Skip to content
Main Banner
Ngôn ngữ

Toà Thánh kêu gọi hành động khẩn cấp về khí hậu và bảo vệ người di cư

BTT OFMVN 01
2024-06-17 06:37 UTC+7 492
Phát biểu tại Ủy ban Thường vụ lần thứ 34 về Chương trình và Tài chính của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) tại Genève vào ngày 13/6, Đức Tổng Giám Mục Ettore Balestrero, Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc, nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về một cách tiếp cận toàn diện, lấy con người làm trung tâm để thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu rủi ro thiên tai và bảo vệ người di cư.

Vatican News

Đức Tổng Giám Mục bắt đầu bài phát biểu, lặp lại những quan tâm của Đức Thánh Cha, đặc biệt chỉ ra bằng chứng biến đổi khí hậu được thấy rõ qua số người di cư ngày càng tăng: Năm 2022, gần 33 triệu người đã phải di dời trong nước do thiên tai, và năm 2023, lũ lụt, bão, động đất, cháy rừng và các thảm họa khác đã khiến thêm 26,4 triệu người phải di dời. Ngài nhấn mạnh những con số này cho thấy thực trạng con người trước biến đổi khí hậu và thiên tai, nhưng không được quên rằng đằng sau những con số thống kê là những con người thực sự và mạng sống đang bị đe dọa. Vì thế cần phải hành động cấp bách để bảo vệ và đảm bảo họ có thể phát triển và sống xứng với phẩm giá Chúa ban.

Đại diện Toà Thánh đưa ra ba điểm quan trọng để ủy ban xem xét. Đầu tiên là thừa nhận mối liên hệ giữa khủng hoảng khí hậu và tình trạng di dời, cho dù đó là do các sự kiện xảy ra nhanh chóng như lũ lụt và bão hay các quá trình diễn ra chậm như sa mạc hóa và mực nước biển dâng. Điểm thứ hai được Đức Tổng Giám Mục đưa ra là mở rộng phạm vi phòng ngừa, giáo dục rủi ro và khả năng phục hồi của cộng đồng để cứu sống và giảm thiểu những thiệt hại về vật chất và kinh tế do thiên tai gây ra. Và cuối cùng, ngài nói đến tầm quan trọng của việc chủ động chuẩn bị cho người dân phải di dời khi không thể tránh khỏi, bằng cách cung cấp thông tin đúng, hỗ trợ cho các quyết định di cư và thiết lập mạng lưới liên đới để thúc đẩy hòa nhập và hội nhập.

Kết thúc bài phát biểu, Đức Tổng Giám Mục Ettore Balestrero nhắc lại lời kêu gọi của Tòa Thánh về một hệ sinh thái toàn diện, một phương tiện quản lý rủi ro thiên tai và ngăn ngừa các vấn đề môi trường. Thêm nữa, hệ sinh thái toàn diện không thể tách rời khỏi khái niệm công ích, trong đó bao gồm các nghĩa vụ đạo đức đối với các thế hệ tương lai, các đảo nhỏ và các nước đang phát triển, cũng như những người dễ bị tổn thương nhất.


Chia sẻ