Skip to content
Main Banner
Ngôn ngữ

John Duns Scotus có thể đóng góp gì cho thế giới hôm nay của chúng ta

Administrator
2018-11-12 00:00 UTC+7 524

John Duns Scotus có thể đóng góp gì cho thế giới hôm nay của chúng ta/ Các nhận định của Tổng Phục vụ trong buổi bế mạc hội nghị

 

Ngày 08 tháng 11, 2018, tại hội trường của Đại học Giáo hoàng Antonianum, Hội nghị thường niên đã được tổ chức nhằm tôn vinh Chân phước John Duns Scotus. Anh Michael Anthony Perry OFM, Tổng Phục vụ và Chưởng ấn, đã nói lên những nhận định kết thúc, cũng như đưa ra thông điệp chung cuộc.

Đáp lời Giáo sư Carmela Bianco

« Tính cô độc tột cùng : « sự thông hiệp của tính không thể thông hiệp » của con người trong Giovanni Duns Scoto » (Ultima solitudo : la « comunionale incomunicabilita » della persona in Giovanni Duns Scoto)

Dẫn nhập :

Nhân danh toàn Dòng Anh em Hèn mọn, tôi muốn cám ơn anh Josep Bekan và nhóm của anh, gồm những học giả tài giỏi là những thành viên của Ủy ban Scotus của Dòng, về khối lượng công việc lớn đã làm trong suốt năm nay, và về sự tận tụy trong việc biên soạn bảng chú dẫn cho các tác phẩm của vị Tiến sĩ tế vi, Chân phước John Duns Scotus. Tôi cũng muốn cám ơn cách đặc biệt Giáo sư Carmela Bianco về những nỗ lực không mệt mỏi của giáo sư trong việc giúp thế giới hiểu và tán thưởng tác phẩm của Duns Scotus, cũng như muốn nhìn nhận cuốn sách năm 2017 của giáo sư mang tính tiên phong về vai trò có ảnh hưởng mạnh về sau của tư tưởng của Scotus trong cách hiểu hiện đại về con người (Ultima solitudino, la nascita del concetto moderno di persona in Duns Scoto: tính cô độc tột cùng, sự khai sinh một quan niệm hiện đại về con người trong Duns Scoto)

Giáo sư Bianco đã mô tả cách kỹ lưỡng vai trò nền tảng của tính đặc thù của mỗi cá nhân trong tư tưởng của JDS, và nó đã đóng góp như thế nào cho cách hiểu hiện đại về con người[1]. Để đáp lại, tôi muốn truy nguyên tư tưởng của ngài trong một hướng khác, trở về lại các nguồn của nó trong tầm nhìn của thánh Phanxicô Assisi. Đây là nơi nó được sinh ra. Rồi tôi sẽ hỏi: Scotus có thể cống hiến cái gì cho những điều chúng ta đang đối diện trong thế giới hôm nay.

Như nhiều người trong quý vị đã biết, tôi đã trải qua những khoảng thời gian đẹp của tuổi trẻ của tôi như một người Anh em Hèn mọn tại nước Cộng hòa Dân chủ Congô, một đất nước mà tôi vẫn còn thường xuyên thăm viếng. Điều hiển nhiên ở trong đất nước này, và cũng là trường hợp ở trong nhiều đất nước khác trên thế giới, đó là  sự coi thường trắng trợn và sự thiếu kính trọng đối với nhân phẩm của mỗi con người. Dân chúng bị các nhà lãnh đạo, đúng ra, bởi cộng đồng quốc tế, đối xử như một cái gì kém nhân phẩm, một đám đông không tên, không có gì độc đáo để đóng góp, không có gì chung để chia sẻ. Đáng tiếc là sự coi thường cố hữu nhân phẩm và giá trị của mỗi một người này đã trở nên rất phổ biến trong nhiều nơi trên thế giới. Trên các phương tiện truyền thông, đầy dẫy các tin tức và những bài tường thuật về cảnh ngộ và sự đối xử bất nhân đối với các di dân và người tỵ nạn đi tìm kiếm một nơi ở đó họ có thể tìm thấy hòa bình, sự an toàn, và một chút gì bảo đảm cho tương lại của gia đình họ. Nhiều cuộc chiến và những thôn tính quân sự được phát động nhân danh dân chủ và một trật tự thế giới mới đã chứng kiến một sự hủy hoại rộng lớn nhà cửa, sức khỏe và cuộc sống của rất nhiều người. Bạo lực hằng ngày trên các đường phố, các hiệp ước hòa bình bế tắc và sự mị dân bám cách ngoan cố vào các ý thức hệ của nó, cùng với sự từ chối lắng nghe các ý kiến của những người khác, đã thay thế ý thức về công ích và sự lễ độ. Chúng ta cũng đối diện một ý thức lan tỏa về sự độc lập cá nhân tuyệt đối, sự tự do cá nhân buông thả, và sự đánh mất mối quan tâm đến người khác.

Hiển nhiên đây không phải là bức tranh toàn cảnh về việc con người hành động như thế nào trong thế giới của chúng ta, tuy nhiên cách cư xử này đe dọa làm lu mờ hoàn toàn lòng tốt nơi những người chung quanh chúng ta, làm chúng ta mệt mỏi và không còn hy vọng nào vào một thế giới tốt đẹp hơn. Những hy vọng nào, cái nhìn nào về đời sống con người mà chúng ta có thể cống hiến cho con người hôm nay? Cái nhìn Phan Sinh của Scotus đưa ra cho chúng ta một hứa hẹn nào?

Thế giới của thánh Phanxicô

Thế giới trong đó Phanxicô được sinh ra không khác gì thế giới của chúng ta hôm nay, dù ở một mức độ nhỏ hơn. Biến động khắp nơi. Chiến tranh, những cuộc nổi loạn chống các thể chế dân sự và tôn giáo. Phân chia giai cấp giữa các người giàu (maiores) và người nghèo (minores).Những người ăn xin không đồng xu dính túi và các người phong cùi đi lang thang trên các đường phố xa hoa và tham muốn giàu có, và những con đường bị kẻ cướp đe dọa. Phanxicô chọn đồng hóa mình với những người minores, và trở thành một sứ giả hòa bình và người hòa giải. Ngài có một lòng kính trọng sâu đậm đối với mọi tạo vật trong tính duy nhất của chúng, ngài nhìn chúng như anh em và chị em. Động lực thúc đẩy ngài có cái nhìn như thế chính là tình yêu khiêm hạ của Chúa được tỏ bày qua sự Nhập thể và được đóng ấn một cách vô điều kiện ở trong cuộc khổ nạn.

Phanxicô không phải là một nhà thần học được đào luyện cách bài bản. Ngài diễn tả cái nhìn này bằng những từ ngữ đơn giản và bằng những huấn dụ, nhưng còn hơn thế nữa, bằng các hành động của ngài và bằng cách sống ở giữa dân chúng của thời đại ngài. Vài người gọi ngài là “nhà thần học bản địa” (vernacular theologian). Và công việc của những người đi theo ngài là diễn tả một cách thần học những gì mà ngài đã rao giảng bằng đời sống của chính ngài. Giữa những môn đệ thời đầu đi theo ngài, đáng chú ý là thánh Bônaventura và Chân phước John Duns Scotus. Các vị này đã diễn đạt cái nhìn của Phanxicô trong một hệ thống thần học đáng lưu ý. Do các mục đích của chúng ta, chúng ta chỉ chọn lọc ra những giòng tư tưởng sau mà các ngài đã triển khai từ cái nhìn của Phanxicô.

-- Thiên Chúa là Tình yêu, Ba Ngôi vị liên kết với nhau trong một tương quan tình yêu.

-- Một cách tự do, Thiên Chúa đã chọn lựa mời gọi những người khác đi vào trong tương quan này nơi sự Nhập thể, và trong cái chết của Người Con này, và qua đó, Người diễn tả tính không thể thay đổi của sự lựa chọn này.

-- Tác động hướng ra bên ngoài này của tình yêu đưa đến việc tạo dựng tất cả các vật khác;

-- Thiên Chúa phú cho mỗi một tạo vật tính cá biệt độc nhất và giá trị của nó, cũng như ban cho con người sự tự do yêu thương.

Tư tưởng của John Duns Scotus

Điều trên đưa chúng ta đến sự triển khai của Scotus về “sở ngã tính” (haecceitas), “cái tính này” (thisness), cái làm cho mỗi tạo vật thành cá thể đặc biệt “này”. Cùng với Phanxicô, Scotus xác tín rằng có thể biết một cá thể như nó là, không chỉ bởi những nét bên ngoài có thể quan sát được của nó, nhưng còn “cái tính này” (haecceity) ở bên trong nó. Cái này được biết cách mờ nhạt, bởi một loại trực giác; cuối cùng cái tính độc đáo nhất của chúng vẫn còn là một mầu nhiệm. Ở cấp độ này, haecceitas thì không thể tương thông được, một đơn độc tột cùng (ultima solitudo). Điều này đem lại cho mỗi cá nhân giá trị duy nhất. Học giả chuyên về Scotus, Allan Wolter, giải thích tại sao.

Học thuyết của Scotus về “sở ngã tính” áp dụng cho con người, xem ra làm cho mỗi cá nhân có một giá trị độc nhất: được Thiên Chúa muốn và yêu cách đặc biệt, hoàn toàn khác xa với bất cứ nét nào mà con người chia sẻ với các người khác, hoặc với bất cứ đóng góp nào mà nó –nam hoặc nữ- có thể làm cho xã hội. Người ta thậm chí còn nói, haecceity là món quà cá biệt Thiên Chúa ban cho con người[2].

Ultima solitudo của một cá nhân không được hiểu như một sự cô lập hoàn toàn, một sự cô đơn tù túng. Nếu vì yêu thương mà Thiên Chúa đã tạo dựng con người tự do và ước muốn đón nhận lại tình yêu từ chúng thì cá tính của con người được đan chặt với một mạch khác trong tư tưởng của Scotus: khả năng tương tác, có thể đi vào cách tự do trong tương quan với Thiên Chúa, và với các người khác. Ước muốn của Thiên Chúa đối với một con người có khả năng yêu Người cách tràn đầy không dừng lại ở biến cố Nhập thể. Người có ý định làm các người khác trở thành những người cùng được yêu (condilecti) và cùng yêu (condiligentes) với Đức Kitô.( cfr. Ciro Tammaro’s comments[3] )

Ultima solitudo không nhất thiết làm con người sống tách biệt. Thiên Chúa đã ban cho nó khả năng liên lạc với những người khác, hiệp thông với họ. Đối với Scotus, tất cả đều dẫn đến tình yêu. Anh Charles Balic, một thời gian dài là Chủ tịch của Ủy ban quốc tế về Duns Scotus, đã viết như sau: “Khái niệm tình yêu thống trị toàn bộ nền thần học của Scotus. Nét đặc biệt của tình yêu này là sự tự do tuyệt đối của nó. Như tình yêu trở nên toàn hảo và mạnh mẻ hơn, tự do cũng trở nên cao quý và toàn vẹn hơn ở cả nơi Thiên Chúa và nơi con người.”[4] Sự lớn mạnh trong tình yêu được đón nhận cách tri ân và được trao ban cách tự do làm cho con người trở thành “người” trọn vẹn hơn.

Thế giới ngày nay

Chúng ta có thể rút tỉa ra bài học nào cho thế giới của chúng ta, một thế giới trong đó, nhân danh sự tự do vô hạn, sự tự quản và ích kỷ của chúng ta, nhân phẩm thánh thiêng và xứng đáng với mỗi cá nhân thường bị bỏ qua và vi phạm? Có phương thuốc cứu chữa nào không?

Phương thuốc: Có ai đó đã viết rằng chỉ có tình yêu mới thắng vượt được hận thù và bạo lực hủy diệt chung quanh chúng ta. Đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Đúng là cần có một thay đổi con tim tận căn (metanoia). Như một gia đình nhân loại, chúng ta cần học hỏi, hoặc học lại một cách nhìn nhau mới. Chúng ta không phải là những cá nhân biệt lập không có khả năng giao tiếp. Tính cá nhân không phải là một rào cản không thể vượt qua. Những khác biệt giữa các cá nhân không phải là một đe dọa cần loại bỏ; chúng là một quà tặng cần được kính trọng, được đánh giá cao và được đón nhận. Bước đầu tiên là bỏ qua một bên những cái nhìn phân loại, rập khuôn về “các người khác,” và rồi nhận biết họ như những cá vị với những giá trị, các kinh nghiệm và tầm nhìn của họ. Nhìn họ như khác biệt, đây là một quà tặng cần được xem trọng. Con người không bao giờ có thể biết cách đầy đủ mầu nhiệm của tính độc nhất, dù vậy trong tình bạn và hôn nhân, các cá nhân được thúc bách tìm hiểu sâu xa hơn và khám phá luôn mãi mầu nhiêm của sự khác biệt. “Sở ngã tính” (haecceitas) của mỗi người có thể đan chéo nhau trong tính hỗ tương, trong tương quan với nhau. Biết những người khác trong tính duy nhất của họ và từng bước một vượt chính bản thân mình, cùng đào sâu các mối tương quan với họ là phương thuốc mà Scotus cống hiến.

Công việc của tất cả mọi người. Thay thế các xung khắc gây chia rẽ và các hậu quả vô nhân đạo của chúng, mở rộng và đề cao sự kính trọng hỗ tương và chấp nhận lẫn nhau.  Bắt đầu giảm những khác biệt và vun đắp những liên lạc hỗ tương lành mạnh thì không phải là chuyện dễ. Nó đòi hỏi sự cố gắng liên tục và có phối hợp. Nó không xảy ra qua một đêm. Tuy nhiên nó cũng chẳng xảy ra trừ khi việc phá vỡ các rào cản trở thành mục tiêu chung của chúng ta. Công việc này phải được mỗi một người thực hiện, kể cả ngày qua ngày tiến từng bước một. Mệnh lệnh thì rõ ràng: truyền bá sự kính trọng và quan tâm yêu thương, chớ không phải hận thù và bạo lực.

Công việc suy tư: Để gợi hứng và nâng đỡ chúng ta trong công việc này, chúng ta sẽ cần sự giúp đỡ của những nhà lãnh đạo có công tâm, những người có một tầm nhìn rộng hơn chúng ta, suy nghĩ trên những gì xảy ra trong thế giới và biết được những cách làm cho nó tốt hơn. Họ khai thác các nguồn của những truyền thống nhân bản và tôn giáo, ví dụ như các mệnh lệnh trong Kinh thánh[5] và những trực giác của những nhà tư tưởng như Scotus chẳng hạn. Các vị này có thể tăng sinh lực cho chúng ta khi chúng ta trì trệ hoặc khi chúng ta quên chúng ta cần làm cái gì.

Đó là những gì mà thế giới cần ngay bây giờ.

 

 

 

 

[1] Carmela Bianco, Ultima solitudo: la nascita del concetto moderno di persona in Duns Scoto, 2017

[2] Allan Wolter, Scotus’ Early Oxford Lecture on Individuation, 1992, p. xxvii [ emphasis added]

[3] Cimo Tamarro, “Riflessione sul potere politico nel pensiero di John Duns Scotus: un’anticipazione della teoria sul contratto sociale”

[4] Charles Balic, New Catholic Encyclopedia, Vol. 4, p. 1105

[5] V/d: Mt 5:43-47, 22: 36-38; Mk 12: 30-31; Lk 6: 27-36; Rm 12:11-21

Alexis Trần Đức Hải, OFM, dịch

Chia sẻ