Skip to content
Main Banner
Thánh Têrêsa Hài Đồng (01/10) - Các Thiên Thần Hộ Thủ (02/10) - Tưởng niệm giờ Cha Thánh Phanxicô lâm chung (03/10) - Đại lễ Cha Thánh Phanxicô (04/10) - Đức Mẹ Mân Côi (06/10) - Thánh Têrêsa Giêsu (15/10) - Thánh Ignhatiô (17/10) - Thánh Luca (18/10) - Thánh Phêrô Ancăntara (PS) (19/10) - Thánh Gioan Capestranô (PS) (23/10) - Tinh thần Assisi (27/10) - Thánh Simon Giuđa (28/10) - Các Thánh Nam Nữ (01/11) - Cầu cho TÍN HỮU QUA ĐỜI (02/11)
Ngôn ngữ

Giới thiệu về Dòng OFM tại Việt Nam

NĂM 1929 DÒNG ANH EM HÈN MỌN ĐÃ CÓ MẶT TẠI VIỆT NAM

 

Năm 1583 có 8 tu sĩ Phan sinh Tây Ban Nha thuộc Tỉnh dòng Phi Luật Tân đã đặt chân lên miền đất Đàng Ngoài, Việt Nam. Công cuộc truyền giáo kể từ đó lan rộng ra khắp đất nước và kéo dài đến cái chết của thừa sai Odorico da Collodi (1788-1834). Cuộc tử đạo này đã kết thúc hai thế kỷ rưỡi truyền giáo của Anh Em Hèn Mọn tại Việt Nam (1583-1834). 95 năm sau, các tu sĩ Phan sinh trở lại lập Dòng.

Năm 1588, hai cha André dos Anjos và Jacome da Conseicao giảng đạo ở Pandarang de Champa, và sau đó tiếp tục ở Bắc Việt. Năm 1704, Cha Juan Simon trở thành vị tử đạo Phan sinh đầu tiên ở Bắc Việt. Cha José Garcia thành lập họ đạo Chợ Quán tại Sài Gòn.

Cuối thế kỷ 18, các cha OFM tiếp tục công việc truyền giáo và chăm sóc giáo dân ở Đàng Trong, như Cha Manuel Castuera và Cha Francesco del Finochietto. Tuy nhiên, thập kỷ 1830 đánh dấu sự kết thúc của giai đoạn truyền giáo Phan sinh ở Việt Nam với sự hy sinh của Cha Odorico da Collodi, vị thừa sai cuối cùng, tại trại giam Lao Bảo.

Ngày 20-5-1929 Toà Thánh qua Bộ Tu sĩ ra văn thư cho phép thiết lập tu viện Anh Em Hèn Mọn đầu tiên theo Giáo luật tại thị xã Vinh. Cha Maurice Bertin được uỷ thác công cuộc lập Dòng ở Việt Nam.

Cha Maurice Bertin, sinh năm 1870 tại Paris, khi sang Việt Nam ở gần 60 tuổi, nhưng cha lại nhanh nhẹn và tháo vác. Cha đã đảm nhận trọng trách xây dựng con người Phan sinh và cơ sở vật chất cho hội dòng. 

gioi-thieu-ve-dong-ofm-tai-viet-nam-1-1703058338.png

Năm 1935, Tập viện Phanxicô đầu tiên được mở ở Vinh với 3 tập sinh khấn tạm, trong đó J.B. Lưu Văn Thái là hoa trái đầu mùa. Từ năm 1936, mỗi năm mở thêm nhà tập, và các tập sinh tiếp theo khấn tạm và sau đó khấn trọn đời. Năm 1939, lớp tập sinh giáo sĩ đầu tiên ở Vinh đón nhận 6 chủng sinh từ chủng viện Thanh Hoá. Các tập sinh theo ơn gọi linh mục và không linh mục được tổ chức chung từ khoá 1939-1940. Quá trình Tập viện miền Bắc kéo dài 18 năm, kết quả là có 22 linh mục và 20 không linh mục.

gioi-thieu-ve-dong-ofm-tai-viet-nam-1-1703058336.jpg

Trong khoảng thời gian 1945-1954 diễn ra cuộc chiến Việt Pháp và thế chiến thứ II giữa Pháp và Nhật trên mặt trận Việt Nam, các tu viện Phan sinh từ Thanh Hoá đến Nha Trang đều bị trưng dụng. Lánh cư, tản cư, rồi di cư là những gì mà hội Dòng phải trải qua trong thời gian này… Sau hiệp định Genève 1954 thì không còn tu sĩ Phan sinh ở tu viện Vinh và chủng viện Thanh Hoá nữa.

Kể từ năm 1954 đến 1975, chủng viện được chuyển vào miền Nam. Chủng viện Nha Trang (1955-1959) có giám đốc đầu tiên là cha Pascal Van Ceamerbake. Chủng viện Tiểu Cần (2.1954-2.1955) hoạt động hơn 1 niên khoá và chủng viện Thủ Đức được thành lập từ 1959 đến 1975 bị tạm ngưng.

gioi-thieu-ve-dong-ofm-tai-viet-nam-2-1703058339.png

Ngoài ra, có Tập viện tại nhiều địa phương như Vinh, Tiểu Cần, CLG, nước ngoài, Nha Trang, Đà Lạt, địa phương hoá Tập viện. Học viện linh mục xuất hiện ở Vinh (1940), Nha Trang (từ 1941), và triết học viện (từ 1964) được thành lập tại Nha Trang và Đà Lạt. Học viện không linh mục có mặt từ giai đoạn đầu tại Vinh, Tiểu Cần, Cù Lao Giêng, và sau đó được địa phương hoá từ 1975-1992, tiếp theo là các địa điểm như Đakao và Thủ Đức (từ 1995).

Từ năm 1949 đến năm 1998, Dòng đã thành lập nhiều cộng đoàn và điểm truyền giáo trên khắp miền Nam Việt Nam. Những hoạt động bao gồm nhận cơ sở giáo dưỡng, xây dựng nhà thờ, lập Chủng viện, và mở rộng hoạt động truyền giáo ở các tỉnh thành khác nhau. Sau năm 2000, Dòng mở rộng truyền giáo mới ở giáo phận Kontum và tái xuất hiện ở miền Bắc Việt Nam và nhiều quốc gia như Cambodia và Lào.

Ngay từ đầu anh em Phan Sinh tại Việt Nam không theo đuổi một lãnh vực chuyên môn đặc thù nào do đó hoạt động của anh em rất đa dạng nhằm phát triển con người. Các lãnh vực đã hoạt động như: Mục vụ giáo xứ, giáo dục, văn hóa nghệ thuật, bác ái xã hội, kinh tế và chính trị.

Các anh phục vụ lãnh đạo trong thời gian từ 1929 đến nay: Cha Maurice Bertin (1929-1947), cha Joseph Vermeulen (1947-1955), cha Pacifique Nguyễn Bình An (1955-1966), cha Emmanuel Nguyễn Văn Thứ (1966-1969). Cha Pacifique Nguyễn Bình An giữ vai trò Giám hạt từ 1969-1970. Cha Agnello Vũ Văn Đình giữ chức vụ giám hạt từ 1970-1981. Cha Guy-Marie Nguyễn Hồng Giáo giữ chức vụ ciám hạt từ 1981-1984 và sau đó là ciám tỉnh từ 1984-1993. Các ciám tỉnh sau đó là cha Alexis Trần Đức Hải (1993-2002), cha Phi Khanh Vương Đình Khởi (2002-2008), cha Phanxicô Xaviê Vũ Phan Long (2008-2014), cha Inhaxiô Nguyễn Duy Lam (2014-2023), và cha Gioan TC Nguyễn Phước từ năm 2023 cho đến nay.

Với hơn 90 năm lịch sử, Dòng Anh Em Hèn Mọn tại Việt Nam đã trải qua nhiều thăng trầm, nhưng luôn giữ vững tinh thần tận hiến và sứ mệnh truyền giáo. Lịch sử của anh em Phan Sinh tại Việt Nam không chỉ là câu chuyện về sự hy sinh và đóng góp cho cánh đồng truyền giáo của Giáo hội, mà còn là hình ảnh của lòng trung thành và lòng yêu thương đối với Chúa và con người.


Trích từ:

Trần Phổ, Lịch sử Tỉnh dòng thánh Phan-xi-cô Việt Nam, 3 tập.

Trần Phổ, Lần giở trước đèn, 2003.

Dấu ấn mọn hèn – Kỷ yếu 75 năm thành lập Dòng AEHM tại VN 1929-2004.

Nguyễn Vinh Phúc, Chủng sinh và chủng viện 1930-1959 Vinh-Nha trang.