Skip to content
Main Banner

Lịch sử Dòng Anh Em Hèn Mọn

Administrator
2008-07-08 00:00 UTC+7 619

Lối sống của ngài thu hút trước tiên hai anh bạn đồng hương: anh Bernađô Cantavalê giàu có và anh Phêrô Catanê, nhà giáo luật. Tiếp đó có 9 anh khác nhập đoàn. Họ trở thành 12 "người đền tội" và lữ hành, không nhà cửa hoặc nơi cư trú cố định. Lúc đầu Phanxicô soạn một ít quy luật sống và đã được Đức Giáo Hoàng Innôxentê III chấp thuận bằng miệng; cuối cùng, ngài viết ra bản Luật Dòng Anh em Hèn mọn và đã được Đức Giáo Hoàng Hônôriô III phê chuẩn năm 1223 bằng sắc dụ.

Gương sáng của họ đã lôi cuốn Clara, cô thiếu nữ quí tộc mười tám xuân xanh. Ngày Chúa Nhật Lễ Lá năm 1212, cô trốn khỏi nhà thân phụ. Phanxicô cắt tóc cho cô như một dấu chỉ cô đã dâng hiến cho Chúa tại ngôi nhà nguyện nhỏ Porziuncula. Nhiều chị em khác đã theo gót Clara. Năm 1218/1219, Clara và chị em được Đức Giáo Hoàng chấp thuận cho sống trong sự khó nghèo của bậc tu kín. Dòng nhì Thánh Phanxicô đã phát sinh như thế, đó là dòng Chị em Thanh bần.

Giữa năm 1210 và 1211, chúng ta thấy hoạt động của Thánh Phanxicô phát triển lan rộng. Ngài gửi các bạn đồng môn đi khắp nơi để loan báo Đức Kitô nghèo khó, khiêm hạ và chịu đóng đinh, đồng thời mang đến hòa giải và bình an cho mọi Người.

Năm 1221, một thương gia người Flôren Lukêgiô và vợ là Bônađôna đã được gương Phanxicô cuốn hút và xin được chia sẻ cuộc sống của các Anh em Hèn mọn trong khi vẫn ở lại trong bậc hôn nhân. Như vậy dòng Phan sinh tại thế đã ra đời.

Căn tính của phong trào Phan sinh là sống Phúc âm trong Giáo hội theo thể thức mà Phanxicô đã đề ra và tuân giữ, và đi rao giảng cho mọi tạo vật.

Dòng nhất Phan sinh đã trải qua một cuộc cải tổ sâu rộng. Từ đó dẫn đến ba khuynh hướng, làm phát sinh ba nhánh có pháp nhân độc lập nhưng theo cùng một luật sống. Ba nhánh có sự quản trị và cơ cấu riêng: Anh em Hèn mọn, Anh em Hèn mọn Tu viện, và Anh em Hèn mọn Lúp dài.

Ba gia đình này đã phát triển như ba nhánh trên một cây vĩ đại duy nhất, với thật nhiều công tác, nhiều cuộc truyền giáo, nhiều vị tử đạo và nhiều công trạng. Sự kiện cả ba nhánh đều có các thánh và các chân phước đã nói lên điều đó.

Hiện nay Dòng Phan sinh có: 17.224 Anh em Hèn mọn trong đó 104 là Giám mục, hơn 586 tập sinh; 11.343 Anh em Lúp dài trong đó 86 là Giám mục; 4.514 Anh em Tu viện trong đó 11 là Giám mục.

LỊCH SỬ PHONG TRÀO PHAN SINH

Lời Nói Đầu

1. Lịch sử phong trào Phan sinh trải dài suốt thời gian tám thế kỷ. Không thể nói hết những nội dung có liên quan của lịch sử Phan sinh trong một ít trang được. Các chỉ dẫn thư mục chắc chắn sẽ giúp độc giả hiểu biết sâu rộng hơn về một chủ đề hoặc một biến cố lịch sử nào đó. Ở đây chúng tôi sẽ chỉ giới thiệu những điểm chính yếu nhất của lịch sử Phan sinh. Chúng ta biết rằng, nếu không có một hiểu biết căn bản về lịch sử thời Trung Cổ ở Châu Âu, và đặc biệt nếu không có một hiểu biết căn bản về lịch sử Giáo hội, thì không thể nào có những ý niệm rõ ràng về lịch sử phát triển của phong trào do Thánh Phanxicô Assisi khởi xướng. Lưu ý điều đó, giờ đây chúng tôi sẽ cho một cái nhìn bao quát về lịch sử phong trào Phan sinh, từ lúc Thánh Phanxicô qua đời (1226) đến năm 1557, năm đánh dấu cuộc chia cắt Dòng nhất Phan sinh thành hai nhánh riêng biệt, Anh em Hèn mọn Tu viện và Anh em Hèn mọn Tuân thủ. Rất tiếc, chúng tôi không thể đi sâu vào lịch sử cũng trải dài và hấp dẫn như thế của Dòng Nhì và Dòng Ba.


DÒNG NHẤT THÁNH PHANXICÔ

I. TỪ THÁNH PHANXICÔ ĐẾN TỔNG PHỤC VỤ BONAVENTURA (1226-1274)

2. Thánh Phanxicô Assisi qua đời ngày 3-10-1226 tại Porziuncula. Ngày hôm sau, 4-10, xác ngài được đưa về Assisi, và tạm thời được an táng trong nhà thờ thánh Georgiô. Anh Êlia đã viết một lá thư luân lưu cho Dòng, trong đó anh loan tin buồn về cái chết của Thánh Phanxicô.

3. Anh Êlia đã là Phó Tổng Phục vụ từ Tổng Tu nghị Lễ Hiện xuống 1221. Tại Tổng Tu nghị Lễ Hiện xuống 1227, ngày 30-5, anh Gioan Parenti, Tỉnh Phục vụ Tỉnh Dòng Tây Ban Nha đã được bầu lên thay anh Êlia và trở thành người kế vị Thánh Phanxicô trong vai trò Tổng Phục vụ Dòng Anh em Hèn mọn.

4. Cùng năm ấy, ngày 19-3-1227, Đức Hồng y Hugôlinô, Hồng y Bảo trợ Dòng, được bầu làm Giáo Hoàng, lấy hiệu là Grêgôriô IX. Một trong các ưu tiên của ngài là tôn vinh Thánh Phanxicô. Ngày 29-4-1228, ngài ra sắc dụ "Recolentes" trong đó ngài loan báo ý định của ngài là cho xây cất một ngôi "nhà thờ đặc biệt" để tôn vinh Thánh Phanxicô, trong đó thi hài Thánh nhân sẽ được cất giữ. Anh Elia được chỉ định làm kiến trúc sư điều hành công trình vĩ đại này, xây một tầng hầm đặt ngôi mộ và một ngôi nhà thờ tu viện.

5. Ngày 16-7-1228, Đức Giáo Hoàng Grêgôriô IX long trọng phong thánh cho Thánh Phanxicô tại Assisi, và ngày 19-7, sắc dụ phong thánh "Mira circa nos" đã được phổ biến. Trong cùng thời gian ấy, ngài đã đặt viên đá đầu tiên cho ngôi thánh đường mới mà ngài tuyên bố là sở hữu của Đức Giáo Hoàng, và ngài xin anh Tôma Xêlanô viết một cuốn tiểu sử chính thức về Thánh Phanxicô.

6. Năm 1230, tầng hầm mộ hoặc ngôi thánh đường tầng dưới đã hoàn tất. Hài cốt Thánh Phanxicô được rước về ngôi thánh đường mới ngày 25-5-1230 cách trọng thể. Anh Elia vội vã cất giữ hài cốt trong ngôi thánh đường mới mà Đức Giáo Hoàng tuyên bố là "caput et mater" (đầu và mẹ) của Dòng Anh em Hèn mọn.

7. Tại Tổng Tu nghị Lễ Hiện xuống 1230, anh Êlia toan tính nắm lấy việc quản trị Dòng, nhưng anh em bầu lại Anh Gioan Parenti. Một ủy ban đã được thành lập trong đó có anh Antôn Padua, đi Rôma xin Đức Giáo Hoàng Grêgôgiô IX một lời giải thích chính thức về Bản luật và Di chúc của Thánh Phanxicô. Đức Giáo Hoàng trả lời bằng sắc dụ "Quo elongati" (28-9-1230), qua đó, cùng với nhiều điều khác, ngài tuyên bố rằng bản Di chúc không buộc anh em phải tuân giữ như một bổn phận, và anh em được phép có một "người trung gian" (nuntius) và "những bạn thiêng liêng" để họ cung cấp cho anh em những nhu cầu cần thiết hằng ngày như Bản luật chung kết ấn định, tuy nhiên anh em không được sở hữu gì , nhưng chỉ được "sử dụng hợp với lời khấn nghèo khó" (usus pauper) những gì anh em đã nhận được.

8. Tại Tổng Tu nghị Riêti, 1232, Anh Êlia được bầu làm Tổng Phục vụ. Anh đã hoàn tất việc xây cất Vương cung Thánh đường Thánh Phanxicô. Một tổng thể kiến trúc to lớn gồm cả một Tu viện rộng rãi cho anh em (Sacro Convento), và nhà ở của Đức Giáo Hoàng.

9. Anh Êlia là một nhà lãnh đạo. Anh là một anh em giáo dân, nhưng anh ấp ủ ước vọng bành trướng Dòng. Anh cho phép xây cất những nhà thờ tu viện rộng lớn và các nhà dòng trong thành phố, cổ võ các trung tâm học vấn của Dòng, đặc biệt tại Paris, và gởi anh em đến các vùng truyền giáo của Dòng.

10. Trong thời gian này, những nơi cư trú của anh em bắt đầu có sự phân biệt giữa "loca conventualia" và "loca non conventualia", tùy theo đó là những nhà cửa rộng lớn của cộng đoàn ở thành phố hoặc những ngôi ẩn viện đơn sơ ở vùng rừng núi. Theo thời gian, các nhà thờ tu viện nhận được nhiều đặc ân, chẳng hạn quyền được cử hành lễ an táng, ca đoàn để hát trong các buổi cử hành thần vụ, quyền giảng dạy v.v... Cuối cùng, điều đó đã tạo ra mối căng thẳng giữa anh em và hàng giáo sĩ triều, như đã được nói rõ trong sắc dụ "Nimis iniqua" của Đức Giáo Hoàng Grêgôgiô IX (1231). Cùng thời kỳ này, anh em bắt đầu diễn tả lý tưởng Phan sinh theo nhiều cách khác nhau, tùy theo cách sống hoặc nơi cư trú của họ. Các anh em của Nhóm Cộng đoàn có khuynh hướng sống trong các nhà dòng rộng lớn, cổ võ việc học hành và giảng dạy. Họ tuân giữ Luật Dòng theo các giải thích mà Đức Giáo Hoàng thỉnh thoảng đưa ra, và họ thường được chọn để điều khiển Dòng. Các anh em mang danh Nhiệt thành, về sau gọi là các anh em Thiêng liêng, thích sống trong các ẩn viện hơn và họ muốn tuân giữ Luật theo tinh thần, và nhiệm nhặt hơn. Hai khuynh hướng này đóng một vai trò quyết định suốt lịch sử của Dòng từ hạ bán thế kỷ XIII đến thế kỷ XV, nhưng chúng đã phảng phất xuất hiện ở tiền bán thế kỷ XIII rồi.

11. Dẫu sao, anh Êlia cũng là một nhà lãnh đạo có tài, cuối cùng anh bị thất sủng. Trong thời gian anh làm Tổng Phục vụ (1232-1239), anh không bao giờ triệu tập Tổng Tu nghị, sử dụng những phương thức độc tài, nhất là qua những anh kinh lý mà anh gửi đến các Tỉnh Dòng. Các giáo sư Phan sinh ở Đại học Paris đã cố gắng tìm cách sửa lại những cớ vấp phạm anh đã gây nên do lối xử sự của anh. Các anh Alexandre Halès, Gioan Rochella, Raymond Faversham xin được phép của Đức Giáo Hoàng Grêgôgriô IX triệu tập một cuộc Tổng Tu nghị tại Rôma ngày 15-5-1239. Trong Tu nghị này, anh Êlia bị cách chức Tổng Phục vụ. Vì thế, anh Êlia liên minh với Phêđêric II và bị Đức Giáo Hoàng dứt phép thông công, đồng thời bị trục xuất khỏi Dòng. Anh rút lui cùng một số đồ đệ trung thành về Cortôna và qua đời tại đó năm 1253 sau khi đã giải hòa với Dòng và Giáo hội. Anh được an táng trong nhà thờ Thánh Phanxicô ở Cortôna.

12. Anh Albertô Pisa, Tỉnh Phục vụ Anh quốc, được bầu làm Tổng Phục vụ (1239-1240). Sau khi anh qua đời, anh Raymon Faversham được bầu lên kế vị (1240-1243). Anh không cho phép các anh em giáo dân nắm giữ các chức vụ quản trị Dòng. Tiến trình giáo sĩ hóa Dòng Phan sinh đã hình thành.

13. Anh Tổng Phục vụ kế tiếp là anh Crescent Jêsi, người Macsơ nước Ý (1243-1247). Ngày 14-11-1245, Đức Giáo Hoàng Innôxentê IV công bố sắc dụ "Ordinen vestrum". Trong sắc dụ này, Đức Giáo Hoàng cho phép người "trung gian" nhận tiền bạc thay mặt anh em chẳng những khi cần thiết, mà cả khi thấy thích hợp nữa. Quyền sở hữu các tài sản của Dòng vẫn thuộc về Đức Giáo Hoàng, trừ khi người ân nhân minh nhiên dành quyền ấy cho mình.

14. Tại Tổng Tu nghị Gênes (1244), anh Crescent xin những anh em trực tiếp biết Thánh Phanxicô ghi lại các kỷ niệm về Người. Ngày 11-8-1246, ba người bạn, anh Lêô, Rufinô và Angelô, từ ẩn viện Grêxiô, gửi cho Anh Tổng Phục vụ một lá thư cùng với những gì họ đã viết ("Florilegium"). Trong cùng thời gian, anh Crescent xin anh Tôma Xêlanô viết một cuốn tiểu sử thứ hai về Thánh Phanxicô, cuốn này được hoàn tất vào năm sau. Chắc chắn anh Xêlanô đã sử dụng tài liệu của ba người bạn. Tuy nhiên sử liệu ấy đã bị thất lạc, các nhà học giả Phan sinh đã cố gắng phát hiện dấu vết trong các sưu tập sau thế kỷ XIII (Truyện Ba người bạn, Truyện ký Pêrudia, Tập Góp nhặt Assisi, Gương trọn lành), kể cả trong hai cuốn của anh Xêlanô (xem các Nguồn về Thánh Phanxicô). Năm 1242, bốn giáo sư Đại học Paris, Alexandre Halès, Gioan Rôchella, Rôbetô Bascia và Eudé Rigaud, đã viết cuốn "Trình bày Luật Dòng Anh em Hèn mọn của bốn giáo sư", đây là một bản chú giải nổi tiếng về Luật Dòng Anh em Hèn mọn.

15. Anh Tổng Phục vụ kế tiếp là anh Gioan Buralli thành Parma (1247-1257). Anh thuộc nhóm Anh em Nhiệt thành hoặc Anh em Thiêng liêng, nhưng anh không chống lại việc học tập trong Dòng. Chính trong thời gian phục vụ của Anh mà anh Tôma Xêlanô viết cuốn Khảo luận về các Phép lạ của Thánh Phanxicô (1252), thánh Clara Assisi qua đời ở Đan viện thánh Đamianô (11-8-1253) và Đức Giáo Hoàng Alexandre IV phong thánh cho Chị (15-8-1255).

16. Anh Gioan Parma là người rất khiêm tốn. Anh cuốc bộ đi thăm viếng các anh em. Anh cũng là một nhà giảng thuyết tài ba. Anh đã tổ chức hai cuộc Tổng Tu nghị, một ở Gênes (1251) và một ở Metz (1254), vì anh Gioan nhất quyết tổ chức Tổng Tu nghị luân phiên ở phía bắc và phía nam núi Alpes. Trong Tổng Tu nghị này, anh Gioan từ chối lời thỉnh cầu phác thảo những luật mới cho Dòng, và khẳng định rằng điều quan trọng là tuân giữ những luật lệ đã có sẵn.

17. Tháng 8-1246, Đức Giáo Hoàng Innôxentê IV công bố sắc dụ "Quanto Studiosus", trong đó ngài cho phép anh em bổ nhiệm những "quản lý" (procurator) thay mặt anh em, chứ không cần chạy đến Đức Hồng Y Bảo trợ, để mua, bán và quản trị tất cả của cải thuộc về anh em. Đức Giáo Hoàng chỉ giữ nguyên tắc là quyền sở hữu của anh em thuộc về Giáo hội.

18. Anh Gioan là người thánh thiện, nhưng sự gắn bó của anh với nhóm Thiêng liêng là nguyên do khiến anh phải từ chức năm 1257. Anh em Thiêng liêng bị coi như những người đi theo các bài viết của Gioakim Flora (1232-1220). Gioakim Flora là một tu sĩ Xitô, sau này về ẩn tu tại Tu viện Flora bên Calabria. Ông là tác giả nhiều bài viết mang tính khải huyền. Các bài này loan báo một thời đại của Chúa Thánh Thần, khi tên phản Kitô xuất hiện và Giáo hội sẽ được canh tân bởi hai Dòng tu sống trong sự nghèo khó của các Tông đồ. Giáo thuyết này ăn khớp với cuộc canh tân trở về với Phúc âm của Anh em Thuyết giáo và Anh em Phan sinh, và nhiều người giải thích theo lối đó. Các anh em Thiêng liêng trong Dòng Phan sinh cũng không nằm ngoài số đó. Anh Gêrađô miền Borgô San Đoninô, năm 1254 đã viết một khảo luận gọi là "Introductorius in Evangelium aeternum" (Dẫn nhập vào Phúc âm vĩnh cửu). Cuốn này đã bị các giáo sư triều ở Đại học Paris công kích như là lạc thuyết. Anh em các Dòng hành khất ở Đại học bị chỉ trích nặng nề. Anh Bônaventura được công nhận là "Magiter regens" của trường phái Phan sinh, cũng như anh Tôma Aquinô bên trường phái Đa minh. Nhưng tình trạng rối rắm của sự việc đã ngăn cản sự tiến thân của các anh em hành khất ở Đại học. Sách của anh Gêrađô bị ủy ban Anagni kết án. Bản thân Anh Gioan Parma cũng bị áp lực phải rời chức Tổng Phục vụ.

19. Ngày 2-2-1257, Đức Giáo Hoàng triệu tập một cuộc Tổng Tu nghị tại Tu viện Aracoeli trên ngọn đồi "Campidolio" ở Rôma. Anh Gioan buộc phải từ chức, nhưng anh được quyền chọn người kế vị. Anh đề nghị anh Bônaventura, một giáo sư Đại học Paris. Anh Gioan rút lui về ẩn viện Grêgiô và qua đời năm 1289.

20. Anh Bônaventura sinh tại Bagnôrêgiô năm 1217. Anh sang học ở Paris nơi anh em đã có một ghế giáo sư ở Đại học, sau khi anh Alexandre Halès gia nhập Dòng Phan sinh năm 1235. Là Tổng Phục vụ, Anh Bônaventura thường được xem như "người sáng lập thứ hai của Dòng". Anh có một tài lãnh đạo có một không hai, kèm với sự thông thái và sự thánh thiện. Ngày 23-4-1257, anh viết một lá thư luân lưu gởi cho anh em, nêu lên một số điểm quan trọng nhất trong đời sống của anh em. Anh cho thấy anh em phải chuẩn bị cho sứ mạng tông đồ qua học tập, nhưng đồng thời, anh nhấn mạnh đến lối sống nghèo khó như một đặc tính của đời sống anh em. Năm 1259, anh lui về sống một thời gian ở La Verna, sau đó anh viết khảo luận thần bí nổi tiếng "Itinerarium mentis in Deum" (Hành trình của linh hồn lên với Thiên Chúa). Tại Tổng Tu nghị Narbonne (1260), anh ban hành bản Tổng Hiến chương đầu tiên cho Dòng. Tổng Tu nghị này xin anh Bônaventura viết một cuốn tiểu sử mới về Thánh Phanxicô. Cuốn "Legenda Major S. Francisci" (Đại truyện) đã được hoàn tất và đã được trình lên Tổng Tu nghị Paris năm 1263. Năm 1266, Tổng Tu nghị Paris ra chỉ thị tiêu hủy tất cả những cuốn tiểu sử về Thánh Phanxicô có trước cuốn Đại truyện. Có lẽ cuốn Đại truyện là một công cụ chính trị trong tay anh Bônaventura, nhằm hòa giải các Anh em Cộng đoàn với các Anh em Thiêng liêng. Anh Bônaventura còn bênh vực các tu sĩ hành khất chống lại những công kích bất công của các giáo sư triều ở Đại học Paris, đặc biệt trong tác phẩm "Apologia pauperum" (Bênh vực người nghèo), được viết năm 1269. Anh được đặt làm Hồng Y Giám mục Albanô năm 1273 để chuẩn bị cho công đồng Lyon. Anh qua đời ngày 14-6-1274 trong thời gian họp công đồng. Hai Đức Giáo Hoàng Phan sinh, Sixtô IV phong thánh cho anh (1484) và Sitô V nâng anh lên bậc Tiến sĩ Giáo hội (1588).

II. ANH EM PHAN SINH TRONG CÁC ĐẠI HỌC

21. Giữa thế kỷ XIII, Dòng Phan sinh đã trở nên một trong những tổ chức có trình độ bậc nhất của thế giới. Vào thời ấy, chức vụ "Lector" (giáo sư) là một trong những chức vụ được thiết lập trong Dòng. Toàn bộ các Tu viện đều nhắm trở thành những học viện cho anh em, nhất là ở các thành phố Đại học của Châu Au.

22. Anh em đã đến Anh quốc năm 1224. Năm 1229, anh em đã có trường riêng ở Oxford. Anh em đã đến Paris từ năm 1219, và cũng năm 1219 anh em đã có trường riêng ở đây. Ở cả hai nơi này, anh em sớm bắt liên hệ với các giáo sư triều trong các Đại học. Họ đã coi các tu sĩ hành khất Đa-Minh và Phan sinh như một cản trở cho sự tiến thân của chính họ. Quả thực, các tu sĩ hành khất có một kiểu "Đại học" riêng của mình, với những giáo sư và sinh viên, những buổi thuyết giảng và tranh luận riêng. Chẳng bao lâu, Anh em Thuyết giáo và Anh em Hèn mọn đã đạt được những ghế giáo sư trong Đại học, khi một số giáo sư triều như Gioan-Thánh-Giles và Alexandre Halès lần lượt trở thành anh em Đa Minh và anh em Phan sinh. Năm 1250, Đức Giáo Hoàng Innôxentê IV truyền cho Đại học Paris phải trao "licentia docendi" (quyền dạy học) cho các tu sĩ có khả năng, những anh em này có thể trở thành những giáo sư đứng lớp. Các giáo sư triều chần chừ không chịu vâng phục, họ lo sợ vì cách thức anh em Đa- Minh và anh em Phan sinh thu hút các sinh viên đến trường mình. Anh Gioan Parma đã cố gắng làm dịu tình hình năm 1254. Nhưng vấn đề về những khuynh hướng theo Gioakim Flora trong Dòng Phan sinh đã phá hỏng các cố gắng của anh, nhất là sau khi anh Gêrarđô Borgô San Donninô xuất bản cuốn "Liber introductorius". Guillaume Saint Amour đã tấn công các tu sĩ hành khất và đã được Tôma Aquinô và Bônaventura trả lời. Năm 1269, Gêrađô Abbeville cũng làm như thế và được trả lời bằng cuốn "Apologia pauperum" của anh Bônaventura và cuốn "Tractatus pauperis" của anh Gioan Peckham (1269-1270). Nicôla Lidiơ khơi lại cuộc tranh luận năm 1271 và anh Peckham đã đáp trả. Các giáo sư triều này phi bác sự nghèo khó tự nguyện, coi đó như một chọn lựa nguy hiểm, trái với những gì Đức Kitô và các Tông đồ đã dạy. Họ tấn công các tu sĩ hành khất, cho rằng các tu sĩ không có sở hữu của cải, nhưng sử dụng chúng thì cũng vậy.

23. Anh Raymond Faversham đã gia nhập Dòng Phan sinh ngay những năm đầu tiên anh em có mặt ở Paris. Sau khi trở thành anh em Phan sinh năm 1235, anh Alexandre Halès kéo theo một số sinh viên, trong đó có Rochella, Eudes Rigaud, Guillaume Melitôna và Bônaventura. Những anh em này đương nhiên kế vị anh làm giáo sư. Anh em ở tại St. Denis năm 1228, nhưng năm 1231 họ dời về khu phố Đại học và xây ngôi Tu viện lớn Cordeliers.

24. Các giáo sư Phan sinh ở Paris đạt được những vị trí quan trọng trong Giáo hội và Dòng. Anh Gioan Peckham trở thành Tổng Giám mục Cantobery và các anh Bônaventura, Matthêu Aquasparta, Arlottô Pratô và Gioan Murrôvallê trở thành Tổng Phục vụ, anh Phêrô Gioan Olieu là một trong những lãnh tụ của Anh em Thiêng liêng.

25. Trường Phan sinh ở Oxford phát triển với sự quan tâm riêng của anh Anbertô Pisơ, Tỉnh Phục vụ Anh quốc, và với kinh nghiệm học vấn của anh Rôbertô Grossetête, Giám mục tương lai của Lincoln. Anh lãnh đạo trường phái Phan sinh từ năm 1229 đến 1235 và đã để lại cho anh em cả thư viện phong phú của anh. Trong số những anh em giáo sư Phan sinh nổi tiếng của Oxford phải kể đến anh Ađam Marsh, Tôma York, Gioan Peckham, Richard Middletown, Guillaume Ockham, Roger Bacon. Anh em đến Cambridge năm 1225 và mở trường ở đó năm 1230.

26. Anh Antôn Pađua dạy thần học cho anh em ở Đại học Bôlôgna. Anh Raymond Faversham và Gioan Parma cũng là những giáo sư tại học viện này, nó luôn độc lập với Đại học, nơi không có phân khoa thần học. Nhiều học giả khác cũng ở tại Đại học Padua năm 1222.

27. Ở Koln anh em Phan sinh cũng có một học viện nơi đó anh Gioan Đun Scốt đã dạy một thời gian trước khi qua đời ngày 8-11-1308. Anh Gioan sinh tại Tô Cách Lan năm 1266 và gia nhập Dòng Phan sinh ở Dumfries. Anh học ở Oxford và đã được thụ phong linh mục ngày 17-3-1291 do tay Đức Giám mục Oliver Sutton ở Northampton. Anh sang Paris tiếp tục học từ 1293 đến 1297. Anh giảng dạy ở Oxford, Paris và Cabridge. Trong thời gian ở Paris, anh không ký vào một "libellus" chống lại Đức Giáo Hoàng Bônifaciô VIII nhằm bênh vực vua nước Pháp. Bởi đó, anh phải rời Đại học, nhưng anh trở lại vào năm 1266 theo chỉ thị của anh Gonsalvus Tây-ban-nha, Tổng Phục vụ, thầy cũ của anh. Năm 1308, anh được thuyên chuyển về Koln và qua đời ở đó. Việc tôn kính anh như một chân phước đã được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô xác nhận qua tông thư "Ab immemorabile" ngày 6-6-1991. Anh Gioan Đon Scốt nổi tiếng với giáo thuyết liên quan đến vai trò phổ quát đã được tiền định của Đức Kitô và đặc ân vô nhiễm thai của Đức Maria.

III. TỪ THÁNH BÔNAVENTURA QUA ĐỜI (1274) ĐẾN MICAE CASÊNA (1328)

28. Trong công đồng Lion (1274), nhiều người nghĩ rằng Đức Giáo Hoàng Grêgôriô X muốn tất cả các Dòng hành khất phải đón nhận quyền sở hữu chung, giống như các Dòng tu kỳ cựu. Sự thay đổi này sẽ đi ngược lại với Luật Dòng Phan sinh. Vì thế, một số anh em ở Macsơ Ancôn quyết tuân giữ Luật Dòng theo cách nhiệm nhặt. Thủ lãnh là anh Côrađô Ofiđa. Các anh em này trực tiếp dấn thân vào việc truyền đạt truyền thống truyền khẩu của "Actus S. Francisci et sociorum eius" và "Fioretti", được ghi chép lại vào cuối thế kỷ XIV. Họ được biết đến dưới danh xưng Những anh em thiêng liêng, một danh xưng có liên kết với thời đại Chúa Thánh Thần mà Gioakim Flora tiên báo.

29. Nhiều người trong số những anh em đó là những người khiêm tốn và cả thánh thiện nữa. Tuy nhiên có một ít người chống lại cơ cấu của Giáo hội và Cộng đoàn Dòng, mà họ xem như đã phản bội lại lý tưởng Phan sinh. Những người nổi bật nhất trong số họ là Angêlô Clarênô, Phêrô Macêrata, Tôma Tôlentinô, Ubertinô Casalê, ở Ý (Macsơ và Toscanê), và Hugô Đigne, Phêrô Gioan Olieu ở Provence. Một số còn là tác giả của những cuốn sách gây tranh luận nữa, chẳng hạn cuốn "Arbor vitae crucifixae Jesu" của Ubertinô Casalê, cuốn "Historia septem tribulationum Ordinis Minorum" của Angêlô Clarênô, và cuốn "Epositio Regulae" của Hugô Đigne.

30. Các anh Tổng Phục vụ sau Thánh Bônaventura gồm Girôlamô Ascôli Picênô (1274-1279) về sau được bầu làm Đức Giáo Hoàng và lấy danh hiệu là Nicôlas IV, năm 1288. Ngài ban cho Dòng Ba Thánh Phanxicô luật "Supra montem" năm 1289. Người tiếp theo trong hàng ngũ Tổng Phục vụ là Bonagrazia Gioan Persixêtô (1279-1285).

31. Tổng Tu nghị Assisi (1279) xin một Hồng Y bảo trợ mới, đó là Đức Matthêu Orsini. Các nghị phụ cũng xin xét lại những giải thích khác nhau của các Đức Giáo Hoàng về Luật Dòng. Đức Giáo Hoàng Nicôlas III lập một ủy ban để xem xét lại các luật lệ này, và ngày 14-8-1279, Ngài ban sắc dụ "Exiit qui seminat". Trong tài liệu này, Đức Giáo Hoàng phân biệt giữa "usus juris" và "usus facti". Anh em không có quyền sử dụng do luật trên bất cứ tài sản nào ; tất cả những gì họ có chỉ là quyền sử dụng trên thực tế, nhưng phải sử dụng có chừng mực. Quyền sở hữu của Dòng thuộc về Đức Giáo Hoàng, nhưng các anh Phục vụ có quyền quản trị việc sử dụng các tài sản. Năm 1283, Đức Giáo Hoàng Martinô IV đặt ra chức "sindacus apostolicus", là một giáo dân do anh Phục vụ cắt cử để quản trị tài sản của anh em.

32. Tổng Tu nghị Milanô bầu anh Arlottô Pratô làm Tổng Phục vụ (1285-1287). Tại Tổng Tu nghị, các tác phẩm của anh Olieu được đưa ra xem xét. Nhưng sau Tu nghị Montpellier (1287), anh tân Tổng Phục vụ, Matthêu Aquaparta, một trong các giáo sư Phan sinh ở Paris, đã gửi anh đến dạy ở Florence. Anh Matthêu được chọn làm Hồng Y năm 1289, và anh Raymond Gođefroy được bầu làm Tổng Phục vụ thay thế. Tục lệ trao mũ Hồng Y này cho các anh Tổng Phục vụ gây tổn hại đến sự ổn định của Dòng. Năm 1295, anh Gođefroy buộc phải từ chức vì Đức Giáo Hoàng Bônifaxiô nghi anh thuộc nhóm Thiêng liêng. Anh Gioan Minxio Murrôvalê (1296-1304) được bầu lên thay thế.

33. Vào lúc này, các Anh em Thiêng liêng đang thật sự gây xáo trộn trong Dòng. Trong thời gian trị vì ngắn ngủi của Đức Giáo Hoàng Cêlestinô V (1294), một nhóm anh em Thiêng liêng mà anh Gođefroy đã gửi đi truyền giáo ở Armênia năm 1289 để tránh cho họ khỏi bị giam tù, quay trở về Ý. Đức Giáo Hoàng Cêlestinô cho họ được phép sống trong các ẩn viện nhỏ và tuân giữ Luật Dòng Phan sinh mà không cần phải theo bất cứ giải thích nào của các Đức Giáo Hoàng. Họ đổi danh xưng của họ thành các anh em Cêlestinô hoặc những ẩn sĩ nghèo khó. Anh Phêrô Macêrata là lãnh tụ của họ. Đương nhiên họ đã bị các Anh em Cộng đoàn, và cả các Anh em Thiêng liêng tẩy chay. Họ lại còn đi quá xa đến chỗ không nhìn nhận Đức Bônifaxiô VIII là Giáo Hoàng. Hậu quả tất nhiên là họ bị dứt phép thông công. Năm 1205 khi anh Phêrô Macerata qua đời, anh Angelô Clarênô nắm vai lãnh đạo nhóm ấy.

34. Người kế vị anh Murrôvallê là anh Gonsalvus Valboa, gốc Tây-ban-nha (1304-1313), một trong những giáo sư về Duns Scôt tại Paris. Thời gian anh làm Tổng Phục vụ, Đức Giáo Hoàng Clêmentê V kêu gọi anh, cùng với anh Ubertinô Casalê và các chuyên viên khác, bàn luận về những giải pháp cho sự căng thẳng trong Dòng. Sự thay đổi ấy là kết quả của những nghị quyết của công đồng Viên (1311), công đồng đã bàn luận về giải pháp cho cuộc canh tân Giáo hội. Cũng như Đức Giáo Hoàng Bônifaxiô VIII và Đức Giáo Hoàng Bênêđitô XI đã làm trước, Đức Giáo Hoàng Clêmentê V cố gắng giải quyết vấn đề tương quan giữa các Dòng hành khất và hàng giáo sĩ triều đã trở nên xấu đi do các Dòng được đặc ân miễn trừ khỏi thẩm quyền của các Đức Giám mục. Ngài cũng nhắm đến giải pháp cho mối căng thẳng giữa Cộng đoàn và anh em Thiêng liêng. Ngày 21-11-1312, Đức Giáo Hoàng Clêmentê V ra sắc dụ "Exivi de paradiso", trong đó Đức Giáo Hoàng giải thích đâu là những luật lệ và đâu là những lời khuyên trong Luật Dòng Phan sinh, và Ngài cũng nói đến những lạm dụng khác nhau trong Dòng liên quan đến sự nghèo khó. Hy vọng làm dịu những căng thẳng của Ngài không kéo dài lâu. Dòng đã phân chia thành Nhóm Cộng đoàn, gồm những anh em muốn Dòng có những Tu viện lớn, học hành nhiều, những đặc ân của Đức Giáo Hoàng... và các Anh em Thiêng liêng, là những Người muốn trở về với sự nghèo khó và tình trạng bất ổn của Dòng thời buổi đầu, nhưng trong số các anh em này có nhiều yếu tố mang sắc thái lạc giáo.

35. Sự sụp đổ của Anh em Thiêng liêng lúc này đã hiển nhiên. Một số đã chạy sang Sicile và bị dứt phép thông công năm 1314. Sau khi Gonsalvus Valboa qua đời, anh Alexandre người Alexandria được bầu là Tổng Phục vụ (1313-1314). Sau khi anh qua đời, Dòng không có Tổng Phục vụ cho đến năm 1316, vì ngay Giáo hội cũng không có Đức Giáo Hoàng sau khi Đức Giáo Hoàng Clêmentê V qua đời. Năm 1316 một Đức Giáo Hoàng mới đã được bầu lên, Đức Giáo Hoàng Gioan XXII (1316-1334), và Tổng Phục vụ mới của Dòng là anh Micae Fushi Xêxêna (1316-1328). Trận chiến cuối cùng của Anh em Thiêng liêng bắt đầu.

36. Đức Giáo Hoàng Gioan XXII đã quyết định kiểm soát sự bột phát của những khuynh hướng duy Phúc âm và theo Gioakim Flora trong Dòng Phan sinh. Một số người lại lấy danh nghĩa Phan sinh để che giấu chiều hướng lạc giáo của mình. Đó là trường hợp các "Anh em của thần khí tự do", do một anh Đulcinô nào đó lãnh đạo. Một số anh em lạc giáo ấy đã kết thúc cuộc đời trên giàn hỏa. Nhiều người khác bị giam tù hoặc bị lưu đày. Năm 1317 Đức Giáo Hoàng Gioan XXII gọi một nhóm anh em Thiêng liêng từ Provence đến trình diện Ngài ở Avignon, có cả anh Angêlô Clarênô và anh Ubertinô Casalê. Anh Angêlô Clarênô bị tuyệt thông, nhưng anh Ubertinô Casalê được tha nhờ Đức Hồng Y Giacômô Côlônna bênh vực cho. Ngày 7-10-1217, Đức Giáo Hoàng Gioan XXII công bố hiến chế "Quorundam exigit" đánh dấu sự giải thể các Anh em Thiêng liêng. Anh Angêlô Clarênô chống lại Đức Giáo Hoàng và chạy sang Basilicata, ở đó anh trở thành lãnh tụ các Anh em Thiêng liêng, những anh em này bắt đầu được gọi là Anh em Clarênô hoặc Fraticelli. Anh Clarênô qua đời năm 1337, nhưng các anh em Fraticelli tiếp tục hiện hữu cho đến giữa thế kỷ XV. Trong sắc dụ "Sancta Romana" (1317) Đức Giáo Hoàng Gioan XXII chính thức lên án Nhóm Fraticelli.

37. Đức Giáo Hoàng cũng muốn Dòng xét lại giáo thuyết liên quan đến sự nghèo khó. Ngài không đồng ý với giáo thuyết về sự nghèo khó tự nguyện, dựa trên xác quyết rằng Đức Kitô và các Tông đồ không có sở hữu gì cả. Vấn đề này đã gây khá nhiều phiền phức cho anh Micae Xêxêna trong Tổng Tu nghị Marseilles năm 1321. Năm 1322 Đức Giáo Hoàng Gioan XXII lập một ủy ban gồm các giáo sư thần học và các chức sắc của Tòa Thánh để họ trình bày ý kiến của họ về sự nghèo khó của Đức Kitô.

38. Ủy ban này đã cho những ý kiến khác nhau. Nhưng đa số ý kiến đều chống lại lý thuyết cho rằng Đức Kitô và các Tông đồ không có sở hữu của cải, vì như thế là kết án chính quyền sở hữu của cải của Giáo Hội. Năm 1322, Đức Giáo Hoàng Gioan XXII cho ra trọng sắc "Quia nonnumquam" trong đó ngài ngầm ý nói rằng Đức Giáo Hoàng có quyền xét lại những sắc lệnh của các Đức Giáo Hoàng tiền nhiệm. Ngài qui chiếu trọng sắc " Exiit qui seminat". Đó là một đòn nặng giáng vào lý tưởng nghèo khó Phan sinh, và anh Micae Xêxêna đã không được chuẩn bị để dễ dàng chấp nhận thách đố. Trong Tổng Tu nghị Pêrudia tháng 5-1322, các nghị phụ tuyên bố: "Nói hoặc quả quyết rằng Đức Kitô, khi tỏ cho thấy con đường hoàn thiện, và các Tông đồ, khi đi theo con đường ấy và nêu gương cho những người ước muốn sống đời sống hoàn thiện, không có sở hữu gì hoặc riêng hoặc chung, hoặc do quyền sở hữu và "dominium" (sở hữu) cả do quyền riêng, chúng tôi tuyên bố cách tập thể và nhất trí rằng đó không phải là lạc giáo, nhưng là chân thật và công giáo". Một trong các chuyên viên Phan sinh trong Tổng Tu nghị là anh Bonagrazia Bergamô. Anh đã bảo vệ luận đề của anh em "Simplex usus facti" (đơn thuần sử dụng vì nhu cầu).

39. Đức Giáo Hoàng Gioan XXII đáp lại bằng trọng sắc "Ad conditorem canonum", được gắn lên các cửa nhà thờ chính tòa Avignon ngày 8-12-1322. Trong trọng sắc, Đức Giáo Hoàng nói rằng, mặc dầu Giáo Hội giữ quyền sở hữu tài sản của anh em, Giáo Hội chẳng có lợi lộc gì khi sở hữu bất cứ thứ gì mà trên thực tế, anh em sử dụng. Nói cách khác, lý thuyết phân biệt giữa "usus : sử dụng" và "dominum : sở hữu" là vô nghĩa. Giáo Hội không muốn làm chủ bất cứ tài sản nào của anh em lâu hơn nữa. Quyết định này dĩ nhiên phá hủy những nền tảng cơ bản nhất của lý tưởng nghèo khó Phan sinh. Ngày 23-11-1323 Đức Giáo Hoàng công bố một trọng sắc khác, "Cum inter nonnullos", trong đó ngài tuyên bố : chối bỏ rằng Đức Kitô và các Tông đồ đã sử dụng quyền sở hữu các của cải vật chất là rối đạo.

40. Căng thẳng đã lên tới mức vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Năm 1324, Hoàng đế Luy Bavaria sát cánh với anh em và tố cáo Đức Giáo Hoàng là rối đạo. Đức Giáo Hoàng đáp trả bằng trọng sắc "Quia quorundam", trong đó ngài truyền phải dạy những quan điểm của ngài trong các trường Đại học. Năm 1328, anh Micae Xêxêna được gọi tới Avignon để giải thích về sự ngoan cố của Dòng không chịu vâng lệnh Đức Giáo Hoàng và việc Dòng cấu kết với Luy Bavaria. Anh Micae bị giam giữ tại Avignon, cùng với anh Phanxicô Ascôli, Bôgnagrazia Bergamô và Guillaume Ockham, một trong các giáo sư của trường Phan sinh ở Oxford. Bởi vì Tổng Tu nghị phải được triệu tập vào ngày 22-5-1328, Đức Giáo Hoàng gửi Đức Hồng Y Bertrand Poiettô đến chủ tọa Tu nghị, và giam giữ anh Tổng Phục vụ trong tù.

41. Tổng Tu nghị diễn ra ở Bôlôna với chỉ thị phải cắt chức anh Micae Xêsêna. Các nghị phụ đã vâng lời cách thích đáng - bằng cách bầu lại anh Micae ! Đức Giáo Hoàng Gioan XXII ra vạ tuyệt thông anh Micae, cùng với các anh Bôgnagrazia và Ockham, và đặt Đức Hồng Y Bertrand làm Đại diện Dòng cho đến Tổng Tu nghị sau.

42. Trong thời gian đó, Luy Bavaria đã tiến về Rôma và nhận vương miện hoàng đế. Ông tuyên bố Đức Giáo Hoàng Gioan XXII là lạc giáo và là một phản Kitô, và ông chọn anh Phêrô Corbanô, một anh Phan sinh làm Ngụy Giáo Hoàng. Anh Phêrô lấy hiệu là Nicôlas V (1328-1333).

43. Ngày 26-5-1328, anh Micae và đồng bạn trốn khỏi Avignon. Nhóm này tìm đến ẩn náu trong hoàng cung của Luy Bavaria. Đức Giáo Hoàng gửi sắc lệnh "Quia vir reprobus" đến anh Tổng Phục vụ phản lọan. Anh Micae qua đời ngày 29-11-1342, khi đang giữ con dấu của Dòng. Anh Bôgnagrazia qua đời năm 1343, và anh Ockham qua đời năm 1349 sau khi đã giao hòa với Giáo Hội và đã trao trả con dấu của Dòng.

44. Non một nửa các anh Tỉnh Phục vụ có mặt tại Tổng Tu nghị Paris năm 1329. Tại đây anh Gêrađô Eudes được bầu làm Tổng Phục vụ (1329-1342). Anh Eudes là một bạn thân của Đức Giáo Hoàng Gioan XXII, và dứt khoát nghiêng về Nhánh Tu viện của Dòng.

IV. NHỮNG CUỘC TRUYỀN GIÁO ĐẦU TIÊN CỦA ANH EM PHAN SINH

45. Suốt hai thế kỷ XIII và XIV Châu Au rơi vào tình trạng nguy hiểm khủng khiếp. Hồi giáo đã tiến chiếm toàn bộ Bắc Phi, Đất Thánh và bán đảo Ibêria. Một mối hiểm họa mới nổi lên từ trung tâm Châu Á, đó là đế quốc Mông-cổ. Để tránh mối hiểm họa này, Giáo Hội được dùng làm công cụ để rao giảng sự cần thiết phải tổ chức các cuộc thập tự quân chống lại ngoại giáo. Đất Thánh đã thất thủ và bị chiếm. Vương quốc Latinh Giêrusalem kéo dài cách èo uột thêm một thế kỷ (1099-1187). Một thế kỷ sau, năm 1291, thành trì cuối cùng của Kitô giáo ở Palestin, thành Acre, cũng bị thất thủ. Hình như chinh phục bằng vũ khí không phải là giải pháp cho sự ổn định chính trị và tôn giáo ở châu Au. Một phương pháp mới đã được đề nghị, phương pháp đối thoại và cùng chung sống trong hòa bình với người "Hồi giáo". Năm 1219-1220, Thánh Phanxicô sang Trung Đông với sứ mạng đem lại hòa bình. Trong Luật Dòng, Ngài dành một chương cho chủ đề về những anh em đến với người Hồi giáo và các dân ngoại khác.

46. Lịch sử các cuộc truyền giáo của anh em Phan sinh là một trong những thành công vẻ vang nhất của Dòng. Ở đây chúng tôi có thể nói sơ qua những bước đầu khiêm tốn và những anh hùng đi tiên phong làm nên lịch sử đó mà thôi.

47. Sự hiện diện của anh em Phan sinh ở Đất Thánh bắt đầu từ năm 1217, khi Tỉnh Dòng Syria đã được thiết lập, với anh Elia là Giám tỉnh. Chắc chắn vào năm 1229, anh em đã có một ngôi nhà nhỏ cạnh chặng thứ năm của Con đường Thương Khó. Năm 1272, quốc vương Bibars cho phép anh em Phan sinh được lập cư ở Nhà Tiệc Ly trên núi Sion. Về sau, năm 1309, anh em cũng lập cư ở Mộ Thánh và ở Giêrusalem. Năm 1335, vua Rôbertô Napôli và hoàng hậu Sanxia Majoca đã mua Nhà Tiệc Ly và ban tặng cho anh em Phan sinh. Đức Giáo Hoàng Clêmentê VI, qua trọng sắc "Gratias agimus" và "Nuper charissimae" (1342), đã công bố anh em Phan sinh là những người bảo quản chính thức các Nơi Thánh nhân danh Giáo Hội công giáo. Năm này đánh dấu sự khởi đầu chính thức của Hạt Dòng Thánh Địa của Anh em Phan sinh.

48. Sứ mạng này luôn vẫn là sứ mạng quan trọng nhất trong lịch sử của Dòng. Danh sách dài các anh em đã chịu tử đạo, bắt đầu vào năm 1391, với anh Nicôla Tavêlic và các bạn. Anh em Phan sinh bị trục xuất khỏi Nhà Tiệc Ly năm 1552, nhưng họ lập cư ở nhiều nơi Thánh khác nhau qua các thời đại.

49. Anh em Phan sinh đặt chân đến Bắc Phi năm 1219, khi anh Êgiđiô đi Tunisi. Năm 1219, một nhóm sáu anh em lên đường đi Tây-ban-nha và Môrôcô. Sau khi anh Vitalis, người dẫn đầu, phải ở lại vì bệnh, anh Bêrađô và các anh em khác tiếp tục hành trình, đầu tiên họ đến Bô-đào-nha, rồi đến Môrôcô. Ngày 16-1-1220, họ chịu tử đạo ở Marrakesh. Thi hài của họ được rước về Coimbre, ở đây anh Antôn người Lisbonne, một linh mục kinh sĩ Dòng Thánh Augustinô, đã ngưỡng mộ chứng tá anh hùng của họ và đã quyết định gia nhập Dòng Phan sinh. Anh đã trở thành một trong những vị Thánh biết đến nhiều nhất, đó là Thánh Antôn Padua. Ít năm sau, một nhóm khác do anh Đaniel dẫn đầu, từ Calabia ra đi, đã chịu tử đạo ở Ceuta.

50. Ở Angêri, tại cảng Bugia, một nhà truyền giáo Phan sinh khác, đã chịu tử đạo năm 1315. Lần này là một anh Phan sinh tại thế, anh Ramond Lulle, sinh tại đảo Majoca năm 1232. Anh thông thạo tiếng Á-rập, đi lại khắp vùng Cận Đông, thành lập các trường truyền giáo. Năm 1292, anh tự mình đi Bắc Phi lần đầu tiên. Anh trở về năm 1307 khi đã bị tra tấn dã man. Năm 1314-1315, anh quay trở về Bugia vào tuổi 82, để nhận phúc tử đạo.

51. Sự bành trướng của vương quốc Mông-cổ là một mối nguy hiểm to lớn cho Châu Au Kitô giáo. Năm 1206, Thành Cát Tư Hãn chinh phục Trung quốc, tây bắc Ấn Độ, Afghanistan, Georgia và miền nam Liên-Xô. Năm 1222 quân Mông cổ tiến vào Hungari, Ba-lan và cả dọc duyên hải Đalmati. Đức Giáo Hoàng Innôxentê IV quyết định bắt liên lạc ngoại giao với Mông-cổ, hy vọng ký kết được những thỏa ước hòa bình với họ. Để thực hiện công tác này, ngài đã chọn một anh em Phan sinh, anh Gioan Capistranô, là đặc sứ của ngài. Năm 1245-1246, anh Gioan khởi sự một chuyến đi dài sang Mông-cổ và gặp Đại-Đế. Anh đi qua con "đường nhung lụa" nổi tiếng để đến Trung-quốc. Đại-Đế Quỳnh-Khê (Kujuk) phái anh trở về với Đức Giáo Hoàng, mang theo một bức thư riêng của ông. anh Gioan viết nhật ký về chuyến đi, gọi là "Lịch sử Mông-cổ", giống như các nhà truyền giáo Phan sinh khác thường làm sau các chuyến đi sau này của họ.

52. Một nhà truyền giáo khác đi sang Viễn-Đông là anh Guillaume Rubruck. Anh lên đường năm 1253 theo đường bộ, băng qua Constantinốp và Crimê. Anh đến Karakorum, và anh nhận thấy đã có một số Kitô hữu phái Nestôriô ở trong vương quốc ấy rồi. Sau khi đã yết kiến Đại-Đế, anh Guillaume ra về. Anh ghi lại cuộc hành trình của anh để dâng lên vua Luy IX của nước Pháp, người đã phái anh đi và chịu mọi phí tổn. Trong thời gian đó, anh em Phan sinh cũng đã lập cư ở Georgia và Armênia.

53. Năm 1291 lại có một anh em Phan sinh khác, anh Gioan Montêcorvinô, đã đến với Đại-Đế Mông-cổ như một sứ thần của Đức Giáo Hoàng. Anh rời Riêti năm 1289. Lần này, anh đi theo con đường từ vịnh Ba-Tư sang Ấn-Độ, rồi đi đường biển vào Trung-quốc. Đến Khambalik (nay là Bắc Kinh), anh được tin Đại-Đế Kubilai đã qua đời, nhưng anh được vị hoàng đế mới tiếp đón tử tế. Anh Montêcorvinô ở lại thành phố ấy 34 năm, và được coi là sáng lập Giáo Hội ở Trung-quốc. Năm 1309 anh được tấn phong là Tổng Giám mục Khambalik. Khi anh qua đời năm 1328, anh để lại một cộng đồng Kitô hữu rất phồn vinh.

54. Anh Ôđôricô Pardenone sang Mông-cổ năm 1322, qua ngã Biển Đen, Armênia và Ba-Tư, rồi sau đó theo đường biển từ Hormuz. Anh đến Khambalik và ở lại đó 6 năm. Trên đường trở về qua ngã Tibet và dãy núi Pamir, anh viết lại cuộc hành trình của anh.

55. Người cuối cùng trong danh sách những nhà tiên phong Phan sinh nổi tiếng đi sang Trung-quốc, đó là anh Gioan Marinolli. Anh được phái sang vương quốc Cathay năm 1339 với tư cách là Đặc sứ của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XII.

V. NHÓM TU VIỆN VÀ NHÓM TUÂN THỦ (1328-1417)

56. Hai thế kỷ XIV và XV được đánh dấu bằng hai khuynh hướng chính xuất hiện trong nhiều Dòng tu, và đặc biệt trong Dòng Phan sinh. Một bên là nhóm Tu Viện, bên kia là phong trào canh tân được biết đến với danh xưng là Nhóm Tuân thủ.

57. Từ "tu viện" do chữ Latinh "Conventus". Lúc đầu nó được dùng để chỉ những loại nhà trong đó anh em sinh sống. Chúng ta đã ghi chú sự phân biệt giữa những nhà gọi là Tu viện và những nhà không phải là Tu viện của anh em. Những anh em nào sống trong những ngôi nhà đồ sộ của Dòng, có nhà nguyện riêng, bắt đầu được gọi là anh em "tu viện". Đức Giáo Hoàng Innôxentô IV nhắc đến những nhà thờ thuộc các Tu viện của Dòng vào thời giữa thế kỷ XIII. Vào đầu thế kỷ XIV, sự phân biệt giữa các cộng đoàn Tu viện và không phải là Tu viện trở nên rõ ràng hơn, nhất là đối nghịch với những ngôi ẩn viện thô sơ, nơi nảy sinh các cuộc canh tân của Dòng. Cuối cùng, từ Tu viện và Tuân thủ cho thấy sự phân biệt rất chính xác giữa hai gia đình trong dòng Phan sinh.

58. Chúng ta đã thấy những hậu quả của cuộc tranh cãi giữa Đức Giáo Hoàng Gioan XXII với Dòng, và việc chọn anh Gêrađô Eudes làm Tổng Phục vụ. Gia đình Anh em Thiêng Liêng chính thức bị giải thể nhưng sự thôi thúc phải canh tân trong Dòng không mất đi. Từ cùng những chiến tuyến của Anh em Thiêng liêng, những cuộc canh tân mới lại nảy sinh. Phía bên kia, các anh em Cộng đoàn lúc bấy giờ đã chọn một lối sống đối kháng trực tiếp với sự tuân giữ nghiêm nhặt Luật Dòng. Nhiều người nghiêng về phía khuynh hướng được gọi là Chủ nghĩa Tu Viện (Conventualism). Có những yếu tố khác góp phần làm cho đời sống tu trì trở nên nghèo nàn, đó là cơn dịch đen năm 1348, làm tiêu tan các Dòng tu, kéo theo hậu quả là sự tuyển chọn các ơn gọi mới không được kỹ càng.

59. Anh Gêrađô Eudes được đặt làm Thượng phụ Antiôkia năm 1342. Người kế vị là anh Fortanêriô Vassali (1343-1348). Dòng phải nhận một loạt những Hiến Chương có sẵn tạo nên rối rắm cho Lịch sử luật pháp của Dòng. Hiến Chương Biển Đức (Caturcenses) do Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XII trao cho Tổng Tu nghị Cahors năm 1337, thích hợp với một Đan viện hơn là với một Dòng hành khất.

60. Năm 1348, anh Vassali trở thành Giám mục Ravena và anh Guillaume Farinier (1348-1357) được bầu làm Tổng Phục vụ. Anh công bố bản Hiến Chương gọi là "Hiến Chương Farinier". Hiến Chương này chấp nhận Hiến Chương Narbonne cùng với những luật lệ do hai trọng sắc "Exiit" và "Exivi" đề ra.

61. Sau khi được đặt làm Hồng Y, anh Farinier tiếp tục quản trị Dòng cho đến Tổng Tu nghị 1357, trong đó anh Gioan Bouchier được bầu làm Tổng Phục vụ. Anh này chỉ nắm chức vụ một năm mà thôi, và anh Farinier lại đảm nhận trách nhiệm với tư cách là Đại diện cho đến Tổng Tu nghị năm 1359, khi anh Maccô Viterbô được bầu chọn. Năm 1366, anh Maccô được đặt làm Hồng Y và việc quản trị Dòng được trao vào tay Đức Hồng Y Bảo trợ, Đức Hồng Y Nicôla Besse, cho đến năm 1367 khi anh Tôma Frignanô được bầu làm Tổng Phục vụ (1367-1372). Năm 1373, tại Tu nghị Toulouse, anh Lêônarđô Rossi Giffonê đắc cử Tổng Phục vụ. Anh là Tổng Phục vụ cuối cùng của thời gian trước cuộc khủng hoảng lớn (1378-1417).

62. Năm 1378, Đức Giáo Hoàng Grêgôriô XI qua đời. Đức Giáo Hoàng Urbanô VI được bầu lên ở Rôma, nhưng các Đức Hồng Y chống lại ngài mãnh liệt quá đến nỗi họ chọn một Đức Giáo Hoàng mới, Đức Giáo Hoàng Clêmentê VII. Đức Giáo Hoàng này dời Tòa Thánh về Avignon. Những người kế vị Đức Giáo Hoàng Urbanô VI là Bônifaciô IX, Innôxentê VII và Grêgôriô XII. Người kế vị Đức Giáo Hoàng Clêmentê VII là Bênêdictô XIII. Cuộc chia rẽ này trong Giáo Hội cũng lan đến các Dòng tu, trong đó các tu sĩ theo hướng này hay hướng khác, mỗi hướng có Tổng Phục vụ riêng. Tình trạng đau buồn này cho thấy nhu cầu canh tân là thiết thực, nhu cầu này không bao giờ thiếu trong lịch sử lâu dài của Dòng Phan sinh.

63. Phong trào canh tân của Nhánh Tuân thủ nảy sinh và phát triển trong giai đoạn từ 1334 đến 1354, và sau đó cách dứt khoát từ năm 1368. Điều quan trọng phải chú ý là chúng ta đang nói về Nhánh Tuân thủ ở Ý. Phong trào canh tân xuất hiện ở nhiều nơi khác nhau, nhưng nguyên thủy nó không phải là một phong trào thống nhất. Chúng tôi sẽ gợi đến một phong trào canh tân tương tự ở Tây-ban-nha.

64. Năm 1334, anh Gioan Vallê, một đệ tử của anh Angêlô Clarênô, rút lui về ẩn viện Bruglianô gần Fôlinô, nhằm sống theo luật Dòng Phan sinh mà không theo những giải thích của các Đức Giáo Hoàng. Anh qua đời năm 1351. Lúc đầu, Đức Giáo Hoàng Clêmentê VI chống lại ý tưởng này, nhưng về sau, Ngài cho phép anh Gentil Spôlêtô tiếp tục cuộc canh tân cùng với những anh em khác. Họ sống trong các ẩn viện, đặc biệt tại Carcêri, gần Assisi. Không may, những anh em này thường bị coi như những môn đệ của Nhóm Fraticelli. Quả thực, họ có liên lạc với nhau. Bởi thế, Tổng Tu nghị Assisi năm 1354 quyết định dẹp bỏ phong trào mới này.

65. Trong những anh em ấy, có anh Phaolô Trinci vẫn hi vọng rằng cuộc canh tân sẽ thành công. Năm 1368, anh xin được phép anh Tổng Phục vụ Tôma Frignanô quay về Bruglianô cùng với những anh em khác. Ở đây họ sống trong sự nghèo khó cùng cực. Họ mang những đôi guốc gỗ, và dân chúng bắt đầu gọi họ là "Zoccôlanti". Lần lần họ bành trướng ra những ẩn viện khác nhau, trong số đó có ẩn viện Carcêri, Thánh-Đamianô, Grêxiô, Fontê-Côlômbô và Poggiô Bustônê. Năm 1380, anh Phaolô Trinci được đặt làm Tổng Đại diện cho 12 ẩn viện của phong trào canh tân ở miền trung nước Ý, với phép được nhận các tập sinh. Anh Trinci qua đời năm 1390, sau khi đã sống ở Bruglianô.

66. Người kế nhiệm anh là anh Gioan Stroncôniô, anh này qua đời năm 1418. Năm 1414, các Tu viện Cải cách ở Ý lên đến con số 34 nhà, và năm 1415, huynh đệ đoàn Porziuncula sát nhập vào phong trào canh tân của Anh em Tuân thủ, với điều kiện phải tiếp tục gởi hoa lợi của họ về cho Sacrô-Conventô ở Assisi.

67. Nhánh Tuân thủ ở Ý được tổ chức dựa trên những nền tảng vững chắc là bốn cột trụ vĩ đại của cuộc canh tân, đó là thánh Bernađinô Xiêna, gia nhập nhóm canh tân năm 1402; Thánh Gioan Capistranô, nhập Dòng Phan sinh năm 1414; anh Albertô Sartianô, gia nhập Nhánh Tuân thủ năm 1415; và anh Giacôbê Marche, là anh em Phan sinh từ năm 1416.

68. Nhánh Tuân thủ canh tân ở Tây-ban-nha và Bồ-đào-nha phát triển độc lập với Nhánh ở Ý. Cả ba Tỉnh Dòng Santiagô, Aragon và Castille đều có những Tu viện canh tân riêng của họ, chúng được thành lập cách tự phát. Người quan trọng nhất trong số những nhà canh tân ấy là anh Phêrô Vilacre, anh bắt đầu cuộc canh tân khoảng năm 1403.

69. Khoảng năm 1390, một số anh em trong tỉnh Dòng Touraine ở Pháp xin được phép sống Luật Dòng cách nhiệm nhặt hơn. Họ lập huynh đệ đoàn Mirabeau, và sau này nhiều tu viện canh tân khác.

70. Lịch sử phong trào canh tân Ở Tây-ban-nha, Bồ-đào-nha và Pháp rất phức tạp, và xin độc giả tìm đến những thư mục ở cuối tập này. Một điều chắc chắn và phải nhấn mạnh hơn cả : phong trào Tuân thủ không phải là một khối. Sử gia Phan sinh Holzapfel ghi : "Thật là cực kỳ ngây ngô nếu cho rằng Nhánh Tuân thủ từ Ý lan rộng ra băng qua dãy Núi Alpes".

71. Trong cuộc Đại Phân ly, anh Tổng Phục vụ Lêônarđô Rossi (1373-1378) quyết định vâng phục Đức Giáo Hoàng Clêmentê VII ở Avignon. Những Tổng Phục vụ kế tiếp theo chiều hướng vâng phục Avignon là Angêlô Spôlêtô (1379-1391), Gioan Chevegneyô (1391-1402), Gioan Barđôlini (1403-1427). Đức Giáo Hoàng ở Rôma, Đức Urbanô VI tuyên bố cất chức Tổng Phục vụ của anh Rossi và bổ nhiệm anh Luy Đônatô (1379-1383). Những Tổng Phục vụ kế tiếp theo chiều hướng vâng phục Roma là Phêrô Conzano, Martinô Sangiogiô (1384-1387), Henri Alfiêri (1387-1405), Antôn Pirêtô (1405-1408), Guglielmô Suvêrêtô (1408-1409), Antôn Casia (1410-1415).

72. Trong nhiệm kỳ Tổng Phục vụ của anh Antôn Pirêtô, một số Đức Hồng Y từ Avignon quyết định cất chức cả hai vị Giáo Hoàng. Họ gặp nhau ở Pisena 1409, và bầu một anh Phan sinh, Phêrô Philarge Crêta, làm Đức Giáo Hoàng dưới danh hiệu Alexandre V. Thế là bây giờ có ba Đức Giáo Hoàng, một ở Rôma, một ở Avignon, và một ở Pise! Đức Giáo Hoàng Pise chỉ có một người kế nhiệm duy nhất, đó là Đức Giáo Hoàng Gioan XIII (đừng lộn với Đức Giáo Hoàng Gioan XIII Roncalli). May thay lương tri đã thắng thế, và công đồng Constance đã được triệu tập (1415-1418) để chấm dứt cuộc khủng hoảng lớn và canh tân Giáo Hội. Tháng 11 năm 1417, sau khi tất cả các Đức Giáo Hoàng đương nhiệm đều rút lui, Đức Martinô V được bầu làm Đức Giáo Hoàng duy nhất ở Rôma.

VI. TỪ KẾT THÚC CUỘC KHỦNG HOẢNG (1417) ĐẾN CUỘC PHÂN RẼ DÒNG (1517)

73. Tổng Tu nghị Forli (năm 1421), bầu anh Angêlô Salvetti làm Tổng Phục vụ. Người kế nhiệm anh là anh Antôn Masa (1424-1430). Những năm này đánh dấu một thời kỳ đáng lưu ý trong Lịch sử Dòng, đặc biệt liên quan đến sự lan rộng và tổ chức của Nhánh Tuân thủ.

74. Đức Giáo Hoàng Martinô V kêu gọi tổ chức một "Capitulum generalisum : "Đại Tổng Tu nghị" tại Assisi năm 1430. Tu nghị này công bố Hiến Chương mới (gọi là Hiến Chương Martinô). Linh hồn Tổng Tu nghị là anh Gioan Capistranô, anh muốn cho phong trào Tuân thủ ở lại trong sự hiệp nhất với Dòng. Anh tân Tổng Phục vụ, Juliên Caslê (1430-1442) chấp nhận nguyên tắc canh tân trong Dòng, nhất là mặt liên quan đến đời sống nghèo khó. Nhưng anh sớm đi ngược lại lời nói của mình. Ngày 23-8-1430, Đức Giáo Hoàng Martinô V trao cho Tổng Phục vụ thông diệp "Ad Statum", trong đó ngài ban phép cho anh em, qua những người quản lý, được giữ lại và quản trị bất cứ tài sản nào. Văn kiện này đánh dấu bản Hiến Chương vĩ đại của nhánh Tu viện trong Lịch sử của Dòng.

75. Khi Đức Giáo Hoàng Martinô V qua đời, vị Giáo Hoàng tiếp theo, Đức Eugène IV (1431-144?) là một nhà vô địch trong cuộc canh tân đời sống tu trì, và đặc biệt trong Dòng Phan sinh. Ngài cho phép các anh em Tuân nhủ được có những phó Phục vụ riêng. Năm 1431, ẩn viện Anverna thuộc về Anh em Tuân thủ và năm 1434, Đức Giáo Hoàng Eugène IV tuyên bố Anh em Tuân thủ là những người độc quyền chăm sóc Đất-Thánh. Năm 1437, Đức Giáo Hoàng đặt anh Bernađinô Xiêna là phó Tổng Phục vụ của Anh em Tuân thủ ở Ý. Từ bấy giờ Dòng Phan sinh được chia thành hai bên, một bên là những anh em "Sub ministris : Phục vụ cấp cao", đó là gia đình Anh em Tu viện đặt dưới quyền anh Tổng Phục vụ, bên kia là những anh em "Sub vicariis : phó Phục vụ cấp cao", đó là gia đình Anh em Tuân thủ, đặt dưới quyền anh phó Tổng Phục vụ. Nhưng cũng có những phân biệt khác nữa. Cùng một gia đình Tuân thủ được chia thành nhánh bên này và nhánh bên kia núi (phía tây-bắc và đông-nam núi Alpes). Anh em Tuân thủ Pháp và Tây-ban-nha vẫn cương quyết duy trì tính độc lập của mình. Năm 1439, trong lúc Đức Giáo Hoàng Eugène IV bị lưu đày, một ngụy Giáo Hoàng đã được bâu lên, Fêlix V, được các tỉnh Dòng Đức hỗ trợ, đến lượt các tỉnh Dòng Đức lại bầu anh Matthias làm Tổng Phục vụ của họ.

76. Năm 1442, anh Juliên Casalê qua đời. Tu nghị Padua, năm 1443, bầu anh phó Tổng Phục vụ Albertô Sartinô, một anh em canh tân, nhưng Anh em Tu việnchống đối anh mạnh quá nên anh đã phải đột nhiên từ chức. Anh Antôn Ruscôni gốc Cômô (1443-1449) được bầu lên thay. Anh Gioan Capistranô được đặt làm phó Tổng Phục vụ cho anh em Tuân thủ bên này núi, và anh Gioan Pêrgiốt Maubertlàm phó Tổng Phục vụ cho Anh em Tuân thủ bên kia núi. Con đường dẫn đến cuộc chia cắt hoàn toàn giữa gia đình Tuân thủ coi như không thể tránh được.

77. Năm 1446, Đức Giáo Hoàng Eugène IV công bố trọng sắc "Ut Sacra Ordini Minorum Religio", mở đường cho sự chia cắt thành hai nhánh Phan sinh của Dòng nhất. Trọng sắc cho phép Anh em Tuân thủ được quyền bầu chọn các phó Tổng Phục vụ của mình. Anh Tổng Phục vụ sẽ phê chuẩn họ, nhưng vẫn giữ quyền đi kinh lý tất cả các huynh đệ đoàn Anh em Tuân thủ. Không một Anh em Tuân thủ nào được vượt qua ranh giới anh em Tu viện. Các Anh em Tu việnđược tự do gia nhập phong trào canh tân của Anh em Tuân thủ.

78. Năm 1445, huynh đệ đoàn Aracoeli ở Rôma được trao cho Anh em Tuân thủ. Năm 1449, anh Gioan Capstranô được bầu lại làm phó Tổng Phục vụ của Anh em Tuân thủ, và năm 1450, anh Bernađônê Xiêna được phong thánh. Cuộc phong thánh của anh làm sáng giá cho chính nghĩa của Anh em Tuân thủ. Ngay trong nội bộ của Anh em Tuân thủ, tuy thế, mọi chuyện không phải êm thắm như chúng ta nghĩ. Có nhiều anh em ở Tây-ban-nha, Pháp và những nơi khác, quả quyết là họ theo canh tân, nhưng không phải dưới quyền các anh phó Tổng Phục vụ của Anh em Tuân thủ, mà là trực tiếp vâng phục anh Tổng Phục vụ, luôn là một anh Tu viện. Trong khi Anh em Tuân thủ phía tây-bắc núi Alpes theo Hiến Chương của Đức Giáo Hoàng Martinô, anh em phía đông-nam lại theo Hiến Chương Barxêlôna từ 1452 trở về sau.

79. Dưới tầm ảnh hưởng trực tiếp của anh Giacôbê Marche, ngày 02-02-1456, Đức Giáo Hoàng Callistô III công bố trọng sắc "Concordiae", nhằm mục đích hòa giải anh em Tuân thủ và anh em Tu viện. Anh em Tuân thủ được hỏi đã cho biết họ không thích hợp với anh em Tu viện.

80. Năm 1464, anh Phanxicô Rôvêrô được bầu làm Tổng Phục vụ (1464-1469). Về sau anh trở thành Đức Giáo Hoàng Sixtô IV (1471-1484). Anh em Tu việnđược nhận huynh đệ đoàn Các Thánh Tông Đồ ở Rôma, sau khi họ đã mất Aracoeli. Với tư cách Tổng Phục vụ và Giáo Hoàng, Đức Sixtô IV cố gắng hổ trợ cuộc canh tân trong Dòng, nhưng những cố gắng của ngài không mấy kết quả. Anh phó Tổng Phục vụ Tuân thủ, Marcô Bôlôgna, thất bại trong nổ lực bênh vực cuộc canh tân trong cuộc mật nghị, khi áp lực đòi hủy bỏ trọng sắc "Ut Sacra Ordinis" của Đức Giáo Hoàng Eugene IV.

81. Trong Tổng Tu nghị Urbinô(1475), anh Phanxicô Nanni, được coi như Samson, được bầu làm Tổng Phục vụ. Anh ở lại chức vụ cho đến 1499. Anh giữ thế chừng mực trong việc theo hướng canh tân, và anh hoàn toàn hỗ trợ Anh em Tuân thủ. Nhưng anh không bằng lòng chút nào với những phương pháp của Đức Hồng Y Phanxicô Ximênes Cisnêros, một anh Phan sinh Tuân thủ, Tổng Giám mục Tôlêđô, ngài được vua Tây-ban-nha ban quyền để thúc đẩy cuộc canh tân trong tất cả các Tu việncủa Dòng ở Tây-ban-nha.

82. Một cuộc canh tân quan trọng xảy ra ở Tây-ban-nha thời gian này. Năm 1480, anh Gioan Puebla gia nhập Dòng. Sau một thời gian ngắn sống ở ẩn viện Carcéri, anh trở về Tây-ban-nha. Anh thiết lập ẩn viện Đức Bà các Thiên Thần ở Sierra Môrêna. Hạt Dòng các Thiên Thần thuộc quyền các phó Tổng Phục vụ Tuân thủ. Anh Tổng Phục vụ tương lai, anh Quinônes (1523-1527) xuất thân từ hạt Dòng này. Sau khi anh Gioan Puebla qua đời năm 1495, anh Gioan Guadalupe nắm quyền lãnh đạo hạt Dòng và đặt nó dưới quyền anh Tổng Phục vụ (thuộc Nhánh Tu viện). Anh em của anh bắt đầu được gọi là "Anh em Lúp dài" hoặc "anh em chân trần". Về sau họ được biết đến như những anh em Alcantara, khi anh Phêrô Alcantara gia nhập cuộc canh tân này. Có những cuộc canh tân khác ở Ý, chẳng hạn anh em Amadeiti, đặt dưới quyền anh em Tu viện.

83.Tổng Tu nghị Teri chọn anh Êgiđiô Đelfini làm Tổng Phục vụ (1500-1506). Anh cũng cố gắng làm dịu làn sóng và cổ võ cải tổ trong hàng ngũ anh em Tu viện, và anh xin sự giúp đỡ của Đức Giáo Hoàng Julius II (1503-1513) cũng đã là một anh em Tu viện. Anh triệu tập một cuộc "Capitulum generalissimum : Đại Tổng Tu nghị" ở Rôma năm 1506. Nhưng kế hoạch hợp nhất của anh bị đổ vỡ. Anh Tổng Phục vụ cuối cùng trước cuộc phân rẽ vĩnh viễn là anh Bernađinô Prati (1513-1517). Vụ việc lúc bấy giờ đã ở bên bờ gây cớ vấp phạm cho công chúng, và việc phân rẽ là con đường duy nhất cho Dòng. Đức Giáo Hoàng Lêô X (1513-1521) nhận thấy vụ việc sẽ như thế. Ngày 11-07-1516, Ngài triệu tập một cuộc "Capitulum generalissimum" ở Rôma ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, ngày 31-05-1517, trong đó tất cả các nhánh trong Dòng đều phải có mặt - Tu viện, Tuân thủ, Amadeiti, Coletta, Clarena, anh em Lúp dài.

84. Khi các nghị phụ gặp nhau, anh em sớm thấy rõ ràng rằng Anh em Tuân thủ không muốn có sự phân rẽ, nhưng họ cũng không muốn chấp nhận một anh Tổng Phục vụ không thuộc cánh canh tân. Phía bên kia các Anh em Tu việnxác quyết quyền chính đáng của mình là tuân theo những tuyên bố của các Đức Giáo Hoàng và những châm chước với tất cả sự bình an của lương tâm. Bởi thế, Đức Giáo Hoàng công bố trọng sắc "Ite vos in vineam meam : Anh em hãy đi làm vườn nho cho tôi" ngày 29-05-2517. Ngài thông báo cho Anh em Tu việnbiết rằng họ có thể sống độc lập, nhưng họ phải từ bỏ quyền được có một Tổng Phục vụ bầu chọn trong hàng ngũ của họ. Còn đối với các nhánh canh tân, Đức Giáo Hoàng truyền tất cả họ phải hợp nhất lại với nhau, bỏ các danh xưng của mình, và chỉ gọi bằng danh xưng duy nhất là "Dòng Anh em Hèn mọn". Từ trong hàng ngũ của họ, một Minister Genéralis totius Ordeinis Minorum : Tổng Phục vụ của toàn thể Dòng Anh em Hèn mọn" được bầu chọn, cho một giai đoạn sáu năm, luân phiên theo gia đình bên này và bên kia núi Alpes. Tuy thế anh em canh tân vẫn tiếp tục giữ tính từ Dòng Anh em Hèn mọn Tuân thủ cho mãi đến 1897.

85. Ngày 01-06-1527, anh Christophe Numai thuộc gia đình phía tây bắc núi Alpes được bầu làm tân Tổng Phục vụ. Anh Bernađinô Prati giao lại con dấu.

86. Ngày 14-06-1517, Đức Giáo Hoàng Lêô X công bố trọng sắc "Omnipotens Deus: Thiên Chúa toàn năng" hoặc " trọng sắc hòa hợp", Trong đó ngài truyền Anh em Hèn mọn Nhánh Tu việnphải có một "Magiter Generalis : Tổng Giám Đốc", anh phải được Tổng Phục vụ của Dòng phê chuẩn. Trên thực tế, lệnh này không bao giờ được chấp hành, vì Anh em Tu việntiếp tục hiện hữu như một Dòng hoàn toàn độc lập, với Vị Tổng Phục vụ riêng của họ.

87. Chúng ta hãy kết thúc những nhận định của chúng ta với lời của anh Holzapfel : "Hai phía, phía canh tân và phía không canh tân, thật khác nhau trong lối sống và trong thái độ của họ đối với Luật Dòng, đến nỗi họ không tìm ra chỗ trong một xã hội hợp nhất. Nếu cả hai phía đều được phép tiếp tục, sự phân rẽ hoàn toàn là giải pháp duy nhất. Bất cứ người bạn chân thành nào của Dòng đều than tiếc về chuyện đó, không quan trọng họ hôm nay thuộc gia đình nào trong Dòng. Thật là bất công nếu đồng hóa Anh em Tu việnngày nay đang giữ kỷ luật tu trì của họ với Anh em Tu việnkhông canh tân hồi thế kỷ 15, cũng giống như Anh em Hèn mọn ngày nay không lý gì phải bào chữa cho những lỗi lầm của Anh em Tuân thủ thời ấy."

VII. CUỘC CANH TÂN

88. Trọng sắc "Ite Vos" của Đức Giáo Hoàng Lêô X năm 1517 đưa Dòng Phan sinh đến chỗ chia cắt thành hai gia đình riêng rẽ, Anh em Hèn mọn Tuân thủ và Anh em Hèn mọn Tu viện.

89. Sự chia cắt này trên thực tế không giải quyết hết những vấn đề liên quan đến sự hiệp nhất của Dòng. Cần ghi nhận trước rằng, gia đình Anh em Tuân thủ không phải là một phong trào thống nhất, và tự nội bộ, mầm mống phân rẽ đã được gieo xuống rồi. Gia đình rộng lớn của Dòng Phan sinh Tuân thủ cũng chia thành hai nhóm tây-bắc và đông-nam của núi Alpes. Những nhân tố chính trị, đặc biệt, sự chiến lược ngoại giao của triều đình Tây-ban -nha, đã đóng một vai trò quan trọng cho tương lai của phong trào Tuân thủ, nhất là trong việc chọn anh Tổng Phục vụ của Dòng. Sự cân bằng mà trọng sắc "Ite Vos" cố gắng thực hiện trong sự luân phiên chọn các Tổng Phục vụ giữa các nhóm bên này bên kia núi cho mỗi nhiệm kỳ sáu năm hiếm khi được tôn trọng. Có những chục năm trường, vai trò Tổng Phục vụ luôn do nhóm bên kia núi nắm giữ (Phía Tây-ban-nha).

90. Chúng tôi không đi sâu vào việc tường thuật buồn tẻ sự nối tiếp của những anh Tổng Phục vụ trong giai đoạn giữa trọng sắc "Ite Vos" năm 1517 và trọng sắc "Felicitate quadam" năm 1897, hoặc còn gọi là sự Hợp Nhất của Đức Giáo Hoàng Lêô cho Dòng Anh em Hèn mọn, ngoại trừ danh tánh của một số khuôn mặt quan trọng nhất. Tốt hơn, chúng tôi tập trung vào những cuộc canh tân khác nhau nảy sinh từ bên trong hoặc từ bên ngoài Dòng Phan sinh Tuân thủ, và những cố gắng tìm sự hiệp nhất suốt Thế kỷ 19, khi nhiều cuộc canh tân ấy có vẻ như cho thấy sự sai lầm từ phía quyền bính của Giáo Hội và của Dòng.

A. Những bước đầu cuộc canh tân trong nội bộ Dòng Phan sinh Tuân thủ

91. Các anh em Tây-ban-nha dưới áp lực chính trị, đã xin lập một đại diện quốc gia năm 1521. Anh Phanxicô Angêlô Quinôes được chọn vào chức vụ. Năm 1523, anh cũng được bầu làm Tổng Phục vụ Dòng (1523-1529) tại Tổng Tu nghị Bergos. Trước anh, các anh Phục vụ Christophe Numai (1517-1518), Phanxicô Lichettô (1518-1520) và Phaolô Soncinô (1521-1523) đều là những người Itali. Năm 1529, anh Quinônes trở thành Hồng Y và anh Phaolô Pisotti (1529-1533) được bầu làm Tổng Phục vụ. Anh là con người ít được biết đến và đã phải từ chức do áp lực của Đức Giáo Hoàng Phaolô III.

92. Tu nghị Nixê bầu chọn anh Vincent Lunellô (1535-1542). Anh vất vả hoạt động để tiếp tục canh tân Dòng. Sau anh, anh Gioan Matthêu Calvi đã được bầu làm Tổng Phục vụ (1541-1547). Anh Tổng Phục vụ tiếp theo là người Bồ-đào-nha, anh Anđrê Varez, được biết đến như một Insúlanus : người ở đảo (1547-1553). Tu nghị Salamanca bầu chọn anh Clêmentê Đôlêra (1553-1557) và công bố Hiến Chương mới, gọi là "Hiến Chương Salamanca". Trong khi đó, gia đình Phan sinh phía Tây-nam Alpes cương quyết giữ Hiến Chương Baxêlôn. Những anh Tổng Phục vụ tiếp theo là anh Phanxicô Zamôra Cuenca (1559-1565) và anh Alôsius Pozzô Borgônuôvô (1565-1571), trong thời gian anh này làm Tổng Phục vụ, Đức Giáo Hoàng Piô V truyền cho các anh em Phan sinh nhóm Amadeiti, Clarenô, và Anh Anh em Tu việncanh tân phải gia nhập Dòng Anh em Hèn mọn Tuân thủ. Cũng trong thời gian anh làm Tổng Phục vụ, vương cung Thánh đường Nữ Vương các Thiên Thần (Portiocula) bắt đầu được xây dựng. Anh Christôphe Chaffontaines làm Tổng Phục vụ từ 1571 đến 1579, được tiếp nối bởi anh Phanxicô Gonzaga (1579-1587) trong triều đại Đức Giáo Hoàng Sixtô V (1585-1590), là một anh em Hèn mọn Tu viện.

93. Tu nghị Valladolid bầu chọn anh Bônaventura Caltagirone (1593-1600) và công bố Hiến Chương Valladolid, gia đình Phan sinh Tây-bắc Alpes đón nhận Hiến Chương này.

94. Sau khi đã nhìn lướt qua sự tiếp nối của các anh Tổng Phục vụ trong thế kỷ 16, bây giờ chúng ta nhìn vào những cố gắng nhằm canh tân một gia đình Phan sinh Tuân thủ. Những cuộc canh tân này là kết quả của một nhu cầu canh tân chung trong Giáo Hội, đặc biệt trong giai đoạn Cải-cách-Tin-Lành và chống-Cải-cách của công đồng Trentô. Dòng Phan sinh đã đáp lại lời kêu gọi canh tân của công đồng Consttance với Dòng Tuân thủ trong Thế kỷ 15. Những cuộc canh tân mới nảy sinh kết quả của cuộc canh tân Giáo Hội trong thế kỷ 16. Chúng chủ yếu chằm duy trì sự vâng phục trực tiếp anh Tổng Phục vụ, nhưng có một nhóm, thật đặc biệt, muốn tự tách mình ra và trở thành một thực thể độc lập ở ngoài Anh em Tuân thủ. Chúng tôi liên tưởng đến sự canh tân của anh em Lúp dài.

B. Những bước đầu của Dòng Phan sinh Lúp dài canh tân (1525-1516)

95. Anh Mathêu Bachi (-1552) là một anh linh mục và giảng thuyết của Dòng Phan sinh Tuân thủ, Tỉnh Dòng Marche-Ancône. Nguyện vọng chính đáng của anh là có thể sống Luật Dòng Phan sinh theo kiểu Tuân thủ nghiêm nhặt nhất. Năm 1525, anh trốn khỏi cộng đoàn của mình ở Montêfalcônê và lên Rôma xin phép Đức Giáo Hoàng Clêmentê VII (1523-1534) được đi theo nguyện vọng của mình và mặc bộ áo Dòng theo mẫu mà chính Thánh Phanxicô đã cho anh thấy trong một thị kiến. Anh Mathêu được Bà Bá Tước Catherina Cibô, miền Camêrinô che chở, Bà là cháu của Đức Giáo Hoàng.

96. Trong cuộc Tu nghị Tỉnh Dòng ở Jêri, anh Tỉnh Phục vụ Gioan Fanô ra lệnh cho anh Mathêu phải về huynh đệ đoàn Fanô, tại đó anh bị giam giữ cho đến khi Bà Bá Tước Camêrinô xin trả tự do cho anh. Chẳng bao lâu những anh em khác đến theo anh. Anh Lu-y và anh Raphael Fosombrônô xin anh Tổng Phục vụ cho họ đến sống trong một ngôi ẩn viện cùng với anh Mathêu. Anh Tổng Phục vụ từ chối. Thế là những anh em này tìm đến trú ẩn trong huynh đệ đoàn Anh em Tu việnở Cingôli. Khi anh Phaolô Chioggia gia nhập nhóm, họ bắt đầu sống ở Fosombrônô, dưới sự che chở của Bà Bá Tước Camêrinô và theo nhánh Anh em Hèn mọn Tu viện.

97. Ngày 03-07-1528, Đức Giáo Hoàng Clêmentê VII ban cho họ trọng sắc "Religionis Zelus : lòng nhiệt thành", cho phép họ sống Luật Dòng theo kiểu Tuân thủ nghiêm nhặt nhất, được sống trong ẩn viện, để râu dài, mặc áo ngắn với chiếc lúp nhọn, được giảng cho dân chúng và nhận các tập sinh. Họ phải ở dưới quyền các Anh em Hèn mọn Tu viện.

98. Anh Lu-y Fossômbônô trở thành lãnh tụ của gia đình mới. Năm 1529, một bản Hiến Chương mới đã được thành hình, gọi là Hiến Chương Albacina. Luật lệ này ấn định 2 giờ suy gẫm mỗi ngày ; đọc thần vụ ban đêm ; thực hành đền tội trong ăn uống với việc đi khất thực đủ cho một ngày theo nhu cầu của anh em ; một chiếc áo ống ngắn cho người bệnh và người già ; không có quản lý về vật chất ; các huynh đệ đoàn phải ở ngoài thành phố ; quyền sở hữu thuộc vị ân nhân ; nhà nguyện nghèo nhỏ ; rao giảng lưu động và không nhận tiền công ; sách vở phải ít oi. Khi những anh em đầu tiên đi giảng ở Camêriô năm 1534, dân chúng địa phương gọi họ là "Anh em Lúp dài" và "Anh em Rômiti". Chẳng bao lâu họ được biết đến là Anh em Hèn mọn Lúp dài.

99. Trong khi ấy, Anh Matthêu Bachi rời bỏ huynh đệ đoàn mới của anh năm 1537, để trở về hàng ngũ Anh em Tuân thủ và qua đời ở đó năm 1552.

100. Anh Tổng Phục vụ Phao lô Pissotti đã cố gắng giải thể phong trào mới. Đức Hồng Y Quinônes có ý kiến cho rằng điều khôn ngoan hơn, đó là kêu gọi những anh em canh tân mới trong nội bộ gia đình Anh em Tuân thủ, như người ta cố gắng làm ở Tây-Ban-Nha đối với những cuộc canh tân trước đây của anh em Phan sinh. Trong khi đó, anh Lu-y Fossômbônô đã nhanh chân chạy đến trọng sắc "Religionis zelus". Đức Giáo Hoàng truyền cho Anh em Tuân thủ không được quấy rầy anh em Lúp dài, và ngăn cấm anh em Lúp dài vào hàng ngũ của mình.

101. Gia đình mới được lãnh đạo bởi những khuôn mặt nổi bật, chẳng hạn anh Bernađinô Asti, Phanxicô Jêsi, tiến sĩ luật, và Bernađinô Ochinô, một nhà giảng thuyết lừng danh.

102. Năm 1535, anh Bernađinô Asti được bầu làm Phó Tổng Phục vụ. Anh Lu-y Fossômbônô rời khỏi gia đình Phan sinh mới. Mặc dù anh Tổng Phục vụ Lunellô cố gắng hiệp nhất anh em Lúp dài với Dòng Anh em Hèn mọn năm 1542, nhưng anh Bernađinô Asti và anh Bernađinô Ochinô từ chối. Không may, anh Ochinô cuối cùng đã theo lạc giáo năm 1542. Dòng mới này được cứu thoát nhờ công của anh Phanxicô Jêsi, anh trở thành Phó Tổng Phục vụ năm 1543.

103. Dòng mới phát triển nhanh chóng. Năm 1608, Đức Giáo Hoàng Phao lô V tuyên bố Anh em Hèn mọn Lúp dài là những Anh em Hèn mọn đích thực và là con cái của Thánh Phanxicô. Ngày 23-1-1619, Dòng Anh em Hèn mọn Lúp dài được ban một quy chế độc lập và được tách rời khỏi Dòng Anh em Hèn mọn Tu viện, với thông điệp của Đức Giáo Hoàng "Alias felicis recordationis".

104. Trong thế kỷ đầu tiên hiện hữu, Dòng Anh em Hèn mọn Lúp dài cũng đã là một trường dạy sự thánh thiện cho nhiều anh em. Trong số những khuôn mặt nổi bật của họ trong giai đoạn này, chúng tôi xin nêu danh : Felix Cantali (-1587). Thánh Lôrensô Brinđisi, Tiến sĩ Hội Thánh (-1619) và Thánh Fidel Sigmarigen (-1622), Vị tử đạo tiên khởi của Thánh bộ Truyền bá Đức tin.

C. Những nhà tĩnh tâm

105. Một điều thú vị là mỗi cuộc canh tân trong lịch sử lâu dài của Dòng Phan sinh đều phát xuất từ khung cảnh những ngôi ẩn viện nhỏ bé. Đó là một kiểu trở về với những buổi đầu đơn sơ, phù hợp với lối sống đơn giản mà Thánh Phanxicô đã viết cho những anh em sống trong các ẩn viện. Chúng ta đã ghi nhận hiện tượng này trong trường hợp anh em Thiêng liêng, những Anh em Tuân thủ đầu tiên, những anh em Phan sinh Canh tân Tây-Ban-Nha, và các Anh em Lúp dài. Trong thế kỷ 16, chúng ta ghi nhận một khuynh hướng tương tự ngay trong nội bộ gia đình Tuân thủ, với việc thiết lập các "nhà tĩnh tâm" trong các Tỉnh Dòng, ở đó anh em có thể sống luật Dòng trong sự đơn sơ và giữ sự hiệp nhất với gia đình tu trì của mình.

106. Ở Tây-Ban Nha, các "nhà tĩnh tâm" đã bắt đầu xuất hiện năm 1502. Năm 1523, anh Tổng Phục vụ Quinônes cho họ những quy chế đặc biệt, bảo đảm họ vẫn phải vâng phục các anh Phục vụ của mình. Ở Ý, anh Tổng Phục vụ Liche ủng hộ các nhà tĩnh tâm. Chính trong những nhà tĩnh tâm này mà những cuộc canh tân trong và ngoài Dòng Tuân thủ đã phát sinh. Chúng ta đã nói đến cuộc canh tân của anh em Lúp dài. Bây giờ chúng tôi sẽ quay về những cuộc canh tân khác trong gia đình Tuân thủ, phát sinh như là kết quả kinh nghiệm sống của anh em Phan sinh trong những nhà tĩnh tâm này ở Ý (nơi họ được biết đến như những "ritiri" ẩn lánh), ở Tây-ban-Nha và Pháp.

D. Anh em Hèn mọn Cải cách

107. Anh Tổng Phục vụ Phao lô Pissotti chống lại cuộc canh tân trong Dòng Tuân thủ, và dĩ nhiên anh cũng chống lại các nhà tĩnh tâm. Bởi thế, anh Phanxicô Jêsi và anh Bernađinô Asti, về sau trở thành anh em Lúp dài, đã chạy đến với Đức Giáo Hoàng Clêmentê VII, Đức Giáo Hoàng ban cho họ trọng sắc "In Suprema Millitantis Ecclesiae" ngày 16/1/1532. Mỗi Tỉnh Dòng được phép lập những nhà canh tân, nhằm để cho anh em thuận lợi để sống Luật Dòng theo lối nhiệm nhặt hơn, nhưng phải theo những tuyên bố của Đức Giáo Hoàng trong trọng sắc "Exiit" và "Exivi". Anh em có thể sống trong sự nghèo khó triệt để, kể cả trong việc chọn vải vóc, nhưng y phục của họ không được khác về hình dạng và màu sắc so với bộ áo chính thức của Anh em Hèn mọn Tuân thủ. Các Huynh đệ đoàn này được có một Custos (Thủ trưởng), anh được dự phần vào các cuộc Tu nghị Tỉnh Dòng cùng với các anh Thủ viện (Guardians).

108. Gia đình Tuân thủ mạnh mẽ chống lại sự Cải cách này trong hành ngũ của mình, nhất là giai đoạn 1532-1579. Năm 1535, Đức Giáo Hoàng Phaolô III cảnh báo cho anh Tổng Phục vụ biết rằng, nếu Dòng không thi hành trọng sắc "In Suprema", Ngài sẽ truyền cho Anh em Hèn mọn Cải cách sát nhập vào Nhánh Lúp dài. Kết quả là anh em đã có thái độ mềm dẻo hơn đối với Cải cách. Anh Tỉnh Phục vụ Dòng Rôma trao bốn ẩn viện thung lũng Riêti cho Anh em Cải cách.

109. Những buổi đầu của anh em Cải cách cũng giống như buổi đầu của anh em Lúp dài, với cái nhìn về lối sống của họ, thời gian dành cho việc cầu nguyện, những thực hành khổ chế, và những cái tương tự. Năm 1579, anh em Cải cách xin và Đức Giáo Hoàng Grêgôriô XIII đã ra trọng sắc "Cum illis vicem", cho anh em trở thành độc lập đối với Anh em Tuân thủ. Trọng sắc ngăn cấm anh em theo Cải cách về sống trong các Huynh đệ đoàn Tuân thủ, nhưng cho phép các Anh em Tuân thủ được đến sống trong các Huynh đệ đoàn anh em Cải cách.

110. Anh em Cải cách lập một Huynh đệ đoàn tại Thánh Phanxicô Ripa, ở Rôma, để làm trung ương của họ. Huynh đệ đoàn này vẫn là trung tâm chính thức của anh em Cải cách Ý cho đến trọng sắc Hiệp Nhất năm 1897. Năm 1587, anh Tổng Phục vụ Phanxicô GonZaga nhận được phép ngưng áp dụng trọng sắc "Cum illis vicem". Đức Giáo Hoàng Clêmentê VIII truyền các nhà tập của các Tỉnh Dòng Tuân thủ phải đặt trong các nhà tĩnh tâm. Anh Bônaventura Secusi Calragirona ban Hiến Chương mới cho anh em Cải cách Ý năm 1595. Năm 1596, Đức Giáo Hoàng Clêmentê VIII ban cho anh em có một Tổng quản lý, trước sự tức giận của Anh em Tuân thủ vì anh em kết tội họ là những kẻ tách rẽ.

111. Mối căng thẳng giữa Anh em Tuân thủ và Anh em Hèn mọn Cải cách là nguyên do gây ra những rối rắm cho các vị lãnh đạo Dòng. Năm 1621, Đức Giáo Hoàng Grêgôriô XV cho anh em Cải cách cách được quyền có một quản lý riêng, do Đức Hồng Y bảo trợ của Dòng cắt đặt. Như thế, thẩm quyền của anh Phục vụ trên các anh em Cải cách bị thu hẹp đi rất nhiều. Trong một thời gian ngắn, anh em Cải cách đã có một Phó Tổng Phục vụ riêng, nhưng vai trò này của họ bị Đức Giáo Hoàng Urbanô VIII hủy bỏ năm 1624.

112. Với sự bành trướng của anh em Cải cách, năm 1639, Đức Giáo Hoàng Urbanô VIII ra trọng sắc "Iniuncti nobis" cho phép các Hạt Dòng anh em Cải cách ở Ý và Ba-lan được trở thành những Tỉnh Dòng độc lập trong Dòng, có thể thêm tính từ "Cải cách" vào tên của Tỉnh Dòng. Anh em Cải cách phải có một Tổng quản lý do Đức Hồng Y Bảo trợ bổ nhiệm. Anh Tổng Phục vụ của Dòng nắm thẩm quyền trên các anh em Cải cách.

113. Như thế, năm 1639, Anh em Hèn mọn Cải cách bắt đầu hiện hữu như một gia đình độc lập trong hàng ngũ Dòng Anh em Hèn mọn, dưới quyền của anh Tổng Phục vụ, nhưng có Tổng quản lý riêng của họ. Tình trạng này sẽ kéo dài cách chính thức mãi đến năm 1897, và trên thực tế, trường hợp các Tỉnh Dòng Ý còn kéo dài lâu hơn nữa.

114. Gia đình anh em Cải cách cũng đem lại cho Dòng Phan sinh một số khá đông các Thánh. Người nổi tiếng nhất là, đó là Thánh Lêônađô Port Maúrice (-1751). Anh đã trở thành một anh Phan sinh trong gia đình "Cải cách", do chân phước Bônaventura gốc Baxêlôna thành lập trong Tỉnh Dòng Rôma Cải cách. Anh em Cải cách sống trong Huynh đệ đoàn Thánh Bônaventura Palatinô gần Côlôssê.

115. Anh em Cải cách lan rộng đến những vùng khác của Châu Âu, chẳng hạn ở Bavaria, nơi mà bá tước Maximiliên I xin họ đến. Anh em Cải cách cũng còn hiện diện ở Tyrol, Ao, Bôhême, và Ba-lan.

E. Anh em Hèn mọn Alcantara hoặc anh em Chân trần

116. Cuộc canh tân của anh em Tây-ban-nha phát sinh trước khi Dòng phân rẽ năm 1517. Năm 1480, anh Gioan Puebla đã bắt đầu cố gắng canh tân, anh Gioan Guađanlupe theo chân anh năm 1495. Trong thời gian này, cuộc canh tân được đặt dưới quyền anh Tổng Phục vụ, và phát triển độc lập đối với các anh Phó Tổng Phục vụ Tuân thủ. Năm 1496, anh Tổng Phục vụ Phanxicô Nani cho phép anh em sống Luật Dòng cách nghiêm nhặt nhất. Năm 1499, nhóm anh em lập thành Hạt Dòng Tin Mừng.

117. Nhà canh tân nổi tiếng, Đức Hồng Y Cisnêros, với sự đồng ý của vua Fernanđô và hoàng hậu Isabella Tây-ban-nha, muốn trừ khử khỏi Tây-ban-nha tất cả những tu sĩ muốn bắt đầu Cải cách ở ngoài Dòng Tuân thủ. Như vậy, năm 1502, phép được ban cho anh Gioan Guađêlupe bị thu hồi, và anh em được mời gọi gia nhập vào Dòng Tuân thủ tại các nhà tĩnh tâm mà Dòng ở Tây-ban-nha đã thành lập cho mục đích trên. Nhưng những anh em Cải cách này không chấp nhận và tuyên bố họ thuộc thẩm quyền anh Tổng Phục vụ Dòng. Năm 1515, những anh em này được biết đến như những "anh em Caputino" hoặc Anh em Hèn mọn Chân trần, và được trao cho Hạt Dòng Estremađura. Họ cũng được biết đến dưới danh xưng Anh em Tu viện Cải cách, bởi vì họ đặt mình dưới quyền anh Tổng Phục vụ.

118. Trọng sắc "Ite vos" năm 1517 truyền cho họ nhập vào Dòng Anh em Hèn mọn, thuộc vào nhóm Tuân thủ và các nhóm canh tân khác. Hạt Dòng Estremađura trở thành Tỉnh Dòng Thánh Gabriel năm 1520.

119. Năm 1515, anh Gioan Pascal gia nhập nhóm này. Về sau, anh xin được thuộc thẩm quyền Anh em Hèn mọn Tu viện. Đức Giáo Hoàng Phaolô III cho phép anh nhận các tập sinh và những Anh em Tuân thủ khác muốn nhập vào nhóm canh tân. Khi anh Gioan Pascal qua đời, năm 1554, anh để lại các Tu việncho hạt Dòng San Josê.

120. Khuôn mặt cột trụ của Hạt Dòng này là nhà canh tân vĩ đại ở Tây-ban-nha, đó là Thánh Phêrô Alcantara. Anh là Tỉnh Phục vụ Tỉnh Dòng Gabriel thuộc Anh em Tu viện Cải cách . Năm 1557, anh Tổng Phục vụ Anh em Tu viện cho anh được trở thành đại diện của Anh em Tu việnCải cách ở Tây-ban-nha. Anh Phêrô lập ngôi ẩn viện Pêdrôsô. Năm 1559, Hạt Dòng San Jôsê trở thành Tỉnh Dòng. Cuộc canh tân của anh Alcatara là một trong những canh tân nhiệm nhặt nhất trong Lịch sử Dòng. Cùng năm, anh Phêrô qua đời, 1562, Tỉnh Dòng San Jôsê tách khỏi thẩm quyền Anh em Tu việnvà gia nhập gia đình Tuân thủ. Anh Phêrô Alcantara đã trợ giúp Thánh nữ Têrêsa Alvila trong cuộc canh tân Dòng Camêlô, khi Thánh nữ thiết lập Dòng nữ tu Camêlô đi chân trần.

121. Gia đình anh em Alcantara rất kiên định trong ý thức độc lập của họ đối với trào lưu Tuân thủ và lối sống. Năm1621, anh em Alcantara được có một Tổng Đại diện và một Tổng Quản lý.

122. Cuối thế kỷ 18, Anh em Chân trần hoặc gia đình Anh em Alcantara của Dòng Anh em Hèn mọn đã lan rộng sang Ý (Napôli và Lecce), Braxin, Mêhicô, Đông-Ấn, Nhật Bản và Philippines. Nhóm Anh em Alcantara cũng là trường dạy sự thánh thiện, với những khuôn mặt vĩ đại như Thánh Pascal Baylon, Thánh Gioan Thánh giá, Thánh Phêrô Baptist và các bạn, những nhà truyền giáo Philippines và chịu tử đạo ở Nagasaki năm 1597.

F. Anh em Hèn mọn Recollets

123. Gia đình anh em Recollets phát sinh ở Pháp, và được Đức Giáo hoàng Clêmentê VII cổ võ, Ngài gặp anh Tổng phục vụ Bônaventura Cecusi Caltagirônê và truyền cho anh phải thực hiện luật lệ khuyến khích canh tân trong Dòng, đặc biệt trọng sắc "In Suprema" của Đức Giáo Hoàng Clêmentê VII (1532) và trọng sắc "Cum illis vicem"của Đức Giáo Hoàng Grêgôrgiô XIII (1579).

124. Huynh đệ đoàn đầu tiên đi vào cuộc canh tân ở Pháp là cộng đồng Nièvre, trong Tỉnh Dòng Touraine. Huynh đệ đoàn đã được canh tân với con người Lu-y Gonzaga, Bá tước Nièvre, người đã xin Đức Giáo Hoàng Sixtô V cho phép đặt Huynh đệ đoàn của mình dưới quyền anh Tổng Phục vụ Paris. Về sau, một nhóm anh em Cải cách Ý đến sống ở nơi này, nhưng họ cảm thấy không thích hợp với dân chúng địa phương và họ trở về lại Ý. Anh Tổng Phục vụ Bônaventura Caltagirônê công bố hiến chương cho "anh em Rêcollets ở Bỉ và ở Đức" năm 1595.

125. Năm 1601, bốn huynh đệ đoàn anh em Rêcollets xin Đức Giáo Hoàng Clêmemtê VIII ban cho họ những quyền hạn như anh em Cải cách ở Ý. Đức Giáo Hoàng chấp nhận nguyện vọng của họ và còn ban cho họ một Đại diện Tông tòa. Ngài còn viết thư cho các Đức Giám Mục Pháp và xin ban cho anh em Rêcollets những huynh đệ đoàn khác nữa. Với sự nâng đỡ của Đức Giáo Hoàng và của vua Henri IV, anh em Rêcollets được độc lập khỏi anh em Tuân thủ. Năm 1602, Đức Giáo Hoàng Clêmentê VIII tuyên bố họ là những con cái đích thực của Thánh Phanxicô.

126. Tổng Tu nghị Rôma, năm 1612, cho phép anh em Rêcollets lập thành hai Tỉnh Dòng phát xuất từ các nhà tĩnh tâm ở Pháp, đó là tỉnh dòng Thánh Bernađinô ở miền nam nước Pháp và Tỉnh Dòng Thánh Đênis ở miền bắc nước Pháp, cùng với hạt dòng Thánh Antôn ở "Delphinatu". Năm 1614, họ có Tỉnh Dòng Đức Mẹ Vô Nhiễm ở Aquitaine. Về sau, những Tỉnh Dòng khác đã được thành lập, Tỉnh Dòng Thánh Giuse ở Bỉ (1629), Saxon (1625), Anh quốc (1630), Ai-len (1630), Thurinô (1630), miền bắc Đức (1640), Hà lan (1640). Anh em Rêcollets cũng là những nhà truyền giáo sang các tỉnh nói tiếng Pháp ở Canađa.

127. Anh em Recollets chú trọng đến đời sống khắc khổ, chiêm niệm, học tập, giảng dạy và hoạt động truyền giáo. Họ là một nhóm canh tân độc lập, nhưng họ có khuynh hướng ít tập quyền hơn so với anh em Cải cách hoặc anh em Altantara. Họ có những ẩn viện, nhưng họ cũng sống trong những huynh đệ đoàn lớn ở thành phố.

128. Cuộc cách mạng Pháp là nguyên do làm giảm sút gia đình Rêcollets ở Pháp. Anh em Rêcollets tiếp tục hiện diện như một gia đình độc lập trong Dòng cho đến năm 1897.

G. Sự hiệp nhất của Dòng Anh em Hèn mọn (1897)

129. Hậu bán thế kỷ 19 là một giai đoạn đầy kịch tính trong Lịch sử Dòng Anh em Hèn mọn. Để sáng tỏ, chúng ta hãy nhớ, từ năm 1517, khi Anh em Hèn mọn Tuân thủ tách khỏi Anh em Hèn mọn Tu Viện, những nhóm canh tân khác phát sinh trong và ngoài Nhánh Tuân thủ, đó là anh em Lúp dài, anh em Cải cách, anh em Alcantara hoặc anh em Chân trần, và anh em Rêcollets.

130. Cuộc cách mạng Pháp và khuynh hướng triết học ánh sáng đã đẩy các Dòng tu ở Châu Au vào tình trạng yếu kém trầm trọng. Dòng Phan sinh cùng chung số phận. Tiến trình phục hồi và canh tân chậm đến, và những vấn đề mới lại nảy sinh trong thế kỷ 19, với cuộc cách mạng kỹ thuật và sự tấn công của những khuynh hướng triết học tục hóa, chẳng hạn thuyết Maxisme. Tuy nhiên, cùng thời gian ấy, Dòng lan rộng sang Tân Thế giới, nơi đó anh em đông đúc, nhất là ở Mỹ Châu La-tin. Lịch sử việc Phúc âm hóa Châu Mỹ đang được lưu ý đặc biệt. Tiếc thay, chúng tôi chỉ có thể nhắc đến nó ở điểm này, với ý định khai triển luận chứng trong bài dành cho đề tài đặc sủng truyền giáo của Dòng Phan sinh.

131. Năm 1869 Đức Giáo Hoàng Piô IX chọn anh Bernađinô Vagô Portugruarô làm Tổng Phục vụ, một người thuộc gia đình anh em Cải cách. Dòng không thể gặp nhau để họp Tổng Tu nghị, và anh Bernađinô lãnh đạo Dòng suốt 20 năm, từ 1869 đến 1889. Anh là một trong các Tổng Phục vụ hăng say nhất của lịch sử Dòng. Anh bắt đầu cho xuất bản các "Acta Ordinis Minorum : Văn kiện Dòng Anh em Hèn mọn" năm 1882, cơ quan chính thức của Dòng đến ngày nay (ngày nay gọi là "Acta Ordinis Fratrum Minorum : Các văn kiện của Dòng Anh em Hèn mọn"). Giữa những khó khăn to lớn, anh đã cố gắng xây ngôi thánh đường và trường Thánh Antôn ở đường Merulana, Rôma, nhằm phục hồi nền học thức và chuẩn bị cho hoạt động truyền giáo của Dòng. Nơi này cũng trở thành Trung ương (General Curia) sau khi chính quyền Ý chiếm mất nhà Aracoeli. Đức Hồng Y Parocchi đặt viên đá đầu tiên ngày 16-11-1883, ngôi thánh đường và nhà trung ương được hoàn thành 1887. Anh Bernađinô cũng thiết lập trường thánh Bônaventura ở Quaracchi, như một trung tâm nghiên cứu di cảo các bậc thầy Phan sinh thời Trung cổ (ngày nay trung tâm nằm ở Grottaferrata, trên Colli Romani). Các học giả nay bắt đầu làm việc trên bộ phê bình cuốn "Opera Omnia" của Thánh Bônaventura. Sau cùng anh Bernađinô hỗ trợ cho Dòng Ba và cả những tu hội Phan sinh nữ mới, nhất là các Nữ tu Phan sinh thừa sai Đức mẹ. 1889, anh xin Đức Giáo Hoàng cho anh rời nhiệm vụ Tổng Phục vụ. Đức Giáo Hoàng Piô XIII đặt anh làm Giám mục phụ tá giáo phận Sarđica và anh lui về Quaracchi, ở đó anh qua đời ngày 7-5-1895.

132.Trong Tổng Tu nghị năm 1889, được tổ chức tại trường Thánh Antôn, Rôma, anh Lu-y Parma (1889-1897) được bầu làm Tổng Phục vụ. Các Tỉnh Dòng Tây-ban-nha hiện diện qua Phó Đại diện Tông tòa Phanxicô Saenz. Chúng ta nhớ, theo địa dư, Dòng còn bị chia thành gia đình bên này và bên kia núi Alpes nhóm bên kia núi gồm các Tỉnh Dòng Tây-ban-nha và những đơn vị nằm dưới quyền cai trị của Tây-ban-nha. Thời kỳ ấy, gia đình bên này núi có 17.000 anh em trong 55 Tỉnh Dòng Tuân thủ, 38 Tỉnh Dòng Cải cách, 7 Tỉnh Dòng Rêcollets, và 4 Tỉnh Dòng Alcantara. Gia đình bên kia núi có 1200 anh em trong các Tỉnh Dòng Tuân thủ ở Santiagô, Anđalusia, Cartagena, Valencia, Cantabria, Môrôccô, và Tỉnh Dòng Alcantara ở Philíppinnes. Gia đình bên kia núi vẫn giữ quyền được có một phó Đại diện Tông tòa, ngài ở tại Huynh đệ đoàn Thánh Phanxicô Granđê, Mađrid, và một Tổng Quản lý ở tại Huynh đệ đoàn Santi Quarata, Rôma. Anh em Cải cách cũng có Tổng Quản lý của họ, và một Tổng Quản lý khác cho anh em Rêcollets và Alcantara. Đó là bức tranh tổng quát phải ghi nhớ để hiểu những khó khăn trong những dự phóng hiệp nhất Dòng Anh em Hèn mọn. Để có một bản tường thuật chi tiết và thích đáng về các sự kiện lịch sử, những con người v.v. xin đọc cuốn "The Leonine Union of the Order of Friars Minor 1897 : Sự hiệp nhất Dòng Anh em Hèn mọn của Đức Giáo Hoàng Lêô năm 1897", viện Phan sinh, đại học Thánh Bônaventura, New York, 1994.

133. Anh Lu-y Parma, cùng với Đức Giáo Hoàng Lêô XIII (1878-1903) là những người đóng vai chính trong các nỗ lực nhằm hiệp nhất Anh em Hèn mọn dưới một danh xưng. Đó không phải là một việc dễ dàng, và những kết quả của nó đối với Dòng còn là đối tượng tranh cãi và các ý kiến khác nhau. Chúng tôi cũng tự giới hạn vào một bài tường thuật ngắn về những gì diễn ra, dựa theo bài nhận định trong luận án tiến sĩ của anh Carmođy.

134. Anh em Cải cách chống mạnh mẽ sự Hiệp nhất, đặc biệt qua hai Tổng Cố vấn của họ, anh Accursiô Núi Thánh Sabina (Tuscanê) và anh Gaudentius Gúggenbichler (Tyrol). Những vấn đề khác đánh vào con đường hiệp nhất, đó là sự tranh cãi liên quan đến Hạt Dòng Đất-Thánh, chắc chắn thuộc Dòng Tuân thủ ; khủng hoảng tài chánh nghiêm trọng của Dòng, tiếp sau việc xây cất trường và thánh đường Thánh Antôn, ở Rôma ; tính phân rẽ của gia đình bên kia núi.

135.Một cuộc Tổng Tu nghị đã được Đức Giáo Hoàng Lêô XIII triệu tập tại Đức Bà Nữ vương các Thiên thần, ở Assisi, ngày 16-5-1895. Đức Hồng Y Angêlô Muari Dòng Đa-Minh, Tổng Giám mục Ferrara, chủ tọa Tổng Tu nghị. Đức Hồng Y Mauri cho các nghị phụ biết ý Đức Giáo Hoàng : điều có lợi nhất cho Dòng Phan sinh, đó là các gia đình hiện có hãy cố gắng đạt đến Hiệp nhất thật sự và trọn vẹn. Điều đó không trái với quy chế riêng của các nhóm khác nhau bao lâu chúng không đi ngược lại Tổng Hiến chương. Câu trả lời không gây ngạc nhiên. Anh em Tuân thủ muốn có sự hiệp nhất, anh em Cải cách và anh em Alcantara chống lại điều đó, anh em Rêcollets thiên về phía chấp nhận, tuy nhiên họ ý thức được những khó khăn. Có 77 phiếu ủng hộ sự hiệp nhất và 31 phiếu chống. Do đó, Đức Hồng Y Mauri đích thân gặp các Nghị Phụ để cố thuyết phục họ theo nguyện vọng tha thiết của Đức Giáo Hoàng. Cuộc bỏ phiếu vòng hai đã được thưc hiện, kết quả có 108 phiếu ủng hộ sự Hiệp nhất và 8 phiếu chống. Anh Tổng Phục vụ Lu-y Parma lập một ủy ban để phác thảo Hiến chương mới cho Dòng, đứng đầu là anh Aloysius Lauer.

136. Ủy ban gặp nhau ở trường Thánh Isiđore tại Rôma để sọan thảo Hiến chương mới vào tháng 12-1895. Trong một cuộc tiếp kiến dành cho ban Tổng cố vấn ngày 15-2-89, Đức Giáo Hoàng Lêo XIII lại nhấn mạnh một lần nữa tầm quan trọng của sự Hiệp nhất giữa các Anh em Hèn mọn. Anh Lu-y Parma xin các Tỉnh Dòng cho biết ý kiến về Hiến chương mới và kết quả của sự Hiệp nhất. Năm 1896, tổng cộng 65 trên 95 Tỉnh Dòng đã trả lời. Có 34 Tỉnh Dòng ủng hộ sự Hiệp nhất (21 Tỉnh Dòng Tuân thủ, 6 Tỉnh Dòng Cải cách, 6 Tỉnh Dòng Rêcollets, hạt Dòng Thánh Địa), 30 Tỉnh Dòng chống lại (1 Tỉnh Dòng Tuân thủ, 27 Tỉnh Dòng Cải cách, 2 Tỉnh Dòng Alcantara), và 1 Tỉnh Dòng trả lời không dứt khoát. Những Tỉnh Dòng không chịu bỏ phiếu đã được báo trước : sự im lặng của họ có nghĩa là họ ủng hộ sự Hiệp nhất. Như thế, kết quả cuối cùng là 65 Tỉnh Dòng ủng hộ sự Hiệp nhất và 30 Tỉnh Dòng chống lại.

137. Ngày 19-4-1896, ủy ban soạn thảo Tổng Hiến Chương mới đã hoàn thành công tác. Nhiều lời phản đối những cố gắn đưa đến Hiệp nhất. Đây là một thời kỳ tranh luận. Những Dòng Phan sinh khác, Dòng Tu việnvà Lúp dài, không hài lòng với ý định của Đức Giáo Hoàng khi Ngài ra lệnh hủy bỏ tính từ "Tuân thủ" (Regularis Observantia) ra khỏi danh xưng "Dòng Anh em Hèn mọn", vì họ lý luận rằng, danh xưng này thuộc về các gia đình thuộc Dòng Nhất.

138. Ngày 12-4-1897, Hội đồng các Đức Giám Mục cho anh Lu-y Parma biết Đức Giáo Hoàng Lêo XIII đã quyết định tiến hành việc tuyên bố về sự Hiệp nhất của Dòng. Hiến chương mới được phê chuẩn ngày 15-5-1897. Ngày 1-10-1897, anh Lu-y Parma được Đức Giáo Hoàng mời đến cùng với anh Aloysius Lauer. Đức Giáo Hoàng báo cho anh Lu-y biết Ngài đã chọn anh Aloysius làm Tổng Phục vụ mới sau Hiệp nhất. Anh Luaer, cùng với anh Đavít Flêming, của hai đều là Rêcollets, đã được anh Lu-y Pama giới thiệu làm ứng viên chức Tổng Phục vụ.

139. Ngày lễ Thánh Phanxicô, 4-10-1897, Đức Giáo Hoàng Lêo XIII công bố trọng sắc "Felicitate Quadam". Kể từ ngày đó, các gia đình Tuân thủ, Cải cách, Alcantara, và Rêcollets, chính thức được hiệp nhất với nhau trong một gia đình, mang danh xưng đơn sư "Dòng Anh em Hèn mọn" (Ordo Fratrum Minorum). Ngày 5-10-1897, anh Lu-y Parma trao con dấu của Dòng cho anh Aloysius Luaer, Tổng Phục vụ mới (1897-1901). Tuy nhiên, anh em Tây-ban-nha không tham dự nghi lễ. Rõ ràng đã có những vấn đề cho việc thực hiện sự hiếp nhất trong tương lai.

H. Dòng Anh em Hèn mọn từ 1897 đến nay

140. Gia đinh bên kia núi lệ thuộc vào quyền bính va mưu đồ chính trị của Tây-ban-nha, họ không chấp nhận sự Hiệp nhất của Dòng theo kế hoạch của Đức Giáo Hoàng Lêo XIII. Anh em Tây-ban-nha thuộc quyền Phó Đại diện Tông tòa Sêraphim Linares, ở Madrid.

141. Những biến cố chính trị năm 1898, khi Tây-ban-nha mất các thuộc địa Cu-ba và Philíppnes, đã thúc đẩy anh Tổng Phục vụ Aloysius Luaer xin bãi bỏ chức Phó Đại diện Tông tòa. Về sau, dưới triều vua Alphongsô XIII, Đức Giáo Hoàng Piô X trong tự sắc "Singularis regiminis" (29-6-1904) bãi bỏ chức Phó Đại diện Tông tòa và truyền chọ họ đặt mình trực tiếp dưới quyền anh Tổng Phục vụ mới Điônygiô Schuler (1903-1911). Nhưng gia đình bên kia núi vẫn giữ lại chức Phó Tổng Phục vụ.

142. Tình trạng này chấm dứt ngày 14-12-1932, khi anh Tổng Phục vụ Bônaventura Marrani (1927-1923) viết thư cho Đức Hồng Y bảo trợ của Dòng, Bônaventura Cerretti, xin rút lại tự sắc "Singularis Regeminis". Ngày 22-12-1933, anh Germain Rubiô, phó Tổng Phục vụ cuối cùng của anh em Tây-ban-nha, rời khỏi chức vụ. Gia đinh bên kia núi ngưng hiện hữu.

143. Ở Ý lại có những vấn đề khác. Tỉnh Dòng Alcantara Napôli không chấp nhận sự Hiệp nhất. Nhưng anh Luaer phản ứng mạnh mẽ và buộc tất cả mọi anh em phải chấp nhận trọng sắc "Felicitate Quadam". Nhưng vấn đề lớn nhất nằm ở các Tỉnh Dòng Cải cách cũ tại Ý. Anh em chống lại việc nhập chung các Tỉnh Dòng, các Tỉnh Dòng Tuân thủ và Cải cách. Năm 1903, anh Tỉnh Phục vụ Venise viết thư cho anh Aloysius Luaerthan phiền rằng sự sát nhập các Tỉnh Dòng gây tốn hại đến đời sống tu trì. Nhưng anh Luaer vẫn tỏ ra cương quyết, và như thế, trường hợp này được đưa ra trước Tổng Tu nghị. Trong tình huống này anh Paxificô Monza đang được chú ý, anh là thành viên của Tỉnh Dòng Venise, nguyên Tổng quản lý của anh em Cải cách. Anh này bắt đầu đi vận động Đức Hồng Y Liarđi, Đức Hồng Y bảo trợ bảo trợ của anh em Lúp dài, Đức Hồng Y Ferrata, Chủ tích thánh bộ các Đức Giám Mục và Tu sĩ, và Đức Tổng Giám mục Venise, Giuse Sartô, người sẽ trở thành Đức Giáo Hoàng trong cùng một năm, Đức Giáo Hoàng Piô X. Anh Tổng Phục vụ Điônisiô Schuler khiếu nại lên Đức Giáo Hoàng và nhấn mạnh việc chia lại Tỉnh Dòng venise không thể thực hiện được, vì làm như thế có nghĩa là những Tỉnh Dòng khác ở Ý cũng sẽ xin chia cắt như vậy. Lúc đầu Đức Giáo Hoàng chấp nhận ý kiến của anh Tổng Phục vụ, nhưng về sau Ngài lại theo dường lối do sức ép của hoàn cảnh ở Ý. Tháng 10-1910, Tỉnh Dòng Rôma lại bị chia thành một bên là Tuân thủ bên kia là Cải cách.

144. Trước tình thế phức tạp Đức Hồng Y Vives Tutô, một anh em Lúp dài, và là Chủ tích Tháng bộ Tu sĩ, không giúp gì được cho anh Schuler. Ngài còn đi xa hơn nữa, đó là khơi lại những khiếu nại của Anh em Tu việnvà anh em Lúp dài năm 1897, liên quan đến danh xưng Dòng Anh em Hèn mọn. Hậu quả thật là thảm khốc. Ngày 4-10-1909, Đức Giáo Hoàng Piô X công bố một tông thư, "Septima iam", trong đó Đức Giáo Hoàng truyền phải đổi danh xưng của Dòng thành "Anh em Hèn mọn theo sự hiệp nhất của Đức Giáo Hoàng lêô" (Friars Minor ò the Leonine Union). Danh xưng này chăng bao giờ được dùng đến của phía Tòa Thanh lẫn phía Dòng. Hình như phần khiếu nại này đối với Dòng là hậu quả của cuốn sách Hebart Holzafel, "Manua Hitoriae Ordinis Fratrum Minorum : Thủ bản Lịch sử Dòng Anh em Hèn mọn". Đức Giáo Hoàng vẫn xếp cuốn sách ấy vào danh sách những sách cấm.

145. Ngày thứ năm, 26-10-1911, lúc 4 giờ chiều, anh Schuler được mời đến Thánh đường Thánh Antôn ở Rôma. Khi anh từ nhà Trung ương bước xuống Trường, anh thấy nhiều anh em đến từ Tu việnThánh Antôn, nhà Trung ương, Tu việnAracoeli. Đức Giám Mục Phan sinh, Bênađô Doebling, đọc tự sắc "Quo magis" (23-10-1911) và loan báo anh Tổng Phục vụ mới sẽ là anh Paxicô Monza, và anh Schulersẽ được phong làm Tổng Giám mục phụ tá. Cuộc tấn phong được tổ chức ngày 5-11. Ngày 11-11-1911, sau một cuộc tiếp kiến Đức Giáo Hoàng, anh Schuler rời khỏi Rôma và lui về Đức. Kế hoạch của Đức Hồng Y Vives Tutô và nhóm "cựu Cải cách đã được thực hiện.

146. Việc chia các Tỉnh Dòng Ý kéo dài mãi đến 1945. Ngày 27-12-1945, Đức Giáo Hoàng Piô XII ra tông thư "Quae paterna" gửi anh Tổng Phục vụ Valentine Schaaf thuộc Tỉnh Dòng Cincinnti, trong đó Đức Giáo Hoàng truyền cho các Tỉnh Dòng Ý phải tự tập trung lại theo cách, trong mỗi nhánh, chỉ có một Tỉnh Dòng. Sự phân chia giữa Tuân thủ và Cải cách ở Ý trở thành quá khứ.

147. Trong thời Tổng Phục vụ Paxicô Monza (1911-1915), ngày 11-4-1909, Đức Giáo Hoàng Piô X tuyên bố Vương cung Thánh đường Nữ vương các Thiên thần là "Caput et mater : đầu và mẹ" của Dòng Anh em Hèn mọn, với đặc ân Vương cung Thánh đường thượng phụ và nhà thờ Đức Giáo Hoàng (có đặt tòa Đức Giáo Hoàng trong đó).

148. Những anh Tổng Phục vụ kế tiếp là anh Sêraphim Ciminô Capri (1915-1921), anh Bernađinô Klumper (1921-1927). Năm 1916, Dòng cử hành kỷ niệm 700 năm Thánh Phanxicô qua đời, và Đức Giáo Hoàng Piô XI công bố thông điệp "Rite Expiatis". Ngày 26-5-1927, tượng đài Thánh Phanxicô trước mặt Vương cung Thánh đường Latênanô đã được khánh thành. Dòng cũng đã tiếp tục sứ mạng truyền giáo của mình, đặc biệt ở Trung Quốc, ở đó một nhóm anh chị em Phan sinh gồm các Đức Giám Mục, các nữ tu và anh chị em Phan sinh tại thế chết tử vì đạo trong cuộc cách mạng năm 1900 (Baxer revolution) anh Klumper cũng khánh thành "Studium Biblicum : Học viện Thánh Kinh" ở Giêrusalem.

149. Anh Tổng Phục vụ tiếp theo là anh Bônaventura Marrani (1927-1933). Năm 1931, Dòng cử hành mừng kỷ niệm 700 năm thánh Antôn Padua. Trường Thánh Antôn được nới rộng ra, và Ủy ban nghiên cứu về anh Đon Scốt (Scôtistic Comission) bắt đầu công tác cho xuân bản sách phê bình các di cảo của anh Đon Scốt. Trong thời Tổng Phục vụ Lêônarđô Bellô (1933-1934) Trường Thánh Antôn được tuyên bố là Athennaeum Pontificium (Học viên Giáo Hoàng), và ủy ban nghiên cứu về anh Đon Scốt được giao cho anh Calô Balic, OFM. Năm 1943, Dòng bắt đầu xây cất Nhà Trung ương hiện nay trên Đồi Gelsôminô ở Rôma.

150. Cuộc chiến tranh 1939-1945 là một giai đoạn khó khăn cho hoạt động tông đồ của anh em Phan sinh. Vẫn có những hành động anh hùng. Chúng ta chỉ cần nhắc đến cái chết dũng cảm của Thánh Maximiliano Mari Kolbê cũng đủ (-14-8-1941) là một Anh em Hèn mọn Nhánh Tu Viện, chết trong trại tù Auschwi.

151. Vì không có Tổng Tu nghị nào được cử hành trong thời chiến tranh, Đức Giáo Hoàng Piô XII đã chọn anh Valentinô Schaaf làm Tổng Phục vụ năm 1945, nhưng anh này qua đời ngày 1-12-1946. Ngày 16-1-1946, Đức Giáo Hoàng Piô XII tuyên bố Thánh Antôn Padua là tiến sĩ Hội Thánh qua trọng sắc "Exulta Lusitania felix". Anh Tổng Phục vụ kế tiếp là anh Paxicô Pêrantôni (1947-12952). Tu nghị năm 1952 bầu chọn anh Agnostinô Sepinki (1952-1965 ; tái đắc cử năm 1957). Trong thời gian Tổng Phục vụ của anh, anh Irnê Mazzotti, OFM, thành lập viện thần học giáo dân "Piccola Famiglia Francescana". Năm 1953, Dòng cử hành mừng kỷ niệm 700 năm Thánh nữ Clara qua đời. Năm 1965, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đặt anh Sepinki làm Tổng Giám mục phụ tá và làm đặc sứ Tòa Thánh tại Giêrusalem và Palestin. Sau này anh còn là Khâm sứ Tòa Thánh ở Uruguay. Anh Sepinki đã tham dự Công đồng Vaticanô II, và qua đời ngày 31-12-1978. Dòng tham phần vào đại hội quốc tế về anh Đon Scốt tại Oxford và Edinburh (1966).

152. Anh Constantin Koser được bầu làm Tổng Phục vụ (1969-1979 ; tái đắc cử trong Tổng Tu nghị Mađrid năm 1937). Anh là Tổng Phục vụ đầu tiên sau công đồng Vaticanô II. Anh công bố Hiến chương mới cho Dòng và triệu tập các anh tỉnh Phục vụ về họp Tổng Tu nghị bất thường tại Mêdelin, Côlombia năm 1973, và một lần nữa tại Assisi năm 1976. Ngày 24-6-1978, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI ban cho Dòng Phan sinh tại thế Bản Luật mới, với Tông thư "Seraphicus Patriarca : Tổ phụ sốt mến ". Từ 1969 Dòng bắt đầu cử hành các cuộc Đại hội đồng mở rộng. Năm 1974, Dòng cử hành kỷ niệm 700 năm Thánh Bônaventura qua đời.

153. Trong Tổng Tu nghị Assisi năm 1979, anh Gioan Vaughn, thuộc Tỉnh Dòng Thánh Barbara, California, được bầu làm Tổng Phục vụ (1979-1991 ; tái đắc cử tại Tổng Tu nghị Assisi năm 1985). Dòng cử hành mừng kỷ niệm 800 năm ngày sinh của Thánh Phanxicô năm 1982. Dòng có nhiều sáng kiến mới trong hai thập niên vừa qua với dự án Châu Phi, thiết lập Á-Tỉnh Dòng Thánh Phanxicô ; Những cuộc đại hội đồng mở rộng tại Bahia, Brazil (1983), và tại Bangalore, An Độ (1988) ; thiết lập ủy ban NGO tại UN (Liên Hiệp Quốc), năm 1989, với sự cộng tác của toàn thể phong trào Phan sinh.

154. Ngày 13-6-1991, anh Hermann Schaluck, thuộc Tỉnh Dòng Saxon (Đức) được bầu làm Tổng Phục vụ tại Tổng Tu nghị San Diego, California. Dòng cử hành mừng kỷ niệm 500 năm Phúc âm hóa Châu Mỹ năm 1992, mừng 800 năm ngày sinh Thánh nữ Clara năm 1993 và mứng 800 năm ngày sinh của Thánh Antôn Padua 1995. Ngày 6-6-1992, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tuyên bố tôn kính anh Gioan Đon Scốt như chân phước. Tháng 11-1993, Hạt Dòng Thánh Địa cử hành mừng kỷ niệm 650 năm thành lập Hạt Dòng do quyết định của Đức Giáo Hoàng Clêmentê VI. Thàng 5-1995, Dòng cư hành đại hội đồng mở rộng ở đấy trên đảo Malta. Sau đó Dòng cử hành Tổng Tu nghị Assisi ngày 18-5-1997.

155. Một ghi nhận cuối cùng cho phần này. Chúng tôi đã không bàn đến lịch sử truyền giáo của Dòng Phan sinh, đặc biệt những cuộc truyền giáo tại Bắc, Trung và Nam-Mỹ. Đề tài này sẽ được bàn lại trong bài dành cho đặc sủng truyền giáo của Dòng. Cùng đề tài như thế được bàn đến trong trường hợp các Thánh nam nữ của phong trào Phan sinh.

156. Để cho ngắn gọn chúng tôi không bàn đến Lịch sử mới đây của các gia đình Phan sinh khác, đó là các Anh em Hèn mọn Tu việnvà Anh em Hèn mọn Lúp dài. Xin độc giả bổ túc kiến thức về Lịch sử phong trào Phan sinh bắng cách tìm đến những ghi nhận tiểu sử ở cuối tập sách này. Bây giờ chúng tôi xin bàn lướt qua Lịch sử Dòng Nhì và Dòng ba tại viện, dành Lịch sử Dòng Ba cho phần viết về Dòng Phan sinh tại thế.


DÒNG NHÌ

157. Luật Dòng của Thánh Nữ Clara, do Đức Giáo Hoàng Inxentê IV phê chuẩn năm 1253, được viết ra cho đan viện Thánh-Đamianô. Năm 1259, Chân phước Elisbét nước Pháp, em của Thánh Lu-Y IX, đã nhận được từ Đức Giáo Hoàng Alexandre IV Bản luật mới cho đan viện Longchmp. Bản Luật này sau đó được Đức Giáo Hoàng Urbanô IV phê chuẩn năm 1263. Cũng Đức Giáo Hoàng này đã phê chuẩn Bản Luật mới cho Dòng Thánh nữ Clara ngày 18-10-1263. Bản luật do Đức Hồng Y Bảo trợ Gaetanô Orsini viết ra. Luật này cho các chị em Clara nghèo khó được phép có sở hữu, và thiết lập một gia đình mới trong Dòng Nhì, gia đình "Urbnô", sống theo Luật của Đức Giáo Hoàng Urbnô như một luật khác so với Luật của Thánh Nữ Clara.

158. Khoảng năm 1260, cộng đoàn Thánh Đamianô di chuyển về đan viện Thánh Clara mới, được xây trong thành Assisi, trên cùng một địa điểm với nhà thờ Thánh George, nơi Thánh Phanxicô đã được an táng tạm thời năm 1226. Họ mang theo mình cây thánh giá Đamianô sang vương cung Thánh đường Thánh nữ Clara mới.

159. Các đan viện của chị em Clara nghèo khó đã tăng số. Khi Thánh nữ Clara còn sống, ở ngoài Ý các Phụ nữ nghèo khó có một đan viện ở Phamphôna, Tây-ban-nha, và một đan viện khác ở Praha, Bôhême. Những đan viện khác tiếp tục mọc lên mau chóng. Các đan viện thường được Dòng nhất chăm sóc thiêng liêng, mặc dầu Thánh Bônaventura đã muốn rằng việc giúp đỡ thiêng liêng anh em dành cho chị em Clara nghèo khó là việc được thực hiện vì bác ái, chứ không phải vì bó buộc, và việc này tùy thuộc vào sự chỉ đạo của Đức Hồng Y Bảo trợ. Đầu thế kỷ 14, đã có khoảng 413 đan viện Dòng Nhì.

160.Thế kỷ 13 đánh dấu sự khởi đầu một danh sách dài các Thánh và các Chân phước Dòng Nhì : Thánh nữ Agnès, em Thánh nữ Clara (-1253); Thánh nữ Agnès Bôhême (-1280) ; Chân phước Elisabét nước Pháp (-1270) ; Chân phước Elêna Enselmini Padua (-1268) ; Chân phước Philíppa Mareri (-1236) ; Chân phước Salômê Cracow (-1268) ; Chân phước Margarit Côlôna (-1280) ; Chân phước Cunegunđa (-1292) ; Chân phước Jôlanđa (-1298) ; Chân phước Matthias Nazzarei (-1300). Cũng có một nhóm chị em Clara chết tử đạo ở Tripoli (1289) và ở Acre (1291).

161. Hai thế kỷ 14 và 15 đánh dấu một dai đoạn canh tân cho Dòng Nhì, song song với Dòng Nhất. Vấn đề phát sinh do khả năng được có tài sản đòi hỏi phải tìm lại lòng sốt sắng và tuân giữ nghiêm nhặt hơn Luật nguyên thủy của Thánh nữ Clara. Các đan viện thông thường được dâng cúng những tài sản của những chị em đến từ các gia đình sang trọng, nhưng thiếu sự tha thiết với đời sống Phan sinh. Những trào lưu canh tân chính, đó là trào lưu của Thánh nữ Côletta, phong trao Tuân thủ, các nữ tu Clara Lúp dài và các nữ tu Conceptionites. Chúng ta sẽ nhìn thoáng qua từng trào lưu canh tân này.

162. Cuộc canh tân của Thánh nữ Côletta. Côletta sinh năm 1381 tại Corbia, nước Pháp, và sống như một nữ tu kín trong Dòng ba. Năm 1406, chị sang Nice gắp Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XIII, Đức Giáo Hoàng Avignon, trong thời gian khủng hoảng lớn. Đức Giáo Hoàng cho chị bộ áo Dòng Nhì với phép canh tân Dòng Nhì. Cho đến ngày chi qua đời tại Ghent năm 1447, chị để lại 22 đan viện canh tân ở Pháp, Bỉ và Hà-lan. Hiến chương của chị đã được Đức Giáo Hoàng Piô II phê chuẩn năm 1458. Cuộc canh tân nhắm mục đích noi gương hình thức sống nguyên thủy của các phủ nữ nghèo khó ở đan viện Thánh Đamiano, không sở hữu gì hết. Các đan viện do Thánh nữ Côletta canh tân được biết đến qua danh xưng cuộc canh tân của Thánh nữ Côletta.

163. Cuộc canh tân của Tuân thủ, năm 1431, Đức Giáo Hoàng Eugène IV xin anh Tổng Phục vụ Guglielmô Casalê canh tân các đan viện của Dòng Nhì. Năm 1420, đan viện Mantôva ở Ý được canh tân. Thánh Gioan Capitranô là công cụ trong cuộc canh tân của Dòng Nhì. Chân phước Antonia Florence (-1463) canh tân đan viện Auila, Thánh nữ Caterina Vigri Bôlôgna (-1463) canh tân đan viện Corpus Domini (: Thân thể Chúa) ở Ferara và thiết lập đan viện Bôlôgna. Ở Pêrousia, đan viện Monteluce cũng là công cụ trong cuộc tiến hành canh tân. Ở Messina chúng ta thấy đan viện Camêrinô và Fanô được Chân phước Battita Varanô canh tan (-1524). Ở ngoài Ý chúng ta có thể nhắc đến Chân phước Luđôvica Savoa (1503). Năm 1435, anh Gioan Capistranô cố gắng hiệp nhất cac đan viện canh tân vào gia đình Tuân thủ, và anh còn cố gắng sát nhập cuộc canh tân của Thánh nữ Côletta nữa, cuộc canh tân này thuộc thẩm quyền các anh Phục vụ. Nhưng anh không thành công trong cố gắng này. Cuộc canh tân của Thánh nữ Côletta đã được đặt dưới thẩm quyền Anh em Tuân thủ sau 1517. Giai đoạn Cải cách Tin Lành được đánh dấu bằng những cử chỉ anh hùng cả từ phía Dòng Nhì. Đan viện mẫu Nuremberg, Charitas Pirckheimer (-1532) là một tấm gương trong sự chống lại những nỗ lực của anh em Tin Lành Luthêrô trong thành phố của bà.

164. Cuộc canh tân của chị em Clara Lúp dài. Cuộc canh tân này phát sinh ở Napôli, tại bênh viện những người "Vô phường cứu chữa", do một bà quý tộc gốc Catalôna thành lập, bà Maria Loren Longô. Bệnh viện do một nhóm chị em Dòng Ba Phan sinh chăm sóc năm 1533 đã được chuyển sang tay Thánh Catan Thiene. Năm 1535, ngài xin được phép sống theo thể thức của "chị em Dòng Ba Phan sinh theo luật nữa Clara". Năm 1358, những chị em này chuyển sang cho anh em Lúp dài chăm sóc. Trong cùng một năm ấy Đức Giáo Hoàng Phaolô III phê chuẩn lối sống này. Cuộc canh tân mở rộng sang những thành phố khác của Ý, nhất là Milanô, nơi Thánh Chales Bôrrômêô đã xây ba đan viện. Về sau, cuộc canh tân mở rộng sang Tây-ban-nha và cả Mêhicô và Chilê nữa. Khuôn mặt nổi bật nhất của cuộc canh tân này là Thánh nữ Vêrônica Giuliani (-1727), cùng với Chân phước Maria Mađalêna Martinengô (-1737).

165. Các nữ tu Conceptionite (: Truyền tin ?) do Thánh nữ Bêatrice Silva gốc Bô-đào-nha thiết lập (-1492). Năm 1489, Thánh nữ được Đức Giáo Hoàng Innôxentê VIII ban phép thành lập đan viện ở Tôlêtô, dâng hiến cho Đức Trinh nữ Maria Vô nhiễm. Sau khi Thánh nữ qua đời, Đức Tổng Giám mục Ximênes Cinêros đưa luật Dòng Thánh nữ Clara áp dụng cho đan viện. Năm 1511, Đức Giáo Hoàng Juliô II phê chuẩn một Bản Luật mới và Hiến chướng, do anh Phanxicô Quinônes soạn thảo. Cuộc canh tân của chị em Conceptionite lan rộng sang Tây-ban-nha và Châu Mỹ Latin. Chị em Conceptionite đến thành phố Mêhicô năm 1540.

166. Trong thời cách mạng Pháp, con số các đan viện bị thu nhỏ lại. Ngày 13-10-1794, Thánh nữ Jôsêphina Leroux, thuộc đan viện Valencia, đã chịu tử đạo. Cùng một cuộc bách hại ấy được tổ chức quy mô ở Ao do bàn tay hoàng đế Giuse II. Cuộc hồi sinh của các đan viện Dòng Nhì trong thế kỷ 19 kéo théo sự ra đời của nhiều tu hội nữ thuộc Dòng Ba Phan sinh tại viện.

167. Vào thời đại chúng ta, Dòng Nhì đang nở rộ, nhất là trong thời gian cử hành mừng kỷ niệm 700 năm Thánh nữ Clara qua đời năm 1953, và với những cố gắng của thời hậu công đồng nhằm thành lập các hiệp hội đan viện. Năm 1993, Dòng Nhì cử hành mừng kỷ niệm 800 năm ngày sinh của Thánh nữ Clara.


DÒNG BA TẠI VIỆN

168. Năm 1295, Đức Giáo Hoàng Bônifaciô VIII cho phép các anh em đền tội (Dòng Ba) ở miền Bắc Đức, được sống trong cộng đoàn và có nhà nguyện trong nhà của họ để cử hành thần vụ. Mục đích chính của huynh đệ đoàn này thường là để chăm sóc các bệnh viện.

169. Trong thế kỷ 15, nhiều huynh đệ đoàn khác nhau xin được độc lập. Đó là trường hợp các huynh đệ đoàn Utecht (1401), Flanders (1413), Koln (1427, Tây-ban-nha (1442), Liege (1443), Ý (1447), Ai-len (1456 và Đalmatia (1473).

170. Phần các huynh đệ đoàn nữ Dòng Ba tại viện, chúng ta có trường hợp của Chân phước Angêlina Marscianô (-1435), ngài đã lập đan viện nữ Dòng Ba ở Pôlignônăm 1397. Nhiều Tu việntrong số đó được đặt dưới sự chăm sóc của Anh em Tuân thủ. Vị Thánh được biết đến nhiều nhất trong số các thành viện những Dòng Ba tại viện, đó là Thánh nữ Giacinta Mariscotti (-1640) thuộc Tu việnViterbô.

171. Trong khi ấy, các huynh đệ đoàn Dòng Ba tại viện hướng dẩn đến chỗ chấp nhận những cam kết đầy đủ của đời sống tu trì. Các sử gia ghi nhận rằng Dòng Ba tại viện cho nam giới đã được phê chuẩn qua trọng sắc của Đức Giáo Hoàng Nicôlas V (20-6-1447) hiệp nhất các cộng đoàn anh em Dòng Ba tại viện ở Ý. Nhưng chuyển biến quan trọng nhất về một định chế thống nhất Dòng là do công của Đức Giáo Hoàng Lêô X, Người đã ban luật cho Dòng Ba tại viện qua Hiến chế Tông tòa "Inter cetera" số 152, buộc phải có lời khấn trọng thể.

172.Lịch sử Dòng ba tại viện trong thế kỷ 16 được ghi dấu bởi những cố gắng tìm sự độc lập của Hiệp hội Longobarda và các Huynh đệ đoàn khác ở Tây-ban-nha. Họ sống sen kẽ giữa một bên là đặt mình dưới thẩm quyền của gia đình Dòng Nhất Nhánh Tuân thủ và bên kia là sự độc lập khỏi thẩm quyền này.

173. Hiệp hội Longobarda bao gồm tất cả bán đảo Ý và được chia thành 11 Tỉnh Dòng. Đức Giáo Hoàng Phaolô III cộng thêm vào đó các tu hội ở Sicile, và năm 1650, Đalmatia và Flandres cũng được sát nhập vào. Tu hội Tây-ban-nha có 3 Tỉnh Dòng. Còn có những tu hội khác ở Pháp, Đức, Bôhême, Hungari, Ai-len và Anh quốc.

174. Dòng Ba tại viện được Đức Giáo Hoàng Piô XI ban cho một Bản Luật khác qua Hiến chế Tông tòa "Rerum conditio : Tình huống " ngày 4-11-1927. Thời đại chúng ta, họ có một Luật mới qua Hiến chế Tông tòa "Franciscanum Vitae : Đời sống Phan sinh" của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, ngày 8-12-1982.

175. Các tu hội Dòng Ba tại viện nữ, dấn thân cho hoạt động tông đồ, chủ yếu đã được phát sinh trong thế kỷ 19. Không thể nào kể ra hết được chỉ còn cách là viết lại Lịch sử của từng tu hội ấy. Trong số những tu hội được biết đến rộng rãi nhất, có tu hội các nữ tu Thánh nữ Angêla Mêrici (-1540), một chị dòng Ba Phan sinh, và tu hội các nữ tu Phan sinh Thừa Sai Đức Mẹ, được thành lập năm 1877 ở Otacamund, An-độ, do tay của Mẹ Maria Thương Khó (Maria đờ la Passion). Có trên 450 tu hội nữ Phan sinh trên khắp các miền, trong đó có nước Mỹ.


DÒNG PHAN SINH TẠI THẾ

176. Phong trào Phan sinh là một chọn lựa Phúc âm được mở rộng cho mọi người thuộc mọi tầng lớp. Mọi nghề nghiệp. Thánh Phanxicô được coi như là nhà sáng lập Dòng Nhất của anh em, Dòng Nhì của các nữ tu chiêm niệm, và Dòng Ba gồm các nam nữ tu sĩ (Dòng b tại viện) cũng như những người sống giữa trần gian (Dòng Phan sinh tại thế).

177. Lịch sử về những buổi đầu của phong trào Phan sinh cho thấy ba Dòng này được ra đời cùng với nhau, và chúng là dấu chứng tỏ một sự nhận biết duy nhất của Thánh Phanxicô về các dấu chỉ thời đại. Chúng tôi sẽ cung cấp một cái nhìn toàn diện về Lịch sử Dòng Phan sinh tại thế và trình bày đặc sủng của Dòng này cho thế giới hôn nay.

Dòng anh chị em đền tội

178. Từ những thế kỷ đầu của Kitô giáo, Dòng những người đền tội là môi trường thiết định để thực hành việc đền tội hoặc do Giáo Hội buộc, hoặc do sự chọn lựa tự do như một đường lối của sự hoàn thiện Phúc âm. "Dòng những người đền tội" rất phổ biến ở thời trung cổ. Nó được hình thành bởi nhiều loại đền tội khác nhau, chẳng hạn hiến sĩ (Oblats), các ẩn sĩ, tu kín, lữ hành. Những Thế kỷ ngày trước Thánh Phanxicô được đánh dấu bởi một chiều hướng đặc biệt nghiêng về đời sống đền tội, nó có chung trong những cuộc canh tânh quan trọng của các thể chế tu trì cộng đoàn và tu ẩn. Chúng ta chỉ cần nhắc đến Thánh Rômualđô (-1027), Thánh Phêrô Đamiani (-1072), Thánh Gioan Gualbert (-1073), cuộc canh tân ở Cluny, Thánh Bernađô ở Clairvaux (1091-1153).

179. Phong trào đền tội trở thành phổ biến sau cuộc canh tân của Đức Giáo Hoàng Grêgôgiô vào cuối thế kỷ 11. Đó là một phong trào tự phát, và lan rộng trong giới giáo dân. Những nét đặc trưng của phong trào này là một đời sống tông đồ, được diển tả qua sự nghèo khó, giảng đơn sơ cho đại chúng, những thực hành đền tội và lòng thương xót đối với những người ngoài lề xã hội và những người phung cùi, v.v...

180. Bản chất tự phát của phong trào đền tội là một khí cụ cho sự phát triển của nó, nhưng cũng là một cơ hội cho các khuynh hướng lạc đạo. Cơ cấu chính thức của Giáo Hội, Tòa Thánh, các Đức Giám Mục, các tu viện, thường ít quan tâm đến sự chổi dậy mạnh mẽ của đời sống Phúc âm phát suất từ hàng ngũ giáo dân. Sự thiếu hướng dẫn này là một trong những nguyên do dẫn đến sự bành trướng của lạc giáo. Đó là trường hợp nhóm Catharê ở Pháp và ở Ý chẳng hạn.

181. Nhu cầu cần có một cuộc canh tân chân thật trong Giáo Hội là do Chúa quan phòng để thúc đẩy Đức Giáo Hoàng trực tiếp can thiếp hầu cứu vãn tính chính thống của các phong trào đền tội giáo dân. Kể từ đầu Thế kỷ 12, các Đức Giáo Hoàng đã che chở cho các nhóm và các hội khác nhau sống đời đền tội. Năm 1195, khi Phanxicô Assisi còn là một chàng trai trẻ, đã có một nhóm những người đền tội thành lập ở miền Bắc Ý mang danh là những người khiêm hạ. Đức Giáo Hoàng Innôxentê III phê chuẩn lối sống hoặc "Propositum : Qui luật" của họ năm 1201. Năm 1208, Ngài phê chuẩn "Propositum" của những người công giáo nghèo Lombarđi. Chúng ta hãy ghi nhận rằng đây cũng là năm trong đó Đức Giáo Hoàng Innôxentê III chấp thuận bằng miệng "Propositum Vitae : Qui luật sống" của Anh em Hèn mọn.

Phanxicô Assisi là một người đền tội

182. Trong tờ di chúc của mình, Thánh Phanxicô nói rằng Chúa gọi Ngài để bắt đầu một đời đền tội. Ngay từ những buổi đầu Thánh Phanxicô đã tự coi mình là một người đền tội trên con đường hoán cải. Ngài đã trở thành một hiến sĩ (Oblate) trong nhà thờ Thánh Đamianô (1cél 9). Sau khi đã từ bỏ quyền thừa kế trước mặt Đức Giám Mục Guiđô và thân phụ là ông Bernađônê, Phanxicô đã mặc bộ áo của một người ẩn sĩ nghèo (Truyện ba người bạn 25,27). Danh xưng đầu tiên mà anh em mang, đó là "ViriPoenitentiales de civitate Assisi oriundi: những người đền tội thành Assisi" (Truyện Ba người bạn 37).

183. Thần hứng nguyên thủy để sống theo Phúc âm gắn liền mật thiết với lối sống đền tội, như những đoạn văn từ các nguồn Phan sinh sau đây chứng tỏ cách hùng hồn :

184. "Vì thế, Phanxicô, người chiến sĩ can trường của Đức Kitô, đi đến các thành và các làng loan báo Nước Chúa, rao giảng về hòa bình dạy dỗ về sự cứu độ và sự thống hối để được tha tội ... Đàn ông chạy tới, đang bà chạy tới, các giáo sĩ vội vã, các tu sĩ mau mắn sao cho mình có thể nhìn thấy và nghe người diễm phúc của Thiên Chúa mà tất cả mọi người đều thấy như thể một người thuộc một thế giới khác ("homo álterius saeculi: người của thế hệ khác") ... Nhiều người, cả quí tộc lẫn thường dân, giáo sĩ và giáo dân, được ơn Chúa soi sáng thúc đẩy, bắt đầu đến với Thánh Phanxicô, muốn được trường kỳ chiến đấu dưới luật lệ và dưới sự chỉ huy của ngài. Đối với tất cả những người ấy, người diễm phúc này của Thiên Chúa giống như một con sông dồi dào phúc lộc thiên đường, tuôn đổ những dòng thác tặng phẩm, người làm phong phú những cánh đồng trái tim họ bằng những bông hoa nhân đức, vì người là một tay thợ vô cùng thiện nghệ; và hợp với kế hoạch của Người, với luật lệ, lời giảng dạy, người tuyên bố trước mọi người, Giáo Hội cần phải được canh tân từ cả hai phía, và đạo quân ba cánh của những người đang phục vụ này đang chiến thắng. Người ban cho tất cả mọi người một thể thức sống, và người cho thấy con đường chân thật dẫn đến ơn cứu độ cho mọi giai cấp xã hội." (1Cél 36-37)

185. Phanxicô đã trở thành một tấm gương cho tất cả những ai muốn theo Đức Kitô cách hoàn hảo. Chúng tôi hoàn toàn có lý để được thuyết phục về điều đó. Trước hết, đây là sứ mạng ngài nhận được, là "kêu gọi mọi người khóc lóc và than van, cạo đầu và mặc áo nhặm" (Is 22,12) "và niêm ấn chữ thập trên trán các kẻ hằng rên rỉ kêu lên " (Edêkiel 9,4), ghi dấu lên họ bằng thấp giá của sự đền tội và mặc cho họ chiếc áo của chính mình là chiếc áo được định hình giống như một cây thập giá" (Đại truyện, mở đầu).

187. Các nguồn Phan sinh cho thấy hoàn toàn rõ ràng về những buổi đầu của Dòng Anh em Hèn mọn và Dòng các chị em nghèo khó ở Thánh Đamianô. Những buổi đầu của Dòng những người đền tội do Thánh Phanxicô Assisi thiết lập không được rõ ràng như thế.

188. Dựa theo 2 Célano, 38, một bà quê Cortôna đến ẩn viện Cella, và xin Thánh Phanxicô giúp bà sống đời sống đền tội trong bậc hôn nhân của bà. Truyện Ký Pêrousia, 34, nhắc đến tinh thần đền tội và hoán cải của dân cư ở Grécxiô. Nhưng chính trong truyện Ba người bạn, 60, mà chúng ta tìm thấy một quy chiếu minh nhiên về Dòng những người đền tội: "không phải chỉ các ông mà cả các bà và những cô trinh nữ chưa chồng đều được nung nấu bởi lời anh em giảng, và, theo lời khuyên của anh em họ gia nhập vào các Tu viện được chỉ định để đền tội; và một trong các anh em được bổ nhiệm làm người thăm viếng và hướng dẫn họ. Những ông bà đã kết hôn, bị ràng buộc bởi lời cam kết hôn nhân, được anh em khuyên bảo hãy tự mình dấn thân sống đời đền tội ngay trong nhà của họ". Juliên Spire ghi trong cuốn sách của anh về đời sống Thánh Phanxicô, 14: "Dòng Ba được biết đến như là Dòng những người đền tội. Dòng này không phải được đánh dấu bởi một sự hoàn thiện thấp hơn so với hai Dòng kia. Nó mở rộng cho tất cả các giáo sĩ và giáo dân, các trinh nữ, "những người tiết dục", những đôi vợ chồng, và những người đàn ông lẫn đàn bà có thể đến với dòng vì phần rỗi của mình".

189. Trong sách đại truyện IV, 6 Thánh Bônaventura viết: "bị lôi cuốn bởi sức mạnh lời người rao giảng, một số đông dân chúng đón nhận luật đền tội mới hợp với thể thức Thánh Phanxicô thiết lập mà Ngài gọi là Dòng anh em đền tội".

190. Truyện ký Pêrousia, 41, của một tác giả vô danh, nói rằng Dòng những người đền tội đã được Đức Giáo Hoàng phê chuẩn. Đây là một ghi nhận chắc chắn không thể qui về những năm đầu tiên của Lịch sử Dòng Ba.

191. Dựa theo cuốn những bông hoa nhỏ, chương 16, chính trong thung lũng Ombria, gần Canara, mà Thánh Phanxicô đã ban một lối sống cho những người giáo dân nào muốn sống Phúc âm cách triệt để hơn. Nhưng không thể lấy nguồn muộn màng này để qui chiếu về việc thiết lập Dòng Ba được.

192. Truyền thống dân gian cho biết một thương gia giàu có ở Poggibonsi, tên là Lukêsiô, cùng với bà vợ tên là Bônađôna, là những người Dòng Ba Phan sinh đầu tiên. Ông Lukêsiô qua đời ngày 28-4-1260, và đúng là được tôn kính như một "Chân phước", sự tôn kính ông đã được Đức Giáo Hoàng Piô VI phê chuẩn. Truyền thống này thiếu nền tảng lịch sử. Chúng tôi chỉ có thể nói rằng Dòng những người đền tội bắt đầu được biết đến như thế vào năm 1221 với bản "Memoria Propositi : qui luật".

193. Thể thức sống Thánh Phanxicô ban cho những người đền tội bây giờ đã được mọi người thống nhất nhìn nhận là đã được lồng vào trong thư gởi các Tín Hữu, bản dịch thứ nhất.

Lời khích lệ gởi anh chị em Đền tội

194. Anh Eseer gợi lên rằng những buổi đầu của Dòng những người Đền tội hoàn toàn giống như những buổi đầu của Dòng Anh em Hèn mọn. Bản luật 1221 trong trường hợp Dòng Nhất, là kết quả của một tiến trình soạn thảo những chương khác nhau trả lời cho những vấn đề Dòng đã phải đương đầu trong giai đoạn 1210-1221, đó là giai đoạn nằm giữa "Qui luật sống" nguyên thủy được Đức Giáo Hoàng Innôxentê III phê chuẩn bằng miệng và bản thảo "luật không sắc dụ". Trong trường hợp Dòng những người đền tội, lá thư gởi các Tín hữu, bản dịch thứ nhất, là cái nhân đầu tiên của thể thức sống của những người đền tội. Cùng một lá thư có một bản dịch thứ hai, bàn đến cũng những chủ đề ấy theo một lối chi tiết hơn.

195. Chữ chìa khóa của lá thư gởi các Tín hữu là chữ "Đền tội". Không quan trọng để biết có phải hay không phải Dòng những người Đền tội đã được Thánh Phanxicô thiết lập chính thức một ngày nào đó trước 1221. Bản văn chắc chắn đã có trước ngày đó, và nó là bằng chứng cho thấy Thánh Phanxicô đã ban một thể thức sống cho những người giáo dân muốn sống theo tiếng gọi triệt để của Phúc âm phù hợp với những nhu cầu của họ. Văn thể của lá thư là thể văn khích lệ. Nội dung bàn đến những điểm chính yếu nền tảng nhất của đời đền tội, đó là: giới răn yêu thương dối với Chúa và tha nhân, từ bỏ tội lỗi, tham dự Thánh thể và bí tích giải tội, thực hành các việc từ thiện chứng tỏ đời sống đền tội. Tất cả được thấy như những điều phải thực hiện để chống lại những gì trái nghịch với nền linh đạo hướng về tư cách làm môn đệ của Chúa Kitô trong tương quan ba chiều, vợ chồng, anh chị em, mẹ con (chúng ta là hiền thê, anh chị em, mẹ của Đức Kitô). Phía sau của hình ảnh trên, đó là hình ảnh của người không chịu sống đời đền tội. Thánh Phanxicô mô tả cái chết của người ấy theo một lối thô bạo nhưng chân thực. Thể văn chỉ đơn thuần là một ít lời khuyến khích gởi đến anh chị em muốn sống "hoán cải" theo Phúc âm bằng một con đường triệt để hơn. Chúng tạo thành cái trọng tâm của lối sống của Dòng những người Đền tội.

Bản "Memoria Propositi : Qui luật" (1221)

196. Thời điểm này (1221) được mọi người thống nhất nhìn nhận như là sự khởi đầu chính thức của Dòng Ba (x. Sử biên niên về XXIV Tổng Phục vụ, trong Analecta Franciscana III, 27 ; Batôlômêô Pise. Book of Conformities, trong Analecta Franciscana Iv, 360-361). Có một bản dịch tiếng Anh của "Memoria Propositi" trong "Omnibus of soures: Toàn bộ các nguồn" trang 165-175.

197. Bản "Memoria Propositi" do Đức Hồng Y Hugôlinô, Đức Hồng Y bảo trợ Dòng Anh em Hèn mọn, viết ra, và ban cho Dòng những người Đền tội. Nó đã được Đức Giáo Hoàng Hônôriô III chấp thuận bằng miệng năm 1221, và đó là bản văn pháp qui đầu tiên của Dòng Ba Phanxicô. Bản luật được trình bày như một "Bản ghi nhớ những điều đề nghị với anh chị em Đền tội sống trong chính nhà của họ". Nó gồm 8 chương, đề cập đến (1) đời sống hằng ngày của những người Đền tội, liên quan đến cách ăn mặc, không tham gia các cuộc giải trí công cộng; (2) những luật lệ tiết độ (3) những luật lệ về chay tịnh; (4) cầu nguyện và Thần vụ; (5) thực hành các bí tích, cấm mang vũ khí và tránh thề nguyền; (6) thánh thể và họp huynh đệ đoàn mỗi tháng một lần; thăm viếng bệnh nhân, chôn cất kẻ chết và dâng lời cầu nguyện cho họ, buộc phải viết di chúc, những luật lệ về việc tiếp nhận các thành viên mới vào huynh đệ đoàn; (8) vị kinh lý và các luật lệ, việc bầu các chức vụ trong huynh đệ đoàn.

198. Bản "Memoria Propositi" được xây dựng dựa trên ý niệm về Huynh đệ đoàn. Những anh chị em Đền tội thật sự là những anh chị em với nhau, được ràng buộc với nhau bằng tình bác ái đối với nhau. Việc cấm mang khí giới là một chứng ta can đảm cho sự binh an của Phúc âm trong một xã hội đầy tranh chấp, và chắc chắn nó giáng một đòn nặng trên chế độ phong kiến và trên những cuộc chiến tranh vụn vặt giữa các thành thù địch nhau ở bán đảo Ý. Những hoạt động bác ái từ thiện, trong đó có việc chôn cất kẻ chết, và việc thăm viếng chăm sóc bệnh nhân và những người phung cùi, đó là những việc nhắm mục đích xóa bỏ nghèo đói và đau khổ. Tinh thần chia sẻ của cải và luật buộc làm di chúc là để khỏi gây ra những xung đột và thù oán giữa các gia đình đối nghịch và ngay cả giữa những cá nhân trong cùng một gia đình. Những người đền tội thường bị bách hại vì chứng tá về sự bình an của Phúc âm. Đức Giáo Hoàng đã phải can thiếp ngày 30-3-1228 bằng trọng sắc "Detestanda" trong đó Ngài bênh vực quyền của những người Đền tội không mang khí giới và được tự do không gia nhập quân đội. Trong trọng săc này, Dòng những người Đền tội lần đầu tiên được gọi là Dòng Ba.

Những khuôn mặt nổi bật trong thời buổi đầu của Dòng Ba

199. Dòng Ba Thánh Phanxicô ngày nay được gọi là Dòng Phanxicô tại thế (PSTT), là một trường dạy về sự thánh thiện ngay từ thởi buổi đầu. Thật là ngạc nhiên vì nhiều người nổi tiếng gia nhập phong trào này và đã nên thánh. Ở đây chúng tôi sẽ giới thiệu vắn tắt một số những vị thánh quan trọng nhất của Dòng Ba trong các thế kỷ 13 và 14.

200. Thánh bổn mạng Dòng PSTT là Thánh nữ Êlisabét nước Hungary. Bà sinh năm 1207, là công chúa, con vua nước Hungary. Từ rất trẻ bà đã được hứa hôn, và sau đó được kết hôn với Lu-y, con của lãnh chúa Turinô. Cuộc hôn nhân của họ rất hạnh phúc. Bà Elisabét được tự do giành thời giờ và sức lực cho những người nghèo và những người phung cùi, cũng như cho chồng và các con cái. Bà cho xây cất một ngôi bệnh viện lớn ở Eisenach. Năm 1227, vua Lu-y chồng bà tham gia thập tự quân, theo sự điều binh của Hoàng đế Frêđêricô II. Khi mới lên Ý ông đã qua đời. Bà Elisabét bắt đầu bước vào con đường đau khổ của Núi Sọ. Bà là một phụ nữ góa chồng, nhưng những người trong gia đình vua Lu-y đuổi bà và con cái ra khỏi hoàng cung. Bà Elisabét cuối cùng xuống trú ngụ ở Wartburg. Sau khi đã chăm lo việc giáo dục con cái, bà chấp nhận đời sống Đền tội. Bởi thế, Bà đi Maburg ở đó có một ngôi nhà thờ của Dòng Phan sinh. Tại thành phố này, Bà xin cha Conrad làm trợ úy thiêng liêng, cha đưa bà vào Dòng những người Đền tội. Bà dành cuộc đời còn lại để thực hành đền tội và dâng tất cả đời sống cho những người nghèo và các bệnh nhân. Bà Elisabét qua đời ngày 19-1-1231, khi mới được 24 tuổi. Đức Giáo Hoàng Grêôriô IX phong thánh cho bà năm 1235. Bà được đặt làm bổn mạng Dòng PSTT.

201. Anh chị em PSTT có một vị bổn mạng khác, lần này là một Thánh nam. Đó là Thánh Lu-y IX, vua nước Pháp. Ngài sinh tại Poissy năm 1215. Thân mẫu Ngài là Hoàng hậu Planche, bà cũng được coi là thành viên Dòng những người Đền tội. Khi Lu-y mới được 12 tuổi, ngài đã được đội vương miện để làm vua. Thân mẫu ngài tiếp tục cai trị cho đến khi ngài trưởng thành. Trong thời gian đó, ngài cũng được các Anh em Hèn mọn dạy dỗ và gia nhập Dòng những người Đền tội. Là một vị vua Thánh Lu-y rất nhiệt thành tham gia vào một cuộc thập tự quân giải phóng Đất-Thánh. Ngài đã lên đường trong một cuộc thập tự quân, nhưng chỉ mới chiếm được thành Đamietta thì sau đó người bị người Hồi Giáo bắt làm tù binh. Vua Lu-y cũng là một người cha thánh thiện. Ngài có 11 người con và chúng ta còn giữ được tờ di chúc thiêng liêng ngài viết cho người con trai cả, trong đó ngài tỏ ra là một Kitô hữu đạo đức. Vua Lu-y còn nổi tiếng vì lòng sùng kính đối với mũ gai. Ngài đã cho xây cất ở Paris một ngôi nhà thờ đặc biệt để đặt mũ gai này. Ngài đã đi tham gia một cuộc thập tự quân thứ hai năm 1270, nhưng trên đường ngài đã qua đời ngày 25-8, trong một cơn dịch. Đức Giáo Hoàng Bônifagiô VIII đã phong thánh cho ngài năm 1297.

202. Một người đền tội nổi tiếng khác của Dòng Ba là Thánh những Margarita Cortôna. Thánh nữ sinh năm 1247 tại Lavianô, gần Cortôna, nước Ý. Ngài sống thời tuổi trẻ đầy sóng gió, phải chịu những sự hà khắc của mẹ kế. Khi lên 16 tuổi, ngài trốn khỏi nhà để đi tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn. Trong 9 năm ngài sống trong tình yêu say đắm với một thanh niên tên là Arsêniô, người Montepulcianô. Ngài sống với anh ta mà không làm hôn phối. Một ngày kia Margarita tìm thấy người yêu của mình bị sát hại. Đây là khúc quanh trong cuộc đời của bà. Bà đến Cortôna và bắt đầu cuộc sống đền tội bên cạnh ngôi nhà thờ Dòng Phan sinh. Bà xin nhập Dòng những người Đền tội nhưng không được, vì người ta xét đoán bà qua quá khứ tội lỗi của bà. Cuối cùng bà được đón nhận như một người đền tội năm 1277, dưới sự trợ giúp thiêng liêng của các anh Gioan Castiglion Flocence và Giuta Bevegnati. Bà hăng hái làm việc giúp những người nghèo và các bệnh nhân, đã xây cho họ ngôi nhà tình thương "della misericordia". Bà sống phần đời còn lại như một nữ tu kín trong một cái phòng hẻo lánh trên đỉnh đồi Cortôna. Bà qua đời ngày 22-2-1297. Đức Giáo Hoàng Bênôđictô XIII đã phong thánh cho Bà năm 1728.

203. Dòng những người Đền tội quả thật nổi tiếng nhờ các Thánh nữ của mình. Gương thánh thiện mà chúng tôi sẽ giới thiệu cũng là một nhà thần bí lớn, Chân phước Angêla Fôlignô. Angêla sinh năm 1248 ở Fôlignô, gần Assisi. Bà cũng là một người vợ và là một người mẹ. Khi trở thành góa bụa và mất cả các con của mình, bà bắt đầu nghĩ về cuộc sống quá khứ của mình, và bà quyết định làm việc đền tội dưới sự hướng dẫn của cha giải tội. Trong một cuộc hành hương đi viếng mộ Thánh Phanxicô Assisi , năm 1291, bà trải qua một kinh nghiệm thần bí sâu xa mà bà tiếp tục suy nghĩ cả cuộc đời. Ba gia nhập Dòng những người Đền tội. Theo lời khuyên của anh Arnalđô, một anh Phan sinh sống ở Tu-viện-thánh tại Assisi, bà bắt đầu viết lại những kinh nghiệm thần bí của mình. Những kinh nghiệm này được tường thuật trong cuốn tự truyện của bà, và trải dài trong thời kỳ 1285 đến 1296. Là một người đền tội, Angêla trở nên nổi tiếng về những việc bác ái đối với các bệnh nhân và những người phung cùi trong thành phố quê hương của bà. Bà qua đời ngày 4-1-1309, và được Đức Giáo Hoàng Inôxentê XII phong chân phước năm 1693.

204. Một tấm gương cuối cùng về sự Thánh thiện trong những năm đầu của phong trào đền tội Phan sinh do chân phước Raymon Lulla cống hiến: Sinh trên một hòn đảo Majorca Tây-ban-nha năm 1233, ngài trở thành lính cận vệ trong cung điện nhà vua, và là một người được giáo dục cao. Vào một lúc nào đó ngài cảm thấy muốn làm việc đền tội. Bởi thế, ngài từ bỏ vị trí của mình trong triều đình và dành hết năng lực như một người đền tội để xây cất những trường truyền giáo cho anh em Phan sinh chuẩn bị đi sang với những người ttruyền giáo ở Bắc Mỹ. Ngài nhấn mạnh rằng sẽ thiếu hiệu quả khi đi truyền giáo cho những người Hồi giáo nếu không hiểu biết đầy đủ ngôn ngữ và văn hóa Arập. Ngài là một triết gia và đã đi lại nhiều ở Rôma, Avignon, Paris, Viênne, Montpellier. Mục tiêu của ngài là thôi thúc Đức Giáo Hoàng và các quyền bính trong Giáo Hội xây cất những trường truyền giáo. Khi tuổi đời đã cao, năm 1314, bản thân ngài cũng muốn làm nhà truyền giáo đi sang Bắc Phi. Trước kia ngài đã ở đó, năm 1293, và ngài đã bị những người Hồi giáo tại Bougia đánh đập và trục xuất. Ngài đã can đảm trình lên công đồng Viênne năm 1312 đề nghị bàn đến việc Phúc âm hóa những người Hồi giáo. Lần cuối cùng ngài sang Bắc Phi là lúc ngài đã thọ 80 tuổi. Những người Hồi giáo tại Bouigia nhận ra kẻ thù cũ của họ. Họ đánh ngài tới chết trên một quảng trường. Ngài được những thương gia Gênes đưa lên tàu, nhưng ngài đã qua đời khi tàu còn ở ngoài khơi Majorca. Ngài được an táng tại Palma ở Majorca. Đức Giáo Hoàng Lêô X đã phong chân phước cho ngài như một vị tử đạo của đầu Thế kỷ 16.

Bản luật của Đức Giáo Hoàng Nicôlas IV (1289)

205. Năm 1289 đánh dấu ngày Đức Giáo Hoàng Nicôlas IV ban cho Dòng Ba Phan sinh một bản luật mới, ngài công bố trọng sắc "Supra montem: Đỉnh núi" tại thành Riêti. Đức Giáo Hoàng Nicôlas IV đã là một Tổng Phục vụ Dòng Anh em Hèn mọn. Ngài là Girôlamô Acôi Picênô, Tổng Phục vụ từ 1274 đến 1279.

206. Bản luật của Dức Giáo Hoàng Nicôlas IV không thêm chất liệu gì mới cho Bản "Memoria Propositi" của năm 1221, nhưng nó đưa lại cho bản văn một hình thức mang tính luật pháp hơn. Đức Giáo Hoàng Nicôlas IV đã sử dụng Bản "Memoria Propositi" cũng như Bản Luật cho những người Đền tội do anh Carô viết, anh là một người Anh em Hèn mọn thuộc Tu việnSanta Croce ở Florence, anh cũng là người kinh lý cho những người Đền tội Phan sinh và Đa Minh năm 1284. Lần đầu tiên trong lịch sử lâu dài của mình, Dòng Ba có một Bản Luật nằm trong một trọng sắc của Đức Giáo Hoàng. Bản Luật dành cho những anh chị em trong Dòng những người Đền tội.

207. Chúng ta sẽ nhìn qua nội dung của Bản Luật, với mục đích trình bày cơ cấu của đời đền tội của các thành viên Dòng Ba Phan sinh thời cuối thế kỷ 13. Chúng ta chỉ cần ghi nhận rằng Bản Luật này có một lịch sử lâu dài, nó được áp dụng cho mãi tới cuối thế kỷ 19, và như thế, nó quy định đời sống của Dòng Ba suốt nhiều thế kỷ.

208. Bản luật có 20 chương. Nội dung của mỗi chương như sau:

  1. Dòng những người Đền tội, tính công giáo và vâng phục của Dòng đối với Giáo Hội.
  2. Việc tiếp nhận các tập sinh. Buộc phải hòa giải với tha nhân. Lời khấn công khai buộc những người đền tội phải tuân giữ các giới răn của Chúa. Những phụ nữ kết hôn cần có phép của chồng để gia nhập Dòng.
  3. Bộ áo đền tội của những người đền tội.
  4. Ngăn cấm tham gia vào những cuộc giải trí và lễ hội công cộng.
  5. Những thực hành đền tội như chay tịnh và tiết độ, nhấn mạnh đến những mùa đền tội của anh em Phan sinh , nhưng cũng có sự tự do Phúc âm để ăn tất cả những gì người ta dọn cho. Những người đền tội thanh thản được tự do khỏi luật buộc ăn chay.
  6. Việc nhận bí tích giải tội và Thánh Thể ngày Lễ Giáng sinh, Phục sinh và Hiện xuống.
  7. Ngăn cấm mang khí giới và gia nhập quân đội.
  8. Việc đọc các Giờ Kinh Phụng Vụ, theo cách thức Phan sinh. Tham dự Phhụng vụ ở nhà thờ chính tòa và các nhà thờ giáo xứ.
  9. Buộc phải viết di chúc.
  10. Vai trò các anh Phục vụ bảo đảm anh chị em là những chứng nhân cho sự bình Antôn.
  11. Chạy đến quyền bính Giáo Hội để được bênh vực khi quyền bính dân sự quấy nhiễu.
  12. Ngăn cấm việc tuyên thệ, nếu không có phép của Tòa Thánh.
  13. Tham dự thánh lễ hàng ngày. Huynh đệ đoàn gặp nhau hàng tháng, trong đó có cử hành Thánh Thể, rao giảng Lời Chúa, làm việc bác ái đối với những thành viên trong Huynh đệ đoàn nghèo và đau ốm.
  14. Thăm viếng các anh chị em đau ốm mỗi tuần một lần. Việc tổ chức tang lễ xứng hợp và cầu nguyện cho các thành viên trong Huynh đệ đoàn qua đời.
  15. Vai trò của Người Phục vụ Huynh đệ đoàn.
  16. Vị Kinh Lý Huynh đệ đoàn, một anh em Dòng Anh em Hèn mọn, với quyền sửa chữa những sai sót của Huynh đệ đoàn và loại trừ những ai không tuân phục.
  17. Một lời khuyên tránh gây cớ vấp phạm vì sự chia rẽ trong Huynh đệ đoàn.
  18. Đức Giám Mục địa phương hoặc vị Kinh lý có thể chuẩn cho cá nhân các thành viên khỏi luật tiết chế của Giáo Hội.
  19. Những biện pháp kỷ luật phải áp dụng cho các thành viên trong Huynh đệ đoàn không tuân phục, kể cả việc khai trừ khỏi Dòng.
  20. Kết luận. Tính bó buộc của Luật Dòng Anh chị em Đền tội.

209. Bản luật của Đức Giáo Hoàng Nicôlas IV nhắm thiết lập một tương quan mật thiết và mang tính pháp lý giữa Dòng Nhất và Dòng Ba. Cách thức này hữu ích, tuy nhiên ngay từ những năm đầu, hậu quả là nó để cho Dòng ba lệ thuộc vào Dòng Nhất quá.

210. Dòng Ba bước vào một thời kỳ khủng hoảng trong thế kỷ 17 và 18. Đức Giáo Hoàng Innôxentê XI, qua trọng sắc " Ecclesiae catholicae: Hội Thánh Công giáo" ngày 28-6-1689, nhận xét và thích nghi Bản luật 1289 với thời thế. Mặc dù văn kiện này bênh vực sự độc lập của Dòng ba, nhưng vẫn dành cho vị Kinh Lý nhiều quyền rộng rãi.

211. Lần lần Dòng Ba đã đánh mất căn tính của mình. Trong thế kỷ 17, Dòng tự mô tả về chính mìmh bằng những từ hàm hồ: institute, religion, confraternity, company, college, seraphic institute, tertiaray institution, fraternity of devotees; tu hội, dòng, huynh đệ doàn, bạn đường, trường, tu hội sốt mến, tu hội Dòng Ba, huynh đệ đoàn những người sốt sắng! Cũng có những vấn đề liên hệ đến quy chế của Dòng ba, họ được coi như những người ở lưng chừng giữa "regulares: tu sĩ" và "saeculares: giáo dân".

212. Trong thế ky 20, Dòng Ba Thánh Phanxicô bắt đầu tiến lên trên đường đổi mới. Một phần đó là kết quả cuộc canh tân xã hội, thành quả cuộc Cách mạng Pháp và với sự thúc đẩy của cuộc Cách mạng Kỷ nghệ. Đức Giáo Hoàng Lêô XIII, vị Giáo hoàng nổi tiếng với thông điệp "Rerum novarum : Tân sự" và cuộc Cải cách xã hội trong phạm vi Kitô giáo, đã để tâm đến việc canh tân Dòng ba Phan sinh. Trong Tông thư "Auspicato" (1882), người loan báo ý muốn đem lại cho Dòng Ba Thánh Phanxicô một hướng đi mới. Trong một lá thư viết cho anh Bernađô Vagô Portugruarô, Tổng Phục vụ Dòng Anh em Hèn mọn, Đức Giáo Hoàng biểu lộ nguyện vọng tha thiết của người là đổi mới Dòng Ba theo tinh thần Phan sinh chân chính, để trợ giúp người trong những cố gắng canh tân xã hội. Ngài còn ban cho Dòng một Bản Luật mới qua trọng sắc "Misericors Dei Filius : Con Chúa đầy lòng thương xót" (1883).

213. Đức Giáo Hoàng Piô X, bản thân ngài cũng là thanh viên Dòng Ba, đã viết lá thư "Tetiu Franciscalium Ordinem :Dòng Ba Phan sinh" (8-9-19120), trong đó ngài xin các anh Dòng Nhất hãy chăm sóc thiêng liêng cho Dòng Ba với mục đích cổ võ cuộc canh tân xã hội chân chính. Tuy nhiên, văn kiện này có điều không hay là làm cho Dòng Ba quá lệ thuộc vào Dòng Nhất. Một lần nữa, căn tính căn tính đích thực của Dòng Ba lại được đặt thành vấn đề. Diễn biến ấy dẫn đến ý thức mạnh mẽ hơn về nhu cầu phải đem phải đem lại cho Dòng ba Thánh Phanxicô bản chất độc lập lớn hơn. May thay, tiến trình này đã được thực hiện trong thời kỳ hậu Công đồng Vaticanô II.

Bản luật của Đức Giáo Hoàng PaolôVI và Dòng Phan sinh tại thế

214. Trong cuộc đại hội quốc tế Dòng Ba năm 1950, nhiều người đã nói lên nhu cầu cập nhật hóa Bản Luật của Đức Giáo Hoàng Lêô XIII. Họ nêu ý kiến là Bản Luật thiếu sức thúc đẩy của Phúc âm mà lẽ ra sức đẩy ấy phải là căn bản của luật lệ người Phan sinh. Năm 1957, Tổng Hiến chương mới đã được ban cho Dòng Ba với mục đích đổi mới nội dung của Luật Dòng và đem lại cho Dòng một hướng thiêng liêng, xã hội và tông đồ.

215. Công đồng Vaticanô II tạo một khúc quanh cho cuộc canh tân tận căn trong Dòng Ba. Năm 1966 công việc soạn thảo Bản Luật mới cho Dòng Ba Thánh Phanxicô được bắt đầu. Tiến trình này là một tiến trình lâu dài. Nhiều ủy ban đã làm việc trên các đề nghị mới. Mãi lâu sau, ngày 24-6-1978, Đức Giáo Hoàng Paolô VI chính thức phê chuẩn bản Luật Dòng mới của Dòng Phan sinh tại thế với tông thư "Seraphicus Patriarca : Vị tổ phụ sốt mến".

216. Bản luật mới đưa ra một danh xưng mới cho Dòng Ba Thánh Phanxicô : Dòng Phan sinh tại thế (PSTT//SFO//OFS). Cấu trúc Bản Luật mới gồm lời mở đầu, trong đó chúng ta tìm thấy lời Khích lệ của Thánh Phanxicô gởi anh chị em Đền tội. Theo đường lối này, Luật Dòng Phan sinh tại thế đi đến nền tảng của Phúc âm và đời sống đền tội của người Phan sinh tại thế.

217. Bản Luật của Dòng Phan sinh tại thế gồm có ba chương. Chúng tôi sẽ giới thiệu vắn tắn cấu trúc của Bản Luật với mục đích nêu bật những yếu tố đặc trưng của đặc sủng Dòng Phan sinh tại thế trong thế giới ngày nay.

Chương I - Dòng Phan sinh tại thế

1. Dòng Phan sinh tại thế là một sự diễn tả đặc sủng của Thánh Phanxicô trong Giáo Hội.

2. Định nghĩa Dòng Phan sinh tại thế như một gia đình các Huynh đệ đoàn sống Phúc âm theo cách thức của Thánh Phanxicô.

3. Một ghi chú ngắn về lịch sử Luật Dòng Phan sinh tại thế.

Chương II - Lối sống của người Phan sinh tại thế

4. Đời sống Phúc âm.

5. Đức Kitô hiện diện trong anh chị em. Trong Kinh Thánh, trong Giáo Hội, và phụng vụ. Ơn bí tích Thanh tẩy.

6. Hiệp nhất với các chủ chăn của Giáo Hội. Ơn gọi Tông đồ sáng tạo.

7. Chiều kích đền tội của đời sống người Phan sinh. Hoán cải và bí tích Hòa giải.

8. Đời sống cầu nguyện, trong các bí tích, Thánh Thể, các giờ kinh Phụng vụ.

9. Lòng tôn sùng Đức Maria.

10. Lời khuyên vâng phục của Phúc âm.

11. Lời khuyên nghèo khó và khiêm hạ của Phúc âm. Bản chất lữ hành của đời sống người Phan sinh.

12. Lời khuyên khiết tịnh của Phúc âm trong bậc tại thế.

13. Tình yêu huynh đệ và lòng kính trọng đối với mọi người.

14. Tính xã hội và dấn thân vào thế giới theo tinh thần phục vụ của Phúc âm.

15. Cổ võ công lý, trong bối cảnh đời sống xã hội.

16. Giá trị của lao động như là việc phục vụ cộng đoàn.

17. Hòa bình và tôn trọng sự sống. Chứng tá về tình yêu chân chính giữa những người Phan sinh tại thế đã kết hôn.

18. Tình yêu và lòng kính trọng đối với mọi tạo vật.

19. Tận lực hoạt động cho hòa bình, qua đối thoại và tha thứ. Gặp gỡ "chị chết " trong tinh thần đức tin đích thực.

Chương III - Đời sống của Huynh đệ đoàn

20. Các Huynh đệ đoàn địa phương, miền, quốc gia và quốc tế. Lối sống được chứa       đựng trong Luật và Tổng Hiến chương.

21. Hội đồng Huynh đệ đoàn là người phục vụ Huynh đệ đoàn.

22. Sự thiết lập theo Giáo luật của Huynh đệ đoàn địa phương.

23. Diễn tiến việc tiếp nhận những thành viên mới của Dòng Phan sinh tại thế. Nghi thức gia nhập, huấn luyện khởi đầu, khấn giữ Luật Dòng.

24. Những cuộc gặp gỡ với những nhóm Phan sinh khác, nhất là giới trẻ. Cầu nguyện cho những thành viên của Dòng Phan sinh tại thế qua đời.

25. Việc quản trị kinh tế của Huynh đệ đoàn.

26. Vai trò trợ úy thiêng liêng của Huynh đệ đoàn, ưu tiên là một thành viên của Dòng Nhất Thánh Phanxicô. Việc kinh lý mục vụ và kinh lý huynh đệ.

Chia sẻ