Luật Dòng Phan Sinh Tại Thế như một lời đáp trả lại với Thiên Chúa trong thời đại có nhiều thay đổi to lớn
“Hành động duy nhất mà con người có thế đáp trả lại cho Thiên Chúa, Đấng mạc khải chính mình Người, đó là hành động sẵn sàng không giới hạn. Đây là sự kết hợp của Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến”.
Thế giới đã không biết trước được sự bùng nổ của Covid-19 và dự đoán là cơn đại dịch này sẽ gây nên những thay đổi không ngờ trên thế giới. Trong năm 2007, Nasim Nicholas Tabeb, một nhà thống kê, học giả người Mỹ gốc Liban, nguyên là nhà đầu tư và phân tích rủi ro, đã xuất bản một cuốn sách mang tựa đề: “Thiên Nga Đen: sự tác động của những điều khó xảy ra”. Theo tác giả, những thay đổi lớn nhất trong cuộc sống cá nhân và tập thể luôn bắt đầu từ những điều khó xảy đến và những sự kiện không thể dự đoán được. Đó là ý nghĩa của từ “Thiên nga đen”. Chẳng hạn, cuộc gặp gỡ của thánh Phanxicô với người phong cùi là một “thiên nga đen”. Covid 19 là một thiên nga đen với một hậu quả mang tầm hoàn vũ. Những hiện tượng như thế không có chỗ cho những câu trả lời định sẵn bởi vì chúng không thể đoán trước. Chúng ta không thể lật ngược tình huống cũng như không thể xoay chuyển nó. Nhiều người đã chết, nhiều người đang hấp hối và sự lây lan tiếp tục phát tán. Tuy nhiên, trong thực tế, chúng ta có thể thay đổi, trong 2-4 tuần vừa qua, nhiều thành phố và quốc gia bị phong tỏa. Đây là sự thay đổi. Nhưng sự thay đổi mà hoàn cảnh này bắt buộc chúng ta thì sâu xa hợn. Đó là một sự hoán cải.
Trong một tình huống như thế, luật Dòng Phan sinh tại thế có thể giúp ích cho chúng ta, những người Phan sinh tại thế, như thế nào? Chúng ta được mời gọi kiện toàn đức ái, lòng yêu mến Chúa trên hết mọi sự và yêu người lân cận như Đức Kitô đã yêu chúng ta. Chúng ta không bao giờ được quên đi điều này, bởi vì chính Luật dòng là một con đường dẫn đến điều này, chớ không phải là một cùng đích. Sự hoán cải giữ chúng ta đi trên con đường thích đáng. Hoàn cảnh có thể đổi thay, nhưng lời mời gọi nên thánh còn tồn tại và Luật dòng luôn hữu ích trong mọi trường hợp. Chẳng hạn, bây giờ là thời điểm thích hợp để canh tân đời sống cá nhân và huynh đệ của chúng ta cho phù hợp với Luật dòng mà chúng ta tuyên khấn trong tư cách là những anh em, chị em sống đời hoán cải. Luật dòng nói rõ: “Anh chị em hãy suy nghĩ và hành động giống như Chúa Kitô suy nghĩ và hành động, nhờ một sự thay đổi nội tâm triệt để mà Phúc Âm gọi là hoán cải, nhưng vì tình huống mỏng dòn của loài người, sự hoán cải này cần được hoàn thiện mỗi ngày” (OFS, điều 7.). Như thánh Phao-lô đã nói rằng: “Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (1Cr 13,3). Đức ái thì luôn luôn sáng tạo.
Trong những thời gian này, việc cử hành cộng đồng thậm chí không thể được thực hiện đối với nhiều người, thế nhưng tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa và người lân cận nên được sáng tạo nhiều hơn trong những cách thế cầu nguyện, gặp gỡ và hoạt động. Tổng Hiến Chương dòng Phan Sinh Tại Thế cũng có một vài hướng dẫn đối với sự ảnh hưởng này: “những phương thế để trau dồi sắc thái đặc biệt này của ơn gọi phan Sinh, nơi bản thân và trong huynh đệ đoàn là lắng nghe và cử hành Lời Chúa, kiểm điểm đời sống, tham dự tĩnh tâm, nhận sự trợ giúp của một vị linh hướng, và cử hành phụng vụ sám hối… Hoa trái của sự hoán cải, một sự đáp trả cho tình yêu Thiên Chúa, là hành động bác ái với anh chị em” (Tổng Hiến Chương Dòng Phan Sinh Tại Thế, điều 13, 1-2.) Kinh nghiệm về lệnh đóng của thì mới mẻ đối với nhiều người. Tình trạng không chắc chắn tiếp tục bao trùm lên tất cả khi cơn đại dịch tiếp tục hoành hành trên khắp thế giới. Một điều chắc chắn rằng, Thiên Chúa thì luôn ở với chúng ta, thậm chí Người đã xuống trong lò lửa với Đaniel và những người bạn của ông. Các vị trợ úy tinh thần là và sẽ tiếp tục là một điều hữu ích lớn lao cho anh chị em Phan Sinh Tại Thế, đặc biệt trong những thời gian như thế này.
Kết luận
Nhà thần học Hans Urs Von Balthasar đã mạnh mẽ khẳng định rằng: “cuộc sống là một ơn gọi bởi vì thực tại là một thách đố”. Những hoàn cảnh như bây giờ chắc chắn thúc giục chúng ta tìm kiếm sự trợ giúp của Thiên Chúa như là một nơi nương tựa, nơi trợ lực hoặc như một giải pháp. Giống như thánh Phanxicô, chúng ta có thể hỏi: “Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?” Thời gian này mời gọi sự biện phân trong huynh đệ đoàn và sự mở lòng ra với Thần Khí: “Người nhận biết Thánh Danh, sẽ một niềm tin cậy” (Tv 9,11). Trong một hoàn cảnh như thế, chỉ có thể nghe biết được ý muốn của Thiên Chúa cho chúng ta qua tiếng kêu than của những ai đang chịu khổ. Covid 19 đã mở mắt chúng ta nhìn thấy rằng nhân loại đang hiệp nhất hơn những gì mà nhiều người đang nghĩ. Nếu một người bị lây nhiễm, tất cả chúng ta đều bị nguy hiểm. Nó thúc giục chúng ta chân thành cầu nguyện, hoán cải, và đi đến những hành động cụ thể đối với những anh chị em bị lây nhiễm. Bằng cách làm điều tốt cho những người khác, anh chị em đang làm cho chính anh chị em. Chúng ta nên chấp tay bảo đảm rằng cả những khi chúng ta không có thể đến được với nhau để hội họp hoặc tham dự các cuộc cử hành chung, không một anh chị em nào bị bỏ quên, còn sống hay đã qua đời. Như thánh Phanxicô từng viết: “Khi còn sống trong tội lỗi, mỗi lần trông thấy người phong, tôi lấy làm cay đắng lắm. Nhưng chính Chúa đã dẫn tôi đến với họ và tôi đã tỏ lòng thương xót họ. Và khi rời xa họ, điều trước kia đối với tôi là cay đắng đã trở thành dịu ngọt cho tôi trong tâm hồn cũng như ngoài thể xác” (Di Chúc 2-3). Thiên Chúa có thể chờ đợi chúng ta ngay ở nơi chúng ta không muốn đi. Khi tình yêu người lân cận bó buộc chúng ta từ bỏ những an toàn giả trá để đến giúp những người khác, lúc đó chúng ta sẽ gặp Đức Kitô và điều này sẽ trở thành dịu ngọt cho tâm hồn và thể xác. Luật dòng Phan Sinh Tại Thế là một món quà cho người Phan Sinh Tại Thế chúng ta để sống những thời điểm khó khăn của cơn đại dịch Covid 19 trong niềm vui và hy vọng.
Phêrô Đặng Đình Quản, OFM chuyển ngữ