Skip to content
Main Banner

Tình hình học vấn trong Dòng

Administrator
2008-12-13 00:00 UTC+7 56

Bài phát biểu tại Hội Nghị Quốc Tế về Huấn Luyện và Học Vấn ở Murcia, Tây-ban-nha 2008

Đề tài của tài liệu này rất rộng; có lẽ không thể tổng hợp lại một cách đầy đủ và trọn vẹn. Tuy nhiên, tôi có thể đưa ra một số đường nét khởi đi từ viễn cảnh đặc thù của Văn Phòng TTK Huấn Luyện và Học Vấn.

1. Một cảm thức được đổi mới và một dấn thân quảng đại hơn

Dường như lúc này, thời đại đối đầu giữa Assisi và Paris đã qua, ít nhất là vào những thập niên đã qua. Nếu thực sự mối căng thẳng này còn tồn tại trong Dòng chúng ta, thì ngày nay chúng ta đã ý thức hơn về tầm quan trọng của việc trau dồi học vấn như một phần phải có của đời sống Phan sinh chúng ta. Điều mà tài liệu Ratio Studiorum (Đường Hướng Học Vấn) của chúng ta phải nói cũng thật soi sáng:

Việc học tập, như một "cách diễn tả ước muốn vô biên được biết sâu hơn về Thiên Chúa, vực thẳm ánh sáng và nguồn mạch của mọi sự thật con người" (VC 98), là nền tảng trong đời sống và việc huấn luyện của mỗi anh em hèn mọn, cho dù là thường huấn hoặc chỉ mới ở giai đoạn khởi đầu (điều 3).

Người anh em hèn mọn cảm thấy bị thúc bách từ bên trong, như thành phần trong ơn kêu gọi của mình, phải đi tìm kiếm, hiểu biết và nhận thức rõ sự thật về Thiên Chúa, về con người và các thọ tạo đã được Ngôi Lời mặc lấy xác thịt mạc khải cho biết (GS 53). Vì lý do này, người ấy trau dồi học vấn như một lời đáp trả lại sự thôi thúc này (điều 9).

Những dấu chỉ cụ thể của việc thức tỉnh này là: sự mở cửa hoặc làm sống lại những viện nghiên cứu mới của Dòng anh em hèn mọn; sự tham gia tích cực của những học viện cùng ngành trong thế cộng tác với các Dòng tu khác (Dòng tu cuối cùng tính theo thời gian là tại Abidjan thuộc Bờ Biển Ngà); mối bận tâm tháp nhập truyền thống tri thức Phan sinh vào chương trình giảng dạy thông thường của các ngành học thuật; và con số các anh em đang hoàn thành những công trình nghiên cứu.

Việc nâng cấp trường Antonianum lên thành một Đại học Giáo hoàng là một thí dụ đầu tiên của việc lớn mạnh này. Để được Giáo Hội công nhận, Giáo Hội đòi hỏi phải có một lộ trình mang tính chất hàn lâm chuyên nghiệp, ngang hàng với tiến trình của các Đại học tương đương thuộc Âu Châu mà Tòa Thánh cũng đã sát nhập (thí dụ như Tiến trình của Đại học Bô-lô-nha). Từ đây trở đi, việc nghiên cứu chiều sâu còn cần phải đi xa hơn nữa, vì Dòng muốn có những học viện nghiên cứu riêng của Dòng tại Rôma, với căn tính riêng và sự đóng góp mang tính khoa học đặc thù của Dòng. Những cản trở trong quá khứ liên quan tới Đại học Giáo hoàng Antonianum rõ ràng đã lỗi thời. Tất cả những yêu cầu hiện nay của Đại học Antonianum là lớn lên thành một học viện tự trị và trưởng thành, có khả năng trả lời cho những vấn nạn hóc búa hơn, đặc biệt đã nảy sinh từ những chủ đề lớn trong triết học, thần học, và truyền thống Phan sinh, đó là những vấn nạn về đối thoại, công lý và hòa bình, và huấn luyện, trong sự quy chiếu đặc biệt với thời Trung Cổ.

Việc đưa chương trình đào tạo cao học dành cho những người làm công tác huấn luyện vào trong đại học của chúng ta là một dấu chỉ khác nữa của sức sống đã tìm lại được. Phần lớn điều này có được là do công việc nghiên cứu liên ngành hiện đang được tiến hành, để tìm ra viễn cảnh đúng đắn cho một nền huấn luyện Phan sinh chuyên biệt.

Sự tăng trưởng của các học viện liên kết với Đại học Antonianum là một phần trong tiến trình đổi mới; các học viện đó được kết nối trong một hệ thống "mạng lưới" vượt lên trên một tầm nhìn ngoại vi/trung tâm và đặt nền móng cho một mạng lưới cộng tác mang tính khoa học chặt chẽ, làm lan tỏa làn hơi quốc tế của đại học và của chính Hội Dòng.

Trong các học viện này, tôi ghi nhận việc khai trương hai cấp Cử nhân: một bằng cử nhân về Thần học căn bản tại Học viện Thần học Phan sinh ở Murcia, thuộc Tây-ban-nha (hiện nay thuộc Đại học Antonianum) và một bằng cử nhân khác về Thần học về Phúc âm hóa tại Đại học Petropolis. Hơn nữa, những bằng cấp cử nhân này là những dấu chỉ đáng kể đã được Hội Dòng công nhận, về một cảm thức đã được đổi mới đối với các sinh viên và về mối liên hệ của Hội Dòng với thế giới, để đối thoại với các nền văn hóa và các tôn giáo, và nhắm tới một hoạt động Phúc âm hóa được củng cố chắc chắn bởi sự đóng góp trí thức.

Về mặt các con số thống kê, hiện thời Dòng chúng ta có 9 đại học và khoảng 40 viện nghiên cứu, một cách độc lập hoặc cộng tác với các viện nghiên cứu khác, hầu hết có những môn học căn bản về Triết và Thần học. Một số học viện vừa mới được thành lập trong thời gian gần đây, một số khác đã có một truyền thống tốt đẹp từ lâu. Tất cả buộc phải thẩm định lại sứ vụ và căn tính hàn lâm của mình trong thời điểm này. Đặc biệt, tôi nêu ra những học viện mà mới đây (với sự chuẩn nhận của Cha TPV) đã ký một hợp đồng hợp tác và trao đổi, và thiết lập một bản đồ các nơi chốn, trong đó việc nghiên cứu và trau dồi được thực hiện trong Hội Dòng ở tầm mức quốc tế, vượt qua những rào chắn cũ. Tôi đang nói về Đại học Antonianum thuộc quyền Giáo hoàng, Trung Tâm Học Vấn Phan Sinh tại Canterbury (Anh Quốc), Viện Phan Sinh thuộc Đại học Thánh Bonaventura (New York) và Trường Thần học Phan Sinh tại Berkeley (California).

Thực khó để có một cái nhìn đầy đủ về con số những anh em hiện nay đang giảng dạy hoặc đang nghiên cứu. Anh TTK không cung cấp cho chúng tôi một danh sách được cập nhật. Tuy nhiên, dựa trên những cuộc thăm viếng và tiếp xúc đã được thực hiện, dường như số lượng vẫn tương đối như trước, đặc biệt liên quan tới việc giảng dạy. Ít người muốn đi vào lãnh vực nghiên cứu, vì thực sự không có nhiều anh em được rảnh khỏi những sự bó buộc khác, hầu dành đủ thời gian cho việc nghiên cứu và xuất bản. Trong Hội Dòng, việc xuất bản những tờ báo có tính chất khoa học cũng ở mức độ khiêm tốn, trong lúc có những tờ báo mới lại xuất hiện ngay trong những học viện được đề cập ở phần trên.

Sau Công đồng Vatican II, các vị TPV đã dành một sự quan tâm lớn tới vấn đề nghiên cứu, nhắc nhở anh em về chiều kích quan trọng này. Cho phép tôi liệt kê dưới đây những tài liệu chứng minh cho mối quan tâm thường xuyên đó trong 40 năm trước đây:

• Việc huấn luyện trong Dòng anh em hèn mọn. Tài liệu của TTN ngoại thường tại Medellin, từ ngày 22-8 đến 24-9-1971.
• Sứ điệp của các Tổng Phục Vụ Dòng I và Dòng III Tại Viện nhân dịp 700 năm ngày qua đời của Thánh Bonaventura (04-01-1974).
• Học vấn và truyền giáo trong Dòng anh em hèn mọn hôm nay. Thư của Anh TPV (13-6-1981).
• Cổ võ các nghiên cứu trong Dòng chúng ta. Diễn văn của Anh TPV gửi đến Hội Nghị đại diện các Viện nghiên cứu Phan sinh (05-7-1994).
• Đường Hướng Học Vấn của Dòng AEHM, "In notitia veritatis proficere" (25-3-2001)
• Diễn văn của Anh TPV cho Hội Nghị Quốc Tế các Viện trưởng các Đại học và các Giám đốc các Trung tâm Nghiên cứu Phan sinh (20-9-2001).

Anh TPV đương kim đã dành một lá thư để nói tới chủ đề này, Hương vị của Lời (13-3-2005). Qua lá thư này, anh đề nghị một lộ trình khôn ngoan để tái thu hồi, như một phần của đoàn sủng của chúng ta, ơn gọi tri thức của Người Anh em hèn mọn kể từ Thánh Phanxicô cho tới ngày nay, với quy chiếu đặc biệt về ơn gọi Phúc âm hóa của Hội Dòng. Một mối quan tâm thường hằng trong lá thư cũng là việc trau dồi học vấn, với niềm say mê và óc sáng tạo, nhằm một đối thoại cởi mở và hiểu quả với các nền văn hóa hôm nay.

2. Giá trị của Truyền thống Trí thức Phan sinh

Chúng ta đang chứng kiến một ý thức và một niềm say mê đã được đổi mới đối với sự phát triển của Truyền thống Trí thức Phan sinh chúng ta trong vòng tám thế kỷ và thậm chí từ lúc Dòng được thành lập trong lịch sử. Tuy nhiên, bất kỳ ở đâu, các người huấn luyện đang có chút lo lắng về cách thức làm cho các ứng sinh hiểu biết truyền thống lâu đời này, không chỉ theo quan điểm khảo cổ (tôi muốn nói như thế), mà còn với tất cả những hệ lụy của nó hiện nay.

Vấn đề được nhấn mạnh là thế này: chúng ta đang làm Triết học và Thần học như thế nào? Chúng ta đang nghiên cứu thế giới khoa học hiện tại và thế giới các ngành nghệ thuật từ quan điểm của con người, vũ trụ và Thiên Chúa mà chúng ta thường tìm thấy trong truyền thống của chúng ta như thế nào? Không chỉ là biết các công trình và các tư tưởng của các tác giả thuộc trường phái suy tư Phan sinh, nhưng còn là hấp thụ tinh thần của trường phái như chúng ta được kêu gọi để thực hiện trong thời đại của chúng ta, ngõ hầu làm công việc nghiên cứu và so sánh hiệu quả hơn từ trong đó. Rõ ràng là một công việc như thế đòi hỏi biết bao; với lại, ta cũng không thể tránh khỏi! Việc hiểu biết và trau dồi truyền thống trí thức Phan sinh, cũng như tư tưởng khoa học và mỹ học, bắt buộc chúng ta phải có một tổng hợp đã được đổi mới về đời sống và tư tưởng. Trong tiến trình này, thay vì là những nhà nghiên cứu sáng tạo, chúng ta đã trở thành những kẻ lặp lại và đôi khi, mệt mỏi. Và điều này không chỉ do những nghiên cứu và các anh em có dính líu vào các nghiên cứu ấy, mà đây cũng còn là một tấm gương phản ánh một tình trạng rộng lớn hơn trong Hội Dòng. Thật vậy, bất cứ một sự đột phá mới nào trong việc nghiên cứu cũng chỉ có thể đến từ một sự hiến mình triệt để và sâu xa cho ơn gọi và sứ mạng của chúng ta trong thời đại này. Cần một chương trình hoạt động mới để có thể gợi ra một lý thuyết có tính chất sáng tạo hơn, để trở lại, với những cố gắng mới, một cách thực hành có sức biến đổi hơn, v.v..

Chỉ có thể có một phân tích về chiều sâu của truyền thống trí thức Phan sinh, nếu chúng ta tiếp tục cố gắng thực hiện những ấn bản phê bình của các tôn sư Phan sinh đi kèm với những giải thích của các ngài. Vì mục đích đó, Hội Dòng đã phân biệt những định chế đã hoạt động trong lãnh vực này. Tôi nhớ đến Học viện Thánh Bonaventura của các anh em thuộc nhà xuất bản Quaracchi đã được Anh Bernardino Portogruaro thành lập vào năm 1877, đặc biệt nhằm nghiên cứu để xuất bản có phê bình các tác phẩm của Vị Tiến sĩ chí ái. Anh đã làm việc cật lực và tiếp tục làm việc để xuất bản những bản văn khác và nhằm công việc nghiên cứu lịch sử, được diễn tả đặc biệt trong tạp chí uy tín là Archivum Franciscanum Historicum, mà cách đây không lâu đã cử hành bách chu niên lần thứ nhất ngày ra mắt. Học viện này - kể từ ngày 1-7 sẽ được chuyển từ Grottaferrata về tu viện Thánh Isiđôrô tại Rôma - đang trải qua một giai đoạn tế nhị trong lịch sử của nó do nhu cầu khẩn thiết là phải có những nhà nghiên cứu mới để cho một công việc phục vụ quý báu như thế không phải chết đi. Các TCV đang làm việc để xác định những bước cần thiết cho có một tầm nhìn mới và cho sứ mạng của chính Học viện này, trong khi vẫn trung thành với các mục đích của nó trong tư cách là một định chế.

Uỷ Ban về Scot tại Rôma, trong vòng hơn 50 năm, đã làm việc trên ấn bản phê bình các tác phẩm của vị Tiến sĩ tế vi. Được Anh Calo Balic thành lập tại Đại học Antonianum nhằm nối tiếp phân ngành vẫn tích cực làm việc về Scot thuộc Học viện Quarrachi, Uỷ Ban này đang hoàn tất việc xuất bản các tác phẩm triết học của vị Tiến sĩ tế vi, do chỗ người ta không thể nào biết rõ nhất và nghiên cứu sâu sắc các tư tưởng của ngài nếu không trực tiếp tiếp cận với các nguồn.

Tôi tận dụng cơ hội này để đưa ra một lời kêu gọi tới Hội đồng này: làm cho có thể có một, nếu không phải là hai anh em, được chuẩn bị cho công việc khoa học trong các học viện của Hội Dòng; đây là một công việc vừa đòi hỏi lại vừa âm thầm, nhưng dù sao cũng rất có giá trị.
Học viện Phan sinh tại Đại học Thánh Bonaventura ở New York đang làm công việc xuất bản và phiên dịch sang Anh ngữ tất cả các tác phẩm của Thánh Bonaventura. Tuy nhiên, Đại học Washington có một nhóm các nhà khoa học đang làm việc trên ấn bản phê bình các tác phẩm triết học của Duns Scotus; với phép của Anh TPV, chính họ đã sử dụng chất liệu của Uỷ Ban Scot của Hội Dòng.

Cách đây không lâu tại Nhật Bản, một trung tâm đã được thành lập để vừa nghiên cứu và vừa xuất bản các công trình của vị Tiến sĩ tế vi, con người có những tư tưởng thu hút được cả các học giả thuộc các tôn giáo khác. Đây là một dấu chỉ khích lệ cho hiểu có thể có một công việc so sánh mang tính khoa học và cuộc tranh luận được mở ra do cái nhìn về con người và thế giới của truyền thống Phan sinh.

Hoạt động của các học viện này cho phép các chuyên gia Phan sinh tiếp tục xuất bản với những dụng cụ riêng của họ để nghiên cứu, phân tích và xuất bản có phê bình. Theo thiển ý, cần phải cổ võ để anh em có thể đọc truyền thống tri thức Phan sinh trong những bối cảnh văn hóa mới như Phi Châu và Á Châu. Quan tâm tới các giá trị về tình liên đới và về gia đình; so sánh với các tôn giáo khác lớn hơn và cổ xưa hơn trên thế giới; quan tâm tới các phong phú về văn hóa của các lục địa này, những lục địa hoặc đang gây áp lực trên khung cảnh toàn cầu, hoặc đang liên tục kêu lên phản đối tình trạng bất cân bằng tồi tệ mà họ là nạn nhân.

Nếu trong truyền thống của chúng ta, một cái nhìn mang tính quan phòng về lịch sử chúng ta với chút ảnh hưởng học thuyết Thánh Âutinh vẫn còn sống động, giúp đọc lại ý nghĩa và chỗ đứng của Hội Dòng trong lịch sử thế giới và Giáo Hội, thì ngày nay chúng ta có thể tăng cường thêm cho lối đọc đó. Ta có thể làm được việc này nhờ gặp gỡ các bối cảnh mới, nhờ để ý hơn đến các cuộc gặp gỡ của chúng ta với những người nam người nữ thuộc những truyền thống tôn giáo và văn hóa khác, và thậm chí nhờ đối diện với các thách đố lớn lao hôm nay, được trình bày qua những đề tài và những thực tại gắn chặt với việc cổ võ công lý và hòa bình.

3. Những xu hướng trân trọng các nghiên cứu cấp cao

Càng ngày trong các Tỉnh Dòng và Hạt Dòng chúng ta, càng thấy rõ ràng và phổ biến hơn nhu cầu cần một sự chuẩn bị nghiêm túc, kể cả các học giả chuyên viên, hầu đáp ứng các đòi hỏi của nhiều ngành phục vụ. Rõ ràng đa số anh em đã đi vào những nghiên cứu sâu hơn sẽ được nhắm cho giảng dạy tại các Học viện khác nhau, cho làm công tác thường huấn và huấn luyện khởi đầu, cũng như làm việc trong công việc chuyên biệt về Phúc âm hóa. Anh em vẫn ưu tiên cho ngành Thần học, khi chọn lựa theo đuổi nghiên cứu cao độ hơn các ngành học thuật. Còn tôi thấy ở vào hàng thứ hai là các môn học liên quan tới mục vụ, từ mục vụ tổng quát cho tới mục vụ chuyên biệt hơn liên quan tới giới trẻ, các ơn gọi và truyền giáo. Ngay cả các ngành sư phạm và tâm lý cũng đang được yêu cầu, còn triết học thì hầu như xếp ở chỗ cuối. Có lẽ đây là những dấu chỉ nhè nhẹ cho thấy có một khó khăn khi phải đối diện với những rào cản của suy tư có phê bình và của luồng tư tưởng đương đại. Có những anh em học chuyên sâu trong các lãnh vực nghệ thuật, âm nhạc và ca hát. Còn đầu tư trực tiếp hơn vào các môn học chuyên nghiệp và kỹ thuật đang trở nên khan hiếm hơn.

Thông thường, các Tỉnh Dòng phải là những người khích động các anh em học hành cao hơn nữa, ngay cả nhiều năm sau khi khấn trọng và chịu chức thánh. Những anh em có thể trình được một chương trình học tập như nền tảng cho công cuộc đối thoại với các ngành phục vụ khác nhau (thí dụ công tác huấn luyện, JPIC, Phúc âm hóa, v.v.) tại các Thực thể Dòng (Tỉnh Dòng) thì không thiếu. Về điểm này, tôi phải than trách rằng có những thí dụ về một đối thoại nghèo nàn không có khả năng cứu xét một đề tài rất tế nhị, cũng như không có khả năng thường xuyên định hướng có kế hoạch cho việc học tập đáp ứng lại các nhu cầu của Tỉnh Dòng hoặc Hạt Dòng. Kết quả cho thấy, việc ứng sinh chạy theo những con đường riêng lẻ là không thiếu, qua đó họ tự mình chọn lựa và theo đuổi những môn học theo ý riêng của họ. Thường đến cuối một chu kỳ học hành, chúng tôi đã thấy có những anh em theo đuổi lãnh vực học tập riêng theo kiểu độc quyền. Hơn nữa, tôi phải nói thêm rằng: trong Hội Dòng, rất phổ biến mối nguy hiểm là chọn các môn học như một con đường cá nhân/cho riêng bản thân, để tự khẳng định mình hoặc để tìm thăng tiến về xã hội, loại học hành dẫn tới chức danh cao nhất, nhưng tự bản chất là phàm tục. Khi đó, anh em có nguy cơ là tạo ra một cái ổ riêng và sử dụng thời gian và kết quả làm việc của mình kiểu tự trị. Một số Thực thể Dòng đã đang bám cứng lấy tiến trình tạo chuyên viên như thế để giảng dạy và làm những loại công việc khác. Thật vậy, Ratio Studiorum (Đường Hướng Học Vấn) của chúng ta nhắc nhớ rằng, khi học hành, chúng ta phải nhớ trong trí "những chọn lựa nền tảng phân biệt rõ lối sống của người Phan sinh chúng ta" (điều 19). Cũng trong tinh thần này, "người anh em hèn mọn không được xem một chương trình học hoặc việc đạt được một chức danh hàn lâm như một lý do để tự hào hoặc một dịp để thăng tiến tới một đặc cấp nào đó; đúng hơn, người ấy phải vui mừng đem kết quả do việc lao động trí thức họ làm ra được để cho cộng đoàn tùy ý hưởng dùng" (RS 11).

4. Sự thống nhất huấn luyện khởi đầu và học vấn

Chủ đề này ở tại trung tâm công tác của Hội Đồng Quốc Tế về Huấn Luyện và Học Vấn. Chúng tôi muốn thắt chặt mối dây này, vì sự thống nhất giữa Huấn luyện và Học vấn vẫn còn quá bề ngoài, điều này giải thích lý do tại sao lộ trình huấn luyện của chúng ta có vẻ như chạy song song với chương trình học tập. Ngoài ra, việc học những bộ môn triết và thần xem ra không luôn luôn thúc đẩy người sinh viên xét duyệt lại cách tiếp cận trí tuệ của họ liên quan tới con người và đức tin.

Cùng với phương diện này, chuyện sống còn hôm nay là chúng ta phải vừa đào sâu kiến thức lại phải vừa tận dụng được các phương tiện truyền thông xã hội. Đối với nhiều người, những phương tiện truyền thông xã hội đã giành được tầm quan trọng đến mức trở nên dụng cụ chính trong việc dẫn đường và gợi hứng cho cá nhân, gia đình và cách ứng xử trong xã hội. Một tình trạng tương tự đang ảnh hưởng rất sâu sát tới chúng ta và đụng chạm mỗi lúc mỗi nhiều hơn tới não trạng và việc huấn luyện của các ứng sinh cũng như của nhiều anh em chúng ta. Trong việc huấn luyện, chúng ta được kêu gọi ý thức về tình trạng này, mà không tán dương nó một cách ngây thơ hoặc thụ động. Đúng hơn, đây là chuyện cổ võ cho có một ý thức đúng đắn và tích cực về một thứ Arêôpagô hiện đại, một thứ diễn đàn đi từ chỗ chỉ là một thứ phương tiện và dụng cụ, nay trở thành một "vị trí" thực sự để truyền thông và loan báo. Vì lý do này, điều yêu cầu là phải thay đổi não trạng. Để có thể lắng nghe được dấu chỉ này trong thời đại chúng ta, ta phải suy nghĩ một cách sâu xa, tích cực, sáng tạo và có phê phán.

..........................

Fr. Massimo Fusarelli, OFM

 

Chia sẻ