Skip to content
Main Banner

Vị Giáo Hoàng này kẻ quấy rầy

Administrator
2017-10-30 00:00 UTC+7 181

Đó là tên cuốn CE PAPE QUI DÉRANGE (2016) của Virginie Riva, tiến sĩ chính trị học, thông tấn viên của Europe 1 tại Rô-ma, tác giả l’Europe, avec ou sans Dieu? Héritages et nouveaux défits (2010), và Converties (2015). Sách có 176 trang gồm: nhập đề, kết luận và 5 chương như sau: Ch.1: Gia đình, hay là làm sao Phanxicô đã gây địa chấn trong Giáo Hội. Ch.2: Tổ chức lại tài chính, cuộc chiến chống tiền bẩn và mafia. Ch.3: Phanxicô và các cuộc chiến kinh tế của ngài. Ch.4: Cuộc chiến khó khăn chống ấu dâm; Ch.5: Sự cai trị của Phanxicô. Tiến sĩ Nguyễn Hồng Giáp chuyển ngữ phần Nhập Đề và Kết Luận sau đây.

NHẬP ĐỀ             (trang 5-11)

Nếu cần thiết tôi phải đọc kinh tin kính, tôi có thể làm!”

Tháng chín năm 2015, với câu nói đùa này mà giáo hoàng Phanxicô trả lời một ký giả lưu ý ngài rằng có một số truyền thông Mỹ đặt lại vấn đề đức tin Công giáo của ngài. Có bao giờ thấy một giáo hoàng nói đùa về việc đọc kinh tin kính chưa? Nhưng sự hóm hĩnh phải chăng là phương cách duy nhất khả dĩ đối với một lãnh đạo cao nhất của Giáo Hội khi cảm thấy buộc phải biện bạch sự kết dính của mình vào tín lý Công giáo? Cuộc cãi cọ về tính công giáo đó, một điểm cao đối với dung nhan giáo hoàng, chứng minh Phanxicô đã quấy rầy các đồng đạo của mình từ ngày được bầu chọn.

Được tạp chí Time Magazine chọn là nhân vật của năm 2013, nhiều lần được dự đoán giải Hòa Bình Nobel, Phanxicô đã là đối tượng của hai biopics cho điện ảnh[1] và chúng ta không đếm nữa các sách viết về ngài: cả thế giới ca tụng ngài, và nhất là các hãng truyền thông. Nhưng nếu ngài được yêu mến thì ngài cũng bị hờn ghét. Một môi trường như thế trong suốt thời kỳ làm linh mục Dòng Tên của ngài, như phóng viên Marie Duhamel đã đi tìm hiểu về các dấu tích của ngài ở Argentina[2]: “Mỗi lần và mặc dù ngoài ý muốn, ngài đã làm cho người ta trở thành kẻ thù. Ở nơi các tu sĩ Dòng Tên tại Argentina, ngài được những người do ngài đào tạo yêu mến, và bị những người chịu các quyết định độc tài của ngài hờn ghét trong thời gian làm giám tỉnh[3].” Ở Buenos Aires, cũng như hôm nay ở Vatican, Giáo hoàng Phanxicô gây khó chịu. Điều mà nữ phóng viên giải thích như vầy: “Ngài không thương thảo với đức tin của mình. Ngài gắn bó và có khả năng tin vào tương lai, điều buộc ngài dấn thân vào các hoạt động căn bản. Sứ điệp trọng tâm bảo vệ người nghèo và di dân của ngài chắc là có tính tiên tri nhưng quấy rầy những ai không chia sẻ viễn vọng đó.” Trong cái thể chế hai thiên niên kỷ và Châu Âu mà Tòa Thánh mặc lấy đó, Người Argentina đi quá nhanh và làm nghiêng ngã nghi thức.

Giáo Hoàng Phanxicô có mặt trên mọi chiến tuyến, và mở ra một cuộc cách mạng chiều sâu của Giáo Hội, thổi lên Rô-ma làn không khí của Vatican II. Các công trường mở ra rất nhiều: suy nghĩ về các chấn động hiện đại của gia đình, tiếp đón trong giáo Hội những người đồng tính và các người ly dị tái hôn, cải cách giáo triều[4], chịu trách nhiệm về vấn đề ấu dâm, làm trong sạch tài chính của Vatican. Hai vấn đề sau cùng là các vấn đề gây nhiều tán thành ngoài giáo triều, tuy các đối tượng của chúng có hại nhiều tới hình ảnh của Giáo Hội. Các hồng y đã bầu chọn ngài ủy nhiệm điều đó cho ngài. Nhưng giáo hoàng đi xa hơn sứ mệnh mà họ muốn phó thác. Song song với sự cải cách “các con tim” đó hơn là cơ cấu tổ chức, thượng hội đồng về gia đình và các bài học dành cho giáo triều đã cho thấy một sự đoạn tuyệt thực sự. Thêm vào đó là sự nắm quyền và ra quyết định khá tập trung, chống lại giáo triều. Miệng lưỡi bắt đầu được tự do, một cuộc khủng hoảng niềm tin đe dọa Vatican. Trong nội bộ, nhiều kẻ thù. Và sự nói đùa của giáo hoàng cần đặt lại trong bối cảnh đó.

Sự chênh lệch thường khá lớn giữa hình ảnh giáo hoàng Phanxicô được các hãng truyền thông đăng tải và sự thật của các mẻ tấn công chống ngài ở Ý. Khó tưởng tượng cái gì thì thầm khi ra khỏi thánh lễ, trong các tòa đại sứ, trong các lâu đài và khu nhà của Vatican. “Vatican là hình ảnh của thành phố và đất nước bao quanh: Rô-ma và nước Ý. Những bóng đen và một ánh sáng chói lòa, làm mù mắt[5].” Câu này của Édouard Tréneau, trở thành tham vấn ở Vatican, tóm tắt những điều xảy ra tại thủ đô nước Ý. Chắc chắn các giáo hoàng luôn luôn bị chỉ trích ở đây hơn chỗ khác, nhưng trong sự nổi cáu và chỉ trích thoáng qua đối với Phanxicô có một cái gì sâu xa hơn. Sự mạnh mẽ của các chống đối với các cải cách của Phanxicô tự nó là chứng cứ cho tầm quan trọng của các thay đổi đang diễn ra tại Vatican.

Như vậy, ở Rô-ma, nơi các linh mục, các giám mục và hồng y chói chang thanh lịch, nơi mà các đôi giày được đánh bóng, và ở đó, gần Panthéon, chúng ta tìm thấy những nhà hàng các y phục tôn giáo đẹp đẽ nhất, không ít được nghe các lời đùa như lời đùa sau đây: “Nay mai rồi không còn được gài cúc măng-xét ở tay áo nữa!” Ám chỉ cuộc cách mạng “giản dị” mà giáo hoàng Phanxicô phát động, và bị chế riễu khắp nơi. Nơi của quyền lực, Rô-ma rất xa với tình hình cụ thể của các người công giáo sống ở bốn phương trời trái đất. Trong lúc giáo hoàng đòi Giáo Hội mở cửa, quan tâm đến những con người ở các ngoại vi xã hội, thì giáo triều, bản thân nó, không có ý đảo lộn cuộc sống thoải mái của mình. Diện tích các căn phòng của các hồng y, mà sách Gianluigi Nuzzi[6] đã viết (300-400 m2 trung bình), cũng như việc nhớ lại một hồng y xô đẩy một người ăn mày bị cụt một cánh tay[7] trước các ký giả đang phỏng vấn ông, cho thấy quá rõ thứ tâm thần phân lập đó.

Để phát hành cuốn sách đầu tiên của giáo hoàng dành riêng cho lòng thương xót[8], giáo chủ đã có ý tưởng độc đáo giao sự trình bày cho Quốc Vụ Khanh của ngài, vị hồng y người Venise rất nghiêm nghị và đáng kính Parolin, cho một người Trung Hoa trẻ cư ngụ ở Ý, cựu tù binh và trở lại đạo Công giáo, và… cho nhà làm phim Roberto Begnini. Bấy giờ những lời tuyên bố bởi đạo diễn phim La Vie est belle vang vọng sự nói đùa của giáo hoàng mà chúng tôi vừa nói ở trên. Với lối hóm hĩnh, và nhất là nhiều khôi hài, ông đã đặt trọng lượng lên vấn đề trung tâm, mà Phanxicô tự mình đặt cho các người Công giáo của toàn thế giới: “[Vị giáo hoàng này] đang lôi tất cả Giáo Hội với ngài, ngài đang dẫn Giáo Hội tới một chỗ mà gần như chúng ta quên lãng. Chúng ta không nghĩ tới nữa! Ngài đang lôi Giáo Hội về với Kitô giáo! Về với Đức Giêsu Kitô! Về với Phúc Âm! Các bạn nên nhớ, đó là một công trình không thể tin nổi[9]!”

Toàn bộ công trường mà giáo hoàng mở ra vẽ nên một đòi hỏi, phát xuất từ lời cầu nguyện của ngài, từ sự đào tạo Dòng Tên của ngài, từ thần học Nam Mỹ của ngài… Và chính sự đòi hỏi đó quấy rầy. Chính là sự đòi hỏi của một chủ thuyết Công giáo bao hàm một cách ứng xử hoàn toàn mới, một thái độ rất sâu xa hơn là một sự tán thành vào tín điều, một sự quan tâm đối với người nghèo hơn là sự tôn trọng chặt chẽ các giá trị không thể thương thảo, được ca tụng trong những thập niên bởi Gioan Phaolô II, rồi đến Biển Đức XVI. Đó là điều mà Phanxicô đề xuất, điều hiểu ngầm một sự thay đổi hoàn toàn ưu tiên. Điều này, đồng hành với một sự hân hoan và tha giác hoàn toàn Nam Mỹ, rất xa với tác phong quan cách và nghiêm nghị ưa chuộng trong Âu Châu cổ kính của chúng ta… Đã bao nhiêu lần Phanxicô tấn công những người Công giáo “có bộ mặt lạnh nhạt”?

Tấm gương mà Phanxicô đưa ra không có nhiều trang trí. Hình ảnh phản chiếu là trần truồng và sống sượng. Như triết gia người Ý Massimo Cacciari đã viết, giáo hoàng trình bày với một sự đơn giản lớn lao, “điều đó cho nhiều người cảm giác rất thỏa lòng đã hiểu tất cả, bất kể là đồng ý với ngài hay không tán thành với ngài[10]”. Các nhà lãnh đạo chính trị và kinh tế rất hiểu ngài và làm đuôi để chụp hình với ngài… Nhưng Cacciari nói thêm, “chân lý nằm sau các lời của ngài cũng tỏ ra như khó, ác liệt, một chân lý chua cay, một cú đánh nặng cho thói thường[11]”. Những người ủng hộ cũng như kẻ thù của ngài từ nay hiểu rằng cuộc chiến mà Phanxicô tiến hành là có tính cách mạng, và là một tiến trình không thể quay trở lại được. Cương quyết mà không cứng rắn, giáo hoàng là một vị lãnh đạo thiêng liêng cũng như thế trần. Và ngược lại với mọi người ngựa xe như nước đến Vatican, bị lôi cuốn bởi sự nổi tiếng toàn cầu của ngài, ngài chiến đấu chống lại cái tệ nhất của các cám dỗ, cái tệ nhất của có quyền mà thành đồi trụy. Chính là ý nghĩa của thành ngữ của ngài “Xin cầu nguyện cho tôi”.

Cuốn sách này muốn vượt qua diễn văn thông tấn hữu hảo đối với vị giáo hoàng này, người không thấy tính triệt để của ý định của mình. Vì vượt ra ngoài hình ảnh một “vị cha già tốt lành” mà các công cụ thông tấn rất hiệu năng của Vatican chuyển tải, ẩn dấu một con người đòi hỏi, quyết tâm vượt các sự trơ lỳ, các sự chống đối và các cản ngăn để tiến hành thành công cuộc cách mạng của ngài...

 

KẾT LUẬN                     (trang 169-171)

Một giáo hoàng quấy rầy có thể thay đổi Giáo Hội không?

Không gì phải nghi ngờ rằng giáo hoàng Phanxicô cảm thấy một sự cấp bách dẫn Giáo Hội vào một sự thay đổi không thể quay trở lại được. Từ đó, câu trả lời cho vấn đề được biết nếu giáo hoàng có thể thay đổi Giáo Hội tùy thuộc trước hết vào thời gian của triều đại giáo hoàng của ngài. Sự xác định của ngài làm hoài nghi có thể một ngày nào đó ngài từ nhiệm. Tuy nhiên có thể bệnh tật hay tuổi già sẽ lấy đi quá sớm giáo hoàng này, một con người không biết ngừng cầu nguyện, làm việc, tiếp kiến, một con người không bao giờ nghỉ hè, và một con người không cho phép mình một lần trở về quê hương. Ngài đã cảnh báo Argentina: ngài sẽ không về trong năm 2017. Và mặc kệ, nếu quê hương thiếu vắng ngài, kể cả chị ngài đang đau ốm… ngài không muốn mất thời gian.

Cũng còn có điều chắc chắn là Phanxicô còn có nhiều dự án. Nhất là các cuộc chiến ngoại giao đặc biệt tâm huyết. Cuối cùng ngài muốn sang thăm Trung Hoa. Ở Vatican, người ta còn tưởng tượng ngài sẽ tử vì đạo ở Irak cạnh các Kitô hữu Phương Đông - mà ở đó ngài tuyệt đối mong muốn sang thăm - hơn là trong một nhà nghỉ cho các tu sĩ, hoặc trong giường ngài ở Sainte-Marthe… Nhưng sự tận tâm của ngài, để không nói là sự hy sinh của ngài, có đủ để ghi dấu danh hiệu của ngài không? Tinh thần giáo hoàng Phanxicô có thể kéo dài vượt triều đại của ngài không?

Uy lực lớn lao của giáo hoàng này là biết nhập thể sự thay đổi trong các cử chỉ và biểu tượng mạnh: một bài học thực sự cho các nhà chính trị bị gài bẩy bởi sự hao mòn thực thi quyền lực trong các nền dân chủ tiên tiến của chúng ta… Ngài là người chủ xướng một Giáo Hội nghèo cho người nghèo, đã mời hơn 4000 người bị ruồng bỏ và không nơi cư trú từ toàn Âu Châu đến tiếp kiến đặc biệt, rồi dâng lễ vì danh họ, trong vương cung thánh đường Thánh Phêrô vào cuối năm lòng thương xót, tháng mười một 2016.  Kể cả các vết nhơ dính lên người đều được ngài miễn thứ. Nếu, ở Pháp, sự phê phán của ngài về các sách giáo khoa theo ngài làm thăng tiến kiểu cách không được bỏ qua dễ dàng[12], nhưng cuối cùng cuộc luận chiến nhanh chóng bị dập tắt. Cũng vậy, giáo hoàng đã thay đổi diễn văn liên quan đến các di dân, đặt trọng tâm vào sự hòa nhập hơn là vào sự đón tiếp. Tuy nhiên, cả thế giới theo ngài. Vì ngài tiếp tục gây bất ngờ, quấy rầy, làm đảo lộn. Cho nên, mặc dù con số hy vọng mà ngài gây ra lớn, ngài không làm thất vọng…

Vấn đề liên quan đến giáo hoàng Phanxicô từ nay tóm lại trong các câu hỏi sau đây: làm thế nào đưa sự thay đổi vượt ra ngoài triều đại của ngài? Sự nhập thể của ngài trong các cử chỉ và biểu tượng mạnh có đủ để làm đảo lộn một thể chế chắc nịch như Giáo Hội? Quả là một cách khó khăn theo nhà giáo luật Carlo Fantappiè: “Như mọi thể chế, Giáo Hội cần được hợp pháp hóa sự thay đổi. Các quyết định của giáo hoàng cần phải được hợp pháp hóa so với truyền thống, và luôn luôn được giải thích lại…[13]” Hiện tại giáo hoàng chưa có được sự hợp pháp hóa đó, mà tuy nhiên ngài mong muốn để củng cố Giáo Hội. Phanxicô đã phát biểu ý đồ đó trên đường trở về từ Thụy Điển, quả quyết rằng nếu số người Công giáo giảm, thì trách nhiệm không đến từ sự thế tục hóa của xã hội bằng sự yếu kém của Giáo Hội: “Khi đức tin nguội lạnh, thì chính là Giáo Hội yếu rồi[14].”

Vậy giáo hoàng mong muốn chận đứng lại sự yếu kém đó, nhưng không phải theo nghĩa tái thiết quyền lực của Giáo Hội như là trung tâm của thế giới, một Giáo Hội chìa ra bao trùm và xâm lăng. Ngược lại, lòng mong ước của ngài là biến đổi thành một Giáo Hội cùng bước đi với thế giới. Vì, trái với các vị tiền nhiệm của ngài, giáo hoàng không tố cáo tính hiện đại. Cho nên đó là điều mà ngài được cả hành tinh nghe và coi trọng. Thay vì than phiền về một thế giới không còn nữa, ngài nỗ lực tìm cách mà Giáo Hội phải tìm được vị trí của mình… Nếu, đến cuối triều đại của ngài, Phanxicô thành công, lúc ấy, vâng, ngài hoàn tất được ý định của mình.

 


[1] Giáo Hoàng Phanxico, phim argentina-tây ban nha do Beda Docampo Feijóo và Eduardo Giana thực hiện, ra mắt ở Pháp tháng chín năm 2016, và Chiamatemi Francesco, phim Ý do Daniel Luchetti thực hiện, ra mắt ở Ý tháng mười hai năm 2015, còn chưa trình chiếu ở Pháp.

[2] Tác giả của Pape François, Paris, Mane,2015.

[3] Tọa đàm với tác giả, Rome, 17 tháng 10 năm 2016.

[4] Toàn bộ các cơ quan cai trị của Tòa Thánh.

[5] Édouard Tréteau, Au-delà du mur de l’argent, Paris, Stock, 2015.

[6] Chemin de croix, Paris, Flammarion, 2015.

[7] Ngày 15 tháng giêng năm 2015, ở Rô-ma

[8] Le nom de Dieu est miséricorde, đàm đạo với Andrea Tornielli, Paris, Edtions Robert Laffont et Presse de la Renaissance, 2016.

[9] Roberto Begnini, Rome, 12 jeanvier 2016.

[10] L’Espresso, 26 jeanvier 2016.

[11] Idem

[12] Lời phát biểu trên máy bay khi từ Azerbaïdjan trở về ngày 2 /10/2016.

[13] Nói chuyện với tác giả, ngày 13/9/2016.

[14] Tuyên bố ngày 1/11/2016.

Chia sẻ