Skip to content
Main Banner

Quyền bính và tuân phục

Administrator
2008-08-31 00:00 UTC+7 176

Đây là mấu chốt cho mọi công cuộc canh tân đích thực của cơ chế dòng tu.
Tại Công đồng, các nghị phụ khi thảo luận về lược đồ Canh tân thích nghi đời tu, đã thấy rõ tầm quan trọng của vấn đề. Mối quan tâm của các ngài là tìm ra một định nghĩa thần học mới về quyền bính, thế nào cho đức Vâng lời vẫn tôn trọng được nhân vị và cho phép Bề dưới sống như những người trưởng thành và có trách nhiệm. Một ý kiến gây được sự chú ý đặc biệt tại hội trường Công đồng, là ý kiến sau đay của Linh mục Buckley Bề trên tổng quyền dòng Maristes:
“Một số Bề trên không ngừng nói tới khủng hoảng về đức Vâng lời. Song tôi nghĩ rằng có khủng hoảng là khủng hoảng về phía Bề trên, chứ không phải về phía Bề dưới. Sự thật là:người trẻ hôm nay không còn chấp nhận được những câu cũ kỹ lỗi thời như: ý Bề trên phù hợp hoàn toàn với ý Chúa. Lược đồ không nói gì về bổn phận của các bề trên phải tham khảo ban cố vấn của mình, dù ban ấy ở cấp nhà dòng, tỉnh dòng hay toàn dòng. Có nhiều Bề trên đặc biệt là dòng nữ, và cả dòng nam nữa, không biết điều hành một cuộc họp ban cố vấn xứng danh là cố vấn và có hiệu năng. Tôi nghĩ rằng việc canh tân đời tu là một vấn đề đào tạo các Bề trên để họ làm việc hiệu năng, hơn là vấn đề làm thế nào cho Bề dưới biết vâng lời hơn”.
Không phải là các nghị phụ đã không thấy những mối nguy cơ đe dọa tinh thần Vâng lời của các tu sĩ bề dưới hiện nay. Một số vị ra mặt chống lại cái xu hướng coi Vâng lời chỉ là một cuộc bàn bạc, trong đó bề trên phải làm hết sức mình để thuyết phục bề dưới. Nhưng dù vậy, đại đa số các nghị phụ đã nhất quyết loại bỏ một quan niệm Vâng lời nặng về luân lý và pháp lý hơn là về tinh thần phúc âm, một quan niệm trong đó người ta nhấn mạnh một cách thiên lệch các nhiệm vụ của người bề dưới, như thế là có ý bênh vực quyền hành của người bề trên. Kết quả của các cuộc thảo luận góp ý sôi nổi về đức Vâng lời là số 14 của Sắc lệnh ĐỨC ÁI HOÀN HẢO. Đây là một tổng hợp thần học nhỏ về Vâng lời, vừa bén rễ vững chắc vào truyền thống vừa mở ra những hướng mới, nhất là cho việc thi hành quyền bính.
Số 14 này có 4 đoạn:
- Bản chất của đức vâng lời
- Thái độ của người bề dưới phải có
- Thái độ phúc âm của Bề trên
- Vai trò của Tu nghị và Hội đồng.
Tất cả 4 đoạn đều mang 1 tinh thần như nhau, đó là trở về với Phúc âm.
Công đồng Vaticanô II đã tạo nên 1 bầu không khí mới cho mối quan hệ giữa quyền bính và Vâng lời. Cha Charles Bernard viết: “Phải chân thành nhìn nhận là chúng ta đang đứng trước 1 hình thức mới của đức Vâng Lời, mà chúng ta phải hết lòng đón nhận, vì nó đáp ứng với ý muốn hiện tại của Giáo Hội và bởi thế với ý muốn của Thiên Chúa.”
Để hiểu rõ hơn giáo lý tương đối mới của Công đồng về đức Vâng lời, trước hết chúng ta nên biết qua hoàn cảnh nào bên ngoài và bên trong Giáo Hội đã đưa tới việc đặt lại vấn đề quyền bính và tuân phục.


I. NHỮNG NGUYÊN NHÂN TẠO NÊN HOÀN CẢNH MỚI.
1. Những nguyên nhân bên ngoài Giáo Hội.
- Ý thức tự do, nhân vị, và nhân quyền.
- Ý thức dân chủ và bình đẳng. Quan niệm quân chủ đã lùi bước.
- Xã hội mới còn là 1 xã hội kỹ nghệ trong đó mọi hoạt động được tổ chức thế nào cho hợp lý, để mang lại hiệu năng tối đa.
- Trong thế giới hiện đại, người ta cũng nói nhiều tới đối thoại, coi đó như là một khám phá mới trong tương quan liên chủ thể, như một đường lối tốt nhất để giải quyết các vấn đề giữa con người với con người.
2. Những nguyên nhân bên trong Giáo Hội.
- Một quan niệm mới về Giáo Hội.
- Tính tập đoàn (collegialité) và tinh thần đồng trách nhiệm.
- Ý muốn của Công đồng đối với dòng tu. Trong công cuộc canh tân đời tu, Công đồng muốn tất cả các tu sĩ phải tham gia tích cực, chứ không phải chỉ có các Bề trên.

Trong bầu không khí xã hội, tâm lý và thiêng liêng mới này, phải quan niệm và sống đức Vâng lời ra sao? Phải thực thi quyền bính như thế nào ?


II. ĐỨC VÂNG LỜI THEO CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II.
1. Bản chất của vâng lời
Vâng Lời là tế lễ chính bản thân mình (sacrificium sui) nhờ dâng hiến trọn vẹn (dedicatio plena) ý muốn mình cho Thiên Chúa.
Sự dâng hiến đó có liên quan thiết yếu tới 3 khía cạnh:
- Chương trình cứu độ của Chúa Cha.
- Gương mẫu của Chúa Giêsu
- Sứ mạng phục vụ của Giáo Hội.
2. Sự vâng lời của bề dưới.
- Một Đức vâng lời được linh hoạt bởi đức tin và đức ái.
- Một đức vâng lời tích cực và có trách nhiệm.
- Tu sĩ hãy “dùng tất cả năng lực trí tuệ, ý muốn cũng như các năng khiếu tự nhiên và siêu nhiên để thi hành các giới luật và chu toàn những phận sự đã được ủy thác cho mình.”
3. Sự vâng lời của bề trên
Xưa nói đến Vâng Lời, người ta thường chỉ nghĩ tới bổn phận Bề dưới. Chúng ta đã nêu ý kiến của 1 nghị phụ cho rằng có khủng hoảng là khủng hoảng về phía quyền bính (Bề trên) hơn là về phía Vâng lời (Bề dưới).
Các Bề trên cũng không được miễn khỏi vâng lời.
Trước hết Công đồng định rõ vai trò của Bề trên:
“Các vị Bề trên phải trả lẽ về các linh hồn đã được ủy thác cho mình, nên hãy ngoan ngoãn tuân hành thánh ý Chúa khi chu toàn bổn phận và thi hành quyền bính trong tinh thần phục vụ anh em làm sao để minh chứng được mối tình Thiên Chúa đã yêu họ”.
Đức Giáo Hoàng Phaolô VI cũng nói : “đối với người có quyền bính, thì phải phục vụ nơi anh em mình kế hoạch yêu thương của Đức Chúa Cha” (Chứng tá Phúc âm 25).
Như vậy bổn phận của Bề trên có hai mặt:
- Một đàng tìm kiếm thánh ý Chúa đối với cộng đoàn và đối với mỗi anh em.
- Đàng khác chuyển đạt thánh ý ấy cho họ và giúp họ đáp trả lại ý muốn cứu độ đầy yêu thương của Thiên Chúa.
3.1 Đối với Thiên Chúa.
Bề trên phải biết lắng nghe ý Chúa trên cộng đoàn và trên mỗi người. Bề trên là người đầu tiên trong cộng đoàn pahỉ vâng lời.
Tìm ý Chúa ở đâu?
Luật dòng và Hiến pháp dòng xác định những nét tổng quát của thánh ý Chúa. Nhưng Luật dòng và Hiến pháp không thể đủ được. Cần phải áp dụng vào những hoàn cảnh cụ thể, cho những cá nhân cụ thể. Do đó phải tìm cách thích ứng luật lệ lý tưởng với hoàn cảnh cụ thể theo như mình thấy là hợp với Kế hoạch của Thiên Chúa nhất.
Các biến cố: Thiên Chúa còn bày tỏ thánh ý qua cuộc sống với những gì dệt nên cuộc sống (như những hoàn cảnh, những sự việc những nhu cầu, những con người…).
Bề trên phải thực hiện việc ráp nối Lề luật và các biến cố là hai biểu hiện chính của thánh ý Chúa cho anh em mình. Ta thấy đó là một việc khó khăn, một trách nhiệm nặng nề.
Bên trong sự vâng lời đối với ý định yêu thương của Chúa, người Bề trên còn phải vâng lời những tiếng gọi của Chúa Thánh Thần trong anh em.
Nghĩa là gì?
Ta đã nói : mỗi tu sĩ có một ơn gọi riêng bên trong ơn gọi chung của cộng đoàn, nghĩa là một cách thức thể hiện ơn gọi làm con cái Thiên Chúa. Họ vào dòng theo tiếng Chúa gọi để tìm những phương tiện giúp họ hiệp thông trọn vẹn hơn với Chúa Cha. Họ vào dòng không phải vì bề trên hay vì cộng đoàn, song để cộng đoàn giúp họ thực hiện trọn vẹn sự tận hiến của họ cho Chúa. Dịch vụ mà Chúa xin Bề trên thi hành nhân danh Ngài chính là thỏa mãn đòi hỏi chính đáng đó của Bề dưới. Lẽ dĩ nhiên ơn gọi riêng của cá nhân phải đặt vào trong ơn gọi chung của cộng đoàn, nhưng không được rơi vào chước cám dỗ gò mỗi người vào cái khuôn chung cho giản tiện, coi cá nhân chỉ là 1 khâu trong dây xích.
Khi khấn, người tu sĩ dấn thân cho cộng đoàn, nhưng cộng đoàn cũng cam kết giúp tu sĩ đạt tới lý tưởng của họ (hai chiều).
3.2 Đối với các tu sĩ bề dưới.
Bề trên phải kính trọng nhân vị: họ là những con người có tự do và trách nhiệm. Hơn nữa họ là “con cái Thiên Chúa”. Vậy phải xem họ như “anh em”, như “bạn hữu” và như “cộng sự viên” của mình. Đó là thái độ của Chúa Giêsu đối với các tông đồ.
Lời khuyên dạy này được áp dụng vào hai việc cụ thể:
- Bề trên hãy cố gắng phát triển sự vâng lời tự nguyện, tạo sự dễ dàng để bề dưới dễ dấn thân vào đức Vâng lời.
- Bề trên hãy để cho bề dưới, một sự tự do chính đáng trong việc xưng tội và linh hướng. Nghĩa là bề trên không được ép buộc bề dưới cởi mở lương tâm cho mình hoặc ngăn cản họ tìm gặp một người linh hướng mà họ mong ước. Bề trên hãy “hướng dẫn bề dưới biết cộng tác và vâng lời với tinh thần tích cực và trách nhiệm”. Làm cho bề dưới tích cực cộng tác vào ích chung, tích cực góp phần của mình xây dựng cộng đoàn đó là bổn phận của bề trên, và đó là cả một nghệ thuật. Bởi thế Công đồng dạy các bề trên hãy sẵn sàng lắng nghe bề dưới góp ý. Nghe thật sự, chứ không phải nghe bề ngoài, nghe chiếu lệ. (Paul VI : có hai cách thi hành quyền bính : trao đổi và áp đặt).
4. Vai trò của các tu nghị và hội đồng
Các Bề trên không phải là những người duy nhất gánh vác trách nhiệm của cộng đoàn hoặc của Tu hội. Tất cả các tu sĩ phải góp phần vào sự tiến triển của tu hội. Những cuộc trao đổi hay tham khảo với cá nhân chưa đủ. Công đồng còn tiên liệu những cơ chế để thi hành quyền bính và tinh thần đồng trách nhiệm nữa: đó là các Tu nghị và các Hội đồng.
“Các Tu nghị và Hội đồng phải trung thành chu toàn bổn phận quản trị đã được ủy thác và tùy theo cách thức riêng mà phản ánh sự tham gia và lo âu của mọi tu sĩ đối với lợi ích của toàn thể cộng đoàn”.
Ở đây cũng nên nhắc tới Tự sắc Ecclesiae Sanctae (số 18): Tự sắc nhấn mạnh giá trị của nguyên tắc “bổ trợ” (subsidiarité): điều gì cấp dưới có thể làm được thì nên giao cho cấp dưới, cấp trên không nên dành lấy tất cả mà làm.

III. NHẬN ĐỊNH VỀ MỘT SỐ KHÓ KHĂN:
Bản văn của Công đồng thúc đẩy ta phải xét mình.
Sau đây là một số cám dỗ thường gặp và phải tránh:
1. Về phía Bề dưới :
- Thiếu tinh thần đức tin, chỉ chấp hành những gì cho là hợp lý và nhất là hợp ý mình.
- Chưa từ bỏ ý riêng cho đủ để tìm kiếm lợi ích chung. Không vượt ra khỏi quan điểm cá nhân để nhìn theo quan điểm công ích.
- Thiếu kính cẩn đối với Bề trên nhất là khi Bề trên đồng tuổi hoặc ít tuổi hơn.
- Thiếu trởng thành nhân bản.
- Thiếu thực tế (có óc đối lập, chống đối quyền hành vì quyền hành; coi như quyền hành là đương nhiên xấu… Lúc nào cũng đòi hỏi Bề trên… Quên rằng ở ngoài xã hội sự vâng phục không phải là ít : ví dụ 1 người thợ, 1 nhân viên, 1 thành viên của tổ chức nào đó).
- Thụ động, bảo sao làm vậy, không muốn có ý kiến và sáng kiến, sự trách nhiệm và phiền hà.
- Người Việt Nam sống quá thiên về tình cảm, nhẹ lý trí (không phân biệt các bình diện khác nhau).

2. Về phía Bề trên
- Óc vụ quyền, độc đoán: muốn điều khiển tất cả, kiểm soát tất cả. Cho rằng đối thoại với kẻ dưới, nghe theo ý kiến kẻ dưới là mất mặt.
- Óc thích che chở, bao bọc bề dưới, vì coi họ như con cái chưa có kinh nghiệm (paternalisme , maternalisme).
- Mị dân, “ba phải”, muốn làm vui vẻ cả làng, chiều ý bề dưới để được lòng họ.
- Lẫn tránh trách nhiệm hoặc lơ là trách nhiệm vì sợ chống đối hoặc đã gặp chống đối, vì chỉ lo tổ chức vật chất, khoán trắng các sinh hoạt tinh thần cho tập sư hay cho người đặc trách huấn luyện. Vì để tâm vào 1 việc nào khác như làm cha sở, hay làm giám đốc 1 cơ sở xã hội… vì vấn đề phải giải quyết quá phức tạp.

IV. PHẢI LÀM GÌ :
Xin gợi ý vài điều kiện căn bản
¨ Tinh thần đức tin
Cộng đoàn tu sĩ phải là 1 cộng đoàn đức tin, được xây dựng trên đức tin và chỉ có thể tồn tại đúng với bản chất của nó nhờ đức tin.
Bởi vậy mọi vấn đề chỉ có thể giải quyết thực sự trong ánh sáng đức tin.
“Mỗi người, nhưng cách riêng các Bề trên và những ai có trách nhiệm nào trong anh chị em mình, đều có phận sự khơi dậy trong cộng đoàn những xáctín về đức tin, lấy đó làm nguyên tắc chỉ đạo” (CTPA, số 25).
¨ Một quan niệm đúng về cộng đoàn tu trì :
Các nghị phụ tại Công đồng đã bắt đầu bằng việc xác định Giáo Hội là gì trước khi bàn tới các vấn đề khác có tính cách Mục vụ.
Tu sĩ cũng phải có một quan niệm đúng về bản chất của cộng đoàn, về nền tảng, về mục đích của nó.

CÂU HỎI GỢI Ý:

1. Một Bề trên phải có những đức tính nào?
2. Phải làm gì giúp Anh em mình đạt tới một đức Vâng lời tích cực và có trách nhiệm?
3. Tại sao vấn đề quyền bính và tuân phục là vấn đề then chốt trong công cuộc đổi mới đời tu?
4. Sắc lệnh Đức Ái hoàn hảo viết : Đức Vâng lời trong đời tu chẳng những không giảm bớt phẩm giá con người, mà còn giúp nhân vị trưởng thành nhờ phát triển sự tự do của con cái Thiên Chúa”. Thế nào là sự tự do của con cái Thiên Chúa?
5. Khó khăn thường gặp nơi giới trẻ và nơi đám già, nơi người ít học và nơi người có văn hóa cao?
6. Vâng lời trong các đoàn thể nhân loại, và vâng lời trong các đoàn thể tu trì.


Fr. Guy Marie Nguyễn Hồng Giáo

Chia sẻ