Sứ điệp cho tháng Ramadan 2020
Gửi các anh chị em Hồi giáo trên khắp thế giới:
As-salaamu ‘alaykum! Bình an cho anh chị em!
Thay mặt Ủy ban đặc biệt Đối thoại với Hồi giáo của Dòng Anh Em Hèn Mọn, một lần nữa tôi rất vui mừng được gửi lời chào đến anh chị em khi anh chị em cử hành tháng chay thánh Ramadan.
Năm nay, lá thư của chúng tôi gửi đến anh chị em vào một thời điểm ở đó chúng ta cùng nhau trải qua nỗi đau buồn to lớn và sự vật lộn trên thế giới của nhiều quốc gia thuộc mọi tín ngưỡng chống lại Covid-19 trong nhiều tháng qua, và ngay cả bây giờ, đang đau khổ vì cơn bệnh. Chúng tôi cùng cầu nguyện với anh chị em cho những người đã chết – xin Allah thương xót họ - cho những người đang than khóc sự ra đi của họ, cho sức khỏe và phúc lợi của tất cả mọi người.
Ngoài việc lấy mất mạng sống của rất nhiều người và làm gián đoạn cuộc sống làm việc và học tập của chúng ta, cũng như sự chăm sóc gia đình, nó cũng ảnh hưởng đáng kể đến cách chúng ta cầu nguyện và thờ phượng. Trên khắp thế giới, các nơi thánh trống không. Tại Jerusalem, các hội đường Do thái giáo, các nhà thờ Công giáo và các thánh đường Hồi giáo - ở đó tên của Allah thường vang vọng lên (al-Ḥajj 22,40)- đều im hơi lặng tiếng. Tại hai thánh địa Mecca và Medina, lời kêu gọi cầu nguyện chỉ còn là lời mời gọi các cư dân địa phương cầu nguyện thay vì các tín hữu đến từ khắp nơi trên thế giới.Tại Roma, Quảng trường thánh Phêrô và Vương cung giáo đường vẫn còn đóng cửa đối với những người hành hương Công giáo và các tín hữu Kitô giáo. Ở các thành phố, thị trấn và làng mạc trên khắp thế giới, những người có đức tin không thể cầu nguyện như một cộng đồng trong nhà thờ của họ do sự giãn cách và phong tỏa xã hội, được chính quyền và các nhà lãnh đạo tôn giáo thực thi để ngăn chặn sự lây lan của virus.
Tình huống này thậm chí còn tỏ ra khó khăn hơn bởi vì những ngày thánh và tháng linh thiêng này phải được theo dõi đằng sau các cánh cửa đóng kín, trái với tinh thần của những lễ kỷ niệm này. Cộng đồng Kitô giáo trên toàn thế giới đã cử hành Tuần Thánh và Phục Sinh mà không có các nghi thức tượng trưng phong phú, những nghi thức được rất nhiều người mong đợi, không có những cử hành tập thể nhắc nhở chúng ta làm thế nào để đi trên con đường của Đức Giêsu Đấng Cứu thế.(bình an trên Người).
Bây giờ các anh chị em đang tuân thủ tháng Ramadan theo một cách thức tương tự: đơn giản và ảm đạm. Theo nhiều cách, đó là điều trái nghịch lại với tháng Ramadan mà, theo truyền thống, lôi kéo mọi người lại với nhau với số lượng lớn để kết thúc sự giữ chay hàng ngày với iftar (LND: bửa ăn tối vào lúc mặt trời lặn, kết thúc một ngày giữ chay trong tháng Ramadan). Một lần nữa, tôi nhớ lại những lần tổ chức lễ Ramadan ở Cairo, Ai Cập nhiều năm về trước, khi toàn bộ thành phố dọn bàn cho các tín hữu ăn, và đến thăm nhà của bạn bè, nhà này đến nhà khác, suốt đêm. Năm nay, những việc làm như vậy là không thể và bị cấm vì lo lắng cho sức khỏe của cộng đồng.
Chúng tôi, những anh chị em trong gia đình Phan Sinh, những người đã có những lần kỷ niệm như vậy với các anh chị em và với các cộng đồng Hồi giáo trên khắp thế giới, trong năm nay, cũng sẽ cảm thấy một khoảng trống. Việc chia sẻ iftar trong nhà của anh chị em và Đền thờ Hồi giáo của anh chị em đã cho phép chúng tôi biết các anh chị em nhiều hơn, không chỉ là hàng xóm và là đối tác trong việc xây dựng hòa bình, mà còn là những anh chị em với nhau, như những người con của Abraham (bình an trên Ngài). Những kinh nghiệm này đã làm cuộc sống của chúng ta thêm phong phú hơn trong đời sống đức tin và cầu nguyện của chúng ta.
Ngay cả khi chúng ta cách xa nhau về mặt thể lý với các cộng đồng tôn giáo của chúng ta và với nhau, chúng ta phải cổ vũ nhau dành thời gian này để cầu nguyện thường xuyên và sâu lắng hơn, nhớ đến Thiên Chúa là Đấng kêu gọi mỗi người chúng ta tương quan với Người thông qua cầu nguyện, bởi vì đây là bản chất của các tuân thủ tôn giáo của chúng ta. Tôi nhớ lại truyền thống Kitô giáo nói rằng Đức Giêsu (bình an trên Người) đã ở một mình bốn mươi ngày trong sa mạc trước khi Người bắt đầu công khai rao giảng Tin Mừng. Tương tự như thế, chúng ta biết rằng Tiên tri Muhammad (bình an trên Ngài), từng đi lang thang một mình trong những ngọn núi và hang động bên ngoài Mecca, và ngài đã nhận được sự mặc khải đầu tiên từ Thiên Chúa trong một dịp như vậy. Đàn ông và phụ nữ thánh, Kitô giáo và Hồi giáo, trong suốt các thời đại, đã rút lui vào nơi cô tịch để ở một mình với Chúa hầu có thể lắng nghe Lời Chúa cách rõ ràng hơn.
Trong những khoảng thời gian linh liêng này, Allah cũng kêu gọi chúng ta liên lạc với nhau. Cả Kinh Thánh lẫn Qur’an Quang vinh đều nói với chúng ta rằng những mối quan hệ này phải được thể hiện bằng những việc làm chính đáng, đặc biệt là chăm sóc người nghèo và những ai đang đói. Mặc dù bây giờ xa cách nhau trên bình diện thể lý, nhưng chúng ta vẫn có thể kết hiệp với nhau trong tinh thần hòa bình, công bằng và yêu thương, chăm sóc lẫn nhau trong một thế giới xem ra có vẻ bất cần và thậm chí tàn nhẫn. Ngay cả giữa cơn đại dịch này, chúng ta vẫn đau đớn nhận thức được những khó khăn mà người Hồi giáo và Kitô giáo phải chịu đựng ở nhiều nơi trên thế giới chỉ vì họ là người Hồi giáo hoặc Kitô giáo. Đại dịch chỉ làm trầm trọng thêm những tai ương này ở các quốc gia nơi người Hồi giáo và Kitô giáo là thiểu số phải chịu sự phân biệt đối xử và đàn áp.
Trong mùa Phục Sinh và tháng Ramadan này, chúng ta hãy hiệp nhất trong đức tin của chúng ta vào Thiên Chúa, Đấng không bỏ rơi chúng ta trong bóng tối và sự chết, nhưng gửi cho chúng ta những vị thánh tiên tri của Ngài và mạc khải cho chúng ta Kinh Thánh của Người để sáng soi trái tim và tâm trí chúng ta, và bảo đảm với chúng ta rằng Người sẽ mang lại sự sống từ cái chết. Cả lễ kỷ niệm Phục Sinh và lễ Ramadan của chúng ta đều sử dụng biểu tượng ánh sáng để diễn tả niềm tin này. Ngọn lửa và cây nến được sử dụng trong Đêm Vọng Phục Sinh và chiếc đèn lồng Ramadan (tiếng Ả Rập, fanous) nhắc nhở chúng ta về ánh sáng của đức tin và hy vọng ở giữa bóng tối.
Chúng tôi chúc anh chị em một Ramadan đầy phúc lành nhất. Ramadan Mubarak! Ramadan Kareem!
Br. Michael D. Calabria, OFM
Thư ký đặc biệt của Ủy ban Đối thoại với Hồi giáo
Các thành viên của Ủy ban Đối thoại với Hồi giáo:
Br. Manuel Corullon, OFM
Br. Ferdinand Mercado, OFM
Br. Jamil Albert, OFM