Skip to content
Main Banner
Ngôn ngữ

Thực phẩm bị lãng phí có thể nuôi sống tất cả những người đói

BTT OFMVN 01
2024-02-18 06:05 UTC+7 1195
Đức Thánh Cha, trong sứ điệp gởi cuộc họp thứ 47 của Quỹ Quốc tế về Phát triển Nông nghiệp, nhấn mạnh rằng trước cuộc khủng hoảng khí hậu, môi trường, các cộng đồng nông thôn bị ảnh hưởng trước tiên, vì họ không có nguồn lực để đối phó với tình hình do biến đổi khí hậu và chiến sự gây ra, và bị loại trừ khỏi khả năng tiếp cận tài chính.

Vatican News

Trước hết, Đức Thánh Cha cám ơn Chủ tịch, các đại biểu và đại diện thường trực các nước thành viên của Quỹ Quốc tế về Phát triển Nông nghiệp vì sự dấn thân, cống hiến thời gian và năng lượng để đấu tranh cho một thế giới tốt đẹp hơn, trong đó không ai bị tổn hại phẩm giá và nơi tình huynh đệ trở thành hiện thực, nguồn vui và hy vọng cho tất cả mọi người.

Ngài nhận xét rằng, ngày nay, thế giới của chúng ta phải đối diện với một sự chia đôi đau lòng. Một mặt, hàng triệu người phải đói khát, mặt khác, có một sự vô cảm trong lãng phí thực phẩm. Thực phẩm bị lãng phí hàng năm tạo ra lượng lớn khí thải nhà kính, trong khi số thực phẩm lãng phí đó đủ để nuôi những người đói.

Trong thời điểm bấp bênh này chúng ta đang đẩy thế giới đến những giới hạn nguy hiểm: khí hậu đang thay đổi, tài nguyên bị cướp phá; xung đột và khủng hoảng kinh tế đe dọa sự sống còn của hàng triệu người. Trước cuộc khủng hoảng, các cộng đồng nông thôn bị ảnh hưởng trước tiên, vì họ không có nguồn lực để đối phó với tình hình do biến đổi khí hậu và chiến sự gây ra, và bị loại trừ khỏi khả năng tiếp cận tài chính. Các dân tộc bản địa cũng là nạn nhân của khó khăn, thiếu thốn và lạm dụng. Mặc dù thực tế kiến thức của họ về quản lý tài nguyên thiên nhiên và mối liên hệ của họ với môi trường có thể giúp bảo tồn đa dạng sinh học.

Đức Thánh Cha còn đề cập đến thành phần bị lãng quên khác nữa đó là phụ nữ, trụ cột của hơn một nửa số gia đình phải sống trong hoàn cảnh thiếu an ninh lương thực ở khu vực nông thôn, nơi nhiều người trẻ không được đào tạo đầy đủ, thiếu nguồn lực và cơ hội. Những người trẻ là tương lai của cộng đồng nông thôn và họ có tiềm năng đáng kể để đổi mới và thay đổi tích cực.

Theo Đức Thánh Cha, thực tế này thúc đẩy chúng ta đối diện với những vấn đề hiện có, đặc biệt là nạn đói và khốn khổ, không phải bằng cách giải quyết các chiến lược trừu tượng hoặc những thỏa hiệp không thể đạt được, nhưng bằng cách nuôi dưỡng hy vọng nảy sinh từ hành động tập thể.

Ngài viết: “Chúng ta hãy làm việc cùng nhau để xây dựng một hệ thống nông nghiệp và thực phẩm bao gồm hơn. Các chương trình nghiên cứu và công nghệ thúc đẩy nông nghiệp bền vững và tôn trọng môi trường cũng sẽ góp phần vào việc này. Đồng thời điều cần thiết là loại trừ lãng phí thực phẩm và ủng hộ việc phân phối công bằng các nguồn lực.

Kết thúc sứ điệp, Đức Thánh Cha khẩn cầu sự trợ giúp Thiên Chúa trên tất cả mọi người để sự khôn ngoan, sự đồng cảm và tinh thần hợp tác và phục vụ trung thành có thể hướng dẫn các cuộc thảo luận của các thành viên cuộc họp và để những nguyên nhân loại trừ, nghèo đói và quản lý yếu kém các nguồn tài nguyên, cũng như những ảnh hưởng của các cuộc khủng hoảng khí hậu, có thể được loại bỏ. Ngài cũng hy vọng các đề xuất và hành động của họ phản ánh các giá trị phổ quát của công lý, liên đới và lòng trắc ẩn, và được hướng đến công ích và hoạt động cho hòa bình và tình bạn xã hội, tạo ra những thay đổi thúc đầy sự phát triển toàn diện của nhân loại.

Đọc bài viết gốc tại đây

Chia sẻ