Skip to content
Main Banner

Không Ngại Khó, Không Ngại Khổ

Administrator
2020-11-01 00:00 UTC+7 103

Sáng ngày 22/10/2020, lúc 5h30, Tỉnh dòng thánh Phanxicô Việt Nam dâng thánh lễ an táng tu sĩ linh mục Lu-y Nguyễn Kim Hoàng, OFM. Đức cha Lu-y Nguyễn Anh Tuấn, Phụ tá Tổng giáo phận Sài Gòn chủ tế cùng Quý cha trong Dòng và Quý cha bạn hữu. Trước thánh lễ, cộng đoàn được nghe tiểu sử cha Lu-y và thấy cuộc đời của cha nổi bật nét hèn mọn, khó nghèo. Cha sống chan hoà với mọi người và được nhiều người quý mến ở những thời điểm và nơi chốn khác nhau. Trong bài giảng lễ, cha cùng lớp với cha Lu-y nhắc lại những nét đẹp phục vụ những anh chị em vùng Xuân Sơn, Bình Giã mà bây giờ anh chị em Xuân Sơn, Bình Giã còn nhớ mãi những kỷ niệm đẹp và hôm nay đã hiện diện trong thánh lễ tiễn đưa cha Lu-y đến nơi an nghỉ cuối cùng. Rồi trong bài cám ơn Đức cha, Quý cha, Quý Tu sĩ, cộng đoàn vì lòng yêu mến cha Lu-y đến hiệp dâng thánh lễ, cha Giám tỉnh xin bày tỏ tâm tình với cha Lu-y cách riêng vì có thời gian chung sống với cha ở vùng đất kinh tế mới Bình Giã, Xuân Sơn sau biến cố 1975. Cha Lu-y đã không ngại khó, ngại khổ nơi vùng đất mới. Cha Lu-y đã lên bờ xuống ruộng, đồng lao cộng khổ với anh em và người dân. Mặc dù, cha sinh ra và lớn lên ở Tân Định, Sài Gòn trong một gia đình khá giả, không quen nghề nông “tay lấm, chân bùn” nhưng cha Lu-y thích nghi rất mau chóng trong lao động chân tay và làm việc rất hăng say. Cha Lu-y lao động khoẻ mạnh, không đau yếu. Cha vui tươi và lịch thiệp với mọi người. Cha không nói nhiều, nhưng mỗi lần cha nói làm cho người ta cảm nhận được sự bình an trong lòng bởi câu nói: “Chúng ta cầu nguyện cho nhau”. Câu nói ấm áp, nhỏ nhẹ của cha Lu-y đã đánh động cha Giám tỉnh nhớ tới bây giờ. Thật vậy, lời nói của cha Lu-y dành cho anh em và mọi người không phải trên “môi miệng điêu ngoa, tấc lưỡi phỉnh phờ” như Thánh vịnh 119 câu 2 nói đến, nhưng là toát ra từ đời sống nội tâm, gắn bó với Chúa trong cầu nguyện, chiêm niệm. Tôi còn nhớ năm 2005 khi tôi mới khấn lần đầu, về cộng đoàn Thủ Đức học triết học và thần học, thì tôi có cơ hội biết cha Lu-y. Tôi thấy cha sống ở cộng đoàn làm việc rất âm thầm, tận tuỵ phục vụ các anh em đau bệnh. Tôi thấy cha chọn lối sống nghèo khó, ăn mặc đơn giản, dễ ăn, dễ ngủ, nhất là đi chăm bệnh ở bệnh viện. Tôi thấy cha trải chiếu ngay hành lang bệnh viện ngủ ngon lành khi chăm thầy Gerado mặc cho người qua kẻ lại ồn ào. Cha không thích mặc quần áo mới, chỉ thích mặc quần áo cũ nên cho hết. Có lần, cha gọi tôi vào phòng cho tôi xem những vật dụng mà người ta tặng cho cha thật đẹp, thật quý nhưng cha nói để cho người khác. Cha chọn một chiếc áo sơ mi ngắn nhất cho tôi, nhưng khi tôi mặc vào, nó vẫn dài vì cha cao hơn tôi nhiều nên tôi nhờ một anh em cắt ngắn lại và tôi còn mặc cho đến bây giờ. Đến năm 2011, cha Lu-y được chuyển về cộng đoàn Đakao, tôi vẫn nhớ hình ảnh cha ở cộng đoàn Thủ Đức thường thức dậy sớm, đi tắm và cử hành thánh lễ chung với anh em Khấn viện. Cha dâng thánh lễ nghiêm trang và soạn bài giảng rất ngắn làm cho anh em Khấn viện chưng hửng khi cha kết thúc. Tuy nhiên, bài giảng của cha là đề tài cho anh em Khấn viện nhớ lâu và mang xuống phòng ăn sáng chia sẻ với nhau trong vui tươi.

Hôm nay, tiễn biệt cha đến nơi an nghỉ cuối cùng, tôi thầm nghĩ cha Lu-y đã hoàn tất cuộc đời trong bình an, hạnh phúc và sống trọn vẹn mối tình trung tín với Chúa. Chúa đã thương gọi cha về đột ngột, để tiếp tục sống cho Chúa và cầu nguyện cho nhiều người như cha Lu-y thường nói: “Chúng ta cầu nguyện cho nhau”. Tôi tin câu nói của cha Lu-y sẽ giúp tôi bước đi trên hành trình về quê Trời. Cám ơn cha Lu-y. Xin Chúa tỏ dung nhan và ôm cha Lu-y vào lòng nhân từ của Chúa.

 

Tu sĩ Phêrô Trần Ngọc Niên, OFM

Chia sẻ