Skip to content
Main Banner
Ngôn ngữ

Đại biểu

Administrator
2008-11-12 00:00 UTC+7 191

Được anh Giám tỉnh đề nghị, hai anh em chúng tôi là Nguyễn Đình Phục và Trần Quang Danh đã đi tham dự Đại hội giáo lý toàn quốc lần 2, từ ngày 4 đến 6 tháng 11 năm 2008, tại Trung Tâm Mục Vụ giáo phận Mỹ Tho. Sau đây là một vài thông tin từ đại hội.

Thành  phần đại hội gồm có: Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc, Chủ Tịch Uỷ Ban Giáo Lý Đức Tin; Đức Cha Stêphanô Tri Bửu Thiên, Giám mục phó Giáo Phận Cần Thơ; Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Giám mục phụ tá Tổng Giáo Phận Thành Phố Hồ Chí Minh; và127 đại biểu thuộc 20 Giáo phận, và 26 dòng tu. Trong số 127 đại biểu này có 5 đại biểu là giáo dân, còn số đông là linh mục và tu sĩ nam nữ.

Mục tiêu của Đại hội lần này được Đức cha Phaolô Bùi Văn Đọc nêu rõ trong bài phát biểu khai mạc: trước hết, đẩy mạnh công tác dạy giáo lý trong Hội Thánh tại Việt Nam; thứ đến, xác định ý nghĩa của Huấn giáo là góp phần làm cho mọi người trở nên môn đệ của Đức Giêsu; thứ ba, khi làm công tác Huấn giáo cần lưu tâm đến việc hội nhập văn hóa; và cuối cùng, công việc Huấn giáo không chỉ dành riêng cho một số người nhưng tất cả mọi người đều được mời gọi hãy đi làm vườn nho của Chúa.

Hai vấn đề chính được thảo luận trong Đại hội đó là: nhìn lại công cuộc dạy giáo lý tại Việt Nam trong 50 năm qua, và định hướng cho công cuộc dạy và học giáo lý của Hội Thánh Việt Nam trong giai đoạn sắp tới.

I. NHÌN LẠI CÔNG CUỘC DẠY GIÁO LÝ TẠI VIỆT NAM TRONG 50 NĂM QUA

1. Giáo tỉnh Hà Hội

-  Từ 1960 đến 1975: Có rất nhiều khó khăn thử thách, ngay cả đối với các linh mục, ví dụ việc đi lại, thế nên ảnh hưởng không ít đến việc dạy và học giáo lý.

Đức tin trong giai đoạn này được duy trì bằng hình thức giáo lý hỏi-thưa.

Việc học giáo lý được tổ chức trong Mùa Chay và thi trong dịp lễ Phục sinh; một số nơi tổ chức thi giáo lý cho cả ba thế hệ trong gia đình (ông bà, cha mẹ, con cái).

-  Từ 1975 đến 1993: Giai đoạn này có phần khởi sắc hơn trong việc đào tạo Giáo lý viên (GLV), mặc dầu vẫn còn tổ chức lén lút; các giáo phận gởi GLV vào các giáo phận miền Nam để học tập và mô phỏng các phương pháp đào tạo nơi đây.

-  Từ 1993 đến nay: Tổ chức dạy giáo lý dễ dàng hơn, có nơi đã cố gắng triển khai việc dạy giáo lý theo độ tuổi. Việc dạy giáo lý tương đối đã có đường hướng chung, không còn mang tính cách địa phương như trước đây.

Khó khăn lớn nhất trong giai đoạn này là việc đào tạo GLV vì tình hình GLV luôn biến động.

Tài liệu giáo lý Giáo tỉnh Hà Nội đang dùng đa số là của Chương trình Giáo lý Phổ Thông của Nha Trang và Bộ Giáo lý Hồng Ân của Xuân Lộc.

2. Giáo tỉnh Huế

- Từ 1975 trở về trước: Chương trình giáo lý chưa thống nhất giữa các giáo phận, ngay cả trong từng Giáo phận, việc dạy Giáo lý như thế nào tuỳ người phụ trách giáo lý, tuy nhiên việc dạy giáo lý giai đoạn này lại được chú ý ở nhiều nơi.

Một số sách giáo lý được sử dụng trong giai đoạn này: Bổn Đồng Ấu, Giáo Lý Tân Định; riêng Bộ Giáo lý Đà Nẵng được dùng cho các trường tư thục Công giáo tại một số địa phương.

- Từ 1975 đến 1993: Sau 1975, tình hình đất nước có nhiều biến động, bởi đó, hoạt động giáo lý bị trầm lắng. Các trường Công giáo bị thu hồi, nên Giáo lý giờ đây chỉ tập trung trong phạm vi giáo xứ.

- Từ 1993 đến nay: Cơ cấu tổ chức tương đối ổn định. Việc dạy giáo lý không chỉ dừng lại ở trẻ em, nhưng được quan tâm và mở rộng đến nhiều đối tượng khác.

Tài liệu sử dụng: Chương trình giáo lý Phổ Thông của Nha Ttrang, Chương trình giáo lý Hồng An của Xuân Lộc, Chương trình giáo lý của Sài Gòn, Chương trình giáo lý Quy Nhơn.

Dịch các sách giáo lý và đào tạo GLV cho anh em đồng bào thiểu số.

Giai đoạn này, GLV được đào tạo có quy trình rõ rệt; ở một số địa phương, GLV được học chương trình thần học giáo dân.

3. Giáo tỉnh Sài Gòn

- Giai đoạn trước 1975: Việc dạy giáo lý chưa có đường lối chung. Đa phần linh mục, tu sĩ  là những người dạy giáo lý.

Thủ bản chính để dạy là quyển giáo lý Tân Định.

Trong giai đoạn này, Giáo phận Long Xuyên có chương trình giáo lý cho học sinh cấp 3, sinh viên. Sài Gòn có các khoá thần học giáo dân, tuy nhiên thành phần tham dự chủ yếu là nữ tu.

- Từ 1975 đến 1993: Giáo lý hầu như chỉ tập trung vào lứa tuổi chuẩn bị cho việc lãnh các bí tích khai tâm.

- Từ 1993 đến nay: Giáo lý theo độ tuổi được mở rộng. Đồng thời, các phong trào như Thiếu Nhi Thánh Thể nở rộ ở nhiều nơi. Điều này kéo theo nổ lực huấn luyện GLV trong các giáo phận.

Một số tài liệu được sử dụng: Giáo lý Hồng Ân của Xuân Lộc, giáo lý của Sài Gòn, giáo lý Phổ Thông của Nha Trang.

II. ĐỊNH HƯỚNG CHO VIỆC DẠY VÀ HỌC GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH VIỆT NAM TRONG GIAI ĐOẠN SẮP TỚI

1. Phương hướng đào tạo người tín hữu Việt Nam

  • Đại hội nhấn mạnh đến việc đào tạo nhân bản, nhân sinh quan Kitô giáo nơi người tín hữu.
  • Chú ý đến việc huấn luyện đức tin vươn tới mức trưởng thành, sống đức tin và truyền giáo trong hoàn cảnh sống cụ thể.
  • Giáo dục đức tin trong gia đình cần được chú ý hơn, đồng thời quan tâm giáo dục đức tin trong môi trường học đường.
  • Tìm nguồn kinh phí để hỗ trợ cho hoạt động giáo lý, nhất là vấn đề đạo tạo GLV.

2. Những hình thức cộng tác với nhau trong hoạt động giáo lý

  • Ban giáo lý của mỗi giáo tỉnh cần liên lạc với nhau, và có sinh hoạt thường kỳ.
  • Giữa các giáo phận nên có sự trao đổi về nhân sự và tài liệu, nâng đỡ nhau về tài chánh nếu có điều kiện.
  • Các Hội dòng tham gia vào việc huấn luyện GLV, biên soạn tài liệu giáo lý.
  • Hoàn chỉnh cuốn Giáo Lý Công giáo (1995) để làm tài liệu chung cho cả nước. Tùy tình hình của địa phương, mỗi giáo phận sẽ áp dụng tài liệu này vào chương trình giáo lý của mình cho thích hợp.
  • Biên soạn các tài liệu đào tạo GLV theo chương trình chung cho toàn quốc.

3. Đào tạo Giáo Lý Viên

  • Hình thành các trường, trung tâm đào tạo GLV cấp giáo phận, tiến đến cấp giáo tỉnh và toàn quốc.
  • Nội dung đào tạo: Xây dựng một lược đồ về chương trình chung cho toàn quốc, có mô hình đào tạo mẫu.
  • Thành lập ban huấn luyện hoặc đội ngũ giảng dạy để phục vụ tại các trường, trung tâm đào tạo GLV hoặc giảng dạy lưu động.
  • Hình thành quỹ đào tạo chung để có thể hỗ trợ cho việc đào tạo GLV tại các giáo phận khó khăn hơn trong từng giáo tỉnh.

* Đại hội cũng đã bầu ban thường vụ giáo lý toàn quốc cho nhiệm kỳ mới, danh sách như sau:

  • Cha Phêrô Nguyễn Văn Hiền ( Sài Gòn, Trưởng Ban)
  • Cha Phêrô Lê Văn Ninh (Nha Trang- Phó Ban)
  • Cha Giuse Hồ Sĩ Hữu (Phan Thiết- Thư  Ký)
  • Cha Vinh Sơn Đỗ Văn Hoàng (Bùi Chu- Uỷ Viên)

Trong phần tường trình đúc kết Đại hội, Ban Thường Vụ Giáo Lý đã đưa ra nhận định đầy vui mừng và hy vọng: "Năm mươi năm dạy giáo lý, 50 năm giáo dục đức tin, 50 đào tạo Kitô hữu là một chặng đường dài, được xây dựng bởi nhiều thế hệ, nhiều con tim khối óc với bao công sức, mồ hôi và cả máu, nước mắt của mọi thành phân dân Chúa tại quê hương Việt Nam.

Chúng con cùng nhìn lại để trân trọng thành quả quá khứ, để cảm tạ bàn tay dẫn dắt yêu thương của Thiên Chúa và để mạnh mẽ hơn, sáng tạo hơn trong hình trình sắp tới.

Chúng con tin tưởng rằng, qua lời bầu cử Đức Maria, Chúa Thánh Thần sẽ giúp chúng con thực hiện tốt đẹp các nghị quyết của đại hội giáo lý lần 2 này. Như vậy, mọi nỗ lực truyền giảng Tin Mừng và làm cho mọi người trở nên môn đệ của Thầy Giêsu sẽ được hợp nhất trong đa dạng và đem lại nhiều thành quả đích thực hơn nữa."

Trong lời phát biểu bế mạc, Đức Cha Stêphanô Tri Bửu Thiên, Giám mục phó Giáo Phận Cần Thơ đã  nói lên niềm hy vọng của mình cũng như của toàn Đại hội với một câu duy nhất, sau khi đã nghe bản tường trình: "Ước gì được như vậy, Amen."

Về cảm nghĩ cá nhân, anh em chúng tôi cảm ơn cha Giám tỉnh rất nhiều, vì qua đại hội, chúng tôi biết được cơ cấu tổ chức giáo lý của Ban Giáo Lý Toàn Quốc như thế nào và biết được các chức sắc đảm trách công việc giáo lý của các giáo phận và của HĐGM Việt Nam. Mỗi lần bàn luận một vấn đề gì, chúng tôi nhận ra sự nổ lực và ưu tư của các đại biểu về công cuộc dạy và học giáo lý của Hội thánh Việt Nam. Để nhận được những thành quả của công cuộc giáo lý hiện nay là một quá trình dài mà các cha, các tu sĩ nam nữ và giáo dân đã xây đắp không biệt mệt mỗi. Có những người đã chịu nhiều đau thương cho công cuộc này. Từ ấy, chúng tôi nhận thấy mình càng nỗ lực hơn nữa để có thể kế thừa và phát triển những thành quả mà người đi trước đã để lại.

Trong kỳ đại hội này, có lẽ tôi và anh Danh là đại biểu nhỏ cả về tuổi tác và chức danh, nhưng chúng tôi đã có cơ hội chia sẻ những ưu tư và sự hiểu biết của mình với đại hội khi họp các giáo tỉnh. Một chuyện hy hữu là bất ngờ tôi được cha Phêrô Võ Tá Khánh mời làm đại biểu cho giáo phận Komtum, vì giáo phận không có đại biểu. Quả thực, tôi rất lo lắng về sự kiện này, nhưng được ơn Chúa giúp, tôi đã đơn sơ chia sẻ về những hiểu biết của mình và một ít thông tin về giáo phận Komtum.

Trên đây là tất cả những gì mà chúng tôi đã học được. Kính chúc anh chị em tràn đầy bình an và mạnh khoẻ trong Chúa Kitô.

(Tổng hợp từ Trần Quang Danh và Phêrô Nguyễn Đình Phục)

 

Chia sẻ

Chưa có Đánh giá/Bình luận nào được đăng.

Hãy trở thành người đầu tiên đóng góp nội dung cho Bài viết này.