Skip to content
Main Banner

Linh mục, bạn là ai?

BTT OFMVN
2008-09-13 23:00 UTC+7 242

Vào ngày chịu chức và dịp Lễ Mở Tay của một Tân Linh mục, một câu hỏi thường hay được nêu lên : "Linh mục, ngài là ai?". Đó là cách đặt câu hỏi đầy ý kính trọng của Dân Chúa. Kẻ khác có thể hỏi : "Linh Mục, ông là ai? " hoặc " …anh là ai?". Tôi thì xin hỏi :"Linh mục, bạn là ai?", đơn giản, vì chính Chúa Giêsu đã gọi các Tông đồ là "bạn" (x. Ga 15,14-15).

 

Hôm nay, tại Quê Hương Thọ Ninh thân yêu, Tân LM Antôn Đậu Thanh Minh cử hành Thánh lễ Tạ Ơn – ngài là một người cháu thân thương mà tôi được Chúa ban cho ân huệ đồng hành với cháu trong mười lăm năm qua, và từ nay tôi coi cháu như một người bạn, một "bạn Linh mục" trong hàng ngũ những người bạn thân thiết của Chúa Giêsu. Vậy, tôi xin hỏi trước mặt mọi người rằng : "Thưa bạn Tân Linh mục Antôn, bạn là ai?".

I.- Một chân dung có sẵn về Linh mục

1. Hẳn nhiên, mọi người trong Giáo Hội gọi bạn là "Cha". Đó là tập tục, là truyền thống. Rõ ràng nhất là trong Phụng vụ Thánh lễ bằng tiếng Việt, khi bạn cầu chúc :"Chúa ở cùng anh chị em", thì mọi người, kể cả Đức Giám Mục hoặc Đức Giáo Hoàng, nếu các Ngài hiện diện trong Nhà Thờ, đều cầu chúc lại bạn : "Và ở cùng Cha". Giáo Hội vẫn nhớ lời cảnh báo của Chúa Giêsu trong Phúc Âm :"Anh em đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời" (Mt 23,9). Nhưng chính Chúa Giêsu đã nhắc lại giới răn : Mỗi người "phải thảo kính cha mẹ" của mình (x. Mc 10,19); và Mẹ Maria, khi tìm lại được Chúa Giêsu trong Đền Thờ, đã gọi Thánh Giuse trước mặt Chúa Giêsu là Cha – theo nghĩa là "dưỡng phụ" của Chúa Giêsu :"…Con thấy không, Đức Mẹ nói, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con"(Lc 2,48). Điều đáng chú ý là trong câu trả lời, Chúa Giêsu đã khẳng định Ngài phải ưu tiên thực hiện thánh ý Cha trên trời của mình : "Các Ngài không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con (để lo việc của Cha con) sao? "(Lc 2,49). Từ những bằng chứng đó, chúng ta có thể rút ra kết luận sau đây : Chúa Giêsu muốn chúng ta hiểu rằng tất cả mọi tình phụ tử, mọi tương quan cha-con ở trần gian đều xuất phát từ Thiên Chúa, là Cha (của Đức Giêsu-Kitô), nguồn gốc và nguyên mẫu của mọi tình phụ tử trên trời, dưới đất, như thánh Phaolô đã diễn tả rất đúng tư tưởng của Chúa Giêsu (x. Ep 3,14). Do đó dù là cha ruột hay cha nuôi, cũng như tất cả những người cha tinh thần của chúng ta ở trần gian, đều có nhiệm vụ phản ánh, diễn tả và thể hiện tình phụ tử của Cha trên trời. Linh mục được mời gọi thi hành chức năng "cha thiêng liêng" của Dân Chúa theo tinh thần Cha trên trời : giàu lòng thương xót (x. Mt 6,43-48), quảng đại thứ tha (x. Mt 6,14-15), niềm nở tiếp đón mọi người, nhất là người nghèo khổ và bị gạt ra lề (x. Mt 5,3), luôn nóng lòng chờ đợi những đứa con hoang đàng trở về (x. Lc 15,20), và đi tìm những con chiên lạc (x. Lc 15,4)…

2. Bạn cũng được nhiều người gọi là "Thầy Cả". Cách gọi này ngày xưa rất thịnh hành. Nhiều năm trước khi chịu chức, bạn đã được người ta gọi là "Thầy" rồi. Tất nhiên, "Thầy Cả" thì phải lớn hơn "Thầy". Nhưng đây cũng vậy, bạn hãy nhớ lại lời cảnh báo của Chúa Giêsu :"Phần anh em, đừng để ai gọi mình là "thầy" hay "người lãnh đạo", vì chỉ có một vị thầy, một vị lãnh đạo là Đức Kitô (x. Mt 23,8.10 ; Ga 13,13-14). Chắc hẳn Chúa không chờ đợi chúng ta giữ đúng mặt chữ đâu, nhưng Ngài muốn chúng ta lột tả cho được tinh thần của huấn lệnh ấy. Nghĩa là thi hành chức năng "vị thầy" và "vị lãnh đạo" theo tinh thần của Ngài là : phục vụ mọi người cách tận tình và khiêm tốn như Ngài đã nêu gương khi rửa chân cho các môn đệ (x. Ga 13,3-17). Chính Ngài đã tuyên bố :"Tôi đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người"(Mt 20,28).

3. Và thưa bạn Antôn, bạn cũng sẽ được người ta gọi là "Cụ". Cách gọi này khá phổ biến tại Miền Bắc và Miền Trung. Trong Nam Bộ, Linh Mục thường được gọi là "Cố" hoặc "Cố đạo". Cụ hay Cố, đều là người được kính trọng trong xã hội. Nhưng Chúa Giêsu đã cảnh báo bạn : "Ai muốn làm người đứng đầu thì phải làm người rốt hết và làm đầy tớ phục vụ mọi người"(Mc 9, 35 //Mt 20/27).

Trong thực tế đời sống hằng ngày, bạn sẽ được nghe xưng hô như thế đó. Nhìn chung, người ta kính trọng Linh mục. Nhưng bí quyết thành công của một Linh mục nằm ở chỗ biết tương đối hóa ý nghĩa của các danh xưng, biết giữ một khỏang cách nào đó đối với tinh thần thế tục, nghĩa là không để mình bị lây nhiễm xu hướng háo danh, củng cố quyền lực theo kiểu thế gian. Linh mục đảm nhận chức năng một người cha, mà vẫn không rơi vào óc "cha chú" hay óc "gia truởng" ; thi hành vai trò một người "Thầy", thậm chí "Thầy Cả", mà vẫn biết lắng nghe, biết đối thọai, chứ không độc đóan, độc tài; Linh mục chấp nhận sự kính trọng của kẻ khác, nhưng vẫn cố gắng cải thiện đời sống cá nhân mình bằng một cuộc hoán cải liên lỉ cho tương xứng một cách tương đối với lòng kính trọng đó, nhất là luôn tự nhủ mình như Chúa Giêsu dạy trong Phúc Âm rằng :"Tôi là một đầy tớ vô dụng, đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi! (x. Lc 17,10). Vả lại, những kiểu xưng hô trên đây thuộc ngôn ngữ giao tế của Giáo Hội và xã hội, chỉ tạo nên một thứ chân dung có sẵn về linh mục theo một cái nhìn bề ngòai. Vậy muốn biết thực chất Linh mục là ai hay linh mục là gì, thì chúng ta phải tìm ở một cấp độ vừa cao hơn, vừa sâu hơn. Lời Chúa trong Phúc Âm giúp bạn có cách ứng xử và sống phù hợp khi nghe người ta gọi bạn là "Cha", là "Cụ", là "Thầy" hay "Thầy Cả", thì cũng chính Lời Chúa, đặc biệt ba bài đọc Sách Thánh chúng ta vừa nghe, sẽ giúp bạn cũng như cả cộng đồng Dân Chúa hiểu được sâu sắc căn tính đích thực của Linh mục.

II.- Căn tính đích thực của Linh mục

1. Trước hết, cần nêu lên nét căn bản nhất : Linh mục là một con người được Thiên Chúa kêu gọi và sai đi chu tòan một sứ vụ.

1.1. Mỗi Linh mục, một cách nào đó, đều giống như ngôn sứ Samuen trong bài đọc 1 và các ngôn sứ của Cựu Ước, và cũng giống như các Tông đồ trong Tân Ước : được Thiên Chúa kêu gọi bằng nhiều cách khác nhau, nghĩa là mỗi người một cách, và qua nhiều yếu tố trung gian khác nhau. Bạn Linh mục Antôn thân mến, bạn hãy thử nhớ lại lịch sử hình thành ơn gọi làm Linh mục mà Thiên Chúa dành cho bạn, đã diễn ra như thế nào? Có thể một gương sáng nào đó trong gia tộc hay trong giáo xứ đã làm nảy sinh trong tâm hồn bạn ý muốn dâng mình cho Chúa? Hay là một lời khuyên bảo, một lời động viên của ai đó : cha xứ, cha mẹ, hay một người thầy, một người bạn? Trong trường hợp Samuen, Thiên Chúa đã dùng Thầy Tư tế Êli làm trung gian để giúp cậu thiếu niên này nhận biết tiếng gọi của Thiên Chúa và đáp lại. Mà Êli là một người sắp bị Thiên Chúa trừng phạt vì đã không sửa dạy con cái mình khi chúng nguyền rủa Thiên Chúa (x. 1 Sm 3, 11-18). Thiên Chúa có cách hành động đôi khí khá ngược đời : Ngài không chỉ dùng người tốt, mà dùng cả những người không tốt hoặc chưa tốt để thực hiện chương trình cứu độ của mình. Mười hai Tông đồ, khi được Chúa Giêsu kêu gọi, đâu đã là những "Thánh" Tông đồ! Những người sau này trở thành rường cột của Giáo Hội, khi mới đi theo Chúa, thì còn đầy dẫy những thói hư tật xấu, nổi bật nhất là tính háo danh (x. Mc 10,35-40), tranh nhau làm lớn (x. Lc 22,24), và tính nóng nảy (x. Lc 9,54-55), bốc đồng, nhưng lại rất hèn nhát (x. Lc 22,33-34.56-61). Thiên Chúa có thể rút ra điều tốt từ cái xấu, và biến đổi những con người xấu hoặc chưa tốt thành người tốt hơn và thánh thiện hơn. Chính Chúa Giêsu đã tuyên bố :"Tôi đến không phải để kêu gọi những người công chính, nhưng kêu gọi những người tội lỗi hóan cải…" (x.Mt 9,13). Thầy Tư tế Êli đã kiên trì dạy bảo Samuen lắng nghe tiếng gọi của Thiên Chúa và đáp lại tiếng gọi đó. Cũng thế, các giáo sư Chủng viện, các Cha linh hướng, và cả cha mẹ nữa đã phải kiên trì giáo dục, hướng dẫn một thiếu niên thành chú Chủng sinh, rồi thầy Đại Chủng sinh, để tiến tới chức Linh mục. Bản thân người được kêu gọi cũng phải kiên trì học tập lắng nghe và nhận biết tiếng Chúa, nhất là biết đáp lại bằng một quyết định hòan tòan tự do, tự nguyện và đầy tinh thần trách nhiệm. Đúng, ơn gọi là một huyền nhiệm : huyền nhiệm của sự tự do, tự nguyện đảm nhận trách nhiệm về sự chọn lựa của mình, nhìn từ hai phía : phía Thiên Chúa và phía con người được gọi.

1.2. Câu chuyện cuộc gặp gỡ giữa người thanh niên giàu có với Chúa Giêsu trong Phúc Âm (x. Mc 10, 17-22) còn cho thấy thêm: huyền nhiệm ơn gọi gắn liền với cái nhìn trìu mến yêu thương đặc biệt Chúa Giêsu dành cho người được gọi. Đáng tiếc là người thanh niên ấy đã không đón nhận ánh mắt trìu mến của Chúa, trái lại anh ta sa sầm nét mặt nhìn xuống đất, và do quyến luyến và dính bén của cải vật chất, nên anh ta đã quay lưng cho Chúa và mang theo về nhà mình một nỗi buồn ray rứt da diết vì đã thiếu lòng thành và tự mâu thuẫn với chính mình, nếu không phải là đã thiếu lịch sự với Chúa. Một Linh mục chân chính hay một Tu sĩ đúng nghĩa là con người đã được Chúa Giêsu nhìn như thế, và đã hân hoan ngước mắt nhìn lên ánh mắt đang tỏa nhiệt lượng tình yêu của Chúa, chân thành đón nhận lời Chúa khuyên ("từ bỏ tất cả, kể cả chính mình, vác thập giá của mình từng ngày":Lc 9,23) và đáp lại lời Chúa kêu gọi ("hãy đến theo Ta": Mc 10,21), để rồi suốt đời không rời gót chân Chúa nữa (x. Ga 6,68). Những người đã dám ngước mắt lên nhìn ánh mắt của Chúa như thế, thì được Chúa đưa lên núi, với cả một nhóm, để cùng ở với Chúa và cùng được Chúa sai đi. Được sai đi có nghĩa là cùng xuống núi với Chúa và được Chúa chia thành từng nhóm nhỏ, đi đến với dân chúng để rao giảng Tin Mừng về Nước Trời, để trừ quỷ, nghĩa là chống lại sự dữ và tội lỗi, và để chữa lành các bệnh tật, nghĩa là chăm lo cho sức khỏe phần xác và phần hồn của dân chúng (x. Mc 3, 13-15 ; 6,12-13). Nói tóm lại, Linh mục là người tự nguyện đáp lại tiếng gọi của Chúa, đi theo Chúa, sống với Chúa, sống như Chúa, chia sẻ sứ mệnh và số mệnh của Chúa. Theo nghĩa đó, người ta gọi Linh mục là một Đức Kitô thứ hai, hay đúng hơn, là một họa ảnh trung thực của chính Chúa Kitô.

2. Linh mục là họa ảnh của Chúa Kitô, điều đó có nghĩa là Linh muc trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài dưới hai góc độ : một là thuộc trọn về Thiên Chúa vì được thánh hiến cho Thiên Chúa và đuợc Thiên Chúa dành riêng để trao cho một sứ vụ ; hai là thuộc trọn về Dân Thiên Chúa, vì Linh mục từ Dân mà ra, được tách khỏi Dân, nhưng là để đuợc Thiên Chúa trả về lại cho Dân với danh nghĩa mới là người của Thiên Chúa, và với sứ vụ đặc thù "nhân Danh và trong vai Chúa Kitô" phục vụ Dân theo ba chức năng :

- chức năng Ngôn Sứ, bằng cách dùng Lời Chúa mà dạy dỗ Dân ;

- chức năng Tư Tế, bằng cách cử hành các Bí Tích thánh hoá Dân, nhất là "đại diện Dân dâng lễ phẩm cũng như lễ vật đền tội"(x. Dt 5,1) ;

- và chức năng Vương Đế, bằng cách thi hành nhiệm vụ Mục tử, dẫn dắt và lãnh đạo Dân "nhân Danh và trong vai Chúa Kitô" là Đầu của Thân Mình Giáo Hội, và theo tinh thần của Chúa Kitô, vị Mục Tử nhân lành, biết rõ đoàn chiên và sống chết cho đoàn chiên.

Bài đọc 2 trích từ Thư gửi các tín hữu Do Thái nói rõ : vị Tư tế, tức Linh mục, cảm nhận một cách trung thực sự yếu đuối và giới hạn của chính mình để cảm thông cách chân thành với những yếu đuối và giới hạn của Dân Chúa (x. Dt 5,2-3). Mà mọi thành viên của Dân Chúa đều đuợc kêu gọi nên thánh từng ngày, giống như Linh mục, vị mục tử của họ, cũng đang cố gắng từng ngày trở nên thánh thiện hơn, bằng chính những phương tiện giống như các giáo dân và bằng con đường đặc thù của đức bác ái mục vụ (x. LM 14b).

3. Cuối cùng, hình ảnh hạt lúa miến gieo vào lòng đất trong bài Phúc Am diễn tả một cách ấn tượng và sâu sắc nhất căn tính huyền nhiệm của Linh mục. Nhưng chính Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh đó để nói về số mệnh và sứ mệnh của Ngài trước khi ứng dụng cho các môn đệ hay các Linh muc.

3.1. Số mệnh của Chúa giống như hạt lúa là phải mục nát và chết đi. Sứ mệnh của Chúa giống như hạt lúa, là phải trải qua huyền nhiệm sự chết để có khả năng sinh ra nhiều hạt khác (x. Ga 12,24), nghĩa là làm tăng trưởng sự sống. Số mệnh và sứ mệnh quyện chặt vào nhau, không thể tách rời. Chết đi mà không sinh ra những hạt mới, để làm cho sự sống nên dồi dào hơn, thì quả là vô ích và phí phạm. Còn nếu không chết đi thì hạt lúa vẫn trơ trọi một mình (x. Ga 12, 24), nghĩa là quy luật cuộc sống đòi hỏi rằng, để có được một cái gì có giá trị cao, thì người ta phải trả một giá đắt tương xứng, chẳng hạn như: tình yêu có giá trị cao nhất, thì để biểu lộ tình yêu lớn nhất, chỉ có cách tương xứng là hy sinh mạng sống mình đi vì người mình yêu (x. Ga 15,13). Cái chết vì yêu không những minh chứng giá trị của tình yêu, mà còn vĩnh cửu hóa tình yêu, làm cho tình yêu sống mãi, làm cho người đang yêu và nguời được yêu sống mãi trong ý chí và ký ức của nhau. Cũng trong mạch suy tư đó, tác giả Thư gửi các tín hữu Do Thái khẳng định rằng: "không thể có ơn tha thứ nếu không có máu đổ" (Dt 9,22), nghĩa là ơn cứu chuộc có giá trị cao, thì cái giá phải trả cho nó cũng phải lớn, và đó chính là mạng sống được tượng trưng bởi máu, vì đổ máu đồng nghĩa với hy sinh mạng sống.

3.2. Sứ mệnh của Chúa Giêsu là làm cho mọi người được sống và sống dồi dào (x. Ga 10,10), thì số mệnh của Ngài là chấp nhận mục nát, chết đi, tự hạ tột độ và tự hủy ra không (x. Pl 2, 7-8), từ bỏ mình và đánh mất chính mình. Sự quyện chặt vào nhau giữa sứ mệnh và số mệnh của Chúa Giêsu được thể hiện trong biểu tượng hạt lúa gieo vào lòng đất, chết đi để sinh nhiều hạt khác (x. Ga 12, 24). Những hạt lúa mới ấy là các môn đệ, các Kitô-hữu "được sinh ra bởi nước và Thần Khí" (x. Ga 3,5), nước đó chảy ra từ cạnh sườn bị đâm thâu của Chúa Giêsu (x. Ga 19,34) và Thần Khí đó do Chúa Giêsu trao ban khi trút hơi thở cuối cùng trên Thập giá (x. Ga 19,30). Nói tóm lại, hạt lúa Kitô chết đi để sinh ra những hạt lúa khác là các Kitô-hữu. Từ chân lý cơ bản này Tertulianô đã viết ra được câu nói bất hủ: "Máu các Thánh Tử đạo là hạt giống làm nẩy sinh những Kitô-hữu", với điều kiện chúng ta hiểu máu các Thánh Tử đạo hòa quyện với Máu Chúa Kitô, vị Chứng Nhân trung thành (. Kh 1,5) và vị Thánh Tử Đạo vĩ đại, vì chính Máu Chúa Kitô mới mang lại sự sống muôn đời (x. Ga 6, 53-54).

3.3. Trên đây là ý nghĩa của hạt lúa miến nhìn theo quan điểm nông nghiệp. Nếu nhìn theo quan điểm công nghiệp chế biến, hạt lúa bị nghiền nát thành bột là hạt lúa đã đánh mất chính mình, đã từ bỏ mình, đã chết đi và bị hủy ra không. Đó là bước đầu tiên của tiến trình làm ra chiếc bánh. Bước tiếp theo là bột hòa quyện với nước và men để dậy men, nghĩa là được biến đổi và tăng lên. Bước cuối cùng là bột đã dậy men phải trải qua sự thử thách của lửa làm cho chiếc bánh chín và có mùi vị thơm ngon. Hạt lúa Kitô chấp nhận chết đi để trở thành tấm bánh bẻ ra cho thế gian, làm cho thế gian được sống và sống dồi dào (x. Ga 6,51;10,10). Nhìn dưới góc độ nuôi dưỡng sự sống, hạt lúa cũng diễn tả một cách ấn tượng số mệnh và sứ mệnh của Chúa Cứu Thế.

Kết luận

- Linh mục, để trở nên họa ảnh của Chúa Kitô, thì tất yếu chia sẻ số mệnh và sứ mệnh của Thầy chí thánh được tượng trưng bởi hạt lúa miến, chết đi để thành tấm bánh nuôi sống thế gian, và chết đi để sinh những hạt lúa mới.

- Trong các hình ảnh rút ra từ Phúc Âm, có lẽ hạt lúa là biểu tượng vừa gần gũi, vừa mang ý nghĩa sâu sắc nhất đối với cuộc đời Chúa Giêsu và cuộc đời Linh mục. Hạt lúa của Phúc Âm làm tôi liên tưởng tới hạt lúa-hạt vàng trong một bài thơ lừng danh của thi hào Ấn độ TAGORE. Tôi xin ghi lại đây đại ý bài thơ làm chút quà lưu niệm tâm linh cho Tân Linh mục Antôn. Chuyện kể rằng: Ngày ấy nguời hành khất mang bị gậy rảo qua các xóm làng xin bố thí như những ngày khác. Kẻ cho ngô, người cho khoai, thỉnh thỏang có người cho nắm thóc. Khi mặt trời xế bóng, anh ta quay gót về nhà. Truớc khi vào cổng làng, anh ngóai cổ nhìn lại phía sau như để chào tạm biệt một ngày lang thang vất vả. Bỗng anh thóang thấy từ đàng kia một cỗ xe sang trọng đang tăng tốc tiến tới. Anh đang trố mắt nhìn, thì cỗ xe dừng lại trước mặt anh, và…kìa Đức Vua trong chiếc hòang bào sặc sỡ ung dung bước xuống. Nghĩ mình trúng mánh lớn, anh ngửa cả hai bàn tay với cặp mắt hý hửng hướng về Đức Vua…Nhưng lạ thay, chính Đức Vua cũng chìa bàn tay phải với chiếc nhẫn ngọc bích óng ánh và lên tiếng trước: "Ngươi đi hành khất cả ngày, đã được một bị đầy, nay đến lượt Ta xin ngươi bố thí cho Ta chút gì chứ!". Anh hành khất chuyên nghiệp đứng bất động như trời trồng, không tìm ra được lời đối đáp…, nhưng anh cảm thấy như bị thôi miên bởi cái nhìn trìu mến thiết tha lạ thường của Đức Vua. Và anh thò tay vào chiếc bị lem luốc, lôi ra môt hạt lúa, kính cẩn đặt vào lòng bàn tay Đức Vua. Đức Vua mỉm cười, gật đầu cám ơn rồi ung dung bước lên cỗ xe…và biết mất. Anh hành khất vừa thất vọng, vừa nghĩ ngợi miên man: "Chuyện lạ, chưa bao giờ thấy trong đời!". Khi bước vào mái nhà tranh tồi tàn của mình, anh vội vàng mở chiếc bị để tách các chiến lợi phẩm ra như thường lệ: nào ngô, nào khoai, nào thóc…, nhưng lạ thay, giữa các hạt lúa có một cái gì óng ánh màu vàng thu hút cặp mắt anh. Anh cầm lên, dơ cao để nhìn rõ: "đúng rồi, một hạt vàng, một hạt vàng óng ánh! Chắc là món quà của Đức Vua!"

Buồn nhiều hơn vui, anh tự trách mình: "Mình tặng một hạt thóc, Đức Vua ban lại một hạt vàng. Giá như mình tặng hết mấy nắm thóc, thì có phải Đức Vua đã ban lại cho mình cả mấy nắm vàng rồi không?" Lần đầu tiên trong đời anh tiếc nuối khôn nguôi…

Thưa bạn Antôn, nếu bạn chấp nhận thân phận linh mục như hạt lúa, chết đi để sinh nhiều hạt khác, chết đi để thành tấm bánh bẻ ra cho thế gian, thì bạn hãy dâng trọn con người và cuộc đời mình cho Thiên Chúa là Đức Vua của lòng bạn, để Ngài biến đổi hạt lúa cuộc đời bạn thành hạt vàng, làm quà tặng, không phải cho bạn, nhưng cho Dân mà Ngài trao cho bạn phục vụ. Thật vậy, linh mục là quà tặng quý giá hơn muôn lượng vàng y Thiên Chúa ban cho mọi người.

Xin cầu chúc Bạn Tân Linh mục Antôn Đậu Thanh Minh sống đời Linh mục thật hạnh phúc và đầy ý nghĩa.

 

Thọ Ninh, ngày 02-07-2008

Lm Phi Khanh Vương Đình Khởi, ofm

 

Chia sẻ