“Hãy trở về với tình yêu thuở ban đầu”
“Hãy trở về với tình yêu thuở ban đầu”
Lời mời gọi của Hội Đồng Dòng Mở Rộng trong việc đổi mới và tạo thêm sinh khí cho đời sống của chúng ta ở giữa một thế giới không ngừng đổi thay.
Các anh em thân mến của tôi, không bao lâu nữa, chúng ta sẽ kết thúc Hội Đồng Dòng Mở Rộng (HĐDMR) năm 2018. Tôi hy vọng rằng mỗi một anh em đã trải nghiệm qua một cảm thức sâu đậm về việc thuộc về một huynh đệ đoàn quốc tế của Hội dòng. Qua các bản báo cáo của những Hội đồng, qua các buổi cử hành phụng vụ lớn và nhỏ của chúng ta, qua các buổi giải trí, bữa ăn, và đặc biệt nhất là qua phương pháp / tiến trình “World Café” tại các bàn nhỏ, chúng ta đã có một cơ hội duy nhất để hiểu biết hơn về nhau, về đời sống của các anh em Phan Sinh trong những vùng hoặc Hội đồng khác nhau của Hội Dòng, biết hơn các thách đố mà thế giới, Giáo hội, môi trường tự nhiên và Hội Dòng đang đối mặt. Điều rõ ràng là mặc dù có vài điều khác biệt do hoàn cảnh, vẫn còn có nhiều nhân tố đang nối kết chúng ta lại cả ở bình diện căn tính lẫn ở những hạn chế đặc thù và những thách đố mà chúng ta đang phải ít nhiều đối mặt trong tất cả các đơn vị của chúng ta.
“World Café” và việc mở lòng trí Phan Sinh
Anh em chắc nhớ lại rằng trước khi dấn thân vào qui trình “World Café”, có vài anh em thành viên của HĐDMR đã nói lên thái độ dè dặt của họ. Rất nhiều người trong chúng ta đã được huấn luyện trong những hệ thống ở đó phương pháp nền tảng được sử dụng để phân tích thực tế và giải quyết vấn đề là phương pháp diễn dịch. Ngược lại, cái mẫu “World Café” trước tiên là một phương pháp “quy nạp”. Nó bắt đầu với thực tại của con người, với “cái gì” và rồi dần dà, qua một tiến trình động não, bắt đầu phác họa ra các khuynh hướng và/hoặc những yếu tố chung có thể giúp hình dung cả căn tính lẫn hành động. Một tiến trình diễn dịch bắt đầu với vài giả thuyết khó khăn và chặt chẽ về Thiên Chúa, Giáo hội, đời sống tu trì, hoạt động của con người, cách thức thế giới diễn tiến, nói vắn gọn, “bản chất” một cách nào đó đã “được biết”và “chia sẻ”, và rồi tiến đến một sự phân tích để khẳng định và/hoặc sửa chữa và định hình lại giả thuyết của chúng ta. Cuối cùng, cái được sản sinh ra qua cách lập luận diễn dịch là một cái nhìn rõ ràng, rành mạch về căn tính chúng ta là ai, chúng ta đang đi về đâu, và làm thế nào để chúng ta đến được đó. Trong khi vài yếu tố này có thể xuất hiện trong công việc mà chúng ta làm trong những ngày nay, vẫn còn lại một số điều lộn xộn và chưa hoàn toàn được diễn tả trong các công thức của mỗi một trong bảy đề tài mà chúng ta đã bàn luận ở HĐDMR này. Và đây là điều mà chúng ta chờ đợi ở phương pháp quy nạp, phương pháp mà chúng ta đã chọn để dấn thân vào, và, thực tế là chúng ta đã thấy trước rằng HĐDMR sẽ không sản xuất ra một tài liệu cuối cùng, nhưng sẽ sản sinh ra chất liệu cho một văn kiện được viết ra sau đó, y như cách làm văn kiện của Thượng Hội Đồng Giám mục.
Nhập Thể là một vấn đề khó khăn
Một trong những ẩn dụ mạnh mẽ nhất được trình bày trong Tông huấn về bản chất và vai trò của Giáo hội ngày nay của Đức Giáo hoàng Phanxicô, được tìm thấy trong đoạn 49 của Evangelii gaudium:
“Tôi xin lặp lại nơi đây với toàn thể Giáo hội, điều tôi lặp lại nhiều lần cho linh mục và giáo dân ở Buenos Aires: tôi thích một Giáo hội bị tai nạn, bị thương tích và dơ bẩn vì bước ra đường phố, hơn là một Giáo hội bệnh tật vì đóng kín và an toàn bám víu vào những thứ bảo đảm cho mình. Tôi không muốn có một Giáo hội chỉ lo lắng để trở thành trung tâm và cuối cùng chết cứng với những khối ý tưởng và tranh luận.” (EG, 49)
Kể từ thời Công đồng Vaticanô thứ hai, Dòng Anh em Hèn Mọn đã dốc sức lực, dành các Tổng Tu nghị và HĐDMR cho công cuộc theo đuổi việc “xác định cụ thể” và có được một định nghĩa rõ ràng, chắc chắn và hữu ích về danh tánh, về thế nào là bản chất của một người Anh em Hèn mọn ở giữa một thế giới và một vũ trụ không ngừng thay đổi cách nhanh chóng. Các đổi thay nhanh chóng này đôi lúc để lại đàng sau chúng một cảm thức mất mát, một sự phá hủy tinh thần và tâm lý, và sự bất lực. Thách đố căn bản này đối với bản chất của con người, của các Kitô hữu và của anh em Phan Sinh đã được nhiều nhóm World Café báo cáo với HĐDMR này. Tuy nhiên, một thế giới của đổi thay cũng cần sự thách đố đến từ bản tính con người, bản tính Kitô hữu và Phan Sinh của chúng ta. Nó phải đến một cách tự nhiên khi chúng ta, những Anh em Hèn mọn, như đa số các người khác, đang tìm kiếm điều mà nhiều nhà chuyên môn về truyền giáo đã mô tả như một tiến trình nhận dạng và đòi hỏi “các hằng số trong hoàn cảnh”. Tôi tin rằng chúng ta có thể nói các hằng số này là những yếu tố giữ gìn chúng ta chân thật, không thay đổi, lâu bền, không lệ thuộc vào các áp lực của sự thay đổi đang xảy ra trong các môi trường khoa học, xã hội hoặc tự nhiên.
- tương quan sâu đậm và trung tín với Thiên Chúa;
- dấn thân cho tình huynh đệ Phúc Âm;
- dấn thân sống ở giữa và làm việc với những anh chị em nghèo, bị bỏ rơi, sống bên lề;
- theo đuổi một linh đạo lữ hành để phục vụ sứ mạng truyền giáo của Giáo hội; và
- một ước muốn mở lòng ra với việc thường huấn và hoán cải tâm trí.
(Năm ưu tiên của Dòng)
Đồng thời, trong quá trình nghiên cứu các bản phúc trình đến từ 13 Hội đồng và Hạt dòng Thánh địa, chúng ta ngày càng thấy rõ là những bối cảnh trong đó các giá trị cốt lõi này được trải nghiệm, đòi hỏi một sự suy nghĩ lại việc làm thế nào sống cách tốt nhất các giá trị chủ yếu này nhằm đánh thức dậy lại trong chúng ta “mối tình đầu” của chúng ta, và cũng nhằm đòi hỏi chúng ta sáng tạo lại những hình thức đặc biệt qua đó chúng ta sống và chia sẻ các giá trị này. Chúng ta không thể giản đơn tiếp tục làm những gì chúng ta đang làm, như thể các “bầu da rượu cũ” có khả năng đón nhận và đủ sức chịu đựng “rượu mới”. Chúng ta chỉ cần nhìn vào vấn đề di dân vốn là một hiện tượng / vấn đề chung trong tất cả các Hội đồng và Hạt dòng Thánh địa. Các thách đố phát xuất từ những hình thức mới của di dân thách đố chúng ta sáng tạo ra những giải đáp mới xuất phát từ sự dấn thân nền tảng của chúng ta như những người Anh em Hèn mọn, nhằm chứng minh sự sẵn sàng đón tiếp và đồng hành với các anh em và chị em của chúng ta trong một cách thức phản ánh cách cao độ nhất con người chúng ta là những môn đệ của Đức Giêsu phục sinh, những người đi theo thánh Phanxicô, và những thành phần của thân thể Đức Kitô là Giáo hội. Điều này cũng áp dụng cho những thách đố mà chúng ta phải đối đầu để đáp lại các đòi hỏi của giới trẻ, đáp lại sự biến đổi khí hậu toàn cầu do con người gây ra, đáp lại bạo lực, các hậu quả của truyền thông xã hội, và ở một phạm vi rộng lớn, các vấn đề có liên hệ với nhau được nêu lên trong các bản báo cáo của các Hội đồng, bởi hai chuyên viên đến từ bên ngoài (Ts Maryann Cusimano Love, Đức Hồng y John Onaiyekan) và qua tiến trình World Café.
Các “hằng số” hoặc các giá trị cốt lõi của đời sống Phan Sinh được diễn tả trong 5 ưu tiên, hoặc 7 cộng một giá trị ( Ite (Hãy đi), Nuntiate (Hãy loan báo), với việc bao gồm chiều kích Công lý, Hòa bình, và sự Vẹn toàn của Tạo thành) cho thấy rõ rằng chúng ta không thể trốn chạy những thách đố đang lao vào chúng ta – thật ra, chúng đang khuấy động bên trong chúng ta, bên trong các huynh đệ đoàn và Hội Dòng của chúng ta. Nói đúng hơn, chúng ta được Chúa Giêsu, thánh Phanxicô, Giáo hoàng Phanxicô, và Giáo hội kêu mời chấp nhận các thách đố này và nhìn nhận ở bên trong chúng những cơ hội để khẳng định lại đoàn sủng của chúng ta và diễn tả đức tin và lòng tín thác tràn đầy của chúng ta vào Thiên Chúa, cũng như niềm tin vào sự hiện diện và hình ảnh của Người trong mỗi một sinh vật (“Laudato si”). Chính bởi do niềm tin sâu xa và lòng tin cậy vào sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế giới mà chúng ta, một lần nữa, diễn tả sự sẵn sàng của chúng ta chấp nhận thử thách vì Nước Trời, một vương quốc của sự thật, công lý, tình yêu, tự do và tha thứ, “5 trụ cột” của hòa bình. (Giáo hoàng Phaolô VI, Thánh Gioan Phaolô II)
Tôi nghĩ: sẽ không sai khi nói rằng sự việc các thành viên của HĐDMR tiếp cận các dữ liệu suy tư như thế nào, có thể cho thấy hai cách suy nghĩ hoàn toàn khác nhau. Nhiều người cảm thấy dễ chịu hơn khi lấy các “hằng số”của danh tánh của chúng ta như được mô tả ở trên, làm khởi điểm và sử dụng cách minh nhiên ngôn ngữ tôn giáo, làm cho động cơ công việc của họ nên rõ ràng. Theo cách này, các hành động vốn có thể được giải thích cách đơn giản như những can thiệp nhân đạo, không cần gắn liền với một nhãn quan Kitô giáo đặc biệt nào về thế giới, lại có thể được xem như phát xuất từ một sự gắn liền với các “hằng số” này. Nhiều thành viên khác của Hội đồng lại cảm thấy thoải mái khi sử dụng những hạn từ “đời” (secular) hơn, tiếp cận vấn đề danh tánh thông qua việc phân tích các đề tài chủ yếu, và cùng lúc mặc nhiên hiểu rằng lý do của sự dấn thân của chúng ta được đặt nền tảng trên đức tin và lòng trung thành với cùng những “hằng số” đó. Vấn đề ở đây là động lực đức tin của chúng ta thì mặc nhiên hay minh nhiên. Không có cách tiếp cận nào tốt hơn cái nào miễn là đừng phân chia tính siêu việt/ siêu-lịch sử với tính nội tại /lịch sử. Một lối nhìn biến cố nhập thể theo cách kiểu Phan Sinh sẽ dẫn đến một thái độ đón nhận tức thời cả Đức Kitô lẫn con người, đến Đức Kitô chịu đóng đinh và vinh hiển ở San Đamianô và nhóm người phong cùi bên ngoài ranh giới thành Assisi. Tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với tất cả những ai và những gì Người tạo dựng là lời đáp trả đầy đủ nhất lời mời gọi của Đức Kitô mang lấy thập giá, đến và theo Ngài (qc. Mc 8:34; Mt 16:24; Lc 14:27) Chính ở nơi đây mà các hằng số và hoàn cảnh được diễn bày cách đầy đủ, và, nếu được sống trong đức tin và lòng mến, điều này sẽ gây nên cái mà thánh Phaolô mô tả như những điều kiện đón nhận “tạo dựng mới” mà Đức Giêsu mở đầu trong và qua thập giá và sự phục sinh của Ngài (qc. 2 Cor 5:17 t : “Cho nên, phàm ai ở trong Đức Kitô, đều là thụ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi.”)
Từ Hội Đồng Dòng Mở Rộng đến Tổng Tu Nghị 2021: Những bước tiếp theo
Mục đích của HĐDMR, như được trình bày trong Tổng Hiến chương và Tổng Nội quy Dòng, điều 194, là để giúp đỡ vị Tổng Phục vụ và Hội đồng của ngài trong việc quản trị và truyền hứng cho Hội Dòng, khuyến khích những tương quan và liên hệ sâu đậm hơn giữa Trung ương và các Hội đồng, giữa các Hội đồng với nhau, và giúp chuẩn bị Tổng Tu nghị sắp tới. Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn của các thành viên của Hội đồng Dòng, và lòng biết ơn sâu xa của riêng tôi, đối với sự tận tâm của mỗi một anh em thành phần của HĐDMR này, và sự dấn thân hoàn toàn vào phương pháp (World Café), đề ra những lối nhìn mới mẻ và nêu lên những câu hỏi quan trọng về bản chất chúng ta là ai trong tư cách là những Anh em Hèn mọn trong thế giới hôm nay, và làm thế nào đáp trả cách tràn đầy hơn hai lời kêu gọi yêu mến Thiên Chúa và yêu mến tất cả những ai và những gì Thiên Chúa tạo dựng trong một cách thức phản ánh những giá trị và những xác tín sâu xa nhất của chúng ta. Anh em đã đáp trả các đòi hỏi của Điều 194 của Tổng Hiến chương trong một cách thức bao gồm cả hai khía cạnh gợi hứng và thách đố. Anh em đã nêu lên những câu hỏi nghiêm túc về danh tánh và hoạt động để tạo ra một cảm thức về tính rõ ràng của danh tánh, cũng như một cảm thức về tính khẩn trương của Tin Mừng khi đối mặt với một thế giới đang hết sức cần một sứ điệp tình yêu, lòng nhân từ, niềm vui và hy vọng.
Hội đồng Dòng sẽ bắt đầu làm việc ngay khi trở về lại Rôma, xem xét lại tất cả các báo cáo đến từ các Hội đồng của anh em và Hạt dòng Thánh địa. Chúng tôi sẽ duyệt lại tất cả - tôi muốn nhấn mạnh đến chữ “tất cả”- các bình luận và các đề nghị đã được mỗi một bàn của World Café đệ trình ở mỗi một giai đoạn khác nhau của qui trình làm việc, nhằm bảo đảm rằng chúng tôi không bỏ qua bất cứ ý tưởng và gợi ý mới hoặc hữu ích nào nhằm có thể giúp Hội đồng Dòng cải thiện cách thức chúng tôi quản trị và gợi hứng cho tất cả các anh em của Dòng khao khát đạt đến một cảm thức cao hơn và sâu đậm hơn về đời sống Tin Mừng.
Tiếp theo sau sự xét duyệt và phân tích chất liệu mà chúng ta đã cùng nhau sáng tạo, Hội đồng Dòng có ý định chuẩn bị một văn kiện Hậu-HĐDMR. Văn kiện này sẽ truyền đạt cho các anh em trong Dòng những kết quả của các cuộc bàn luận và biện phân của chúng ta. Cũng y như thế, Hội đồng Dòng sẽ sử dụng các đề nghị của HĐDMR để đề ra nhiều hành động ở cấp độ toàn Dòng (ví dụ thái độ đáp trả lại với thực tại di dân, với các thách đố phúc âm hóa và truyền giáo được trình bày trong “Laudato Si,” v.v…) Các hành động này sẽ giúp tạo nên cách sâu đậm hơn cảm thức thuộc về một huynh đệ đoàn toàn cầu có khả năng dấn thân vào thế giới trong một cách thức đẩy mạnh sự phát triển nhân bản toàn vẹn, sự tràn đầy tính nhân văn và một môi trường sống động. Các hành động đặc biệt này là gì, điều này chưa được xác định; nó sẽ còn đòi hỏi hơn nữa sự phân tích và biện phân về phía chúng tôi, dựa trên công việc của HĐDMR này.
Trách nhiệm của mỗi một thành viên HĐDMR
HĐDMR không kết thúc với việc cử hành Thánh lễ bế mạc và bữa tiệc liên hoan. Cũng giống với việc cử hành bí tích Thánh Thể, chúng ta được kêu mời giữ lấy những gì chúng ta đã trải nghiệm trong giây phút tham dự bí tích này –trong Thánh thể và trong HĐDMR - và chia sẻ nó cho ban lãnh đạo trong tất cả các Hội đồng và Hạt Dòng Thánh địa. Như thế, cấp độ đầu tiên của sự chia sẻ là với vị Chủ tịch của Hội đồng tương ứng (những ai không có mặt ở HĐDMR), với các Giám tỉnh, Giám hạt và Chủ tịch các cơ sở. Nếu ở nơi nào anh em không có một kế hoạch tức thời gặp gỡ Hội đồng của anh em tiếp theo sau HĐDMR này, thì tôi yêu cầu anh em chuẩn bị một bản báo cáo trong đó anh em sẽ trình bày một cái gì đó của kinh nghiệm của anh em về HĐDMR, tiến trình hoặc phương pháp luận được sử dụng, các “kết quả” làm việc theo qui trình World Café, và văn bản cuối cùng được đề nghị sẽ được gởi cho Hội đồng Dòng để sử dụng cho công việc sẽ phải làm tiếp theo sau HĐDMR.
Một trong những điểm yếu lớn nhất của Hội Dòng là sự thất bại trong liên lạc, chia sẻ. Nếu anh em xét thấy hữu ích, tôi gợi ý anh em hãy làm việc với các anh em của các Hội đồng khác trong việc phác họa những gì anh em sẽ chia sẻ với Hội đồng của anh em. Sẽ rất cần thiết khi anh em giải thích các chủ đề mà chúng ta đã thảo luận, đặt chúng vào trong bối cảnh của danh tính đoàn sủng của chúng ta như những môn đệ của Chúa Giêsu phục sinh, thành phần của Hội Dòng và của Giáo hội, và những thành viên có trách nhiệm của cộng đoàn nhân loại. Nếu Hội đồng Dòng, sau khi nghiên cứu lại các tài liệu của HĐDMR, có đề nghị các hành động cho toàn Dòng, thì anh em thiết yếu trở thành những người biện hộ, giải thích các lý do đàng sau các hành động này và xúc tiến chúng như một phương tiện cho việc làm mới lại danh tính đoàn sủng của chúng ta như những thành phần của một huynh đệ đoàn chiêm niệm truyền giáo đang tìm kiếm những phương tiện mới cho việc loan báo Tin Mừng trong những bối cảnh không ngừng đổi thay, và đứng trước một thế giới đối diện với nhiều thách đố, một thế giới đang đi tìm một lý do mới cho niềm hy vọng.
Trên một bình diện thực tiễn hơn, sẽ rất quan trọng việc anh em cộng tác với chúng tôi để bảo đảm rằng bản văn sẽ được Hội đồng Dòng gởi đến cho các Hội đồng, được dịch ra bằng tiếng “mẹ đẻ” của các anh em của mỗi đơn vị. Ngoài ra, cũng sẽ hữu ích nếu anh em làm việc với các Hội đồng trong việc triển khai các công cụ cho việc học tập tài liệu của HĐDMR, và phát huy trang mạng (web) và những công cụ khác hầu giúp tất cả các anh em Phan Sinh dấn thân vào một tiến trình sẽ được tiếp tục cho đến năm 2021 và sau đó.
Một phần của tiến trình của các suy tư Hậu-HĐDMR có thể bao gồm không những các hành động thực tiễn (1 hoặc 2) mà còn những gợi ý cụ thể về việc làm thế nào giúp tất cả anh em của các Hội đồng của anh em tham gia vào tiến trình này. Chúng ta phải nhắc nhủ các anh em rằng chúng ta đang ở trên một cuộc lữ hành; lữ hành không chỉ là một phương tiện canh tân đời sống của chúng ta; nó chứa đựng các hạt giống cho chính cuộc canh tân này. Không có chuyển động –bên trong/tinh thần và bên ngoài/cơ chế - sẽ không có hoán cải. Thật là đơn giản.
Đánh thức lại tình yêu ban đầu của chúng ta đối với Thiên Chúa, với Anh em, với Dân của Thiên Chúa và với vũ trụ được tạo thành.
Để kết luận, tôi muốn trở về lại với bản văn Kinh thánh được dùng như chủ đề xuyên suốt trong việc chuẩn bị và thực hiện HĐDMR này. Tôi quy chiếu về sách Khải huyền, chương 2, câu 3-5a.7:
“Ngươi có lòng kiên nhẫn và đã chịu khổ vì danh Ta mà không mệt mỏi. Nhưng Ta trách ngươi điều này: ngươi đã để mất tình yêu thuở ban đầu. Vậy hãy nhớ lại xem ngươi đã từ đâu rơi xuống, hãy hối cải và làm những việc ngươi đã làm thuở ban đầu….Ai có tai, thì hãy nghe điều Thần Khí nói với các Hội thánh.” (Kh 2:3-5a.7)
Tôi muốn làm nổi bật năm khía cạnh, hoặc yếu tố từ bản văn Kinh thánh này mà tôi cảm thấy chúng rất quan trọng cho những suy tư của chúng ta khi chúng ta chuẩn bị kết thúc giai đoạn hai của tiến trình của HĐDMR.
1. Bản văn này kêu gọi chúng ta nghe một cách nhiệt tình tiếng nói của Thiên Chúa trong đời sống của chúng ta, trong Giáo hội, trong Hội Dòng và thế giới. Đây không phải là hai danh từ mà chúng ta thường đặt chung với nhau, nhưng đây thật là tiếng kêu gọi của Kinh thánh. Chúng ta được kêu gọi trở về lại với niềm đam mê nguyên thủy của chúng ta và lắng nghe Thần khí với niềm say mê đó. Tôi tin rằng ước muốn trở thành những người lắng nghe nhiệt tình đã được các anh em, những thành viên của HĐDMR, minh chứng, trong suốt các cuộc thảo luận và biện phân.
2. Bản văn này được chọn không phải để phê bình các thành viên của HĐDMR, đúng hơn, như một cái khung để hiểu thách đố mà tập thể chúng ta đối mặt trong việc làm sống động huynh đệ đoàn hoàn vũ của chúng ta. Như những Anh em Hèn mọn, chúng ta bám sâu vào Tin Mừng và mẫu gương của Đức Giêsu. Tuy nhiên chúng ta biết là có những anh em chán nản, những anh em có những câu hỏi và những nghi ngờ về tương lai của Hội Dòng, và có lẽ cảm thấy thất vọng là họ -hoặc chúng ta- đã rơi xuống từ “trên cao.” Ở đây, bản văn Kinh thánh ở sách Khải huyền kêu mời chúng ta hối cải vì đã quay sang một bên khỏi mối tình đầu tiên của chúng ta. Điều này không có nghĩa là chúng ta phải thúc đẩy một cuộc trở về lại với quá khứ. Chúng ta không được mời gọi đến với một hình thức say mê mới, một hình thức đề ra một sự đáp trả ấu trĩ không giúp gì nhiều cho mỗi một người chúng ta đào sâu đức tin, niềm hy vọng, khả năng yêu thương và mơ ước của chúng ta. Đúng hơn, nó mời gọi chúng ta chạm vào niềm đam mê mà Thiên Chúa dành cho mỗi một người chúng ta, và đưa niềm đam mê đó vào trong sự dấn thân của chúng ta cho các anh em của chúng ta, cho Giáo hội và cho thế giới.
3. Để cho hình thức dấn thân này được đích thực, được trung thành với ơn gọi là người Anh em Hèn mọn, chúng ta cũng phải học làm mới cách thức thế nào để lắng nghe các anh em của chúng ta, lắng nghe nhau, lắng nghe các mơ ước và cả những thất vọng mà mỗi anh em của chúng ta đang mang trong người. Không những chúng ta phải để cho Thiên Chúa dẫn chúng ta đến một tình yêu đổi mới với Thiên Chúa Ba Ngôi, với Thiên Chúa trong đời sống của chúng ta; chúng ta cũng phải để cho Thiên Chúa dẫn chúng ta đến một tình yêu đổi mới đối với các anh em của chúng ta trong Hội Dòng. Chúng ta phải học những cách mới để nâng đỡ họ khi họ đi qua những đêm tăm tối. Và chúng ta phải ăn mừng sự tốt đẹp của đời sống chúng ta trong cộng đoàn, và quà tặng của ơn gọi của mỗi một người.
4. Sự lắng nghe của chúng ta không thể dừng lại ở sự lắng nghe Thiên Chúa và các anh em chúng ta trong Hội Dòng. Chúng ta phải tiếp tục phát huy những công cụ mới và đề cao bên trong Hội Dòng (cấp độ Hội Dòng, Tỉnh dòng, Hạt dòng, các Cơ sở, những huynh đệ đoàn địa phương) một tinh thần mới lắng nghe tiếng của Chúa nói trong thế giới, tiếng kêu của Thiên Chúa gióng lên từ bên trong dân của Người và từ bên trong vũ trụ đã được Người tạo thành. Các “tiếng kêu” này có thể mang lấy một hình thức tôn giáo rõ ràng, hoặc chúng có thể mang lấy hình thức mà nhiều người không thể nhận ra như tôn giáo. Do bởi đức tin của chúng ta vào Thiên Chúa, chúng ta tin rằng Thần Khí của Chúa đổi mới bộ mặt Trái Đất (Tv 104:30), Chúa yêu mỗi một người ở khắp mọi nơi, và kêu mời tất cả mọi dân tộc, mọi tạo thành đến với Người. Anh em đã mang đến HĐDMR này những bản báo cáo cho biết anh em đã lắng nghe thế giới, Giáo hội, và các anh em như thế nào. Anh em đã chia sẻ các điều này, và cùng nhau, trong một cách thế suy niệm, lắng nghe những gì mà Thần Khí nói trong những bối cảnh khác nhau rất ấn tượng. Chúng ta hãy tiếp tục thực hành nghe cách say mê, nghe Thần Khí với những tâm hồn nhiệt thành. Chúng ta hãy là những sứ giả không chỉ cho một sứ điệp mà còn cho một phương pháp đề cao sự lắng nghe nhau, sự biện phân và hành động tập thể (hợp tác).
5. Lời mời gọi Kinh thánh trở về với “mối tình đầu” của chúng ta, với Thiên Chúa và tính trung tâm của Chúa Ba Ngôi trong đời sống chúng ta cũng phải được đi vào trong cách suy nghĩ và hành động của chúng ta với sự quý trọng các nguồn lực nhân sự và tài chính mà Chúa ban cho chúng ta. Như anh Tổng Quản lý đã trình bày, danh tánh và các giá trị của chúng ta được xem như cung cấp cho chúng ta một cái nhìn trong sáng, công bằng, đạo đức về thế giới, được hướng dẫn bởi những nguyên tắc liên đới, tận dụng các phương tiện giúp quyên góp cách thích hợp và khôn ngoan, giúp quản lý, và báo cáo các nguồn lợi mà chúng ta may mắn có được. Như thế, các khía cạnh tài chính và lợi tức của đời sống chúng ta đòi hỏi sự suy nghĩ tinh thần và thực tế nếu chúng ta muốn chứng minh rằng chúng ta là những người đích thực đi theo Đức Giêsu và thánh Phanxicô Assisi. Điều này chắc chắn sẽ đòi hỏi chúng ta nhìn cách mới mẻ vấn đề tái cấu trúc các đơn vị của chúng ta và của Hội Dòng, dẹp đi những gì – thái độ, cách làm và các cơ cấu vật chất - không đem lại gì nhiều cho sự xúc tiến một dạng lữ hành mang tính tiên tri đang đòi hỏi chúng ta - các Anh em Hèn mọn - ở vào thời điểm đặc biệt này trong lịch sử của thế giới, của Giáo hội và của Hội Dòng. Chúng ta có can đảm để cho cái nhìn đức tin, và các kết quả của sự biện phân của chúng ta dẫn chúng ta đi đến nơi mà Thần Khí của Chúa kêu mời chúng ta không? Điều này phải ở phía trước và trung tâm của sự chất vấn của chúng ta cũng như trong việc tìm kiếm những cách diễn tả xác thực hơn về danh tánh đoàn sủng của chúng ta. Cái gì đang ngăn cản chúng ta?
Để kết luận, tôi muốn một lần nữa cám ơn mỗi một người và mỗi thành viên của HĐDMR về sự dấn thân tích cực của anh em trong việc chuẩn bị và thực hiện chương trình lắng nghe và biện phân này, ở đó Thần Khí Chúa đang nói với Hội Dòng hôm nay. Tôi cũng muốn cám ơn anh em về công việc mà anh em sẽ tiếp tục làm để thông hiệp cho ban lãnh đạo và cho tất cả các anh em ở trong các Hội đồng liên hệ tiến trình và các nội dung của những quyết định của chúng ta. Và còn quan trọng hơn, tôi muốn cám ơn anh em về công việc mà anh em sẽ làm để cổ võ một tiến trình liên tục về việc bàn thảo và biện phân nhằm chúng ta có thể làm cho mỗi một anh em của Hội Dòng tham gia sống tràn đầy đời sống phúc âm mà chúng ta đã được, và tiếp tục được mời gọi.
Một lời cám ơn đặc biệt đội ngủ hỗ trợ đã làm việc ngoài giờ để bảo đảm cho HĐDMR của chúng ta có thể tiến hành các công việc một cách bình an và có hiệu năng. Tôi để cho các anh điều phối viên lên danh sách những anh em mà chúng ta nợ nhiều lời cám ơn, tuy nhiên tôi muốn cám ơn cách đặc biệt công việc của anh Tổng Thư ký của HĐDMR, anh Manuel Curullon, anh phụ tá của anh là anh Tiburce, và tất cả các anh em trợ lực cho các anh ấy, và các anh em thông dịch và dịch thuật; và hai anh điều phối viên, anh Isauro và anh Keith; các anh Tổng và phó quản lý của HĐDMR, anh John và Miro; các anh đảm nhận nhiệm vụ duy trì một nguồn thông tin uyển chuyển và quý báu từ HĐDMR đến Hội Dòng, anh Alvin, anh Silvio và anh Dexter; một lời cám ơn chân thành đến Tỉnh Dòng Phanxicô chủ nhà và anh Giám tỉnh, anh Carmelo. Chúng tôi cũng nhận biết và cám ơn các chị Phan sinh, những người có trách vụ quản lý trung tâm tĩnh tâm này. Các chị đã yêu thương và chăm sóc chúng tôi vượt quá sự mong đợi của chúng tôi. Cũng cám ơn anh Antonio, Tổng Cố vấn và anh Matteo Giuliani đã làm việc sau hậu trường, phân tích các bản báo cáo đến từ các Hội đồng, và cơ cấu phương pháp luận của HĐDMR.
Cuối cùng, tôi muốn dùng lại một suy tư của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Tông thư Gaudete và Exultate, Hãy vui mừng và hớn hở, số 61:
“Đức Giêsu khai mở một con đường để nhìn thấy hai khuôn mặt, khuôn mặt của Chúa Cha và khuôn mặt của người anh em của chúng ta. Ngài không cho chúng ta thêm hai công thức hoặc hai giới răn. Ngài cho chúng ta hai khuôn mặt, hoặc hay hơn, chỉ một khuôn mặt mà thôi: khuôn mặt của Thiên Chúa được phản ánh trong rất nhiều khuôn mặt khác. Bởi vì chính hình ảnh của Chúa được tìm thấy trong mỗi một người anh em và chị em của chúng ta, đặc biệt những người nhỏ bé nhất, những người dễ bị tổn thương nhất, những người không có khả năng tự bảo vệ, và những ai túng quẫn. Thật vậy, với những mẩu của nhân loại yếu đuối này, Thiên Chúa sẽ hình thành công cuộc nghệ thuật của Người. Vì “cái gì bền vững, cái gì có giá trị trong cuộc sống, những của cải nào không biến mất? Chắc chắn là hai cái này: Thiên Chúa và người lân cận của chúng ta. Hai vật quý này không biến mất.”
Anh em, chúng ta hãy bắt đầu…
Alexis Trần Đức Hải, OFM chuyển ngữ