Ga 4,5-42: Cuộc Gặp Gỡ Bất Ngờ
Ga 4,5-42: Cuộc Gặp Gỡ Bất Ngờ
Lm. FX. Vũ Phan Long, OFM.
Bản Văn Tin Mừng: Ga 4,5-42 [1]
5 Vậy, Người đến một thành xứ Sa-ma-ri, tên là Xy-kha, gần thửa đất ông Gia-cóp đã cho con là ông Giu-se. 6 Ở đấy, có giếng của ông Gia-cóp. Người đi đường mỏi mệt, nên ngồi ngay xuống bờ giếng. Lúc đó vào khoảng mười hai giờ trưa.
7 Có một người phụ nữ Sa-ma-ri đến lấy nước. Đức Giê-su nói với người ấy: “Chị cho tôi xin chút nước uống!” 8 Lúc đó, các môn đệ của Người đã vào thành mua thức ăn. 9 Người phụ nữ Sa-ma-ri liền nói: “Ông là người Do-thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Sa-ma-ri, cho ông nước uống sao?” Quả thế, người Do-thái không được giao thiệp với người Sa-ma-ri. 10 Đức Giê-su trả lời: “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị: “Cho tôi chút nước uống”, thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống”. 11 Chị ấy nói: “Thưa ông, ông không có gầu, mà giếng lại sâu. Vậy ông lấy đâu ra nước hằng sống? 12 Chẳng lẽ ông lớn hơn tổ phụ chúng tôi là Gia-cóp, người đã cho chúng tôi giếng này? Chính Người đã uống nước giếng này, cả con cháu và đàn gia súc của Người cũng vậy”. 13 Đức Giê-su trả lời: “Ai uống nước này, sẽ lại khát. 14 Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời”.
15 Người phụ nữ nói với Đức Giê-su: “Thưa ông, xin ông cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước”. 16 Người bảo chị ấy: “Chị hãy gọi chồng chị, rồi trở lại đây”. 17 Người phụ nữ đáp: “Tôi không có chồng”. Đức Giê-su bảo: “Chị nói: ‘Tôi không có chồng’ là phải, 18 vì chị đã năm đời chồng rồi, và người hiện đang sống với chị không phải là chồng chị. Chị đã nói đúng”. 19 Người phụ nữ nói với Người: “Thưa ông, tôi thấy ông thật là một ngôn sứ… 20 Cha ông chúng tôi đã thờ phượng Thiên Chúa trên núi này; còn các ông lại bảo: Giê-ru-sa-lem mới chính là nơi phải thờ phượng Thiên Chúa”. 21 Đức Giê-su phán: “Này chị, hãy tin tôi: đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giê-ru-sa-lem. 22 Các người thờ Đấng các người không biết; còn chúng tôi thờ Đấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ phát xuất từ dân Do-thái. 23 Nhưng giờ đã đến -và chính là lúc này đây- giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế. 24 Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật”. 25 Người phụ nữ thưa: “Tôi biết Đấng Mê-si-a, gọi là Đức Ki-tô, sẽ đến. Khi Người đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự”. 26 Đức Giê-su nói: “Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây”.
27 Vừa lúc đó, các môn đệ trở về. Các ông ngạc nhiên vì thấy Người nói chuyện với một phụ nữ. Tuy thế, không ai dám hỏi: “Thầy cần gì vậy?”. Hoặc “Thầy nói gì với chị ấy?”. 28 Người phụ nữ để vò nước lại, vào thành và nói với người ta: 29 “Đến mà xem: có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Ông ấy không phải là Đấng Ki-tô sao?”. 30 Họ ra khỏi thành và đến gặp Người.
31 Trong khi đó, các môn đệ thưa với Người rằng: “Ráp-bi, xin mời Thầy dùng bữa”. 32 Người nói với các ông: “Thầy phải dùng một thứ lương thực mà anh em không biết”. 33 Các môn đệ mới hỏi nhau: “Đã có ai mang thức ăn đến cho Thầy rồi chăng?”. 34 Đức Giê-su nói với các ông: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người. 35 Nào anh em chẳng nói: Còn bốn tháng nữa mới đến mùa gặt? Nhưng này, Thầy bảo anh em: Ngước mắt lên mà xem, đồng lúa đã chín vàng đang chờ ngày gặt hái! 36 Ai gặt thì lãnh tiền công và thu hoa lợi để được sống muôn đời, và như thế, cả người gieo lẫn kẻ gặt đều hớn hở vui mừng. 37 Thật vậy, câu tục ngữ “kẻ này gieo, người kia gặt” quả là đúng! 38 Thầy sai anh em đi gặt những gì chính anh em đã không phải vất vả làm ra. Người khác đã làm lụng vất vả; còn anh em, anh em được vào hưởng kết quả công lao của họ”.
39 Có nhiều người Sa-ma-ri trong thành đó đã tin vào Đức Giê-su, vì lời người phụ nữ làm chứng: ông ấy nói với tôi mọi việc tôi đã làm. 40 Vậy, khi đến gặp Người, dân Sa-ma-ri xin Người ở lại với họ, và Người đã ở lại đó hai ngày. 41 Số người tin vì lời Đức Giê-su nói còn đông hơn nữa. 42 Họ bảo người phụ nữ: “Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian”.
***
1.- Ngữ cảnh
Trong cuộc chuyện trò với Nicodemo, tác giả Gioan đã mô tả cuộc gặp gỡ của Đức Giêsu với một đại diện của giai cấp cầm quyền Do Thái. Hoạt cảnh tiếp theo có nội dung là cuộc gặp gỡ của Đức Giêsu với một người phụ nữ Samari. Người Do Thái và người Samari sống những tương quan căng thẳng. Người Samari coi mình là hậu duệ của các tổ phụ (x. Ga 4,12.20)[2] và là số còn sót lại của Israel, vì vương quốc phía Bắc (vương quốc Israel) đã bị người Assur tiêu diệt vào năm 722 TCN. Thiên Chúa của họ là Đức Chúa (Yhwh), là Thiên Chúa của Israel. Họ chỉ chấp nhận Năm cuốn sách của Moses (= Ngũ Thư). Người Do Thái ở Jerusalem (vùng đất thuộc vương quốc Judea phía Nam) coi những người Samari như là một dân tộc hỗn hợp bán ngoại giáo (x. 2V 17,24-41),[3] nên đã cấm họ không được tham gia vào việc tái thiết Đền Thờ sau cuộc hồi hương từ Babylon trở về (x. Er 4,1-24),[4] và lại còn ghét họ thậm tệ đến nỗi coi họ như là dân ngu ngốc sống tại Sikhem (Hc 50,26).[5]
Đức Giêsu không để mình bị ảnh hưởng bởi những kiểu đánh giá như thế. Người đã đón tiếp vị đại diện của Thượng Hội Đồng đã lén đến gặp Người ban đêm như đi gặp một vị tôn sư. Bây giờ Người ngỏ lời với một phụ nữ Samari, có lối sống dường như nước đôi (x. Ga 4,17-18), mà Người tình cờ gặp lúc giữa trưa. Trong cả hai trường hợp, Đức Giêsu đều ý thức Người chu toàn nhiệm vụ Chúa Cha giao phó (x. Ga 4,34); trong cả hai trường hợp, Người đều muốn chỉ cho thấy con đường đưa tới sự sống.
2.- Bố cục
Bản văn có thể được chia thành ba phần:
1) Mở (4,1-3);
2) Cuộc gặp gỡ với người phụ nữ (4,4-38):
a) Khung cảnh và các nhân vật (các câu 4-6),
b) Cuộc đối thoại với người phụ nữ (các câu 7-26):
– Lời xin nước và ân ban nước hằng sống (các câu 7-15),
– Mặc khải về phụng tự chân thật (các câu 16-26),
+ Các người chồng (các câu 16-18),
+ “Nếu ông là một ngôn sứ” (câu 19),
+ Nền phụng tự mới (các câu 20-26: 20-24; 25-26),
c) Đối thoại với các môn đệ (các câu 27-38),
3) Gặp gỡ với dân Samari (4,39-42).
3.- Vài điểm chú giải
– Người phải băng qua (4): Edei (thì vị hoàn của dei), “phải”, diễn tả một điều nằm trong ý muốn hoặc chương trình của Thiên Chúa.
– Xykha… Jacob (5): Đa số các thủ bản chép là “Xykha” (Sychar). Trong thực tế, trong miền Samari, không có thành Xykha, mà chỉ có Sêkhem (Shechem) thôi. Có lẽ chữ Shechem đã bị đọc lầm thành Sychar do vần “ar” trong Samari. Về liên hệ giữa Jacob và Shechem, xin đọc St 33,18; 48,22; Gs 24,32.[6]
– Người Do Thái… người Samari (9): Người Samari là con cháu của hai nhóm:
+ 1) Những người Israel không phải đi lưu đày khi vương quốc phía Bắc (vương quốc Israel) sụp đổ vào năm 722 TCN.
+ 2) Những người thực dân xứ Babylon và Median do các đoàn quân xâm lăng Assur đưa vào (x. 2V 17,24tt).[7]
Có một sự đối lập về Thần học giữa những người Do Thái phía Bắc này và người Do Thái phía Nam (vùng đất thuộc vương quốc Judea trước khi lưu đày bên Babylon), bởi vì người Samari không chịu thờ phượng Thiên Chúa tại Jerusalem. Tình trạng này thêm trầm trọng vì người Samari đã gây khó khăn cho người Do Thái hồi hương trong việc tái thiết Đền Thờ Jerusalem; rồi đến thế kỷ II TCN, người Samari lại giúp các vua Syri trong các cuộc chiến chống người Do Thái. Vào năm 128 TCN, thượng tế Do Thái đã đốt Đền Thờ Samari trên núi Garidim. Đối với người Do Thái, dân Samari là dân ô uế.
– Người ấy ban cho chị nước hằng sống… Vậy Người lấy đâu ra nước hằng sống (10-11): Trong Tin Mừng Gioan, chúng ta thường gặp tình trạng các người đối thoại với Đức Giêsu hiểu lầm những công thức Người dùng; ví dụ ở đây, hai công thức “nước hằng sống” trên môi miệng Đức Giêsu và trên môi miệng người phụ nữ không cùng một ý nghĩa. Tác giả dùng kiểu viết đó để trình bày mạc khải của Đức Giêsu về bản thân Người.
– Giếng (các câu 6.11): Trong câu 6, “cái giếng” là “pége” (Hy Lạp); trong câu 11, “cái giếng” là “phrear” (Hy Lạp). Trong bản Cựu Ước Hy Lạp (= Bản LXX), “pége” và “phrear” có nghĩa gần như nhau; nhưng “phrear” thì gần với nghĩa là “giếng nước”, còn “pége” thì gần với nghĩa là “mạch/suối nước”. Ý nghĩa là: Lúc đầu, khi nói về nước tự nhiên của giếng Jacob, tác giả chưa phân biệt; bây giờ, khi câu chuyện chuyển sang đề tài nước hằng sống của Đức Giêsu, tác giả mới phân biệt: Đức Giêsu bây giờ là mạch nước (pége; Người sẽ chính thức tuyên bố như thế ở câu 14), còn giếng Jacob chỉ là một “cái giếng” thôi (phrear).
– Chẳng lẽ ông lớn hơn tổ phụ Jacob (12): Đây là một ví dụ về nét hài hước trong Tin Mừng Gioan: các nhân vật vô tình nói ra sự thật về Đức Giêsu.
– Thưa Ngài (các câu 11.15.19): Ba lần, bản văn Hy Lạp cho thấy người phụ nữ gọi Đức Giêsu là “Kyrios” (sir, lord; seigneur). Cùng một kiểu xưng hô, nhưng chúng ta hiểu là có một sự chuyển biến về ý nghĩa vì người phụ nữ thưa với thái độ càng lúc càng tôn kính hơn.
– Núi này (21): Đây là núi Garidim (x. Đnl 27,4).[8] Trong Bản Ngũ Thư Samari, ở Đnl 27,4, chúng ta đọc được huấn thị ban cho Josué là dựng một thánh điện trên núi Garidim, núi thánh của người Samari, chứ không phải trên núi Ebal (Êvan). Cụm từ “Núi Ebal” rất có thể đã được sửa lại trong bản văn Hipri do chủ trương chống Samari.
– Thần khí và sự thật (24): Tức là Thánh Thần và Đức Giêsu (là sự thật).
– Đấng ấy chính là tôi (26): Đây là công thức bằng tiếng Hy Lạp “ego eimi” (I am; Je suis). Công thức này là chính danh xưng Thiên Chúa tỏ cho Moses. Tác giả muốn ngầm giới thiệu thần tính của Đức Giêsu.
4.- Ýnghĩa của bản văn
Bản văn được bố cục thành những “xen” qua đó Đức Giêsu đối thoại với người phụ nữ và các môn đệ để đưa họ đến chỗ đón nhận những mạc khải chính yếu về bản thân Người.
* Mở (1-3)
Chương 4 của Tin Mừng Gioan mở đầu bằng một đoạn văn tóm tắt có vai trò “làm cầu” nối [vì liên kết] Ga 3,22-36 [9] với [vì chuẩn bị cho] Ga 4,4-42. Đoạn Ga 4,1-4 [10] này thông tin cho chúng ta về Đức Giêsu và các môn đệ Người, và về phép rửa mà Người đã làm. Hoạt động này của Đức Giêsu và nhóm của Người dường như diễn tiến song song với hoạt động của Gioan và các môn đệ ông.
Các câu 1-2 nói với chúng ta một lần nữa rằng, Đức Giêsu đã làm phép rửa cùng với các môn đệ Người (x. Ga 3,22), rồi nhờ một mệnh đề xen vào giữa, chúng ta biết rằng chính các môn đệ đã làm phép rửa, đồng thời, bản văn cho biết là Đức Giêsu cũng biết việc ấy.
Sang câu 3, bản văn xác định rằng Đức Giêsu bỏ miền Judea, mà trở lại miền Galilee.
* Cuộc gặp gỡ với người phụ nữ Samari (4-42)
a) Khung cảnh và các nhân vật (các câu 4-6)
Để trở lại miền Galilee, Đức Giêsu phải băng qua miền Samari. Không phải là Đức Giêsu và các môn đệ không còn cách nào khác ngoài cách băng qua Samari, một miền đất nổi tiếng là không hiếu khách (x. Lc 9,51-56).[11] Sự bó buộc này (“phải”, “edei”) mang tính Thần học và thiêng liêng, vì thuộc về chương trình của Thiên Chúa, sẽ tạo cơ hội cho cuộc gặp gỡ.
Đến đây chúng ta được giới thiệu khung cảnh của cuộc gặp gỡ: bên cạnh giếng Jacob, trong thửa đất mà Jacob đã cho con là Giuse. Với chi tiết này, tác giả đưa ta trở lại với bài anh hùng ca là lịch sử các tổ phụ và đặc biệt của tổ phụ Jacob. Tác giả Tin Mừng thứ IV đã đối chiếu Đức Giêsu với Jacob trong giai thoại Nathanael, khi ngài nói đến các thiên thần lên xuống trên Con Người, tức là gợi đến thị kiến của Jacob. Thế rồi truyện Jacob lại được đặt liên kết với truyện Giuse, từ nơi ông mọi phúc lành đến với nhà Israel. Cả câu “Người nói gì, các anh cứ việc làm theo” được Đức Maria nói ở Cana (Ga 2,5b) [12] cũng liên kết với truyện Giuse. Vậy tác giả muốn liên kết Đức Giêsu cả với cuộc đời Jacob lẫn cuộc đời Giuse và với những gì làm nên ý nghĩa của vai trò Giuse trong lịch sử Israel. Đức Giêsu là Đấng ban lương thực, Đấng cho người đói ăn no, và vì đói luôn đi với khát, Người cũng là Đấng giải khát, như đã xảy ra trước đây với Jacob rồi với Giuse. Phải chăng ở đây chúng ta còn gặp lại đề tài những cuộc hôn nhân phát sinh từ bên một bờ giếng?
Và hai nhân vật chính là Đức Giêsu và người phụ nữ Samari xuất hiện, trong khi các môn đệ đã đi vào thành mua thức ăn.
Đức Giêsu đến ngồi ngay xuống bờ giếng, vì mệt mỏi. Tin Mừng thứ IV nhắc đến sự mệt mỏi của Đức Giêsu (khác với quan niệm của ảo thân thuyết hay của phái ngộ đạo). Người không phải chỉ là Thiên Chúa, mà cũng còn là một người thật, và vì thế, đôi lúc Người cảm thấy mệt nhọc. Xa hơn một chút, nhân tính Người còn được nêu bật thêm một lần nữa khi tác giả viết rằng Người cảm thấy sức nóng nực của lúc giữa trưa và cần uống nước (x. các câu 6 và 7). Nhu cầu này khiến Người xin nước với người nào xuất hiện đầu tiên, và đây là một phụ nữ Samari (Ga 4,7-15), bà này có lẽ vẫn quen đi kín nước tại giếng này.
b) Cuộc đối thoại với người phụ nữ (các câu 7-26)
Người phụ nữ vừa đến nơi, liền xảy ra cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu và bà ấy, Trong mẩu đối thoại, sẽ xuất hiện chuyển động này: các nhân vật đi từ nhu cầu thể lý (của Đức Giêsu), để đi tới cơn khát thiêng liêng (của người phụ nữ), cơn khát duy nhất có thể giải tỏa tình trạng khao khát của thân phận con người. Nhu cầu hoặc các nhu cầu tự nhiên luôn luôn có đó để ta phải tìm thỏa mãn, nhưng không đến độ bóp nghẹt ước vọng sâu xa của con người.
– Lời xin nước và ân ban nước hằng sống (các câu 7-15). Trong phân đoạn các câu 7-15, chúng ta gặp được một mạc khải về nước hằng sống. Khi thấy người phụ nữ, Đức Giêsu liền xin uống. Người đang ở một mình, các môn đệ đã vào thành mua thức ăn (câu 8), nên Người không thể xin các ông đáp ứng nhu cầu.
Có lẽ do nghe giọng nói của Đức Giêsu, người phụ nữ biết rằng, Người không phải là dân địa phương, nên đã cao giọng đưa ra mấy nhận xét tiêu cực. Làm sao Người lại dám xin điều gì với một người Samari? Chẳng lẽ Người lại không biết tập tục cấm một người đàn ông nói chuyện một mình với một người đàn bà lạ mặt? Các kinh sư thường dạy rằng nếu ai cần xin một phụ nữ điều gì, thì phải nói thật ít. Do đó, chúng ta hiểu nỗi ngạc nhiên của các môn đệ, khi trở về, thấy Đức Giêsu đang trò chuyện với một người phụ nữ và lại là một phụ nữ Samari.
Cũng như trong truyện Nicodemo, ở đây cơn khát của Đức Giêsu tạo dịp cho Người đối thoại, nhưng hoàn cảnh đầy những dị nghĩa khiến cuộc đối thoại có thể bị phá vỡ. Quả thế, câu nói của người phụ nữ: “Ông là người Do Thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Samari, cho ông nước uống sao?” (câu 9) lẽ ra đã bắt Đức Giêsu phải thinh lặng. Nhưng Đức Giêsu lại có sáng kiến bỏ qua cuộc tranh luận về các quy luật xã hội tôn giáo dựa trên những đối lập hỗ tương có từ bao đời. Các đối lập ấy không bao giờ là tiếng nói cuối cùng cho các tương quan giữa con người với nhau.
Thoạt tiên, câu trả lời của Đức Giêsu: “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị: ‘Cho tôi chút nước uống’, thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống” (câu 10), dường như muốn nhắc bà nhớ đến truyền thống hiếu khách của dân Địa Trung Hải: giúp đỡ tận tình bất cứ người lữ khách nào. Thế nhưng, Đức Giêsu còn nhắm một đề tài lớn hơn. Từ câu 10 đến câu 15, có một mẩu đối thoại nhỏ xoay quanh đề tài “nước/ân ban”. Bằng cách đó, Người muốn lôi kéo sự chú ý của người phụ nữ vào điểm mà lẽ ra bà phải hiểu, nghĩa là lẽ ra bà không được lẫn lộn hai yếu tố: một bên là nước cụ thể và vật chất, và bên kia là nước hằng sống, ân ban hoàn toàn đặc biệt bây giờ được trao tặng.
Từ câu 10, nổi rõ là “nước” mà Đức Giêsu nói đến thì cao trọng hơn là nước thiên nhiên, nước kín từ giếng lên. Còn phải hiểu ngầm một điều song song khác, đó là nước mà Đức Giêsu hứa ban thì cao trọng hơn nước các tổ phụ đã ban; như vậy, mạc khải của Đức Giêsu về phẩm chất, thì cao trọng hơn mạc khải của các tổ phụ (như “pége” so với “phrear”). Ta thấy rõ trên bình diện biểu tượng, trọn con đường mà người phụ nữ phải trải qua: khởi đi từ cái giếng Jacob (x. St 24), bà phải đi lên tới tận nguồn nước hằng sống, là chính Đức Giêsu. Đây hầu như là lời loan báo chương trình mà bài tường thuật sẽ phải rảo qua. Bởi vì người đàn bà có thể thực hiện bước ấy, Đức Giêsu mới đề nghị cho bà nước hằng sống (Ga 4,10).
Đã mơ hồ linh cảm người đang đối thoại với mình là một người khác thường, người phụ nữ không quay về điều được nói đến nữa, nhưng quay về người đã xin bà cho uống, và bây giờ lại tỏ ra sẵn sàng ban cho bà nước hằng sống. Bà hỏi (câu 11), y như thể muốn nói với giọng mỉa mai rằng: “Ông tưởng ông là ai chứ? Ông không có gầu để kín nước mà giếng lại sâu, thế mà ông lại đề nghị như thế?”. Rồi bà tiếp: “Chẳng lẽ ông lớn hơn tổ phụ Jacob, là người đã cho chúng tôi giếng này? Chính Người đã uống nước giếng này, cả con cháu…”.
Một lần nữa, cuộc gặp gỡ có thể bị phá hỏng, bởi vì đề nghị của Đức Giêsu đã không được đón nhận. Nhưng Đức Giêsu kiên nhẫn tiếp tục. Người tìm cách gợi lên nơi bà khát vọng chân thật sẽ đưa bà đến chỗ quay hướng về Người, như quay về với Đấng duy nhất có thể thỏa mãn điều bà đang đi tìm. Vậy điều đầu tiên là làm cho bà hiểu rằng có hai loại nước: loại thứ nhất là nước tự nhiên của giếng, không thể làm cho hết khát, và loại thứ hai, nước mà Người sẽ ban, sẽ giải khát hoàn toàn. Hơn nữa, loại nước thứ hai còn biến kẻ uống thành một mạch nước trào dâng. Đàng khác, Đức Giêsu muốn đưa bà chuyển đi từ ân ban đơn giản hoặc ân ban của Thiên Chúa đến Đấng ban ơn, là chính Người. Ở câu 15, người phụ nữ đã đưa một bước chân về phía Đức Giêsu, nhưng đồng thời lại kéo mọi sự về bình diện của bà, về các nhu cầu trực tiếp của bà, điều đó chứng tỏ bà chưa hiểu gì cả. Thứ nước bà ấy mong có không phải là thứ mà Đức Giêsu muốn ban cho bà.
Mặc dù lại gặp một thất bại thứ hai, Đức Giêsu không nản lòng, không dừng lại, Người vẫn tiếp tục bằng cách dựa trên sự mở lòng nửa vời của người đàn bà.
– Mạc khải về nền phụng tự chân thật (các câu 16-26). Cuộc đối thoại lại chuyển sang một hướng khác hẳn. Không úp mở, Đức Giêsu bảo bà đi gọi chồng lại đây. Qua câu nói này, Đức Giêsu nắm lại phần chủ động trong đối thoại. Bà đã thú nhận không mập mờ rằng bà không có chồng. Đức Giêsu trân trọng sự chân thành đó. Nhưng Người cho bà thấy khả năng hiểu biết đặc biệt của Người khi nói rằng rằng bà đã có năm đời chồng. Đã thế, Người còn nói: “Hiện người đang sống với chị không phải là chồng chị”. Nếu nói Đức Giêsu đã cư xử thiếu tế nhị và lịch sự, là chúng ta phán đoán với các tiêu chí của chúng ta hôm nay. Thật ra, khi nói như thế, Đức Giêsu đã cư xử như các ngôn sứ Cựu Ước, có khả năng đọc trong tim người đối thoại (x. Elisha).
Người phụ nữ không mất tinh thần. Bà nhận ra chiều kích ngôn sứ này. Đây không phải là một cuộc xưng thú tội lỗi ép buộc, nhưng là một bước đi tới sự thật, nhờ đó người phụ nữ cảm thấy được giải thoát khỏi quá khứ của bà. Sự thật và sự rõ ràng của cuộc gặp gỡ đòi hỏi sự trong suốt này. Bây giờ bà hướng về hiện tại và tương lai một cách mới mẻ, và hậu quả là bà tuyên xưng Đức Giêsu là một ngôn sứ. Ở đây có hai chuyển động đồng thời: một đàng, người phụ nữ xưng thú tình cảnh thực tế của mình; đàng khác, việc xưng thú này giúp bà nhận biết chân tính của Đức Giêsu. Như vậy, bà đã thực sự chuyển sang một bình diện khác và bắt đầu nhìn các sự việc dưới một góc độ mới. Một mẩu đối thoại về nền phụng tự chân thật đã sẵn sàng được mở ra.
Cuộc đối thoại tiến sang một giai đoạn mới nữa. Người phụ nữ đi tới một bình diện hiểu biết mới: đã linh cảm Đức Giêsu là ngôn sứ, bà hỏi Người rằng đâu là nơi hợp pháp để thờ phượng Thiên Chúa, núi Garidim hay Jerusalem, và bà dùng lời lẽ nghèo nàn để trình bày thế lưỡng nan truyền thống giữa người Do Thái và người Samari. Mặc nhiên bà nhìn nhận uy tín của Người nên xin Người giải quyết vấn đề. Đây là dịp tốt để Đức Giêsu đưa bà vào việc phụng tự chân thật (Ga 4,21-24), Người đã nói thẳng thắn và đơn giản về ý nghĩa của phụng tự trong thần khí và sự thật, mà không bận tâm xem là bà có hiểu chăng. Người không đi vào các tranh cãi “truyền thống”, cứ để cuộc xung đột trong tình trạng mở, chỉ nêu bật ý nghĩa đích thực của việc thờ phượng.
Đối với Đức Giêsu, điểm chính của vấn đề không chỉ nằm tại việc “thờ phượng”, mà là “thờ phượng Chúa Cha”. Để nói về thực tại này, Người dùng các đại từ “các người” và “chúng tôi”. Có những tác giả cho rằng “chúng tôi” là Đức Giêsu, hoặc là cộng đoàn Kitô hữu, còn “các người” là những người đối thoại không phải là Kitô hữu; nhưng đọc như thế là không tôn trọng mặt chữ và thời điểm của bản văn. Chắc chắn nhất, trên bình diện lịch sử, và theo ngữ cảnh cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu và người phụ nữ Samari, là coi “các người” là dân Samari, còn “chúng tôi” là người Do Thái, và Đức Giêsu cũng thuộc về nhóm đó.
Sau khi đã nêu bật các yếu tố chính của tranh luận tôn giáo, trước khi đi tiếp, Đức Giêsu không ngần ngại khẳng định rõ ràng rằng ơn cứu độ phát xuất từ dân Do Thái (câu 22). Ý nghĩa đầu tiên của câu này là Đức Giêsu không đặt lập trường của người Do Thái và người Samari trên cùng một bình diện (như chúng ta nói: có những người là “chính thống” và có những người là “lạc giáo”). Không thể dễ dàng loại trừ những khác biệt thuộc quá khứ; chúng đã có đó, chúng có ý nghĩa của chúng. Nhưng còn có ý nghĩa khác nữa: Đức Giêsu muốn nhắc nhớ đến lịch sử cứu độ như đã có và như Thiên Chúa đã muốn có. Và như vậy, đây không phải là một câu thêm vào (glose) như Bultmann và một vài tác giả đã chủ trương. Khởi đi từ công thức này, phải nhìn nhận Đức Giêsu đã nhập thể trong dân Do Thái. Điều này lại làm nổi rõ hơn tầm quan trọng của Cựu Ước, liên hệ đến lịch sử cứu độ. Bây giờ, cho cả hai nhóm, không còn có một quyền ưu tiên nào cả, họ cần phải đi đến một kiểu phụng tự mới, “trong thần khí và sự thật”.
Dọc theo lịch sử, người ta đã thờ phượng Thiên Chúa, bây giờ cần tiếp tục. Việc thờ phượng của người Israel không sai; vào thời đó, kiểu thờ phượng như thế là tốt và đúng. Nhưng tính từ “đích thực” (aléthinoi) cho thấy rằng trong kiểu thờ phượng trước đây còn có nhiều thiếu sót, và chỉ kiểu thờ phượng mới này mới đạt sự hoàn hảo, do có giá trị phổ quát. Kiểu thờ phượng sau không phải là một ngẫu hứng của loài người, nhưng là do mạc khải của Thiên Chúa như là Cha trong Con, Đức Giêsu Kitô. Mạc khải này được đưa đến chỗ thành toàn nhờ chính Đức Giêsu. Việc thờ phượng này là chân thật bởi vì do Thần Khí, do Thiên Chúa, do từ trên cao, gợi lên. Kiểu thờ phượng này chuẩn nhận sự thật của những gì Đức Giêsu nói. Từ nay, bất cứ người nào thờ phượng đích thực đều phải quan tâm thờ phượng Thiên Chúa như Ngài muốn được thờ phượng, chứ không như họ thấy là tốt.
Người phụ nữ lại nêu ra một nhận định tổng hợp (Do Thái và Samari) liên quan đến Đấng Messiah sẽ đến, mà người Samari cũng đang chờ đợi (Samari: Ta’eb). Đã nhìn nhận Đức Giêsu là ngôn sứ, lúc này bà còn linh cảm mạnh mẽ tầm quan trọng của con người Đức Giêsu. Thế là bà đã đủ chín muồi để có thể đón nhận lời công bố long trọng của Đức Giêsu trong tư cách Đấng Messiah. Đây là đỉnh cao của cuộc đối thoại.
Hướng đi cứ thay đổi liên tục. Và Đức Giêsu, chỉ sau tất cả những chặng này, mới tự mạc khải cho bà như là Đấng Messiah, Người nói đơn giản: “Chính là tôi (ego eimi)”. Công thức “ego eimi” đưa chúng ta trở lại với tên của Đức Chúa (Yhwh), khiến chúng ta có thể nói Đức Giêsu là chính là Đức Chúa đến viếng thăm dân Samari. Đến cuối cuộc thăm viếng, người Samari đã nhận biết Người như là “Đấng cứu độ trần gian” (câu 42); Người đã đến để ban sự sống đời đời (câu 14) và dạy cho biết nền phụng tự chân thật (các câu 23-24).
– Đối thoại với các môn đệ (các câu 27-38). Trong khi các hiệu quả của cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu và người phụ nữ Samari còn đang triển nở như thế, Đức Giêsu lại đi vào một cuộc đối thoại khác bên bờ giếng (Ga 4,31-38). Sau những lời nói với Nathanael, đây là lần đầu tiên Người quan tâm rõ ràng đến các môn đệ Người. Các ông này đã cùng đi đường với Người và liên tục được Người nhắc nhở, nhưng rất hiếm khi Người ngỏ lời riêng với các ông. Chỉ các diễn từ cáo biệt mới trọn vẹn được ngỏ với các ông thôi. Với người phụ nữ đã đến kín nước, Đức Giêsu nói về ân huệ của Người, nước vô song; với các môn đệ vừa về tới nơi sau khi đã mua thực phẩm, Người nói về lương thực mà chính Người nhờ đó mà sống. Cuộc đối thoại có hai đề tài: Đức Giêsu nói cho các môn đệ biết công việc của Người có những nét tiêu biểu nào (câu 34) và lần đầu tiên Người khẳng định rằng họ được tham dự vào sứ mạng của Người và cách thức tham dự (câu 38). Chính Người cũng không đến nhân danh chính mình, cũng không làm việc theo ý riêng, nhưng đến như là sứ giả của Chúa Cha và tất cả cuộc đời Người nhắm thi hành ý muốn của Chúa Cha. Tất cả những gì Người loan báo và cống hiến đều góp phần vào công trình mà Chúa Cha đã khởi sự (x. Ga 3,16)[13] và nay Đức Giêsu là Chúa Con đưa đến chỗ hoàn tất. Điều này cũng đúng cho công việc Đức Giêsu đang làm nơi người Samari, mà bây giờ người ta đã thấy kết quả. Đến lượt Người, Đức Giêsu lại sai phái các môn đệ, để họ tham dự vào công việc của Người và tiếp tục công việc đó. Nhưng nỗi mệt nhọc thật là của Đức Giêsu. Những gì các môn đệ làm hoàn toàn lệ thuộc vào những gì Đức Giêsu đã làm trước đây.
+ Kết luận: Gặp gỡ với dân Samari (39-42)
Sau khi đối thoại với Đức Giêsu, các môn đệ lại bị bỏ rơi trong bóng tối một lần nữa. Được đánh động bởi lời chứng của người phụ nữ, dân Samari đã đến gặp Đức Giêsu. Bây giờ họ muốn trực tiếp nghe Người. Thế là các môn đệ đầu tiên đã ở lại với Đức Giêsu (Ga 1,39),[14] còn những người Samari này đã xin Người ở lại với họ. Nhưng dù thế nào, chỉ nhờ tiếp tục mở ra hiệp thông với Người, người ta mới có thể có kinh nghiệm về Người là ai và Người ban tặng điều gì. Được Đức Giêsu nhận cho ở lại với Người, các môn đệ đầu tiên đã khám phá ra Người là “Đấng Messiah” (Ga 1,41); được Đức Giêsu chấp nhận ở lại với họ, người Samari đã nhìn nhận Người như là “Đấng Cứu độ trần gian” (Ga 4,42), như là Đấng đã được Chúa Cha ban vì lòng yêu thương và được sai phái đến để cứu độ trần gian (Ga 3,16-17).[15] Nay họ tin là nhờ chính tương quan trực tiếp với Đức Giêsu chứ không dựa vào lời chứng của người phụ nữ nữa. Lời chứng ấy đưa họ đến chỗ nghe Đức Giêsu để đào sâu đức tin, và bây giờ đức tin đó có thể thực sự bắt đầu triển nở.
* Kết luận
Bằng cách dùng nhiều danh hiệu cách tiệm tiến, mỗi danh hiệu lại như một lời mời gọi tin vào Đức Giêsu, bản văn này vén mở cho thấy mầu nhiệm Đức Giêsu. Lúc đầu, Người chỉ là một người lữ khách vô danh. Sau đó, Người đã được coi là một người Do Thái (câu 9). Dần dần Người xuất hiện ra như nhân vật còn cao trọng hơn tổ phụ Jacob (câu 12). Thêm một bước nữa, Người được được gọi là ngôn sứ (câu 19). Và cuối cùng, người phụ nữ linh cảm Người là Đấng Messiah (câu 29). Nhưng lại chính là những người Samari, hoa trái đầu mùa của Dân ngoại, mới tuyên xưng niềm tin của họ vào Đức Giêsu, “Đấng Cứu độ trần gian” (câu 42). Quả thật, Đức Giêsu chính là ánh sáng thế gian (Ga 8,12; 12,46),[16] Đấng mạc khải và Đấng Messiah, là Con Một Thiên Chúa được Ngài cử đến cứu trần gian. Bất cứ người nào tin vào Người thì được sống đời đời (Ga 3,16-18).[17] Người là Ngôi Lời đang thực hiện điều mà Lời Tựa đã nói: “Những ai đón nhận (Người), tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1,12).
Ngoài ra, có một ý nghĩa khác của bản văn, ý nghĩa biểu tượng, cũng có thể nêu ra. Trong truyền thống Kinh Thánh, cái giếng đã là nơi khởi đầu của nhiều cuộc tình duyên. Vậy “cái giếng Xykha” này gợi nhớ đến cuộc “tình duyên” nào? Trong Cựu Ước, Israel thường được giới thiệu là hôn thê của Đức Chúa (Yhwh). Israel-hôn thê thường thất trung, ngoại tình với các thần Ai Cập, Assur, Babylon, Ba Tư, Rôma. Câu truyện người phụ nữ Samari hẳn là câu truyện của dân Israel mà Đức Giêsu đến gặp và muốn dẫn về với Đức Chúa. Hơn nữa, Tin Mừng thứ IV còn giới thiệu Đức Giêsu như chàng rể và nhân loại như một hôn thê tội lỗi, mà Người đến để đưa về sống trung thành.
5.- Gợi ý suy niệm
1. Qua cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu và người phụ nữ Samari, chúng ta nhận ra cả một khoa sư phạm Đức Giêsu đã vận dụng để đưa bà đến đức tin. Trước tiên, Người khơi lên sự tò mò để bà tìm hiểu, qua việc nhắc đến một công việc tầm thường làm mỗi ngày, là đến giếng kín nước để giải tỏa cơn khát thể lý. Từ đó, Người gợi đến một thực tại khác, nước hằng sống. Thế rồi câu chuyện lại chuyển sang một hướng khác khi Đức Giêsu đề cập đến đời sống riêng tư nhất của bà, cơn khát tình yêu dường như vẫn chưa được đáp ứng thỏa đáng. Mục tiêu của Đức Giêsu không phải là đưa bà đến chỗ nhìn vào mình, nhưng là nhìn vào Người để nhận biết Người là ai.
2. Là con người, với sức riêng, chúng ta không thể đạt tới Thiên Chúa và nhận biết Ngài trong thực tại của Ngài. Chúng ta là “xác thịt”, những hữu thể yếu đuối, mỏng manh, tạm bợ; ngược lại, Thiên Chúa là “Thần Khí”, đầy sức mạnh ban sự sống vô biên và bất khả kháng. Bằng sức riêng, chúng ta không thể đạt đến bất cứ sự hiểu biết chân thật nào về Thiên Chúa, hoặc một tương quan đúng đắn nào với Ngài. Chỉ Đức Giêsu mới chỉ cho chúng ta và giúp chúng ta thờ phượng Thiên Chúa đúng đắn, bởi vì Người ban Thần Khí và Chân Lý cho chúng ta, Người là Đấng Messiah, Đấng Cứu độ trần gian (Ga 6,42).[18]
3. Đức Giêsu là Đấng có khả năng giúp chúng ta khám phá ra mọi chiều kích và ý nghĩa đích thực của cơn khát đang dày vò lòng dạ chúng ta. Người là Đấng duy nhất có thể tố giác những phương tiện tạm bợ chúng ta vẫn đang vận dụng để đánh lừa cơn khát ấy hoặc thỏa mãn nó cách rẻ tiền. Người sẽ dạy chúng ta biết cách sống và làm cho từ lòng chúng ta trào vọt ra dòng suối ân huệ của Thiên Chúa.
4. Các môn đệ được Đức Giêsu sai đi, tiếp nối công việc của Người (là công việc Chúa Cha giao phó). Họ được thu hoạch hoa trái là công việc mệt nhọc của Đức Giêsu; những gì các môn đệ làm tùy thuộc hoàn toàn vào những gì Đức Giêsu đã làm trước. Đến lượt họ, họ cũng phải tận tình gieo vãi, để những người đến sau họ được gặt hái hoa trái. Người này gieo, người kia gặt. Đó chính là sự hiệp thông liên đới trong sứ mạng chung mà Đức Giêsu đã để lại cho các môn đệ Người cho đến tận thế. Khi làm như thế, họ cũng luôn cần ý thức họ làm ý muốn của Chúa Cha.
[1] Bản Thánh Kinh Việt ngữ của nhóm Phụng Vụ Các Giờ Kinh
[2] x. Ga 4,12.20: 12 Chẳng lẽ ông lớn hơn tổ phụ chúng tôi là Gia-cóp, người đã cho chúng tôi giếng này? Chính Người đã uống nước giếng này, cả con cháu và đàn gia súc của Người cũng vậy”. 20 Cha ông chúng tôi đã thờ phượng Thiên Chúa trên núi này; còn các ông lại bảo: Giê-ru-sa-lem mới chính là nơi phải thờ phượng Thiên Chúa”.
[3] x. 2V 17,24-41: 24 Vua Át-sua đã đưa người từ Ba-by-lon, Cu-tha, A-va, Kha-mát và Xơ-phác-va-gim đến định cư ở các thành xứ Sa-ma-ri, thế vào chỗ con cái Ít-ra-en. Họ chiếm Sa-ma-ri và ở trong các thành của xứ này. 25 Ban đầu, khi mới định cư ở đó, họ không kính sợ ĐỨC CHÚA, nên Người đã sai sư tử đến phá phách họ và giết hại nhiều người. 26 Họ nói với vua Át-sua: “Các dân mà vua đã cho đi đày, và định cư ở thành xứ Sa-ma-ri, không biết cách tôn thờ vị thần của xứ. Vì thế, vị thần đó đã sai sư tử đến phá phách và giết chết họ, bởi họ không biết cách tôn thờ vị thần của xứ”. 27 Vua Át-sua mới truyền lệnh sau đây: “Hãy đưa một trong những tư tế mà ta đã cho đi đày, trở lại đó;tư tế ấy phải đến định cư ở đó và dạy họ biết cách tôn thờ vị thần của xứ”. 28 Bấy giờ, một trong những tư tế Sa-ma-ri, đã bị đi đày, tới định cư ở Bết Ên và dạy họ biết cách kính sợ ĐỨC CHÚA. 29 Nhưng mỗi dân lại tạc tượng thần của mình và đặt trong các miếu ở nơi cao mà người Sa-ma-ri đã xây;họ đã làm như vậy trong thành họ ở. 30 Người Ba-by-lon tạc tượng thần Xúc-cốt Bơ-nốt, người Cu-tha tạc tượng thần Néc-gan, người Kha-mát tạc tượng thần A-si-ma, 31 Người A-va tạc tượng thần Níp-khát và Tác-tắc;còn người Xơ-phác-va-gim thì làm lễ thiêu con trai của họ để kính Át-ram-me-léc và A-nam-me-léc, các thần của dân Xơ-phác-va-gim. 32 Họ cũng kính sợ ĐỨC CHÚA, và chọn những người cùng nhóm làm tư tế phục vụ tại các tế đàn ở nơi cao và tế lễ cho họ trong các miếu ở nơi cao. 33 Họ kính sợ ĐỨC CHÚA nhưng cũng phụng thờ các thần của họ, theo cách tôn thờ của các dân mà họ đã rời bỏ khi bị đi đày. 34 Cho đến ngày nay họ vẫn theo cách tôn thờ xưa kia của họ. Người Ít-ra-en đã không kính sợ ĐỨC CHÚA, cũng không hành động theo những quy tắc, những quyết định, Lề Luật và mệnh lệnh ĐỨC CHÚA đã truyền cho con cái ông Gia-cóp, người cũng được gọi tên là Ít-ra-en. 35 ĐỨC CHÚA đã lập giao ước với họ và truyền lệnh cho họ: “Các ngươi không được kính sợ các thần khác và không được sụp xuống lạy chúng;các ngươi không được phụng thờ và tế lễ chúng. 36 Nhưng chính ĐỨC CHÚA, Đấng đã dùng sức mạnh lớn lao và cánh tay uy quyền đưa các ngươi lên từ Ai-cập, chính Người là Đấng các ngươi phải kính sợ, phải sụp xuống lạy và phải tế lễ. 37 Những quy luật, những quyết định, Lề Luật và mệnh lệnh Người đã truyền ghi chép cho các ngươi, các ngươi phải tuân giữ, phải thi hành mọi ngày. Các ngươi không được kính sợ các thần khác. 38 Giao Ước Ta đã lập với các ngươi, các ngươi không được quên;và các ngươi không được kính sợ các thần khác. 39 Nhưng chính ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa các ngươi, là Đấng các ngươi phải kính sợ. Người sẽ giải thoát các ngươi khỏi tay mọi địch thù của các ngươi”. 40 Người Sa-ma-ri đã không nghe lời, họ cứ theo cách tôn thờ xưa kia của họ. 41 Như thế, các dân ấy đã kính sợ ĐỨC CHÚA, nhưng cũng phụng thờ các ngẫu tượng của họ;con cái cháu chắt họ cũng làm như cha ông họ cho đến ngày nay.
[4] x. Er 4,1-24: 1 Khi nghe tin là các người lưu đày trở về đang xây một Đền Thờ kính ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của Ít-ra-en, 2 thì những kẻ thù của Giu-đa và Ben-gia-min đến gặp ông Dơ-rúp-ba-ven, và những người đứng đầu các gia tộc, mà nói: “Chúng tôi muốn được cùng xây với các ông, bởi cũng như các ông, chúng tôi tìm kiếm Thiên Chúa của các ông, và dâng lễ tế kính Người, từ ngày Ê-xa-khát-đôn, vua Át-sua, đem chúng tôi lên đây”. 3 Ông Dơ-rúp-ba-ven, ông Giê-su-a và những người khác, là những người đứng đầu các gia tộc Ít-ra-en, bảo họ: “Việc xây Nhà cho Thiên Chúa chúng tôi không phải là việc chung của các ông và chúng tôi, vì chỉ có chúng tôi sẽ xây cho ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của Ít-ra-en, theo lệnh vua Ky-rô, vua Ba-tư, đã ban cho chúng tôi”. 4 Khi đó, dân trong xứ bắt đầu làm cho dân Giu-đa bủn rủn tay chân và sợ hãi, để họ không xây cất nữa. 5 Chúng mua chuộc các cố vấn, để làm hỏng ý định của dân Giu-đa trong suốt thời vua Ky-rô, vua Ba-tư, mãi cho đến triều vua Đa-ri-ô, vua Ba-tư. 6 Dưới triều vua Xéc-xét, vào thời đầu triều đó, chúng viết một bản cáo tội dân cư Giu-đa và Giê-ru-sa-lem. 7 Vào thời vua Ác-tắc-sát-ta, Bít-lam, Mít-rơ-đát, Táp-ên, và các bạn đồng liêu khác đã viết cho vua Ác-tắc-sát-ta, vua Ba-tư. Bản văn ấy được viết bằng tiếng A-ram và được phiên dịch. Nguyên văn tiếng A-ram: 8 Rơ-khum, thủ hiến, và Sim-sai, thư ký, gửi lên vua Ác-tắc-sát-ta một bức thư tố cáo Giê-ru-sa-lem, với những lời lẽ như sau: 9 “Rơ-khum, thủ hiến, Sim-sai, thư ký, và các bạn đồng liêu khác, các thẩm phán và khâm sai, những người Tác-pơ-lai, E-réc, By-by-lon và Su-san, nghĩa là những người Ê-lam, 10 và các dân tộc khác mà vua Át-náp-pa vĩ đại và lừng danh đã bắt đi đày và cho định cư tại các thành của Sa-ma-ri và các miền khác thuộc Vùng bên kia sông Êu-phơ-rát, đồng tấu: 11 (Đây là bản sao bức thư họ gửi:) ‘Tâu vua Ác-tắc-sát-ta, bầy tôi của đức vua, những người ở Vùng bên kia sông Êu-phơ-rát xin thưa: Và bây giờ, 12 xin trình để đức vua tường: từ nơi đức vua, người Do-thái đã lên chỗ chúng tôi tại Giê-ru-sa-lem, và đang tái thiết cái thành phản loạn và xấu xa ấy; chúng dựng lại tường thành và đặt lại nền móng. 13 Vậy xin trình để đức vua tường: nếu thành ấy được tái thiết, tường thành được dựng lại, thì chúng sẽ không nộp cống vật, thuế má, thuế thông quá; và như vậy, cuối cùng nhà vua sẽ phải thiệt thòi. 14 Vậy, vì được hưởng lộc của triều đình, chúng tôi thấy không được phép ngồi nhìn đức vua bị nhục mạ; cho nên chúng tôi đệ lên đức vua bản tường trình này, 15 để người ta tra cứu sách Sử Biên Niên của tổ tiên đức vua. Trong sách Sử Biên Niên đó, đức vua sẽ tìm ra và nhận thấy rằng thành ấy là một thành phản loạn, làm thiệt hại cho nhà vua và các tỉnh; ở đó, từ thời xa xưa chúng đã làm loạn. Vì thế thành ấy đã bị tàn phá. 16 Chúng tôi xin trình để đức vua tường: nếu thành ấy được tái thiết, và tường thành được dựng lại, thì điều đó sẽ làm cho đức vua chẳng còn phần đất nào nữa trong Vùng bên kia sông Êu-phơ-rát’”. 17 Vua gửi thư trả lời: “Gửi lời vấn an quan thủ hiến Rơ-khum, thư ký Sim-sai và các đồng liêu cư ngụ ở Sa-ma-ri và ở các nơi khác trong Vùng bên kia sông Êu-phơ-rát! Vậy bây giờ, 18 bức thư mà các ngươi đệ lên ta, đã được dịch và đọc trước mặt ta. 19 Theo lệnh ta, người ta đã tra cứu và tìm ra rằng từ thời xa xưa, thành ấy đã từng nổi dậy chống các vua, và những cuộc phản loạn, những cuộc nổi dậy đã từng diễn ra ở đó. 20 Ở Giê-ru-sa-lem đã có những vua hùng mạnh làm bá chủ khắp Vùng bên kia sông Êu-phơ-rát. Người ta đã nộp cho họ cống vật, thuế má, thuế thông quá. 21 Vì thế, các ngươi hãy ra lệnh cấm chúng không được tái thiết thành ấy, cho đến khi có lệnh ta ban. 22 Các ngươi hãy coi chừng chớ trễ nải công việc này, kẻo gây nhiều thiệt hại cho nhà vua”. 23 Như thế, sau khi bản sao sắc chỉ của vua Ác-tắc-sát-ta được đọc trước mặt quan thủ hiến Rơ-khum, viên thư ký Sim-sai và các đồng liêu, thì những người này vội vàng đi Giê-ru-sa-lem gặp người Do-thái, và dùng võ lực mà ngăn cản họ. 24 Khi đó, công việc xây Nhà Thiên Chúa ở Giê-ru-sa-lem phải ngưng lại và ngưng lại mãi cho đến năm thứ hai triều vua Đa-ri-ô, vua Ba-tư.
[5] Hc 50,26: 26 Đó là bọn người sống trên núi Xê-ia, rồi người Phi-li-tinh, và đám dân ngu xuẩn ở vùng Si-khem.
[6] St 33,18; 48,22: 18 Khi ở Pát-đan A-ram về, ông Gia-cóp đến thành Si-khem, trong đất Ca-na-an, bình an vô sự, và ông cắm trại đối diện với thành. 48 22 Còn cha, cha cho con thêm một phần hơn các anh em con, là thành Si-khem cha đã dùng gươm và cung của cha mà chiếm được từ tay người E-mô-ri”.
Gs 24,32: 32 Hài cốt ông Giu-se mà con cái Ít-ra-en đã đem lên từ Ai-cập, thì được chôn cất ở Si-khem, trong thửa ruộng ông Gia-cóp đã mua của con ông Kha-mo, cha ông Si-khem, với giá một trăm đồng bạc; đó là phần gia nghiệp của con cái ông Giu-se.
[7] x. 2V 17,24tt: 24 Vua Át-sua đã đưa người từ Ba-by-lon, Cu-tha, A-va, Kha-mát và Xơ-phác-va-gim đến định cư ở các thành xứ Sa-ma-ri, thế vào chỗ con cái Ít-ra-en. Họ chiếm Sa-ma-ri và ở trong các thành của xứ này.
[8] x. Đnl 27,4: 4 Khi đã sang qua sông Gio-đan, anh (em) hãy dựng những tảng đá ấy trên núi Ê-van, như tôi truyền cho anh (em) hôm nay, và hãy lấy vôi mà quét.
[9] Ga 3,22-36: 22 Sau đó, Đức Giê-su và các môn đệ đi tới miền Giu-đê. Người ở lại nơi ấy với các ông và làm phép rửa. 23 Còn ông Gio-an, ông cũng đang làm phép rửa tại Ê-nôn, gần Sa-lim, vì ở đấy có nhiều nước, và người ta thường đến chịu phép rửa. 24 Lúc ấy, ông Gio-an chưa bị tống giam. 25 Bấy giờ, có một cuộc tranh luận xảy ra giữa các môn đệ của ông Gio-an và một người Do-thái về việc thanh tẩy. 26 Họ đến gặp ông Gio-an và nói: “Thưa thầy, người trước đây đã ở với thầy bên kia sông Gio-đan và được thầy làm chứng cho, bây giờ ông ấy cũng đang làm phép rửa, và thiên hạ đều đến với ông”. 27 Ông Gio-an trả lời: “Chẳng ai có thể nhận được gì mà không do Trời ban. 28 Chính anh em làm chứng cho thầy là thầy đã nói: ‘Tôi đây không phải là Đấng Ki-tô, mà là kẻ được sai đi trước mặt Người’. 29 Ai cưới cô dâu, người ấy là chú rể. Còn người bạn của chú rể đứng đó nghe chàng, thì vui mừng hớn hở vì được nghe tiếng nói của chàng. Đó là niềm vui của thầy, niềm vui ấy bây giờ đã trọn vẹn. 30 Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi. 31 Đấng từ trên cao mà đến thì ở trên mọi người; kẻ từ đất mà ra thì thuộc về đất và nói những chuyện dưới đất. Đấng từ trời mà đến thì ở trên mọi người; 32 Người làm chứng về những gì Người đã thấy đã nghe, nhưng chẳng ai nhận lời chứng của Người. 33 Ai nhận lời chứng của Người, thì xác nhận Thiên Chúa là Đấng chân thật. 34 Quả vậy, Đấng được Thiên Chúa sai đi, thì nói những lời của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa ban Thần Khí cho Người vô ngần vô hạn. 35 Chúa Cha yêu thương người Con và đã giao mọi sự trong tay Người. 36 Ai tin vào người Con thì được sự sống đời đời; còn kẻ nào không chịu tin vào người Con thì không được sự sống, nhưng cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đè nặng trên kẻ ấy”.
[10] Ga 4,1-4: 1 Nhóm Pha-ri-sêu nghe tin Đức Giê-su thâu nạp và làm phép rửa cho nhiều môn đệ hơn ông Gio-an. 2 (Thực ra, không phải chính Đức Giê-su làm phép rửa, nhưng là các môn đệ của Người). 3 Biết thế, Đức Giê-su bỏ miền Giu-đê mà trở lại miền Ga-li-lê. 4 Do đó, Người phải băng qua Sa-ma-ri.
[11] x. Lc 9,51-56: 51 Khi đã tới ngày Đức Giê-su được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giê-ru-sa-lem. 52 Người sai mấy sứ giả đi trước. Họ lên đường và vào một làng người Sa-ma-ri để chuẩn bị cho Người đến. 53 Nhưng dân làng không đón tiếp Người, vì Người đang đi về hướng Giê-ru-sa-lem. 54 Thấy thế, hai môn đệ Người là ông Gia-cô-bê và ông Gio-an nói rằng: “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không?” 55 Nhưng Đức Giê-su quay lại quở mắng các ông. 56 Rồi Thầy trò đi sang làng khác.
[12] Ga 2,5b: 5 Thân mẫu Người nói với gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”.
[13] x. Ga 3,16: 16 Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.
[14] Ga 1,39: 39 Người bảo họ: “Đến mà xem”. Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười.
[15] Ga 3,16-17: 16 Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. 17 Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.
[16] Ga 8,12; 12,46: 12 Đức Giê-su lại nói với người Do-thái: “Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống”. 12 46 Tôi là ánh sáng đến thế gian, để bất cứ ai tin vào tôi, thì không ở lại trong bóng tối.
[17] Ga 3,16-18: 16 Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. 17 Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. 18 Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa.
[18] Ga 6,42: 42 Họ nói: “Ông này chẳng phải là ông Giê-su, con ông Giu-se đó sao? Cha mẹ ông ta, chúng ta đều biết cả, sao bây giờ ông ta lại nói: “Tôi từ trời xuống?”.
CÁC BÀI CHÚ GIẢI KHÁC CÙNG TÁC GIẢ
Ga 1,1-18: Ngôi Lời Đã Làm Người
Ga 1,6-8.19-28: Ông Gioan – Người Làm Chứng
Ga 1,35 – 42: Các Môn Đệ Đầu Tiên
Ga 2, 13 – 25: Đức Giêsu Thanh Tẩy Đền Thờ
Ga 3,13-17: Chính Nơi Thập Giá, Thiên Chúa Nói Với Chúng Ta Mọi Sự
Ga 3,14-21: Một Tình Yêu Vượt Quá Tầm Suy Nghĩ Của Con Người
Ga 3,16-18: Một Tình Yêu Không Thể Tin Được