Thẩm quyền truyền giáo và vai trò lãnh đạo mang tính ngôn sứ của phụ nữ trong Giáo hội sơ khai
Christine Schenk CSJ
Khi còn là nữ tu trẻ dòng Thánh Giuse, tôi rất khao khát được học hỏi về các bậc tiền bối trong đức tin. Mặc dù tôi vô cùng yêu thích các bản văn Kinh Thánh, nhưng đôi khi thật khó để tôi nhìn thấy chính mình trong đó bởi vì các bài đọc Kinh Thánh của chúng ta hầu như luôn nói về các vị tổ phụ của chúng ta. Các nữ môn đệ tận tụy của Chúa Giêsu gần như không được nói đến, ngoại trừ Đức Maria Nazareth. Khi tôi bắt đầu học thạc sĩ thần học tại chủng viện địa phương, tôi say mê các thông tin về những nữ Kitô hữu trong thời kỳ đầu của Giáo hội. Trong loạt bốn bài tiểu luận này, tôi hy vọng truy tìm nguồn gốc lịch sử của các cộng đồng nữ tu và có lẽ giúp độc giả bắt đầu nhận ra chính mình trong lịch sử Kitô giáo sơ khai của chúng ta.
Kitô giáo lan rộng
Kitô giáo lan rộng nhanh chóng khắp Đế quốc Roma một phần nhờ vào sáng kiến của các nữ tông đồ, các nữ ngôn sứ, các nhà truyền giáo phụ nữ, những người đứng đầu các hội thánh tại gia và các góa phụ. Sự phát triển của Kitô giáo cũng có thể được xem là nhờ sự hỗ trợ tài chính từ các nữ doanh nhân Kitô giáo như Maria thành Magdala và Joanna (x. Lk 8,1-3), Lydia (x. Cv 16,11-40), Phoebe (x. Rm 16,1-2), Olympias, một phó tế ở thế kỷ thứ tư, và những người khác. Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã nhìn nhận điều này vào ngày 14 tháng 2 năm 2007 khi ngài nói, “nếu không có sự đóng góp quảng đại của nhiều phụ nữ, lịch sử Kitô giáo sẽ phát triển rất khác”. Ngài cũng lưu ý rằng “sự hiện diện của phụ nữ trong Giáo hội nguyên thủy không hề là điều thứ yếu”.
Hội thánh tại gia
Các Hội thánh tại gia đầu tiên được lãnh đạo bởi những phụ nữ như Grapte, một nhà lãnh đạo cộng đồng các góa phụ vào thế kỷ thứ hai, những người chăm sóc trẻ mồ côi ở Roma (Hình 1) và Tabitha, một góa phụ sống vào thế kỷ thứ nhất “dấn thân làm việc tốt và làm việc bác ái” (xem Cv 9,36-43); bà đã thành lập một cộng đoàn Hội thánh tại gia ở Joppa. Thông qua Hội thánh tại gia, các Kitô hữu tiên khởi có thể tiếp cận các mạng lưới xã hội và từ đó họ tiếp xúc với những người thuộc các tầng lớp xã hội khác nhau.
Khi một nữ chủ nhân của gia đình, có thể là một góa phụ giàu có như Tabitha, hoặc một phụ nữ được tự do, như Prisca (x. Rm 16,3-5), đã theo Kitô giáo, các nhà truyền giáo Kitô giáo như Junia (x. Rm 16,7) hoặc Thánh Phaolô, không chỉ tiếp cận với gia đình của họ mà còn cả mạng lưới do họ bảo trợ. Điều này có nghĩa là những nô lệ, những người được trả tự do, trẻ em, họ hàng và những khách hàng thân thiết của họ cũng sẽ theo đạo. Do đó, khi Thánh Phaolô giúp bà Lydia theo đạo (xem Công vụ 16,11-15), ngài tự động có được quyền tiếp cận với nhiều mối quan hệ xã hội và có lượng khán giả đông đảo hơn (Hình 2). Trong cuốn sách nghiên cứu cặn kẽ về họ, A Woman's Place, Carolyn Osiek và Margaret Y. MacDonald chứng minh rằng các nữ Kitô hữu thuộc tầng lớp thấp hơn có thể bắt đầu công việc của họ trong mạng lưới xã hội Kitô giáo của họ và được bảo đảm về mặt tài chính. Điều này mang lại cho họ địa vị cao hơn và quyền tự do đi lại, đặc biệt là trong toàn đại gia đình thời cổ đại.
Các nhà truyền giáo nữ
Celsus, một nhà phê bình nổi tiếng đối với Giáo hội thời sơ khai, nói không nhiều về việc truyền giáo bởi các phụ nữ. Tuy nhiên, ông đã cung cấp bằng chứng về sáng kiến của phụ nữ trong Kitô giáo sơ khai khi ông nói rằng các Kitô hữu thuyết phục mọi người không “bỏ cha mẹ và những người hướng dẫn của họ..." (Origin, Contro Celsus).
Lời phê bình của Celsus trùng hợp với bằng chứng từ các văn bản Kitô giáo khác thời sơ khai. Những bản văn này nói rằng việc truyền giáo được thực hiện từ người này sang người khác, từ nhà này sang nhà khác, bởi các phụ nữ đã tiếp cận với các phụ nữ, trẻ em, những người tự do và các nô lệ khác. Lời phê bình của ông cho chúng ta biết rằng các nữ Kitô hữu (và một số người nam tốt lành) đã chủ động vượt ra ngoài các quy tắc phụ hệ bởi vì niềm tin của họ vào Chúa Giêsu.
Đóng góp cụ thể của phụ nữ
Có ba điểm khác biệt đáng kể giữa xã hội Roma thế kỷ I và thế kỷ IV; điều này có thể là do sứ vụ truyền giáo và lãnh đạo của các nữ Kitô hữu. Trước hết, vào thế kỷ thứ IV, quyền tự do lựa chọn cuộc sống độc thân đã phá bỏ một cách hiệu quả một điểm chính yếu của chế độ phụ hệ - hôn nhân bắt buộc. Điểm thứ hai, các Kitô hữu góa phụ và trinh nữ đã giải cứu, giúp hòa nhập xã hội, rửa tội và giáo dục hàng ngàn trẻ mồ côi. Thứ ba, mạng lưới gia đình và các hoạt động truyền giáo của phụ nữ đóng vai trò hàng đầu trong việc biến đổi xã hội Roma từ một nền văn hóa chủ yếu là ngoại giáo sang nền văn hóa chủ yếu là Kitô giáo.
Kết luận
Các yếu tố của đời sống tu trì có thể được nhận ra không chỉ nơi các cộng đồng góa phụ đầu tiên như Grapte và Tabitha, mà còn nơi những người phụ nữ chọn cuộc sống độc thân, chẳng hạn như bốn nữ ngôn sứ con của ông Phillip (x. Cv 21,9) và các cộng đồng phụ nữ ở Tiểu Á được trình bày trong Công vụ của Thecla (Hình 3). Phụ nữ trong các cộng đồng này không chỉ giải cứu trẻ mồ côi và góa phụ nghèo, mà còn lên tiếng trong các cuộc họp của Giáo hội thời sơ khai (x. 1 Cor 11, Acts 21,8-10). Việc họ thực thi quyền bính trái ngược với văn hóa trong bối cảnh đời sống gia đình hàng ngày là một chìa khóa không được báo trước cho sự phát triển nhanh chóng của Kitô giáo. Khả năng truyền giáo và lãnh đạo mang tính ngôn sứ của phụ nữ trong mạng lưới xã hội mở rộng của họ đã thay đổi bộ mặt của Đế quốc Roma.
Tài liệu được sử dụng cho bài viết này phần lớn được lấy từ cuốn sách “Crispina và các chị em: phụ nữ và quyền bính trong Kitô giáo sơ khai” (Fortress Pres, 2017). Trong bài viết thứ hai, tác giả sẽ mô tả nghiên cứu ban đầu về các nữ Kitô hữu thời kỳ đầu trong số các bằng chứng khảo cổ học trên các trụ gạch quan tài có niên đại từ thế kỷ III đến thế kỷ V.
Đọc bài viết gốc tại đây