Biện Phân: Sự Thanh Luyện Nơi Cái Nhìn Chăm Chú, Nơi Con Tim Và Nơi Ý Muốn
Các chị rất yêu quý,
Xin Chúa ban cho chúng ta bình an của Người!
Năm ngoái tôi đã đề nghị với các chị một số phản tỉnh đặt nền trên những lời nói đã hướng dẫn sự chuẩn bị của chúng ta như là những người Anh Em Hèn Mọn cho Hội Đồng Dòng Mở Rộng mà chúng tôi đã cử hành tháng Sáu vừa qua tại Nairobi: lắng nghe, biện phân, hành động.
Năm nay cách riêng tôi muốn tập trung trên yếu tố thứ hai. Nhìn vào gương mẫu và lời nói của thánh Clara, tôi muốn làm nổi rõ một số khía cạnh hữu ích có thể giúp chúng ta hướng tới một sự biện phân vốn có thể định hình cách mau chóng đời sống của chúng ta, làm cho đời sống đó đáp trả cách trung thành và vui tươi với tiếng gọi của Thiên Chúa trong thời đại này, và trong không gian đã được ban tặng cho mỗi chúng ta.
Chúng ta được Thiên Chúa nhận làm con trong người Con Giêsu, Đấng đã chết và sống lại, và vì thế từ giây phút nhận lãnh phép rửa, chúng ta cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, xin cho ý Cha được thể hiện”. Con đường của biện phân là cách thế tồn tại duy nhất hợp lý và xác thực, bởi vì, như thánh Phanxicô nói với chúng ta, “Bây giờ, sau khi đã từ bỏ thế gian, chúng ta chỉ có một việc phải làm là tuân theo thánh ý Chúa và làm đẹp lòng Người” (Lksd XXII,9). Về phần mình, thánh Clara “trong chừng mực mà ngài có thể, đã cố gắng để làm vui lòng Chúa” (Proc 8,3).
Nhìn lại trên nguồn tài liệu của thánh Clara, cách riêng nơi các thư, tôi nhận thấy rằng Clara đã sống và đề nghị sự biện phân như là con đường của sự thanh luyện: thanh luyện nơi cái nhìn chăm chú, nơi con tim và nơi ý muốn.
THANH LUYỆN NƠI CÁI NHÌN CHĂM CHÚ
Điểm khởi đầu là thực tại trong đó chúng ta tìm thấy chính mình; thậm chí trước đó, nó là thực tại mà “chúng ta ở trong”, rằng mỗi một chúng ta ở trong bởi tự nhiên và bởi ân sủng. Rất thường khi chúng ta có kinh nghiệm về tình trạng méo mó của thực tại trong chúng ta và xung quanh chúng ta. Các định kiến và thành kiến đủ loại có thể làm méo mó cách đọc của chúng ta về điều đang xảy ra trong chúng ta hay trong cộng đoàn chúng ta, trong Giáo hội hay trong xã hội ....Phải chăng đó là nhân tố đầu tiên trong những hiểu biết sai lạc, ý thức sai lạc hay những mối liên hệ căng thẳng?
Thanh luyện cái nhìn chăm chú để “thấy” tốt: để thấy cách Thiên Chúa nhìn chúng ta, để thấy mà không làm méo mó các bộ lọc. Giống như điều ngài đã viết cho thánh Anê thành Paraga, Clara nhắc nhở mỗi người chúng ta hôm nay rằng bởi việc giống với Đức Giêsu, hãy làm cho cái nhìn chăm chú của Người thành cái nhìn của chính chúng ta, chúng ta có thể “thấy” thực tại trong sự thật, bên trên những thay đổi được sản sinh bởi tội trong tất cả những dạng thức của nó: “Người là phản ánh vinh quang ngàn đời, là vẻ rực rỡ của ánh sáng vĩnh cửu, là tấm gương không chút tì ố. Thưa hoàng hậu, hiền thê của Đức Giêsu Kitô, xin bà hằng ngày hãy soi mình vào tấm gương đó, và cũng hãy nhìn kỹ khuôn mặt bà trong đó” (4LAg 14-15), bởi vì chắc chắn rằng “trong ánh sáng của Ngài, chúng con được nhìn thấy ánh sáng” (Tv 35,10).
Clara đã bắt đầu cảm nghiệm việc thanh luyện nơi cái nhìn khi Phanxicô “khuyến khích ngài khinh chê thế giới, cho Clara thấy nơi diễn từ sống động của ngài niềm hy vọng về thế giới đã khô cạn như thế nào và sự đẹp đẽ của thế giới đầy lừa dối ra làm sao. Phanxicô đã thầm thỉ vào trong đôi tai của Clara về hôn ước ngọt ngào với Chúa Kitô (LegsC 5). Clara thực sự đã học điều này rất tốt khi ngài viết cho Anê thành Paraga: “Sau khi tất cả những kẻ đánh bẫy những người yêu mù quáng của họ trong một thế giới lừa dối và đầy biến động đã hoàn toàn bị vượt qua, bà có thể hoàn toàn yêu mến Người, Đấng đã ban tặng trọn vẹn chính mình cho tình yêu của bà”. Có một sự lừa dối căn bản, “đầu tiên”, qua đó “thế giới” được thấy như là một cái nhìn về thực tại trong sự đối nghịch với cái nhìn của Thiên Chúa, có vẻ rất thu hút nhưng thực sự lại làm chết người, dường như ban hạnh phúc nhưng thay vào đó lại nô dịch hóa và cướp mất niềm vui và sự công minh. Về mặt này, trong lá thư thứ ba gửi Anê, Clara đã sử dụng những sự diễn đạt mạnh mẽ: “vì vậy, bà cũng thế, bằng việc đi theo trong dấu chân của bà, đặc biệt là những dấu chân của sự khiêm hạ và nghèo khó, thì không còn nghi ngờ gì nữa, bà có thể luôn luôn mang Người cách thiêng liêng trong thân thể thanh khiết và trinh nguyên của bà, ôm lấy Người, Đấng mà bởi Người bà và mọi sự được ăn khớp với nhau, sở hữu điều đó mà trong sự so sánh với những của cải chóng qua khác của thế giới này, bà sẽ sở hữu một cách chắc chắn hơn. Trong điều này, những vị vua và bà hoàng trần thế đều bị lừa dối, bởi vì cho dẫu sự hãnh diện của họ có thể vươn tới trời và đầu của họ có thể đụng tầng mây, cuối cùng họ cũng chỉ là một đống phân bị quên lãng (3LAg 25-28). Sự hiệp thông với Chúa Giêsu chính là sống trong ân huệ của những đảm bảo cho chính mình, một sự bảo vệ khỏi sự liều lĩnh của sự “mù quáng” về mặt tinh thần. Phanxicô dạy chúng ta rằng chỉ cái nhìn được thanh luyện mới có thể thấy Thiên Chúa trong tất cả mọi sự. Clara muốn định hình cùng một cái nhìn như thế nơi các chị em của ngài: “khi mẹ rất thánh của chúng ta có thói quen gửi những chị phục vụ ra ngoài đan viện, chị đã nhắc nhở họ ca ngợi Thiên Chúa khi họ thấy những cây cối đẹp, những bông hoa đẹp, và các bụi cây đẹp; và tương tự như thế, luôn luôn ca ngợi Người về mọi sự và trong mọi sự khi họ thấy tất cả mọi người và tạo vật” (Proc 14.9). Nhìn thực tại như Thiên Chúa nhìn, chính là bước đầu trong sự nhận biết về dấu vết của các nẻo đường về Thiên quốc.
THANH LUYỆN NƠI CON TIM
Nếu một cái nhìn tinh tuyền đọc được thực tại trong chân lý của Thiên Chúa, thì chính con tim sẽ xét đoán điều đó, sẽ lượng giá điều đó, sẽ giải thích điều đó. Biện phân như là “phán đoán” là một bước tiếp theo, trong đó thực tại đối diện với những giá trị khích lệ và hướng dẫn hành trình đời sống của chúng ta.
Theo chứng từ của Bona di Guelfuccio, Phanxicô đã thúc giục Clara thời trẻ chăm sóc con tim của thánh nữ bằng việc hòa nhịp nó với con tim của Chúa Giêsu: “Ngài luôn luôn thuyết phục cô rằng cô có thể quay về với Đức Giêsu Kitô”. Hoán cải, giống như hít thở, là sự đo lường căn bản cho người Kitô hữu để tiếp tục sống. Qua kinh nghiệm Clara biết con tim dễ bị chai cứng, sao lãng và bối rối như thế nào; đó là lý do vì sao ngài vui sướng trong việc nhìn thấy Anê thành Paraga: “Bà đã mang lụn bại tới cho sự khôn khéo của kẻ thù xảo quyệt của chúng ta, sự hãnh tiến vốn phá hủy bản tính con người, và sự phù vân làm cuồng dại con tim nhân loại”. Hãnh tiến và phù vân ngăn cản một sự phán đoán đúng đắn về thực tại, bởi vì chúng khép kín một người lại trên chính mình, hơn là mở ra cho Thiên Chúa và cho người khác. Trái lại, như ĐGH Phanxicô nhắc nhở gần đây, “thật là thích đáng đối với Chúa Thánh Thần để loại bỏ nơi chúng ta việc tập trung trên chính mình, và mở lòng chúng ta cho “chúng ta” của cộng đoàn: để nhận và để cho. Chúng ta không ở trung tâm, chúng là một khí cụ của ân huệ đó cho người khác (Diễn từ chung, 6/6/2018).
Con tim được bảo vệ nếu nó được trao phó cho Chúa trong hoạt động mỗi ngày của sự cho đi: “Hãy đặt tâm trí bà trước tấm gương vĩnh cữu! Hãy đặt linh hồn bà trong sự sáng chói của vinh quang! Hãy đặt con tim của bà trong nhân vật mang bản tính thần linh, qua việc suy niệm, biến đổi toàn bộ con người của bà thành hình ảnh của chính Thiên Chúa, để rồi chính bà có thể cảm thấy điều những người bạn cảm thấy trong việc nếm hưởng sự ngọt ngào ẩn giấu mà, từ ban đầu, chính Thiên Chúa đã dành cho những người yêu của Người (3LAg 12-14).
Sự biện phân đích thực đòi hỏi một sự thanh luyện cho việc nếm hưởng sự vật của Thiên Chúa, có khả năng để nhận biết hương và vị của Tin Mừng trong những biến cố của đời sống, trong những con người chúng ta gặp gỡ, trong những chị em mà chúng ta sống với, cũng như trong những người sống ở nơi khác. Sự thực hành chiêm niệm này được trao phó cho các bạn, hỡi các chị em, trong mỗi dạng thức đặc thù và mạnh mẽ, nhờ đó phán đoán trở nên chín chắn và trở thành ưu điểm cho sự biện phân. Clara là bậc thầy đích thực về sự biện phân: những tình huống thật trong đối thoại với những giá trị được nhìn nhận cách công khai, mà không có đặc ân của các huyền nhiệm hay những thỏa hiệp cho sự tiện lợi. “Nhưng xác thịt của chúng ta không phải là đồng, và sức mạnh của chúng ta không phải là sức mạnh của tảng đá, đúng hơn, chúng ta mỏng dòn và nghiêng chiều theo những yếu đuối của thân thể! Bởi đó, tôi nài xin chị em, những người tôi yêu quý, kềm chế một cách khôn ngoan và cẩn trọng khỏi sự khổ hạnh thiếu suy xét và quá đáng trong việc chay tịnh mà chị em đang đảm nhận. Và trong Chúa, tôi nài xin chị em ca ngợi Chúa bởi chính đời sống của chị em, dâng lên Chúa sự phục vụ hợp lý của chị em và (nhờ đó) hy sinh của chị em thấm đẫm hương vị” (3LAg 38-41).
THANH LUYỆN NƠI Ý MUỐN
Tiến trình của biện phân được hướng tới cảm giác bị thách đố bởi lời của Thiên Chúa để sống trong sự vâng phục đối với Người: nó nhắm đến việc ở lại trong lịch sử theo cách thức của Tin Mừng, đi theo dấu chân của Đức Giêsu để vương quốc của Thiên Chúa có thể tăng trưởng trong thế giới. Các dự phóng của chúng ta là tốt nếu chúng không phải “chỉ của chúng ta”, nếu chúng sinh hoa trái, như một cái rễ, từ ý muốn của chúng ta tới sự cộng tác với tất cả con tim của mình trong công trình mà Chúa đang thực hiện.
Thật là tốt để chọn bất cứ điều gì giữ chúng ta trong sự liên kết với Chúa, và loại bỏ bất cứ điều gì tách chúng ta ra khỏi Người. Clara có thể bác bỏ đề nghị của ĐGH Gregory IX – để được giải thoát khỏi sự bó buộc của đức nghèo cao cả và chấp nhận của cải mà chính ngài ban tặng- và tuyên bố với sự đơn thuần và chân thật: “Thưa Đức Thánh Cha, con không bao giờ ao ước thoát khỏi việc đi theo Chúa Kitô” (LegsC 14), và thánh nữ đã cổ vũ Anê thành Paraga, trong một tình huống tương tự, trong việc ôm ấp Đấng Chịu Đóng Đinh nghèo khó (x. 2LAg 17-18).
Bởi đó, thật là giá trị và đầy ý nghĩa nơi sự biểu lộ mà cả Clara và Phanxicô đã đặt như một dấu ấn trên những “luật dòng” tương ứng của họ, hầu như tóm kết toàn bộ lối sống (forma Vitae): “Hãy để họ hướng sự chú ý của mình tới điều họ phải ao ước trên tất cả mọi sự khác: đó là có được tinh thần Chúa và hoạt động thánh của Người, để cầu nguyện với Người luôn mãi với con tim thanh sạch, và có sự khiêm nhường, kiên nhẫn trong khó khăn và trong sự yếu đuối, và để yêu mến những người bách hại, vu cáo và buộc tội chúng ta, bởi vì Chúa nói: “Phúc thay những người chịu bách hại vì sự công chính, vì Nước Trời là của họ. Nhưng ai bền đỗ đến cùng sẽ được cứu thoát” (RsC X,9-13).
Trong ánh sáng của những lời này, tóm kết của một đời sống trọn vẹn, chúng ta nhận ra rằng điều ĐGH Phanxicô nói trong tông huấn Về Ơn Gọi Nên Thánh (Gaudete et Exsultate) được hoàn thành trong Clara và bởi Clara: “Biện phân [...] là một tiến trình thật sự đi ra ngoài chính mình để tiến về mầu nhiệm của Thiên Chúa, là Đấng giúp chúng ta sống sứ vụ mà Ngài đã mời gọi chúng ta, vì lợi ích của anh chị em chúng ta” (OGNT 175).
Hỡi các chị em nghèo khó của tôi, tôi hy vọng rằng chị em sẽ có một buổi cử hành vui tươi trong ngày lễ trọng thể của người chị và người mẹ rất yêu quý của chúng ta, thánh Clara thành Assisi. Mến chào chị em!
Roma, ngày 2 tháng 8 năm 2018
Lễ Toàn xá Assisi
Tu sĩ Michael Anthony Perry, OFM
Tổng Phục vụ và tôi tớ
Tu sĩ Phêrô Lê Đình Trị, OFM dịch