Đất Thánh: tình huynh đệ, việc sống chung và chấp nhận lẫn nhau – 800 năm từ lần gặp gỡ giữa thánh Phanxicô và Quốc vương Hồi giáo
Trường Trung học Đất Thánh là ngôi trường đầu tiên được thành lập tại Bết-lê-hem, và chắc chắn đây là một trong những ngôi trường đầu tiên của vùng đất này. Trường hoạt động từ thế kỷ thứ 16, nhờ các anh em Phan Sinh là những người đã khởi đầu các hoạt động giáo dục trong thành phố Bết-lê-hem với hai mục tiêu: dạy các em nhỏ những nguyên tắc của Kitô giáo và tập trung vào các ngoại ngữ, đặc biệt tiếng Anh và tiếng Ý, tạo cơ hội cho các người trẻ khả năng có một cuộc sống tốt hơn. Ngày nay, trường có khoảng 1180 học sinh đăng ký, trong đó 62 phần trăm là Kitô hữu và 38 phần trăm là Hồi giáo. Các con số này phản ánh cấu trúc xã hội của thành phố Bết-lê-hem và là một thí dụ về sứ vụ đảm bảo một nền giáo dục không phân biệt tôn giáo, được các anh em Phan Sinh thực hiện.
“Chúng ta là một. Chúng ta là anh em và chị em với nhau,” giáo sư dạy tiếng Anh và đạo Hồi, Linda Deklallah, nói- “Và dự phóng này giúp chúng tôi nhớ điều trên. Trường Trung học Đất Thánh điển hình cho cuộc gặp gỡ giữa thánh Phanxicô và Quốc vương Hồi giáo dựa trên nền tảng sau đây, xảy ra hàng ngày: chúng tôi không cảm thấy khác biệt nhau.” Dự phóng bắt đầu từ tháng Giêng 2019 có nhiều mục tiêu: gây ý thức về tầm quan trọng của hòa bình, sự sống chung và chấp nhận những người khác; cải tiến ý tưởng huấn luyện hoạt động tương tác được diễn tả trong các buổi hội thảo do các học sinh thực hiện, ở cả hai dạng thức: giữa các em với nhau và với các giáo sư của các em; tạo ra một chứng từ về tình huynh đệ, sự sống chung và chấp nhận lẫn nhau được chia sẻ ra bên ngoài trường lớp như một điển hình trong xã hội. “Tôi nghĩ loại dự phóng này giúp nối kết cộng đồng chúng tôi lại với nhau,” Nader Madbouth, một trong những học sinh dấn thân vào đó nói, “đặc biệt vào thời buổi khó khăn và trong những điều kiện chính trị và kinh tế hiện nay. Chúng tôi có rất nhiều lý do để di cư nhưng nếu chúng tôi ý thức chúng tôi là ai thì chúng tôi có thể tiếp tục sống hòa bình như chúng tôi vẫn luôn làm.”
Các giai đoạn khác nhau của công việc đã dẫn đến giây phút khi mà Chứng Thư Tình Huynh Đệ (Brotherhood Certificate) được cấp phát vào ngày thứ Tư 30 tháng Giêng, với sự hiện diện của Giám hạt Hạt Dòng Đất thánh, anh Francesco Patton, Thượng phụ danh dự, ngài Michael Sabbah, Tổng Giám mục Sebastia, ngài Atallah Hanna, và Giáo trưởng của Bết-lê-hem, Abdelmagid Ata. Ngoài ra còn có các đại diện của Chính quyền Pa-lết-tin: Bộ trưởng Du lịch, Rula Maaya; Bộ trưởng các vấn đề tôn giáo Hồi giáo, Yousef Dias; Đại diện các vấn đề Kitô giáo, Hanna Issa, và Thị trưởng Bết-lê-hem, Tony Salman.
Anh Marwan Di’des, Giám đốc Trường Trung học Đất Thánh, người đã giúp xúc tiến sáng kiến, giải thích rằng dự phóng được đặt nền tảng trên tổng hợp của những trình thuật khác nhau về cuộc gặp gỡ giữa Thánh Phanxicô và Quốc vương Al-Malek Al-Kamil, có thể được tìm thấy trong Các Nguồn Phan Sinh. Các người tham dự vào dự phóng cũng xem bộ phim “Quốc vương Hồi giáo và vị Thánh,” do UPF sản xuất (The Unity Production Foundation), và nó là “một thách đố thật sự”, anh Marwan nói, “bởi vì các học sinh không quen xem các phim tài liệu, tuy nhiên xem chúng thì quan trọng cho việc hiểu sâu hơn chủ đề.” Trong thời gian thực hiện sáng kiến, cũng có những lúc thách đố, như khi các em xem cuốn phim “Hala Lawain” của Liban (“Bây giờ, chúng ta đi đâu?”) nói về chủ nghĩa tôn giáo cực đoan dẫn đến sự chết. Ngày 24 tháng Giêng được dành cho các buổi hội thảo ở đó các học sinh cho ra mắt một tài liệu ủng hộ sự cần thiết của sự sống chung. “Mục đích của chúng tôi là làm cho giới trẻ hiểu được rằng chủ nghĩa tôn giáo cực đoan chỉ dẫn đến sự chết mà thôi,” anh Marwan nói. “Nhằm để có hòa bình, chúng ta cần phải là những con người đi tìm kiếm hòa bình, và để là những con người đi tìm kiếm hòa bình, chúng ta phải là những con người khôn ngoan. Chính sự khôn ngoan dẫn đến hòa bình, chớ không phải chỉ có tình yêu huynh đệ.”
Thánh Phanxicô và Quốc vương Hồi giáo: từ mẫu gương của hai nhân vật có thể đối thoại với nhau trong một thời điểm chiến tranh này, giới trẻ đã viết ra một bản tuyên bố gồm 10 điều để chúng ta có thể tiếp tục xây dựng một thế giới hiệp nhất và huynh đệ.
Sự đồng thuận này đã được thể hiện nhân dịp kỷ niệm lần thứ 800 ngày gặp gỡ giữa thánh Phanxicô và Quốc vương Hồi giáo Ayyubid Al-Malek Al-Kamel năm 1219.
“Chúng tôi tin rằng:
- Chúng tôi, như những con người, thì bình đẳng trước mặt Thiên Chúa.
- Giáo dục là nền tảng để thiết lập hòa bình.
- Việc nhận biết các người khác thì căn bản để bảo vệ tính đa dạng và tình huynh đệ của chúng tôi.
- Sự hiểu biết và ý thức môi trường sống chung quanh chúng tôi, bất chấp các khó khăn của nó, cho chúng tôi khả năng tồn tại.
- Một trải nghiệm đức tin chân thật với Thiên Chúa là con đường dẫn đến hòa bình.
- Các tôn giáo độc thần là một sứ điệp hòa bình từ trời xuống.
- Xây dựng những tương quan nhân bản là nguyên tắc chung sống nền tảng.
- Chính bằng sự cởi mở lòng và đón nhận các người khác mà sự kính trọng lẫn nhau được coi trọng và nỗi sợ hãi tan biến.
- Các sáng kiến đặt nền tảng trên sự khôn ngoan thì căn bản cho việc thiết lập hòa bình.
- Những hành động đem lại các kết quả cụ thể cho đời sống của dân chúng phải được củng cố.
Alexis Trần Đức Hải, OFM, dịch