Skip to content
Main Banner

Cha Maurice Bertin

Administrator
2008-08-02 00:00 UTC+7 156

Đi mở nước Chúa ở những miền đất xa xôi, đầy phiêu lưu mạo hiểm, xưa nay vẫn là một truyền thống của Dòng Phan Sinh.

Từ thế kỷ 12 đã có vết chân của các nhà truyền giáo mạo hiểm này vượt trùng dương, băng rừng băng núi đem ánh sáng Phúc âm đến cho các dân tộc Á đông. Từ năm 1245-1314, đã có những vị hoặc đi một mình hoặc đi thành phái đoàn, thành công mỹ mãn hoặc có đi mà không có về, như Jean de Plan Carpin, Antoine de Parme, Jean de Montcorvin, Odoric de Pordenone đã sang Trung Hoa, thành lập những địa phận truyền giáo đầu tiên, xây cất nhiều tu viện đặt nền tảng cho đời sống tu trì.

Ở Việt Nam, từ thế kỷ 16 đã có những nhà truyền giáo phan sinh đến mở Nước Chúa. Có vị cũng đã được phúc chết vì đạo Chúa là Cha Odoric de Collodi, làm cha sở Cái Nhum 13 năm, đời Minh Mạng, bị bắt ra Phú Xuân, bị án đày lên Lao Bảo với các Chân phước Gagelin, Jacquard và chết rũ tù nơi ma thiêng nước độc ấy ngày 23/5/1834.

Cha MAURICE BERTIN, Đấng lập Dòng Anh Em Hèn Mọn Việt Nam cũng thuộc về truyền thống những nhà thừa sai hào hùng ấy.


Cuộc đời và sự nghiệp

Sinh ngày 4/7/1870, tại Paris, Maurice Bertin là con út trong một gia đình công giáo đạo đức. Ngay từ nhỏ, đã hấp thụ một nền giáo dục nề nếp chu đáo. Sau khi đậu tú tài toàn phần, chàng thanh niên rắn rỏi này xin vào trường Polytechnique ở Saint-Cyr, một trường Cao đẳng Bách khoa Kỹ thuật thời danh ở Pháp và xuất thân chọn ngành hải quân.

Ở quân ngũ, Maurice Bertin mang cấp bậc thiếu úy và đóng ở hải cảng Brest. Những năm đầu các tân sĩ quan thường được hướng dẫn đi quan sát và làm quen với các bờ biển miền Địa Trung Hải, như Sénégal, Tunisie, Ai Cập, Thánh Địa, Syria, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, đảo Sicile… Năm 1893, thăng trung úy, giai đoạn này làm quen với các miền duyên hải Pháp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha. Mùa đông năm 1894, Trung úy Bertin được thuyên chuyển sang một tàu chiến và đi quan sát tình hình chiến sự ở Đông Bắc Á Châu. Lúc bấy giờ chính trường Trung Hoa, Nhật Bản và Đại Hàn đang gặp nhiều rối ren với các nước Châu Âu. Nhân dịp này có ghé Sài Gòn, tháng Chạp năm 1894.

Ngày 25/12/1894, chiến hạm đáp bến Nagasaki. Đặt chân lên đất Nhật, trung úy Bertin không ngờ chính ở đây Chúa Quan Phòng đã sắp đặt cho trung úy một công việc khác. Nhân dịp làm quen với Cha Bonn, Giám đốc Đại chủng viện Nagasaki, trung úy được gián tiếp hướng dẫn đến lý tưởng phụng sự Chúa.

Hồi ở Brest, trung úy có đọc truyện thánh Phanxicô, tác phẩm của Paul Sabatier. Sau đó, khi đến Cheifou, Đại Hàn, trung úy tiếp xúc với các tu sĩ truyền giáo Phanxicô và cũng từ đó trung úy tìm hiểu thêm về vị thánh này.

Năm 1896, giải ngũ, trung úy trở về Pháp theo con đường qua Canađa và Hoa Kỳ.

Lễ thánh Phanxicô năm 1896, cựu trung úy hải quân Bertin xin gia nhập Dòng Phan Sinh, vào tập viện ở Amiens. Sau 1 năm triết và 4 năm thần học, ngày 25/7/1901, thụ phong linh mục: cha Maurice Bertin vừa đúng 31 tuổi. Liền sau đó được cử đi phụ trách các tu sĩ sinh viên ở nhà dòng Paris, năm sau lại được cử đi làm Thủ viện nhà dòng ở Roubaix.

Nước Pháp, thời bấy giờ rối ren. Chính quyền cực tả tìm cách phá Hội Thánh, trục xuất hết các dòng tu. Thứ Sáu tuần thánh năm 1903, cha Maurice Bertin được lệnh trục xuất, rời khỏi nhà dòng và về quê hương đất nước. Cùng một số anh em, cha lưu vong qua Canađa. Sang Châu Mỹ, cha được Bề trên cử đi lập Dòng ở Tỉnh Trois-Rivières và Phụ trách nhà dòng này cho đến 1905.

Canađa đối với cha chưa phải là “đất Chúa hứa”. Từ ngày từ giã nước Nhật Bản, cha không bao giờ quên được hình ảnh những con người nho nhỏ, cương quyết, có truyền thống, lịch sử nhưng chưa biết Chúa ở miền đất rực rỡ hoa anh đào này. Tiếng gọi của đại dương và cuộc đời lênh đênh nay đây mai đó của người sĩ quan hàng hải là có mục đích đưa nhà truyền giáo tương lai đến nước này. Từ ngày thánh Pierre-Baptiste tử đạo với 26 anh em, các tu sĩ phan sinh ít người đến truyền giáo nước này nữa.

Năm 1906, cha xin phép Bề trên ở Rôma cho sang truyền giáo ở Nhật. Được chấp thuận, ngay năm ấy cha trở về Pháp, chuẩn bị và thành lập một phái đoàn gồm 1 cha người Đức, 2 cha người Pháp và 2 cha người Canađa.

Khởi hành từ Rôma, 5 anh em từ Naples qua Nữu Ước, Chicago, Cựu Kim Sơn, Honolulu, Yokohama, đến đảo Hokkaido (Yaso) miền Bắc nước Nhật.

Năm 1914, cha được lệnh chuyển sang Maroc. Cha về nước qua ngã Tây Bá Lợi Á. Nhưng trên đường về, thế chiến thứ nhất bùng nổ. Cha phải từ Moskva rẽ xuống Odessa qua Constantinople về Marseille, ra trình diện tái ngũ, trở về hải quân, từ năm 1914 đến năm 1916 đồn trú ở Cherbourg rồi ở Calais. Sau đó được chuyển sang Maroc làm tuyên úy quân đội, đồng thời kiêm chức vụ Phụ trách nhà dòng phan sinh ở Casablanca cho đến năm 1920.

Thế chiến thứ nhất chấm dứt, cha được chọn cầm đầu nhóm anh em sang lập Dòng ở miền Nam Nhật Bản. Lần này là lần thứ hai sang truyền giáo xứ hoa anh đào. Cha từ giã Maroc, miền cát nóng, năm 1920, qua đường Canađa đến miền Nam Nhật Bản và ở lại đó cho đến năm 1928.

Ở miền Nam, công cuộc truyền giáo có phần dễ dàng hơn ở miền Bắc. Riêng cha Maurice Bertin đã thành lập được nhiều họ đạo, xây được nhiều nhà thờ và trường học. Sau thời gian gieo vãi, lúa tốt đầy đồng, tuy nhiên gió bão vẫn không thể nào tránh khỏi. Nhật Bản chuẩn bị chiến tranh và gây khó dễ với người ngoại quốc. Năm 1928, cha và anh em phải ra khỏi miền Nam. Đức Cha ở kinh đô Tokyo giao cho anh em coi sóc một miền nhỏ trong địa phận ngài và gửi các linh mục Nhật Bản xuống thay thế anh em ở miền Nam.

Về kinh đô, cha Maurice Bertin liền nghĩ đến việc lập nhà dòng, đặt nền tảng tu hành cho dân tộc Nhật Bản. Ngài trở về Pháp chuẩn bị việc lập Dòng ở Tokyo cũng như ở Nagasaki. Nhưng lần này Chúa Quan Phòng lại định khác.

Tuy anh em tu sĩ phan sinh đến truyền giáo trên giải đất Việt Nam từ cuối thế kỷ 16, nhưng cho đến đầu thế kỷ 20 vẫn chưa thành lập một nhà dòng nào cho người Việt muốn sống đời tu trì theo tinh thần Thánh Phanxicô.

Một dịp thuận tiện đã đến để nối kết Dòng với giải đất mà một số con cái thánh Phanxicô đã từng hy sinh gian khổ đem ánh sáng Phúc âm chiếu giãi sáng ngời. Tháng 11 năm 1928, Đức Cha Colomban Dreyer, một tu sĩ Phanxicô, trước đây một thời đã hoạt động cùng Cha Maurice Bertin ở Canađa, được Tòa Thánh cử làm Khâm mạng Tòa Thánh ở đế đô Huế. Đức Cha nghĩ đến việc lập dòng, thể theo ý Đức Giáo Hoàng Piô XI đang khuyến khích các địa phận truyền giáo mời các dòng tu đến phụ lực.

Đầu năm 1929, với sự chấp nhận và khuyến khích của Hội Truyền Giáo Paris, và riêng của Đức Cha Eloy, Giám mục Địa phận Vinh, công cuộc lập Dòng Phan Sinh Việt Nam, và nhà đầu tiên ở Vinh, được giao cho một Tỉnh dòng nước Pháp đảm nhận. Và cha Maurice Bertin vừa ở Nhật Bản về định chuẩn bị lập Dòng ở Tokyo và Nagasaki được ủy cho việc hướng dẫn anh em sang lập Dòng ở Việt Nam.

Ngày 21/11/1929, cha Maurice Bertin cùng với 2 anh em là cha Hugolin Lemesre và thầy Jean-Marie Couden đặt chân lên hải cảng Đà Nẵng. Và suốt 17 năm trời, mặc dầu đã ngoài 60 tuổi, cha không ngừng vận dụng hết tài năng sức lực lo đặt nền móng vững chắc cho việc đào tạo giúp Hội Thánh Việt Nam, những tu sĩ Phanxicô và phát huy cuộc đời tu hành theo tinh thần của vị Thánh Nghèo trên đất Việt.

Sau đây là công cuộc kiến thiết xây dựng của ngài:

Năm 1931, tu viện phan sinh đầu tiên ở Việt Nam được khánh thành ở Vinh thuộc tỉnh Nghệ An. Nơi này dùng làm tập viện.

Năm 1935, một chủng viện xây xong ở Thanh Hóa, đón nhận các đệ tử, huấn luyện các linh mục phan sinh tương lai.

Cũng trong khoảng thời gian này, cha đã xây cất cho chị em Dòng Nhì, dòng thánh Clara, dòng nữ tu kín, và cho dòng nữ Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ, chị em Dòng Ba Tại Viện, mỗi dòng một nhà, cũng ở ngay thành phố Vinh. Dòng Nhất, Dòng Nhì, Dòng Ba Phan Sinh như thế là có chân đứng để tỏa sáng tinh thần Phúc âm cho mọi lớp người, những ai muốn tới gần Chúa theo tinh thần khó nghèo của vị Thánh Tổ Lập Dòng.

Năm 1939, một nhà dòng nữa lại xây xong ở trên đỉnh đồi gần thành phố Nha Trang, dùng làm học viện cho hai ban Triết và Thần học.

Công việc xây cất vừa tạm xong, số người có ơn gọi tình nguyện dâng mình cho Chúa tiến qua ngưỡng cửa các tu viện đã đông, thì đất nước binh đao khói lửa liên tiếp nổi lên. Nhờ ơn Chúa, nhờ lòng cương quyết và tài lãnh đạo phong phú kinh nghiệm, cha đã đưa dòng Phan Sinh Việt Nam qua khỏi gió bão bình an.

Tuổi đã cao lắm rồi, người chiến binh của Chúa phải được nghỉ ngơi. Năm 1947, một vị truyền giáo đã từng ở lâu năm tại Trung Hoa, Cha Joseph Vermeulen, được cử sang thay thế, cha Maurice Bertin về Pháp nghỉ.

Đã quen với khí hậu miền nhiệt đới, cha không chịu được rét lạnh ở quê hương, nên xin làm tuyên úy cho một trường tư thục ở Casalanca bên Maroc. Sau một năm, và tuổi đã gần 80, cha lại xin tình nguyện sang nối tiếp công việc truyền giáo cho dân tộc Phù Tang. Được Bề trên chấp thuận, cha lại lên đường sang nơi đầu tiên cha nghe tiếng Chúa gọi. Nhưng lúc ghé Sài Gòn, đoàn con cái Việt Nam mà ngài đã có công lao sinh dưỡng đào tạo trong nếp áo dòng nâu, giữ và xin lưu ngài lại trên giải đất ngài đã hy sinh thương mến không kém gì đất nước Nhật Bản. Và tu viện phan sinh Nha Trang, một nếp nhà dòng, cất trên một đỉnh đồi lộng gió, nhìn ra, bao quát hết thành phố của miền quê hương cát trắng kia, được hân hạnh đón cha về an dưỡng những ngày cuối cùng của một quãng đường truyền giáo dài vạn dặm, đầy phiêu lưu mạo hiểm. Nói là an dưỡng, nhưng cha vẫn không ngừng phục vụ. Cha vẫn giữ công việc làm tuyên úy cho dòng Sư Huynh Lasan bên cạnh, đều đặn với một tấm lòng cha con đầy thương mến, cho đến ngày mắt cha đã lòa hẳn và bước chân đi không vững nữa mới thôi. Cha qua đời ngày 8/7/1968, hưởng thọ 98 tuổi, 4 ngày.

 


Khuôn mặt tinh thần

Lúc sang Việt Nam, Cha Maurice Bertin đã gần 60 tuổi, da mồi tóc bạc, nhưng nhanh nhẹn lạ thường. Cha có dáng vóc trung bình, vừa tầm con mắt người Việt Nam. Cha nhiệm nhặt và gia pháp rất nghiêm, anh em Pháp đều sợ. Nhưng cha lại là hiền phụ, anh em Việt Nam đến với cha, luôn luôn nhận được một nụ cười, và nếu biết nói tiếng Pháp, đều nghe cha “tutoyer”.

Cha được giao trọng trách đi giới thiệu lý tưởng phan sinh và xây dựng những con người phan sinh. Dĩ nhiên, cha cầm cân nẩy mực cho lớp đàn anh có nhiệm vụ huấn luyện và cho lớp đàn em lần đầu tiên tiếp xúc với thánh Phanxicô.

Đức vâng lời của cha tuyệt đối: đang truyền giáo ở Nhật Bản, nước có hoa anh đào nở đẹp, có con người lịch sự dũng cảm, nhưng nhận được lệnh thuyên chuyển sang Maroc, miền sa mạc cát trắng, cha sẵn sàng đi ngay. Dọc đường, thế chiến thứ nhất bùng nổ, có lệnh tổng động viên, cha vội vã về nước tái ngũ, làm trọn nhiệm vụ công dân, tốt đạo đẹp đời. Sang Maroc, rồi trở về Nhật Bản, đất nước cha thương mến, nhưng cha đã theo lời Cha Tổng Phục vụ, lưu lại hưu dưỡng ở Việt Nam. Cha đã luôn luôn sống vâng lời.

Một đặc điểm khác nổi bật nơi Cha Già là giữ đời sống chung. Thời gian, sau khi đã trao tay cho anh em khác trách nhiệm lãnh đạo, cha rút lui vào bóng tối, lặng lẽ như tất cả anh em, giữ thời khắc như tất cả anh em, làm đủ bổn phận người tu sĩ, từ xướng kinh đến rửa chén, không chịu miễn một việc gì. Cha giữ Luật từng chấm từng phết. Nhất là cha cúi đầu, khiêm tốn, vâng lời những người con do cha đứng chủ đào tạo ra.

Đặc thù của Dòng là nghèo. Cha là nhà truyền giáo có con đường vạn dặm nhưng cha đã không cồng kềnh. 12 năm cha xây lên 5 ngôi nhà dòng lớn, nhưng cha nhẹ nhõm. Công cha đổ ra, tiền bạc đổ ra, chỉ có Chúa biết. Ai đã vào phòng cha, đều bị ấn tượng mạnh bởi vẻ thanh bần của người con cái vị Thánh Nghèo thành Assisi: trống trơn, giường chiếu mùng màn, đơn sơ như của người Việt Nam trung lưu, thau rửa mặt là một một cái chậu sành. Trên bàn, một hai quyển sách, giấy viết là một chồng bao thư cũ, một mẩu viết chì dài bằng hai lóng tay, một đồng hồ trái quít cổ thời, một cái thước để làm toán bằng chữ cũng đã phai mờ. Áo quần để chung ở nhà may. Ở nhà cơm, suốt đời, sáng trưa như anh em, đồng đều; buổi tối lúc về nhà bị bệnh táo bón, cha chỉ dùng riêng một đĩa cò ke hoặc một bánh kem. Cha nghèo khắc khổ, không những sử dụng cần thiết đúng mức mà còn tước bớt cần thiết.

Nhiệt tình tông đồ: Con người phan sinh yêu Chúa nồng nàn và bao la. Cha xây cất, nhưng đâu phải nguyên xây cất, cha còn xây dựng cho Dòng Nhất, Dòng Nhì, Dòng Ba Tại Viện và Tại Thế. Cha đi giảng các tuần tĩnh tâm ở các giáo phận, ở các dòng tu nam nữ. Lúc về nghỉ tại Pháp, cha đâu chịu cảnh ăn không ngồi rồi, cha xin sang Maroc, rồi xin sang Nhật Bản. Những ngày hưu dưỡng cha đâu chịu ngồi yên, cha lãnh làm tuyên úy cho Dòng Lasan Nha Trang, ở trên đồi bên cạnh, cho đến lúc mắt mù hẳn và chân bước đi không vững.

Con người ta ai cũng có những cái thú, như trồng cảnh, câu cá, đánh cờ, cha Maurice Bertin có cái thú làm toán, hí hoáy làm toán, say sưa làm toán. Có lần cha đã nhắc lại lời của Jean Néper, nhà toán học đã tìm ra bản Logarithmes, rằng: “Khi thụ hưởng thành quả của quyển sách nhỏ này, bạn hãy tôn vinh Danh Chúa và cảm tạ Chúa là nguồn cùng là Đấng ban phát mọi ơn lành”. Có lẽ nhờ say mê làm toán như thế mà tinh thần của cha vẫn minh mẫn cho tới lúc tuổi đã rất cao.

Những ngày tang lễ của cha, anh em về đông, nhưng không một ai đã khóc. Ngậm ngùi thì có mà rơi lụy thì không. Hình như nước mắt đã tắt nghẽn trước sự nghiệp vĩ đại và cuộc đời thánh thiện của cha. Nếu ba cơ sở nền tảng cha xây đã không có giá trị trước mặt Chúa, thì những con người phan sinh cha chủ động đào tạo ra, hẳn là có giá trị vĩnh viễn. Năm cha về với Chúa, Chi tỉnh đang tiến lên Hạt dòng và Hạt dòng đang có: 28 linh mục, 24 tu sĩ không linh mục khấn trọng, 9 tu sĩ khấn tạm trong nước, 7 sinh viên khấn tạm du học ở Châu Âu, 12 tập sinh, và gần 300 chủng sinh ở chủng viện và tiểu chủng viện.

Marie-Antoine Trần Phổ, ofm.

Chia sẻ