HÒA BÌNH VỚI THIÊN CHÚA, HÒA BÌNH VỚI CON NGƯỜI, VÀ HÒA BÌNH VỚI THỤ TẠO
Nhân dịp Mùa Thụ tạo 2023, chúng tôi đăng bài viết của anh Giuseppe Buffon OFM về mối quan hệ giữa sinh thái học toàn diện, thế giới Công giáo và đặc sủng Phan sinh.
Tại Gubbio năm 1982, nhân kỷ niệm 800 năm ngày sinh của thánh Phanxicô Assisi, lần đầu tiên các phong trào sinh thái, nhân danh Tác giả Bài Ca Anh Mặt Trời, đã cố gắng lôi kéo Giáo hội Công giáo vào cam kết nhiệt huyết của họ trong việc bảo vệ môi trường.
Cuộc hội thảo mà họ tổ chức về khoa học và tôn giáo trước cuộc khủng hoảng sinh thái, mang tên “Terra Mater” [Mẹ Đất], đã đạt được thành công lớn về mặt truyền thông, thu hút sự chú ý của toàn bộ phạm vi chính trị xã hội ở cấp quốc gia, chưa kể những phản hồi ở cấp quốc tế. Trên thực tế, nhiều hãng thông tấn đã đăng tải như L’Unità (28 tháng 9), Il Popolo (28 tháng 9), Il Messaggero (24 tháng 9), La Nazione di Firenze (10 tháng 8), Il Corriere della Sera (27 tháng 9), Il Tempo (6 tháng 8), La Stampa (26 tháng 9), Paese Sera (27 tháng 9) , L’Avvenire (26 tháng 9), cũng như các bản tin khác nhau của phong trào sinh thái và các hiệp hội địa phương.
Đối với một số người, đây là một kiểu “nổi loạn” Phan sinh chống lại Thông điệp Laborem Exercens, ban hành ngày 14 tháng 9 năm 1981, trong đó đã dám sử dụng thuật ngữ “thống trị”, khi đề cập đến hành động của con người đối với thiên nhiên; trong khi chỉ hai năm trước đó (1979), các phong trào sinh thái đã đón một cơn mưa rào đích thực cùng với sự ngạc nhiên khi thấy cũng chính tác giả của Laborem Exercens, Đức Gioan Phaolô II, tuyên bố thánh Phanxicô Assisi là người bảo trợ các nhà sinh thái học. Đó là đề xuất mà Lynn White đã ủng hộ trong bài báo gây chấn động năm 1967 của ông: Nguồn gốc lịch sử của cuộc khủng hoảng sinh thái thời đại chúng ta.
Những người khác, dự đoán chính Laudato si', chủ nợ của tầm nhìn sinh thái của Đức Thượng phụ “Xanh”, Bartôlômêô I, thậm chí còn đi xa đến mức đưa ra giả thuyết về khả năng có một thông điệp mới, dành riêng cho các vấn đề môi trường, hoặc một tuyên bố của huấn quyền về “tội lỗi sinh thái”:
Liệu một người bỏ rơi một con chó trên đường cao tốc lại có thể không bị coi giống như kẻ nói “đồ ngốc” với anh em mình sao? (Mt 5,22: “Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng.”) Liệu từ nay việc thải chất độc vào “chị nước” lại có thể không bị trừng phạt như nhìn phụ nữ với cạp mắt dâm đãng chăng? Tôi chắc chắn là có!
Điều này đã được tuyên bố bởi một người có tầm nhìn đáng tin cậy, Fulco Pratesi [Ý], người vào năm 1970, nhân danh thánh Phanxicô Assisi, viết một lá thư từ chức, đấu tranh chống lại các vụ tàn sát sinh vật, đã từng xảy ra do chính bàn tay ông và dân tộc ông.
Trong kinh Truyền tin ngày 3 tháng 10 năm 1982, Đức Gioan Phaolô II đã đề cập đến cuộc Hội thảo Gubbio, với những khẳng định làm mọi người ngạc nhiên khi dường như không chỉ lật đổ những tuyên bố của Laborem exercens, mà còn dám thể hiện sự tôn trọng thiên nhiên như một khí cụ cải cách xã hội, như lương thực cho sự chung sống hòa bình, và như con đường dẫn đến hòa bình:
Ngày mai là lễ kính thánh Phanxicô, ngày sẽ kết thúc kỷ niệm bát bách chu niên sinh nhật của ngài. Dưới ánh sáng của chứng từ phi thường về tình yêu dành cho Thiên Chúa và cho mọi thụ tạo do thánh Phanxicô cống hiến, tôi muốn gửi lời chào đặc biệt đến những người tham gia Hội thảo “Terra Mater” trong những ngày gần đây, được tổ chức tại Gubbio. Cuộc họp đã nhấn mạnh một cách đúng đắn rằng tương lai của nhân loại và hành tinh Trái đất đang gặp nguy hiểm do mối quan hệ giữa con người và môi trường ngày càng xấu đi, cũng như do mối quan hệ giữa con người, giai cấp và quốc gia. Điều cần thiết và cấp bách là, theo gương của Vị thánh Nghèo, chúng ta quyết định từ bỏ những hình thức thống trị-chăm sóc liều lĩnh đối với mọi thụ tạo. Bằng cách tập thói quen yêu thương và tôn trọng những sinh vật thấp kém hơn, con người cũng sẽ học cách trở nên nhân văn hơn với những người ngang hàng với mình. Vì vậy, tôi rất vui mừng khuyến khích và chúc lành cho những người dấn thân vào hoạt động để đảm bảo rằng thế giới động vật, thực vật và khoáng vật được đánh giá và đối xử như “anh chị em”, theo nhãn quan Phan sinh.
Trên thực tế, Đức Gioan Phaolô II, chính vào dịp Ngày Hòa bình Thế giới năm 1990 (Hòa bình với Thiên Chúa Đấng Tạo Hóa, hòa bình với mọi thụ tạo), đã thu hút sự chú ý đến mối liên hệ giữa sinh thái học và hòa bình, giữa việc chăm sóc thụ tạo và sự dấn thân xây dựng hòa bình:
Ngày nay chúng ta ngày càng nhận thức rằng hòa bình thế giới đang bị đe dọa không chỉ bởi chạy đua vũ trang, bởi các cuộc xung đột khu vực, hay bởi những bất công vẫn còn tồn tại giữa các quốc gia và dân tộc, mà còn bởi sự thiếu tôn trọng đúng mức đối với thiên nhiên, bởi việc khai thác một cách vô trật tự các nguồn tài nguyên và sự suy giảm dần về chất lượng cuộc sống. Tình trạng này tạo ra một cảm giác bấp bênh và bất an, từ đó tạo điều kiện cho các hình thức ích kỷ tập thể, tích trữ và lạm dụng.
Đức Gioan Phaolô II đã trở nên nổi tiếng vì đặc biệt chú ý đến chủ đề hòa bình. Và, thậm chí phải đối mặt nguy cơ bị chỉ trích từ các nhân vật danh giá của Giáo hội Công giáo, ngài đã dám kêu gọi đại diện của các tôn giáo lớn đến quê hương của thánh Phanxicô để cầu nguyện cho hòa bình. Đó là ngày 27 tháng 10 năm 1986. Một tháng trước đó, vào ngày 29 tháng 9, lấy cảm hứng từ cuộc gặp gỡ tại Gubbio, những người ủng hộ tôn giáo và các nhà khoa học từ các phong trào sinh thái đã gặp nhau, một lần nữa tại Assisi, để thành lập một liên minh ủng hộ việc bảo vệ môi trường tự nhiên.
Sự kiện này, không giống như ngày hòa bình, đã khơi dậy sự hứng khởi nhân danh Tinh thần Assisi, hầu như không được chú ý, như thể cuộc khủng hoảng môi trường ít nghiêm trọng hơn cuộc khủng hoảng xã hội, và trên hết, như thể không có mối liên hệ nào giữa hai cuộc khủng hoảng này. Vào dịp đó, chính Nazareno Fabretti OFM, một giọng ca lạc loài, đã cảnh báo về nguy cơ rằng sự quan tâm đến hòa bình sẽ chìm vào quên lãng nếu thiếu một cam kết mạnh mẽ cho chăm sóc môi trường:
Không thể trở thành những người kiến tạo hòa bình bằng việc giải trừ lương tâm và các cấu trúc hạt nhân nếu vấn đề mang tính thời đại, tính tối hậu và tính thế mạt này không được lồng ghép vào vấn đề “giải trừ quân bị” khác, khỏi sự thù địch và bạo lực của con người đối với thế giới động vật, các nguyên tố, vũ trụ, và toàn thể tạo thành.
Và với một linh cảm cẩn trọng, ông kết luận:
Vì lý do này, tôi dám hy vọng rằng một lời cầu nguyện đại kết sẽ được dâng lên vào ngày 27 tháng 10 tại Assisi, trên lăng mộ thánh Phanxicô, cho hòa bình giữa mọi người, mọi dân tộc, mọi tôn giáo và giáo hội, nhất là cho sự hòa giải giữa loài người với thế giới thụ tạo.
Việc ký một cam kết chung giữa Thánh đường Hồi giáo Rôma [the Great Mosque of Rome] và Đại học Antonianum về việc khởi động một cộng đồng năng lượng cổ võ hòa bình, để “tạo năng lượng cho hòa bình”, vào ngày 13 tháng 3 vừa qua, kỷ niệm 10 năm đăng quang của Đức Giáo hoàng Phanxicô, có mục đích rõ ràng là tránh sự tách biệt giữa chủ nghĩa môi trường [environmentalism] và chủ nghĩa hòa bình [pacifism] bởi vì, như Đức Phanxicô đã khẳng định, cuộc khủng hoảng này là duy nhất, thực sự, đó chính xác là một cuộc khủng hoảng vì tư duy bị ô nhiễm bởi những sự phân đôi có hại, chính xác bởi vì xung đột chiếm ưu thế hơn thống nhất, và ý thức về thực tại bị xáo trộn bởi các hệ tư tưởng phân cực.
Fr. Giuseppe Buffon, OFM
Giáo sư Lịch sử và Sinh thái học Toàn diện
Khoa Thần học Đại học Giáo hoàng Antonianum Rôma
(Nguồn:https://ofm.org/pace-con-dio-pace-con-gli-uomini-pace-con-le creature.html)