Skip to content
Main Banner
Ngôn ngữ

ĐỨC BÀ MÔNG TRIỆU TRONG TRUYỀN THỐNG PHAN SINH

Administrator
2023-08-25 00:00 UTC+7 518

Anh Stefano Cecchin, OFM: Những lý do thần học của tín điều Đức Bà Mông Triệu

Dưới đây là bài viết của anh Stefano Cecchin OFM, Giám đốc Giáo hoàng Học viện Thánh Mẫu Quốc tế, cơ quan của Tòa thánh chịu trách nhiệm thúc đẩy và cổ võ khoa Thánh Mẫu học.

Lễ Đức Bà Mông Triệu đưa các anh em Phan sinh trở lại ngôi nhà thờ nhỏ Đức Bà Các ThiênThần, cái nôi của Dòng, nơi đã được dâng kính cho Mẹ Mông Triệu ngay từ những ngày đầu tiên. Điều này được thể hiện trong bức bích họa phía sau bàn thờ do Ilario da Viterbo vẽ “thiên thần trao cho Đức Mẹ nhành lá thiên tuế” khi thông báo về cái chết sắp xảy ra của Mẹ theo phúc âm ngụy thư được gọi là “Transito Romano”. Lòng sùng kính của Phanxicô dành cho Mẹ Mông Triệu được Bônaventura ghi nhớ khi viết: “Ngài yêu mến Mẹ của Chúa Giêsu với một tình yêu khôn tả, bởi vì Mẹ đã làm cho Đấng vốn là Chúa Uy Nghi trở thành một người anh em của chúng ta, và qua Mẹ, chúng ta đã được hưởng lòng thương xót. Ngoài Chúa Kitô, ngài đặt tất cả lòng tin cậy nơi Mẹ, và chọn Mẹ làm đấng bàu chữa cho mình và cho anh em mình. Để tôn kính Mẹ, ngài thường hết lòng sốt sắng ăn chay từ lễ hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô cho đến lễ Mông Triệu.” (FF 1165)

Vào thời điểm mà lễ Vô Nhiễm Nguyên Tội cũng như lễ Mông Triệu bị chỉ trích mạnh mẽ từ những người cho là không có nền tảng Kinh Thánh, thì dường như Phanxicô đã không có một chút nghi ngờ. Vì vậy, các anh em Phan sinh đã thừa hưởng lòng sùng kính đặc biệt này từ người Cha Chí ái của họ, và đã phổ biến tinh thần này, như được nhắc lại trong tông hiến Munificentissimus Deus của Đức Piô XII. Tông hiến chỉ ra những bậc thầy Phan sinh lỗi lạc đã cổ xúy tinh thần ấy, chẳng hạn như Antôn Pađôva, Bônaventura và Bênađinô Siêna. Người cuối cùng đã “tóm tắt và đánh giá một cách cẩn thận tất cả những gì các thần học gia thời Trung cổ đã nói về mầu nhiệm Mông Triệu, không giới hạn trong việc trình bày những nghiên cứu quan trọng đã được các học giả tiền bối đề xuất, mà còn bổ sung thêm nhiều luận điểm khác”. Do đó, được truyền cảm hứng từ các bậc thầy Phan sinh vĩ đại khác như Matteo d'Acquasparta và Ubertino da Casale, ngài đã trình bày lại các lý do thần học về ơn Mẹ được đưa lên trời trong bảy lập luận; đó là:

1) sự kết hợp sâu xa giữa Mẹ và Con, đến nỗi khi Chúa Kitô phục sinh, Đức Maria cũng phải được phục sinh;

2) sự đồng trinh vẹn toàn, vốn đã làm cho Đức Maria không bị hư nát khi sinh con, khiến Mẹ cũng không bị hư nát như là hậu quả của việc an táng trong huyệt mộ: thực vậy, Tin Mừng cũng dạy rằng sự đồng trinh là dấu chỉ của sự sống lại trong tương lai (x. Lc 20,34-36);

3) giới răn “thảo kính cha mẹ” đòi Chúa Kitô phải tôn kính mẹ mình một cách rất đặc biệt, không những lúc còn sống mà cả sau khi chết;

4) Đức Maria lúc bấy giờ là nơi duy nhất và không thể lặp lại của việc nhập thể của Con Thiên Chúa, “Trinh nữ làm nên Giáo hội”, một nơi không thể bị phá hủy bởi cái chết;

5) Mẹ là môn đệ đầu tiên của Chúa Kitô, mẫu gương hoàn hảo của người môn đệ, đã trung thành theo Người trên mọi bước đường đời của Mẹ, đúng theo diễn tả của Tin Mừng: “Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó.” (Ga 12,26), nên Mẹ cũng “không thể ở đâu khác ngoài nơi Chúa Kitô ở”;

6) vì Đức Maria là “Đấng đầy ơn phước”, nên niềm hạnh phúc sung mãn trên trời đòi hỏi sự hiệp nhất của ngôi vị, điều này được thực hiện trong sự kết hợp giữa thể xác với linh hồn, đó là lý do tại sao linh hồn của Mẹ phải hiệp nhất với thể xác sau khi chết để hưởng phúc miên trường;

7) cuối cùng, theo sự tinh tế của khoa nhân luận thần học Phan sinh, vốn liên kết người nam với người nữ, Chúa Giêsu và Mẹ Maria, và cũng được thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II tái khẳng định, sự bình đẳng giới đã được dự tính cho toàn thể nhân loại, nghĩa là cả người nam và người nữ, đều được phục hồi nhờ Chúa Kitô. Và, vì sự Phục sinh là ơn cứu chuộc tối hậu, nên nó phải được thể hiện nơi cả người nam lẫn người nữ, nơi Chúa Giêsu và Mẹ Maria, để hoàn tất công trình cứu chuộc một cách trọn vẹn, và để Đức Maria cũng trở thành chứng nhân cho sự phục sinh, hầu trên trời không chỉ có nguyên lý dương mà còn có nguyên lý âm, nghĩa là toàn thể nhân loại - “Người đã tạo dựng họ có nam có nữ” (St 1,26-27), để họ nên một.

Về những lập luận này, như Đức Piô XII đã chỉ ra, Bênađinô Siêna đã thêm một bằng chứng khác. Ngài nói, trong Giáo hội, từ thời cổ đại đã có việc tôn kính các thánh tích và mộ các thánh. Tuy nhiên, đối với Đức Maria, chỉ có ngôi mộ trống. Thân xác của Mẹ ở đâu? Làm sao Giáo hội có thể nhiệt thành gìn giữ thân xác các vị tử đạo và các thánh, mà lại quên mất thân xác của Nữ Vương các thánh? Bênađinô kết luận rằng việc thiếu vắng thân xác này là dấu hiệu chứng tỏ Mẹ không còn ở dưới đất mà ở trên trời, nơi Mẹ tiếp tục sứ mệnh của mình với tư cách là Mẹ, Đấng Trung gian và Trạng sư của chúng ta.

Sau khi tín điều Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội được công bố, thì vào năm 1863 bắt đầu xuất hiện phong trào Mông Triệu, trong đó một tu sĩ [OFM] người Tuscan, Remigio Buselli, đã góp phần xuất bản một công trình được coi là chuyên luận khoa học đầu tiên về Đức Bà Mông Triệu: Đức Trinh Nữ Maria sống trên thiên đàng trọn vẹn cả hồn lẫn xác (La Vergine Maria vivente in corpo ed anima in cielo, Firenze 1863). Trong tác phẩm này, tác giả khuyến khích toàn thể gia đình Phan sinh tiếp tục vai trò cổ vũ Thánh Mẫu học trong Giáo hội, bằng cách củng cố lý chứng tín điều Mông Triệu để bổ sung cho tín điều Vô nhiễm Nguyên tội.

Lời kêu gọi đã được đón nhận nồng nhiệt. Nhiều nghiên cứu và sáng kiến liên tục trình làng, đến nỗi vào ngày 26 tháng 7 năm 1946 Hội đồng Dòng đã thành lập Ủy ban Thánh Mẫu Phan sinh (Commissio Marialis Franciscana), -và năm nay được tái lập tại Giáo hoàng Học viện Thánh Mẫu Quốc tế (Pontificia Academia Mariana Internationalis: PAMI) ở Antonianum-, nhằm mục đích phối hợp các Tỉnh dòng trong việc nghiên cứu Thánh Mẫu học, những nghiên cứu sau đó được kiến giải để làm cơ sở cho định nghĩa tín lý khả dĩ về mầu nhiệm Mông Triệu. Văn khố PAMI thu thập tất cả các sáng kiến mà các Tỉnh dòng khác nhau đã thực hiện cho đến khi tín điều được công bố. Cũng phải kể thêm 7 Hội nghị Phan sinh về Mông Triệu do cha Carlo Balic OFM tổ chức, nhờ đó mọi sự đã được chuẩn bị sẵn sàng để thuyết phục Đức Giáo hoàng Piô XII công bố tín điều vào ngày 1 tháng 11 năm 1950.

Có một sự thật là hai tín điều về Đức Mẹ, mà một số người định nghĩa là của Phan sinh, đã được công bố nhờ sự đóng góp to lớn của toàn thể gia đình Phan sinh hiệp nhất và đoàn kết. Đức Maria được đưa lên trời là một dấu chỉ hy vọng chắc chắn cho số phận cuối cùng của tất cả mọi người. Mẹ tỏa sáng lung linh trong hào quang thánh thiện như một bằng chứng rằng con cái Mẹ thực sự có thể “sống Tin Mừng Thánh”, như chính Mẹ đã từng sống. Mẹ là “Trinh nữ làm nên Giáo hội”, là ngôi nhà nữ tính (oikos) đã đón nhận, chở che và nuôi dưỡng Ngôi Lời, toàn tâm toàn ý với Người để trở nên mẫu mực cho chúng ta về cách sống đời Kitô hữu. Mẹ là nơi, như các bậc thầy Phan sinh đã dạy, để Thiên Chúa làm hòa với nhân loại. Chính tên của Mẹ, “Maria”, có nghĩa là “đất trời nối kết”, tỏa sáng nơi người phụ nữ trong sách Khải huyền, như đạt đến cảnh giới hòa hợp một cách hoàn hảo và rực rỡ với mọi thụ tạo. Mẹ là người đã cho Chúa Giêsu một thân xác làm từ đất để trái đất được thần hóa nhờ kết hợp với Thiên Chúa.

Và vì Chúa Giêsu đã từng thuộc về thê gian này, nên ngài cũng trải qua con đường sự chết để mở cánh cửa dẫn đến bất tử ngang qua phục sinh. Cũng thế, Mẹ đã bước đi trên con đường ấy để sống theo Con của Mẹ một cách hoàn hảo, qua cái chết và sự phục sinh của Người. Cuối cùng, chúng ta không được quên rằng, theo truyền thống, thánh Phanxicô đã viết dòng chữ sau đây trên mặt tiền nhà nguyện Porziuncola: “Đây là cửa dẫn đến cuộc sống vĩnh cửu”. Vì vậy, để hoàn tất việc theo Chúa Kitô trong mọi sự, ngài đã muốn từ bỏ thế gian này bằng cách noi gương Chúa Giêsu, Đấng trên thập giá không chết một mình nhưng với sự hiện diện của Mẹ Người. Đó là lý do tại sao Phanxicô đã để mình được đưa đến Nhà nguyện Đức Bà Các Thiên Thần, để được chết cùng với Mẹ Chúa.

Chúng ta cũng đừng quên thánh Clara, người vào lúc lâm chung đã được Đức Trinh Nữ hiện ra an ủi, hai khuôn mặt diện đối diện, giống nhau đến mức không thể phân biệt. Có lẽ cũng vì lý do này mà trong kinh Kính Mừng, một lời kinh được các anh em Phan sinh yêu mến và phổ biến, chúng ta kết thúc bằng câu: “Cầu cho chúng con bây giờ và trong giờ lâm tử”.

(Nguồn: https://ofm.org/l-assunzione-nella-tradizione-francescana.html)

Chia sẻ