Skip to content
Main Banner

Lịch sử Tỉnh Dòng Thánh Phanxicô Việt Nam - Ngược dòng thời gian

Administrator
2008-07-08 00:00 UTC+7 76

Đó là công ơn của Đức Piô XI là vị Giáo hoàng khuyến khích các Giám mục địa phận truyền giáo mời các Hội dòng đến lập nhà trong Giáo phận mình hầu đem lại sức sống mãnh liệt và vững chắc cho Giáo phận.

Theo đường hướng mới này của Đức Giáo hoàng, nhiều Dòng tu đã được thành lập tại các miền truyền giáo. Đức Cha Aiuti, Khâm mạng Toà Thánh tiên khởi tại Đông Dương, vào dịp ngài đến Rôma năm 1927, đã đề xuất cho Dòng Anh Em Hèn Mọn một địa điểm truyền giáo ở Đông Dương và Thánh Bộ đã sẵn lòng chấp thuận. Nhưng dự án lập Dòng chỉ được thực hiện vào năm 1929 nhờ sự vận động nhiệt tình và khéo léo của Đức Cha Colomban Dreyer, một anh em phan sinh được bổ nhiệm làm Khâm mạng Toà Thánh kế vị Đức Cha Aiuti.

I- THÀNH LẬP DÒNG

“Vạn sự khởi đầu nan”. Ngược dòng thời gian, chúng ta đang ở vào thời điểm 1928-1929. Tháng 11 năm 1928, Toà Thánh bổ nhiệm Đức Cha Colomban Dreyer, thuộc Tỉnh dòng phan sinh Pháp, làm Khâm mạng Toà Thánh tại Đông Dương. Khi vừa đến Việt Nam, ngài đã nghĩ ngay đến việc đưa anh em hèn mọn trở lại mảnh đất đã thắm nhuộm máu tử đạo của hàng trăm nghìn Kitô hữu Việt Nam, của hàng trăm linh mục và Giám mục truyền giáo, trong số đó có các anh em hèn mọn. Ngày 8/5/1929, Toà Thánh chấp thuận dự án thành lập Dòng ở Đông Dương, và ngày 20/5/1929 Bộ Tu sĩ ra nghị định chuẩn y.

Trọng trách lập Dòng tại Đông Dương được giao cho Tỉnh dòng Thánh Phêrô, còn gọi là Tỉnh dòng Paris, Pháp. Phái đoàn đi lập Dòng đầu tiên gồm cha Maurice Bertin (Commissaire), cha Hugolin Lemesre và tu sĩ Jean-Marie Couden. Phái đoàn lên đường ngày 9/10/1929. Tàu cập bến Đà Nẵng ngày 21/11/1929. Ba anh em tạm trú tại toà Khâm mạng Huế trước khi ra Vinh, nơi mà Đức Giám mục sở tại, Đức Cha Eloy, ngỏ ý mời anh em đến lập Dòng. Hai tháng sau, cha Maurice Bertin và thầy Jean-Marie đến Vinh tìm đất, trong lúc cha Hugolin đến ở với một thừa sai để học tiếng. Thành phố Vinh thuộc tỉnh Nghệ An là thành phố lớn thứ ba sau Hà Nội và Hải Phòng, có hai hải cảng là Cửa Hội và Cửa Lò và một cảng sông là Bến Thủy. Cảnh sông núi hùng vĩ đã tạo nên những con người có tâm hồn phóng khoáng, dũng cảm, tự lập và có nhiều cá tính.

“Đường vô xứ Nghệ loanh quanh,
Non xanh nước biếc như tranh hoạ đồ
Ai vô xứ Nghệ thì vô”.

Tu viện Vinh

Năm 1931, cha Maurice Bertin khởi công xây tu viện phan sinh đầu tiên trên đất Việt. Khu đất nằm cách thành phố Vinh chừng ba cây số về phía Đông Nam, gần Quốc lộ 1, đường Vinh đi Bến Thủy.

Nửa năm sau, ngày 8/12/1931, Đức Khâm mạng Colomban Dreyer, từ Huế ra, khánh thành phần đầu của công trình: một nếp nhà nhỏ dùng làm nhà bếp và nhà cơm; một nếp nhà dài song song không có lầu, dùng làm nhà thử; mặt trước bên phải là tu viện; bên trái là tập viện. Hai nhà này dài mỗi nhà là 80m, có một tầng lầu. Thế là cả ba phía Đông, Tây, Nam đều có nhà bao kín, quanh một khu vườn hình vuông. Còn phía Bắc thì dành chỗ cho nhà thờ sau này. Sau những ngày đó, cha Maurice Bertin tiếp tục cho xây cất phần còn lại.

Ngày 2/8/1932, Đức Giám mục Địa phận Vinh là Đức Cha Eloy về khánh thành nhà thờ tu viện.

Toà nhà toạ lạc trên một khu đất chừng 4 mẫu, chung quanh có hàng rào xi măng.

Tu viện Vinh dùng làm nhà thử và tập viện. Ơn gọi Việt Nam đã đến, từ Bắc chí Nam, ngày 6/12/1932 đã có 6 dự tu. Ngày 13/6/1935 mở nhà tập. Giám sư là cha Mathieu Varin. Cha Giám tỉnh Rémi Leprêtre sang kinh lý, mặc áo dòng cho 3 tập sinh. Bền đỗ khấn trọng được 1 vào tháng 7/1939: anh Gioan-Baotixita Lưu Văn Thái.

Tháng 9/1930 từ Pháp tiếp sang hai anh em: cha Léonard Ramon và anh Archange Staelen. Tháng 10/1931 cha Joseph Vermeulen đang truyền giáo ở tỉnh Sơn Tây bên Trung Quốc xuống nhập đoàn. Năm 1932 tiếp sang hai anh em: cha Bertin Bresson, cha Mathieu Varin. Năm 1933 từ Pháp lại tiếp sang cha Jean-Bernard Ramon. Trừ cha Maurice Bertin, các anh em linh mục Pháp đều đi học tiếng Việt một năm ở các họ đạo. Ngày 15/5/1933 cha Joseph Vermeulen được cử giữ chức Phụ trách cộng đoàn Vinh. Cộng đoàn gồm 7 linh mục Pháp, 2 anh không linh mục Pháp, 4 thỉnh sinh trong số có anh Jean-Baptiste Lưu Văn Thái và bốn tìm hiểu trong số có 2 anh Pascal Nguyễn Văn Lụy và Paul Nguyễn Văn Hiếu. Như thế là ở Việt Nam đã có một cộng đoàn phan sinh, đã có một tu viện chính thức. Có thể kể thêm: các Phụ trách sau cha Joseph Vermeulen là các cha André Durand, Bertin Bresson, Léonard Ramon, Jean-Bernard Ramon, Paul-Joseph Baillie. Tu viện kính thánh Phanxicô làm bổn mạng.

Ơn gọi đến sớm, từ Bắc chí Nam, đa số Miền Trung, do các cha xứ và báo chí giới thiệu. Khởi đầu là ơn gọi anh em không linh mục.

Sau đây xin lược kể các khóa nhà tập và ghi tên anh em đã xuất thân từ tập viện Vinh, đã qua đời trong dòng hoặc đã bền đỗ cho đến năm 2000.

§ Ngày 13/6/1935 mở nhà tập. Sư phụ là cha Mathieu Varin. Cha Tỉnh Phục vụ Rémi Leprêtre sang kinh lý, mặc áo dòng cho ba tập sinh. Khấn tạm được 1: anh Gioan Baotixita Lưu Văn Thái.

§ Khóa tập 1936-1937. Kết quả hai anh khấn tạm: Pascal Nguyễn Văn Lụy, Paul Nguyễn Văn Hiếu.

§ Khóa tập 1937-1938. Kết quả: các anh Raphael Nguyễn Văn Huyên, Gabriel Nguyễn Văn Hoa, Michel Nguyễn Văn Nghi, Thomas Huỳnh Thông, Dominique Chu Khắc Yến.

§ Khóa tập 1938-1939. Kết quả: các anh Ange Nguyễn Sĩ Thư, Archange Nguyễn Văn Hân, Didace Nguyễn Văn Thay, Louis Nguyễn Bình Yên, Egide Đào Sĩ.

§ Khóa tập 1939-1940. Sư phụ là cha Jean-Bernard Ramon. Tập sinh là sáu chủng sinh tốt nghiệp chủng viện Thanh Hóa và hai anh không linh mục. Kết quả: cha Bonaventure Trần Văn Mân, cha Jean de la Croix Nguyễn Ngọc Toàn. Khóa tập này bắt đầu chung cho anh em linh mục và không linh mục.

§ Khóa tập 1941-1942. Kết quả: các cha Bernard Dương Liên Mỹ, Jean-Marie Trần Văn Phán, Augustin Nguyễn Trinh Phượng, Benoit Trần Minh Phương, Alphonse Trần Phước Đức và anh Marcel Hoàng Xuân Khoát.

§ Khóa tập 1943-1944. Kết quả các cha Dominique Nguyễn Xuân Bá, Angello Vũ Văn Đình, Pacifique Nguyễn Bình An, Pierre Baptiste Đỗ Long Bộ, Bérard Trần Bá Phiên, các anh Antonin Trương Văn Biên, Clément Nguyễn Văn Dung, Fidèle Lê Trọng Nhung.

§ Khóa tập 1944-1945. Kết quả: các anh Massée Nguyễn Anh Tuấn, Laurent Nguyễn Văn Trượng, Daniel Nguyễn Văn Trinh.

§ Khóa tập 1946-1947. Kết quả: hai cha Emmanuel Nguyễn Văn Thứ và Paul Nguyễn Văn Hồ.

§ Khóa tập 1950-1951. Con số đẹp: 24 tập sinh, 9 không linh mục, 15 giáo sĩ. Kết quả: các cha Daniel Nguyễn Thăng Cao, Clément Trần Thế Minh, Gentil Trần Anh Thi, Michel Trần Thế Luân, Xavier Nguyễn Thế Kỷ. Etienne Nguyễn Mạnh Tân. Các anh Benjamin Nguyễn Tất Pháp, Noel Trần Hữu Liên.

§ Khóa tập 1952-1953. Hai cha Marie-Antoine Trần Phổ và Samuel Trương Đình-Hoè.

Quá trình thời gian tập viện là 18 năm. Kết quả 42 anh em. 22 linh mục, 20 không linh mục.

 


Chủng viện Thanh Hoá

Năm 1933, cha Maurice Bertin khởi công xây chủng viện Thanh Hoá. Sau hai năm, công trình xây cất hoàn thành. Trong những năm đầu, vì chưa xây được chủng viện, nên các chủng sinh phải ở tại Vinh. Thượng tuần tháng 3/1935, chủng viện tạm thời ở Vinh đã được dời ra Thanh Hoá, trả lại chức năng nhà thử và tập viện cho tu viện Vinh.

Chủng viện Thanh Hoá được xây cất trên khu đất rộng hơn hai mẫu tây, sát cạnh Thành phố Thanh Hoá. Phía Bắc là phố xá, là bệnh viện tỉnh, phía Nam là núi Mật Sơn.

Quá trình xây cất cũng gồm hai giai đoạn. Chỉ trong vòng một năm cơ sở chính đã hoàn thành: nếp nhà chính hình chữ T, dài 100m. Ở cánh ngang, tầng trên là phòng ngủ, tầng giữa chia thành lớp học và các phòng phụ thuộc, tầng trệt cũng chia thành lớp học và một phòng học bài, làm bài dài và rộng, tiếp đến là phòng khách. Ở cánh dọc, tầng hai là phòng rửa mặt, tầng một là phòng khánh tiết, tầng trệt là phòng cơm. Nối dài theo cánh ngang là nhà chơi thênh thang, bên cạnh có nhà tắm, nhà giặt. Phía sau, ngang với nhà chơi là tu viện, một tầng, nơi các tu sĩ ở. Sau đó nữa là các nhà phụ thuộc: nhà các giáo sư đời, nhà kho, nhà bếp, nhà chăn nuôi, nhà xay lúa giã gạo. Ngày 19/3/1935, cha Tỉnh Phục vụ Rémi Leprêtre, nhân chuyến đi kinh lý các Giáo phận phan sinh ở Nhật Bản, cũng kinh lý công cuộc lập dòng ở Việt Nam và chủ sự lễ khánh thành chủng viện mới. Ngày 22/11/1936, cha Maurice Bertin lại khởi công xây nhà thờ chủng viện. Ngày 2/5/1937, Đức Cha De Cooman đã chủ sự lễ khánh thành ngôi nhà thờ mới.

Từ sau lễ khánh thành, các niên khoá mở đều đặn. Số chủng sinh có năm lên trên 100.

Các anh em Pháp tiếp sang: Paul-Joseph Baillie (1935), Rufin Arbault (1936), Jean Marc Leurs, Constant Dépierre, Martial Van Baelinghem (1937), Alix Bourgeois, Florent Zuchelli (1939). Ngoài ra còn có một số giáo sư Việt Nam.

Năm 1939 cha Léonard Ramon, Giám đốc; cha Paul-Joseph Baillie, giám thị; cha Constant Dépierre, giáo sư.

Tháng 1/1944, chủng viện Thanh Hóa bị chính phủ Pháp trưng dụng để di tản trường Trung Học Bảo Hộ ở Hà Nội vào.

Năm 1947, chủng viện Thánh Hóa bị máy bay Pháp ném bom. Ba quả trúng nhà. Hư hại dãy nhà cơm. Tháng 10 một số anh em từ Vinh ra giữ nhà và sửa sang lại. Tháng 9/1948, cha Trần Văn Mân được cử ra giữ chức Phụ trách cộng đoàn Thanh Hóa, gồm hai linh mục, 4 tu sĩ và 4 dự tu. Chiều ngày 23/10/1953 anh em được lệnh lánh cư. Đến Phú Mỹ một họ đạo nhỏ. Tại đó cuộc sống, ngoài việc kinh nguyện như ở nhà dòng, anh em lao động làm ăn. Mãi đến ngày 29/10/1954 mới hồi cư.

Hiệp định Genève chia đôi đất nước, có khoản cho công dân Việt Nam được quyền chọn ở một trong hai miền Nam Bắc. Nhận thấy đa số anh em ở Thanh Hóa cũng như Vinh đang trong thời gian huấn luyện, cha Tỉnh ủy Joseph Vermeulen tin cho anh em xin vào miền Nam, nơi có nhiều anh em linh mục của dòng, có nhiều thầy giáo hơn.

Anh em ở tại chủng viện Thanh Hoá được 20 năm.


Học viện Nha Trang

Xuôi vào Miền Trung, năm 1938, cha Maurice Bertin lại khởi công xây tu viện Nha Trang.

Trong giây chuyền giai đoạn huấn luyện khởi đầu của Tỉnh dòng tương lai, Nha Trang được xem là điểm kết thúc: vừa là Triết Viện, vừa là Thần Học Viện.

Ngày 3/4/1938, cha Maurice mua được một ngọn đồi của làng Xóm Bóng về phía Đông Nam thành phố Nha Trang, cách chừng 3 cây số, cạnh Quốc lộ 1. Ngọn đồi nằm nhô ra ngoài biển, dưới chân đồi là làng Xóm Bóng, phía Đông giáp với đồi Lasan. Diện tích ngọn đồi khoảng 6 mẫu. Đứng trên ngọn đồi phóng tầm mắt nhìn xuống: bên trái là bờ biển Hòn Chồng, bên phải là thành phố và bờ biển Nha Trang, trước mặt là Hòn Yến, Hòn Rùa và nhiều hòn đảo nhấp nhô xa mãi biển khơi.

Khởi công xây nhà, gạch đã được mua sẵn. Nhưng khi đào móng, mới thấy dưới đồi là một khối đá hoa cương. Sau khi tính toán, cha Maurice cho bán gạch và kêu thợ chẻ khối đá thành những viên đá vuông hoặc hình chữ nhật đều đặn. Thay vì xây bằng gạch, nhà sẽ xây bằng đá. Mùa Xuân năm 1939, mới đặt viên đá đầu tiên.

Khi đã xây xong, du khách từ quốc lộ 1 đi lên nhà dòng, chỉ thấy nhà một tầng trệt, nhưng từ mặt biển hay từ cầu Xóm Bóng nhìn qua thấy nhà hai tầng lầu. Tu viện Nha Trang là một quần thể dãy nhà xây bằng đá xanh, lợp ngói đỏ, nổi rõ giữa cành cây mô đá, trên một ngọn đồi xinh, bốn mùa lộng gió. Nhà lưỡng diện, phía Bắc nhìn ra làng mạc tiếp giáp núi đồi, phía Nam nhìn sang thành phố, ban đêm như sao sa, sáng cả một vùng.

Ngày 2/7/1941, cha Alix Bourgeois và 3 sinh viên đã học Triết ở tu viện Vinh từ năm 1940 vào khai trương học viện. Giám đốc là cha André Durand. Ngày 4/6/1942 thêm một lớp sinh viên từ Vinh vào. Học viện đã có lớp triết và thần học.

Một đội ngũ anh em Pháp tiếp sang: Joel Cotty, Pierre Fourny (1947), Célestin Billard, Benoit Brun, Jean Ramart (1949), Pascal Van Vaemerbeke, Corentin Savary (1950), Julien Dujardin (1952), Marie-Francois Aubry, Guillaume Genton, Luc Mathieu, Alain Wargniez, Roger Bouission (1953).

§ Ngày 15/8/1945, anh Bonaventura Trần Văn Mân lãnh chức linh mục. Trước đó ngày 25/3/1945, hai anh Phanxicô Hoàng Trọng Tiến, và cha Marie-Jean Hoàng Văn Vĩnh lãnh chức linh mục tại Poissy, Pháp.

§ Ngày 29/6/1948, các anh Benoit Trần Minh Phương, Alphonse Trần Phước Đức, Bernard Dương Liên Mỹ, Gérard Phạm Anh Thái lãnh chức linh mục.

§ Ngày 24/8/1949, các anh Augustin Nguyễn Trinh Phượng, Jean-Marie Trần Văn Phán lãnh chức linh mục.

§ Ngày 29/5/1950, các anh Pacifique Nguyễn Bình An, Pierre-Baptiste Đỗ Long Bộ, Agnello Vũ Văn Đình, Bérard Trần Bá Phiên, Dominique Nguyễn Xuân Bá lãnh chức linh mục.

§ Năm 1950 Chi tỉnh gửi sang Pháp du học 3 cha: Pacifique Nguyễn Bình An, Pierre-Baptiste Đỗ Long Bộ, Agnello Vũ Văn Đình, học Haute Etude Catéchétique và Sciences Sociales ở Institut Catholique Paris. Sau hai năm, cha Pierre-Baptiste và Agnello về lại Việt Nam để phục vụ. Cùng đi đợt này có 3 sinh viên: Emmanuel Nguyễn Văn Thứ, Paul Nguyễn Văn Hồ, Jean Ngô Doãn Khôi, học thần học ở học viện Tỉnh dòng Paris tại Poissy. 3 anh đã lãnh chức linh mục ngày 29/6/1953. Anh Emmanuel Thứ tiếp tục học tại Đại học Antonianum và Viện Kinh Thánh Giêrusalem, đậu bằng cử nhân Kinh Thánh và Tiến sĩ Thần học.

§ Năm 1952, anh Jean de la Croix Nguyễn Ngọc Toàn lãnh chức linh mục.

§ Năm 1955, Anh Agnello Đình lại được gởi đi du học. Anh đậu bằng Tiến sĩ Giáo luật ở Đại học Antonianum với luận án De Fontibus Juris Particularis Ecclesiastici Missionis Vietnamensis.

§ Ngày 28/4/1957, các anh Daniel Nguyễn Thăng Cao, Michel Trần Thế Luân, Clément Trần Thế Minh, Marie-Antoine Trần Phổ lãnh chức linh mục.

§ Ngày 29/6/1958, anh Gentil Trần Anh Thi lãnh chức linh mục.

§ Tháng 10/1958, anh Daniel Cao du học tại Pháp, học ở Institut Catholique. Một số anh khác đi du học và lãnh chức linh mục ở Pháp: anh Samuel Trương Đình-Hoè (28/6/1958), Etienne Nguyễn Mạnh Tân và Xavier Nguyễn Thế Kỷ (29/6/1959). Anh Samuel Đình-Hoè đi du học 2 lần. Học vị của anh: Tiến sĩ Á Đông học và các bằng Á Đông sinh ngữ, cử nhân Văn khoa, cử nhân Triết học Kinh viện, tốt nghiệp cao học Trung văn, cao học Triết lý Kinh viện và cao học Thực hành các Khoa học Tôn giáo của Đại học Sorbonne, Paris III và Paris VII.

Đã xuất thân trên đồi Học Viện Nha trang lộng gió ở giai đoạn này 22 linh mục, không kể hai cha Gérard Phạm Anh Thái, Théophane Nguyễn Văn Bích sau gia nhập hàng linh mục triều và một cha về lại thế gian: Jean Ngô Doãn Khôi.

Ngày 20/1/1947, Tỉnh dòng Paris cử cha Joseph Vermeulen sang thay cha Maurice Bertin giữ chức vụ Tỉnh ủy. Cha này đã từng giữ chức Phụ trách tu viện Vinh, đã về Pháp nghỉ và đang giữ chức Quản lý các miền truyền giáo của Tỉnh dòng Paris.

Tới thời điểm này, công việc lập Dòng Anh Em Hèn Mọn ở Việt Nam đã đặt nền móng vững chắc về mặt cơ sơ và mặt linh đạo sống hèn mọn, nghèo khó và liên đới. Chương trình huấn luyện đi vào qui củ. Một tương lai cho sự phát triển đầy sức sống đang mở ra.

Năm 1947 có một thay đổi quan trọng. Cha Maurice Bertin đã 77 tuổi và đã hoạt động ở Việt Nam 18 năm, thời gian được kể là lâu. Tỉnh dòng Paris để cha về Pháp nghỉ, phục hồi sức khoẻ, sau nhiều vất vả lo toan, sau nhiều chao đảo thiếu thốn của thời chiến tranh.

Ngày 20/7/1954 Hiệp định Genève được ký kết giữa Việt Nam và Pháp. Đất nước chia đôi.

II- TRÊN ĐÀ PHÁT TRIỂN

Vì hoàn cảnh chiến tranh, chủng viện Thanh Hoá – tập viện Vinh khó có hy vọng tồn tại. Anh em nghĩ đến một cơ sở song song, cơ hồ thay thế. Dưới bóng học viện, một nếp nhà tranh được cất lên, trên mặt bằng phía trái, trước học viện, gần con đường lát đá đi lên nhà thờ. Với nếp nhà tranh này, chủng viện phan sinh miền Nam ra đời. Chủng viện gồm hai lớp 8 và 7, với số 24 chủng sinh.

Khi tu viện Tiểu Cần sửa sang xong nhà cửa, anh em dời chủng viện Nha Trang xuống miền đồng bằng sông Cửu Long.

Nhưng Tiểu Cần là một nơi đồng chua nước mặn, xa hút các thành phố, giao thông bất tiện, không phải là địa điểm lý tưởng để đặt một cơ sở giáo dục quan trọng. Tháng 2/1955, anh em lại dời chủng viện về Nha Trang nhập với số các chủng sinh từ Vinh mới di cư vào.

Đến niên khoá 1958-1959, chủng viện Nha Trang đã có các lớp 8, 7, 6, 5, 4, 3, 2, 1. Các chủng sinh lúc bấy giờ còn lại, lớp 8: hai anh Xuân Thảo, Tự Tín; lớp 7: anh Có; lớp 6: các anh Irénée Minh, Camille Phúc, Xuân Quý; lớp 5: các anh Ban, Sĩ, Văn Quý, Thịnh; lớp 4: anh Norbert Khanh; lớp 3: anh Charles Lý; lớp 2: hai anh Vincent Lư, Phi Khanh Khởi; lớp 1: các anh Guy Marie Giáo, Damien Lữ, Bosco Đình; Savio Chức.

Niên khoá 1959-1960, chủng viện Nha Trang dời vào Thủ Đức.


Tu viện Tiểu Cần

Chủng viện Thanh Hoá không còn, cha Tỉnh ủy Joseph Vermeulen hướng về giáo phận Vĩnh Long, nơi có những họ đạo mang nhiều kỷ niệm lịch sử phan sinh. Đức Giám mục Ngô Đình Thục đã sẵn sàng mở cửa giáo phận ngài cho Dòng. Nhưng ngài khuyên không nên lập nhà ở Cái Mơn, Cái Nhum. Những nơi này đã có nhà dòng, nhà phước như Kitô Vua, Mến Thánh Giá. Đức cha đề nghị về Chà Và hay Mặc Bắc, gần những họ đạo lớn, hy vọng sẽ được sự giúp đỡ. Anh em xin nhận Tiểu Cần, một họ đạo nhỏ, chừng một trăm giáo dân, không có cha sở.

Tháng 2/1953, hai đợt anh em: trước cha Augustin Nguyễn Trinh Phượng, anh Laurent Nguyễn Văn Trượng, sau cha Phanxicô Hoàng Trọng Tiến, anh Antonin Trương Văn Biên, xuống tiếp nhận Tiểu Cần: một khoảng đất, trên có một nhà thờ nhỏ, một nhà gọi là nhà vuông, có hai dì phước dòng Mến Thánh Giá Cái Mơn đang ở nuôi một số em cô nhi Khemer, và một vựa lúa đang chứa lúa nhà chung. Anh em phải sửa sang lại, xây cất thêm để đầu niên khóa 1953-1954 có thể đón chủng viện ở Nha Trang di chuyển vào. Công việc khó khăn vì thiếu phương tiện, nên phải đến đầu năm 1954 mới sẵn sàng để đón ban giáo sư và 40 chủng sinh từ Nha Trang vào.

Ngày 24/2/1954 Đức Cha Ngô Đình Thục khánh thành chủng viện Tiểu Cần. Cha Benoit Trần Minh Phương được cử làm Giám đốc. Một số linh mục Việt Nam và Pháp được cử làm giáo sư. Nhưng Tiểu Cần, như đã nói trên, không thuận tiện cho việc huấn luyện, nên chỉ một năm sau, tháng 2/1955, anh em lại dời Chủng viện về Nha Trang.

Ngày 2/8/1955, nhà tập đã mở ở Tiểu Cần, với vị Giám sư Việt Nam đầu tiên, cha Phanxicô Hoàng Trọng Tiến, một linh mục sâu sắc, khắc khổ, đã vào nhà tập, học triết học, thần học và chịu chức linh mục ở Pháp. Khóa này có 4 tập sinh không linh mục : Philippe Lê Văn Tâm, Jean-Marie Nguyễn Văn Đoài, Martin Lê Văn Công và Ferdinand Nguyễn Văn Hiền. Ở miền Nam, lịch sử tập viện lại cũng bắt đầu với anh em không linh mục.

Ngày 10/8/1956: ngày mặc áo dòng của 2 tập sinh không linh mục và 2 tập sinh giáo sĩ: Charles Nguyễn Thành Triệu, Pacifique Lê Đức Hoà, Pierre Lương Kim Ngọc và Bosco Trần Đình Phúc Quý.

Ngày 17/9/1957, có 6 chủng sinh tốt nghiệp chủng viện Nha Trang vào nhà tập: Matthieu Nguyễn Vinh Phúc, André Trần Hữu Phương, Timothée Nguyễn Phúc Lợi, Charles Phạm Quốc Phú, Raphael Bùi Hạnh Nghi và Jean-Baptiste Nguyễn Văn Thạnh. Đây là hoa trái đầu tiên của chủng viện miền Nam.

Năm 1958, ngày 15/8, 9 ứng sinh được mặc áo dòng: Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh, Joseph Đậu Quang Đề, Laurent Nguyễn Đình Dũng, Philippe Lê Trọng Phan, Thomas Nguyễn Trọng Cung, Simon Nguyễn Linh Dược, Jacques Nguyễn vinh Qui, Bernard Nguyễn Tám và Louis Nguyễn Đức Tùng. Ngày 15/9, tập sinh Louis Nguyễn Đức Tùng bị chết đuối trong một tai nạn đắm ca nô.

12/1958, anh Berard Trần Bá Phiên và anh em khởi công xây lại nhà thờ Tiểu Cần.

Năm 1960, cha Paul-Joseph Baillie cất nhà thờ Phú Thọ Nhì.

Ngày 30/6/1964, anh em bỏ nhà Tiểu Cần về Cù Lao Giêng.


Chủng viện Thủ Đức

Năm 1958, cha Tỉnh ủy Pacifique Nguyễn Bình An đã khởi công cho xây chủng viện Thủ đức. Ngày 4/10/1959, lễ khánh thành. Chủng viện là một kiến trúc hình chữ T. Cơ sở chính là chủng viện, dài 100m, gồm 1 tầng trệt và 2 tầng lầu. Tầng trệt và lầu một phần lớn là lớp học. Lầu hai là phòng ngủ.

Nối dài theo chủng viện, phía sau là tu viện, nơi ở của các linh mục và tu sĩ. Sau tu viện là nhà bếp, nhà xe.

Thân chữ T, phía trái, là tầng trệt và một lầu. Tầng trệt là nhà cơm, tầng lầu là nhà nguyện. Nối theo nhà cơm, có nhà chơi, nhà tắm giặt.

Chủng viện đủ chỗ cho 230 chủng sinh. Tu viện đủ chỗ cho 28 linh mục, tu sĩ.

Niên khoá 1959-1960 là niên khoá đầu tiên ở chủng viện Thủ Đức. Chủng viện có 9 lớp: lớp 8, 7, 6, 5, 4, 3, 2, 1 và Terminale và học chương trình Pháp. Lớp 8 vào chủng viện niên khoá đầu tiên này là lớp các anh Giuse Thanh, Alexis Hải và Antôn Chúc. Còn anh Đình Ngọc cũng vào năm này, nhưng vào lớp 7 là lớp hai anh Xuân Thảo và Tự Tín. Cuối niên khoá, lớp Terminale là lớp các anh Giáo, Đình, Lữ, Chức… thi Tú tài II Pháp tại Sài Gòn. Đậu hết. Các giáo sư rất tự hào, nhất là các cha giáo sư Pháp, cho là thời vàng son Thanh Hoá đã trở lại.

Năm 1958, Chi tỉnh đã gởi đi học triết và thần học tại Pháp các anh: Matthieu Nguyễn Vinh Phúc, André Trần Hữu Phương, Pierre Lương Kim Ngọc, Timothée Nguyễn Phúc Lợi, Charles Phạm Quốc Phú và Raphael Bùi Hạnh Nghi. Anh André Phương và Matthieu Phúc chịu chức linh mục ngày 27/6/1964. Anh André Phương tiếp tục ở lại học Huấn giáo và Sư phạm giáo dục tại Institut Catholique.

Năm 1959, các anh Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh, Joseph Đậu Quang Đề, Philippe Lê Trọng Phan, Thomas Nguyễn Trọng Cung và Simon Nguyễn Linh Dược đi học triết và thần học tại Pháp. Hai anh Pascal Tỉnh và Philippe Phan chịu chức linh mục ngày 28/6/1966.

Ngày 27/8/1960, các anh Guy-Marie Nguyễn Hồng Giáo, Bosco Nguyễn Văn Đình, Damien Đoàn Văn Lữ, Savio Nguyễn Chí Chức, Thomas Nguyễn Tiến Hữu và Paul Nguyễn Hồng Giáp mặc áo dòng tại Mons-en-Baroeul, Lille, Nước Pháp trong một nghi lễ do chính cha Guy-Marie Brisebois chủ sự. Ba anh Bosco Đình, Damien Lữ và Savio Chức đã chịu chức linh mục ngày 11/3/1967. Riêng Anh Guy-Marie Giáo chịu chức linh mục ngày 23/7/1968 và ở lại tiếp tục học lấy bằng Tiến sĩ Triết học tại Đại học Louvain với luận án Le Verbe dans l’Histoire; La Philosophie de l’Historicité du Père Gaston Fessard.

Ngày 28/8/1961, các anh Phi Khanh Vương Đình Khởi, Vincent Hoàng Văn Lư, Jean Bùi Văn Nghiệm, Théophile Phan Kim Ngọc và Giles Trần Đức Châu khởi đầu giai đoạn tập viện cũng tại Mons-en-Baroeul. Anh Vincent Lư chịu chức năm 1968 và tiếp tục học lấy cử nhân khoa toán tại Đại học Marseille. Anh Phi Khanh Khởi chịu chức ngày 19/7/1969. Tháng 10/1970, anh đang khởi sự viết luận án tiến sĩ thần học tại Đại học Munich thì được gọi về Việt Nam vì nhu cầu huấn luyện của Hạt dòng.

Ngày 16/9/1962 các anh Charles Phan Châu Lý, Seraphin Phạm Văn Lang, Norbert Nguyễn Văn Khanh mặc áo dòng tại Mons-en-Baroeul. Hai anh Charles Lý và Norbert Khanh chịu chức linh mục ngày 14/3/1970. Anh Norbert Khanh tiếp tục học tại Institut Catholique Paris và đậu tiến sĩ thần học với luận án Le Christ dans la Pensée de Saint Francois d’Assise d’après ses Ecrits.

1964-1967, anh Dominique Nguyễn Xuân Bá đi du học và đậu bằng cử nhân Văn khoa Đại học Sorbonne.

Năm 1974, sau khi tốt nghiệp Giáo Hoàng Học viện Đà Lạt, anh Ambroise Nguyễn Văn Sĩ đi du học ở Đại học Antonianum. Anh đậu bằng Tiến sĩ Triết học và Tiến sĩ Thần học. Luận án Tiến sĩ Triết học của anh nhan đề Conception de l’éducation chex Karl Marx et Antonio Gramsci. Essai de confrontation et de critique. Luận án Tiến sĩ Thần học của anh, nhan đề La Théologie de l’Imitation du Christ d’après Saint Bonaventure. Anh đã ở lại dạy tại Antonianum và giữ chức Khoa trưởng Triết học suốt 4 khoá liên tiếp, một ngoại lệ vì nguyên tắc chỉ được hai khoá, hai khoá sau theo thể thức thỉnh nguyện. Dịp Tổng Tu nghị Assisi 2003, anh được bầu chọn giữ chức Tổng Cố vấn đặc trách Châu Á – Châu Đại Dương.

Kể từ năm 1967, Chi tỉnh mở lại tập viện tại tu viện Nha Trang.

Khoá 1967-1968: Giám sư Agnello Vũ Văn Đình. 12 tập sinh: Ignace Ngô Đình Phán, Jacques Huỳnh Liên Ban, Ambroise Nguyễn Văn Sĩ, Pierre Nguyễn Văn Quý, Jean-Francois Nguyễn Gia Thịnh, Camille Trần Văn Phúc, Irénée Nguyễn Thanh Minh, Joseph Nguyễn Xuân Quý, Pierre Tạ Đình Vui, Jean-Baptiste Nguyễn Văn Luận, Tôma Thiện Nguyễn Văn Triều, Maurice Võ Văn Sử.

Khoá 1968-1969: Giám sư Gérard Phạm Anh Thái. 6 tập sinh: Étienne Trần Văn Ca, Phêrô-Tự Trần Văn Trị, Corentin Lê Quang Điểm Tô, Vincent Nguyễn Văn Bá, Timothée Trần Văn Nghiệp, và Bosco Nguyễn Văn Cao.

Khoá 1969-1970: Giám sư Gérard Phạm Anh Thái. 9 tập sinh: Joachim Nguyễn Văn Có, Joseph Cup. Nguyễn Đình Ngọc, Joseph Lê Thanh, Antoine Nguyễn Văn Chúc, Étienne Trần Xuân Hồng, Joseph Nguyễn Trọng Đa, Joseph Nguyễn Xuân Thảo, Alexis Trần Đức Hải, Phêrô-Tự Nguyễn Tín.

Khoá 1971-1972: Giám sư Damien Đoàn Văn Lữ. 12 tập sinh: Phêrô Khoa Ngô Công Tâm, Bernard Trần Nhường, Dominique Nguyễn Hùng Tiến, Philippe Hồ Văn Dân, Francois Xavier Trương Quý Vinh, Paul Nguyễn Văn Định, Jean-Baptiste Nguyễn Văn Đệ, Francois Nguyễn Văn Thiên, Nguyễn Ngọc Nhẫn, Jean Nguyễn Văn Hợp và Joseph Nguyễn Văn Tân.

Khoá 1972-1973: Giám sư Damien Đoàn Văn Lữ. 7 tập sinh: Gioan Hoàng Gia Bình, Phaolô Đinh Huỳnh Hoa, Phanxicô Xaviê Vũ Phan Long, Đaminh Nguyễn Ngọc Hiếu, Phêrô Đậu Văn Minh, Gioan Nguyễn Hùng Lân, Antôn Nguyễn Đình Nam.

Khoá 1973-1974: Giám sư Phi Khanh Vương Đình Khởi. 2 tập sinh Giuse Đoàn Như Đam và Phêrô Nguyễn Xuân Phong.

Khoá 1974-1975: Giám sư Norbert Nguyễn Văn Khanh. 6 tập sinh: Anphong Nguyễn Công Minh, Gioan TC. Nguyễn Phước, Bosco Trần Hữu Quang, Máctinô Nguyễn Văn Thành, Máccô Nguyễn Thường và Phaolô Nguyễn Đình Vịnh.

Khoá 1975-1976: Giám sư Norbert Nguyễn Văn Khanh. 4 tập sinh: Phêrô Nguyễn Văn Khoan, Gioan B. Nguyễn Kỳ, Phanxicô x. Nguyễn Hạnh Phúc và Aimé Đỗ Văn Thông.

Hướng phát triển tự nhiên luôn từ Đông sang Tây và từ Bắc xuống Nam. Phải chăng đây cũng là hướng phát triển của Tỉnh dòng Anh em Hèn mọn Việt Nam?

Từ con số 3 cộng đoàn: Vinh, Thanh Hoá và Nha Trang, thì từ năm 1954 đến năm 1975 Tỉnh dòng đã tăng thành 7 cộng đoàn: Nha Trang, Cầu Ông Lãnh, Đakao, Tiểu Cần, Cù Lao Giêng, Thủ Đức và Du Sinh.

Tháng 8/1954, Trung ương Dòng ở Rôma cử cha Guy-Marie Brisebois sang kinh lý. Đây là cuộc kinh lý cấp Trung ương đầu tiên. Hai lần trước chỉ là cấp Tỉnh dòng.

Chi tỉnh phát triển nhanh. Một tương lai đẹp rất gần.

Cuộc kinh lý của cha Guy-Marie Brisebois nhằm đưa Dòng Anh Em Hèn Mọn Việt Nam dần dần đến tự lập. Cha Pacifique Nguyễn Bình An, đang du học ở Pháp, được cử giữ chức Tỉnh ủy, thay thế cha Joseph Vermeulen về Pháp giữ nhiệm vụ khác. Ngày 9/1/1955, cha Pacifique Nguyễn Bình An về đến Saigon, đảm nhiệm chức vụ Tỉnh ủy.

Đầu tháng 5/1968, trong cuộc thăm viếng của cha Tổng Phục vụ Constantin Koser, vấn đề Hạt dòng đã được quyết định trên nguyên tắc.

Ngày 15/2/1969, Chi tỉnh nhận được thư từ Rôma báo tin đã có nghị định của Bộ tu sĩ, ký ngày 6/1/1969, cho phép nâng Chi tỉnh Việt Nam lên Hạt dòng tự trị. Cha Pacifique Nguyễn Bình An là cha Giám hạt tiên khởi.

Hạt dòng thành lập là một cái đà nữa để anh em tự lực vươn lên. Kim chỉ nam là các văn kiện Công Đồng Vaticanô II, Hiến Chương Dòng và các tài liệu Assisi, Madrid, Medellin.

Đáng kể là, cho đến năm 1975, Hạt dòng có 3 tu nghị 1969, 1972, 1975. Anh em cùng nhau kiểm điểm lại đời sống tu trì, hướng dẫn các công tác tông đồ xã hội, đổi mới các cơ cấu huấn luyện, quyết tâm sống tinh thần hèn mọn, nghèo khó và liên đới giữa dân tộc và Hội Thánh Việt Nam, ước mơ một năm nào đó rất gần trở thành Tỉnh dòng, một đơn vị ngang hàng với các đơn vị chính thức của Dòng Anh Em Hèn Mọn trên thế giới.

Năm 1971, sau khi thăm Hạt dòng, cha Gabriel-Marie Porté, Giám tỉnh Tỉnh dòng Paris, đã có những nhận định về Hạt dòng:

“Hạt dòng nghèo"

- Trong các Tu viện: nơi ăn chốn ở ít tiện nghi; nhà cửa cần được sửa chữa (nếu như ở Tỉnh dòng chúng ta việc sửa chữa này đã được thực hiện lâu rồi).

- Trong cách sống: cái nghèo của anh em có hướng bắt gặp cái nghèo của người dân Việt Nam, đặc biệt ở Sài Gòn, Đà Lạt, Nha Trang.

- Trong cung cách phục vụ: anh em không đề xướng lý thuyết, học thuyết, nhưng đơn giản, với tư cách người anh em hèn mọn đích thực, anh em cố gắng đến với người nghèo (và tôi lấy làm thích thú nêu lên đây đặc biệt trường hợp anh em chúng ta tươi cười phục vụ những người tàn phế, thật sự rất nghèo và ghê tởm, ở Nha Trang…)

Hạt dòng được đánh giá cao: tôi biết được như vậy, nhờ nghe các Giám mục, linh mục, giáo dân tôi đã gặp; Hạt dòng được đánh giá cao nhờ các công tác tông đồ và phan sinh. Hình như giáo quyền chân nhận rằng tinh thần phan sinh sống động ở Việt Nam và đem đến cho Hội Thánh Việt Nam một quan niệm về đơn sơ, về gần gũi người nghèo và niềm vui an bình dù là giữa chiến tranh, điều mà Việt Nam rất cần. Đức Giám mục Bình nói với tôi rằng, các tu sĩ phan sinh Việt Nam “quá nghèo”, trái lại, Đức Cha Hiền đòi Anh em phải nghèo như đang nghèo hiện nay, vì vậy mới nêu gương được cho mọi người”.


III- ĐI VÀO CHIỀU SÂU

Biến cố 30/4/1975 đánh dấu một giai đoạn mới trong lịch sử Việt Nam. Trong hoàn cảnh mới, Hội Thánh Việt Nam không thể tính đến chuyện bành trướng theo diện rộng, nhưng phải chăng đây là cơ hội cho mọi người Kitô hữu Việt Nam đi vào chiều sâu của đạo? Anh em phan sinh cũng vậy, từ hoang mang, xa lạ, ngỡ ngàng, dè dặt, thậm chí bực dọc… anh em đã nhập cuộc vào hoàn cảnh mới của xã hội, của đất nước. Thoạt đầu, nhiều người đã nghĩ đến một Hội Thánh “hầm trú”, không còn gì để hy vọng, nhưng dần dà, anh em nhận ra rằng đây quả là cơ hội để trở về nguồn, để sống những đặc tính cốt yếu của linh đạo phan sinh.

Vào năm 1975, Tỉnh dòng chúng ta chỉ có 6 cộng đoàn: Nha Trang, Đakao, Thủ Đức, Cầu Ông Lãnh, Cù Lao Giêng và Du Sinh. Các cộng đoàn đều là những cộng đoàn lớn, ở trong thành phố hoăc ở gần thành phố. Qua nhiều Tu nghị Hạt dòng, Anh em ao ước lập được những cộng đoàn nhỏ để sống với người nghèo và giữa người nghèo nơi thôn quê, ở vùng sâu vùng xa. Hội họp, bàn thảo nhiều nhưng ước mơ vẫn là mơ ước. Đùng một cái, không hẹn mà hò, hoàn cảnh mới đã làm cho ước mơ của anh em thành hiện thực mà không cần phải tốn sức, thời giờ để hội họp, bàn thảo nhiều.

Miền Bà Rịa-Vũng Tàu

Ngày 18/5/1975, một nhóm anh em thuộc cộng đoàn Thủ Đức và cộng đoàn Đakao gồm các anh Dominique Bá, Charles Triệu, Giuse Thanh, Phêrô-Tự Tín và các anh sinh viên Giuse Huân, Giuse Bình, Ignatiô Lam, Luy Hoàng đi Bình giả lập cộng đoàn nhỏ. Không lâu, có anh Gioan-Baotixita Thịnh và anh Phêrô Đậu Văn Minh đến tăng cường. Từ Cộng đoàn Bình giả, anh em lập thêm cộng đoàn Xuân Sơn, Hoà Hội, Xuyên Mộc và Quảng Thành (gồm Kim Long, Xà Bang, Tân Gia Vinh: nay đã giao lại cho Giáo Phận Xuân Lộc).

Miền Nha Trang

Cuối năm 1977, Nhà nước ngỏ ý trưng dụng toàn bộ khu vực tu viện Nha Trang. Sau khi bàn qua tính lại, cân nhắc mọi khía cạnh, anh em chấp thuận giao nhà cửa cho Chính quyền. Đúng 16 giờ 45, ngày 27/12/1978, hai anh em cuối cùng rời khỏi tu viện Nha Trang. Đổi lại, Nhà nước đồng ý cho anh em phân tán thành 4 cộng đoàn nhỏ tản mác chung quanh vùng thành phố Nha Trang: Vĩnh phước, Thanh Hải, Ngọc Thanh, Phù Sa, và củng cố thêm nhân sự cho 3 cộng đoàn đã lập sau 1975: Cư Thịnh, Suối Dầu, Đồng Dài.

Miền Đà Lạt

Ngày 3/5/1975, các anh Tạ Đình Vui và Clément Dung thuộc cộng đoàn Du Sinh đi lập cộng đoàn nhỏ ở M’lon, một vùng truyền giáo cho anh em dân tộc. Sau khi về đây, anh em phải phụ trách đến 3 điểm: M’lon, Suối Thông B và Bắc Hội. Ngày 7/1/1976, các anh Chúc, Hiếu và Lân đươc tăng cường để lập cộng đoàn Suối Thông B. Nay Suối Thông B đã giao lại cho Giáo phận Đà Lạt.

Miền An Giang

Mùa xuân năm 1980, nhớ tới công của anh Bonaventura Mân đã vất vả tới lui, đặt nền móng cho họ đạo, Đức Cha Long Xuyên đã giao họ Cồn Én cho Dòng Phanxicô. Một nhóm 3 anh em Etienne Nguyễn Mạnh Tân (trưởng điểm, cha sở), Nicolas Vũ Ngọc Hải và Phanxicô Mai Quốc Dũng, đã đến nhận họ đạo, bắt đầu một duyên nợ bền chặt từ nay giữa Cồn Én nghèo và Dòng Anh Em Hèn Mọn. Sau hơn 1 năm hy sinh gian khổ xây dựng một họ đạo còn quá thiếu thốn, non yếu về mọi mặt, anh Etienne Nguyễn Mạnh Tân đã phải xin thuyên chuyển vì lý do sức khỏe. Ngày 13/6/1981, vào đúng ngày lễ thánh Antôn, từ tu viện Phanxicô Cù Lao Giêng, anh Damien Đoàn Văn Lữ đã khăn gói sang thay thế. Năm 1992, anh Nicolas Vũ Ngọc Hải trở thành “ông cố trẻ” Cồn Én.

Giữa năm 1997, để đáp ứng nguyện vọng của Cộng đoàn Cù Lao Giêng muốn có một nơi cho các em tìm hiểu vùng đồng bằng Sông Cửu Long ở trọ để đi học, Ban Lãnh đạo Tỉnh dòng đã quyết định thành lập Nhà Cần Thơ. Cuối năm 1997, anh em đã chọn mua được một miếng vườn rộng 1.600m2 thuộc phường Hưng Lợi, thành phố Cần Thơ và năm 1998 làm một ngôi nhà tạm, năm 2001 làm nhà kiên cố. Từ năm 1998-2004, nhà Cần Thơ đã đón tiếp 14 em tìm hiểu, trong số này hiện có 3 em đang ở giai đoạn khấn tạm và 1 tập sinh.

Miền Thành phố

Năm 1996, để phụ giúp tài chánh vào việc huấn luyện anh em trẻ và tự túc phần nào về mặt kinh tế bằng chính sức lao động, Ban Lãnh đạo Tỉnh dòng đã mua 30 mẫu đất để lập nông trường tại Sông Bé. Sáng ngày 9/5/1996, nhóm anh em gồm các anh: Gerard Liên, Nhường, Lam, Trị, Sĩ, Dám, Hưng, Hiền, Thạnh đã lên đường lập cộng đoàn Sông Bé. Ngoài công việc lao động sản xuất làm kinh tế, anh em còn tham gia các sinh hoạt tông đồ và truyền giáo của Giáo phận Phú Cường, trong tâm tình yêu mến và phục tùng Hội Thánh. Ngày 14/1/2004, anh Giám tỉnh Phi Khanh Vương Đình Khởi đã ban hành nghị định thiết lập Cộng đoàn Thánh Giuse Thợ Sông Bé thành Nhà Dòng theo Giáo luật.

Năm 1997, trong thao thức về một vùng đất nghèo, một vùng truyền giáo được nhiều anh em cùng quan tâm chia sẻ, Ban Lãnh đạo Tỉnh dòng đã quyết định thành lập điểm truyền giáo Cần Giờ. Qua trung gian của một số anh em Cựu Phan sinh, Anh Ignace Nguyễn Duy Lam, Quản lý Tỉnh dòng, đã mua được một mảnh đất chừng 3 mẫu rưỡi tại Ấp An Nghĩa, Xã An Thái Đông. Ngày 28 tháng 06 năm 2001, với sự giúp đỡ tận tình của anh chị em giáo dân, một nếp nhà lá đơn sơ đã được dựng lên trên mảnh đất Cần Giờ. Hiện nay, anh em đang chuẩn bị làm lại nhà ở cho an toàn hơn, không sợ gió bão đánh sập. Bước đầu anh em hiện diện cách khiêm tốn giữa người nghèo và với người nghèo. “Sự hiện diện của chúng tôi chỉ là một ánh sáng nhỏ toả ra từ nếp nhà tranh giữa cánh đồng mênh mông trong đêm khuya. Cánh đồng Cần Giờ vẫn bao la bát ngát, một ánh đèn nhỏ không đủ chiếu sáng cánh đồng khuya, nhưng là dấu chỉ có một “Ai Đó” đang hiện diện…”

Năm 1998, vì nhu cầu của các em tìm hiểu ở miền quê lên thành phố học không có chỗ trọ, Ban Lãnh đạo Tỉnh dòng đã quyết định thành lập nhà tìm hiểu Văn Thánh. Tháng 10 năm 1998, Tỉnh dòng mua một căn nhà ở Văn Thánh, căn nhà số 147/3b đường Xô Viết Nghệ Tỉnh, phường 25, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh. Đất diện tích là 483 m2 . Nhà trệt, diện tích 119 m2 . Mỗi năm có khoảng 9-12 em tìm hiểu đến ở trọ nhà Văn Thánh để đi học.

Hiện nay con số các cộng đoàn và các điểm của Tỉnh dòng đã lên đến 22: Thủ Đức, Đakao, Cầu Ông Lãnh, Bình giả, Xuân Sơn, Hoà Hội, Xuyên Mộc, Cù Lao Giêng, Cồn Én, Cần Thơ, Sông Bé, Cần Giờ, Văn Thánh, Du Sinh, Vĩnh Phước, Thanh Hải, Ngọc Thanh, Cư Thịnh, Suối Dầu, Đồng Dài, Đất Sét, Đồng Trăng.

Từ năm 1950-2004, Văn phòng Chi tỉnh, Hạt dòng và Tỉnh dòng đều đặt ở Đakao. Ngoại trừ trong giai đoạn cha Emmanuel Nguyễn Văn Thứ làm Tỉnh ủy từ năm 1966–1969, Văn phòng Chi tỉnh được dời về nhà Cầu Ông Lãnh.

Về chương trình huấn luyện: Sau biến cố 30/4/1975, việc huấn luyện khởi đầu được địa phương hoá, nghĩa là các giai đoạn Tìm hiểu, Thỉnh sinh, Nhà tập và Khấn tạm đều do mỗi cộng đoàn đảm trách. Đến thời mở cửa, các Nhà huấn luyện mới được mở lại:

Nhà thỉnh sinh Clara Xuân Sơn: Năm 1993, các thỉnh sinh đã được tập trung từng đợt. Khoá tập trung đầu tiên là ở Cộng đoàn Du Sinh. Sau đó từ năm 1994–1995, các thỉnh sinh tập trung mỗi đợt 3 tháng tại Nhà thỉnh sinh Clara Xuân Sơn. Thời gian này, anh Anphong Nguyễn Công Minh làm Giám sư. Và từ 1995-1998, các thỉnh sinh tập trung liên tục suốt năm. Anh Phêrô Đậu Văn Minh làm Giám sư.

Nhà thỉnh sinh Bình giả: năm 1998, Nhà thỉnh sinh Clara Xuân Sơn được dời ra Bình giả. Ngày 28 tháng 4 năm 1998, anh Đậu Văn Minh và 8 em thỉnh sinh bồng bế nhau ra Nhà thỉnh sinh mới Bình giả. Tới năm 2004, Nhà thỉnh sinh Bình giả đã được 6 tuổi. Anh Đậu Văn Minh vẫn làm Giám sư thỉnh sinh từ năm 1995 cho tới nay.

Nhà tập Du Sinh: Từ năm 1988, Tỉnh Dòng cố gắng tập trung các khoá nhà tập tại Tu viện Du Sinh. Khoá tập kéo dài hai năm. Các khoá đầu chỉ có thể tập trung vài ba tháng. Kể từ khoá 1992-1994 và 1994-1996, năm tập nhặt có thể tổ chức tập trung. Anh Phanxicô Xaviê Vũ Phan Long làm Giám sư tập viện từ năm 1988 đến năm 1994. Và anh Gioan TC. Nguyễn Phước làm Giám sư tập viện từ năm 1994 đến nay. Kể từ năm 1996, khoá tập chỉ kéo dài một năm.

Học viện Thủ Đức: Năm 1995, Nhà nước trả lại nhà và sân cho chủng viện. Công việc sửa chữa bắt đầu, dự định dời lớp khấn tạm từ Đakao về Thủ Đức. “Học viện” Đakao lúc đó chỉ gồm các anh em khấn tạm, được tập trung từ Xuân Sơn về và đang theo học ở Liên Dòng. Anh Giuse Nguyễn Xuân Thảo làm Giám sư. Từ đầu tháng 9/1995, nhóm Đakao kết hợp với nhóm anh em mới khấn lần đầu năm 1994, từ Đà Lạt xuống, tạo thành học viện Phanxicô Thủ Đức. Anh Giacôbê Huỳnh Liên Ban rồi anh Phanxicô Xaviê Vũ Phan Long làm Giám sư. Năm 2004, Học viện Thủ Đức đã được 9 tuổi.

Năm 1984 là năm lịch sử. Vào một buổi sáng tại nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, cha Giám hạt Nguyễn Hồng Giáo đã gặp được cha Tổng Cố vấn Alselm Moons và nhận được tin Trung ương Dòng muốn nâng Hạt dòng lên Tỉnh Dòng. Tu nghị Hạt dòng diễn ra từ ngày 6-8/2/1984 đồng thuận việc nâng Hạt dòng lên Tỉnh dòng. Sau đó Trung ương Dòng bổ nhiệm cha Giám hạt Guy-Marie Nguyễn Hồng Giáo vào chức vụ Giám tỉnh. Ngày 8/8/1984, cha Giám tỉnh Nguyễn Hồng Giáo loan báo tin vui cho anh em. Các Cộng đoàn trong 3 Miền Saigon, Lâm Đồng, Nha Trang, âm thầm mừng sự kiện trọng đại này, bằng những ngày hồi tâm, tạ ơn, cầu nguyện, ôn lại lịch sử Tỉnh dòng, nghe anh em lớn tuổi chia sẻ kinh nghiệm và cùng nhau trao đổi về trách nhiệm của mình.

Trong Cuốn Kỷ yếu năm 2004 mừng 75 năm lập Dòng Anh Em Hèn Mọn tại Việt Nam, các anh Phụ trách và Trưởng điểm sẽ giới thiệu việc hình thành và phát triển cũng như các hoạt động của mỗi cộng đoàn và điểm.

Trong báo cáo tại Tu nghị tỉnh dòng 2002, cha Joseph Hạ, Tổng Kinh lý và Chủ toạ Tu nghị, đã viết: “Hơn một phần tư thế kỷ sau biến cố 1975, Tỉnh dòng anh em đã nỗ lực phấn đấu để sống cho đúng ơn gọi trở thành người anh em hèn mọn giữa muôn vàn khó khăn. Dẫu hoàn cảnh không thuận lợi, nhưng anh em đã cố gắng không ngừng để mang lại những thành quả đáng ghi nhớ: đó là con số anh em vững chắc tăng lên; nhiều anh em trẻ đang chờ để nhập Dòng; rất ít anh em bỏ Dòng sau khi đã khấn tạm hay khấn trọng; anh em làm việc chăm chỉ; có sự hoà hợp trong Huynh đệ đoàn; tạo được tương giao tốt đẹp với Chính quyền và Giáo quyền nơi anh em sinh sống”.

Các Tỉnh ủy, Giám hạt và Giám tỉnh

Cha Maurice Bertin

Tỉnh ủy

1929-1947

Cha Joseph Vermeulen

Tỉnh ủy

1947-1955

Cha Pacifique Nguyễn Bình An

Tỉnh ủy

1955-1966

Cha Emmanuel Nguyễn Văn Thứ

Tỉnh ủy

1966-1969

Cha Pacifique Nguyễn Bình An

Giám hạt

1969-1970

Cha Agnello Vũ Văn Đình

Giám hạt

1970-1981

Cha Guy-Marie Nguyễn Hồng Giáo

Giám hạt

1981-1984

Cha Guy-Marie Nguyễn Hồng Giáo

Giám tỉnh

1984-1993

Cha Alexis Trần Đức Hải

Giám tỉnh

1993-2002

Cha Phi Khanh Vương Đình Khởi

Giám tỉnh

2002-2008

Cha Phanxicô Xavier Vũ Phan Long

Giám tỉnh

2008-2011

Tổng số anh em trong Tỉnh dòng năm 2004

 

SỐ ANH EM

%

TUỔI TB

Khấn trọng

106

64,5

56

* Linh mục

66

34,5

58

* Không linh mục

29

28,0

47

* Giáo sĩ

12

21,5

36

Khấn tạm

60

35,5

29

Tổng cộng

167

 

42

Tập sinh

8

   

Thỉnh sinh

11

   

Tìm hiểu

83

   

IV- Nhận định

Lịch sử 75 năm Tỉnh dòng Anh em Hèn mọn ở Việt Nam có những mốc điểm rõ rệt:

a/ 1929–1954: Giai đoạn thành lập Dòng. Việc thành lập Dòng Anh Em Hèn Mọn ở Việt Nam gắn liền với tên tuổi của vị sáng lập cha Maurice Bertin. Ngài đã xây dựng 3 cơ sở cho sự phát triển của một Tỉnh dòng: chủng viện Thanh Hoá, tập viện Vinh và học viện Triết và Thần Học Nha Trang. Sau việc xây cất cơ sở, ngài đã vạch ra đường hướng huấn luyện ơn gọi người bản địa.

b/ 1954–1975: Trên đà phát triển: Thời gian này Chi tỉnh tiến dần đến tự lập. Chi tỉnh đã phát triển thành 7 cộng đoàn lớn. Chương trình huấn luyện vững chắc và các hoạt động phong phú.

c/ 1975–2004: Đi vào chiều sâu: Do hoàn cảnh bó buộc, Tỉnh dòng đã phân tán thành những cộng đoàn nhỏ sống giữa người nghèo và với người nghèo. Và hoàn cảnh đã giúp Tỉnh dòng đi vào chiều sâu của đời sống cầu nguyện, hèn mọn, khó nghèo và liên đới.

75 năm lịch sử của Dòng Anh Em Hèn Mọn Việt Nam diễn ra trong bối cảnh đầy biến động của đất nước, của Hội Thánh. Ôn lại chặng đường đã đi qua, người tu sĩ phan sinh Việt Nam không thể không nghĩ tới cuộc xuất hành của Dân Chúa ngày xưa, và cảm nghiệm cách sâu xa lời Chúa nói với dân Người: “Các ngươi thấy Ta đã mang các ngươi như trên cánh chim bằng mà đưa đến với Ta” (Xh 19,4). Và khi nhìn lại con đường đã đi qua, tâm tình dạt dào trong mỗi anh em chỉ có thể là tâm tình tri ân cảm tạ: “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọng tình thương” (Tv 135). Tuy nhiên nỗi khó khăn vẫn còn đó, thiết nghĩ anh em có lý do để tin tưởng nhìn về tương lai, và nhận ra sứ mạng của mình như đã được minh định tại Tổng Tu nghi Assisi 2003:

“Người anh em hèn mọn là một con người của đức tin, của đối thoại, một khách lữ hành, một người hân hoan truyền đạt một sứ điệp và sống dấu chỉ của sự thánh thiện trong huynh đệ đoàn. Năm yếu tố này, quyện chặt với nhau làm thành một dự phóng thiêng liêng mới, biểu trưng cho sứ vụ mà chúng ta muốn thực hiện trong đời sống của Hội thánh và thế giới” (VKCK 21).

Đakao, Mùa Chay 2004
Tự Tín Ofm.

Chia sẻ