Ký sự Tu nghị lần thứ năm của các anh em khấn trọn dưới 10 năm: ngày thứ tư
Ngày 11 tháng 07
Ngày mới là một quà tặng đến từ Thiên Chúa, và vì thế chúng tôi cử hành Thánh lễ Tạ ơn do anh Antonio Scabio, Tổng Cố vấn, chủ sự.
Hôm nay là ngày lễ kính thánh Biển Đức, thánh quan thầy của Châu Âu và là người sáng lập lối sống đan tu ở phương Tây. Chúng tôi được kêu gọi cầu nguyện cách đặc biệt cho cộng đoàn đan tu Taize là cộng đoàn đang đón tiếp chúng tôi trong những ngày này. Tinh thần của lời cầu nguyện tạ ơn trong Thánh lễ được tiếp tục trong lời kinh sáng của chúng tôi. Nhiều bạn trẻ đến từ nhiều quốc gia khác nhau đã tham gia giờ kinh và cùng hát xướng.
Tiếp theo đó, chúng tôi tham dự buổi suy niệm Thánh Kinh do anh John, một anh em của Cộng đoàn, chia sẻ mỗi ngày cho tất cả các người tham dự. Anh mời gọi chúng tôi suy nghĩ trên đoạn Tin Mừng nói về việc Đức Giêsu rửa chân cho các môn đồ (Ga13, 1-15). Trở lại với đề tài tiếp đón, anh kêu mời chúng tôi suy niệm trên cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu và Phêrô. Cảnh này minh chứng những khó khăn chúng ta đôi khi gặp phải khi chấp nhận sự tử tế đến từ những người khác, nhưng không đáp ứng những gì chúng ta mong chờ.
Phần còn lại của buổi sáng được dành cho việc suy niệm cá nhân, tuy nhiên đây cũng là thời giờ cho những cuộc trao đổi giữa các anh em với nhau trong an bình và thư thái.
Sau buổi cầu nguyện và bữa ăn trưa, mà theo lệ thường, chúng tôi chia sẻ với hai ngàn người khác, trong buổi chiều, chúng tôi tụ họp lại để nghe anh Michael Perry, Tổng Phục vụ của chúng ta. Anh cho chúng tôi không chỉ một mà là hai bài nói chuyện. Anh Michael khai triển buổi nói chuyện bắt đầu từ Tông huấn “Laudato si” của Đức Giáo hoàng Phanxicô: “Sự hiện hữu của con người dựa trên 3 tương quan nền tảng rất gần gũi với nhau: tương quan với Thiên Chúa, tương quan với người thân cận và tương quan với trái đất” (số 66). Từ những suy nghĩ của Đức Giáo hoàng, anh Michael đã quảng diễn thế nào là bản chất chính yếu của đối thoại: đó là cổ vũ một nền linh đạo tương giao và liên đới; là đáp lại “ơn gọi hướng về tình huynh đệ của chúng ta,” đối nghịch lại “sự toàn cầu hóa thái độ dửng dưng” trong việc loan báo Tin Mừng, và trong việc hiểu thế giới của người khác, đặc biệt khi quan điểm của họ khác với quan điểm của chúng ta. Để có thể đối thoại, cần phải là những nhà “thần bí,” những con người chiêm niệm biết làm thế nào để đón nhận tất cả những gì Thiên Chúa đón nhận, đặc biệt những người nghèo và những người bị khai trừ khỏi xã hội. “Đối thoại có nghĩa là đạt đến việc ý thức chân lý sau đây: tất cả mọi sự đều tương quan với nhau, liên kết với nhau, mọi sự đều được hướng về việc cộng tác vào chương trình của Chúa nhằm đạt đến một hòa bình phổ quát và hài hòa. Vì lý do này, đối thoại mang một tầm quan trọng sống còn cho sứ vụ loan báo Tin Mừng của Giáo hội thời đại chúng ta.” Sau phần suy niệm đầu tiên này, anh Michael thêm một suy niệm thứ hai, tập trung trên hết vào trải nghiệm sự khủng hoảng và đau buồn mà nhiều người trong chúng ta đang trải qua trong chính các huynh đệ đoàn của chúng ta,- kể cả những anh em khấn trọn dưới 10 năm. Nhiều vấn đề nhạy cảm được nhắc đến như: sự thiếu tin tưởng và tín nhiệm nhau, nỗi lo sợ bị anh em làm tổn thương, cảm giác bị cô lập trong cộng đoàn, và cơn khủng hoảng muốn rời khỏi Dòng. Bên cạnh mô tả hiện trạng này, anh Michael còn nói thêm làm sao trải nghiệm về khủng hoảng này có thể đem lại lợi ích cho chúng ta. Trong những công cụ cần có để đối mặt với cơn khủng hoảng trên, ngoài sự cầu nguyện, cần có đối thoại. Thật khó để tóm tắt các suy niệm này, do bởi sự phong phú của chúng. Nên đọc bản văn trên mạng!
Chia sẻ nhóm hôm nay có khác với các chia sẻ của những ngày trước một tí: buổi chia sẻ được thực hiện ở giữa các anh em cùng một quốc gia. Bằng vào việc chia sẻ cùng -hoặc tương tự- một nền văn hóa và ngôn ngữ, các anh em tham dự có thể đẩy mạnh hơn và xa hơn các suy nghĩ trên buổi nói chuyện của anh Tổng Phục vụ.
Tiếp theo là bữa ăn chiều và kinh chiều. Chúng tôi kết thúc ngày giống như lúc chúng tôi bắt đầu, bằng việc ngợi khen Thiên Chúa qua tiếng hát và với anh em. Đó không chỉ là giây phút để dâng lên Thiên Chúa lời tạ ơn vì tất cả những điều tốt đẹp Người đã ban cho, mà còn là thời gian để ca khen các anh em của chúng ta.
“Và chiều đến, rồi sáng sớm….ngày thứ tư”.