề trên, nhưng là cho Chúa.
Tuy nhiên trong việc tìm kiếm đó, người Bề trên có một vai trò và trách nhiệm đặc biệt. Bề trên có bổn phận làm cho Thiên Chúa hiện diện, để rồi nhường chỗ cho Ngài và để mọi Anh em đều hướng về Ngài. Bề dưới nhìn nhận nơi Bề trên, một thứ Bí tích (sacramentum) tạo cho mình được kết hợp với thánh ý Chúa. Điều ấy không có nghĩa là mệnh lệnh Bề trên đương nhiên đồng nhất với thánh ý Chúa, không phải và được xác nhận là có quyền trên anh em mà nội dung các chỉ thị bề trên được bảo đảm là đúng. Sự tuân phục của Bề dưới đối với Bề trên, có tính chất thực tiễn (pratique). Nghĩa là: Bề trên có thể sai lầm, nhưng dù vậy, các chỉ thị của họ vẫn bảo đảm cho điều Bề dưới đã khấn hứa là hiến dâng trọn vẹn ý riêng làm lễ tế chính mình cho Thiên Chúa (Xem Chứng ta Phúc Am, 27). Tại sao bảo đảm? Tại vì nhờ tuân phục mà sự hiến dâng đó trở thành một sự hiến dâng thiết thực, cụ thể, không ảo tưởng.
Sắc lệnh “Đức Ai Hòa Hảo “ viết:
“Các Bề trên phải trả lẽ về các linh hồn đã được ủy thác cho mình, nên hãy ngoan ngoãn tuân hành thánh ý Chúa khi chu toàn bổn phận và thi hành quyền bính trong tinh thần phục vụ Anh em, làm sao để minh chứng được mối tình Thiên Chúa đã yêu họ”
Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô trong Tông Huấn Chứng Ta Phúc Am, cũng dạy:
“Đối với người có quyền bính, thì phải phục vụ nơi Anh em mình kế hoạch yêu thương của Chúa Cha” (25).
Như thế, rõ ràng là trong việc tìm kiếm thánh ý Chúa, người Bề trên có vai trò và trách nhiệm đặc biệt và nặng nề hơn. Vì thế bổ phận của họ có hai mặt:
- Một đàng tìm kiếm thánh ý Chúa đối với cộng đoàn và đối với từng người trong cộng đoàn.(mặt tìm ý Chúa cho từng Anh em xem ra khó hơn cho cộng đoàn).
- Đàng khác, chuyển đạt thánh ý đó cho họ và giúp họ đáp trả lại ý muốn cứu độ của Chúa.
(tài liệu, xem : lObéissance religieuse: Commentaire du numéro 14 par J.M.Tillard, op, trong Collection Unâm sanctum, no 62, p. 449-484).
2.2 Bề trên phục vụ “công ích” của cộng đoàn:
Người Bề trên là người phục vụ cộng đoàn, vậy trước hết chúng ta phải biết thật rõ đâu là cái thiện ích (le bien) của một cộng đoàn tu trì Phan sinh?
Không có xã hội nào mà không có luật lệ và quyền bính, dù là những xã hội bộc phát và vô tổ chức nhất, chẳng hạn một băng thiếu niên tụ họp quanh một đứa mà chúng ngầm ngầm nhìn nhận là thủ lãnh. Một xã hội không hiện hữu vì mình nhưng vì một cái gì đó gọi là: công ích (bonum commune) mà nó theo đuổi cho tất cả các thành viên.
Công ích của một cộng đoàn tu trì, như cộng đoàn Phan sinh chúng ta, gồm có:
- Lý tưởng chung và tất cả những gì cần thiết giúp cho mỗi thành viên nẩy nở hầu thực hiện lý tưởng đó;
- Công cuộc loan báo Tin Mừng mà cộng đoàn phải phục vụ và những sinh hoạt mà công cuộc ấy đòi hỏi;
- Ngoài ra công ích đó còn đòi hỏi cộng đoàn phải diễn tả sự thánh thiện mà Đức Kitô muốn biểu lộ qua dấu hiệu cộng đồng của tập thể mình giữa xã hội loài người.
Như thế công ích là một thực tế phức tạp, nó là một cuộc sống phải thực hiện hơn là một lý tưởng trừu tượng được đề nghị, một cuộc sống luôn luôn mớ mẻ tùy theo điều kiện thời gian, nơi chốn.
Về cái công ích đó, mỗi thành viên đều phải chịu trách nhiệm. Nếu thiếu ý thức này, cộng đoàn tu trì sẽ không còn là một cộng đoàn đích thực nữa, mà chỉ là một nhóm cá nhân đến với nhau, để nhờ một tập thể giúp cho mình một dịch vụ như: cơm ăn, áo mặc, nhà ở, thuốc uống…Cộng đoàn nào cũng thường xuyên bị lôi kéo về hướng đó do sức nặng của tội lỗi, của ích kỷ và những giới hạn khác của con người, nhưng ta cũng phải thường xuyên phản kháng lại. Đây là chỗ đặt ra vấn đề quyền bính và những tương quan của quyền bính với tự do cá nhân.
Khi Đức Kitô thành lập Giáo Hội, Ngài sử dụng hình thức một xã hội tự nhiên làm chất liệu với cơ cấu quyền bính và luật lệ, nhưng Ngài đã biến xã hội đó thành một xã hội “thần hóa” mà Ngài là linh hồn và thủ lãnh. Trong Giáo Hội, mọi quyền bính đều phát xuất từ Ngài và đều có mục đích như Ngài đã theo đuổi khi chết trên thập giá, tức là thực hiện ơn cứu rỗi cho con người và giải phóng các linh hồn. Cộng đoàn tu trì cũng là một thực tại tự nhiên được kết hợp một cách mầu nhiệm với Đức Kitô. Các Bề trên khi thi hành chức vụ, không được quên điều đó. Tất cả mọi cơ cấu, tổ chức, công việc bề ngoài của cộng đoàn đều nhằm làm phát triển cái thực tại vô hình và sâu xa đó của nó. Hơn ai hết, người Bề trên phải lo lắng cho cộng đoàn khòi bị “vật chất hóa”
(tài liệu: R.Voillaume: Entretiens sur la vie religieuse 4e Entretien: Obéissance et Liberté dans le Christ).
2.3 Bề trên là linh hồn của cộng đoàn.
Đúng ra chỉ có Thánh Thần Đức Kitô mới là linh hồn của cộng đoàn, nhưng vẫn có thể nói, theo nghĩa nào đó, Bề trên cũng là Linh hồn của cộng đoàn. Điều đó bao hàm hai việc:
- Bề trên làm cho cộng đoàn sống động;
- Bề trên làm cho cộng đoàn hiệp nhất.
· Bề trên là người náo hoạt cộng đoàn:
Đời sống vật chất : làm cho cộng đoàn sống về vật chất, không phải là nhiệm vụ đặc thù của một Bề trên. Tùy theo hoàn cảnh và cách tổ chức, Bề trên nên được rảnh rang về mặt này hơn để lo cho đời sống tinh thần của cộng đoàn. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, thì người Bề trên vẫn phải có một cái nhìn chung và nhất là quan tâm đầy đủ về đời sống vật chất để mọi nhu cầu vật chất của anh em được bảo đảm cách hợp lý đồng thời duy trì được tinh thần nghèo khó và tu trì;
Đời sống tinh thần : đây mới là nhiệm vụ chính và đặc thù. Trước hết, tối thiểu Bề trên phải lo cho cộng đoàn có đủ những sinh hoạt thông thường của một cộng đoàn tu trì, như Thánh lễ, các Bí tích, các Giờ Kinh Phụng vụ, tĩnh tâm… và những gì mà Luật dòng, Hiến chương và Nội qui xác định, như Hội nghị, học tập…
Không những phải lo cho có đầy đủ, mà còn phải lo cho có tốt đẹp nữa. Ơ đây, nên nhắc lại: Bề trên phải tỏ ra tích cực và làm gương sáng. Làm sao anh em tích cực được, nếu người Bề trên tổ chức các sinh hoạt ấy một cách miễn cưỡng ra mặt và chỉ tìm cách bàn lui? Chính một số Anh em cấp dưới đã phàn nàn như thế.
Các Bề trên còn có bổn phận hướng dẫn tinh thần Anh em. Ngày xưa, bổn phận đó được cụ thể hóa trong việc huấn đức chẳng hạn. Ngày nay, chúng ta không còn thói quen làm việc đó nữa, nhưng bổn phận hướng dẫn của Bề trên vẫn y nguyên. Vậy ta phải bàn luận xem phải chu toàn nó bằng cách nào?
Hơn ai hết, Bề trên phải là người quan tâm tự mình và cùng với cộng đoàn tìm sáng kiến để cho đời sống tinh thần của cộng đoàn ngày càng phát triển. Những giá trị căn bản và muôn đời của đời tu và đời tu Phan sinh, mà không một lý do nào cho phép coi nhẹ, trái lại phải luôn luôn tìm cách phát triển, đó là: tinh thần đức tin, cầu nguyện, sám hối, khổ chế, huynh đệ, nghèo khó và tông đồ.
Bề trên phải gợi hứng cho cộng đoàn bằng cách tạo bầu không khí làm cho nảy sinh sáng kiến, bằng thái độ cởi mở, đón nhận, biết đối thoại, cầu tiến, biết làm cho người khác suy nghĩ, nhận định và đóng góp. Nếu bất cứ ý kiến nào đưa ra Bề trên cũng nói không, thì chính Bề trên đang giết chết cộng đoàn, nhưng ngược lại nếu bất cứ ý kiến nào Bề trên cũng vội vã coi là duy nhất, thì Bề trên cũng đang giết chết cộng đoàn vì làm cho cộng đoàn trở thành một mớ hỗn độn. Ngày nay phải chăng các Bề trên có xu hướng lúc nào cũng chiều theo Bề dưới và không có can đảm nói: “Không”?
Nói tới nhiệm vụ náo hoạt cộng đoàn, chúng ta hãy nhắc lại lời dạy của Đức giáo hoàng Phaolô VI: “Trong sự tìm kiếm thánh ý Chúa, các tu sĩ phải biết tránh không để cho tâm hồn xao động quá đáng, cũng đừng để cho sự quan tâm trước những dư luận hiện hành lôi cuốn mình đến mức át cả ý nghĩa sâu xa của đời tu. Mỗi người, nhưng nhất là các bề trên, và những ai có một trách nhiệm nào trong Anh em mình, đều có phận sự khơi dậy trong cộng đoàn những xác tín về đức tin, lấy đó làm nguyên tắc chỉ đạo” (Tông huấn CTPA, 25).
· Bề trên là người tạo sự hiệp nhất.
Trong một tập thể bao giờ cũng có những khác biệt, nếu không phải là căng thẳng, hoặc xung khắc. Bề trên phải biết vượt lên trên mọi khuynh hướng, mọi phe nhóm, làm nhịp cầu tạo sự thông cảm, hiểu biết lẫn nhau. Điều đó không có nghĩa là Bề trên không được có lập trưòng. Nhưng Bề trên không được có óc bè phái, không được kết khối. Làm như thế là tức khắc từ chối trách nhiệm mình rồi.
Vượt lên trên phe nhóm, người Bề trên cũng phải bảo vệ cộng đoàn khỏi áp lực của cá nhân và phe nhóm. Đừng vì hèn nhát hay vì muốn yên chuyện mà đành chấp nhận cho những quan điểm sai trái chi phối cộng đoàn.
Trong các buổi hội họp, Bề trên phải góp ý tích cực, nhưng đừng cãi tay đôi với anh em. Bề trên phải biết nghe kẻ khác nói-nghe thực sự để hiểu thực sự kẻ khác muốn nói gì (có khi ta nghe, mà thực ra không nghe).
Đối với anh em “khó tính” và “đặc biệt”, Bề trên phải kiên nhẫn và khiêm tốn, phải gắng nhìn cái tốt của họ dù là rất ít, “đừng dập tắt tim đèn còn khói”, phải lấy cái tốt thắng vượt cái xấu.
Phải khuyến khích, cổ võ và nếu cần, tự tạo ra những công việc để anh em có thể làm chung với nhau.
Trước những dị biệt và xung khắc, nên thường xuyên nhắc lại những xác tín căn bản mà không một anh em nào phủ nhận, và nhấn mạnh những cái liên kết anh em hơn những cái chia rẽ.
Một bề trên cấp dưới không bao giờ nên công kích Bề trên cấp cao hơn trước mặt anh em khác.

KẾT LUẬN

Đứng trước những đòi hỏi nặng nề của trách nhiệm, ai cũng tự hỏi: làm sao tôi hoàn thành nổi trách nhiệm? Nhưng nếu ta lãnh trách nhiệm chỉ vì Chúa giao phó cho, lãnh nhận trong tinh thần đức tin và tuân phục, thì ta cũng nghe Chúa bảo đảm: “Ơn của Ta đã đủ cho con rồi” (2 Cr 12,9).
Ta hãy cứ làm hết sức những gì ta phải làm và có thể làm, rồi ta có quyền tin tưởng phó thác cho Chúa, vì việc hướng dẫn cộng đoàn tựu trung là việc của chính Chúa. Ít nhất không được để cho anh em náo động hay cộng đoàn mình kém cỏi đi do tại gương xấu hay tính bê trễ của mình.
Với những anh Phu trách gặp khó khăn trong nhiệm vụ và muốn được cất gánh nặng đi, HĐHD mượn lời của Cha thánh viết cho một anh Phục Vụ để nói với các anh em:
“Làm được gì để giúp Anh thì tôi làm, vậy tôi xin nói với Anh thế này về tình trạng tâm hồn của anh: các chướng ngại ngăn cản Anh yêu mến Chúa và các điều phiền hà do Anh em hay người ngoài gây nên cho Anh, dầu là roi vọt chăng nữa, thì Anh cứ xem như một ân huệ Chúa ban. Xin Anh ưng chịu như thế và đừng mong muốn gì khác” (1-2).

CÂU HỎI TRAO ĐỔI
1. Dựa vào phần I, mỗi Anh Phụ trách trình bày cách thức mình thi hành trách nhiệm và những thành công và thất bại mình thu lượm. (Tránh dùng dịp này tố cáo anh em hoặc trút lỗi cho anh em, nhưng chỉ nên tự kiểm điểm mình mà thôi).
2. Hội nghị tu viện là một hình thức quan trọng được Hiến chương qui định để giúp Bề trên quản trị tu viện (Xem Điều 285).
Nhưng Bề trên cũng có quyền quản trị tu viện một mình, ngoài những vấn đề phải đưa ra Hội nghị tu viện (Xem điều 184).
Một số Bề trên phàn nàn là Anh em đòi hỏi phải đưa ra tất cả mọi việc, dù việc nhỏ, ra bàn ở HNTV, khiến cho Bề trên luôn luôn trở thành người thi hành quyết định chung.
Làm thế nào để giữ quân bình giữa 2 cực đoan là “độc tài” và “duy cộng đoàn”?
(Nên đọc lại Hiến chương các khoản nói về Hội nghị tu viện và chức vụ Phụ trách).
3. Người Bề trên phải có những nhân dức và những đức tín nào?



Fr. Guy Marie Nguyễn Hồng Giáo.

Chia sẻ