Skip to content
Main Banner
Ngôn ngữ

Thánh Phanxicô Và Dante Trong Tông Thư “Candor Lucis Aeternae” Của Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Administrator
2021-04-01 00:00 UTC+7 268

Trong Tông thư “Candor Lucis Aeternae” tưởng niệm 700 năm ngày mất của thi hào Dante Alighieri do ĐGH Phanxicô công bố ngày 25 tháng 3 năm 2021, thánh Phanxicô Assisi được dành cho một vị trí đặc biệt:

Phanxicô, Hôn Phu Của Bà Chúa Nghèo

Trong vòng hoa hồng tinh khiết của các đấng chân phúc với trung tâm là chân dung Đức Maria rạng ngời, Dante đã đặt vào đông đảo các vị thánh. Ông giới thiệu họ như những người nam và người nữ, vượt qua những thử thách của trần thế, đã đạt được mục đích cuối cùng của cuộc đời và ơn gọi. Ở đây tôi sẽ chỉ đề cập đến thánh Phanxicô Assisi, được minh họa trong “Canto XI del Paradiso”, nơi nói về các linh hồn khôn ngoan.

Có một sự hòa hợp sâu sắc giữa Dante và thánh Phanxicô: Đầu tiên, cùng với các môn đồ của mình, Phanxicô rời khỏi tu viện, đi giữa dân chúng, qua các nẻo đường làng và thành phố, rao giảng và thăm viếng họ; điểm thứ hai là sự lựa chọn của Dante, không thể hiểu được vào thời điểm đó, sử dụng tiếng địa phương để sáng tác bài thơ tuyệt vời về thế giới bên kia, và đưa câu chuyện của mình vào các nhân vật cả nổi tiếng và bình dân, nhưng hoàn toàn ngang bằng về phẩm giá. Một đặc điểm khác hợp nhất hai nhân vật: Cởi mở với vẻ đẹp và giá trị của thụ tạo như là sự phản chiếu và “dấu vết” của Đấng tạo ra nó. Làm thế nào chúng ta lại không nghe thấy tiếng vọng “Bài ca các thụ tạo” của thánh Phanxicô trong câu “Ngợi khen Danh Ngài và quyền năng Ngài, hỡi muôn loài thụ tạo” trong lời diễn giải của Dante về Kinh Lạy Cha (Purg. XI, 4-5)?

Trong “Canto XI del Paradiso”, sự so sánh này xuất hiện ở một khía cạnh mới, khiến chúng thậm chí còn giống nhau hơn. Sự thánh thiện và khôn ngoan của thánh Phanxicô nổi bật, chính vì Dante, từ trên trời nhìn xuống trái đất của chúng ta, thấy được lòng dạ bẩn thỉu của những kẻ tin tưởng vào của cải trần gian: “Ôi những bận tâm điên rồ của con người, / Và những biện luận tồi tệ, / Đang hướng cánh của họ xuống thấp.” (1-3).  Toàn bộ “cuộc đời đáng ngưỡng mộ” của vị thánh được gắn vào mối quan hệ đặc ân của ngài với Bà Chúa Nghèo: “Nhưng để cho lời kể của tôi đỡ tối tăm, / Từ nay xin nhận rõ, qua lời nói rối rắm của tôi, / Cặp tình nhân này là Phanxicô và Bà Chúa Nghèo.” (73-75). Bài ca của thánh Phanxicô nhắc những khoảnh khắc đáng nhớ trong cuộc đời, những thử thách của ngài, và cuối cùng là biến cố thần linh được trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô nghèo khó và bị đóng đinh, bằng việc nhận chịu các dấu thánh: “Khi nhận ra đám dân bất kham này, / Thật khó cải tạo và việc ở lại cũng vô ích, / Người đã trở về hái quả các cây ở Ý, / Trên mỏm đá hiểm trở giữa hai dòng sông Tevero và Arno, / Ngài nhận được từ Chúa ấn tích cuối cùng, / Mà ngài sẽ mang theo mình suốt hai năm.” ( 103-108).

* Các câu thơ (canto) trích theo bản dịch của Nguyễn Văn Hoàn.

(Nguon: https://ofm.org/it/blog/san-francesco-e-dante-nella-lettera-apostolica-candor-lucis-aeternae-di-papa-francesco/)

Chia sẻ