Skip to content
Main Banner

Porziuncola: Miền Đất Của Sự Hòa Giải Liên Tục

Administrator
2023-08-02 00:00 UTC+7 107

Nhân dịp lễ Đức Bà Các Thiên Thần vào ngày 2 tháng 8 năm nay, chúng tôi đăng bài sau đây về Ơn Toàn Xá Porziuncola của anh Giuseppe Buffon, OFM, giáo sư Lịch sử và Sinh thái học Toàn vẹn tại Khoa Thần học của Đại học Giáo hoàng Antonianum ở Rôma.

Năm nay, khi bước qua ngưỡng cửa ngôi nhà nguyện nhỏ trong Đền thờ Đức Bà Các Thiên Thần để lãnh Ơn Toàn Xá Porziuncola, chúng ta sẽ đặt bàn chân lên một mảnh đất ngập tràn sự tha thứ, vang vọng tiếng của tiền nhân: Đó là những anh em đầu tiên, từ khắp nơi họp về cử hành Tu nghị, để viết một Quy luật cho huynh đệ đoàn. Vâng, vào năm kỷ niệm lần thứ 800 ban hành Luật dòng này, chúng ta không thể không nhớ lại rằng một trong số ít lần, chỉ hai lần, trong đó tên Porziuncola xuất hiện trong các tác phẩm của thánh Phanxicô, chính xác là trong Luật dòng.  

Một trích dẫn khác, không kém phần quan trọng, là “Dụ ngôn về niềm vui trọn hảo”. Ngay cả trong đó cũng lặp lại thời điểm của cuộc đối đầu đau đớn khi bộ luật của các anh em hèn mọn được soạn thảo: Phanxicô bị một huynh đệ đoàn mà giờ đây đã trở thành một Hội Dòng, đông đảo, mạnh mẽ và uyên bác, đuổi ra khỏi cửa.

Trên thực tế, chính Luật dòng nói đến Porziuncola không chỉ như là nơi gặp gỡ, mà còn là nơi xác nhận và cũng là nơi đối đầu, và do đó là nơi hòa giải, nơi được tìm kiếm một cách không mệt mỏi nhưng không bao giờ đạt được hoàn toàn. Chẳng hạn, trong quy tắc định hình đời sống của huynh đệ đoàn, được thiết lập trong Tu nghị lễ Hiện xuống tại Porziuncola, anh em có thể báo cáo bất kỳ hành vi sai trái nào của các Tỉnh Phục vụ của họ với Tổng Phục vụ. Và bản thân anh Tổng Phục vụ có thể được các anh em đánh giá và nếu bị phát hiện vi phạm, anh sẽ được thay thế bằng một anh em khác thích hợp hơn.

Theo một số nhà viết tiểu sử, chính trong Tu nghị tại Porziuncola, Phanxicô đã quyết định từ chức, rút lui khỏi vai trò lãnh đạo huynh đệ đoàn. Một cử chỉ nghiêm túc, ngài muốn chỉ rõ: “Từ bên trong cũng như bên ngoài, tinh thần cũng như thể xác, Phanxicô rất khó chịu, đến nỗi đôi khi các anh em của ngài phải chạy trốn vì bị choáng ngợp bởi sự tra tấn đó, ngài không thể xuất hiện trước mặt họ với sự thanh thản thường ngày của mình”.

Đây là những năm xảy ra cuộc khủng hoảng lớn trong quan hệ giữa Phanxicô và các anh em của mình, những người thường có lập trường và sáng kiến khác xa với ngài, nếu không muốn nói là hoàn toàn trái ngược. Đó là những năm của “cơn cám dỗ rất nghiêm trọng”, theo định nghĩa của các nhà viết tiểu sử, mà Phanxicô chỉ vượt qua được bằng cách đắm mình trong việc lắng nghe Lời Chúa, nghiền ngẫm trong sự thinh lặng của người mẹ ở Porziuncola: “Nếu con có đức tin lớn bằng hạt cải, con có thể bảo núi này, ‘rời khỏi đây, qua bên kia’, nó cũng sẽ qua”.

Đây là những năm tháng mà Phanxicô, gần như bực tức vì trào lưu “các anh em có học thức”, khăng khăng đòi tham khảo các Luật dòng khác, trong một Tu nghị ngài đã thốt ra những lời đầy kịch tính, nghe như một tiếng kêu đanh thép: “Tôi không muốn bất cứ ai nói với tôi về bất kỳ Luật dòng nào, luật Bênêđictô, luật Augustinô, luật Bênađô, cũng như về bất kỳ lý tưởng và lối sống nào khác ngoài những gì Chúa đã nhân từ mặc khải và ban cho tôi. Chúa nói với tôi rằng tôi phải giống như một kẻ điên trong thế giới này, và Ngài không muốn dẫn dắt chúng ta theo bất kỳ con đường nào khác ngoài con đường của khoa học này”.

Đây là lý do tại sao dụ ngôn niềm vui trọn hảo, trong đó Phanxicô nói về việc ngài bị loại ra khỏi huynh đệ đoàn vì ngài “đơn sơ và ngu xuẩn”, mô tả một cách biểu tượng kinh nghiệm của huynh đệ đoàn bị thử thách, của huynh đệ đoàn bị giằng xé để tìm kiếm sự hòa giải, của huynh đệ đoàn bị tổn thương đang mong chờ chữa lành, của huynh đệ đoàn phải đón nhận sự yếu đuối của chính mình để tìm thấy trong đó “niềm vui trọn hảo”. Đối với Phanxicô, chấp nhận tổn thương thay vì tìm kiếm công bằng là cách duy nhất để được tha thứ, mà trên hết là sự hòa giải với chính mình. Đó là một khoa học mới, gần như điên rồ, điên rồ theo Phúc âm.

Đề xuất này chắc chắn là cấp tiến, nhưng nó thường được chứng minh là cách khả thi duy nhất để bắt đầu các quá trình hòa giải, hòa giải xã hội và thậm chí cả chính trị. Trên thực tế, khi xung đột trở thành một cuộc tàn sát như ở Rwanda, và cuộc tàn sát lan rộng như virus, thành đại dịch, biến thành một cuộc chiến tranh toàn cầu, không phân thắng bại, như được chứng minh bởi vô số xung đột ngày nay, thường xảy ra ở trung tâm thành phố, bên trong những ngôi nhà, giết chết trẻ em…, trong sự triệt để của sự tha thứ của Phanxicô, người tìm thấy niềm vui trọn hảo trong sự tổn thương, có lẽ là lối thoát thực sự khả thi duy nhất. Đối với podestà (thị trưởng) và vị giám mục đứng ở hai phía đối lập, trên thực tế, Phanxicô đã đề xuất một sự tha thứ vô điều kiện, không lý do, chúng ta có thể nói, nếu không phải là tình yêu, là sự tổn thương vô điều kiện: “Ngợi khen Chúa, lạy Chúa tôi, vì những ai biết tha thứ vì tình yêu”.

Trong quá trình cực đoan hóa bạo lực, nội hàm của giai đoạn chuyển tiếp này, do đó, câu trả lời duy nhất dường như là của Phanxicô, “vị khách điên rồ” của Malik al Kamil: the barefoot vulnerability of love!

(Nguồn: https://ofm.org/porziuncola-terra-di-riconciliazione-continua.html)

Chia sẻ