Skip to content
Main Banner
Ngôn ngữ

Âm thanh Bình Giã

Administrator
2008-10-15 00:00 UTC+7 198

Phải nói ngay rằng: Bình giã chẳng có nhiều âm thanh. Người mà đã quen với một thế giới ồn ào, thì Bình giã có lẽ là một sa mạc. Nhưng cái tính ‘sa mạc' đó biết đâu lại chẳng phải là một cái may ? "Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ", Đã có biết bao người  chọn cái dại đó để tìm đến những nơi tĩnh mịch, để trốn cái ồn ào gây ‘trét', gây căng trẳng của tiếng động. Biết bao lỗ tai hằng ngày bị tiếng ồn tra tấn.

Bình giã (tức cộng đoàn BG) ít tiếng ồn. Ít chứ không phải là không có. Nhưng những tiếng ồn, tiếng động ở đây là những âm thanh tự nhiên. Và cái gì tự nhiên thì thích hợp với con người hơn. Đó là tiếng gió xào xạc. Xào xạc thôi chứ không vi vu thơ mộng như ở các đồi thông Đà lạt. Hay tiếng rào rào cơn mưa đổ xuống mái tôn... Về mùa nắng, thì tiếng ve là bài nhạc nền cho thời gian. Hình như vào những lúc nhất định, ban nhạc ve cử hành những bản hòa tấu thiên thu, vì từ khi Chúa dựng nên chúng, tiếng ve vẫn như vậy.

Trong các loại tiếng hát/hót (tiếng Pháp gọi la chant mà) của loài chim, có tiếng khô khan của con oành oạch, có tiếng gắt gỏng khuấy động của con bồ chao ( lao nhao như bồ chao vở tổ), có tiếng trầm trầm của con bìm bịp (cả ngày lẫn đêm). Lại có tiêng kêu của con le-le, con quốc, làm ta tưởng nhớ đến 2 câu thơ của bà huyện Thanh Quan: Nhớ nước đau lòng con quốc quốc, Thương nhà mỏi miệng cái gia gia. Nhưng trong các thứ tiếng hót của loài chim ấy, tiếng chim cu gáy như có một âm vang rất đặc biệt.

Dĩ nhiên, đây là người nghe suy diễn. Không biết khi chúng gáy, chúng có nghĩ gì trong đầu không ? Trong bầu trời bát ngát bao la, hay trong một cái lồng chật hẹp, chúng cũng gáy như vậy. Có những lúc nghe như thật xa xôi. Tiếng gáy nhè nhẹ, đều dều, vang lên từ một nơiẩn khuất nào đó. Tiếng gáy ấy không có giờ nhất định. Khi thì vào lúc ban mai, khi thì vào lúc chiều tà. Có khi cả ban trưa oi ả. Có những buổi sáng sớm, trong bầu khí mát mẻ tràn ngập ánh nắng  ấm áp ban mai, tiếng chim vang lên đâu đó, với một tiết điệu đều đều : cục cu cu u u cục.  Hình như tiếng gáy ấy là tiếng gọi các đồng loại.  Nhưng gọi lâu mà không có tiếng đáp trả, thì chim lại đổi tiết tấu, nhanh hơn, giục giã hơn : cúc cu, cúc cu, cúc cu.

Tôi thầm nghĩ : đó là hình ảnh của tiếng Chúa. Trong âm thầm, Thiên Chúa cũng đang kêu mời con người trở về. Người mời gọi cách êm nhẹ, gia diết. Người kiên tâm chờ đợi, mời gọi những ai đã xa Chúa hãy trở về. Chờ lâu không thấy, Người giục giã, như tiếng chim cu đổ dồn cúc cu cúc cu cúc cu.

Cái sa mạc (nếu là thế) của bình giã là một cái may mắn. Âm thanh của muôn loài, Tiếng thì thầm của Thiên Chúa dễ lọt vào tai, vào lòng con người hơn.

Savio Chức.

 

 

Chia sẻ