Skip to content
Main Banner
Ngôn ngữ

Cảm Nghĩ Về Bài Giảng Lễ Dầu Của Đức Giám Mục Aloisio Nguyễn Hùng Vị

Administrator
2022-04-27 00:00 UTC+7 352

Đức giám mục Aloisio Nguyễn Hùng Vị đã cử hành Thánh Lễ Truyền Dầu lần thứ 17 tại nhà thờ Chính toà Giáo phận Kon Tum lúc 5 giờ 30 ngày 13 – 04 – 2022 cùng với Đức nguyên giám mục Phêrô Trần Thanh Chung (96 tuổi) và hơn 200 linh mục, Quý thầy Phó tế, Quý thầy Chủng sinh, Quý nam, nữ Tu sĩ và đông đảo giáo dân thuộc giáo xứ Chính Toà và các Giáo xứ gần Chính toà. Tôi thức dậy lúc 3 giờ 15 phút và đi cùng với anh Ya Thu, anh Nhuận và anh tài xế. Đến nhà thờ Chính toà lúc 4 giờ 30 phút, tôi thấy giáo dân đồng bào Bana đã đến ngồi vào các dãy ghế bên trong và bên ngoài nhà thờ. Đúng 5 giờ 15 phút, các linh mục mặc áo Alba và mang dây Stola của Giáo phận để sẵn trên dãy bàn phòng hội, rồi xếp thành hai hàng chuẩn bị tiến vào nhà thờ Chính toà. Năm nay, các linh mục đông hơn năm ngoái vì Giáo phận chuẩn bị 200 dây Stola nhưng vẫn thiếu, có nhiều linh mục mang dây Stola không đồng phục. Đúng 5 giờ 30 phút, đoàn rước cất bước nhịp nhàng theo tiếng cồng, chiêng và điệu múa xoang truyền thống của các em gái Bana tiến vào nhà thờ Chính toà. Ca đoàn hát hai bài nhập lễ, đoàn đồng tế mới hôn Bàn Thờ xong. Mở đầu Thánh Lễ, Đức giám mục ngỏ lời với cộng đoàn và linh mục, tu sĩ về ý nghĩa của Thánh Lễ Truyền Dầu hôm nay. Thánh Lễ được cử hành đa phần bằng tiếng Việt, chỉ có phần kinh thương xót, kinh vinh danh, Chiên Thiên Chúa, bài Tin Mừng thì bằng tiếng Bana. Đến phần chia sẻ Lời Chúa, Đức giám mục lược qua ý nghĩa “Dầu” trong Cựu Ước và Tân Ước dựa trên các bài Lời Chúa, để giáo dân hiểu sâu hơn về Kinh Thánh, về Tông truyền, về Huấn quyền; và cuối bài chia sẻ Lời Chúa, Đức Giám mục dành những lời huấn đức chân thành và sâu lắng dành riêng cho các linh mục và nhắn gởi giáo dân hiệp hành với Giáo hội dựa trên những lời nhắc nhở của Đức Giáo Hoàng Phanxicô dành cho các linh mục về 4G: gần gũi với Chúa, gần gũi với Giám mục, gần gũi với anh em linh mục và gần gũi với giáo dân. Thú thật, tôi đã có dịp nghe nhiều bài giảng Lễ Truyền Dầu nhưng rồi cũng không nhớ, còn bài giảng Lễ Truyền Dầu của Đức giám mục Aloisio Nguyễn Hùng Vị hôm nay đã gây ấn tượng mạnh cho tôi. Bài giảng của ngài có nhiều điểm đáng ghi nhớ, đã in sâu vào tâm trí tôi, khiến tôi cứ suy đi nghĩ lại và nảy ra nhiều cảm nghĩ, để nói với chính mình hãy sống tốt 4G trong thời đại 4.0.

         Gần gũi với Chúa

         Gần gũi với Chúa được biểu hiện bằng đời sống cầu nguyện và thinh lặng nội tâm, để nhận biết sự hiện diện của Chúa trong mình, bên cạnh mình và trước mặt mình. Đức giám mục nói nhiều lúc linh mục tự bằng lòng với việc đọc kinh Phụng vụ, dâng lễ vội vàng cho xong bổn phận, còn nguyện gẫm thì sao? Soạn bài giảng thì sao? Sống kết hợp với Chúa thì sao? Đây là những câu hỏi mà linh mục cần đặt ra thường xuyên để tự vấn lương tâm. Công việc mục vụ, công việc xây dựng là cần thiết nhưng nếu chỉ chạy theo những thành tích, tiếng tăm, sự nể phục thì lại không chú tâm đến đời sống nội tâm, kết hợp với Chúa và trao dồi tri thức mà mỗi linh mục cần phải cập nhật mỗi ngày.

         Gần gũi với Giám mục

         Các thầy, các cha thường hay né Giám mục, cũng như giáo dân né các cha, ngại chia sẻ, góp ý, gặp khó khăn cũng không dám nói. Các cha không cần lấy lòng Giám mục. Giám mục cố gắng sống công bằng với hết mọi người. Chúng ta cố gắng làm việc chung với nhau vì lợi ích của Giáo hội, vì lợi ích của người giáo dân. Điều cần thiết là sống hiệp thông với Giáo hội. Tôi rất buồn khi nghe giáo dân nói cha xứ không cho biết các thông báo của Toà giám mục, thậm chí các thư chung cũng không đọc cho giáo dân nghe, các công trình chung của Giáo phận cũng không thực hiện và việc Đức Thánh Cha kêu gọi dành 24 giờ cho Chúa trong Mùa Chay cũng không tổ chức. Nếu không đủ điều kiện thì ít ra cũng nên dành một số thời gian nào đó, chứ bỏ qua là không được vì thiếu đi sự tham gia và hiệp thông với Giáo hội.

         Gần gũi với anh em trong hàng giáo sĩ

         Các linh mục được mời gọi sống hoà đồng với nhau trong tình huynh đệ, đừng sống tách biệt lẻ loi. Chính tình bạn nâng đỡ đời sống độc thân, dâng hiến. Anh em linh lục gặp gỡ nhau để thăm hỏi và bàn về chuyện mục vụ tốt hơn, chứ đừng tìm kiếm cơ hội nhậu nhẹt, say sưa, thi nhau uống rượu như các quan chức ngoài đời, xem ai là người tửu lượng cao. Giáo dân biết hết và xầm xì với nhau. Anh em được khuyến khích gặp gỡ nhau và chia sẻ bữa ăn với niềm vui lành mạnh.

         Sự gần gũi với giáo dân

         Đây là điều mà Đức Thánh Chúa muốn nói đến các mục tử phải có mùi chiên, tức là hoà đồng với con chiên, biết cảm thông, giải thích, giúp đỡ hơn là tìm cách hoạnh hoẹ, lên lớp, làm khó dễ cho người giáo dân. Xã hội Việt Nam dễ đưa các linh mục đến giáo sĩ trị. Với óc giáo sĩ trị, linh mục dễ tự tin và tự tôn quá mức, thấy mình luôn luôn đúng, quá nệ luật, cứng nhắc trong mọi tình huống. Luật lệ là cần thiết nhưng không phải sống vụ luật. Chúa Giêsu đã nhiều lần nói đến. Linh mục còn trẻ nhưng sống kể cả, không coi trọng giáo dân, đặc biệt những người lớn tuổi qua lời ăn, tiếng nói to tiếng, nặng lời hay qua thái độ khinh thường, không niềm nỡ tiếp đón, bắt chờ đợi lâu giờ, thậm chí không muốn mời vào nhà. Linh mục gần gũi với giáo dân cũng có nguy cơ khi thân mật hay thân mật thái quá với nữ giới. Những giúp đỡ của chị em trong nhà xứ, những tin tưởng quá mức luôn là mối đe doạ cho những lời đàm tiếu nếu không thật sự minh bạch và dè dặt. Những cử chỉ thân mật của linh mục xem ra là vô hại nhưng có thể để lại sự ngạc nhiên và bối rối cho giới nữ vì sự hiểu lầm không đáng có. Cho nên, linh mục phải biết dè dặt, rõ ràng và dứt khoát trong giao tiếp.

         Cuộc sống vội vã và vất vưởng trong thời đại 4.0, chúng ta thường nghe và thấy hai chữ “ném đá” trên các phương tiện truyền thông. Người ta sẵn sàng và mau chóng phơi bày những nết xấu của nhau rồi mong chờ những lời bình luận. Nhìn chung, những lời bình luận không mấy tích cực và cũng không làm cho con người thay đổi mà chỉ có con người ý thức và muốn thay đổi tốt hơn mà thôi. Chúa Giêsu Kitô sống gần gũi với con người và không tìm cách nói lấy lòng hay dùng từ hoa mĩ để thuyết phục con người thay đổi nhưng Ngài nói thẳng và làm thật bằng những cử chỉ thân thương, gần gũi, lắng nghe, hy sinh, hạ mình xuống để rửa chân cho các môn đệ và truyền dạy các môn đệ bài học yêu thương tận cùng và phục vụ quên mình mà Giáo hội long trọng cử hành vào chiều Thứ Năm Tuần Thánh. Tôi đã đọc và cử hành nghi thức này nhiều lần nhưng tôi vẫn chưa thấm đậm tinh thần của Chúa về ý nghĩa “rửa chân” thể lý, tâm lý và tâm linh. Thế nên, tôi vẫn chưa “chung phần” với Chúa nên cứ van xin như thánh Phêrô: xin Thầy hãy rửa không những chân con, mà cả tay và đầu nữa".

 

Tu sĩ Phêrô Trần Ngọc Niên, OFM

Chia sẻ