Skip to content
Main Banner

Hiến Chương Dòng Anh em Hèn mọn

Administrator
2018-02-23 00:00 UTC+7 194

HIẾN CHƯƠNG DÒNG ANH EM HÈN MỌN

Chương I

“TUÂN GIỮ THÁNH PHÚC ÂM
CỦA ĐỨC GIÊSU KITÔ, CHÚA CHÚNG TA”

L 1,1

MỤC I

NỀN TẢNG CỦA DÒNG

Điều 1 

§ 1 Dòng Anh Em Hèn Mọn, do thánh Phanxicô thành Atxidi lập, là một huynh đệ đoàn[1] trong đó các anh em được Chúa Thánh Thần  thúc đẩy  bước theo Đức Giêsu Kitô sát hơn. Qua việc tuyên khấn, họ được thánh hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa, Đấng mà họ yêu mến trên hết mọi sự. Họ sống Phúc âm trong Giáo Hội theo thể thức thánh Phanxicô đã tuân giữ và đề xướng[2].

§ 2 Các anh em, những môn đệ của thánh Phanxicô, phải sống Phúc âm cách triệt để, nghĩa là: sống trong tinh thần cầu nguyện và sốt mến và trong tình hiệp thông huynh đệ; làm chứng về đời sống hoán cải và hèn mọn; mang sứ điệp Phúc âm đến cho toàn thế giới trong tình bác ái đối với tất cả mọi người; dùng hành động rao giảng và sự hòa giải, hòa bình và công lý; và bày tỏ sự tôn trọng đối với mọi loài thọ tạo[3].

Điều 2 

§ 1 Bản Luật của các anh em hèn mọn, được Đức Giáo hoàng Hônôriô III xác nhận4, là nền tảng đời sống và pháp chế của Dòng. Tất cả những điều ghi chép trong đó, phải được hiểu và tuân giữ trong bối cảnh của cuộc sống, theo tinh thần của thánh Phanxicô đã diễn tả nhất là trong các Tác phẩm của Người, theo đúng quan điểm của Giáo Hội và những truyền thống lành mạnh của Dòng5.

§ 2 Để càng ngày càng hiểu biết hơn và tuân giữ cách trung thành tinh thần và các ý định riêng biệt của Đấng sáng lập6, anh em phải ra sức nghiên cứu, tìm hiểu và quí trọng, không những bản Luật Dòng, mà cả đời sống, các Tác phẩm của thánh Phanxicô và của các môn đệ Người.

Điều 3 

§ 1 Dòng Anh Em Hèn Mọn gồm có các anh em giáo sĩ cũng như giáo dân7. Do việc tuyên khấn, tất cả mọi anh em đều hoàn toàn bình đẳng về quyền lợi và bổn phận tu sĩ, ngoại trừ những gì xuất phát từ chức thánh.

§ 2 Dòng Anh Em Hèn Mọn được Giáo Hội xếp vào số những Hội Dòng Giáo sĩ.

 

Điều 4 

§ 1 Các Anh Em Hèn Mọn, được tháp nhập vào Dân Thiên Chúa, chú ý đến những dấu chỉ mới của thời đại8 và đáp ứng với những hoàn cảnh của thế giới đang biến chuyển, phải luôn luôn hiệp thông với Giáo Hội, xem những sáng kiến và dự định của Giáo Hội như của mình và đem hết sức lực mà cổ võ9.

§ 2 Tất cả và mỗi một anh em phải biểu lộ sự kính trọng và vâng phục đối với Đức Giáo hoàng. Chính Luật Dòng chúng ta và lời khấn vâng phục đã liên kết anh em với ngài cách đặc biệt10; anh em phải phục tùng quyền bính của các Giám mục trong lãnh vực mục vụ11; ngoài ra anh em phải luôn luôn dành cho các Giám mục và Linh mục vinh dự và sự kính trọng các ngài đáng được hưởng, theo ước nguyện và gương sáng của thánh Phanxicô12.

MỤC II

TUYÊN KHẤN

Điều 5 

§ 1 Để thực hiện sự thánh hiến bởi bí tích Thánh tẩy cách viên mãn hơn và đáp lại tiếng gọi của Thiên Chúa, anh em tự hiến mình hoàn toàn cho Thiên Chúa, Đấng mà anh em yêu mến trên hết mọi sự13; bằng việc tuyên khấn sống đức vâng phục, nghèo khó và khiết tịnh, anh em phải sống theo tinh thần thánh Phanxicô. Anh em ký kết một giao ước với Thiên Chúa, và đời sống của anh em trở nên như hy tế dâng cho Thiên Chúa vì lòng mến, trong suốt cả cuộc đời14.

§ 2Trong Dòng chúng ta, việc tuyên khấn được thực hiện trong tay anh Phục vụ hợp pháp, theo công thức sau đây:

“Để ca ngợi và tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi chí thánh, Tôi là tu sĩ (X …) được ơn Thiên Chúa soi sáng và thúc đẩy sống Phúc âm hầu bước theo dấu chân Đức Giêsu Kitô sát hơn. Hôm nay, trước mặt các anh em hiện diện và trong tay anh (Y…), với đức tin và ý chí kiên vững, tôi khấn cùng Thiên Chúa toàn năng sẽ sống suốt đời (hoặc 1 năm) trong đức vâng phục, không có của riêng và trong đức khiết tịnh. Tôi hứa trung thành tuân giữ đời sống và Luật Dòng Anh Em Hèn Mọn đã được Đức Giáo hoàng Hônôriô phê chuẩn, theo Hiến chương của Dòng Anh Em Hèn Mọn.

Tôi hết lòng ký thác bản thân tôi cho Huynh đệ đoàn này, để nhờ tác động của Chúa Thánh Linh, gương lành của Đức Trinh Nữ Maria Vô Nhiễm, lời chuyển cầu của cha thánh Phanxicô và toàn thể các thánh, và sự trợ giúp của anh em, tôi theo đuổi Đức ái hoàn hảo trong việc phụng sự Thiên Chúa, Giáo Hội và mọi người.

Điều 6 

§ 1Qua việc khấn dòng, anh em hứa tuân giữ ba lời khuyên Phúc âm bằng lời khấn công khai, được thánh hiến cho Thiên Chúa nhờ thừa tác vụ của Giáo Hội và được tháp nhận vào Dòng Anh Em Hèn Mọn, với những quyền lợi và bổn phận do Luật chung và Luật riêng quy định15.

§ 2Cũng vậy, anh em không những phải thực hành các lời khuyên Phúc âm cách trung thành và toàn vẹn, nhưng còn phải tổ chức đời sống theo Bản luật của thánh Phanxicô, Hiến chương và những quy định khác của Luật riêng. Bằng cách đó, anh em tiến đến mức toàn thiện của bậc sống mình16.

Điều 7 

§ 1Bằng lời khấn vâng phục, anh em bước theo Đức Giêsu Kitô, “Đấng đã đặt ý muốn của mình trong ý muốn của Chúa Cha”17 và anh em từ bỏ mình18, đặt ý riêng dưới quyền các Phục vụ và các Phụ trách hợp pháp “trong tất cả những gì đã hứa với Thiên Chúa sẽ tuân giữ”19. Nhờ vậy, anh em đạt tới sự trưởng thành nhân cách và sự tự do của con cái Thiên Chúa cách viên mãn hơn20.

§ 2Vì lợi ích của Giáo Hội và Hội Dòng, tất cả anh em phải hết mực vâng phục và kính trọng Tổng Phục vụ, người kế nhiệm của thánh Phanxicô vì người là dấu chỉ hiệp nhất và hiệp thông của toàn thể huynh đệ đoàn21.

§ 3Trong khi cùng nhau tìm kiếm những dấu chỉ về thánh ý Thiên Chúa, anh em “hãy tự nguyện phục vụ và vâng phục lẫn nhau vì đức ái siêu nhiên”22.

Điều 8 

§ 1Bằng lời khấn nghèo khó, các Anh Em Hèn Mọn bước theo Đức Giêsu Kitô, “Đấng đã tự ý trở nên nghèo khó ở thế gian này, vì chúng ta”23, anh em khước từ quyền sử dụng và định đoạt về những của cải vật chất và chỉ dùng quyền đó khi có phép của các Phục vụ và các Phụ trách. Nhưng sau khi tuyên khấn trọng thể, anh em khước từ cả quyền sở hữu nữa. Như những đầy tớ khiêm nhu, anh em phó thác mình cho sự quan phòng của Cha trên trời24.

§ 2Anh em phải nhớ rằng đức nghèo khó tột độ bắt nguồn từ Chúa Kitô và Mẹ yêu dấu của Người và nghĩ tới lời Phúc âm: “Hãy đi bán những gì ngươi có và đem cho người nghèo”25 để từ đó cố gắng chia sẻ số phận của người nghèo.

§ 3Lệ thuộc hoàn toàn vào các Phục vụ và các Phụ trách trong việc sử dụng của cải thì chưa đủ đối với đời sống nghèo khó của các Anh Em Hèn Mọn, nhưng anh em còn phải nghèo cả về vật chất lẫn tinh thần phải sống cần cù, thanh đạm26, và theo gương Chúa Kitô phải vui mừng “lúc ở giữa những người hèn hạ, bị khinh dể, những người nghèo khó, tàn tật, yếu đau, phung hủi và hành khất bên đường”27. Anh em hãy diễn tả rõ nét tất cả những điều nói trên trong đời sống cá nhân và cộng đoàn, kể cả bằng những hình thức mới mẻ khác.

Điều 9 

§ 1Bằng lời khấn khiết tịnh, anh em sống độc thân vì Nước Trời28 trong sự thanh sạch tâm hồn29 và thân xác. “Với một trái tim không bị phân chia, anh em sẽ có khả năng quan tâm tới những điều thuộc về Chúa”30 và yêu mến Thiên Chúa “hết sức, hết tình, hết tâm can, hết ước nguyện và ý chí”31 trong nếp sống Phúc âm và huynh đệ.

§ 2Tất cả anh em phải xem đức khiết tịnh như một ân huệ của Thiên Chúa. Đó là dấu chỉ của thế giới mai hậu và là nguồn mạch làm phát sinh một sức sống dồi dào hơn. Để giữ gìn ân huệ ấy, anh em phải dùng mọi phương thế tự nhiên và siêu nhiên, như Giáo Hội và Dòng khuyến khích32.

§ 3Các Phục vụ, các Phụ trách Cộng đoàn và tất cả anh em phải nhớ rằng đức khiết tịnh được bảo vệ cách an toàn hơn khi đức bác ái triển nở mạnh mẽ trong đời sống chung; vì thế phải chú tâm lo sao cho tình huynh đệ được phát huy trong Cộng đoàn33.

§ 4 Để sống lời khấn khiết tịnh, anh em phải giữ gìn trái tim thanh sạch, và cố gắng nhìn tất cả mọi tạo vật với tâm tình khiêm nhu và sốt mến, ý thức rằng tất cả được dựng nên để làm vinh danh Thiên Chúa34.

MỤC III

LUẬT PHÁP CỦA DÒNG

Điều 10 

          Việc giải thích chính thức bản Luật của thánh Phanxicô được dành cho Toà Thánh. Tổng Tu nghị cũng có thẩm quyền giải thích và thích ứng Bản luật đó vào những hoàn cảnh mới; tuy nhiên sự giải thích và thích ứng này phải được Toà Thánh phê chuẩn.

Điều 11 

          Những yếu tố nào của Luật Dòng được thừa nhận trong Giáo luật hiện hành, hoặc được công bố chính thức trong Hiến chương với sự phê chuẩn của Toà Thánh, thì anh em phải hiểu và tuân giữ đúng như đã được thừa nhận hoặc công bố ở những nơi đó.

Điều 12 

§ 1 Hiến chương trình bày những quy tắc cơ bản cho việc tổ chức đời sống của tất cả anh em ở khắp mọi nơi theo Luật Dòng[4].

§ 2 Tất cả anh em phải chuyên chú tuân giữ hết sức kỹ lưỡng những luật lệ trong quyển Hiến chương này. Nếu không trung tín tuân giữ các luật lệ ấy, anh em khó có thể đạt được mối hiệp thông huynh đệ và đời sống trọn lành Phúc âm theo cách thức riêng của Dòng.

§ 3Các anh em theo nghi lễ Giáo Hội Đông phương là những người đang tạo nên một dấu chỉ xán lạn cho tính phổ quát của đoàn sủng Phan Sinh, cũng phải chuyên chú tuân giữ Hiến chương này và Luật lệ riêng của mình.

Điều 13 

Tổng Tu nghị có thẩm quyền soạn thảo, thay đổi, miễn chuẩn, bổ sung và bãi bỏ Hiến chương, tuy vẫn phải tuân giữ quy định của Giáo Luật 587 §2.

Điều 14 

§ 1Tất cả anh em phải tuân giữ Nội quy Dòng như là những quy tắc bổ sung cho Hiến chương.

§ 2Tổng Tu nghị có thẩm quyền soạn thảo, thay đổi, miễn chuẩn, bổ sung và bãi bỏ Nội quy Dòng36.

Điều 15 

§ 1Tổng Tu nghị có thẩm quyền giải thích Hiến chương bằng việc công bố ý nghĩa của văn bản Hiến chương; nhưng việc giải thích chính thức được dành cho Toà Thánh.

§ 2Việc giải thích Hiến chương bằng hành vi hành chánh của Hội đồng Dòng mở rộng hoặc của Hội đồng Dòng chỉ có hiệu lực cho những trường hợp mà sự giải thích đó được công bố.

§ 3Việc giải thích chính thức Nội quy Dòng thuộc quyền Tổng Tu nghị; ngoài Tổng Tu nghị, việc giải thích này thuộc thẩm quyền Hội đồng Dòng mở rộng và Hội đồng Dòng, và chỉ có hiệu lực cho những trường hợp mà sự giải thích đó được công bố cho đến Tổng Tu nghị kế tiếp, trừ khi được Tổng Tu nghị này phê chuẩn.

Điều 16 

§ 1Các Tỉnh Dòng và những đơn vị khác của Dòng, dầu được gọi bằng bất cứ danh xưng nào, đều phải có Nội quy riêng, được soạn thảo dựa theo những đòi hỏi của từng địa phương, từng thời đại, và không nghịch lại với các quy tắc của Hiến chương và Nội quy Dòng37.

§ 2Các Nội quy đặc biệt và các quy tắc chung cho cả Dòng hoặc riêng cho từng đơn vị, phải được quyền bính có thẩm quyền soạn thảo38.

Điều 17 

§ 1Không một Phục vụ nào có quyền miễn chuẩn việc thi hành những điều liên quan tới bản chất đời sống tu trì và những luật lệ cấu thành Hiến chương, trừ khi Luật quy định rõ ràng thể khác. Nhưng khi có lý do chính đáng và hợp lý, Tổng Phục vụ, với sự ưng thuận của Ban Tổng Cố vấn, có quyền miễn chuẩn việc thi hành những điều khoản trong Nội quy Dòng và Nội quy riêng.

§ 2Khi có lý do chính đáng và hợp lý, và trong những trường hợp cá biệt, ngay cả một cách thường xuyên, những vị sau đây có quyền miễn chuẩn việc thi hành những điều khoản có tính cách kỷ luật do Dòng ban bố, trừ những điều khoản được ghi rõ là không thể miễn chuẩn:

1. Tổng Phục vụ, đối với mỗi anh em trong toàn Dòng.

2. Giám tỉnh, đối với các anh em của mình trú ngụ bất kỳ ở đâu và những anh em thuộc các Tỉnh Dòng khác đang ở trong Tỉnh Dòng mình, trừ khi quyền miễn chuẩn này được dành cho Tổng Phục vụ;

3. Phụ trách Cộng đoàn, đối với các anh em của mình trú ngụ bất kỳ ở đâu và các anh em khác đang ở trong địa hạt của mình, trừ khi quyền miễn chuẩn này được dành cho các Phục vụ;

§ 3Tuy nhiên việc miễn chuẩn thường xuyên cho toàn thể anh em trong một Tỉnh Dòng thì thuộc thẩm quyền Tổng Phục vụ; cho toàn thể anh em trong một Nhà, thì thuộc thẩm quyền Giám tỉnh.

Điều 18 

§ 1Các phép chuẩn hoặc các đặc ân khác thuộc bất cứ loại nào, do các Phục vụ ban bằng văn bản cho từng anh em hoặc từng tập thể, sẽ không hết hiệu lực lúc quyền của người ban đã chấm dứt, trừ khi những điều khoản bổ sung quy định thể khác39.

§ 2Một đặc ân mà Tổng Phục vụ hoặc Giám tỉnh đã từ chối, thì vị Phó không có quyền ban một cách thành sự, ngay cả khi người xin cho biết là đã bị từ chối, trừ trường hợp vị Phục vụ đồng ý40.

 

Chương II

TINH THẦN CẦU NGUYỆN VÀ SỐT MẾN

(x. L 5,2)

MỤC I

ĐỜI SỐNG CẦU NGUYỆN

Điều 19 

§ 1 Là những người trung tín với lời tuyên khấn của mình, anh em dùng kinh nguyện để bước theo Đức Kitô, Đấng hết lòng tạ ơn Chúa Cha và “sống luôn mãi để chuyển cầu cho chúng ta”1.

§ 2 Anh em bước theo dấu chân thánh Phanxicô: “không phải là Người đã cầu nguyện cho bằng toàn thân Người đã trở thành lời cầu nguyện”2, bỏ qua mọi ngăn trở và quên đi mọi nỗi lo lắng, áy náy, anh em phải phụng sự, yêu mến, sùng kính và tôn thờ Thiên Chúa với lòng thanh trí sạch, “vì chúng ta phải cầu nguyện liên lỉ, không được nản chí”3, và “Chúa Cha muốn gặp thấy những kẻ thờ phượng Người như thế”4.

Điều 20 

§ 1 Anh em hãy nhớ mình đã được dựng nên theo hình ảnh Con yêu dấu của Thiên Chúa5. Vậy cùng với tất cả thọ tạo, anh em phải chúc tụng Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần6, phải dâng trả mọi điều thiện hảo về cho Thiên Chúa tối cao và tạ ơn Người vì mọi sự7.

§ 2 Hằng ngày anh em phải không ngừng hân hoan tôn vinh và ca ngợi tình yêu mà Chúa Cha dành cho chúng ta và thế giới, vì Người là Đấng “đã tạo dựng, chuộc tội và cứu rỗi chúng ta do lòng từ bi của Người mà thôi”8.

Điều 21 

§ 1 Theo gương sáng và lời dạy của thánh Phanxicô, anh em phải biểu lộ “tất cả lòng tôn kính và quí trọng”9 đối với Bí tích Mình và Máu rất thánh của Chúa, vì Bí tích ấy hàm chứa tất cả của cải thiêng liêng của Giáo Hội10. Với những phương thế thích hợp, anh em phải phát huy lòng yêu mến và sự quan tâm chu đáo đối với một Mầu nhiệm lớn lao như thế11.

§ 2Tất cả anh em, khi sống chung hoặc gặp gỡ nhau ở một nơi, thì hằng ngày, nếu có thể, phải cử hành Thánh lễ chung với nhau, một cách thánh thiện, với tất cả lòng tôn kính, làm sao để Bí tích Thánh thể trở thành trung tâm và nguồn mạch của sự hiệp thông huynh đệ12.

§ 3 Cho tới lúc chết, thánh Phanxicô đã muốn rằng “các nhiệm tích rất thánh ấy phải được tôn kính, thờ phượng trên hết mọi sự và đặt ở những nơi quí trọng”13. Theo gương Người, anh em ở trong bất cứ nhà nào, cũng phải có ít nhất một nhà nguyện, nơi đó có cất giữ Thánh Thể, để hun nóng sự hiệp thông huynh đệ và lòng sốt sắng đối với nhiệm tích cao cả ấy.

Điều 22 

§ 1Chính vì Luật và đời sống của anh em là tuân giữ Thánh Phúc âm14, nên anh em phải chuyên cần đọc và suy niệm Phúc âm và các sách khác của Kinh Thánh15. Như thế anh em sẽ tiến triển trong việc hiểu biết Lời Chúa và đạt tới mức hoàn hảo của bậc sống.

§ 2Là môn đệ của thánh Phanxicô, anh em phải hết lòng tôn kính “những Tên và những Lời rất thánh của Chúa và phải cất giữ một cách kính cẩn”16. Anh em cũng phải tham dự những cuộc cử hành Lời Chúa, không những giữa anh em với nhau mà còn với Dân Chúa nữa.

Điều 23 

§ 1Anh em phải cử hành các Giờ Kinh Phụng vụ theo như Luật Dòng dạy17, để thánh hiến trọn thời gian ngày đêm bằng lời ngợi khen Thiên Chúa18.

§ 2Bất cứ ở đâu có anh em sống chung hoặc tụ họp lại, các Giờ Kinh Phụng vụ phải là lời kinh chung của anh em, và thông thường phải cử hành chung với nhau, tuy nhiên anh em vẫn được tự do đọc thần tụng “Lạy Cha” như Luật Dòng dạy19.

§ 3Việc cử hành chung các Giờ Kinh Phụng vụ không tùy thuộc vào địa điểm nhất định, nhưng tùy thuộc vào Cộng đoàn Anh em. Tuy nhiên, nên ưu tiên chọn một nhà thờ hay nhà nguyện, vì đó là nơi thánh, đàng khác, Dân Chúa có thể tham dự dễ dàng hơn vào lời kinh của anh em.

Điều 24 

Được tinh thần cầu nguyện và lòng sốt mến thúc đẩy, hàng ngày anh em phải thực hành tâm nguyện, hoặc riêng hoặc chung với nhau20.

Điều 25 

Nội quy sẽ quy định thời giờ và những hoàn cảnh khác cho các cuộc cử hành và kinh nguyện chung: nghĩa là cho Thánh Lễ và các Giờ Kinh Phụng vụ, cũng như việc cử hành Lời Chúa và tâm nguyện.

Điều 26 

§ 1Anh em phải quí trọng các việc đạo đức, được truyền thống của Dòng khuyến khích, đối với các mầu nhiệm cuộc đời Đức Kitô, vì điều đó giúp anh em sống kết hiệp với Người.

§ 2Anh em phải có lòng tôn sùng đặc biệt đối với Đức Trinh Nữ Maria trong mầu nhiệm Vô Nhiễm Nguyên Tội: Mẹ là “Người trinh nữ đã trở thành Giáo Hội”21. Anh em phải biểu lộ và cổ võ những hình thức Phan Sinh của việc tôn sùng Đức Mẹ và phải noi gương vị Bổn mạng của Dòng là Đấng đã tự coi mình là “Nữ tì của Chúa”22.

§ 3Anh em cũng phải tôn kính thánh Phanxicô chí ái và luôn luôn bước theo đời sống và lời dạy của Người, bởi vì chính Người là “Mẫu mực của Anh Em Hèn Mọn”.

§ 4Tất cả việc đạo đức phải được xây dựng vững chắc trên nền tảng Kinh thánh và Thần học và phải thích ứng với các quy tắc phụng vụ của Giáo Hội23.

Điều 27 

§ 1 Để luôn luôn trung thành với ý hướng sống giữa những người đơn sơ, anh em phải cổ võ những hình thức lành mạnh của lòng đạo đức bình dân, nhờ đó anh em nuôi dưỡng đời sống Kitô hữu của các tín hữu cũng như của bản thân mình.

§ 2 Để thông dự vào đời sống thực tế của dân chúng và chia sẻ một cách đơn sơ niềm hi vọng và đức tin của họ, anh em phải cố gắng cầu nguyện với họ.

Điều 28 

§ 1Anh em phải nhớ rằng tất cả mọi thực tại trần gian đều phải phục vụ tinh thần cầu nguyện và sốt mến, nên phải coi chừng đừng để cho tinh thần ấy bị thiệt thòi vì sự hoạt động thái quá24.

§ 2Để gìn giữ trong tâm hồn những điều thiện hảo Chúa đã tỏ cho25, anh em phải cẩn trọng đúng mức trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông26.

Điều 29 

Chiều kích chiêm niệm của ơn gọi Phan Sinh chúng ta phải được hun nóng ngay cả bằng những hình thức mới mẻ khả dĩ đáp ứng với sự nhạy cảm của thế giới hôm nay, để gia tăng ý muốn cầu nguyện và những chương trình cầu nguyện của Cộng đoàn hoặc của cá nhân27.

Điều 30 

§ 1Để tăng cường tinh thần cầu nguyện và sốt mến, anh em phải chu toàn một cách trung tín việc tĩnh tâm vào thời điểm ấn định và việc cấm phòng hàng năm28.

§ 2Nội quy sẽ quy định thời hạn của việc tĩnh tâm và cấm phòng, những hình thức mới mẻ khác cũng như những hoàn cảnh nhằm mục đích vun trồng tinh thần cầu nguyện.

Điều 31 

§ 1Tất cả cũng như mỗi anh em phải quan tâm sao cho có những ẩn viện, những nhà sa mạc hoặc nơi cô tịch và xem những nơi ấy như dấu chứng của đời sống chiêm niệm mạnh mẽ trong Dòng chúng ta.

§ 2Những anh em nào được ơn Chúa kêu gọi đi vào đời sống ấy trong một thời gian ngắn hoặc dài, mà đã trình bày thỉnh nguyện của mình một cách hợp lý với các Phục vụ, thì các vị này  phải cho phép cùng với sự chúc lành của Chúa.

§ 3Anh em có thể tổ chức đời sống trong các nơi ấy, theo bản luật đơn giản mà Cha Thánh đã làm cho các ẩn viện, bản luật này có thể được thích ứng với những hoàn cảnh riêng biệt, hoặc theo các quy tắc phù hợp với Nội quy.

MỤC II

ĐỜI SỐNG HOÁN CẢI

Điều 32 

§ 1Các Anh Em Hèn Mọn, những người đã được Chúa thương ban cho “ơn bắt đầu sống đời đền tội”29 phải canh tân không ngừng tinh thần hoán cải, luôn luôn chú ý tới lời mời gọi của Đức Giêsu Kitô: “Hãy hoán cải và tin vào Tin Mừng ”30.

§ 2Anh em phải nhớ rằng khi xa lìa thế gian31, anh em đã từ bỏ tinh thần xác thịt, là tinh thần trái nghịch với đường lành32; bởi vậy, nhờ hoán cải liên tục cõi lòng mình, anh em phải cố gắng sinh hoa trái đền tội xứng đáng, luôn luôn nhớ lấy những lời này của thánh Phanxicô: “Trên hết mọi sự, anh em phải ao ước có được tinh thần Chúa và tác động thánh của Người”33.

§ 3Cũng như thánh Phanxicô đã bắt đầu đời sống hoán cải bằng việc phục vụ người phung cùi và nhìn thấy Đức Giêsu trong họ, cũng thế, trong đời sống hoán cải, anh em phải lo lắng phục vụ những người bé mọn nhất và nhận ra Con Thiên Chúa hiện diện trong họ34.

Điều 33 

§ 1Chúa Cha giàu lòng thương xót, đã hoà giải chúng ta lại với Người nhờ Đức Giêsu Kitô, và ban cho loài người sứ vụ hoà giải: vậy anh em phải sống hoà hợp với Thiên Chúa, với chính mình, với huynh đệ đoàn và với mọi người. Anh em cũng phải làm sứ giả thay mặt Đức Kitô mà thi hành sứ vụ ấy bằng lời nói và việc làm35.

§ 2Anh em phải kiên trì chấp nhận sửa dạy mà Chúa thi hành vì lòng thương xót của Người, phải “xét mình hàng ngày thật cẩn thận”36 để tuân giữ cách chân thực hơn Luật Dòng mà anh em đã đón nhận37, phải năng chạy tới với Bí tích Hoà giải38 và liên tục bắt đầu lại việc phụng sự Thiên Chúa39.

§ 3Vì biết rằng việc đền tội hay hoán cải mang một phương diện xã hội, nên anh em phải sốt sắng cử hành Bí tích Hoà giải chung với nhau và với Dân Chúa, theo Giáo luật.

Điều 34 

§ 1Trong tinh thần hoán cải, anh em phải vui lòng chấp nhận những đau khổ ở đời này40, nhẫn nhục trong hoàn cảnh gian truân và như thế khi chia sẻ những nỗi thống khổ của Đức Kitô, anh em sẽ được tràn đầy niềm vui trọn hảo41.

§ 2Anh em phải giữ chay và làm các việc đền tội khác chung với nhau, tùy theo nơi chốn và thời buổi, như Nội quy quy định: Đó là dấu hiệu Hội Dòng tham dự vào mầu nhiệm Khổ nạn của Đức Giêsu Kitô và cũng là phương cách cứu giúp các chi thể của Người đang phải chịu đựng cảnh đói khát, nghèo khổ, đau đớn và các nỗi gian truân.

§ 3Anh em phải xem thời gian từ lễ Các Thánh tới lễ Sinh nhật của Chúa, mùa chay và các ngày Thứ Sáu như là những thời gian đền tội42.

Điều 35 

§ 1Khi đau ốm, anh em hãy chịu đựng bệnh tật của mình với lòng kiên nhẫn và an hoà và phải cảm tạ Đấng Tạo Hoá vì biết rằng mình đang vác Thánh giá của Chúa Giêsu Kitô từng ngày43.

§ 2Những anh em ốm đau lâu ngày hoặc già cả phải được trợ lực nhờ Bí tích Xức dầu bệnh nhân, cử hành với sự tham dự của cộng đoàn và nhờ mầu nhiệm Mình Thánh Chúa44.

Điều 36 

§ 1Những anh em sắp tới giờ gặp gỡ Chị Chết thể xác, phải được bổ dưỡng bằng việc rước lễ dưới hình thức của ăn đàng, nếu có thể, nên cử hành với sự hiện diện của cộng đoàn45.

§ 2Theo gương thánh Phanxicô, tất cả mọi anh em phải nhớ rằng: Chết là vượt qua từ sự sống mỏng dòn tới vinh quang của Chúa và là hành vi tối hậu hiến dâng cuộc đời mình, nhờ đó việc tuyên khấn đạt tới mức hoàn hảo46.

Điều 37 

Anh em phải cầu nguyện cho những anh em đã qua đời47, cho cha mẹ của mình và các ân nhân của Dòng, theo Nội quy.

Chương III

“TẤT CẢ LÀ ANH EM”

Mt 23,8; L Ksc 22,33

MỤC I

HIỆP THÔNG HUYNH ĐỆ

Điều 38 

Là những người con của Cha trên trời và anh em của Đức Giêsu Kitô trong Chúa Thánh Thần1, đang bước theo lối sống Phúc âm mà Chúa đã mặc khải cho thánh Phanxicô2, anh em sống đời huynh đệ chung với nhau3, thương yêu và nuôi dưỡng nhau tận tình hơn cả người mẹ thương yêu và nuôi dưỡng con cái ruột thịt của mình4.

Điều 39 

Bởi vì tình yêu của Thiên Chúa do Thánh Thần đổ xuống trong lòng5, anh em phải tận tình đối xử với nhau theo tinh thần gia đình6 và tình tương thân tương ái, phải giữ lễ độ, tâm hồn vui tươi và trau dồi tất cả nhân đức khác. Như thế, anh em không ngừng khích lệ nhau sống trong hy vọng, bình an và hân hoan7. Cùng hiệp nhất trong một tình huynh đệ chân thật, anh em sẽ đạt tới sự trưởng thành toàn vẹn về phương diện nhân bản, kitô hữu và tu sĩ.

Điều 40 

Mỗi anh em là một tặng phẩm Thiên Chúa ban cho huynh đệ đoàn8, vì thế, mặc dầu ai nấy đều có tính tình riêng, trình độ văn hoá, phong cách, tài năng và những đức tính khác nhau, anh em phải đón nhận nhau với sự kính trọng thực tế riêng biệt của mỗi người và với tinh thần bình đẳng, làm sao để tất cả huynh đệ đoàn trở thành một nơi đặc trưng cho cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa9.

Điều 41 

Tất cả mọi thành viên của Dòng, theo danh hiệu và theo thực chất, đều là anh em và là những người hèn mọn, mặc dầu họ thi hành những chức vụ, những công việc và những thừa tác vụ khác nhau.

Điều 42 

§ 1Để phát huy hơn nữa mối hiệp nhất huynh đệ, anh em phải thương mến nhau, sẵn sàng phục vụ nhau, khuyến khích những sáng kiến tốt đẹp và chung vui về những thành quả mỹ mãn trong công việc của anh em khác.

§ 2Đời sống hiệp nhất huynh đệ đòi hỏi anh em phải nhất trí với nhau trong việc tuân giữ Luật Dòng và Hiến chương, có một nếp sống giống nhau, tham dự vào những sinh hoạt của Cộng đoàn, và nhất là kinh nguyện chung, hoạt động tông đồ và những công tác trong nhà, và anh em cũng phải đem về cho Cộng đoàn sử dụng tất cả mọi thu nhập có được với bất cứ danh nghĩa nào10.

Điều 43 

Anh em phải ý tứ đừng làm điều gì có thể gây tổn hại đến sự hiệp nhất huynh đệ. Nếu có ai trong anh em muốn sống theo xác thịt chứ không theo Thần Khí, thì các anh em gần gũi hãy nhắc nhở, giáo huấn và sửa dạy cách khiêm nhường và tận tình11.

Điều 44 

Tất cả mọi anh em phải phục vụ những anh em hèn yếu, bệnh tật và già cả “như chính mình muốn được phục vụ”12. Vì thế tất cả mọi anh em, nhất là các Phục vụ và các Phụ trách nhà, phải ân cần săn sóc, thăm viếng, cung ứng những điều cần thiết riêng tư, về tinh thần cũng như vật chất, và biểu lộ lòng biết ơn đối với các anh em ấy13.

Điều 45 

§ 1Các Phục vụ và các Phụ trách nhà, sống liên kết chặt chẽ với những anh em được giao phó cho mình, phải quan tâm xây dựng huynh đệ đoàn “như là gia đình quy tụ trong Đức Kitô”14, trong đó Thiên Chúa được tìm kiếm và yêu mến trên hết mọi sự. Các ngài phải nêu gương cho mọi anh em trong việc thực hành các nhân đức và tuân giữ Luật Dòng cùng các truyền thống của Dòng15.

§ 2Để phát huy sự vâng phục có trách nhiệm và tích cực, các Phục vụ và các Phụ trách nhà phải lắng nghe ý kiến của anh em, hoặc riêng từng người, hoặc chung cả Cộng đoàn trong khi hội họp, hơn nữa phải yêu cầu và khuyến khích họ trình bày ý kiến, tuy nhiên các ngài vẫn giữ quyền quyết định và truyền dạy những điều phải làm16.

§ 3Mọi anh em phải sẵn sàng giúp đỡ các Phục vụ và các Phụ trách nhà, là những người phải gánh trách nhiệm nặng nề hơn, phải bày tỏ cho các ngài biết ý kiến của mình và thi hành những quyết định của các ngài theo tinh thần đức tin và với tất cả lòng nhiệt thành.

Điều 46 

Phụ trách nhà cùng với anh em trong Tu nghị Cộng đoàn phải tổ chức đời sống gia đình một cách hợp tình hợp lý để phát huy tình huynh đệ chân thật, cụ thể và sâu đậm.

Điều 47 

Để bảo vệ đời sống gia đình của huynh đệ đoàn, mọi nhà phải có nội vi, theo quy định của Nội quy, làm sao để một khu vực nào đó trong nhà luôn luôn được dành riêng cho anh em mà thôi17.

Điều 48 

§ 1Tu phục chung của Anh Em Hèn Mọn, theo Luật Dòng và truyền thống của Dòng, gồm có một áo chùng với lúp đội đầu, màu hơi đen hoặc nâu, và một dây trắng18. Anh em phải mặc tu phục ấy như dấu chỉ của đời sống Phan Sinh19.

§ 2Khi sử dụng áo quần và giày dép, anh em phải để ý đến đức nghèo khó, khiêm tốn và phải tránh tất cả những gì có vẻ xa hoa20.

Điều 49 

Các Phục vụ, các Phụ trách nhà, và tất cả anh em phải quan tâm phổ biến những sự việc quan trọng của Dòng cho anh em cũng như những người khác biết.

Điều 50 

Dù gặp nhau ở đâu, anh em phải nhìn nhận nhau theo tinh thần Chúa và trong tình thân ái, và phải giúp đỡ nhau21. Để thực hiện mệnh lệnh này của thánh Phanxicô một cách dễ dàng và hoàn hảo hơn, Nội quy chung của toàn Dòng và Nội quy riêng của từng đơn vị sẽ tiên liệu những quy tắc thích hợp về mối tương quan giữa các đơn vị khác nhau trong Dòng.

Điều 51 

Anh em phải thực thi tinh thần hiếu khách cách xứng hợp và niềm nở đối với tất cả mọi người, nhất là những anh chị em thuộc đại gia đình Phan Sinh.

Điều 52 

Để đời sống huynh đệ trong Đức Giêsu Kitô trở thành men hiệp thông giữa loài người, anh em phải tiếp đón tử tế tất cả mọi người và đối xử tốt với bạn hữu cũng như địch thù22, khi họ đến với chúng ta hay khi chúng ta đến với họ23.

Điều 53 

Để làm chứng cho đức nghèo khó và đức bác ái, anh em phải lấy của cải dành để dùng chung trong Cộng đoàn mà đáp ứng những nhu cầu của Giáo Hội, giúp đỡ những người túng thiếu thực sự và chia sẻ với người nghèo những gì anh em có 24, theo Nội quy riêng.

Điều 54 

§ 1Các Phục vụ, các Phụ trách nhà và các anh em khác phải chu toàn đúng bổn phận hiếu thảo đối với cha mẹ, thân nhân và ân nhân của anh em, và phải nhớ đến họ trong kinh nguyện của huynh đệ đoàn, theo Nội quy riêng.

§ 2Khi cha mẹ của anh em lâm cảnh túng thiếu, thì phải giúp đỡ, tùy theo nhu cầu của các ngài, cùng sự suy xét của các Phục vụ và Phụ trách nhà.

MỤC II

NHỮNG LIÊN HỆ
VỚI GIA ĐÌNH PHAN SINH TOÀN CẦU

Điều 55 

§ 1Anh em phải luôn luôn nhớ rằng đặc sủng mà Thiên Chúa đã ban cho thánh Phanxicô trổ sinh và biểu lộ muôn vàn hoa trái nơi các Anh Em Hèn Mọn cũng như nơi các thành phần khác của gia đình Phan Sinh.

§ 2Anh em phải cố gắng hết sức nuôi dưỡng và phát huy sự tiến triển toàn vẹn của đặc sủng Phan Sinh ấy nơi tất cả những ai được thấm nhập tinh thần thánh Phanxicô, và phải dùng những dịp gặp gỡ nhau để yểm trợ những dự tính chung.

§ 3Các Trợ uý tinh thần của bất cứ nhóm nào hay cấp nào trong gia đình Phan Sinh cũng phải được chọn lựa cẩn thận, dựa theo Luật chung và Luật riêng.

Điều 56 

§ 1Anh em hãy nhìn nhận thật đúng mức rằng cũng một đặc sủng và những nhu cầu hỗ tương liên kết anh em với các nữ đan sĩ Dòng Nhì và Dòng Ba của thánh Phanxicô, anh em phải luôn luôn quan tâm và ân cần chăm sóc họ25.

§ 2Dòng Nhất có nhiệm vụ gìn giữ và bảo toàn sự hiệp nhất thiêng liêng với các nữ đan sĩ Dòng Nhì và Dòng Ba, động viên họ quy tụ thành những Liên hiệp đan viện, tuy nhiên vẫn luôn luôn bảo đảm sự tự trị trong đời sống của họ nhất là trong việc quản trị.

Điều 57 

§ 1Đối với các nữ đan viện được liên kết với Dòng chúng ta theo Giáo Luật điều 614, các Phục vụ thi hành quyền bính như được quy định trong luật riêng của các nữ đan sĩ.

§ 2Những Giám tỉnh nào có nhiệm vụ kinh lý các nữ đan viện theo luật lệ của họ, phải đích thân hoặc uỷ quyền cho người khác chu toàn nhiệm vụ ấy vào lúc thuận tiện26.

Điều 58 

Để cho đời sống chiêm niệm của các nữ đan sĩ ấy triển nở một cách hoàn hảo và hữu hiệu hơn trong Giáo Hội và thế giới, các Trợ uý tinh thần phải giúp đỡ các nữ đan sĩ tự huấn luyện mình sống theo tinh thần cầu nguyện, làm chứng tá sống động cho đức nghèo chân thật và hăng hái truyền giáo.

Điều 59 

Đối với các anh chị em thuộc Dòng Ba Tại Viện và các Tu Hội Đời và các Hội Đời Tông Đồ Phan Sinh, các Phục vụ và các Phụ trách nhà, tùy theo nhu cầu và khả năng, phải cố gắng trợ giúp họ về mặt thiêng liêng và khuyến khích họ cộng tác trong việc loan báo Tin Mừng.

Điều 60 

§ 1Dòng Nhất có nhiệm vụ săn sóc Dòng Phan Sinh Tại Thế, Dòng này biểu lộ trong thế giới tinh thần thánh Phanxicô, chia sẻ đời sống, chứng tá và sứ mạng của đặc sủng Phan Sinh, và đóng góp riêng biệt và cần thiết vào sự đầy đủ của đặc sủng ấy27.

§ 2Các Anh Em Hèn Mọn phải quí mến Dòng Phan Sinh Tại Thế, trợ giúp Dòng này cách đặc biệt và cổ võ Dòng này qua sự phát huy sinh lực và tương trợ lẫn nhau, làm sao để họ được thấm nhuần hơn nữa tinh thần nguyên thủy của thánh Phanxicô và tăng trưởng trong thế giới, nhất là trong giới trẻ28.

Điều 61 

§ 1Tổng Phục vụ và Giám tỉnh có quyền thiết lập và kinh lý các huynh đệ đoàn. Các ngài điều hành ở cấp cao theo phương cách được Bản Luật Dòng Phan Sinh Tại Thế và luật riêng của họ quy định29.

§ 2Anh em phải sẵn sàng cung ứng sự hỗ trợ thiêng liêng và mục vụ như được quy định trong Bản Luật Dòng Phan Sinh Tại Thế và trong luật riêng của họ.

Điều 62 

Các Trợ uý tinh thần hãy lo lắng sao cho tất cả anh chị em trong Dòng Phan Sinh Tại Thế trung tín bước theo dấu chân thánh Phanxicô, biết phổ biến sứ điệp Phúc âm và dấu ấn riêng biệt của linh đạo Phan Sinh về tình huynh đệ, đời sống làm chứng và sứ mạng phục vụ trong thế giới.

Điều 63 

Các Giám tỉnh có quyền thiết lập trong địa hạt Tỉnh Dòng của mình những hội đoàn tín hữu có liên hệ một cách nào đó với Dòng. Các ngài cũng có thể ủy quyền ấy cho những anh em khác, miễn là giữ đúng luật30.

Chương IV


“LỮ HÀNH VÀ KHÁCH LẠ Ở ĐỜI NÀY”

x. 1 Pr 2,11; L 6,2

MỤC I

HIẾU HOÀ VÀ KHIÊM NHƯỜNG

(x. L 3,11)

Điều 64 

Là môn đệ của Đức Giêsu Kitô, “Đấng đã hạ mình thấp hèn và sẵn lòng vâng phục cho đến chết”1, anh em phải trung thành với ơn gọi riêng của đời sống hèn mọn. “Trong niềm vui mừng, hân hoan”2, anh em phải đi khắp thế gian như những người tôi tớ phục tùng mọi người, hiếu hoà và khiêm nhường trong lòng3.

Điều 65 

Ý thức rằng “thực tại con người trước mắt Thiên Chúa thế nào thì chỉ thế ấy và không hơn”4, anh em phải nhìn nhận Thiên Chúa là sự Thiện tối cao và duy nhất, luôn luôn cố gắng làm đẹp lòng Người trong mọi sự và sẵn sàng chấp nhận bị coi là đê hèn, đơn sơ và đáng khinh dể5.

Điều 66 

§ 1Để theo sát hơn và biểu lộ rõ ràng hơn sự tự hủy của Đấng Cứu Thế6, anh em phải sống cuộc đời và thân phận của những kẻ bé mọn trong xã hội, luôn luôn sống giữa họ như những người hèn mọn; anh em phải góp phần làm cho Nước Chúa trị đến bằng cách tự xác định vị trí của mình như thế trong xã hội7.

§ 2Bằng lối sống riêng của mình, anh em, với tư cách là huynh đệ đoàn cũng như cá nhân, phải cư xử làm sao để không một người nào bị đẩy xa khỏi anh em, nhất là những kẻ thường bị bỏ rơi về phương diện xã hội và tinh thần.

Điều 67 

Anh em phải kiên trì từ bỏ chính mình8 và hoán cải không ngừng để trở về với Thiên Chúa. Như thế anh em nêu cao một hình ảnh tiên tri bằng gương sáng đời sống của chính mình9 để đánh bại “các giá trị giả dối” của thời đại chúng ta.

Điều 68 

§ 1Anh em phải sống trong thế giới này như những người cổ võ cho công lý, rao giảng và kiến tạo hoà bình10, thắng sự ác bằng cách làm sự thiện11.

§ 2Anh em hãy dùng lời nói loan báo hoà bình đồng thời hãy giữ cho lòng mình thật bình an để không một ai bị khiêu khích mà nổi giận và vấp phạm, nhưng tất cả mọi người lại được anh em mời gọi trở về với sự bình an, dịu hiền và nhân hậu12.

Điều 69 

§ 1Trong khi tìm cách bảo vệ quyền lợi của những người bị áp bức, anh em phải khước từ hành vi bạo động và dùng những phương thế mà chính những kẻ yếu thế có thể dùng13.

§ 2Ý thức đến những nguy hiểm tàn khốc đang đe doạ nhân loại, anh em phải mạnh dạn tố cáo tất cả mọi thứ hành động gây chiến và cuộc chạy đua vũ trang như là một vết thương trầm trọng cho thế giới và một sự xúc phạm rất to lớn đối với người nghèo14. Anh em không được quản ngại chịu vất vả và đau khổ để xây dựng triều đại hoà bình của Thiên Chúa15.

Điều 70 

Được giải thoát khỏi mọi sợ hãi nhờ đức nghèo khó mà anh em đã lựa chọn, anh em sống hân hoan trong niềm hy vọng vào Lời Chúa hứa16, phát huy giữa loài người sự chấp nhận lẫn nhau và tình tương thân tương ái, anh em phải là khí cụ của sự hoà giải được thực hiện nhờ thập giá Đức Giêsu Kitô.

Điều 71 

Đi theo dấu chân thánh Phanxicô, anh em phải tỏ lòng kính trọng đối với thiên nhiên17, ngày nay đang bị đe doạ khắp nơi, nhằm trả lại cho thiên nhiên sắc thái huynh đệ nguyên thủy và biến nó thành hữu ích cho mọi người hầu tôn vinh Thiên Chúa Tạo Hoá18.

MỤC II

KHÔNG ĐƯỢC LẤY GÌ LÀM CỦA RIÊNG

(x. Mt 16,24; L 6,1)

Điều 72 

§ 1Là lữ hành, khách lạ ở đời này và đã khước từ quyền sở hữu cá nhân thì anh em phải từ chối chiếm hữu nhà cửa hoặc nơi chốn hay vật gì khác như Luật Dòng dạy19; như vậy anh em cống hiến bản thân và mọi phương tiện sống và làm việc để phục vụ Giáo Hội và thế giới trong tinh thần nghèo khó, khiêm nhu.

§ 2Nhà cửa anh em ở và đồ đạc anh em sắm hoặc sử dụng phải phù hợp với đức nghèo khó tùy theo hoàn cảnh địa phương và thời buổi20.

§ 3Của cải dành cho anh em sử dụng phải được chia sẻ cho người nghèo để mưu ích cho họ, theo quy định hợp pháp của Nội quy riêng.

Điều 73 

Quyền sở hữu nhà cửa và của cải cần thiết cho đời sống và công việc của anh em thực sự vẫn thuộc về những người mà anh em phục vụ hoặc các ân nhân hoặc Giáo Hội hay Toà Thánh.

Điều 74 

§ 1Các ứng sinh có của cải thì trước khi khấn tạm phải định đoạt như sau: vẫn giữ nguyên quyền sở hữu, nhưng bằng một văn kiện hợp pháp, nhường quyền quản trị, sử dụng và hưởng hoa lợi cho ai tùy ý mình muốn suốt thời gian khấn tạm, tuy nhiên không được nhường cho Dòng21.

§ 2Để thay đổi các điều định đoạt trên đây khi có lý do chính đáng và để làm bất cứ hành vi nào liên quan tới của cải, thì phải có phép của Giám tỉnh theo Nội quy riêng22.

Điều 75 

§ 1Do sự ràng buộc của lời khấn nghèo khó theo Luật Dòng, người sắp khấn trọng, trước khi khấn, phải làm giấy nhường quyền sở hữu trên mọi của cải hiện có hoặc sẽ có do quyền đương nhiên hưởng gia tài23, cho ai tùy mình muốn, nhưng tốt hơn hết là cho người nghèo; và không được phép giữ lại của gì bằng bất cứ cách nào24. Giấy nhường quyền ấy sẽ có giá trị kể từ khi tuyên khấn.

§ 2Đừng ai trong anh em cả dám xui người sắp khấn để lại cho mình hay Hội Dòng một của gì vì bất cứ cớ nào25.

§ 3Nội quy riêng phải tiên liệu những điều cần thiết để cho hành vi khước từ của cải trước khi khấn trọng sẽ có hiệu lực với luật dân sự kể từ ngày khấn26.

MỤC III

“HÃY LÀM VIỆC CÁCH TRUNG TÍN VÀ SỐT SẮNG”

(L 5,1)

Điều 76 

§ 1Như những người nghèo đích thực được tinh thần và gương sáng của thánh Phanxicô hướng dẫn, anh em phải xem việc lao động và phục vụ như là ơn Chúa ban27. Vậy anh em phải tỏ ra mình là những người hèn mọn mà không một ai phải sợ, vì điều anh em tìm kiếm là phục vụ chứ không phải thống trị28.

§ 2Ý thức rằng lao động là phương thế thông thường và chính yếu để cung ứng những điều cần thiết, tất cả và mỗi một anh em hãy phục vụ, “hãy làm việc cách trung tín và sốt sắng”29, tránh sự ở nhưng “thù địch của linh hồn”30.

Điều 77 

§ 1Anh em phải tập cho mình quen làm việc31. Mỗi người có thể làm nghề của mình, “miễn là nghề đó không trái với việc rỗi linh hồn, và anh em có thể hành nghề một cách lương thiện”32.

§ 2Anh em không được gắn bó với một công việc nào như là của riêng mình, dù đã làm từ lâu. Anh em phải luôn luôn mau mắn rời bỏ những nơi chốn và công việc đã được khởi sự, để đảm nhận những công việc cần thiết khác.

Điều 78 

§ 1Với quyền tự do mà Luật Dòng dành cho sự lựa chọn việc làm tùy thời buổi, địa phương và nhu cầu, anh em phải ưu tiên lựa chọn những công việc làm nổi bật chứng từ đời sống Phan Sinh33 và phải đặc biệt quan tâm tới sự liên đới và phục vụ đối với người nghèo34.

§ 2Việc sinh sống không phải là mục đích đầu tiên cũng không phải là tiêu chuẩn duy nhất để lựa chọn việc làm35, trái lại dù không có thù lao, anh em cũng phải sẵng sàng phục vụ.

Điều 79 

§ 1Khi lựa chọn một công việc hay một dịch vụ nào, anh em phải để ý đến đời sống huynh đệ của Cộng đoàn và Tỉnh Dòng mà không một ai được phép tự miễn chuẩn không tham gia, và cũng phải tính đến các khả năng của mỗi anh em, để làm sao công việc được đảm nhận và hoàn thành với tinh thần đồng trách nhiệm trong huynh đệ đoàn, theo quy định của Nội quy riêng36.

§ 2Về thù lao của việc làm, anh em phải nhận những gì cần thiết và nhận cách khiêm tốn37. Tuy nhiên, bất cứ của gì anh em thủ đắc do sinh hoạt riêng hay vì danh nghĩa Dòng, hoặc bất cứ của gì anh em nhận được như hưu bổng, tiền trợ cấp hay bảo hiểm, đều thuộc về huynh đệ đoàn38.

Điều 80 

§ 1Tại các huynh đệ đoàn của chúng ta, nếu được, chính anh em và tất cả mọi anh em phải tự làm lấy những công việc trong nhà39.

§ 2Khi có những người ngoài đến làm việc cho huynh đệ đoàn, thì đôi bên phải giữ các quy định của dân luật đúng lẽ công bằng.

Điều 81 

Khi kết quả của công việc và các phương tiện khác không đủ để nuôi sống huynh đệ đoàn, anh em hãy chạy đến bàn ăn của Chúa40 và “đi xin của bố thí với lòng tin tưởng”41 theo quy định của Nội quy42.

Điều 82 

§ 1Tất cả anh em phải sử dụng tiền bạc theo cách thức phù hợp với những người nghèo khó và trong tinh thần liên đới trách nhiệm với huynh đệ đoàn. Như thế mới xứng hợp với những tôi tớ Thiên Chúa và những người noi giữ “đức khó nghèo tuyệt thánh”43.

§ 2Trong việc sử dụng tiền bạc, anh em phải lệ thuộc hoàn toàn vào các Phục vụ và Phụ trách Cộng đoàn: không những phải xin phép mà còn phải trình sổ chi thu cách trung thành.

§ 3Anh em, nhất là những Phục vụ và Phụ trách Cộng đoàn, phải cẩn thận tránh mọi hành thức tích trữ và phải quan tâm đến nhu cầu của người nghèo44.

Chương V

“THIÊN CHÚA SAI ANH EM
ĐI KHẮP THẾ GIỚI VÌ ĐIỀU NÀY”

x. T TD 9

MỤC I

ANH EM ĐƯỢC KÊU GỌI
PHÚC ÂM HOÁ

Điều 83 

§ 1Như Chúa Con được Chúa Cha sai đi, tất cả anh em dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, cũng được sai đi loan báo Tin Mừng cho mọi thụ tạo khắp cùng thế giới. Anh em phải làm chứng cho tiếng nói của Người và làm cho mọi người biết rằng không ai toàn năng ngoài Thiên Chúa1.

§ 2Tất cả anh em phải tham dự vào sứ vụ loan báo Tin Mừng  của toàn thể Giáo Hội. Theo gương thánh Phanxicô, đấng “đã biến cả con người mình thành lời rao giảng”2, anh em phải sẵn sàng đón nhận ơn soi sáng của Chúa3 và, khi được kêu gọi và sai đến bất cứ nơi đâu, anh em phải dùng lời nói và việc làm mà xây dựng mọi dân tộc bằng tất cả đời sống trong trắng của mình4.

Điều 84 

Bất kỳ anh em ở đâu và làm gì, thì phải dấn thân vào công cuộc phúc âm hoá: trong Cộng đoàn huynh đệ, bằng đời sống chiêm niệm và hoán cải cũng như bằng những công việc khác anh em làm cho Cộng đoàn; trong xã hội loài người, bằng những công việc trí thức và tay chân, bằng sinh hoạt mục vụ trong các Giáo xứ hay trong các tổ chức khác của Giáo Hội; sau hết anh em loan báo Nước Thiên Chúa đến bằng sự hiện diện đơn sơ của những người Phan Sinh sống đời chứng nhân5.

Điều 85 

Để chu toàn sứ vụ loan báo Tin Mừng, anh em phải rao giảng Đức Giêsu Kitô, và là Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh6. Anh em không được ước ao điều gì khác, ngoài việc bước theo dấu chân Người, và phải đem đến cho mọi người mà anh em gặp gỡ sự bình an và hạnh phúc của Chúa7 cùng niềm hy vọng chắc chắn về một thế giới tốt đẹp hơn8.

Điều 86 

Nếu anh em muốn khuyên bảo dân chúng hoán cải9, thì trước tiên chính anh em phải hoán cải10 và biết rằng không ai có thể loan báo Tin Mừng nếu trước tiên không chấp nhận để cho Tin Mừng  biến đổi mình11.

Điều 87 

§ 1Toàn thể huynh đệ đoàn, nghĩa là Hội Dòng, Tỉnh Dòng, từng Nhà và từng anh em, không ai được phép sống cho chính mình, nhưng phải phục vụ kẻ khác12 bằng cách tìm kiếm với mọi người sự hiệp thông huynh đệ mà chính anh em đang sống với nhau13.

§ 2Bởi vì sự hiệp thông huynh đệ, dựa trên sự cầu nguyện và hoán cải, là chứng từ đầu tiên và rạng rỡ cho Tin Mừng14 và là dấu chỉ loan báo một gia đình nhân loại mới, nên các tương quan của anh em với mọi người phải thế nào để ai thấy và nghe anh em, đều tôn vinh và ngợi khen Cha trên trời.

§ 3Để Giáo Hội mỗi ngày một tỏ ra như Bí tích cứu rỗi cho thời đại chúng ta, anh em phải thiết lập những huynh đệ đoàn giữa những người nghèo và trong những môi trường đã bị trần tục hoá, và phải xem đó là những phương thế ưu tiên của công cuộc phúc âm hoá.

Điều 88 

Anh em phải cổ võ sự hiệp nhất và cộng tác giữa tất cả thành phần của gia đình Phan Sinh, để Tin Mừng  được loan báo cách hữu hiệu hơn15.

MỤC II

CÁCH THỨC THỰC HIỆN PHÚC ÂM HOÁ

Điều 89 

§ 1Làm chứng bằng đời sống hoặc rao giảng thầm lặng về Nước Thiên Chúa là bước đầu và là cách thức thứ nhất loan báo Tin Mừng16. Ai cũng có thể và phải loan báo Tin Mừng bằng cách này, giáo sĩ cũng như giáo dân17, người thuyết giảng, kẻ cầu nguyện hay lao động, người trẻ và người già, người mạnh khoẻ và kẻ đau ốm18. Như vậy, khi sống đời hèn mọn trong cộng đoàn, anh em tuyên xưng mình là kitô hữu.

§ 2Làm chứng bằng lời nói hoặc rao giảng minh nhiên19 là cách thức thứ hai loan báo Tin Mừng. Cách thức này được thực hiện bởi những ai, bằng lời nói và chức vụ, loan báo danh thánh, giáo lý, đời sống, lời hứa, triều đại và mầu nhiệm Đức Giêsu Nazarét, Con Thiên Chúa.

A. “Sống giữa các dân tộc,
anh em phải tuân phục mọi người
và tuyên xưng mình là Kitô hữu”
(L Ksc 16,6)

Điều 90 

Anh em phải quí trọng đức tin Công giáo là một hồng ân của Thiên Chúa. Cho dẫu người ta có chấp nhận hay không, anh em phải tuyên xưng đức tin của mình cách khiêm tốn, mạnh dạn và hân hoan trước mặt mọi người20.

Điều 91 

Anh em không được tìm kiếm hay nhận lãnh một đặc ân nào cho chính mình hay cho cộng đoàn mình21, ngoài đặc ân hèn mọn. Theo lời thánh Phanxicô dạy, anh em mang lại hoa trái trong Giáo Hội Thiên Chúa, nếu anh em kiên trì ở lại trong bậc sống của ơn gọi mình là những con người hèn mọn22.

Điều 92 

§ 1Sống giữa các kitô hữu, anh em phải xem mình như những người chịu ơn của Thiên Chúa, nên phải làm hết sức mình để mọi người được bền vững trong đức tin chân thật và trong đời hoán cải nhờ mối giây hiệp nhất và bác ái23.

§ 2Khi các dân tộc biểu lộ một khát vọng ngày càng gia tăng được sống và cử hành đức tin theo phương cách thích hợp với những giá trị đặc thù của mình24, anh em phải sẵn sàng góp sức tạo điều kiện thực hiện cuộc hội nhập văn hoá đó25.

Điều 93 

§ 1Với tình bác ái không giả tạo, anh em phải lắng nghe cách kính cẩn những người khác, vui lòng học hỏi những người mà anh em chung sống, đặc biệt hơn nơi những người nghèo là chủ và thầy của chúng ta26. Anh em cũng phải sẵn sàng đối thoại với mọi người27.

§ 2Anh em phải tiếp nhận những hạt giống của Ngôi Lời và sự hiện diện thầm kín của Thiên Chúa trong thế giới hôm nay cũng như trong nhiều yếu tố của các tôn giáo và văn hoá khác28 mà anh em sẽ chuyên tâm học hỏi một cách kính cẩn.

Điều 94 

Anh em phải hết sức coi trọng việc phúc âm hoá các nền văn hoá, nhờ đó các giá trị nhân bản thực sự được phát huy trong mọi lãnh vực đời sống và những tệ đoan gây nguy hại cho nhân phẩm bị loại trừ29.

Điều 95 

§ 1Tinh thần đại kết phải được cổ võ khắp nơi. Nếu hoàn cảnh cho phép, anh em phải tìm kiếm những đường lối và những phương thế cộng tác với tất cả kitô hữu khác30, mà vẫn tuân giữ điều 755 của Giáo luật.

§ 2Bằng sự hiện diện hiền hoà và kính cẩn giữa các tín đồ của những tôn giáo khác, anh em phải làm việc với họ để xây dựng dân tộc mà Thiên Chúa đã tự tạo cho mình31.

§ 3Là môn đệ của thánh Phanxicô và các anh em thừa sai tiên khởi của Dòng, anh em phải luôn tâm niệm rằng mình phải ra đi cách khiêm tốn và sống đạo đức giữa các dân tộc Hồi giáo32: Đối với họ cũng như đối với chúng ta, không có ai là toàn năng ngoài Thiên Chúa33.

Điều 96 

§ 1Hoàn toàn ý thức về tầm quan trọng và tính nghiêm trọng của những vấn đề xã hội, anh em phải nghiêm chỉnh học tập và truyền đạt giáo huấn của Giáo Hội về trật tự xã hội, về gia đình và nhân vị. Với óc phán đoán, anh em phải tìm kiếm những yếu tố văn hoá thuận lợi cho một cuộc đối thoại nhằm đạt tới câu giải đáp của Kitô giáo34.

§ 2Vì phần lớn loài người hiện nay còn phải gánh chịu sự nghèo đói, bất công và áp bức, anh em phải dấn thân với mọi người thiện chí để thiết lập một xã hội công bằng, tự do và hoà bình trong Đức Kitô phục sinh35 và, sau khi xem xét cẩn thận mỗi một hoàn cảnh, anh em phải tham gia vào những công trình phát huy lòng bác ái, nền công lý và tình liên đới quốc tế36.

§ 3 Ngay trong lòng Giáo Hội và Hội Dòng, anh em phải hoạt động cách khiêm tốn và dũng cảm để quyền lợi và phẩm giá của tất cả mọi người được tôn trọng và đảm bảo37.

Điều 97 

§ 1Theo gương thánh Phanxicô, được Chúa dẫn đến giữa những người phung cùi, tất cả và mỗi một anh em phải chọn lựa ưu tiên phục vụ cho những người bên lề, những người nghèo, những người bị áp bức, những người đau khổ và những bệnh nhân38. Anh em hãy vui mừng khi được sống giữa họ39 và phải biểu lộ lòng thương xót đối với họ40.

§ 2 Trong mối hiệp thông huynh đệ với tất cả những kẻ thấp hèn trên trần gian và quan tâm đến những hậu quả hiện tại của thân phận người nghèo41, anh em phải hoạt động thế nào để chính những người nghèo ý thức hơn về nhân phẩm của họ cùng bảo vệ và phát triển nhân phẩm đó42.

Điều 98 

§ 1 Khi gặp gỡ những người có địa vị cao sang, những người quyền thế và giàu có, anh em không được khinh dễ hay xét đoán43, nhưng một cách khiêm tốn anh em phải nhắc nhở cả họ nữa về đời sống hoán cải và về tất cả những của cải mà họ phải hoàn trả cho Thiên Chúa, Đấng luôn luôn hiện diện trong những người nghèo44.

§ 2Theo gương thánh Phanxicô, các Anh Em Hèn Mọn phải đến với những người đang đe doạ sự sống và sự tự do, để trao tặng cho họ Tin Mừng về cuộc hoà giải, sám hối và niềm hy vọng về cuộc sống mới45.

Điều 99 

Đức tin nảy sinh trong lòng con người không phải nhờ những cuộc tranh cãi, nhưng nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, Đấng ban phát các ơn lành cho mỗi người theo ý Người muốn46. Khi người ta không muốn đón nhận chứng từ của anh em, thì anh em phải đặt niềm hy vọng vào kinh nguyện và sự kiên nhẫn. Nếu “anh em không được tiếp nhận, thì hãy trốn đi nơi khác mà sống đời đền tội, với sự chúc lành của Thiên Chúa”47.

B. “Nếu thấy đẹp lòng Chúa,
anh em phải loan báo Lời Thiên Chúa”
(L Ksc 16,8)

Điều 100 

Những anh em được Chúa ban ơn đi rao giảng, thì phải loan báo Tin Mừng  cứu rỗi: dạy dỗ mọi người tôn kính và yêu mến Đấng tạo thành trời đất cùng sống đời hoán cải; phải trình bày mầu nhiệm Đức Kitô một cách toàn vẹn và trung thực48.

Điều 101 

§ 1Những anh em có chức thánh đều được quyền rao giảng khắp nơi, miễn là giữ đúng luật. Những anh em giáo dân nếu được Phục vụ của mình chuẩn nhận, cũng được hưởng quyền rao giảng như thế cho các anh em chúng ta ở mọi nơi, trừ ra bài giảng phụng vụ, và cho cả giáo dân nữa, tùy theo quy định của Hội đồng Giám mục49.

§ 2Các thừa tác viên Lời Chúa và tất cả thần học gia phải được huấn luyện thật chu đáo, để có thể phục vụ tinh thần và sự sống cho kẻ khác50.

§ 3Các Phục vụ của Dòng phải xem xét các ứng sinh thừa tác viên Lời Chúa theo quy định của luật chung hoặc luật riêng. Nếu họ có khả năng thích đáng thì phải chuẩn nhận họ51.

§ 4Để giảng cho anh em trong nhà thờ hay trong nhà nguyện của họ, thì phải có phép của Phục vụ hay của Phụ trách nhà52.

Điều 102 

§ 1Lời rao giảng, nhằm mưu ích và xây dựng cho dân chúng53 phải bắt nguồn từ Kinh Thánh được tiếp nhận trong truyền thống Giáo Hội và trong bối cảnh cuộc sống, với sự quan tâm tới nhu cầu và hoàn cảnh của các dân tộc.

§ 2Để lời rao giảng thực sự mang tính tiên tri, anh em phải nhận diện chúng dưới ánh sáng Phúc âm54.

Điều 103 

§ 1Vì chính Chúa Thánh Thần nói trong tâm hồn những người nghe, anh em phải dùng lời lẽ cân nhắc thanh nhã và ngắn gọn để giảng dạy về các nhân đức và các nết xấu của thời đại ngày nay55.

§ 2Khi thi hành sứ vụ rao giảng, anh em phải nhớ rằng các thính giả thích nghe những chứng nhân hơn là những thầy dạy. Sở dĩ họ nghe các thầy dạy vì các vị này cũng là chứng nhân56. Vậy trước tiên anh em phải rao giảng cho chính mình.

Điều 104 

Trong nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng, anh em phải làm việc cách kiên trì và khiêm tốn, hết lòng tôn trọng lương tâm của mọi người. Anh em phải loại bỏ mọi hình thức chiêu dụ và không được muốn gì khác nơi người nghe ngoài những gì Chúa sẽ ban cho họ57.

Điều 105 

§ 1Những anh em được giao phó sứ vụ rao giảng, phải dấn thân rao giảng Lời Chúa trong các Giáo Hội địa phương với lòng nhiệt thành không mệt mỏi, với sự chu đáo cần thiết và liên tục, tuy nhiên không được làm trái với ý muốn của Giám mục Giáo phận58.

§ 2Theo truyền thống xa xưa của Dòng, anh em phải trợ giúp các Giáo Hội địa phương bằng cách phổ biến Kinh Thánh và đức tin Công giáo với những phương tiện thích đáng, phù hợp với con người và thời đại.

Điều 106 

Anh em phải đặc biệt quan tâm tới việc giảng dạy giáo lý.

Điều 107 

Trong khi rao giảng cho giới bình dân - một sứ vụ rất được quí chuộng vào thời nguyên thủy của Dòng - , các thừa tác viên Lời Chúa phải quan tâm đến những người chất phác, ít học thức, và trình bày chân lý Phúc âm cho họ một cách thích hợp.

Điều 108 

Anh em cũng phải hỗ trợ và cổ võ việc nên thánh của mọi người. Riêng anh em linh mục phải chu toàn nhiệm vụ đó một cách đặc biệt nhờ việc cử hành Bí tích Hoà giải.

Điều 109 

§ 1Anh em hãy sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội vào việc loan báo Tin Mừng và thăng tiến con người. Muốn vậy, anh em phải được chuẩn bị một cách đầy đủ và thích hợp với đoàn sủng và bậc sống của chúng ta. Tuy nhiên anh em không được quên rằng tinh thần hèn mọn mang lại hiệu năng lớn hơn cho việc truyền bá Lời Chúa.

§ 2Để xuất bản những tác phẩm bàn đến những vấn đề tôn giáo và luân lý, anh em phải có phép của Phục vụ59.

Điều 110 

Phần các anh em chuyên viên, nhất là về khoa thần học, vì công trình của họ rất ích lợi cho công cuộc loan báo Tin Mừng, nên các anh em ấy được hưởng trong Dòng chúng ta sự tự do chính đáng để thực hiện việc nghiên cứu và phổ biến các thành quả nhằm thực thi chân lý trong bác ái60, miễn là họ giữ đúng luật lệ và chứng tỏ một sự kính cẩn xứng hợp đối với giáo huấn của Giáo Hội.

MỤC III

VIỆC ĐIỀU PHỐI NHIỆM VỤ PHÚC ÂM HOÁ

Điều 111 

Mọi công việc có khả năng giúp cho Dân Chúa chu toàn nhiệm vụ phúc âm hoá và phù hợp với lối sống huynh đệ và hèn mọn của chúng ta, thì Hội Dòng có thể đảm nhận được.

Điều 112 

§ 1Tu nghị toàn Dòng hoặc Tu nghị Tỉnh Dòng có trách nhiệm nghiên cứu xem hoạt động của Dòng, về phương diện đối tượng chọn lựa, các hình thức hoạt động cụ thể và hiệu lực của việc làm chứng có đáp ứng những đòi hỏi của thời đại hiện tại và các hoạt động phúc âm hoá theo cung cách Phan Sinh hay không, đồng thời xác định đường hướng và phương thế thích hợp để cổ võ công việc tông đồ.

§ 2Những công tác mà anh em đảm nhận, sẽ được quy định qua việc hội ý trong các Tu nghị Cộng đoàn tùy theo nhu cầu thật sự của xã hội, Giáo Hội, Hội Dòng và mỗi anh em; tuy nhiên các Phục vụ và các Phụ trách Cộng đoàn vẫn giữ quyền quyết định và chỉ dẫn phải chọn lựa những công tác nào và phải giao phó cho ai.

Điều 113 

Nội quy Dòng hoặc Nội quy riêng sẽ tiên liệu việc chấp nhận, điều hành, phân bổ và khước từ các thừa tác vụ hay các công tác rao giảng Tin Mừng .

Điều 114 

§ 1Các Hội đồng Giám tỉnh có nhiệm vụ phối hợp những công việc mà các Tỉnh Dòng chấp nhận thực hiện trong tinh thần hợp tác huynh đệ, tuy vẫn giữ sự tự trị của từng Tỉnh Dòng, đồng thời tìm kiếm những hình thức thích hợp cổ võ sự hợp tác đó.

§ 2Các Phục vụ phải sẵn sàng cộng tác một cách hữu ích với các Hội đồng Bề trên thượng cấp để trợ giúp nhau và để tạo những tương quan chặt chẽ với các Hội đồng Giám mục cũng như với mỗi Giám mục, sau hết để phối hợp các công trình và các sinh hoạt một cách tốt đẹp hơn. Các vị cũng phải để cho anh em tham gia vào những chương trình nhằm mục đích phục vụ cho việc đào tạo tu sĩ61.

Điều 115 

§ 1Những anh em làm việc trong các Giáo Hội địa phương, phải sẵn sàng giúp đỡ các Giám mục và các cộng sự viên của các ngài thực hiện những dự phóng mục vụ, nhất là những dự phóng mà anh em biết rõ là phù hợp với đoàn sủng Phan Sinh chúng ta.

§ 2Để huynh đệ đoàn chúng ta mang tính tiên tri trong việc chu toàn nhiệm vụ phúc âm hoá, anh em phải quan tâm sống ơn gọi Phan Sinh qua những hình thức mới mẻ, theo tinh thần của Giáo Hội và trong sự ăn khớp hài hoà với đời sống của huynh đệ đoàn62.

MỤC IV

 PHÚC ÂM HOÁ BẰNG TRUYỀN GIÁO

Điều 116 

§ 1Toàn thể huynh đệ đoàn chúng ta là thừa sai và tham dự vào sứ vụ thừa sai của Giáo Hội theo gương thánh Phanxicô và theo ý muốn mà Người diễn tả trong Luật Dòng63. Vì thế mỗi anh em phải ý thức trách nhiệm của mình và đảm nhận phần việc của mình trong công việc truyền giáo.

§ 2Anh em phải quan tâm thích ứng Hội Dòng với đặc điểm của mỗi dân tộc và nhờ đó làm cho Hội Dòng bén rễ khắp nơi trong thế giới ngay từ đầu. Anh em cũng phải làm cho Dòng chúng ta hội nhập vào các Giáo Hội địa phương64.

Điều 117 

§ 1Trong Dòng chúng ta, được gọi là thừa sai, những anh em nào, do ơn Chúa soi sáng mà muốn hiến thân để thực hiện công cuộc phúc âm hoá bằng truyền giáo và được Phục vụ có thẩm quyền sai đi theo Luật Dòng65.

§ 2Cùng đích của công cuộc phúc âm hoá bằng truyền giáo là đem Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô đến cho những dân tộc hay những lớp người chưa bao giờ được nghe Tin Mừng và giúp đỡ những ai đã đón nhận Tin Mừng xây dựng Giáo Hội địa phương.

§ 3Công cuộc phúc âm hoá bằng truyền giáo vẫn còn cần thiết trong mọi Giáo Hội địa phương, cho đến khi nào các Giáo Hội này được xây dựng toàn vẹn hoặc tìm lại được sức sống nguyên thủy nhờ sử dụng những năng lực và phương thế thích hợp.

Điều 118 

§ 1“Những anh em được Chúa soi sáng muốn đến với các dân ngoại, hãy xin phép Giám tỉnh của mình”66. Vị này có nhiệm vụ xem xét khả năng của họ và hoàn cảnh thuận lợi để sai họ đi67.

§ 2Mỗi anh em phải cổ võ ý thức trách nhiệm thừa sai giữa các Kitô hữu68.

Điều 119 

§ 1Tổng Phục vụ cùng với Ban Cố vấn của ngài có quyền điều khiển và theo dõi công cuộc phúc âm hoá bằng truyền giáo.

§ 2Tổng Phục vụ phải quan tâm đặc biệt tới các anh em thừa sai và công việc thừa sai của Dòng; các Giám tỉnh cũng phải có sự quan tâm như thế trong Tỉnh Dòng mình69.

§ 3Tổng Phục vụ có trách nhiệm cổ võ, tổ chức và phối hợp các dự án và các công tác liên hệ tới hoạt động thừa sai của Dòng theo định hướng của Tổng Tu nghị và Nội quy Dòng.

Điều 120 

§ 1Tổng Phục vụ, với sự ưng thuận của Ban Cố vấn của mình, có quyền nhận cho Dòng những dự án thừa sai mới, do Toà Thánh, hoặc đấng bản quyền đia phương đề nghị, và ký kết những hợp đồng cần thiết70.

§ 2Ngoài ra Nội quy Dòng hoặc Nội quy riêng sẽ tiên liệu những quy định liên quan tới thẩm quyền tiếp nhận các uỷ nhiệm thư và các dự án thừa sai, thẩm quyền sai phái anh em đi làm công tác thừa sai cũng như các chức vụ để cổ võ hoạt động thừa sai của Dòng ở các cấp và dưới nhiều hình thức khác nhau.

Điều 121 

§ 1Các Giám tỉnh phải lo sao cho các anh em thừa sai được huấn luyện đầy đủ, để họ có thể đáp ứng cách hữu hiệu hơn những đòi hỏi của nhiệm vụ tương lai.

§ 2Vì thời buổi biến chuyển và nhiều thay đổi sâu rộng xảy ra trong xã hội, nên các anh em thừa sai phải tự đổi mới để luôn đáp ứng những đòi hỏi của thừa tác vụ. Các Phục vụ có trách nhiệm tiên liệu sao cho tất cả anh em thừa sai tiếp thu được sự đổi mới nhờ những chương trình thường huấn thích hợp71.

MỤC V

THÁNH ĐỊA

Điều 122 

Anh em phải có lòng ưu ái đối với Thánh Địa là nơi đã được thánh hoá bởi đời sống ở trần gian của Con Thiên Chúa và Mẹ nghèo khó của Người và đã được thánh Phanxicô tôn kính. Nơi đó, một cách đặc biệt, anh em phải làm chứng nhân cho Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô và cho triều đại hoà bình của Người.

Điều 123 

§ 1Nhiệm vụ gìn giữ Thánh Địa mà Tòa Thánh giao phó cho Dòng chúng ta, gồm những công việc như sau: coi sóc các nơi thánh, phát huy việc thờ phượng, khích lệ lòng đạo đức của những người hành hương, rao giảng Tin Mừng, làm việc mục vụ theo linh đạo của Dòng, thành lập và quản lý các công trình tông đồ.

§ 2Hạt Dòng Thánh Địa là một thực thể quốc tế do Giám hạt Thánh Địa còn gọi là Phụ trách núi Xion điều hành. Vị này, do Hội đồng Dòng bầu chọn với nhiệm kỳ sáu năm, sẽ coi sóc Thánh Địa với thường quyền theo Hiến chương và Nội quy.

Điều 124 

Anh em phải hết sức quan tâm cổ võ tính chất quốc tế của Thánh Địa cùng với việc hội nhập văn hoá. Mỗi Tỉnh Dòng phải cố gắng luôn luôn có một vài anh em tại đó.

Điều 125 

Tất cả Tỉnh Dòng phải tạo điều kiện thuận lợi cho công việc của các ủy viên của Thánh Địa theo Nội quy Dòng.

Chương VI


“ANH EM PHẢI AO ƯỚC CÓ TINH THẦN CHÚA
VÀ TÁC ĐỘNG THÁNH CỦA NGƯỜI”

L 10,8

MỤC I

NHỮNG NGUYÊN TẮC HUẤN LUYỆN

Điều 126 

Mục đích của nền huấn luyện Phan Sinh là giúp mọi anh em và các ứng sinh đặt mình dưới tác động của Chúa Thánh Thần1 để không ngừng bước theo Đức Kitô trong thế giới của thời đại mình, theo lối sống và Luật Dòng thánh Phanxicô.

Điều 127 

§ 1Việc huấn luyện anh em phải cùng một lúc nhắm tới ba khía cạnh: nhân bản, kitô hữu và Phan Sinh2.

§ 2Việc huấn luyện phải dẫn anh em đạt tới sự trưởng thành đầy đủ về mặt nhân bản. Do đó các thành viên phải được đào tạo thế nào để họ có thể phát huy cách hài hoà các năng khiếu thể lý, tâm lý, luân lý, trí thức3, và có khả năng tham gia tích cực vào đời sống xã hội.

§ 3Để giúp anh em hoán cải mỗi ngày một hơn, và chu toàn các đòi hỏi của Bí tích Thánh tẩy, việc huấn luyện phải mang đặc tính kitô hữu trước tiên, nhất là phải trau dồi mối tương quan với Thiên Chúa, với anh em đồng loại và các tạo vật khác, đồng thời phát huy cảm thức về sự hiệp thông Giáo Hội, về tinh thần đại kết và công việc tông đồ4.

§ 4Nhiệm vụ đặc biệt của nền huấn luyện trong Dòng là giúp anh em hiểu biết và thực nghiệm đời sống Phúc âm theo cung cách Phan Sinh và tập cho mình quen với cách sống huynh đệ, hèn mọn, nghèo khó và lao động, đồng thời nắm vững quan niệm của Dòng về sứ mạng thừa sai và công cuộc phúc âm hoá5.

Điều 128 

Nền huấn luyện Phan Sinh phải mang tính cách toàn diện; do đó không những phải chú trọng đến mọi phương diện của con người mà còn phải chú trọng đến cả từng khía cạnh trong ơn gọi của con người đó, nhất là mối tương quan năng động giữa chiều kích cá nhân và chiều kích xã hội6.

Điều 129 

§ 1Khi làm công tác huấn luyện, nói cụ thể hơn: khi xây đắp những mối tương quan huynh đệ bằng việc đồng hành với từng người và bằng đối thoại, anh em phải hết sức trân trọng huyền nhiệm Thiên Chúa ẩn tàng trong mỗi một con người, với những ân huệ Thiên Chúa ban cho từng người7.

§ 2Để đạt được một nền huấn luyện thích hợp và vững chắc, cần phải khơi dậy và vun trồng ý thức trách nhiệm nơi mỗi anh em, hướng dẫn họ học cách sử dụng quyền tự do với sự khôn ngoan cần thiết, và hành động với tinh thần tự giác và nhiệt thành trong Huynh đệ đoàn8, đồng thời phát huy nơi họ khả năng nhận định và phê phán các sự việc9.

Điều 130 

Môi trường huấn luyện phải là đúng nghĩa và xác thực, trong đó không thể thiếu bầu khí gia đình giữa anh em10. Ngoài ra, phải tính đến thực tế cụ thể của mỗi nền văn hoá và thời đại mà mình đang sống11.

Điều 131 

§ 1Nền huấn luyện của chúng ta phải cởi mở để sẵn sàng đón nhận những lối sống và những cách thức phục vụ mới mẻ hơn được gợi hứng bởi quan điểm Phan Sinh về thế giới và con người12.

§ 2Nếu có điều kiện thuận lợi về phương diện không gian và sự việc, nền huấn luyện của chúng ta cũng phải cởi mở để hợp tác với những thành viên khác trong gia đình Phan Sinh, nhằm xây dựng một chương trình chung13.

Điều 132 

Để anh em có thể sống đúng theo các đòi hỏi của sự hiệp thông huynh đệ, của việc dấn thân phục vụ con người và tinh thần liên đới với người nghèo, nền huấn luyện phải tạo điều kiện cho anh em từng bước tập tự chủ bằng sự từ bỏ mình theo gương Chúa Kitô14. Do đó, kỷ luật phải được coi là một yếu tố cần thiết của nền huấn luyện toàn diện15.

Điều 133 

Nền huấn luyện trong Dòng phải mang tính cách hữu cơ, tiệm tiến, và thống nhất. Để đạt được điều đó, Nội quy Dòng và Nội quy riêng của các Tỉnh Dòng sẽ quy định những phương thế thích hợp, những chức vụ và nhiệm vụ.

Điều 134 

Tổng Phục vụ với Ban Tổng Cố vấn có thẩm quyền điều khiển và chăm chú theo dõi nền huấn luyện trong Dòng.

MỤC II

HUẤN LUYỆN THƯỜNG XUYÊN

Điều 135 

Việc huấn luyện thường xuyên của anh em là một hành trình kéo dài suốt cuộc đời trong phạm vi cá nhân cũng như cộng đoàn. Trong hành trình đó, các tiềm năng của mỗi người, đời sống chứng tá Phúc âm và sự lựa chọn ơn gọi, phát triển liên tục, theo gương thánh Phanxicô, là người đã không ngớt mời gọi chúng ta luôn luôn bắt đầu lại cho tốt hơn nữa16.

Điều 136 

Chương trình huấn luyện thường xuyên phải xây nên trên linh đạo Phan Sinh, phải luôn luôn tính đến mọi chiều kích trong đời sống của người Anh Em Hèn Mọn, và phải tạo điều kiện thuận lợi cho anh em tiến triển về phương diện cá nhân, tinh thần, học thuyết, nghề nghiệp và thừa tác vụ17.

Điều 137 

§ 1Mỗi anh em, trong tư cách người chịu phần trách nhiệm cuối cùng và quyết định, có bổn phận chăm lo và theo đuổi việc huấn luyện thường xuyên của mình18.

§ 2Chính huynh đệ đoàn là trung tâm huấn luyện thường xuyên đầu tiên. Do đó mỗi anh em, nhất là Phụ trách, có nhiệm vụ lo liệu cho đời sống thường nhật của Huynh đệ đoàn có tác dụng huấn luyện19.

§ 3Tất cả Phục vụ và các Phụ trách, với sự hỗ trợ của các Tu nghị thuộc các cấp liên hệ, có nhiệm vụ linh hoạt và tổ chức việc huấn luyện thường xuyên, đồng thời cung cấp những phương tiện cần thiết theo Nội quy20.

MỤC III

NHỮNG ANH EM LÀM CÔNG TÁC HUẤN LUYỆN

Điều 138 

Mọi anh em đều có trách nhiệm đối với việc huấn luyện. Nhưng trước tiên đó là trách nhiệm của Tổng Phục vụ đối với toàn Dòng, và của các Phục vụ khác đối với các Tỉnh Dòng và các đơn vị tương đương.

Điều 139 

§ 1Để thiết lập một nền huấn luyện thích hợp, huynh đệ đoàn Tỉnh Dòng phải ý thức rằng mình là một Cộng đoàn huấn luyện, trong mức độ gương sáng đời sống của tất cả anh em thuộc Tỉnh Dòng mang một tầm quan trọng rất lớn để phát huy các giá trị Phan Sinh nơi mọi người.

§ 2Vì tầm quan trọng của chức vụ, những anh em làm công tác huấn luyện trong Tỉnh Dòng, trong phạm vi huấn luyện thường xuyên cũng như mục vụ ơn gọi và huấn luyện khởi đầu, là những người được chỉ định rõ ràng theo Nội quy. Những người được tuyển chọn vào nhiệm vụ quan trọng và đầy trách nhiệm này phải là những anh em có khả năng thích đáng và đặc biệt chín chắn trong đời sống Phan Sinh.

Điều 140 

§ 1Huynh đệ đoàn của một nhà huấn luyện mang tầm quan trọng to lớn đối với việc huấn luyện khởi đầu. Vì thế, huynh đệ đoàn ấy phải quy tụ những anh em có ý thức về trách nhiệm của mình đối với việc huấn luyện và góp phần hữu hiệu để cho anh em thụ huấn được hướng dẫn vào đời sống Phan Sinh21.

§ 2Tất cả anh em thuộc nhà huấn luyện đều chịu trách nhiệm về việc huấn luyện khởi đầu, nhưng theo nghĩa hẹp, trách nhiệm đó là của Giám sư hoặc Viện trưởng và của Ban Huấn luyện, nếu có. Nếu có Ban Huấn luyện này, thì mỗi thành viên sẽ đóng góp phần mình theo quy định của Nội quy.

§ 3Tại một nhà huấn luyện, Giám sư hoặc Viện trưởng điều hành toàn bộ công việc huấn luyện, cùng với anh em trong cộng đoàn, nhất là với Ban Huấn luyện nếu có, và phối hợp các sinh hoạt huấn luyện, nhưng phải để ý tới vị trí của Phụ trách với nhiệm vụ tổ chức đời sống của cả huynh đệ đoàn cho có trật tự.

Điều 141 

§ 1Người làm công tác huấn luyện phải đồng hành với từng người thụ huấn trong cuộc hành trình qua mọi giai đoạn của chương trình huấn luyện khởi đầu22.

§ 2Những người làm công tác huấn luyện phải quan tâm hướng dẫn cho người thụ huấn tích cực tham gia vào việc huấn luyện của mình, bằng một sự hiệp thông rất chặt chẽ trong tinh thần và trong hành động23.

Điều 142 

Hội Dòng và Tỉnh Dòng, theo Nội quy riêng,  phải hoạch định các chương trình để chuẩn bị những người làm công tác huấn luyện và các giáo sư, phải tiên liệu cho họ được hưởng sự huấn luyện thường xuyên, đồng thời cung cấp cho họ những phương tiện cần thiết để họ có thể chu toàn nhiệm vụ giao phó24.

Điều 143 

Những anh em được bổ nhiệm làm công tác huấn luyện trong Dòng, trong các Tỉnh Dòng và trong mỗi vùng có Hội đồng Giám tỉnh, phải hội họp để cùng nhau lượng định kinh nghiệm riêng của mỗi người, tạo điều kiện hợp tác với nhau và cổ võ một đường hướng duy nhất dựa trên những tiêu chuẩn chung25.

MỤC IV

MỤC VỤ ƠN THIÊN TRIỆU

Điều 144 

Tất cả anh em, nhất là những anh em làm mục vụ ơn thiên triệu, phải tác động trên Dân Chúa để làm cho họ ý thức bổn phận của mình đối với ơn gọi của tất cả mọi người, và phải giúp đỡ những ai đến với chúng ta và hướng dẫn cho họ biết đưa dự phóng riêng của mình vào trong chương trình xây dựng Nước Chúa26.

Điều 145 

§ 1Khi chính anh em cũng nhận thức được sự thu hút của thánh Phanxicô, thì phải quan tâm trình bày cho mọi người thấy lối sống của người và các giá trị của lối sống đó như là yếu tố cốt yếu của ơn gọi chúng ta và phải sống các giá trị đó một cách nhiệt tình, trung thực, vui tươi thế nào để họ có thể chọn lựa và cũng chia sẻ đời sống này với anh em27.

§ 2Tất cả Huynh đệ đoàn và mỗi một anh em đều có trách nhiệm cổ võ và nâng đỡ các ơn gọi mới28.

§ 3Mục vụ ơn thiên triệu được tiến hành trong sự hiệp thông với những người cổ động ơn gọi trong các Giáo Hội địa phương, nhất là những người cổ động khác của gia đình Phan Sinh29.

Điều 146 

§ 1Mầm mống ơn gọi nơi những người có triển vọng gia nhập gia đình Phan Sinh phải được chăm sóc chu đáo trong gia đình của họ hoặc trong các chủng viện của chúng ta hoặc trong những tổ chức khác30.

§ 2Sự chăm sóc nói trên phải nhằm mục đích vun trồng và phát huy nơi các ứng sinh sự trưởng thành về phương diện nhân bản, nhất là phương diện Kitô hữu31.

Điều 147 

Nội quy sẽ quy định cách linh hoạt và phối hợp mục vụ ơn thiên triệu.

MỤC V

HUẤN LUYỆN KHỞI ĐẦU

Điều 148 

§ 1Huấn luyện khởi đầu bắt đầu từ ngày ứng sinh được nhận vào giai đoạn Thỉnh tu trong Dòng chúng ta và kéo dài đến ngày ứng sinh quyết định dấn thân dứt khoát bằng lời khấn trọng thể.

§ 2Huấn luyện khởi đầu trong Dòng chúng ta gồm ba giai đoạn: Thỉnh tu, Tập viện và thời gian Khấn tạm.

Điều 149 

Thỉnh tu là thời gian ứng sinh xin nhận đời sống của chúng ta với ý định chuẩn bị cách thích đáng để vào Tập viện, và cũng là thời gian Huynh đệ đoàn Tỉnh Dòng cân nhắc câu trả lời và việc nhận ứng sinh vào Tập viện, sau khi hai bên đã hiểu biết nhau đầy đủ32.

Điều 150 

Để đạt các mục tiêu của giai đoạn Thỉnh tu, ứng sinh phải được các anh em giúp đỡ trong việc tự biết mình, việc bổ túc giáo lý căn bản, nếu cần, việc xác định những động lực sâu xa của ơn gọi, từng bước học tập và thể nghiệm đời sống Phan Sinh33.

Điều 151 

Nội quy Dòng và Nội quy riêng sẽ quy định các quy tắc liên quan đến việc tiếp nhận, thời gian, các hình thức và chương trình huấn luyện của giai đoạn Thỉnh tu, miễn là giữ đúng luật34.

Điều 152 

Tập viện là giai đoạn khởi đầu đời sống trong Dòng, là thời kỳ huấn luyện cao độ, được tổ chức thế nào để: các Tập sinh hiểu biết và thực nghiệm lối sống của thánh Phanxicô, trí tuệ và trái tim họ thấm nhuần cách sâu xa hơn tinh thần của ngài, và Hội Dòng xác định cách chắc chắn hơn nữa ơn gọi của họ, cũng như kiểm chứng ý định và tư cách thích đáng của họ35.

Điều 153 

§ 1Để hiểu biết đời sống Phan Sinh sâu xa hơn, các Tập sinh phải chuyên chú học hỏi Luật Dòng và các Tác phẩm khác của thánh Phanxicô, các nguồn Phan Sinh, Hiến chương, Nội quy Dòng, Nội quy Tỉnh Dòng, lịch sử Hội Dòng và Tỉnh Dòng36.

§ 2Để thực nghiệm đời sống Phan Sinh xâu xa hơn, các Tập sinh phải chuyên chú thực tập đời sống chiêm niệm, hoán cải, nghèo khó, huynh đệ, lao động và khiêm tốn phục vụ những người nghèo của thời đại chúng ta. Điều đó phải được thực hiện trong hoặc ngoài trung tâm huấn luyện, chiếu theo Nội quy37.

Điều 154 

§ 1Các Tập sinh phải được huấn luyện cách toàn diện, sao cho trong tiến trình huấn luyện, họ tham dự cách tiệm tiến và tích cực vào đời sống Giáo Hội địa phương và đời sống xã hội38.

§ 2Để hoàn thiện việc huấn luyện các Tập sinh, các Phục vụ có thể quy định, chiếu theo Nội quy, những khoảng thời gian thực tập tông đồ bên ngoài cộng đoàn Tập viện, miễn là giữ đúng luật và thời kỳ tập tu không vượt quá hai năm39.

Điều 155 

Phải tuân giữ mọi điều luật chung và luật riêng quy định về các phương diện sau đây của Tập viện: việc nhận ứng sinh vào Tập viện, việc huấn luyện Tập sinh, việc thải hồi Tập sinh, nơi chốn của Tập viện, thời hạn Tập viện, việc quản trị Tập viện, và điều kiện thành sự của thời kỳ tập tu40.

Điều 156 

§ 1Khi mãn thời kỳ tập tu, nếu được xét là có khả năng thích đáng, Tập sinh phải được nhận khấn tạm. Chính lời khấn này tháp nhập Tập sinh vào Hội Dòng41.

§ 2Việc nhận cho một Tập sinh tuyên khấn lần đầu thuộc thẩm quyền Giám tỉnh. Để quyết định của mình thành sự, Giám tỉnh phải xin Ban Cố vấn Tỉnh Dòng đầu phiếu tư vấn42.

§ 3Phải tuân giữ mọi điều luật chung và luật riêng quy định về thời gian và các điều kiện của việc khấn tạm43.

Điều 157 

Giai đoạn Khấn tạm là thời gian kiện toàn việc huấn luyện để hướng dẫn anh em đi vào đời sống đặc thù của Dòng cách toàn vẹn hơn và chu toàn sứ mạng của Dòng cách thích đáng hơn, và cũng là thời gian anh em chuẩn bị tuyên khấn trọng thể44.

Điều 158 

§ 1Các anh em Khấn tạm phải tiếp tục chương trình huấn luyện đặc biệt về tinh thần Phan Sinh với tất cả mọi khía cạnh của nó, về phương diện lý thuyết cũng như thực hành – và nếu thuận tiện, sẽ tổ chức chung với những thành viên khác của gia đình Phan Sinh45.

§ 2Chương trình huấn luyện này phải dành cho mọi anh em, theo Nội quy Dòng và Nội quy riêng, trong đó phải quy định các điều kiện, thời gian và các nguyên tắc.

Điều 159 

§ 1Khi mãn thời hạn khấn tạm theo luật định, nếu anh em tự ý làm đơn xin và được xét là có khả năng thích đáng thì anh em phải được nhận cho tuyên khấn trọng thể và tức khắc được tháp nhập vĩnh viễn vào Hội Dòng46.

§ 2Giám Tỉnh có thẩm quyền chấp nhận cho anh em khấn trọng thể. Để việc chấp nhận cho khấn thành sự, Giám tỉnh phải xin Ban cố vấn Tỉnh Dòng bỏ phiếu tư vấn. 

§ 3Phải tuân giữ mọi điều luật chung và luật riêng quy định về thời gian và các điều kiện của việc tuyên khấn trọng thể47.

MỤC VI

NHỮNG KHÍA CẠNH KHÁC CỦA VIỆC HUẤN LUYỆN

 

A. Huấn luyện giáo thuyết, chuyên môn và kỹ thuật

Điều 160 

§ 1Mọi anh em phải được huấn luyện cách thích hợp về triết học, thần học, mục vụ, các khoa học hay chuyên môn tùy theo khả năng mỗi người để họ có thể phục vụ cách tốt đẹp hơn cho công cuộc xây dựng Nước Thiên Chúa48.

§ 2Quy chế huấn luyện sẽ quy định chương trình huấn luyện này.

Điều 161 

Để Hội Dòng có thể chu toàn sứ mạng của mình sâu sát hơn, mỗi Tỉnh Dòng không những phải lo sao cho anh em được huấn luyện về tinh thần Phan Sinh, mà còn phải tận tình tạo điều kiện cho anh em trau dồi kiến thức về các khoa học và nghề nghiệp, tùy theo nhu cầu của Giáo Hội, Hội Dòng, Tỉnh Dòng và dựa vào ơn làm việc Chúa ban cho mỗi anh em49.

Điều 162 

Mọi anh em phải hết sức chuyên cần học tập, mỗi người tùy theo tình cảnh của mình; như thế, với tinh thần cởi mở trước những tiến bộ của khoa học và kỹ thuật, anh em được trang bị đầy đủ để loan báo Tin Mừng và đáp ứng lại với nền văn hoá của thời đại chúng ta281.

 

B. Huấn luyện hướng tới các thừa tác vụ

Điều 163 

Những anh em được kêu gọi lãnh nhận một thừa tác vụ nào thì phải được huấn luyện qua các khoá học cần thiết và qua việc thực tập, về phương diện thiêng liêng hay mục vụ, miễn là giữ đúng luật50.

Điều 164 

Việc huấn luyện hướng đến các thừa tác vụ và các chức thánh phải thấm nhuần tinh thần Phan Sinh để khi thi hành chức vụ, anh em sống trung tín với tinh thần này51.

Điều 165 

Việc chấp thuận cho anh em lãnh nhận các thừa tác vụ và các chức thánh thuộc thẩm quyền Giám tỉnh của họ, miễn là giữ đúng luật52.

 

MỤC VII

CỔ VÕ HỌC VẤN TRONG HỘI DÒNG

Điều 166 

§ 1Các môn học Phan Sinh, trong lãnh vực triết học cũng như thần học, phải được Hội Dòng và các Tỉnh Dòng đặc biệt quan tâm cổ võ và trau dồi.

§ 2Phải hết sức quan tâm đến việc đào tạo những giáo sư chuyên môn về linh đạo, lịch sử Phan Sinh, triết học và thần học, để họ có thể thông ban tinh thần và sự sống theo đường hướng của thánh Phanxicô và các bậc thầy khác của Dòng53.

Điều 167 

§ 1Dòng Anh Em Hèn Mọn có quyền và bổn phận có những học viện riêng, đặt dưới sự điều hành của Trung ương, hoặc của Tỉnh Dòng, hoặc những Học viện liên Tỉnh Dòng và cả những Học viện chung giữa các nhánh Phan Sinh54.

§ 2Dòng Anh Em Hèn Mọn có quyền và bổn phận có những Học viện riêng để chuẩn bị cho các ứng sinh hướng tới chức thánh, và có những trường cao đẳng riêng chuyên về các khoa học tôn giáo.

§ 3Các Học viện trong Dòng phải tuân giữ các quy định của luật chung và luật riêng55.

Chương VII

“ANH EM BUỘC PHẢI VÂNG PHỤC

TU SĨ PHANXICÔ
VÀ NHỮNG NGƯỜI KẾ VỊ NGÀI”

L 1, 3

Cơ cấu tổ chức của Dòng,

việc điều hành Dòng và quản trị tài sản

PHẦN I

CƠ CẤU TỔ CHỨC DÒNG
VÀ NHỮNG NGUYÊN TẮC TỔNG QUÁT
VỀ VIỆC ĐIỀU HÀNH

MỤC I

CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA DÒNG

Điều 168 

Dòng Anh Em Hèn Mọn gồm những anh em được sáp nhập vào những Tỉnh Dòng, Hạt Dòng hoặc Cơ sở dòng và được đặt dưới quyền quản trị của Tổng Phục vụ với sự hỗ trợ của Ban Tổng Cố vấn, theo luật chung và luật riêng.

Điều 169 

§ 1Tỉnh Dòng là đơn vị nền tảng cho đời sống và sứ mạng của Dòng, gồm những anh em đã được sáp nhập vào chính Tỉnh Dòng đó, được tụ họp trong những Nhà dòng và được đặt dưới quyền quản trị của Giám tỉnh với sự hỗ trợ của Ban Cố vấn Tỉnh Dòng, theo luật chung và luật riêng.

§ 2Riêng Tỉnh Dòng có những nơi Thánh mang dấu vết của Chúa Cứu Thế thì theo truyền thống được gọi là Tỉnh Dòng Thánh Địa. Tính cách đặc biệt của Tỉnh Dòng này được quy định trong Nội quy riêng.

Điều 170 

§ 1Việc thiết lập, phân chia, kết hợp và giải thể các Tỉnh Dòng thuộc thẩm quyền Tổng Phục vụ với sự ưng thuận của Ban Tổng Cố vấn1.

§ 2Một đơn vị có thể được thiết lập thành Tỉnh Dòng mới nếu, theo sự thẩm định của Hội đồng Dòng, đơn vị ấy hội đủ mọi yếu tố cần thiết để được thiết lập thành Tỉnh Dòng, để có thể sống tự lập và chu toàn sứ mạng của Hội Dòng theo Hiến chương này và Nội quy Dòng.

Điều 171 

§ 1Trong hoàn cảnh đặc biệt và căn cứ vào đề nghị của Hội đồng Tỉnh Dòng có liên quan, một số các Nhà dòng hoặc các nhóm anh em thuộc một hoặc nhiều Tỉnh Dòng khác nhau có thể được Tổng Phục vụ thiết lập thành một Hạt Dòng, tự trị hoặc không tự trị, sau khi tham khảo ý kiến các bên liên hệ và được sự ưng thuận của Ban Tổng Cố vấn. Đứng đầu Hạt Dòng là một Giám hạt. 

§ 2Hạt Dòng tự trị là một đơn vị chưa được thiết lập thành Tỉnh Dòng thực thụ do hoàn cảnh đặc biệt, nhưng vẫn được kể như ngang hàng với Tỉnh Dòng, trừ khi luật quy định minh nhiên thể khác. Vì thế, tất cả những quy định của Hiến chương liên quan tới Tỉnh Dòng và việc quản trị Tỉnh Dòng cũng được áp dụng cho Hạt Dòng tự trị và việc quản trị Hạt Dòng.

Điều 172 

Việc thiết lập những đơn vị khác nhằm đáp ứng nhu cầu đời sống và sinh hoạt của Dòng sẽ phải tuân theo các quy định của Nội quy Dòng.

MỤC II

CÁC CẤP QUYỀN BÍNH TRONG DÒNG
VÀ CÁC CHỨC VỤ

Điều 173 

Quyền bính tối cao của toàn Dòng thuộc về Tổng Tu Nghị, của Tỉnh Dòng thuộc về Tu Nghị Tỉnh Dòng, của Hạt Dòng thuộc về Tu Nghị Hạt Dòng, theo Hiến Chương của những thực thể này2.

Điều 174         

Các Bề Trên thượng cấp trong Dòng là: Tổng Phục vụ, Giám tỉnh, Giám tỉnh Thánh Địa, Giám hạt của Hạt Dòng tự trị và những người đại diện các ngài3.

Điều 175 

§ 1Tổng Phục vụ có thường quyền trên tất cả và mỗi một anh em, cũng như trên các Tỉnh Dòng và Nhà dòng. Ngài thi hành quyền bính ấy một mình hoặc với Ban Tổng Cố vấn hay với Hội đồng Dòng mở rộng, theo luật chung và luật riêng4.

§ 2Giám tỉnh, và Giám hạt của Hạt Dòng tự trị có thường quyền để quản trị Tỉnh Dòng hoặc Hạt Dòng, một mình hoặc với Ban Cố vấn liên hệ, theo luật chung và luật riêng của Hội Dòng5.

§ 3Phụ trách có thường quyền để quản trị Nhà dòng một mình hoặc với Tu nghị cộng đoàn, và, trong những trường hợp do luật quy định, với Ban Cố vấn cộng đoàn, nếu có, theo những quy định của Hiến Chương và Nội Quy.

Điều 176 

§ 1Khi luật chung hoặc luật riêng đòi buộc phải có sự ưng thuận của Ban Cố vấn, thì hành vi của Tổng Phục vụ hoặc Giám tỉnh sẽ bất thành nếu làm ngược lại với kết quả bỏ phiếu của Ban Cố vấn Dòng hoặc Tỉnh Dòng; hành vi của Phụ trách cũng bất thành nếu làm ngược lại với kết quả bỏ phiếu của Tu nghị cộng đoàn hoặc Ban Cố vấn cộng đoàn.

§ 2Nếu luật chỉ đòi buộc ý kiến tư vấn mà thôi thì các Phục vụ (cấp Dòng và Tỉnh Dòng) buộc phải xin ý kiến tư vấn của Ban Cố vấn của mình và các Phụ trách phải xin ý kiến tư vấn của Tu nghị cộng đoàn hoặc Ban Cố vấn cộng đoàn, mới có thể hành động thành sự, tuy nhiên không buộc phải làm theo ý kiến đó, nếu mình thấy phải quyết định thể khác. Trong trường hợp cấp bách, việc xin ý kiến tư vấn cũng có thể được thực hiện bằng sự tiếp xúc với từng người riêng rẽ và bằng thư tín hoặc những phương tiện truyền thông xã hội khác6.

Điều 177 

Ngay cả những khi luật không đòi buộc phải có sự ưng thuận hoặc ý kiến tư vấn, thì các Phục vụ và các Phụ trách cũng phải sẵn lòng lắng nghe anh em trong những vấn đề liên can tới cả Huynh đệ đoàn và mặc dầu các ngài có quyền quyết định trong những trường hợp đó, các ngài cũng không nên dễ dàng làm khác với ý kiến thống nhất của anh em7.

Điều 178 

§ 1Các chức vụ quản trị trong Dòng là: Tổng Phục vụ, Phó Tổng Phục vụ, các Tổng Cố vấn, Tổng Kinh lược và Tổng Uỷ, Giám tỉnh, Phó Giám Tỉnh, các Cố vấn Tỉnh Dòng, Giám hạt, Phó Giám hạt và các Cố vấn Hạt Dòng Thánh Địa, các Phụ trách, các Phó Phụ trách và các Cố vấn cộng đoàn.

§ 2Các chức vụ khác không thuộc diện chức vụ quản trị nhưng là những chức vụ theo nghĩa rộng hoặc nhiệm vụ.

§ 3Tất cả mọi chức vụ đều được trao phó theo luật chung và luật riêng.

Điều 179 

Giám tỉnh và những anh em giữ chức vụ ở cấp Tỉnh Dòng không thể cùng một lúc đảm nhận chức vụ của Trung ương Dòng.

Điều 180 

Anh em không được nhận bất cứ chức vụ hoặc nhiệm vụ nào bên ngoài Dòng, mà trước đó không tham khảo ý kiến của Huynh đệ đoàn và không được sự chấp thuận của Phục vụ hoặc của Phụ trách.

MỤC III

VIỆC TRAO PHÓ, THI HÀNH
VÀ CHẤM DỨT NHIỆM VỤ

Điều 181 

§ 1Các chức vụ và nhiệm vụ trong Dòng được trao phó bằng những cách sau đây: bầu cử, nhưng cuộc bầu cử phải được xác nhận cách hợp lệ; thỉnh cử, nhưng cuộc thỉnh cử phải được Tổng Phục vụ chấp nhận với sự ưng thuận của Ban Tổng Cố vấn, theo quy tắc của luật; hoặc bổ nhiệm, nhưng trước khi bổ nhiệm, phải tiến hành cách thích hợp một cuộc tham khảo ý kiến8.

§ 2Trong Dòng có 3 cách bầu cử: bằng lá phiếu, bằng hạt đậu, bằng lời nói diễn tả sự đồng ý.

§ 3Bầu cử thông thường là Tu nghị hoặc Đại hội hậu Tu nghị. Bầu cử ngoại thường là Hội đồng Dòng hoặc Hội đồng Tỉnh Dòng, theo Hiến chương và Nội quy.

§ 4Anh em, trong tinh thần đồng trách nhiệm và phục vụ Huynh đệ đoàn, phải chấp nhận việc đắc cử vào các chức vụ được kể ra tại điều 1789.

Điều 182 

Tất cả mọi anh em khấn trọng đều có thể giữ các chức vụ và nhiệm vụ trong Dòng, miễn là hội đủ các điều kiện cần thiết và có được những đức tính do luật chung của Giáo Hội và luật riêng của Dòng quy định.

Điều 183 

§ 1Để việc trao phó chức vụ Tổng Phục vụ thành sự, ứng viên phải là một anh em đã khấn trọng thể ít nhất được mười năm; đối với các chức vụ quản trị khác ở cấp toàn Dòng và các chức Bề trên thượng cấp, ứng viên phải là những anh em đã khấn trọng thể ít nhất được năm năm10.

§ 2Các chức vụ khác phải được trao phó theo quy định của Nội quy, nhưng vẫn giữ đúng luật chung.

Điều 184 

§ 1Nếu luật không quy định thể khác, thì người do Tu nghị hoặc Hội đồng bầu chọn không được thi hành quyền bính trước khi được vị chủ toạ cuộc bầu cử xác nhận. Vị chủ toạ phải xác nhận ngay người đắc cử hợp lệ, nếu xét thấy người đó có tư cách xứng hợp và không thấy có lý do chính đáng nào chống lại việc xác nhận.

§ 2Nếu việc xác nhận thuộc thẩm quyền vị chủ toạ và chính vị này đắc cử vào một chức vụ, thì trong trường hợp đó vị niên trưởng của đoàn cử tri, tính từ ngày khấn lần đầu, sẽ xác nhận người đắc cử.

Điều 185 

§ 1Các Phục vụ và các Phụ trách phải thi hành quyền bính cách khiêm tốn như làm công việc phục vụ anh em, phải sẵn lòng lắng nghe Thánh ý Chúa trong khi chu toàn nhiệm vụ, phải coi sóc anh em của mình như những người con của Chúa, phải cổ võ sự vâng phục tự nguyện từ phía họ và kính trọng nhân vị của họ11.

§ 2Tất cả những anh em nào thi hành một chức vụ hoặc một nhiệm vụ phải luôn luôn nhớ rằng mình phải giữ bí mật do bản chất sự việc đòi hỏi phải giữ kín hoặc do kẻ khác ký thác cho mình.

Điều 186 

§ 1Khi bắt đầu chức vụ, các Phục vụ buộc phải đích thân đọc bản tuyên xưng đức tin theo công thức đã được Toà Thánh phê chuẩn12.

§ 2Các Phục vụ phải tuyên xưng đức tin trước mặt Tổng Tu nghị hoặc Tu nghị Tỉnh Dòng hay Tu nghị Hạt Dòng tùy trường hợp, hoặc trước mặt vị chủ toạ của Tu nghị hay Đặc phái viên của ngài. Nếu các Phục vụ được bổ nhiệm, phải đọc bản tuyên xưng đức tin trước mặt người đã bổ nhiệm mình hay trước mặt vị Đặc phái viên của người đó.

Điều 187 

§ 1Các chức vụ chấm dứt khi hết hạn thời gian quy định;  người có chức xin từ chức và lời xin đó được quyền bính có thẩm quyền chấp nhận; người có chức được chuyển bổ sang một chức vụ khác; người có chức bị giải nhiệm; người có chức bị cách chức. Trong tất cả những trường hợp trên, phải luôn giữ đúng luật chung và luật riêng13.

§ 2Một chức vụ cũng có thể chấm dứt khi người có chức nhận một chức vụ khác ở trong hoặc ngoài Dòng mà không thể đi đôi với chức vụ trước được.

 

PHẦN II

QUẢN TRỊ CẤP DÒNG

MỤC IV

TỔNG TU NGHỊ

Điều 188 

Tổng Tu nghị phải là dấu chỉ đích thực của sự hiệp thông huynh đệ trong toàn Dòng. Tổng Tu nghị có nhiệm vụ: nghiên cứu và bảo toàn gia sản và đời sống của Dòng, xác định những đường lối và phương thế làm cho Dòng tăng trưởng, cổ võ cuộc canh tân thích nghi Dòng, làm ra luật lệ riêng của Dòng, bầu cử Ban lãnh đạo cấp cao nhất của Dòng, gồm có Tổng Phục vụ, Phó Tổng Phục vụ và các Tổng Cố vấn, và giải quyết những vấn đề quan trọng khác của Dòng14.

Điều 189 

§ 1Tổng Tu nghị phải khuôn theo Hiến chương này và Nội quy cũng như các Điều lệ do Tổng Tu nghị phê chuẩn mà vẫn phải giữ đúng Luật chung.

§ 2Nội quy sẽ quy định cách thức triệu tập và tiến hành Tu nghị và quy định những điểm khác xét là cần thiết và thích hợp15.

§ 3Tất cả mọi anh em có thể gởi tới Tổng Tu nghị những ý kiến của mình về các vấn đề có liên quan tới lợi ích của Dòng16.

Điều 190 

§ 1Tổng Tu nghị thường lệ phải được cử hành sáu năm một lần vào dịp lễ Hiện Xuống, tại địa điểm do Tổng Phục vụ ấn định sau khi tham khảo ý kiến của Hội đồng Dòng mở rộng.

§ 2Tổng Phục vụ có thể triệu tập một Tổng Tu nghị bất thường, sau khi được sự ưng thuận của Ban Tổng Cố vấn và đã tham khảo ý kiến các Chủ tịch của các Hội đồng Giám tỉnh. Tổng Tu nghị này cũng có thể tiến hành bầu cử những chức vụ thuộc thẩm quyền bầu cử của Tổng Tu nghị, mà lúc đó đang khuyết vị.

Điều 191 

§ 1Phải xin Toà Thánh cử một Đặc phái viên đến chủ toạ phiên họp bầu cử Tổng Phục vụ. Nếu Toà Thánh không cử ai, thì chính Tổng Tu nghị đầu phiếu bầu cử một người trong đoàn cử tri làm vị chủ toạ.

§ 2Tại phiên họp khác, Tổng Phục vụ sẽ chủ toạ Tổng Tu nghị. Nếu ngài vắng mặt, thì vị nào đã được sách Điều lệ Tổng Tu nghị tiên liệu để thay thế ngài, sẽ chủ toạ.

Điều 192 

Những vị sau đây buộc phải đến dự Tổng Tu nghị với tính cách cử tri:

1. Tổng Phục vụ, Phó Tổng Phục vụ, các Tổng Cố vấn và Tổng Thư ký;

2. Các Giám tỉnh và Giám tỉnh Thánh Địa; nếu các ngài mắc ngăn trở, thì các vị Phó thay thế; nếu các vị này cũng mắc ngăn trở thì một anh em do Hội đồng Tỉnh Dòng chỉ định thay thế;

3. Các cử tri khác do Nội quy Dòng quy định17.

MỤC V

HỘI ĐỒNG DÒNG MỞ RỘNG

Điều 193 

          Hội đồng Dòng mở rộng gồm có: Tổng Phục vụ với Ban Tổng Cố vấn và Tổng Thư ký, các Cố vấn được bầu chọn hoặc được chỉ định theo Nội quy Dòng.

Điều 194 

Hội đồng Dòng mở rộng được quy tụ thành một cơ quan đồng đoàn, với những nhiệm vụ sau đây:

1. Hỗ trợ Tổng Phục vụ và Ban Tổng Cố vấn trong việc lãnh đạo và linh hoạt Dòng;

2. Cổ võ các mối quan hệ và giao dịch giữa Trung ương Dòng và các Hội đồng Giám tỉnh cũng như giữa các Hội đồng này với nhau;

3. Lo liệu cho các quyết định và các nghị định của Tổng Tu nghị trước đó được thi hành; ngoài ra căn cứ trên đề nghị của Hội đồng Dòng, Hội đồng Dòng mở rộng cũng có nhiệm vụ ban bố những quyết định và những nghị định, dù rằng có thể đi ngược lại với một số điều khoản của Nội quy Dòng, nhưng các quyết định và nghị định này chỉ có hiệu lực đến Tổng Tu nghị tiếp theo.

4. Giải thích Hiến chương và Nội quy Dòng theo quy tắc nêu tại điều 15 §2-3 của Hiến chương;

5. Góp phần chuẩn bị Tổng Tu nghị tiếp theo và góp ý kiến về địa điểm họp Tổng Tu nghị;

6. Bàn bạc các vấn đề tài chánh của Dòng.

Điều 195 

§ 1Hội đồng Dòng mở rộng có quyền bỏ phiếu tư vấn trừ khi luật quy định minh nhiên thể khác.

§ 2Sách Điều lệ sẽ quy định cách tiến hành Hội đồng Dòng mở rộng.

MỤC VI

TỔNG PHỤC VỤ

Điều 196 

Tổng Phục vụ được bầu chọn tại Tổng Tu nghị với nhiệm kỳ sáu năm; sau đó ngài chỉ có thể được tái cử một nhiệm kỳ sáu năm nữa mà không cần thời gian gián đoạn18.

Điều 197 

§ 1Với sự ưng thuận của Ban Tổng Cố vấn, Tổng Phục vụ có thể ban bố những nghị định cho toàn Dòng, nhưng chỉ có hiệu lực đến Tổng Tu nghị tiếp theo; sau đó, các nghị định ấy không còn hiệu lực nữa, trừ khi được Tổng Tu nghị xác nhận.

§ 2Với sự ưng thuận của Ban Tổng Cố vấn, Tổng Phục vụ có thể ban bố những nghị định cho từng Tỉnh Dòng hoặc từng Vùng mà các Phục vụ lập thành Hội đồng Giám tỉnh. Nhưng trước đó ngài phải tham khảo ý kiến Hội đồng Tỉnh Dòng hoặc Hội đồng Giám tỉnh liên hệ. Các nghị định ấy có hiệu lực đến khi bị hủy bỏ.

Điều 198 

Sau khi tham khảo ý kiến của Giám tỉnh liên hệ, Tổng Phục vụ có thể điều động anh em từ chỗ này đến chỗ khác để đáp ứng nhu cầu hoặc phục vụ lợi ích của toàn Dòng hoặc của một đơn vị trong Dòng.

Điều 199 

Theo đúng quy tắc của Quy chế Kinh lý, Tổng Phục vụ buộc phải kinh lý các Tỉnh Dòng và các đơn vị khác trực thuộc Tỉnh Dòng, vào thời điểm Tỉnh Dòng phải bầu cử Giám tỉnh; đối với các đơn vị khác, ngài sẽ kinh lý vào thời gian thuận tiện. Các cuộc kinh lý nói trên sẽ do ngài đích thân thực hiện hoặc nhờ người khác làm thay. Ngoài ra ngài sẽ thăm viếng huynh đệ để cổ võ và củng cố tinh thần Phan Sinh.

Điều 200 

§ 1Trong thời gian Tổng Phục vụ đi vắng hoặc mắc ngăn trở, Phó Tổng Phục vụ là người có thường quyền trong tư cách người thay thế, sẽ lãnh đạo Hội Dòng; nhưng ngài không được sử dụng quyền hành để làm ngược lại tư tưởng và ý muốn của Tổng Phục vụ19.

§ 2Nếu Phó Tổng Phục vụ cũng đi vắng hoặc mắc ngăn trở không thi hành chức vụ được, thì Tổng Cố vấn niên trưởng, tính theo ngày khấn lần đầu và nếu có hai người cùng khấn một ngày, thì vị nên trưởng có tuổi đời cao hơn sẽ thay thế ngài với danh nghĩa và chức vụ của vị Phó nhì.

Điều 201 

§ 1Nếu chức Tổng Phục vụ khuyết vị ngoài Tu nghị và điều đó xảy ra trước lễ Hiện Xuống của năm dương lịch đi trước Tổng Tu nghị, thì trong vòng hai tháng kể từ ngày khuyết vị, Phó Tổng Phục vụ sẽ triệu tập các Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội đồng Giám tỉnh về họp với Hội đồng Dòng, làm thành một cơ quan đồng đoàn, bầu cử Tổng Phục vụ mới để hoàn tất nhiệm kỳ đang dở dang.

§ 2Nếu sự khuyết vị chức Tổng Phục vụ xảy ra sau lễ Hiện Xuống của năm dương lịch đi trước Tổng Tu nghị, Phó Tổng Phục vụ sẽ lãnh đạo Dòng đến Tổng tu nghị tiếp theo.

MỤC VII

HỘI ĐỒNG DÒNG

Điều 202 

§ 1Hội đồng Dòng, như là thực thể đồng đoàn theo luật, gồm có Tổng Phục vụ, Phó Tổng Phục vụ và các Tổng Cố vấn; nhưng nhìn như là Ban Cố vấn của Tổng Phục vụ, thì Ban này gồm các vị vừa kể, trừ Tổng Phục vụ20.

§ 2Các Thư ký và những người đứng đầu các Văn phòng, các Uỷ ban hoặc các Hội đồng tư vấn khác của Trung ương Dòng có thể được mời tham dự các phiên họp của Hội đồng Dòng để trình bày ý kiến.

§ 3Tổng Thư ký giữ vai trò công chứng viên tại các phiên họp của Hội đồng Dòng.

Điều 203 

§ 1Hội đồng Dòng, trong tư cách thực thể đồng đoàn có quyền và nhiệm vụ hành động theo luật; Ban Tổng Cố vấn, trong tư cách Ban tư vấn của Tổng Phục vụ, có quyền và nhiệm vụ hỗ trợ ngài và tùy theo luật chung và luật riêng mà nói lên ý kiến tư vấn hoặc sự ưng thuận của mình.

§ 2Tổng Phục vụ, Phó Tổng Phục vụ và các Tổng Cố vấn sẽ duy trì những mối quan hệ thường xuyên với các Hội đồng Giám tỉnh và với các Tỉnh Dòng, để có thể thông dự vào kinh nghiệm sống của toàn Dòng.

Điều 204 

Tổng Phục vụ với Phó Tổng Phục vụ và các Tổng Cố vấn làm thành Toà án tối cao trong Dòng với quyền quyết định đồng đoàn. Tổng Thư ký giữ vai trò lục sự.

Điều 205 

Hội đồng Dòng phải khuôn theo Quy chế do chính Hội đồng Dòng phê chuẩn.

MỤC VIII

PHÓ TỔNG PHỤC VỤ

Điều 206 

Phó Tổng Phục vụ được bầu chọn tại Tổng Tu nghị với nhiệm kỳ sáu năm; sau đó ngài chỉ có thể được tái cử một nhiệm kỳ sáu năm nữa mà không cần thời gian gián đoạn.

Điều 207 

Ngoài những gì đã quy định tại các điều 200-201, Phó Tổng Phục vụ hỗ trợ Tổng Phục vụ trong việc thi hành nhiệm vụ của ngài và có thể được ngài ủy nhiệm để giải quyết những công việc khác nữa.

Điều 208 

Nếu chức Phó Tổng Phục vụ khuyết vị ngoài Tu nghị, thì Hội đồng Dòng phải bầu chọn vị Phó Tổng Phục vụ mới để hoàn tất nhiệm kỳ đang dở dang.

MỤC IX

CÁC TỔNG CỐ VẤN

Điều 209 

Các Tổng Cố vấn, con số sẽ do Nội quy Dòng quy định, được bầu chọn tại Tổng Tu nghị với nhiệm kỳ sáu năm. Sau đó, các ngài chỉ có thể được tái cử một nhiệm kỳ sáu năm nữa mà không cần thời gian gián đoạn.

Điều 210 

Nếu chức Tổng Cố vấn khuyết vị ngoài Tu nghị, Hội đồng Dòng sẽ bầu chọn một Tổng Cố vấn khác để hoàn tất nhiệm kỳ đang dở dang, sau khi tham khảo ý kiến các Giám tỉnh thuộc các vùng mà vị Tổng Cố vấn kia đã đặc trách.

MỤC X

TỔNG THƯ KÝ VÀ CÁC VĂN PHÒNG
TẠI TRUNG ƯƠNG

Điều 211 

§ 1Phải có một Tổng Thư ký để làm các công việc tổng quát của Dòng. Cách bầu chọn và nhiệm vụ của vị đó sẽ do Nội quy Dòng quy định.

§ 2Tổng Thư ký là công chứng viên của Dòng.

Điều 212 

Để góp phần làm cho việc lãnh đạo Dòng được đúng đắn và hữu hiệu, phải có một số văn phòng tại Trụ sở Trung ương như được liệt kê trong Nội quy Dòng. Các văn phòng ấy sẽ phải khuôn theo những quy tắc do Hội đồng Dòng phê chuẩn.

MỤC XI

CÁC TỔNG KINH LÝ VÀ TỔNG UỶ

Điều 213 

Tổng Kinh lý, do Tổng Phục vụ cùng với Ban Tổng Cố vấn bầu chọn, sẽ kinh lý các Tỉnh Dòng và những đơn vị khác của Dòng, và theo tinh thần Luật Dòng, cảnh cáo, củng cố và sửa dạy anh em trong tình bác ái21 nhân danh Tổng Phục vụ và với quyền bính của ngài. Vị Kinh lý khi kinh lý sẽ quan tâm tìm hiểu hoàn cảnh của anh em, xem xét các dự phóng, cổ võ các sinh hoạt của họ và nhất là giúp họ phát huy tinh thần huynh đệ và việc tuân giữ Luật Dòng và Hiến chương22.

Điều 214 

Các Tổng Uỷ do Tổng Phục vụ cùng với Ban Tổng Cố vấn bầu chọn để chu toàn những nhiệm vụ đặc biệt nhân danh Tổng Phục vụ và với quyền bính của ngài.

PHẦN III

QUẢN TRỊ CẤP TỈNH DÒNG

MỤC XII

TU NGHỊ TỈNH DÒNG, ĐẠI HỘI HẬU TU NGHỊ
VÀ HỘI ĐỒNG TỈNH DÒNG MỞ RỘNG

Điều 215 

§ 1Tu nghị Tỉnh Dòng có nhiệm vụ: nghiên cứu hiện trạng đời sống và sinh hoạt của anh em thuộc Tỉnh Dòng, tìm kiếm và đề nghị những phương thế thích hợp để chấn chỉnh và làm tăng trưởng Tỉnh Dòng, bàn bạc và cùng nhau quyết định về những dự phóng mới và những công việc quan trọng, và tiến hành các cuộc bầu cử.

§ 2Tu nghị Tỉnh Dòng có thẩm quyền soạn thảo Nội quy riêng của Tỉnh Dòng, nhưng Nội quy này cần phải được Hội đồng Dòng phê chuẩn. Tu nghị Tỉnh Dòng có quyền tự định đoạt về các quy chế của Tỉnh Dòng.

Điều 216 

§ 1Tu nghị Tỉnh Dòng phải khuôn theo Hiến chương này cũng như Nội quy riêng của Tỉnh Dòng và các Sách điều lệ.

§ 2Nội quy riêng của Tỉnh Dòng quy định thành phần, việc triệu tập và cử hành các cuộc bầu cử tại Tu nghị, mà vẫn phải tôn trọng các quy định của Hiến chương và Nội quy Dòng.

Điều 217 

  Đại hội hậu Tu nghị để trao phó các chức vụ khuyết vị phải được tổ chức trong vòng 3 tháng sau Tu nghị Tỉnh Dòng, vào thời gian do Chủ toạ Tu nghị cùng với Hội đồng Tỉnh Dòng quy định, trừ khi Nội quy quy định thể khác.

Điều 218 

  Hội đồng Tỉnh Dòng mở rộng có thể được thành lập để bàn bạc những vấn đề quan trọng hơn. Hội đồng Tỉnh Dòng mở rộng phải khuôn theo những quy tắc của Nội quy Dòng và Nội quy riêng của Tỉnh Dòng.

MỤC XIII

GIÁM TỈNH

Điều 219 

Để được bầu vào chức vụ Giám tỉnh, ứng viên phải là một anh em đã khấn trọng thể và đã sáp nhập vào Tỉnh Dòng. Trong trường hợp đặc biệt, có thể bầu một anh em thuộc một Tỉnh Dòng khác nhưng phải theo đúng quy tắc Nội quy Dòng.

Điều 220 

§ 1Thời gian nhiệm kỳ của Giám tỉnh sẽ do Nội quy Dòng quy định.

§ 2Nội quy Dòng cũng quy định những gì liên quan tới việc tái cử và khuyết vị của chức vụ Giám tỉnh.

Điều 221 

§ 1Giám tỉnh phải năng thăm viếng anh em của mình, phải dùng lời thiêng liêng mà cảnh cáo và củng cố họ và sửa dạy họ cách khiêm tốn trong tình bác ái23. Nhưng vào thời gian do Nội quy Dòng quy định, ngài buộc phải kinh lý Nhà dòng và mọi anh em24.

§ 2Nội quy Dòng, Nội quy riêng và Quy chế sẽ quy định rõ hơn các chi tiết liên quan tới cuộc kinh lý luật định của Giám tỉnh.

MỤC XIV

HỘI ĐỒNG TỈNH DÒNG

Điều 222 

§ 1Hội đồng Tỉnh Dòng, như là thực thể đồng đoàn, theo luật, Gồm có Giám tỉnh, Phó Giám tỉnh và các Cố vấn Tỉnh Dòng; nhưng nhìn như là Ban Cố vấn của Giám tỉnh, thì Ban này gồm có các vị vừa kể, trừ Giám tỉnh25.

§ 2Thư ký Tỉnh Dòng giữ vai trò công chứng viên tại mọi phiên họp của Hội đồng Tỉnh Dòng.

§ 3Cách bầu cử và con số các Cố vấn Tỉnh Dòng sẽ do Nội quy riêng của Tỉnh Dòng quy định.

Điều 223 

Hội đồng Tỉnh Dòng, trong tư cách thực thể đồng đoàn, có quyền và nhiệm vụ hành động theo luật; Ban Cố vấn Tỉnh Dòng, trong tư cách ban tư vấn của Giám tỉnh, có quyền và nghĩa vụ hỗ trợ ngài và tùy theo luật chung và luật riêng mà nói lên ý kiến tư vấn hoặc sự ưng thuận của mình.

Điều 224 

Hội đồng Tỉnh Dòng là Toà án sơ thẩm với quyền hành động đồng đoàn trong những vụ án tranh chấp và những vụ án hình sự thuộc phạm vị Tỉnh Dòng26.

Điều 225 

Việc giải thích chính thức Nội quy riêng của Tỉnh Dòng, ngoài Tu nghị Tỉnh Dòng thuộc thẩm quyền Đại hội hậu Tu nghị và Hội đồng Tỉnh Dòng mở rộng khi Hội đồng này nhóm họp. Sự giải thích đó chỉ có hiệu lực đến Tu nghị Tỉnh Dòng tiếp theo, trừ khi được chính Tu nghị này phê chuẩn.

Điều 226 

Giám tỉnh cũng như Tổng Kinh lược không thể sửa đổi các quyết định và các nghị định do Hội đồng Tỉnh Dòng ban hành, nếu không được sự ưng thuận của chính Hội đồng Tỉnh Dòng.

MỤC XV

HỘI ĐỒNG GIÁM TỈNH

Điều 227 

§ 1Các Giám tỉnh và những bề trên khác được xác định trong Nội quy có thể thoả thuận với nhau để thiết lập Hội đồng Giám tỉnh.

§ 2Các Hội đồng Giám tỉnh phải khuôn theo Nội quy Dòng và Nội quy riêng của Hội đồng Giám tỉnh. Nội quy này quy định tất cả những gì liên quan tới bản chất, thành phần của Hội đồng, việc triệu tập và cử hành Hội đồng, cũng như các công việc đưa ra bàn bạc. Nội quy này được soạn thảo do sự thoả thuận chung giữa những người làm thành Hội đồng Giám tỉnh và phải được Hội đồng Dòng phê chuẩn.

MỤC XVI

PHÓ GIÁM TỈNH

Điều 228 

Phó Giám tỉnh hỗ trợ Giám tỉnh trong việc thi hành nhiệm vụ của ngài và thay thế ngài với thường quyền của người làm phó, khi ngài đi vắng hoặc mắc ngăn trở. Nếu chức vụ Giám tỉnh khuyết vị ngoài Tu nghị, Phó Giám tỉnh sẽ điều khiển Tỉnh Dòng đến khi bầu cử Giám tỉnh mới.

Điều 229 

Thời hạn nhiệm kỳ của Phó Giám tỉnh tương đương với thời hạn nhiệm kỳ của Giám tỉnh, theo đó chức vụ Phó Giám tỉnh chấm dứt khi bầu cử Giám tỉnh tại Tu Nghị.

MỤC XVII

THƯ KÝ TỈNH DÒNG VÀ CÁC CHỨC VỤ KHÁC

Điều 230 

§ 1Mỗi Tỉnh Dòng phải có một Thư ký Tỉnh Dòng, mà cách thức bầu chọn và nhiệm vụ sẽ được quy định trong Nội quy Dòng và Nội quy riêng của Tỉnh Dòng.

§ 2Thư ký Tỉnh Dòng cũng giữ vai trò công chứng viên của Tỉnh Dòng.

Điều 231 

§ 1Mỗi Tỉnh Dòng cũng phải có những chức vụ và những nhiệm vụ khác, và thành lập những ủy ban, nếu thấy công việc của các uỷ ban này cần thiết hoặc thích hợp cho các lãnh vực đời sống và sinh hoạt của Tỉnh Dòng.

§ 2Các chức vụ và các ủy ban vừa nêu trên đây sẽ phải khuôn theo Nội quy Dòng và Nội quy riêng của Tỉnh Dòng.

 

PHẦN IV

QUẢN TRỊ CẤP CỘNG ĐOÀN

MỤC XVIII

CÁC NHÀ DÒNG HAY CỘNG ĐOÀN

Điều 232 

Nhà dòng (hay Cộng đoàn) là một Huynh đệ đoàn được cấu tạo hợp pháp và đặt dưới quyền bính của một Phụ trách tại một nơi cư trú cố định. Mỗi anh em phải sáp nhập vào một Nhà dòng nhất định27.

Điều 233 

Chính Giám tỉnh thiết lập một Nhà dòng, với sự ưng thuận của Ban Cố vấn Tỉnh Dòng và sau khi nhận được sự đồng ý bằng văn thư của Đức Giám mục Giáo phận28.

Điều 234 

Tổng Phục vụ có thể giải thể một Nhà dòng đã được thiết lập hợp pháp sau khi xin ý kiến tư vấn của Ban Tổng Cố vấn, nhưng cũng phải tham khảo ý kiến của Hội đồng Tỉnh Dòng và Giám mục Giáo phận liên hệ29.

Điều 235 

§ 1Việc thiết lập hoặc giải thể một Nhà dòng phải được thực hiện bằng nghị định.

§ 2Nghị định thiết lập một Nhà dòng do Giám tỉnh ban hành phải được trình lên Tổng Phục vụ.

Điều 236 

Những anh em phải sống biệt lập vì hoàn cảnh đặc biệt và do đó không được hưởng đời sống huynh đệ chung một cách đầy đủ, thì phải phát huy và chứng tỏ chính tinh thần huynh đệ ấy. Vậy các Phục vụ cũng như những anh em ấy phải liệu sao cho chính những anh em ấy có thể đến với những cộng đoàn hoặc tất cả anh em lân cận, vào những thời gian nhất định, để hưởng nhờ lợi ích và niềm vui của tình bác ái đối với nhau.

MỤC XIX

CÁC PHỤ TRÁCH VÀ PHÓ PHỤ TRÁCH

Điều 237 

Theo luật chung của Giáo Hội và luật riêng của Dòng, nhiệm vụ chính của Phụ trách là: xây dựng lợi ích của Cộng đoàn và của anh em, ân cần quan tâm tới đời sống và kỷ luật tu trì, điều phối các sinh hoạt của anh em, cổ võ sự vâng phục tích cực và có trách nhiệm nơi anh em trong tinh thần huynh đệ chân thật30.

Điều 238 

Một Phó Phụ trách được bầu chọn cho mỗi Cộng đoàn để hỗ trợ Phụ trách, trừ khi Nội quy Dòng và Nội quy riêng của Tỉnh Dòng quy định thể khác.

Điều 239 

Thời hạn nhiệm kỳ và cách thức bầu chọn Phụ trách và anh Phó Phụ trách sẽ do Nội quy Dòng quy định.

MỤC XX

TU NGHỊ VÀ BAN CỐ VẤN CỘNG ĐOÀN

Điều 240 

§ 1Tu nghị Cộng đoàn, do Phụ trách hoặc người thay mặt anh chủ tọa, là cơ quan quản trị Huynh đệ của Nhà dòng, theo Hiến chương, Nội quy và Sách Điều lệ31.

§ 2Trong những Nhà dòng không có Ban Cố vấn cộng đoàn, thì Tu nghị Cộng đoàn giữ vai trò cố vấn của Phụ trách32.

Điều 241 

Nhiệm vụ của Tu nghị Cộng đoàn là: cùng nhau cân nhắc và xúc tiến những kế hoạch phải thực hiện, cổ võ sự hoà thuận và hợp tác tích cực giữa mọi anh em trong tinh thần trách nhiệm, xem xét và lượng định các công việc do Cộng đoàn hoặc do mỗi anh em làm, và bàn bạc những vấn đề quan trọng khác. Trong các sinh hoạt vừa nêu, Tu nghị Cộng đoàn phải ưu tiên sử dụng phương pháp đối thoại.

Điều 242 

§ 1Trong mỗi Nhà dòng, tất cả anh em khấn trọng là thành viên của Tu nghị Cộng đoàn.

§ 2Nội quy riêng của Tỉnh Dòng sẽ tiên liệu cách thức tham gia Tu nghị Cộng đoàn của những anh em chưa khấn trọng.

Điều 243 

§ 1Ban Cố vấn Cộng đoàn, với tư cách cố vấn cho Phụ trách, có thể được thành lập theo Nội quy riêng của Tỉnh Dòng33.

§ 2Nếu có Ban Cố vấn Cộng đoàn, thì Ban đó gồm Phó Phụ trách và các Cố vấn.

PHẦN V

QUẢN TRỊ TÀI SẢN

Điều 244 

§ 1Hội đồng Tỉnh Dòng và Nhà dòng, với tư cách pháp nhân, thì có khả năng thủ đắc, quản trị, chuyển nhượng và thụ hưởng tài sản, theo luật chung của Giáo Hội và luật riêng của Dòng34.

§ 2Các Phục vụ và những người đại diện các ngài, cũng như tất cả anh em khác, được các ngài ban phép, đều có thể làm những hành vi pháp lý liên quan tới tài sản trước mặt luật dân sự.

Điều 245 

§ 1Những tài sản cần thiết cho đời sống và công việc của anh em và đang có nơi anh em, thuộc hai loại: hoặc là tài sản Giáo Hội và như vậy sẽ được quản lý theo các quy định của luật chung và luật riêng, hoặc là tài sản của ân nhân và như vậy sẽ phải được sử dụng và quản lý theo đúng ý muốn của ân nhân35.

§ 2Để trung thành với ơn gọi trong những điều kiện cụ thể của đời sống, anh em phải luôn luôn tìm kiếm những cách thức mới mẻ và phù hợp với hoàn cảnh để khước từ của cải.

Điều 246 

§ 1Ở cấp Hội Dòng, cấp Tỉnh Dòng và cấp Cộng đoàn phải có người giữ chức Quản lý khác biệt với các Phục vụ và, nếu được thì khác biệt cả Phụ trách nữa. Người quản lý quản trị tài sản dưới quyền điều khiển của các Phục vụ hoặc của Phụ trách và phải lệ thuộc vào các ngài36.

§ 2Ngoài ra còn phải có những Ban Cố vấn kinh tế, được thành lập theo Nội quy Dòng và Nội quy riêng của Tỉnh Dòng, để giúp người quản lý chu toàn nhiệm vụ37.

§ 3Nơi nào luật dân sự đòi hỏi phải có người đại diện hợp pháp để ký hợp đồng, nhất là hợp đồng chuyển nhượng, và để giải quyết những vấn đề tài sản trước mặt pháp luật, thì người đó phải được bổ nhiệm theo Nội quy.

Điều 247 

§ 1Việc bầu chọn Quản lý và nhiệm vụ của Quản lý sẽ do Nội quy Dòng và Nội quy riêng của Tỉnh Dòng quy định.

§ 2Các Quản lý và những người khác tham gia vào việc quản trị tài sản với một danh nghĩa hợp pháp phải cẩn thận chu toàn nhiệm vụ của mình và không được để các tài sản đã được giao phó cho mình bị tiêu tán hoặc hư hỏng bất cứ cách nào38.

Điều 248 

§ 1Tổng Quản lý, Quản lý Tỉnh Dòng và Quản lý Cộng đoàn buộc phải tuân giữ luật chung của Giáo Hội và luật riêng của Dòng để hành động thành sự khi giải quyết các vấn đề kinh tế.

§ 2Các nhiệm vụ và các giới hạn của việc quản trị tài chánh thông thường phải được quy định bởi Nội quy Dòng.

§ 3Hành vi của Quản lý sẽ bất thành, nếu vượt quá giới hạn và thể thức của việc quản trị tài chánh thông thường trừ khi họ đã được quyền bính và thẩm quyền ban phép trước bằng văn thư39.

Điều 249 

§ 1Những vụ chi tiêu, những vụ chuyển nhượng, những lần vay nợ và những nghiệp vụ khác mà cần phải có phép hoặc sự ưng thuận của quyền bính có thẩm quyền theo luật chung, hoặc Nội quy Dòng và Nội quy riêng của Tỉnh Dòng, đều là những trường hợp vượt quá giới hạn của việc quản trị tài chánh thông thường40.

§ 2Cũng được kể là thuộc phạm vi quản trị tài chánh ngoại thường tất cả vụ chuyển nhượng bất động sản, hoặc động sản quí giá về phương diện mỹ thuật hay lịch sử và những tài sản đã dâng cúng cho Giáo Hội với lời khấn xin ơn. Để có thể chuyển nhượng những tài sản vừa kể, phải tuân giữ các quy định của luật chung và luật riêng41.

Điều 250 

Các Phục vụ và các Phụ trách có nhiệm vụ phải ân cần quan tâm tới việc quản trị mọi tài sản thuộc về Hội Dòng, Tỉnh Dòng và Nhà dòng ở dưới quyền mình. Ngoài ra các ngài cũng phải lo liệu tổ chức toàn bộ hệ thống quản trị tài sản cho có trật tự42.

 

Chương VIII

“CÁC PHỤC VỤ
HÃY KHUYÊN RĂN VÀ SỬA DẠY ANH EM
VỚI LÒNG KHIÊM NHƯỜNG VÀ BÁC ÁI”

x. L 10,1

MỤC I

VIỆC KHUYÊN RĂN VÀ SỬA DẠY ANH EM

Điều 251 

§ 1Theo lời Chúa dạy, anh em không được xét đoán, không được kết án, không được để ý đến tội lỗi nhỏ mọn nào của kẻ khác, nhưng tốt hơn phải nhớ lại tội lỗi của riêng mình mà đau đớn trong lòng1.

§ 2Hết mọi anh em, khi biết một anh em nào phạm tội, không được làm họ xấu hổ và hạ giá họ, nhưng phải có lòng nhân từ bao dung, giữ kín tội lỗi của anh em mình, rồi với ơn Chúa Thánh Thần, và bằng cách thức tốt nhất có thể, phải nâng đỡ kẻ phạm tội, khuyên răn, chỉ dẫn và sửa dạy họ cách khiêm nhường và tận tình2.

§ 3Theo lời khuyên bảo của thánh Phanxicô, anh em không được nóng giận và bối rối bởi tội lỗi kẻ khác, vì sự nóng giận và bối rối làm ngăn trở đức ái nơi mình và nơi người khác3.

§ 4Tất cả anh em, nhất là các Phục vụ, phải có lòng nhân từ, và nhờ đức ái thúc đẩy, phải tìm kiếm người anh em đã phạm tội, và không ai trong số những người anh em như thế ra về mà không được thương xót thứ tha4.

§ 5Nếu có ai trong anh em phạm tội, anh ấy phải tin cậy chạy đến Phục vụ của mình, phải hoán cải và tuân theo những chỉ thị của Phục vụ đó5.

Điều 252 

§ 1Vì lợi ích của Cộng đoàn và của từng anh em, các Phục vụ, các Phụ trách và những anh em khác phải cảnh giác cách khôn ngoan, và dùng lời nhắc nhở đầy tình huynh đệ mà cố gắng ngăn chặn đừng để điều xấu xảy ra và củng cố cho những người hòng sa ngã, can đảm hướng về điều thiện.

§ 2Nếu vì lợi ích của từng anh em hoặc của cả Cộng đoàn, các Phục vụ bó buộc phải cảnh cáo, sửa sai, hoặc trừng phạt ai, thì phải nhân từ và bác ái thi hành công việc ấy theo đúng quy tắc của luật chung và luật riêng của Dòng6.

Điều 253 

§ 1Trong việc áp dụng các hình phạt theo luật chung, phải giữ đúng các quy tắc của luật ấy.

§ 2Những hành động vị phạm công khai luật lệ của Dòng, nếu thuộc diện hình sự, sẽ bị trừng phạt bằng những hình phạt do luật riêng quy định, tùy theo mức độ nặng nhẹ, và cũng phải tính đến cả gương xấu do hành vi phạm lỗi gây ra cũng như thói quen, tật hay tái phạm và tính bất khả trị của đương sự. Tất cả hình phạt này đều là hình phạt hậu kết (ferendae sententiae) mà Phục vụ một mình đơn độc hoặc cùng với Ban Tổng Cố vấn, có thể ra cho người phạm lỗi.

MỤC II

VIỆC XUẤT TU VÀ THẢI HỒI KHỎI DÒNG

Điều 254 

          Việc rời bỏ Dòng một thời gian hay còn gọi là “sống ngoại vi”, do chính người anh em tự ý xin hoặc do Toà Thánh áp đặt, đều phải tuân theo luật chung và Nội quy Dòng7.

Điều 255 

§ 1Nếu một anh em đang trong thời gian khấn tạm xin ra khỏi Dòng vì một lý do nghiêm trọng, thì Tổng Phục vụ với sự ưng thuận của Ban Tổng Cố vấn, có thể ban đặc phép xuất tu8.

§ 2Khi thời gian khấn tạm đã mãn hạn, một anh em có thể tự do rời bỏ Dòng hoặc có thể bị Giám tỉnh ngăn chặn         không cho khấn tiếp sau khi hỏi ý kiến Ban Cố vấn Tỉnh Dòng9.

Điều 256 

Anh em đã khấn trọng thể thì không được xin phép ra khỏi Dòng, trừ khi có lý do hết sức nghiêm trọng mà mình đã suy xét trước mặt Chúa. Người anh em ấy sẽ đệ đơn lên Tổng Phục vụ, vị này sẽ chuyển đơn lên Toà Thánh kèm theo ý kiến của riêng mình và Ban Tổng Cố vấn. Chỉ Toà Thánh có quyền ban đặc ân ra khỏi Dòng10.

Điều 257 

Đặc ân ra khỏi Dòng, khi đã được thông tri cho người anh em, đương nhiên có hiệu quả miễn chuẩn các lời khấn cũng như mọi nghĩa vụ xuất phát từ việc tuyên khấn, trừ khi anh em đó từ chối không nhận đặc ân này ngay chính lúc được thông tri11.

Điều 258 

§ 1Anh em nào phạm những tội mà luật chung đã quy định phải thải hồi tức khắc, thì bị thải hồi tức khắc12.

§ 2Trong những trường hợp này, khi sự kiện đã được xác minh, chỉ cần Giám tỉnh cùng với Ban Cố vấn Tỉnh Dòng tuyên bố sự kiện13. Tuy nhiên, Giám tỉnh phải thông báo lời tuyên bố ấy cho đương sự và lưu giữ trong văn khố Tỉnh Dòng các bằng chứng thu thập được. Tờ cáo tri phải được đệ trình lên Trung Ương Dòng cùng với bản tóm tắt hồ sơ.

Điều 259 

Anh em sẽ bị thải hồi một cách tất yếu hoặc có thể bị thải hồi vì những tội phạm rất nghiêm trọng khác, theo quy định của luật chung và Nội quy Dòng14.

Điều 260 

Sự thải hồi hợp pháp chấm dứt tức khắc các lời khấn cũng như các quyền lợi và nghĩa vụ xuất phát từ việc tuyên khấn. Tuy nhiên nếu người anh em là giáo sĩ, thì không được thi hành chức thánh, bao lâu chưa được một Giám mục nhận vào Giáo phận hay ít là cho phép thi hành chức thánh15.

Điều 261 

Vì mọi anh em phải chu toàn vô điều kiện những công việc do các Phục vụ và các Phụ trách trao phó, nên nếu có ai ra khỏi Dòng cách hợp pháp, hoặc bị thải hồi cách hợp pháp, thì không được đòi hỏi gì nơi Dòng về bất cứ công việc nào đã làm khi còn ở trong Dòng. Tuy nhiên, Dòng sẽ đối xử cách phải lẽ và giữ đức bác ái Phúc âm với người anh em đó16.

 

 

VIẾT TẮT

1. Văn kiện của Giáo Hội

AAS      Acta Apostolicae Sedis

DT        Sắc lệnh về Dòng tu Perfectae Caritatis

ĐCCCN Thông điệp Redemptor Hominis

ĐT        Sắc lệnh về Đào tạo linh mục Optatam Totius

ES        Quy tắc để thi hành Ecclesiae Sanctae

GL        Giáo Luật

HN        Sắc lệnh về Hiệp Nhất Unitatis Redintegratio

LBTM    Tông huấn Loan báo Tin Mừng  Evangelii Nuntiandi

LM        Sắc lệnh về Chức vụ và đời sống linh mục Presbyterorurn Ordinis

L.SCR   Thư của Thánh bộ Dòng Tu “De S. Regula eiusque interprettione necnon de paupertate franciscana” (2.11.1970).

MV        Hiến chế Gaudium et Spes

PV        Hiến chế Phụng vụ Sacrosanctum Concilium

TĐ        Sắc lệnh về Tông đồ giáo dân Apostolicam Actuositatem

TG        Sắc lệnh về Hoạt dộng truyền giáo của Giáo Hội Ad Gentes

2. Tác phẩm của thánh Phanxicô
          và Tài liệu nguồn Phan Sinh

1 Cel     Hạnh thánh Phanxicô của Celano, quyển 1

2 Cel     Hạnh thánh Phanxicô của Celano, quyển 2

2 T Th   Thư thứ hai gởi các tín hữu

AF X     Analecta Franciscana, vol. X

Bc MT   Bài ca Anh Mặt Trời

Hn        Huấn ngôn

K ĐM    Kinh Kính chào Đức Trinh nữ

K NĐ     Kinh kính chào các nhân đức

L          Bản Luật có sắc chỉ

L Ksc    Bản Luật không có sắc chỉ

Leg Per  Truyện ký Pêrudia

QL Cl    Quy luật sống gởi chị Clara

T cPv    Thư gởi các Phục vụ

T Gs     Thư gởi các giáo sĩ

T Pv      Thư gởi anh Phục vụ

T TD     Thư gởi Toàn Dòng

3. Các Văn kiện của Dòng

Acta 79 Biên bản Tổng Tu nghị 1979

Bah       “Tin Mừng thách thức chúng ta” Hội đồng Dòng mở rộng 1983

CPO 81 “Tài liệu huấn luyện” Hội đồng Dòng mở rộng 1981

HC        Hiến chương

Mad      “Ơn gọi của Hội Dòng hôm nay” Tuyên ngôn củaTổng Tu nghị Madrid 1973

Med F   “Huấn luyện trong Dòng Anh Em Hèn Mọn”, Tổng Tu nghị bất thường Medellin 1971

Med M  “Ơn gọi truyền giáo Phan Sinh trong thế giới hôm nay”, Tổng Tu nghị bất thường Medellin 1971

 

 

 


[1] X. L 8,1; 12,3; L Ksc 5,4; 18,2; 19,2; DC 27.33.

[2] X. DC 14.15; GL 573.662.

[3] X. L Ksc 17,3.

4 X. DC 15.

5 X. MV 4,31.

6 X. DT 2b.

7 X. L 3,1-3; L Ksc 3, 3-10; 15,1; 17,5; 20,1; DC 18.38.

8 X. MV 4.

9 X. GL 208; 209; 210.

10 X. L 1, 2; GL 590.

11 X. GL 678,1.

12 X. DC 6.10.

13 X. GH 44.

14 X. GL 607,1.

15 X. GL 607,1; 654.

16 X. GL 598,2.

17 2 T Th 10.

18 X. Mt 16,24.

19 L 10,3.

20 X. DT 14.

21 X. L 1,3.

22 L Ksc 5,14.

23 L 6,3.

24 GL 600.

25 Lc 18,22.

26 X. 2 T Th ii 47; GL 600.

27 L Ksc 9,2.

28 Mt 19,21.

29 X. Hn 16,2; GL 599.

30 1 Cr 7,34.

31 L Ksc 23,8.

32 X. GL 599.

33 X. DT 12.

34 X. L Ksc 23,1.

[4] X. GL 578; 587,1.

36 X. GL 587,4.

37 X. GL 587,4.

38 X. GL 94.95.

39 X. GL 37.46.81.

40 X. GL 65,1.

1 Hr 7,25.

2 2 Cel 95.

3 Lc 18,1.

4 Ga 4, 23; L Ksc 22,26.29-30.

5 X. Hn 5,1.

6 X. Bc MT 3.

7 X. L Ksc 17, 17

8 L Ksc 23,8.

9 T TD 12.

10 X. LM 5.

11 X. DC 11.

12 X. T TD 12.30-33; GL 663,2; 902.

13 DC 11; GL 608.

14 X. L 1,1.

15 X. DT 6; GL 663,3.

16 DC 12.

17 X. L 3,1-3; GL 1174.

18 X. PV 84.

19 X. L 3,3; X. L Cl 3,3.

20 X. GL 663,3.

21 K ĐM 1; X. GL 663,4.

22 Lc 1,38.

23 X. PV 13.

24 X. L 5.

25 X. Hn 21,2.

26 X. GL 666.

27 X. Biên Bản TTN 1979, QV 173.

28 X. GL 663,5.

29 DC 1.

30 Mc 1,15.

31 X. DC 4.

32 X. L Ksc 22,9; Hn 12,2.

33 L 10,8.

34 X. Mt 25,31-46; L Ksc 23,4.

35 X. 2 Cr 5,18-20.

36 1 Cel 42.

37 X. 1 Cel 34.

38 X. GL 664.

39 X. 1 Cel 103.

40 X. Rm 8,18.

41 X. 1 Pr 4,13.

42 X. L 3,5-6; GL 1250.

43 X. L 10,9; L Ksc 10,3; Bc MT 10-11; Hn 5,8.

44 X. GL 1001; 1004.

45 X. GL 921,1.

46 X. Bc MT 12-13.

47 X. L 3,4.

1 X. 2 T Th 49-53.

2 X. DC 14.

3 X. GL 607,2.

4 X. L 6,8.

5 X. Rm 5,5.

6 X. L 10,5.

7 X. L Ksc 7,16.

8 X. DC 14.

9 X. Mad 12.

10 X. GL 668,3.

11 L Ksc 5,5.

12 L 6,9.

13 X. GL 619.

14 ES II, 25.

15 X. GL 619.

16 X. DT 14; GL 618.

17 X. GL 667,1.

18 X. L 2,14-15; DC 16.

19 X. GL 669,1; 1 Cel 22.

20 X. L 2,14-15; GL 282,1; 284.

21 X. L Ksc 7,15.

22 X. L Ksc 7,14.

23 X. Mad 15,17.

24 X. GL 640.

25 X. QL Cl 2.

26 X. GL 628,1.

27 X. GL 303; 677,2

28 X. GL 677,2.

29 X. GL 303; 312,2.

30 X. GL 312,2.

1 Pl 2,8.

2 Hn 20,2.

3 X. L Ksc 16,6; 2 T Th 47; K Nđ 16-18.

4 Hn 19,2.

5 X. Hn 19,1.

6 X. GH 42.

7 X. Mad 22; Bah 28.29.

8 X. L 2,17; L Ksc 1,3; 17,14.

9 X. Bah 31.

10 X. Mad 16; Bah 38; Med F 56b; Med M 25.26.

11 X. Rm 12,21.

12 X. L 3,11; L Ksc 14,2-4; DC 23; Mad 31.

13 X. Med M 27.

14 X. Bah 38.

15 X. Med M 25-27; Bah 32-36.

16 X. Mad 24.

17 X. Bc MT; K Nđ 18.

18 X. Mad 25.

19 X. L 6,1; DC 24.

20 X. DC 24.

21 X. GL 668,1.

22 X. GL 668,2.

23 X. GL 668,4.5.

24 X. L 1,1; 2,5; L Ksc 1,1-3; 2,4.

25 X. L 2,7-8; L Ksc 2,2-3.5-6.

26 X. GL 668,4.

27 X. L 5,1.

28 X. Mt 20,28; Mad 19.

29 L 5,1.

30 L 5,2; x. DC 21.

31 X. Med F 54b-c.

32 L Ksc 7,3; x. DC 20.

33 X. GL 671

34 X. L Ksc 9,2; Med F 54e; Mad 28.

35 X. L Ksc 22,25; DC 21; Mad 29.

36 X. Med F 54c.

37 X. L 5,3-4.

38 X. GL 668,3.

39 X. CPO 81 21.

40 X. L Ksc 7,8; DC 22.

41 L 6,2.

42 X. GL 1265.

43 L 5,4.

44 X. Thư SCR 2.ii.1970.

1 X. T TD 9.

2 1 Cel 97.

3 X. L 12,1.

4 X. T TD 9.

5 X. Med M 13; Bah 17.

6 X. 1 Cr 2,12.

7 X. DC 23.

8 X. Mad 31.

9 X. 1 T cPv 6.

10 X. 2 T Th 25.

11 X. LBTM 24; Bah 15,28-29.

12 X. Rythmic Office, Đc. Kinh Sáng trong AF X 383.

13 X. LBTM 15; Med M 2; Mad 15.31.33; Bah 22-23.

14 X. Ga 13,35; GL 673; LBTM 69; Med M 10.

15 X. Med M p. II, c. III 4-6.

16 X. LBTM 21; L Ksc 16,6.

17 X. L Ksc 17,5.

18 X. L Ksc 23,7.

19 X. LBTM 22; L Ksc 16,7.

20 X. L Ksc 16,6.

21 X. DC 25-26.

22 X. 2 Cel 148; Leg Per 115.

23 X. L Ksc 23,7.

24 X. Med M 14.

25 X. CPO 81 9.

26 X. Bah 11; Vinsơn Phaolô, Entretiens, Coste X, 332.

27 X. Med M 24.

28 X. TG 9; GH 16.

29 X. LBTM 20.

30 X. 27; TG 15; Med M p. II, c. II, 2E; Med F 50.61.

31 X. Med M 21.24; p. II, c. II, 2F.

32 X. L 12,1; L Ksc 16,3.

33 X. T TD 9.

34 X. LBTM 31.

35 X. Med M 25.26.27; Mad 34; Bah 32-37.

36 X. AA 8; 14; UR 12.

37 X. ĐCCCN 17; Mad 35; CPO 81 3.9.15.

38 X. Bah 24-31.

39 X. L Ksc 9,2.

40 X. DC 1-2; Lc 10,25-27.

41 X. Bah 31a.

42 X. Med M 12.23; Mad 35.

43 X. L 2,17.

44 X. L Ksc 17,17; Hn 18,2.

45 X. L Ksc 7,14.

46 X. 1 Cr 12,7tt; Lc 12,12.

47 DC 26.

48 X. L Ksc 16,7; GL 760.

49 GL 757.758.759.764.

50 X. DC 13.

51 X. L 9,2.

52 X. GL 765.

53 X. L 9,3.

54 X. MV 4.

55 X. L 9,3-4.

56 X. LBTM 41.

57 X. T Pv 6-7.

58 X. L 9,1; Med M 15-16; p.II c.IV 1a.

59 X. GL 832.

60 Ep 4,15; MV 62; GL 218.

61 X. GL 708.

62 CPO 81 11; GL 677,1.

63 X. L 12,1-2; Med M 2.

64 X. TG 18.40; Med M p.II c.II 2; c.IV 1a.

65 X. L 12,1-2; L Ksc 16; GL 784.

66 L 12,1.

67 X. L 12,2; L Ksc 16,4.

68 X. Med M p.II, c.I 7.

69 X. Med M p.II, c.I 1.

70 X. GL 790,1.

71 X. Med M p.II, c.I 4Bb.c.

1 X. L Ksc 2,1.

2 X. Med F 4-18.

3 X. GL 795.

4 X. Med F 43-45.52-53.55-58.59-61.

5 X. Med F 29-32.46-54; CPO 81 8.9.12-14; Bah 41; L Ksc 1.

6 X. Med F 18-19; CPO 81 13.30.

7 X. Med F 4.17.33-34.

8 X. ĐT 11b; x. Med F 16-22.

9 X. Med F 33.

10 X. Med F 21.

11 X. CPO 81 3.15.69.

12 X. CPO 81 7.10-11.

13 X. CPO 81 81.

14 X. Pl 2,7.

15 X. ĐT 11b.

16 X. 1 Cel 103; CPO 81 45-46.

17 X. Med F 42; CPO 81 48; GL 661.

18 X. CPO 81 48.

19 X. CPO 81 49.

20 X. L Ksc 18,1; CPO 81 51; GL 661.

21 X. Med F 20.25; CPO 81 28.65.

22 X. Med F 23; CPO 81 42.

23 X. Med F 20; CPO 81 4.

24 X. CPO 81 63.80.59.

25 X. CPO 81 22-23.

26 X. Med F 12.

27 X. Med F 6; CPO 81 25.10.

28 X. Med F 13; CPO 81 24.

29 X. Med F 12.

30 X. Med F 37.

31 X. Med F 36.

32 X. L 2,1tt; CPO 81 38.

33 X. Med F 38; CPO 81 39.

34 X. GL 597.

35 X. Med F 40; GL 646.

36 X. CPO 81 27.

37 X. CPO 81 29.

38 X. Med F 41; HC 73.166,2.

39 X. GL 648,2-3.

40 X. GL 641-653.

41 X. GL 653,2; 654.

42 X. GL 656,3.

43 X. GL 655-657,1.

44 X. GL 659,1.

45 X. CPO 81 30.

46 X. GL 657,1.

47 X. GL 657-658.

48 X. CPO 81 7.8.17.

49 X. L 5,1; CPO 81 74.

281 X. CPO 81 3.82.

50 X. GL 659, 3.

51 X. T Gs; T TD.

52 X. GL 1019,1.

53 X. DC 13; CPO 81 32.

54 X. CPO 81 75tt.

55 X. GL 659,3.

1 X. GL 581.585.

2 X. GL 631.632.

3 X. GL 620.

4 X. GL 622.

5 X. GL 622.

6 X. GL 127,1.

7 X. GL 618.

8 X. GL 181,1; 182,1; 625,3.

9 X. GL 177,1.

10 X. GL 623.

11 GL 618.

12 GL 833.

13 X. GL 190; 624,3.

14 X. GL 578; 631,1.

15 X. GL 631,2.

16 X. GL 631,3.

17 X. GL 631,2.

18 X. GL 625,1.

19 X. GL 131.620.

20 X. AAS 77 (1985) 771.

21 X. L 10,1; L Ksc 4,2.

22 X. GL 628,1.

23 X. L 10,1; L Ksc 4,2.

24 X. GL 628,1.

25 X. AAS 77 (1985) 771.

26 X. GL 1427,1; 1717.

27 X. GL 608.665.

28 X. GL 609,1.

29 X. GL 616,1.

30 X. GL 618.

31 X. GL 95.

32 X. GL 627,1.

33 X. GL 627,1.

34 X. GL 634,1.

35 X. GL 634,1; 635,2; 1257,1.

36 X. GL 636,1.

37 X. GL 1280.

38 X. GL 1284.

39 X. GL 1281,1.

40 X. GL 1292,1-2.

41 X. GL 638; 1292,2.

42 X. GL 1276,1.

1 X. Lc 6,41; L Ksc 11,10.

2 X. T Pv 15; L Ksc 5,5.8.

3 X. L 7,3.

4 X. T Pv 9; Lc 15,20.

5 X. L 7,1-3.

6 X. L 10,1-2.

7 X. GL 686,1.3; 687.

8 X. GL 688,2.

9 X. GL 688,1; 689.

10 X. GL 691,1-2.

11 X. GL 692.

12 X. GL 694,1.

13 X. GL 694,2.

14 X. GL 695-697tt.

15 X. GL 701.

16 X. GL 702,1.2.

Chia sẻ