Skip to content
Main Banner

Getsemani: Từ ánh sáng của Biến hình đến bóng tối của Đau khổ

Administrator
2021-03-23 00:00 UTC+7 86

Vào thứ Tư ngày 10 tháng 3, cuộc hành hương Mùa Chay thứ hai đã diễn ra tại Vương cung thánh đường Getsemani, còn được gọi là “Vương cung thánh đường của Nỗi thống khổ” hay “Vương cung thánh đường của mọi dân tộc”. Tại đây, theo truyền thống, người ta tưởng niệm nỗi thống khổ của Chúa và lời cầu nguyện của Ngài để chuẩn bị cho cuộc khổ nạn.

Vương cung thánh đường hiện tại bắt đầu xây dựng vào năm 1919, được cung hiến vào năm 1924, tọa lạc tại điểm giao giữa chu vi của nhà thờ Byzantine được tìm thấy trong quá trình xây dựng Thánh đường mới và nhà thờ Thập tự chinh dâng kính Đấng Cứu Độ Chí Thánh. Giữa “Hang phản bội” và “Tảng đá Getsemani” có một khu vườn dày đặc ô liu cổ thụ, một số được rào lại ở lối vào Đền thánh. Theo một xác nhận của nghiên cứu gần đây, những cây ô liu lâu đời nhất có gốc từ một cây cổ thụ lâu đời hơn, có thể là cùng thời với Chúa Giêsu.

Chủ tế Thánh lễ là cha Donaciano Paredes Rivera, giám sư của sinh viên thần học tại tu viện San Salvatore. Bài giảng một lần nữa do cha Łukasz Popko, tu sĩ dòng Đa minh và là giảng viên tại École Biblique et Archéologique Française ở Jerusalem, người được chọn như là nhà giảng thuyết để đồng hành với các tu sĩ Phan sinh trong suốt Mùa Chay này. Trong phần triển khai các bài đọc Kinh Thánh, cha Lukasz đã chú ý đến những điểm tương đồng giữa thời điểm Biến hình và thời điểm Đau khổ, được nói đến qua đoạn Phúc âm trong ngày. Cha nhận xét: “Có một điểm chung nào đó giữa mầu nhiệm Đau khổ và Biến hình: Chúng ta nhận ra cũng cùng các môn đệ ấy, một ngọn núi, một cuộc đối thoại với Chúa Cha. Nhưng ở đây có một điều rất thú vị, một cử chỉ đặc biệt: Nếu chúng ta đọc Phúc âm Máccô, thì rõ ràng Chúa Giêsu thường cầu nguyện một mình; không ai nghe lời Người. Trái lại, ở Nỗi thống khổ, không giống như Biến hình, là khoảnh khắc của một sự mặc khải thuộc loại khác, và vì lý do này, Chúa Giêsu đã cho các môn đệ tham dự vào lời cầu nguyện của mình: Không phải trong ánh sáng, như trong khi Biến hình, mà là trong đêm tối. Ở đây, Chúa Giêsu cho thấy rằng sự hiệp thông của Người với Cha còn sâu thẳm hơn những gì đã được tỏ lộ”.

Những lời của nhà giảng thuyết tại nơi đặc biệt này rất phù hợp với ý tưởng của kiến ​​trúc sư Antonio Barluzzi, người muốn Vương cung thánh đường Getsemani, với kiến ​​trúc đặc biệt và cửa sổ bằng thạch cao màu xanh, tạo ra không gian tranh tối tranh sáng, gợi nhớ khoảnh khắc đau thương này trong cuộc đời của Chúa Giêsu, mời ta đi vào một cuộc đối thoại sâu sắc với Chúa Cha, để sống lại phút giây hiệp thông diệu vợi của Chúa Giêsu, vào đêm đó.

Ở một điểm khác, bài giảng nói về sự từ bỏ cuối cùng của Chúa Giêsu, sau lời cầu nguyện của Ngài trên tảng đá nằm ở trung tâm Vương cung thánh đường. “Tảng đá mà chúng ta nhìn thấy dưới bàn thờ này rất đặc biệt: Mỗi người trong chúng ta phải đích thân đến để nói rằng ‘Ý Cha phải được thực hiện’, giống như Chúa Giêsu, và không ai khác có thể làm điều đó thay chúng ta. Nếu chúng ta nghĩ về điều đó, tất cả những lời cầu nguyện và phụng vụ của chúng ta được thu gọn vào điều này: ‘Ý Cha phải được thực hiện’, ‘xin phó thác trong tay Ngài’”.

Trong phần kết luận, cha Pokpo nhấn mạnh rằng sứ điệp Phúc Âm sâu sắc nhất mà chúng ta có thể mang đến cho thế giới là cử hành những gì xảy ra vào đêm được Phúc Âm mô tả này: Đó là sự hiệp thông trọn vẹn của Chúa Giêsu với Chúa Cha, cũng như sự trung thành trọn vẹn của Ngài với Thánh Ý Cha. Đây không phải là một đêm quạnh quẽ cô đơn, nhưng là một đêm của Tin Mừng.

“Nhân dịp tưởng niệm cuộc Khổ nạn của Chúa Giêsu Kitô hôm nay, huynh đệ đoàn Phan sinh muốn có lời cảm ơn đến tất cả các anh chị em đang hiện diện, ngay cả khi chúng ta rất ít ỏi”, cha Bề trên tu viện, Benito Choque, nói lời kết thúc. “Điều quan trọng là phải tiếp tục cầu nguyện ở những nơi Chúa đã tuôn đổ thánh huyết của Ngài để cứu rỗi chúng ta. Xin cho lời cầu nguyện của chúng ta được kết hợp với sự đau khổ của Chúa Giêsu và trở nên lời cầu bầu cho toàn thể nhân loại, đặc biệt cho những nạn nhân của thời kỳ nhiều đau khổ và rủi ro này.”

Giovanni Malaspina

(Nguồn: https://www.custodia.org/it/news/getsemani-dalla-luce-della-trasfigurazione-al-buio-dellagonia)

Chia sẻ